VHDG: Tóm tắt những đặc trưng của thể loại truyền thuyết

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khunglongbietbay, 15 Tháng sáu 2023.

  1. khunglongbietbay

    Bài viết:
    41
    Đề tài:

    Trình bày tóm tắt những đặc trưng của thể loại truyền thuyết (trong 1 trang). - Tự chọn một truyền thuyết mà anh/chị yêu thích và phân tích những đặc trưng của thể loại truyền thuyết thể hiện qua tác phẩm đó.

    Bài làm

    Trình bày tóm tắt những đặc trưng của thể loại truyền thuyết

    a. Đặc trưng nội dung

    - Truyền thuyết tập trung vào hai vấn đề chính: Dựng nước và giữ nước. Đề tài, chủ đề, nội dung chính của truyền thuyết thường bắt nguồn từ những sự kiện, câu chuyện có trong lịch sử và mang ý nghĩa to lớn, quan trọng. Ví dụ như ta có truyền thuyết Hùng Vương; truyền thuyết An Dương Vương; các truyền thuyết phản ánh cuộc chiến đấu chống ngoại xâm như truyền thuyết về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi..

    - Ngoài những vị anh hùng có công lập nước, giữ nước ra, truyền thuyết còn kể về những vị anh hùng văn hóa, các danh nhân lịch sử, bách nghệ tổ sư như Lư Cao Sơn tổ nghề rèn, Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh.. và cuối cùng là những vị anh hùng nông dân phất cờ khởi nghĩa như chàng Lía, Ba Vành..

    - Mặc dù truyền thuyết mang nội dung lịch sử, nhưng truyền thuyết không phải lịch sử mà là nghệ thuật phản ánh lịch sử của địa phương, dân tộc, quốc gia. Những chủ đề tình yêu hay sinh hoạt gia đình.. khi đi vào truyền thuyết đều bị chi phối bởi cảm quan lịch sử. - Truyền thuyết không phản ánh chính xác các sự kiện và nhân vật, mà quan tâm hơn đến sự lay động tình cảm và niềm tin của người nghe sau những sự kiện đó. Chính vì vậy mà truyền thuyết thường gắn với những di tích vật chất (gò, đồi, sông, suối), các di tích văn hóa hay những phong tục thờ cúng và lễ hội.

    b. Đặc trưng nghệ thuật

    - Thời gian nghệ thuật trong truyền thuyết là thời gian quá khứ - xác định, sự việc không đầy đủ chi tiết.

    - Trong truyền thuyết cũng có phần thực và phần hư cấu, trên cơ sở cốt lõi lịch sử và thêm vào nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo khiến cho truyện sinh động, hấp dẫn, đồng thời góp phần lý giải và tô đậm lịch sử theo mong muốn của nhân dân.

    - Mặt khác, yếu tố kì ảo, hoang đường còn là biểu hiện của những tín ngưỡng dân gian. Trong biểu hiện của tín ngưỡng dân gian chia làm ba loại: Tôn sùng anh hùng, những người có công với nước (Thánh Gióng, thánh Tản Viên) ; tôn sùng tự nhiên; tôn sùng tổ tiên.

    - Về nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật truyền thuyết không là bản sao của lịch sử mà là những nhân vật lịch sử

    - Về nghệ thuật xây dựng cốt truyện, cốt truyện thường gồm ba phần: Hoàn cảnh xuất hiện nhân vật chính, sự nghiệp của nhân vật và chung cục thân thế của nhân vật.

    Tự chọn một truyền thuyết mà anh/chị yêu thích và phân tích những đặc trưng của thể loại truyền thuyết thể hiện qua tác phẩm đó.

    Trong một lần phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận định về thể loại truyền thuyết: "Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử, mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lí tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người ưa thích." (Phạm Văn Đồng, Nhân ngày giỗ Tổ vua Hùng, báo Nhân dân, số 549, ngày 29 - 4 - 1969) Những truyền thuyết dân gian, đặc biệt là những truyền thuyết về người anh hùng trong thời kì phong kiến không chỉ có "một cái lõi là sự thật lịch sử" mà ở đó, tư duy lịch sử và tư duy nghệ thuật đan xen vào nhau một cách vô cùng hài hòa, song cũng vô cùng phức tạp. Truyền thuyết Ba Vành là một minh chứng điển hình. Những đặc trưng, giá trị của thể loại truyền thuyết sẽ được thể hiện rõ nét khi phân tích truyền thuyết Ba Vành dưới góc độ đặc trưng thể loại truyền thuyết.

