Vì sao An Dương Vương mất nước?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 8 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,917
    Vì sao An Dương Vương mất nước?
    Việc mất nước khiến ông phải đối mặt với những bi kịch nào?


    Tóm tắt Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy


    Truyền thuyết "Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy" kể về sự nghiệp xây thành, chế nỏ, bảo vệ đất nước của vua An Dương Vương.

    Truyện kể rằng, vua An Dương Vương quyết định xây thành cao để bảo vệ đất nước. Nhưng thành hễ xây đến đâu lại lở đến đó. Sau, nhờ có thần Kim Quy giúp đỡ, vua An Dương Vương đã xây xong thành Cổ Loa. Sau đó, An Dương Vương còn được Rùa Vàng cho vuốt và chế được nỏ thần. Có nỏ thần, An Dương Vương chiến thắng quân xâm lược Triệu Đà.

    Triệu Đà thua trận, bèn dùng kế cầu hòa. Vua An Dương Vương mắc mưu gả Mị Châu cho Trọng Thủy là con trai Triệu Đà. Trọng Thủy dụ dỗ Mị Châu, lừa đánh tráo được nỏ thần.

    Sau khi đánh cắp được vật báu, Triệu Đà đem quân sang khiêu chiến. Tình hình nguy cấp, An Dương Vương vẫn điềm nhiên chơi cờ. Đến khi mang nỏ ra bắn, nỏ không còn linh nghiệm. An Dương Vương thất bại phải cùng Mị Châu chạy trốn. Mị Châu nghe lời Trọng Thủy rải lông ngỗng trên đường đi.

    Tới bờ biển, Rùa Vàng hiện lên mách bảo, An Dương Vương chém chết Mị Châu rồi cùng Rùa Vàng rẽ nước đi xuống biển.

    Trọng Thủy đuổi theo đến bờ biển, chỉ thấy xác Mị Châu. Vì quá thương tiếc nàng, Trọng Thủy nhảy xuống giếng tự vẫn.

    [​IMG]

    Vì sao An Dương Vương mất nước?

    Nêu những sai lầm của An Dương Vương?


    - Nguyên nhân thứ nhất dẫn đến bi kịch mất nước của An Dương Vương là do ông đã mất cảnh giác với kẻ thù.

    Triệu Đà cầu hôn, An Dương Vương không suy tính trước sau mà đã vội gả con gái Mị Châu cho con trai Đà là Trọng Thủy. An Dương Vương chỉ đơn giản nghĩ rằng, mối quan hệ này sẽ đảm bảo tình hòa hữu giữa hai nước. Nhà vua đâu biết, Triệu Đà vì vốn biết không thể vượt qua chín vòng thành Cổ Loa kiên cố, không có vũ khí lợi hại như An Dương Vương nên đã nghĩ kế trì hoãn bằng sách lược cầu hòa. Hắn còn tiếp tục kế sách của mình bằng cách cầu hôn Mị Châu cho con trai mình là Trọng Thủy.

    Trước mưu sâu kế hiểm, An Dương Vương tỏ ra khá ngây thơ, không mảy may nghi ngờ. Nhà vua đã không phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù, nhận lời gả con gái, tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ thù hoạt động gián điệp ngay trong hàng ngũ của mình.

    Khi xây thành Cổ Loa, chế nỏ thần An Dương Vương biết lo xa, cảnh giác bao nhiêu thì sau khi thắng trận, nhà vua lại mất cảnh giác bấy nhiêu.

    Sự mất cảnh giác của An Dương Vương cộng hưởng với sự mất cảnh giác của Mị Châu đã dẫn đến bi kịch mất nước. Mị Châu cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần mà hoàn toàn quên rằng Trọng Thủy chính là con trai của kẻ thù và hắn có thể là nội gián. Mị Châu đã vô tình tiết lộ bí mật quốc gia, tạo điều kiện để Trọng Thủy ăn trộm nỏ thần và mang nỏ thần về nước.

    - Nguyên nhân thứ hai là do An Dương Vương đã quá chủ quan, khinh địch, ỷ lại vào vũ khí.

    Trọng Thủy mang nó thần về nước, Triệu Đà cất binh sang xâm lược lần hai, An Dương Vương vẫn ung dung, điềm nhiên đánh cờ cười mà nói rằng: "Đà không sợ nỏ thần sao?".

    Nhà vua, đến phút nguy cấp nhất vẫn không hề đưa ra kế sách đánh giặc mà còn ngây thơ tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của nỏ thần. An Dương Vương đã đánh mất sự anh minh, sáng suốt của mình. Chiến thắng chỉ dựa vào vũ khí đơn thuần (lần thứ nhất) đã khiến nhà vua nảy sinh tâm lí chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng. Chính vì sự chủ quan ấy nên An Dương Vương đã phải trả cái giá quá đắt: nước mất, nhà tan.

    Bi kịch của vua An Dương Vương


    + Bi kịch thứ nhất: bi kịch mất nước.

