Vì sao có hiện tượng trăng xanh? Hỡi các con chiên của phim ảnh! Nếu là một tín đồ điện ảnh, hoặc đơn giản chỉ là một người thích xem phim, hẳn các bạn đã từng xem "Smurfs" (Xì trum), và nếu chưa thì xem đi nhé, bản điện ảnh phần 1 và 2 đấy, thú vị lắm! Quay lại vấn đề nào, nếu bạn nào đã từng xem phim này rồi thì chắc hẳn sẽ thấy các chú Xì trum kia lạc sang thế giới loài người do Mặt Trăng xanh xuất hiện, mở cánh cổng dẫn đến thế giới loài người, và có lẽ các bạn cũng đã từng thắc mắc việc "trăng xanh có mở cánh cổng như thế thật không?" hay đơn giản và trưởng thành hơn là "trăng xanh có thật hay không?".. Câu trả lời là có nhé các bạn! Đầu tiên, ta cần biết "trăng xanh là gì?" đã.. Trăng xanh trong tiếng anh là Blue Moon, dịch có vẻ hơi sát nghĩa với trực quan quá, nhưng mà nó đúng, khái niệm này thường được người phương Tây sử dụng để chỉ hiện tượng thiên văn Mặt Trăng tròn xuất hiện lần thứ 2 trong một tháng dương lịch. Thông thường một năm Dương lịch sẽ có 12 lần trăng tròn, tương ứng với 12 tháng. Thế nhưng do mỗi năm Dương lịch (năm chí tuyến) lại dài hơn so với năm Âm lịch 11 ngày, nên những ngày này dần dần sẽ dồn lại để sau khoảng 2-3 năm sẽ lại có thêm 1 lần trăng tròn thứ 13 trong năm, kiểu như năm nhuận trong Âm lịch vậy! Ngoài ra, hiện tượng trăng xanh còn có nhiều tên gọi khác như: Ngày trăng tròn cá tầm, trăng bắp xanh, trăng ngũ cốc và trăng tròn đỏ.. Trên thế giới có rất nhiều cách diễn giải khác nhau về hiện tượng trăng xanh. Người phương Tây đặt tên cho ngày trăng tròn theo thời gian của năm. Do đó, khi Mặt Trăng đến quá sớm mà không có tên thì sẽ được gọi chung là Mặt Trăng xanh. Lịch nhà nông (Âm lịch), cũng có quan niệm gần như tương tự, họ định nghĩa trăng xanh là một kỳ trăng tròn "dư thừa" trong mùa. Thông thường một năm có 4 mùa. Mỗi mùa chỉ có 3 lần trăng tròn. Nếu một mùa có tới 4 lần trăng tròn thì lần trăng tròn thứ 3 sẽ được gọi là trăng xanh. Cần lưu ý là tại các quốc gia vùng vĩ độ ôn đới nói chung, các mùa được coi là bắt đầu vào các ngày phân (xuân phân, thu phân) hay ngày chí (hạ chí, đông chí), nên theo cách hiểu này nếu trăng xanh xảy ra thì đều rơi vào khoảng thời gian xấp xỉ 1 tháng trước ngày chí hoặc ngày phân. Vậy trăng xanh có thực sự có màu xanh không? Cứ 2, 5 năm sẽ xảy ra 1 lần hiện tượng trăng xanh. Nhiều người thường nhầm lẫn về hiện tượng trăng xanh và cho rằng nó sẽ phát ra ánh sáng xanh đúng như tên gọi của nó. Tuy nhiên thực tế thì không phải vậy. Màu sắc của ánh trăng không có liên quan gì đến cái tên trăng xanh cả. Theo đó Mặt Trăng xanh vẫn sẽ có ánh sáng ngả vàng như thông thường và đôi lúc còn có thể ngả sang màu đỏ nhạt. Trăng tròn sẽ tối và đỏ trong suốt quá trình nguyệt thực và hiện tượng này gọi là trăng máu. Tuy nhiên, cũng đã từng có thời điểm Mặt Trăng thực sự biến thành màu xanh. Đây cũng là lý giải cho thuật ngữ Blue Moon đấy! Trên thế giới thuật ngữ "Blue Moon" được sử dụng để chỉ các trường hợp Mặt Trăng thực sự biến thành màu xanh. