Về nhà đi con Tác giả: Thúy Bông Tình trạng: Hoàn Thể loại: Truyện ngắn, gia đình Góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Thúy Bông "Tết tết tết tết đến rồi.. tết tết tết tết đến rồi.. tết tết tết tết tết đến rồi.. tết đến trong tim mọi người.." Nó đóng cửa phòng dành cho nhân viên, nhưng tiếng nhạc rộn rã vẫn cố lách qua khe cửa để chui vào. Các chị, các cô đang thay đồng phục, nói nói cười cười, cũng lại về Tết. - Nhà tôi năm nay ông cụ đòi gói bánh chưng, khổ, chả ăn được đi mà cứ thích bày vẽ.. - Ôi dào, chả bù cho bố mẹ chồng em, chả quan tâm gì, mặc chúng bay muốn làm gì thì làm. Rồi lại cười, lại nói.. - Mà năm nay rét nhỉ, chả biết hoa quả thế nào, khéo lại lên giá ầm ầm. - Ừ đấy.. quả thì kiểu gì cũng phải có, nhưng hoa thì.. này, giá mà ra bãi nào hái được đám cỏ lau về cắm thay cành đào nhỉ, hahaha.. Nó thay xong đồng phục, khe khẽ thở dài. Đâu đâu cũng tết.. nó cũng chỉ là một tuần lễ trong một năm thôi mà. Không đến một tuần ấy chứ. Siêu thị những ngày này toàn những người với người. Người đi mua đồ về nhà. Người đi mua đồ đem cho nhà khác. Người.. người.. người, cứ gọi là từng đàn như kiến cỏ. Các quầy thanh toán chật ních người xếp hàng, quầy của nó cũng không ngoại lệ. "Chị có thẻ ưu đãi bigC không ạ?" "Của chị hết.." Hai câu ấy cứ lặp đi lặp lại trên môi nó, còn tay thì cầm đồ - giơ ra trước máy để xác nhận mã vạch - lấy túi bóng - nhận tiền - trả lại tiền thừa. Như một con robot. * * * Chen chúc trên chuyến xe bus lèn kín người không còn chỗ thở, nó cố gắng tự thôi miên mình: "Cố lên, sắp về đến nhà rồi". Để rồi khi đến trạm dừng, nó như bị đẩy xuống cùng dòng người phía sau lưng. Lê từng bước trên còn đường sáng rực bóng đèn neong, đèn nháy, đèn màu, tự nhiên nó thấy nhức mắt kinh khủng. Một năm có 8760 giờ, thì bỏ ra được một giờ gọi là "Giờ Trái Đất", tắt hết điện, đốt hết nến để tăng nồng độ CO2, còn 8759 giờ còn lại, cái thành phố này tiêu thụ không biết bao nhiêu là điện. Cứ đến dịp là người ta lại chăng lên đủ thứ đèn. Mà càng ngày thì càng nghĩ ra nhiều dịp. Giá mà bớt tiền đèn điện đi để tăng lương cho nhân viên làm thuê thì tốt biết mấy.. Đóng cửa phòng trọ, nó không thiết tha đến việc cởi bỏ cái áo khoác dày cộm, không tha thiết việc ngâm mình vào nước nóng, không màng đến cả cái bụng đang réo ầm ầm.. Quăng mình xuống giường, việc duy nhất nó muốn làm lúc này là ngủ một giấc thật dài, ngủ quên mệt mỏi, quên luôn cả cái Tết đang đến gần. * * * 23 tháng chạp. Trường nó thông báo lịch nghỉ tết từ hai ngày trước. Đám sinh viên năm cuối như chúng nó, tranh thủ từng phút để tận hưởng nốt đời ăn chơi, rủ nhau đi du lịch. Còn nó, tranh thủ xin làm tăng ca. Chỉ cần có tiền là đủ rồi. Suy cho cùng, làm sao mà có thể sống thiếu tiền cơ chứ. Hôm nay vẫn là một ngày đông khách đến khó chịu. Nó vừa thanh toán một lô hàng, thì một lô khác lại tới, cao ngất. Toàn là sữa bột và đồ cho trẻ con. - Ba triệu tám trăm chín tư ngàn. Quý khách có.. Nó vửa ngẩng đầu nhìn lên khách hàng, thì cùng