Vì sao làm người tốt thì khó, mà làm người xấu lại dễ dàng đến như vậy? Vì hình tượng của người tốt rất dễ dàng bị sụp đổ.. Dịch bởi: Vĩnh Hạ * * * (Lược dịch) Người viết: Thánh Phạm Cẩm Ý Người xấu làm một trăm chuyện xấu, sau cùng làm được một chuyện tốt, người ta sẽ coi là vẫn còn lương tâm, thành công trong việc tẩy trắng tội vạ trước đây. Người tốt làm trăm chuyện thiện, sau cùng làm ra một chuyện xấu. Chẳng cần biết chuyện xấu đó là thế nào, hay xuất phát từ dụng ý tốt ra sao. Người ta đều chỉ cảm thấy rằng, bạn tha hóa rồi. Thậm chí còn nghi ngờ động cơ của một trăm chuyện tốt trước đây bạn làm. Một kẻ tầm thường, lôi thôi lếch thếch, khạc nhổ bậy bạ trên phố. Nhưng chỉ một lần hắn ta cứu chú mèo nhỡ rơi xuống nước, lại sẽ được tâng bốc vinh danh. Một người tốt bụng, thân thiện, lịch sự hòa nhã. Nhưng một hôm nào đó vì tâm trạng xuống dốc, tiện chân đá chú chó hoang bên đường, hẳn sẽ biến thành mục tiêu bị công kích của vô số kẻ khác. Hình tượng của người tốt rất dễ dàng bị sụp đổ, bởi thế nào thì mới được gọi là người tốt đây? Chính là kiểu người phải biết thỏa mãn lợi ích cho kẻ khác, đó mới gọi là người tốt. Còn nếu chỉ biết thỏa mãn lợi ích cho riêng bản thân, vậy tức là đồ ích kỷ, tốt gì mà tốt chứ? Nhưng mà, kẻ khác ở trên đời này lại vô vàn, sớm muộn gì bạn cũng sẽ chẳng thỏa mãn hết được lợi ích của bọn họ và bỗng trở thành kẻ xấu chỉ biết đi bán lợi cầu danh mà thôi. Đây cũng không hẳn là đấu gạo dưỡng ân, gánh gạo dưỡng thù. Nhưng nếu bạn chỉ chăm chăm vì lợi ích bản thân, thi thoảng mới đi làm hài lòng kẻ khác, hình tượng của bạn lại trở nên rất đẹp đẽ. * * * Cho nên, không phải làm người xấu mới dễ dàng, mà là làm chính mình mới dễ dàng. Bởi làm người tốt, đã định trước là chẳng được làm chính mình. Người tốt, là nhãn mác thiên hạ gắn cho bạn. Nhưng người ta sống, vốn là vì chính mình. Tôi không hẳn là đồng tình với nhận định (của một top comment khác trong bài rằng) người tốt là do họ không được phép trở thành người xấu mà thôi. Thật ra điều mà họ làm không làm được, ấy là những chuyện mưu hại người để tìm lợi lộc cho bản thân mình. Tư lợi cá nhân thật ra cũng khó lắm. Lắm người quần quật cả đời cũng chỉ cần đủ miếng cơm manh áo. Giống như trong phim The Great Buddha+ từng có câu, xã hội lúc nào cũng nhắc đến việc công bằng, chính nghĩa; nhưng trên thực tế cuộc sống của họ lại chẳng hề dùng đến bốn chữ này. Suy cho cùng thì, cầm bát cơm lên là đã mệt hết hơi rồi, còn sức đâu mà đi rao giảng đạo lý nữa. Đại đa số chúng ta, vốn không có thời gian tự vấn xem nên làm người tốt hay người xấu đâu, mỗi ngày cứ tiếp tục như thế mà sống thôi..