Trình bày về vấn đề phân biệt tục ngữ và ca dao Tục ngữ và ca dao là hai trong những thể loại văn học dân gian, là các sáng tác tập thể, truyền miệng của nhân dân lao động. Tục ngữ và ca dao là hai thể loại khác nhau nhưng đôi khi ta vẫn bị nhầm lẫn khi phân biệt hai thể loại này. Về khái niệm tục ngữ, theo giáo trình Văn học dân gian Việt Nam do Đinh Gia Khánh chủ biên đã nhận định tục ngữ là "những câu nói ngắn, gọn, có ý nghĩa hàm súc, do nhân dân lao động sáng tạo nên và lưu truyền qua nhiều thế kỉ." Hoàng Trinh thì cho rằng tục ngữ là "Một hành vi đúc kết đạo lí của cuộc sống.. một hành vi ngôn ngữ có tính xã hội..". Tóm lại, tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh và thường mang nhiều nghĩa, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt, được nhân dân áp dụng vào đời sống tư duy và lời ăn tiếng nói hằng ngày. Còn về khái niệm ca dao, theo cuốn sách Lịch sử văn học Việt Nam, tác giả Bùi Văn Nguyên cho rằng "ca dao là những bài có hoặc không có chương khúc, sáng tác bằng thể văn vần dân tộc (thường là lục bát), để miêu tả, tự sự, ngụ ý và diễn đạt tình cảm." Ca dao là phần lời của bài hát dân ca đã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy. Ca dao cũng là thuật ngữ để chỉ những sáng tác thơ ca mang phong cách của những câu hát cổ truyền và đại bộ phận là thơ trữ tình. Với những câu tục ngữ như "Rồng đến nhà tôm", "Kiến tha lâu cũng đầy tổ", "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân".. thì ít ai nhầm lẫn và xác định đó là ca dao, nhưng có những trường hợp hình thức tác phẩm là hình thức lục bát, thơ ca lại khiến cho chúng ta khó phân biệt được đâu là lục bát và đâu là ca dao. Ta có những câu thơ như sau: "Lúa chiêm là lúa bất nghì Cây trước trổ trước chẳng thì đợi ai" Hay: "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa Bay cao thì nắng bay vừa thì râm" Hai câu thơ trên đều mang hình thức lục bát, có vần, nhịp điệu khiến chúng ta liên tưởng và xác nhận đây là ca dao. Thế nhưng khi xét về các tiêu chí để phân biệt tục ngữ và ca dao, ta sẽ phân biệt được những đơn vị ngữ pháp trên là tục ngữ nhờ vào nội dung câu thơ phản ánh. Những câu tục ngữ thường phản ánh những vấn đề mang tính khách quan, lí trí, đề cao tính chính xác: Kinh nghiệm sống lâu đời và có tính chất tập thể được đúc kết quá quá trình quan sát, nhận xét tinh tế các hiện tượng thiên nhiên, phản ứng của sinh vật đối với thời tiết ( "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng bay vừa thì râm"), lao động sản xuất của con người ( "Lúa chiêm là lúa bất nghì/ Cây trước trổ trước chẳng chờ đợi ai") và dần dần trở thành tri thức về khoa học tự nhiên, xã hội của nhân dân lao động. Còn ca dao thường phản ánh những vấn đề mang tính chủ quan, tình cảm, trữ tình và có xu hướng bỏ qua tính đúng, sai mà chú trọng đến thể hiện cảm xúc, thái độ của con người: "Chàng ơi phụ thiếp làm chi Thiếp là cơm nguội chờ khi đói lòng." Hay câu: "Ai làm cho bể kia đầy? Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?" Ngoài ra, còn có những trường hợp khác chúng ta sẽ nhìn nhận và phân biệt được đơn vị ngữ pháp này là ca dao hay tục ngữ khi đặt nó vào trong tình huống giao tiếp, ngữ cảnh nhất định, ví như hai câu sau: "Con ơi nhớ lấy câu này Sông sâu chớ lội, đò lầy chớ qua" Hoặc: "Ai ơi nhớ lấy câu này Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan." Ở câu thơ đầu tiên "Con ơi nhớ lấy câu này/ Sông sâu chớ lội, đò lầy chớ qua", người đang nói muốn truyền tải kinh nghiệm cũng như khuyên ngăn con chớ dùng sức mình để lội qua sông sâu, đò lầy mà hãy đợi chuyến đò sau, hoặc đợi sông cạn bớt nước hẵng qua, nếu không thì rất nguy hiểm đến tính mạng. Nếu xét ở mục đích giao tiếp ấy thì câu trên sẽ được xác định là tục ngữ. Nhưng nếu đặt câu thơ "Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan" vào ngữ cảnh người con đang muốn làm một việc gì đó hết sức nguy hiểm, quá sức so với năng lực của bản thân và người mẹ nói câu đó với con, khi ấy người mẹ đang bộc lộ cảm xúc, thái độ lo lắng cho sự an toàn của con mình. Lúc bấy giờ đơn vị ngữ pháp trên thiên về ca dao hơn. Cũng tương tự, với câu "Ai ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan", nếu trong trường hợp ta thốt ra câu thơ trên với một đối tượng cụ thể là một tên giặc hay một tên quan thì câu thơ trên không còn mang mục đích truyền tải kinh nghiệm nữa mà mang ý nghĩa bày tỏ thái độ đả kích, phẫn nộ, căm ghét đối với các thế lực thù địch, cướp bóc và chà đạp quyền sống con người. Đối với những câu ca dao, thường sẽ được diễn xướng bằng phương thức hát, ngâm.. phù hợp với những môi trường sinh hoạt đông đúc, náo nhiệt như hội hè, hội làng, đình đám để diễn xướng tình cảm, truyền bá văn nghệ, văn hóa của quần chúng còn tục ngữ thường được dùng trong sinh hoạt, nói năng ứng xử hằng ngày của nhân dân. Về cấu tạo, hình thức tối thiểu của ca dao sẽ là một cặp lục bát nhưng lại là hình thức dài nhất của một câu tục ngữ. Không có câu tục ngữ nào dài quá một câu lục bát cả. Ca dao và tục ngữ đều là hai thể loại văn học dân gian đóng góp nhiều bài học, kinh nghiệm sống và tình cảm quý báu của nhân dân ta. Khi phân biệt và gọi tên hai thể loại trên, chúng ta phải đưa ra những tiêu chí, yếu tố cụ thể để xác định chính xác đâu là tục ngữ, đâu là ca dao.