lúc tiếng nói cũng im bặt. Bốn mắt nhìn nhau, sửng sốt. Đứa bé xinh xắn đang nắm tay người đàn ông, thấy bố cứ đứng như trời trồng, liền lắc lắc tay bố, gọi: - Bố ơi, bố không trả tiền cho cô ạ? Hay bố thiếu tiền? Bống không lấy đồ chơi nữa nhé? Mình chỉ mua sữa cho em Bin thôi. Người đàn ông bối rối, cứ hết nhìn đứa con gái bé nhỏ, lại nhìn nó. Nó mím môi, đưa răng cắn chặt môi dưới đến lúc trong miệng phảng phất vị tanh nồng của máu mới thôi. Hàng người đứng chờ bắt đầu xì xào, la ó sự chậm chạp của nó và người đàn ông kia. Thở hắt, nó nói một hơi dõng dạc, nhưng ai cũng thấy là giọng nó như nghẹn tắc: - Quý khách thanh toán bằng tiền mặt hay bằng thẻ? Người đàn ông cũng giật mình, run run đưa thẻ tín dụng ra thanh toán. Rồi mọi chuyện lại bình thường trở lại, khi người đàn ông cùng đứa trẻ xinh xắn bước ra ngoài khu vực thanh toán của nó. Hít một hơi thật sâu, nó tiếp tục công việc như một cái máy biết nói. Trong đầu nó, cứ vang lên tiếng gọi của đứa bé xinh xắn kia: Bố ơi. * * * "Anh hãy dừng lại đi, vì con chúng ta" "Con chúng ta? Cô còn dám nhắc đến đứa con hoang đó trước mặt tôi?" "Anh.." Giọng mẹ nó nghẹn đắng, giọng bố nó phẫn nộ, tiếng sau to hơn tiếng trước. "Cô có cần tôi nhắc lại cho cô nhớ chuyện đêm tân hôn của cô với tôi không?" "Anh thôi đi! Thế này là quá đáng lắm rồi.." "Quá đáng? Con đàn bà không trong sạch là cô.." Rồi có tiếng bạt tai rất mạnh. Nó câm nín, nước mắt rơi lã chã. Mẹ nó tát bố nó. Im ắng hồi lâu, nó chỉ nghe thấy tiếng tim nó đập thổn thức, và tiếng nấc đang bị hai tay bịt chặt, giữ lại trong miệng nó. Nó không nghe tiếng mẹ nó khóc như mọi lần. Nó nghe thấy tiếng cười gằn và giọng nói giễu cợt: "Anh có quyền nói tôi không trong sạch à, đồ nhu nhược. Chẳng phải anh bám lấy tôi vì tiền bạc nhà tôi sao. Được, nhà anh trả hết tiền lại cho nhà bố mẹ tôi, tôi không cần gì nữa. Loại chồng như anh, tôi không cần. Đến mức này thôi, tôi nhịn đủ rồi. Ra tòa. Li dị!" Hôm đó là hai ba tháng chạp. Mâm cơm cúng ông Công ông Táo nguội ngắt trên ban thờ Thổ công. Cặp sách trên vai trĩu nặng, nó lê bước về phòng, đóng chặt cửa, bịt tai. Nó không biết rằng, bên trong cái nhà to đẹp khang trang này, lại lạnh lẽo đến thế. Nó không biết rằng, bố mẹ nó lại có thể nói những lời mạt sát nhau đến thế. Thì ra, mười lăm năm nay sống với nhau chung một mái nhà, nhưng tất cả đều giả dối. Li dị? Không phải cãi cọ bình thường, mà là li hôn sao? Vậy bao nhiêu năm qua, bố mẹ và nó, sống với nhau là vì cái gì? Sau đó một tuần, bố nó đem về một bọc tiền, vứt xuống nền nhà, rồi thu dọn hành lí. Trong khi các bạn nó chuẩn bị tíu tít gọi nhau đi chơi đêm giao thừa, nó khóc lóc ôm lấy bố nó, xin bố nó đừng đi. Giờ phút người ấy bước chân ra khỏi cửa, nó không còn bố nữa. Khi hiểu chuyện rồi, nó lại thấy dửng dưng. Họ đến với nhau không phải vì tình yêu gì cả, đơn giản vì nhà ngoại nó giàu có, và mẹ nó thì đang thất tình. Nó là con của người ấy thật, nhưng vì cái grap trải giường không thấm máu đỏ của mẹ nó, nên người