    An Dương Vương là nhà vua có công dựng nước, kiên trì theo đuổi sự nghiệp gây dựng đất nước mà cuối cùng lại tự mình làm mất nước. Ngay cả khi phải bỏ cả thành trì, bỏ muôn dân chạy trốn vẫn bị kẻ thù truy đuổi đến cùng – đó chính là bi kịch của An Dương Vương , là nỗi đau khổ nhất của người đứng đầu một quốc gia.

    + Bi kịch thứ hai: bi kịch nhà tan.

    [​IMG]

    An Dương Vương thua trận, mang theo công chúa Mị Châu chạy trốn, những mong giữ lại chút tình thân bên mình. Nhưng khi Rùa Vàng hiện lên tố cáo kẻ ngồi sau lung ngựa chính là giặc, nhà vua đa tỉnh ngộ. Dù là người cha rất mực yêu thương con, nhà vua vẫn phải đau đớn tự tay chém đầu công chúa Mị Châu – người thân duy nhất của mình. Đau đớn nhưng không thể làm khác.

    Hành động này vừa thể hiện bi kịch của An Dương Vương vừa khắc họa thêm tính cách của nhà vua: khi tỉnh ngộ, nhận ra lỗi lầm, An Dương Vương gạt bỏ tư cách người cha để sống trong tư cách công dân, đã đặt nghĩa nước lên trên tình nhà, xử phạt kẻ có tội với đất nước dù đó là con gái, người thân duy nhất của mình.

    Bi kịch thứ nhất là bi kịch của một người làm vua. Bi kịch thứ hai là bi kịch của một người làm cha.

    Ý nghĩa của Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy.


    "An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy" là một cách giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc. Qua đó, nhân dân ta muốn nêu lên bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng với chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân với cộng đồng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng chín 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,917
    Bi kịch nước mất, nhà tan và thái độ của tác giả dân gian đối với từng nhân vật

    1. Bi kịch nước mất, nhà tan

    - Triệu Đà cầu hôn, vua vô tình gả con gái cho con trai Đà là Trọng Thủy.
    Nhà vua không phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù, tạo điều kiện cho kẻ thù hoạt động gián điệp.

    - Mị Châu cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần là đã vô tình tiết lộ bí mật quốc gia.

    - Trọng Thủy mang nỏ thần về nước, Triệu Đà cất binh sang xâm lược. An Dương Vương vẫn ung dung, điềm nhiên đánh cờ cười mà nói rằng: "Đà không sợ nỏ thần sao?".
    Như vậy, nhà vua đã chủ quan, khinh địch, ỷ lại vào vũ khí. Sai lầm không đáng có của người đứng đầu một quốc gia đã dẫn đến hậu quả: cơ nghiệp đất nước rơi vào tay giặc (bi kịch mất nước).

    - Chạy đến biển đông, cùng đường, vua cầu cứu Rùa Vàng, Rùa Vàng hiện lên kết tội Mị Châu. Người cha không còn cách nào khác là vung gươm trừng trị con mình rồi cùng Rùa Vàng đi vào cõi bất tử của thần linh.

    - Mị Châu chết, Trọng Thủy cũng vì nhớ thương vợ mà chết theo (bi kịch nhà tan).

    - Rơi vào bi kịch, mỗi nhân vật phải gánh chịu nỗi đau vô cùng to lớn:

    + An Dương Vương: đau đớn vì là vị vua yêu nước, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước mà cuối cùng tự tay làm mất nước. Ông cũng là người cha rất mực thương yêu con mà phải tự tay chém đầu con gái yêu quý nhất của mình.

    + Mị Châu: đau đớn vì tin yêu chồng nhưng cuối cùng bị chồng lừa dối, kính trọng cha bị chính cha kết tội, cuối cùng phải chết dưới lưỡi gươm oan nghiệt của cha.

    + Trọng Thủy: vừa muốn có vợ, vừa muốn hoàn thành trọng trách vua cha, nhưng cuối cùng không thể thực hiện được cả hai, có được nước Âu Lạc nhưng đau đớn, ân hận vì là nguyên nhân dẫn đến cái chết của vợ.

    2. Thái độ của tác giả dân gian đối với từng nhân vật.

    Thái độ của tác giả dân gian dành cho nhân vật An Dương Vương


    Nhân dân vừa ca ngợi, vừa phê phán. Ca ngợi vì công lao của vua trong việc xây thành Cổ Loa, phê phán vì mất cảnh giác để mất nước.
    Chi tiết An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc rẽ nước theo rùa vàng xuống biển đã thể hiện thái độ đó của nhân dân. Nhân dân thương tiếc vị vua tài ba, anh dũng nên không muốn ông chết. Chi tiết lòng biển bao dung đón người anh hùng bất tử thể hiện sự ngưỡng mộ và thương tiếc của người xưa. Nhưng so với hình ảnh Thánh Gióng về trời thì chi tiết kể về An Dương Vương không huy hoàng, rực rỡ bằng. Một người ngước lên là thấy, một người phải nhìn xuống sâu thăm thẳm mới thấy. Phải chăng vì một người ra đi trong chiến thắng, một người ra đi trong chiến bại?