    Về đề tài, Bên cạnh những truyền thuyết về chàng Lía, Quận He.. Ba Vành cũng bắt nguồn từ những sự kiện, câu chuyện có trong lịch sử và mang ý nghĩa to lớn, quan trọng. Cụ thể là truyền lại giai thoại về vị anh hùng nông dân phất cờ khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn Phan Bá Vành. Tuy nhiên, truyền thuyết Ba Vành không phải là một tài liệu lịch sử, không phản ánh chính xác những sự kiện mà ông Phan Bá Vành trong sử thực đã trải qua mà chỉ là một giai thoại để qua đó thấy được tư tưởng, khát vọng cũng như cái nhìn của quần chúng nhân dân đối với những nhân vật lịch sử có thật. Thời gian nghệ thuật trong truyền thuyết Ba Vành không hiện lên rõ ràng, nhưng có thể biết được đó là thời gian quá khứ "Ngày xưa, ở làng Minh Giám có một chàng trai nổi tiếng khỏe mạnh". Truyền thuyết Ba Vành cũng xây dựng cốt truyện tương tự như một số truyền thuyết anh hùng khác, nhân vật chính Ba Vành đề được tái hiện ở ba chặng: Hoàn cảnh xuất hiện nhân vật chính, sự nghiệp của nhân vật và chung cục thân thế của nhân vật. Xuyên suốt ba chặng của cốt truyện Ba Vành, những tín hiệu nghệ thuật, motif và yếu tố kì ảo lần lượt xuất hiện một cách hấp dẫn.

    Trong chặng đầu tiên kể về hoàn cảnh, lai lịch của nhân vật chính, truyền thuyết Ba Vành cũng đề cập đến motif nhân vật sinh ra với hình dáng dị thường: "Lúc mới sinh có nhiều tướng lạ: Tay dài quá gối, răng liền một hàng, trên trán có ba đường chỉ ngang. Vì thế lớn lên, người ta quen gọi chàng là Ba Vành." Ngoài ra, Ba Vành còn mang trong mình sức mạnh trời cho "Còn một điều đặc biệt nữa là ở mỗi bên chân có một chòm lông xoăn. Hai chòm lông này

    Có phép rất mầu nhiệm. Hễ lúc nào nắm lấy chòm lông mà vuốt thì thân thể tự nhiên nhẹ nhõm, có thể nhảy một phóc vọt qua nóc nhà, hay từ trên cây cao buông người rơi xuống đất mà không việc gì." Những chi tiết ấy đều góp phần thể hiện rằng Ba Vành chính là người sinh ra để làm nên công danh hiển hách, khác hẳn người thường. Một số truyện của các dân tộc cũng có loại hình tượng nhân vật nhờ một dị dạng nào đó (như có một sợi lông mọc ở chỗ đặc biệt) mà trở nên có phép lạ, chẳng hạn như nhân vật Cố Bu trong truyện Cố Bu vậy. Việc hư cấu, thêm thắt một số chi tiết về sức mạnh, tài năng của Ba Vành cũng đề nâng cao tầm vóc của người anh hùng, cho thấy sự kì vọng, ngưỡng mộ mà quần chúng nhân dân dành cho ông.