ấy không tin. Cũng nực cười, muốn bỏ mẹ con nó đi thì cứ thế mà đi, lấy ra cái lí do khiến người ta thấy khinh bỉ. Khi hiểu chuyện rồi, nó chẳng ghét bố, cũng chẳng thương mẹ. Cái căm ghét lướt qua rất nhanh, cái thương hại cũng thế. Tuổi mộng mơ của nó trôi qua đầy thực tế, với vô số lần họp phụ huynh không có cha mẹ, với mỗi sáng tỉnh dậy là số tiền tiêu cho cả ngày để trên bàn ăn, với vô số người đàn ông xuất hiện trong nhà nó vào ban đêm và rời đi khỏi khi mặt trời mới ló rạng. Cái ngày nó có "dượng" là ngày nó nhập học đại học. Nó chỉ nói: "Con sẽ trả lại tiền cho mẹ", rồi biến mất. Chính xác của từ "biến mất", vì bốn năm, chưa lần nào nó về thăm nhà. * * * Nó không nhớ đã vượt qua ngày hôm nay như thế nào. Thay xong đồng phục và khoác lên người chiếc áo phao to sụ, nó định bụng sẽ đi uống chút gì đó.. hiện giờ nó thấy không được thoải mái. Ra đến cửa siêu thị, nó đứng sững. Người đàn ông lúc chiều.. đang đứng đợi nó. Người ấy ngoài bốn mươi, dáng người tầm thước, ăn mặc sang trọng. Không khác lắm so với kí ức của nó. - Lệ.. con giờ mới tan làm sao? Nó nhìn chăm chăm vào đôi mắt đã có vài nếp nhăn, đáp khô khốc: - Xin lỗi, ông nhận nhầm người rồi. Nó bước qua vai người đàn ông, hiên ngang lẫm liệt, y như cảnh quay trên phim truyền hình. - Sao phải đi làm thêm ở chỗ này, mẹ con không chu cấp đủ tiền cho con sao? Ông ta, thật biết cách khiến người khác khó chịu. Chữ "tiền" từ miệng ông ta thốt ra, chẳng có gì thay đổi so với bảy năm trước. Nó quay lại, tự nhiên mỉm cười: - Nếu ông chưa ăn tối, có thể đi ăn với tôi một bữa không? Tôi đang rất đói. Nhà hàng cũng thật sang trọng. Đồ ăn đắt tiền, nhưng cứ nguội ngắt và nhạt nhẽo thế nào. Nó vừa cắt bít tết vừa nói nhỏ nhẹ: - Ở siêu thị có rất nhiều người quen, tôi không muốn họ đứng nhìn nên không nói chuyện với ông ở đấy. Cũng là giữ chút thể diện cho cả hai đi. - Con.. - Đừng gọi tôi như thế, tôi không phải con ông! Nó không còn là trẻ con. Nó sống một mình không phải gần bốn năm đại học, mà từ khi nó bước vào cấp ba, sống giữa những bức tường hoa, thảm nhung sang trọng, đá quý lấp lánh, đồ hiệu và tiền. Nó biết, gào thét ầm ĩ chỉ có thể làm nguôi ngoai nỗi bực tức nhất thời, nhưng sau đó thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Khả năng kiểm soát tâm lí của nó, được cho là tốt đi. Vẫn nhỏ nhẹ, nó tiếp chuyện người đàn ông. - Ông sống tốt đấy chứ, nhưng có con hơi muộn. Đứa bé vừa rồi mới tầm bốn tuổi thôi nhỉ. Xinh xắn lắm. - Thực ra.. bố còn một người con nữa. Đứa bé đó còn sống, thì giờ có lẽ là học lớp ba rồi.. Tay cầm dao của nó ngừng một chút, rồi tiếp tục cắt nhỏ miếng thịt bò. Nó biết năm xưa ông ta và mẹ nó không hạnh phúc, ai ngờ có cả con riêng từ trước cả khi li hôn rồi. - Đáng tiếc cho nó không được hưởng sự chăm sóc từ ông. - Con hận bố lắm đúng không.. nhưng là.. mấy năm qua hai mẹ con con sống thế nào? Con có đi học không? Sao con lại đi làm ở siêu thị như thế? - Ông im đi, sức chịu đựng của tôi có hạn thôi.. Vừa khẽ nói, nó vừa đặt