Vì sao Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nntc6761, 20 Tháng bảy 2021.

  1. nntc6761 ~~~Editing "Ta có ba trúc mã là long ngạo thiên"~~

    Bài viết:
    2,158
    Bác Hồ bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng năm 1911 chính là một sự kiện lịch sử quan trọng. Nhưng chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đó còn quá trẻ. Có người đã từng đặt câu hỏi: Mục đích của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài là gì? Để kiếm sống hay để thỏa mãn những giấc mơ tuổi trẻ kỳ lạ?

    Chàng thanh niên năm ấy sau khi trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời rằng từ năm mười ba tuổi, lần đầu tiên được nghe ba từ tiếng Pháp: "Tự do", "bình đẳng", "bác ái", Người đã muốn tìm hiểu điều gì ẩn chứa trong những từ này; do đó, Người quyết định tìm đường ra nước ngoài.

    [​IMG]

    Nguyễn Tất Thành muốn ra nước ngoài để xem Pháp và các nước khác làm như thế nào, để quay lại giúp đồng bào mình. Khi lên tàu Amiral Latouche-Tréville khởi hành từ bến cảng Nhà Rồng để tìm đường cứu nước vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi, mang theo những lý tưởng và hoài bão to lớn, kiên cường của người trẻ tuổi.

    Trong tình cảnh tựa như đêm không lối thoát vào đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam, lòng yêu nước vẫn là dòng chảy chủ đạo, nồng nàn trong trái tim của bao thanh niên chân chính. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng như vậy. Nhưng khác với họ, và thậm chí khác với các bậc tiền bối, Người đã dũng cảm vượt qua những định kiến về phương thức cứu nước "phong kiến" và lập trường cứu nước dân chủ tư sản của Việt Nam, tìm ra một con đường cứu nước mới. Những nhà yêu nước già đã đến phương Đông (Nhật Bản), sau đó đến phương Bắc (Trung Quốc). Còn con đường mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành chọn là đi về phương Tây, chính là: Không vào hang cọp thì không bắt được cọp. Đây không phải là quyết định chính trị nhất thời, mơ hồ, mà là quyết tâm cao cả, có cơ sở khoa học, phương hướng rõ ràng, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và trí tuệ bậc nhất của người lãnh tụ vĩ đại sau này.

    Quê hương của Nguyễn Tất Thành là làng Sen, thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là một ngôi làng nghèo. Nghèo đến mức người dân đóng khố nhiều hơn là mặc quần, tới mức làng còn có thêm một tên gọi khác là làng Đai Khố. Hầu hết người dân không có ruộng, chỉ có thể làm thuê. Nguyễn Tất Thành sinh ra trong một gia đình trí thức, nhiều đời học hành đỗ đạt, ông ngoại là nhà Nho, bố làm quan lại trong triều đình Huế. Sinh thời, hầu hết các thành viên trong gia đình Nguyễn Tất Thành đều nghèo, và một số còn tham gia vào các hoạt động chống Pháp. Những điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến những hiểu biết về chế độ, về thời đại, về tư tưởng chống giặc và giúp dân giúp nước đã manh nha hình thành từ sớm với cậu bé Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trong những giai đoạn sống tại quê nhà từ nhỏ đến năm 1895 và từ năm 1901 đến năm 1906, sống tại Huế từ năm 1895 đến năm 1901 và từ năm 1906 đến cuối năm 1910.

