Đánh rắm là kết quả của quá trình đường ruột bài tiết các chất khí qua hậu môn. Khi ta ăn cơm, uống nước, không khí lẫn trong thực phẩm và đồ uống sẽ đi xuống dạ dày và đường ruột. Ngoài ra hàng trăm triệu loại vi khuẩn có trong đường ruột cũng phân giải thức ăn sản sinh ra các chất khí. Vi khuẩn trong ruột còn phân giải các chất dịch trong đại tràng thành khí amoni. Các chất bicacbonat và axit dạ dày còn tác dụng với nhau tạo ra CO2. Các khí trên chiếm 30-40% tổng chất khí trong đường ruột. Một phần chất khí trong dạ dày và đường ruột thoát ra ngoài qua miệng, một phần theo thành ruột khuếch tán ra máu rồi đi theo đường hô hấp. Phần lớn nhất còn lại ra ngoài theo đường hậu môn. Lượng khí tích tụ trong đường ruột càng nhiều thì tốc độ bài tiết xuống càng nhanh. Do các cơ xung quanh hậu môn co lại, đóng chặt hậu môn tạo thành một khu vực áp lực cao nên khi khí thoát cưỡng bức "chui ra" sẽ phát ra tiếng kêu. 99% chất khí đào thải qua hậu môn không phải khí thối. 1% còn lại là amoni, amin bốc hơi, khí hidro sunfit, khí thối.. phần lớn đều do vi khuẩn lên men trong hệ thống tiêu hóa phân thải ra. Thói quen cuộc sống và chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến mùi vị khí thải. Người quen thở bằng miệng, nuốt nước bọt, ăn kẹo cao su hay người già răng yếu thường nuốt vào khá nhiều nước bọt dẫn đến đánh rắm nhiều hơn. Một số thực phẩm chứa khá nhiều chất khí (như bánh bao, kem trứng nước có gas) thực phẩm giàu đường và chất xơ cũng dễ gây "xì hơi". Những người ăn nhiều tỏi, hành tây và hẹ (chứa nhiều hợp chất lưu huỳnh) thường đánh rắm rất nhiều và thối. Ngoài ra những người đường ruột thiếu men tiêu hóa hay bị viêm đường ruột làm rối loạn chức năng bình thường của ruột cũng hay đánh rắm. Tóm lại đánh rắm là hiện tượng sinh lý tự nhiên và rất bình thường của cơ thể nên chúng ta không cần lo lắng và xấu hổ nếu đánh rắm quá nhiều