Vì sao dã tràng xe cát? Dã tràng là một loại giáp xác cùng họ với cua, thuộc bộ Giáp xác mười chân - Decapoda (cùng bộ với loài ốc mượn hồn, cua ẩn sĩ). Dã tràng sống gần đại dương, hàng ngày thu thập cát xung quanh, cho vào miệng, sau đó sử dụng nước trong cơ thể để tạo thành những quả cầu cát nhỏ, đây là phương thức kiếm ăn độc đáo của loài sinh vật này. Dã tràng có cấu trúc miệng khá độc đáo khiến chúng trở thành chuyên gia sàng lọc cát. Trong quá trình xử lý cát, dã tràng đang lọc lấy thức ăn là các chất hữu cơ và vi sinh vật trong cát. Bởi vậy mà con dã tràng tiếng Anh được gọi là sandcrab - ghép giữa sand là cát và crab là con cua. Con dã tràng còn được gọi là còng hoặc còng gió. Người Việt Nam thường biết đến động vật này qua thành ngữ "Dã tràng xe cát" hay "Công dã tràng", qua truyện cổ tích Sự Tích Con Dã Tràng, hay những câu ca dao, tục ngữ: "Dã Tràng xe cát biển Đông Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì." "Công dã tràng hàng ngày xe cát, Sóng biển dồn tan tác còn chi." "Còng còng dại lắm, không khôn Luống công xe cát, sóng dồn lại tan." Câu "Dã Tràng xe cát biển Đông" có hàm ý gì? Khác với mục đích của loài động vật này là xử lý cát để kiếm ăn, hình ảnh con dã tràng và hình tượng "dã tràng xe cát" trong văn học và cuộc sống đã quen được dùng để chỉ những người chọn làm việc chăm chỉ, nhọc công nhưng kết quả là vô ích. Câu "Dã tràng xe cát biển Đông" hay "Công dã tràng" đều có hàm ý như vậy. Thực ra, ý nghĩa đó cũng bắt nguồn từ thói quen tìm kiếm thức ăn của dã tràng nơi bờ cát, nơi thường xuyên bị sóng biển đánh lẫn lộn phần cát mà dã tràng đã xử lý và chưa xử lý. Hình ảnh con dã tràng và những câu thành ngữ, ca dao có liên quan đến con dã tràng là ví dụ rất điển hình cho việc sử dụng câu với nghĩa hàm ý là chính và nghĩa tường minh là phụ: - Tường minh là hiển ngôn, là rõ ràng. Nghĩa tường minh được sử dụng để diễn đạt các từ trong một câu. Nghĩa hiển ngôn rất dễ nhận ra bởi vì nó được thể hiện thông qua câu từ và bất cứ ai cũng có thể hiểu nó ngay lập tức mà không cần phải suy luận nội dung và ý nghĩa của nó. Nghĩa tường minh còn được gọi với cái tên thông dụng là nghĩa đen. - Hàm ý còn được gọi là hàm ẩn. Nó là phần được tuyên bố nhưng không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ hiển hiện trong câu, chính là hàm ngôn. Người nghe hoặc người đọc có thể hiểu nghĩa hàm ý bằng cách phân tích nghĩa của các từ tạo thành câu và suy luận để suy ra nghĩa hàm ẩn, còn được gọi là nghĩa bóng. Khác với nghĩa tường minh (nghĩa đen), hàm ý là nghĩa ẩn dụ không thể hiểu sơ qua mà đòi hỏi người đọc, người nghe phải suy ngẫm, khám phá bản chất của từ, của câu. Câu "Dã Tràng xe cát biển Đông" cũng là câu đề từ trong bài thơ của nhà yêu nước Phan Chu Trinh: Nhọc mình chi lắm dã tràng ôi? Xe cát xưa nay chẳng thấy rồi. Tháng lụn năm qua cà cụm đấy, Bãi dài sóng cả tạt xô bồi. Mượn hồn Tinh Vệ thù cho bể, Hóa kiếp Ngu Công chống với trời Cuộc thế tang thương đâu đã chắc, Thân này xin hỡi bạn cùng người. Bài thơ được viết vào khoảng năm 1914 - 1915 khi Phan Chu Trinh bị Pháp tống giam. Nỗi bi quan, thất vọng trước cảnh tù đày ít nhiều được thể hiện qua những câu thơ trên. Bên cạnh đó là một lý tưởng bất diệt của ông với con đường cao cả của hòa bình, độc lập, dẫu khó khăn cũng chẳng từ nan, đã quyết chí thì không bỏ cuộc, giống như Dã Tràng trong truyện cổ tích muốn xe cát lấp biển thành đường xuống Long cung bởi không cam tâm bị người ta rắp tâm lừa mất ngọc quý có được từ lòng nhân hậu của mình và mất cả người vợ vì xiêu lòng làm hoàng hậu Long cung mà nỡ đem ngọc quý của chồng đi đổi; giống như Tinh Vệ trong truyền thuyết ôm nỗi lòng báo thù mà lấy từng viên đá lấp biển; giống như Ngu Công trong truyện ngụ ngôn đào đất dời núi thông đường. Dù việc làm có nhọc công và có phần vô ích nhưng quyết tâm làm hết sức mình thì chắc chắn luôn cần thiết trong bất cứ hoàn cảnh nào.