Hiện tượng động đất Hiện tượng mặt đất bị rung động được gọi là động đất, thang đo phổ biến để đo cường độ của động đất là độ Richter. Trên Trái Đất thường xuyên diễn ra động đất. Những trận động đất nhẹ (1-2 trên thang Richter) thì trung bình cứ hai phút lại xảy ra một lần, nhưng nói chung thì ta không thể cảm nhận được chúng. Còn những trận động đất mạnh sẽ gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho tính mạng và tài sản con người, ước tính mỗi năng xảy ra trung bình 20 trận trên toàn thế giới. Ở thế kỉ trước đã có nhiều vụ động đất kinh hoàng xảy ra gây nên những ám ảnh cho toàn nhân loại. Chúng ta có thể kể đến như: Vụ động đất tại Đường Sơn - Trung Quốc năm 1976 được coi là vụ động đất khủng khiếp nhất thế kỉ 20 khi mà ước tính đã có khoảng 240.000-255.000 người chết và 164.000 người khác cũng bị thương nặng, có tới 85% công trình bị phá hủy hoàn toàn và không thể phục dựng lại được, thiệt hại lên tới 10 tỷ Nhân dân tệ. Động đất và sóng thần tại Indonesia năm 2004 cũng được coi là một thảm họa thiên nhiên đem đến nhiều nỗi ám ảnh khủng khiếp. Cường độ của trận động đất này lên tới 9, 3 độ richter kéo theo sóng thần ở ngoài khơi đảo Sumatra, Tây Indonesia. Trận động đất kiêm sóng thần này đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người ở các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó có 168.000 người Indonesia. Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất lịch sử nhân loại. Qua những số liệu vừa rồi ta có thể thấy sự nguy hiểm của hiện tượng tự nhiên này. Vậy thì động đất là do đâu? Vì sao có thể xảy ra động đất? Động đất là một hiện tượng tự nhiên mà cho đến nay thì tuyệt đại đa số động đất là do chuyển động của vỏ Trái Đất gây nên dù chúng chuyển động rất chậm chạp. Chuyển động ở vỏ này là kết quả của sự giải phóng năng lượng bất ngờ và phát sinh ra sóng địa chấn. Chúng ta đều biết bên trong lòng đất luôn có những biến động nội sinh xảy ra. Những chuyển động này sinh ra nội lực hết sức to lớn, có thể làm cho vòng nham thạch cứng chắc của bề mặt Trái Đất xảy ra nhiều biến động. Khi vòng nham thạch không còn có thể chịu đựng được cái nội lực khủng khiếp đó thì sẽ xảy ra rạn nứt hoặc chèn lên nhau, vậy là động đất được sinh ra. Ta còn có thể giải thích hiện tượng động đất bằng thuyết kiến tạo mảng. Theo đó, thạch quyển (lớp vỏ cứng ngoài cùng nhất của Trái Đất, bao gồm lớp vỏ và tầng trên cùng nhất của lớp manti) được cấu tạo bởi các mảng kiến tạo. Trên Trái Đất có 7 mảng kiến tạo lớn. Các mảng kiến tạo này không đứng yên mà luôn luôn dịch chuyển. Sự dịch chuyển của các mảng kiên tạo này được giải thích là do hoạt động của các dòng đối lưu vật chất quánh dẻo và có nhiệt độ cao trong tầng Manti trên. Ranh giới, chỗ tiếp xúc giữa các mảng kiến tạo là vùng bất ổn, thường xảy ra các hiện tượng kiến tạo, động đất, núi lửa.. Vậy thì động đất là sự bất ổn sinh ra từ chuyển động của các mảng kiến tạo. Ngoài nguyên nhân "tuyệt đại đa số" kể trên thì động đất đến nay cũng đã xảy ra vì các tác nhân khác như: Lực xung kích, hang động đá vôi bị sụp đổ khi núi nửa bùng nổ.. Nên làm gì khi có động đất? Hiện nay ở các quốc gia, chương trình dạy kĩ năng ứng phó với động đất đã được phổ cập rộng rãi, song ở Việt Nam do điều kiện tự nhiên mà loại hình giảng dạy về kĩ năng sống này chưa được