    Ở chặng thứ hai, cũng chính là sự nghiệp của nhân vật Ba Vành, lúc bấy giờ vì sự áp bức của đám nhà giàu và bọn hào cường mà Ba Vành đã trở thành vị thủ lĩnh chống lại triều đình. Hình tượng nhân vật Ba Vành được xây dựng gắn liền với yếu tố phi thường kì ảo chính là tài phi thân nhờ có chòm lông kì dị trên người đã giúp anh luôn thoát khỏi vòng vây của địch hay đi vào doanh trại giết quân lính một cách ngoạn mục. Motif lập được chiến công phi thường cũng là một trong những motif được sử dụng rộng rãi trong truyền thuyết. Ở Ba Vành, những chiến công mà anh lập được chính là nhờ vào sự phù trợ của các vật thiêng, phép lạ mà cụ thể là chòm lông giúp anh "đánh đâu thắng đấy. Nhờ hai chòm lông, Ba Vành xuất quỷ nhập thần. Có những lúc chàng nhẹ nhàng nhảy vào doanh trại địch diệt sạch những tên chỉ huy. Rồi lại nhẹ nhàng nhảy ra, sau đó đưa quân tiến đánh. Bọn lính địch mất tướng như rắn mất đầu, chỉ còn biết vắt chân lên cổ mà chạy." Các tác giả dân gian đã sáng tạo thêm những yếu tố kì ảo như một lá bùa phù trợ cho Ba Vành trong những trận chiến chống lại triều đình. Có lẽ đó cũng là thái độ căm phẫn đối với chế độ triều đình đã mục rữa, đồng thời cũng là niềm hy vọng mà quần chúng nhân dân gửi gắm ở người anh hùng nông dân.

    Tuy nhiên, chính vì truyền thuyết vẫn có một cái lõi lịch sử nhất định và bị chi phối bởi cảm quan lịch sử nên ở chặng kết cục nhân vật, Ba Vành dẫu có phép thần thông đến mấy cũng phạm sai lầm, chính vì quá chủ quan và phụ thuộc vào chòm lông ở chân. Cũng giống như sự chủ quan của An Dương Vương khi ỷ lại vào sức mạnh của nỏ thần mà khiến nước Âu Lạc lâm vào cảnh diệt vong, Ba Vành không ngờ rằng hai tên thân cận của mình đã trở thành kẻ phản bội, trở thành tay sai cho ông Nguyễn Công Trứ – người trực tiếp chỉ huy chống lại cuộc khởi nghĩa của Ba Vành "Một hôm đến phiên hai người túc trực cho chủ tướng nằm ngủ, họ lén dùng kéo cắt phăng hai chòm lông ở chân Ba Vành, rồi mật báo cho Nguyễn Công Trứ biết." Chính sự chủ quan và quá lệ thuộc vào phép thần thông quảng đại của mình, Ba Vành đành phải ngậm ngùi chịu thua trước mưu trí của Nguyễn Công Trứ. Điều này cũng phần nào trùng lặp với những gì đang diễn ra trong bối cảnh lúc bấy giờ, đó là đa số những cuộc khởi nghĩa nông dân đều bị dập tắt, bại trận.

    Truyện Ba Vành kết thúc ở cảnh Ba Vành giơ tay chịu trói, cho ta thấy được dù là truyền thuyết gắn với những yếu tố kì ảo nhưng các tác giả dân gian vẫn rất tôn trọng cái lõi của lịch sử, bối cảnh xã hội. Mượn câu chuyện về Ba Vành được trời sinh ra với chòm lông phép thuật dưới chân, các tác giả dân gian đã thể hiện thái độ ngưỡng mộ, trân trọng những người anh hùng nông dân đã dám đứng lên chống lại ách áp bức, chống lại chế độ triều đình đã thối nát để làm chủ bản thân, giành lại ấm no vốn có cho mình và nhân dân. Qua truyền thuyết Ba Vành, còn thấy được một bài học về sự phòng bị, cẩn thận trước những kẻ thân tín với mình. Dẫu Ba Vành phải chịu thua trước triều đình nhưng ông vẫn để lại cho đời danh tiếng lừng lẫy, khí phách của vị lãnh tụ, anh hùng thời cuộc.

    Trời mà không phụ ông Vành

    Quan quân nhà Nguyễn tan tành ra tro.

    Trên trời có ông sao tua

    Ở dưới hạ giới có vua Ba Vành.

    Trên trời có ông sao tua,

    Ở làng Trà Lũ có vua Bá Vành.

    Trên trời có ông sao tua,

    Ở làng Minh Giám có vua Bá Vành.​
     
    LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...