    Những năm 1910, khi dạy học tại trường Dục Thanh ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành thường gặp gỡ một số nhà Nho yêu nước đương thời, hoạt động bí mật, làm thông tin liên lạc, có ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng nhân dân. Mặc dù rất ngưỡng mộ Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của ai. Chàng thanh niên trẻ đã sớm nhận thức được rằng: Việc Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu Pháp cải cách là tương đương với việc cầu xin kẻ thù thương xót, trong khi Phan Bội Châu hy vọng Đế quốc Nhật Bản giúp đỡ để đánh Pháp thì là một điều nguy hiểm giống như "đuổi hổ cửa trước, rước báo cửa sau". Hoàng Hoa Thám thì thực tế hơn, đánh thẳng tay với Pháp, nhưng theo mọi người, ông vẫn còn đậm chất phong kiến. Nguyễn Tất Thành thấy rõ mình cần phải tự quyết định con đường đi của mình và quyết định tìm việc trên tàu viễn dương để đi "du học". Khi đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cũng từng nói rằng ở thời điểm đó, người dân Việt Nam, trong đó có người cha đã sinh thành ra Người, thường băn khoăn không biết ai sẽ giúp họ thoát khỏi ách thống trị của Pháp, có người nghĩ đó là người Mỹ, người khác thì cho rằng đó sẽ là người Anh. Nguyễn Tất Thành đã chắc chắn phải đi tới phương Tây để học hỏi và quay lại giúp dân tộc Việt Nam. Bởi vì chỉ có đi khảo sát trực tiếp xem điều gì đã tạo nên nền văn minh và sức mạnh của châu Âu, từ đó tiếp thu và lựa chọn đường lối phù hợp mới có thể tự giải phóng được dân tộc mình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười hai 2022
  2. nntc6761 ~~~Editing "Ta có ba trúc mã là long ngạo thiên"~~

    Bài viết:
    2,158
    Quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành biểu hiện như thế nào

    Với lòng hăng say và nhiệt thành, Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, bất chấp những khó khăn, muôn vàn hiểm nguy trước mắt. Với ý chí "sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi", ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, làm phụ bếp trên một tàu buôn của Pháp rời quê hương. Mỗi ngày phải làm từ bốn giờ sáng, quét dọn hết nhà bếp lớn trên tàu, tối đốt lửa trong các lò, đi khuân than, xuống hầm lấy rau, thịt cá, nước đá.. Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp rất nóng và trong hầm rất rét, nhất là khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang trong khi tàu tròng trành, thậm chí có lần suýt chết đuối vì biển nổi sóng to..

    Những ngày trên đất nước Mỹ (năm 1912), Nguyễn Tất Thành làm thuê ở quận Brooklyn (ngoại vi thành phố New York) rồi làm thợ bánh và phụ bếp ở khách sạn Omni Parker House (Boston).

    Tại nước Anh (năm 1913), Người từng làm các công việc nặng nhọc như cào tuyết ở trường học, đốt lò ở hầm, làm phụ bếp ở khách sạn Drayton Court, làm dọn dẹp và rửa bát đĩa ở khách sạn Carlton, sau đó làm thợ bánh học việc đồng thời tự học tiếng Anh.

    Những ngày trở lại Pháp (năm 1917), Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một cửa hàng ảnh, công việc bấp bênh, thu nhập thấp. Người còn làm nhiều nghề khác như: Làm đồ giả cổ, vẽ quạt, lọ hoa, chao đèn.. Mùa đông giá rét, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, Người đều để một viên gạch vào bếp lò của bà chủ nhà. Đến chiều, Người lại lấy viên gạch ra, bọc trong những tờ báo cũ rồi để trên giường cho đỡ rét.

    Chỉ bằng lòng quyết tâm tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã vượt qua tất cả những khó khăn đó trên hành trình dài đằng đẵng 30 năm.
     
  3. nntc6761 ~~~Editing "Ta có ba trúc mã là long ngạo thiên"~~

    Bài viết:
    2,158
    Cha của Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc vốn làm bạn với cụ Phan Bội Châu, hai người vẫn thường nói chuyện với nhau về vận nước. Trong những cuộc nói chuyện như vậy thì cụ Nguyễn Sinh Sắc thường cho cậu bé con mình là Nguyễn Sinh Cung đứng hầu nước một bên. Lúc nào cũng ngồi gần đó nghe bố mình với các bác nói chuyện và hết nước thì lại châm, nên cậu bé Nguyễn Sinh Cung được ngồi đó mà nghe hết những chuyện về đất nước, về thế giới, và ươm trong lòng mình một quyết tâm, một chí nguyện là giải phóng dân tộc từ lúc còn rất bé. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến sau này chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước khi còn rất trẻ.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti, ThuyTrangTiên Nhi thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...