biết đến nhiều. Nhưng nếu bạn là một công dân có ý định sinh sống tại những đất nước mà tại đó động đất thường xuyên diễn ra như Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia thì kĩ năng này là vô cùng cần thiết, nhất là khi bạn muốn trở thành những nhà nghiên cứu liên quan đến Địa chất học, Khảo cổ hoặc nhà thám hiểm thì kĩ năng này là một điều tối thiểu. Sau đây hãy cùng chúng tôi điểm lại một số những kĩ năng cần biết để ứng phó với động đất. Khi động đất chuẩn bị xảy ra, ta có thể nhận biết qua một số biểu hiện nhất định sau đây: Thiếu thông tin liên lạc như nhiễu sóng truyền, không thể liên lạc ra bên ngoài, mất điện kéo dài, mất nước trong vài ngày hoặc một tuần, không thể xả bồn cầu, thiếu hụt khí đốt, thiếu hụt thực phẩm một cách kì lạ, thiếu phương tiện giao thông.. Những nguy hiểm chúng ta phải lường trước khi xảy ra khi động đất: Hỏa hoạn là một trong những nguy hiểm khi động đất xảy ra, một ngôi nhà bị cháy có thể lan rộng ra cả vùng. Đi kèm với động đất ở biển có thể là sóng thần, nguyên nhân là do áp suất quá lớn có thể tác dụng lên rìa mảng khiến nó nhảy giật lùi và hình thành các đợt sóng chấn động. Nhà cửa và các công trình xây dựng có thể đổ sập và gây thương vong cho người bị kẹt bên trong. Bóng đèn, máy tính và các vật dụng trong phòng có thể bị rơi vỡ. Bạn có thể bị thương khi dẫm phải các mảnh thủy tinh. Nếu đang ở ngoài, bạn có thể bị kẹt dưới các máy bán hàng tự động, bức tường, biển hiệu, hoặc đồ vật khác. Sạt lở đất cũng là một tình huống nguy cấp khi động đất xảy ra ở các vùng có nhiều núi và đất đá. Những gì bạn cần làm để chuẩn bị cho động đất . Hiện nay nhờ các công nghệ đo lường mà chúng ta có thể dự báo trước được động đất, vậy nên: Đầu tiên, trang bị những kiến thức về động đất và sẵn sàng tưởng tượng xem điều gì có thể xảy ra. Hãy luôn tự đặt câu hỏi bạn sẽ làm gì nếu động đất ập tới ngay lúc này? Nếu động đất xảy ra vào ban đêm thì sao? Sau đó hãy bàn bạc với gia đình, bạn bè và người thân cùng nhau đề ra những phương án chuẩn bị kịp thời. Điều thứ hai, hãy đảm bảo rằng mọi thứ trong nhà bạn đều được an toàn và cố định chắc chắn bằng cách: Đề phòng tủ, bàn và đồ điện tử bị ngã đổ, hãy làm nhẹ hơn đèn treo trên trần nhà bằng cách sử dụng loại tối ưu, đặt dép, đài rađiô, và đèn pin gần giường nằm của bạn và luôn có một bình cứu hỏa cầm tay. Sau đó, hãy xác định các khu vực và đường xá an toàn quanh nhà bạn. Xác định địa điểm có thể đến tị nạn. Điều thứ tư, có cho mình một cách thức liên lạc được với gia đình và bạn bè. Điều thứ năm, hãy luôn có bên mình những vật dụng sẵn sàng cho sự thoát hiểm như thuốc men và kính mắt ở những nơi bạn có thể lấy dễ dàng khi đi. Sẽ tốt hơn nếu bạn chuẩn bị các đồ ăn sẵn, như đồ hộp và nước đóng chai trong nhà bạn đề phòng trường hợp thiếu lương thực và mất nước sinh hoạt. Khi động đất tới, bạn cần chú ý những kĩ năng như: Luôn bảo vệ phần đầu, không hoảng loạn và xông ra ngoài, tắt lửa khi rung chấn yếu đi, đảm bảo lối thoát bằng cách mở cửa. Nếu bạn đang ở ngoài thì hãy tránh xa tường bê tông và máy bán nước tự động, tìm cho mình một nơi đủ rộng và không có gì xung quanh, luôn hạ thấp người xuống và bảo vệ phần ngực. Mong rằng bài viết này hữu ích cho những bạn muốn tìm hiểu vì sao động đất lại xảy ra. Xem thêm: Vì sao các ngôi sao lại nhấp nháy?