    Thái độ của tác giả dân gian dành cho nhân vật Mị Châu


    Nhân dân thể hiện thái độ vừa trách cứ, vừa thương cảm. Mị Châu làm mất tài sản quý, dẫn đến bi kịch mất nước, tội chém đầu là thích đáng, không oan ức gì. Song thực chất, Mị Châu đã bị "người đời lừa dối", không chủ ý hại vua cha, nàng là người đáng thương hơn đáng trách.
    Chi tiết trai sò ăn phải máu Mị Châu hóa thành trai ngọc đã minh chứng cho tấm lòng trong sạch của nàng.

    Thái độ của tác giả dân gian dành cho nhân vật Trọng Thủy


    Trọng Thủy dưới con mắt của nhân dân là một tên gián điệp đội lốt con rể. Hắn đã gây nên cái chết của bao người trong đó có cha con An Dương Vương. Vì thế, tác giả dân gian để cho hắn phải tự tìm đến cái chết với bao xót thương, hối hận giày vò. Đó là sự trừng phạt nghiêm minh, thích đáng.
    Như vậy, những chi tiết thần kì trong truyện góp phần khá quan trọng trong việc thể hiện thái độ của tác giả dân gian đối với từng nhân vật.

    3. Bài học rút ra từ bi kịch nước mất nhà tan

    - Phải đề cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan khinh thướng địch trước bất cứ hoàn cảnh nào. Phải phân biệt rõ bạn thù và không được ỷ lại vào vũ khí.

    - Phải đặt quyền lợi dân tộc, đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, gia đình, kể cả tình yêu của mỗi người cũng vậy.

     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng mười 2021
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,917
    Một số đoạn thơ, bài thơ lấy cảm hứng từ truyện An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy

    Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy là một câu chuyện đặc sắc trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam. Bằng những chi tiết gợi cảm, giàu ý nghĩa, truyện đã nêu lên một cách thấm thía những sai lầm của vua An Dương Vương và công chúa Mị Châu dẫn đến bi kịch nước mất, nhà tan. Từ đó, truyện nên cao tinh thần cảnh giác trước kẻ thù và việc xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng và chung, giữa nghĩa nước với tình nhà...

    Câu chuyện tình éo le, ngang trái và cảnh nước mất, nhà tan bi thảm của An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy đã khơi nguồn cảm hững sáng tác cho nhiều tác phẩm văn học hiện đại. Dưới đây là một số đoạn thơ, bài thơ tiêu biểu:

    Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
    Trái tim lầm chỗ để trên đầu
    Nỏ thần vô ý trao tay giặc
    Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu.
    (Tâm sự - Tố Hữu)

    Em hoá đá trong truyền thuyết
    Cho bao cô gái sau em
    Không còn phải hoá đá trong đời
    Có những lỗi lầm phải trả bằng cả
    một kiếp người
    Nhưng lỗi lầm em lại phải trả bằng
    máu toàn dân tộc
    Máu vẫn thấm qua từng trang tập đọc
    Vó ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay...
    (Trước đá Mị Châu - Trần Đăng Khoa)

    Một đôi kẻ Việt người Tần
    Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương
    Vuốt rùa chàng đổi máy
    Lông ngỗng thiếp đưa đường
    Thề nguyền phu phụ
    Lòng nhi nữ
    Việc quân vương
    Duyên nọ tình kia dở dở dang!
    Nệm gấm vó câu
    Trăm năm giọt lệ
    Ngọc trai nước giếng
    Nghìn thu khói nhang.
    (Mị Châu, Trọng Thủy - Tản Đà)

    Lông ngỗng rơi trắng đường chạy nạn
    Những chiếc lông không biết tự dấu mình.

    Nước mắt thành mặt trái của lòng tin
    Tình yêu đến cùng đường là cái chết
    Nhưng người đẹp dẫu rơi đầu vẫn đẹp
    Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu.

    Giá như như trên đời còn có một Mị Châu
    Vừa say đắm yêu thương vừa luôn luôn cảnh giác
    Không sơ hở, chẳng mắc lừa mẹo giặc
    Một Mị Châu như ta vẫn hằng mơ

    Thì hẳn Mị Châu không sống đến bây giờ
    Ðể chung thuỷ với tình yêu hai ngàn năm có lẻ
    Như anh với em dẫu yêu nhau chung thuỷ
    Ðến bạc đầu bất quá chỉ trăm năm.

    Nên chúng ta dù rất đỗi đau lòng
    Vẫn không thể cứu Mị Châu khỏi chết
    Lũ trai biển sẽ thay người nuôi tiếp
    Giữa lòng mình viên ngọc của tình yêu.

    Vẫn còn đây pho tượng đá cụt đầu
    Bởi cụt đầu nên tượng càng rất sống
    Cái đầu cụt gợi nhớ dòng màu nóng
    Hai ngàn năm dưới đá vẫn tuôn trào.

    Anh cũng như em muốn nhắc Mị Châu
    Ðời còn giặc xin đừng quên cảnh giác
    Nhưng nhắc sao được người hai ngàn năm trước
    Nên em ơi ta đành tự nhắc mình.
    (Mị Châu - Anh Ngọc)

     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...