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, người dân tại Thủy Điển và Canada đã may mắn chứng kiến được hiện tượng thiên văn kỳ thú này. Thời điểm đó cả 2 quốc gia này đều xảy ra hai vụ cháy rừng lớn khiến khói bụi bay vào khí quyển. Các phân tử trong khói đã tác động vào ánh sáng đỏ và vàng của Mặt Trăng để tạo thành ánh sáng xanh. Ngoại trừ nguyên nhân đó, các vụ núi lửa phun trào cũng có thể tạo ra được hiện tượng "trăng xanh". Tuy nhiên các phân tử khói bụi phải đạt một kích cỡ nhất định thì mới tán xạ được ánh sáng phù hợp để tạo ra được hiện tượng này. Do đó xác xuất để chứng kiến siêu trăng xanh, phải nói là vô cùng thấp. Cả đời cũng chưa chắc thấy được. Tuy nhiên, cũng đã từng có trăng xanh trong khoảng thời gian rất dài. Lần duy nhất kể từ năm 1883 đến nay người ta đã ghi nhận được hiện tượng Mặt Trăng xanh kéo dài trên khắp thế giới trong suốt 2 năm. Nguyên nhân là bởi núi lửa ở Krakatoa ở Indonesia phun trào, tro bụi bay vào không gian và len lỏi cả vào những tầng cao hơn của khí quyển. Tro bụi núi lửa Krakatoa có chứa đầy những hạt rộng khoảng 1 micron, cũng là kích cỡ phù hợp để phân tán mạnh mẽ ánh sáng màu đỏ, đồng thời cho phép các màu khác đi qua. Các chùm tia sáng Mặt Trăng trắng chiếu sáng qua các đám mây này trở thành màu xanh lam hoặc màu xanh lá cây. Ngoài màu xanh tồn tại nhiều năm của Mặt Trăng sau vụ phun trào núi lửa nói trên, đôi khi người dân còn nhìn thấy Mặt Trăng có màu tím oải hương và các đám mây dạ quang. Nhiều núi lửa nhỏ hơn cũng đã biến Mặt trăng thành Mặt trăng xanh. Người ta đã thấy trăng xanh theo nghĩa đen vào năm 1983 sau khi núi lửa El Chichon ở Mexico phun trào. Ngoài ra, có nhiều báo cáo về trăng xanh xuất hiện do núi St. Helens hoạt động năm 1980 và núi Pinatubo hoạt động năm 1991. Trăng xanh có ý nghĩa gì? Con người thường khiếp sợ những hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp hoặc những thứ lạ lùng không có lời giải. "Trăng xanh" không phải là ngoại lệ. Nhiều người cho rằng hiện tượng Mặt Trăng xanh này có thể tác động đến hệ thần kinh của con người, đôi khi khiến họ mất kiểm soát. Thậm chí ở phương Tây còn có truyền thuyết nói rằng người sói sẽ xuất hiện vào đêm trăng tròn thứ 2 trong cùng 1 tháng. Khi xưa, các hiện tượng dị thường của tự nhiên thường được coi là điềm báo những sự kiện sắp xảy ra do thần linh sắp đặt. Nhưng đến nay nhiều người vẫn cho rằng các hiện tượng thiên văn kỳ lạ sẽ có liên quan đến ngày tận thế hoặc một đại thảm họa nào đó sẽ xảy ra với loài người. Và hiện tượng "trăng xanh" này cũng vậy. Theo đó, người xưa đã quan niệm rằng, "trăng máu" và "trăng xanh" một khi đã xuất hiện thì sẽ liên quan trực tiếp đến đại họa của loài người. Tuy nhiên đó mới chỉ là những lời phỏng đoán chưa có căn cứ. Và thực sự đến ngày nay, chúng cũng chỉ dừng lại ở mức truyền thuyết và lời đồn. Còn trên thực tế, các chuyên gia của trường đại học California, Mỹ cho rằng ánh sáng của Mặt Trăng đúng là có liên quan đến sức khỏe của con người. Họ giải thích rằng trong những ngày trăng tròn, ánh sáng của trăng đã tác động đến giấc ngủ của con người và gây ra hiện tượng thiếu ngủ, khiến thái độ và hành vi của con người có sự bất thường. Tuy nhiên tác động đó chỉ là tác động nhỏ, hoàn toàn không thể khiến con người phát điên hoặc hóa sói như trong truyền thuyết được. Các nhà khoa học cũng khẳng định, hiện tượng trăng xanh không gây ra bất cứ ảnh hưởng gì quá nguy hiểm cho sức khỏe con người như những lời đồn đoán trên mạng xã hội. Vậy tóm lại, "trăng xanh" chỉ là một tên gọi của chính Mặt Trăng khi nó đến quá sớm so với lịch mà thôi, và thậm chí hiện tượng này còn không ảnh hưởng mấy đến chúng ta, mà đôi khi nó còn là trải nghiệm đáng nhớ hiếm có trong đời nữa đấy!