dao dĩa xuống, cầm cốc nước quả uống một hơi. Cái thứ gì xấu xa, làm tắc nghẹn cả cổ họng nó. - Ông không cần làm bộ thăm hỏi như thế. Đã quyết định rời khỏi mẹ con tôi thì cứ tiếp tục sống vui vẻ bên gia đình hiện giờ của ông đi. Tôi nói rồi, tôi không phải con ông. - Con.. ai nói những điều đó, là mẹ con sao? Đến mức này, đúng là khó chịu thật. Nó bấu chặt tay vào thành bàn, trừng trừng nhìn con người trước mặt: - Những lời chính miệng ông nói ra, còn ở đó giả nhân giả nghĩa.. Tôi thật muốn không phải con gái của ông. Từng giây từng phút suốt hơn bảy năm qua, tôi luôn luôn mong ước máu trong người tôi không phải là chung dòng máu với ông. Từ lúc ông bước chân ra đi khỏi cuộc đời của mẹ con tôi, ông đã không còn là bố của tôi nữa.. Bảy năm qua, không một lời hỏi thăm, không một lần nghĩ tôi sống ra sao, thì giờ cũng hãy cứ sống như thế đi. Còn nữa.. cứ liên tục hỏi sao tôi đi làm.. tôi muốn tự kiếm tiền, bằng sức của tôi, chứ không giống như ông. "Sao không quay về thăm tôi? Sao không gọi cho tôi một cú điện thoại. Sinh nhật tôi cũng không nhớ nữa đúng không? Bảy năm rồi, tôi không có sinh nhật.. tôi không có bố.." - Con.. bố xin lỗi.. bố biết con hận bố, nhưng.. - Tôi có gì phải hận ông? Tôi hiểu điều ông làm. Nhờ có ông mà tôi sống rất thực tế, vậy cũng tốt. "Tôi hận ông lắm.. hận ông đã đi, hận ông để đứa trẻ khác gọi ông là bố, hận cái cách ông yêu thương đứa trẻ khác.. tôi hận cả hai người, ích kỉ, chỉ biết đến sự khó chịu của bản thân mình mà bỏ mặc tôi.." Nó không giấu giếm những gì mắt nó muốn nói. Nó nhìn thẳng vào mắt ông, nhưng nó biết ông không hiểu. Cả ông, cả mẹ nó, cả những bậc cha mẹ bỏ rơi con cái trên thế giới này đều không thể hiểu những lời muốn nói của con cái họ. Nó đứng dậy, không nghĩ đến chuyện cúi chào. Ông ta là gì mà nó phải cúi đầu. - Tôi đã lớn, độc lập, giỏi giang, vững vàng, mà không cần đến các người. Ông hãy coi như đây chỉ là bữa ăn thiết đãi một đứa trẻ của quá khứ ông từng quen biết, đừng nhớ đến làm gì, cũng không cần phải áy náy gì trong lòng. Hãy sống tốt! Nó lại hiên ngang bước đi. Nó làm được mà, đúng không. Nó đã không rơi một giọt nước mắt nào, không gào thét cũng không chửi bới, không ầm ĩ như lúc ông ta bước ra khỏi cuộc sống của nó. Bỗng, ông ta nói với lại sau lưng nó: - Về nhà đi con.. Tết nhất đến nơi rồi, đừng đi làm nữa. Về nhà? Tết? Ông ta còn dám nhắc đến Tết với nó. Nó toan quay lại, rồi lại thôi. Rời khỏi đây thôi. Nếu nó quay lại, nó sẽ không giữ nổi mình mất. * * * Tết là cái gì cơ, nếu không phải sự đổ vỡ bung bét? Tết là cái gì cơ, nếu không phải tiếng pháo ì ùng lạnh lẽo? Tết là cái gì cơ, nếu không phải những đêm một mình trong căn phòng tối om, bịt chặt tai để khỏi nghe những âm thanh trụy lạc phát ra từ đám bạn bè của mẹ nó? Tết là cái gì cơ, nếu không phải những đồ ăn nhanh nguội ngắt trong tủ lạnh, hay chương trình ti vi chán ngắt, hay cành đào rụng hoa lả tả vì trong bình hoa không được tiếp nước? Gió đông lạnh tê tái, hong khô những vệt nước lem