Về thăm mẹ Tác giả: Đinh Nam Khương Nhà thơ Đinh Nam Khương sinh năm 1949, mất năm 2018, quê Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Ông là phó chủ tịch Hội Đông y Mỹ Đức, Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng nhận nhiều giải thưởng danh giá về thơ. Bài thơ Về thăm mẹ được chọn in trong sách giáo khoa Ngữ văn 6, bộ Cánh diều. Con về thăm mẹ chiều đông Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà Mình con thơ thẩn vào ra Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi. Chum tương mẹ đã đậy rồi Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa Áo tơi qua buổi cày bừa Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm. Đàn gà mới nở vàng ươm Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành Bất ngờ rụng ở trên cành Trái na cuối vụ mẹ dành phần con. Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày. (Mẹ (Tuyển thơ), NXB Lao động và trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002) Bài thơ "Về thăm mẹ" của Đinh Nam Khương là lời của người con trai - nhân vật trữ tình khi trở về quê thăm mẹ sau một thời gian xa cách. Biết bao yêu thương, mong nhớ và lòng trân trọng, biết ơn dành cho mẹ đã cất lên thành tiếng thơ tràn đầy cảm xúc. Mặc dù khi về tới nhà, mẹ đi vắng, nhưng người con vẫn cảm nhận bóng hình mẹ thật gần gũi đâu đây, mẹ hiện lên trong dáng vẻ những sự vật thường ngày. Mỗi sự vật đều in dấu bàn tay mẹ tảo tần, lam lũ, cẩn thận, chu toàn. Từ hình ảnh bếp lửa, đến chum tương, nón mê, áo tơi, rồi đàn gà mới nở.. Trong cảm nhận của người con, tất cả đều gần gũi và có phần cũ kĩ, xấu xí, không trọn vẹn. Nhưng chính điều đó lại nói lên rất nhiều tấm lòng và tình yêu thương bao la của mẹ. Cả đời mẹ vất vả, tích cóp, chắt chiu để nuôi con khôn lớn. Tình yêu trọn vẹn hiện hữu trong những đồ vật không trọn vẹn. Và hình ảnh trái na cuối vụ mẹ dành cho con thực sự khiến người con phải rưng rưng, nghẹn ngào. Chỉ là một trái na nhưng thể hiện rõ nét nhất sự yêu thương của mẹ: Trái na đã đến cuối vụ mà mẹ không nỡ hái, vẫn chờ con về để cho con. Đọc đến dòng thơ này, biết bao người đọc cũng thấy lòng mình dội lên những xúc cảm bồi hồi. Bởi nhận ra mẹ mình cũng từng dành cho mình tất cả yêu thương như thế. Với lời thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm, phép tu từ ẩn dụ, liệt kê.. bài thơ đã khắc họa chân thực, xúc động hình ảnh người mẹ tần tảo, giàu tình yêu thương. Đồng thời bài thơ nói lên rất nhiều tình cảm của con dành cho mẹ. Tình cảm ấy gói trọn trong những tiếng kết lại bài thơ: "Nghẹn ngào", "rưng rưng". Đó là niềm xúc động, là lòng biết ơn đối với tình yêu lớn lao mẹ dành cho mình. Xúc động chẳng nói lên lời, dòng tâm tư của nhân vật trữ tình vang lên trong chiều sâu tâm tưởng. Dấu ba chấm bỏ lửng trong câu thơ:"Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn..."thể hiện sự lắng đọng, trầm ngâm.. Có rất nhiều điều muốn nói nhưng không thể nói ra. Bài thơ vì thế để lại rất nhiều dư âm trong lòng độc giả.