nhem trên mặt nó. Từng dòng người trôi chảy trên đường phố, đủ thứ quần áo, đủ kiểu gương mặt, đủ loại cảm xúc. Có lẽ, chỉ có trẻ con là sung sướng khi Tết sắp đến. Giá mà người ta cứ được làm trẻ con mãi thì tốt. Cứ thế say sưa trong niềm hạnh phúc được mua quần áo đẹp, được ăn đồ ăn ngon, được nhận tiền mừng tuổi. Cứ say sưa trong niềm hạnh phúc được nắm tay cả bố lẫn mẹ, nhìn thấy họ cười với mình, vui thích khi được cõng, được ôm.. Cứ say như thế, để không cần biết gì cả, không cần nhận ra đằng sau những cái lung linh huyền diệu ấy là những thứ giả tạo hay xấu xa, là bất cứ cái gì thuộc về "thế giới của người lớn". Chuông điện thoại reo inh ỏi. Là mẹ nó. Nó bắt máy.. mà phải lúc sau mẹ nó mới lên tiếng. Có lẽ vì bất ngờ. Nó cũng không nhớ mẹ nó đã nói những gì, hỏi những gì và nó trả lời những gì. Câu cuối cùng mẹ nó nói, làm nó thấy như bị đau dạ dày, chua xót hết trong lòng: "Về nhà đi con.. con không cho mẹ lên tìm con, thì con có thể về nhà năm nay không." Nó cụp máy. Sao người ta cứ phải phạm sai lầm một thời gian dài rồi mới biết là mình sai, sau đó mới quay ra hối lỗi. Về nhà? Nhà nó, là ở đâu? Nó giật mình. Nó bỗng nhiên quên mất nhà nó ở đâu rồi. Tự nhiên nó cũng quên mất cả gương mặt của mẹ nó trông ra sao. Nó, liệu cũng giống như bọn họ sao? Sai rồi cho sai luôn, sau đó khi hối hận mới biết là đã muộn.. * * * Hai bảy tháng chạp, toàn thể công ti đã ngừng làm việc. Nó đi phát quà cho nhân viên, và chúc họ có một cái Tết ấm cúng, an lành bên người thân. Tối hôm đó, nó thu dọn lại bàn làm việc. Cô thư kí vẫn ở lại cùng nó, sắp xếp lại công việc chu tất để nó đỡ vất vả. Giám đốc mới, lại là con gái, đúng là nhiều việc vô cùng. Nó khe khẽ bảo cô thư kí: - Chị về đi ạ, muộn rồi. - À.. vầng, nốt việc này là xong rồi giám đốc. - Chị cứ để đó đi, để đó tôi sắp xếp cho. Gia đình là quan trọng nhất, chị về đi không người nhà mong. Chị thư kí nói cảm ơn nó rồi đi về. Nó cười. Giờ, nó đi dạy lại người khác rằng: Gia đình là quan trọng nhất. Nó cuốc bộ về nhà. Nó muốn được hít thở chút không khí lạnh lạnh của Tết. Cái không khí chỉ có ở quê hương, chứ không giống cái vị lạnh mà khô khốc ở miền ôn đới. Tính cộng dồn vào, có lẽ cũng được mười bốn, mười năm năm rồi nó không có một cái Tết tử tế. Tính từ ngày bố nó đi.. rồi nó đi học.. rồi lại ra nước ngoài tu nghiệp. Gia nghiệp ông bà ngoại để lại, vào tay dượng nó đã lụi hết. Nó về, gây dựng lại mọi thứ, để những người đã nhắm mắt được an giấc ngàn thu.. bao gồm cả mẹ nó. Tết năm ấy, nó cũng không về nhà. Con người ta là vậy mà, đâu dễ gì nhận mình đã sai. Nó vẫn không chịu gỡ bỏ hết mấy cái hàng rào dây thép gai của nó xuống, cho đến khi mẹ nó hấp hối. Mẹ nó bệnh mà nó không biết. Đến cuối cùng, cũng không ăn một cái Tết cùng mẹ trước khi bà qua đời. Nó đã muốn chỉ có một mình.. giờ, điều ước muốn của nó thành hiện thực. Tàn nhẫn biết bao. Đêm giao thừa. Đặt chân lên cầu, nó cũng chờ xem bắn pháo hoa như mọi người. Chưa đến giờ. Nó cầm điện thoại lên, gửi một sms.. "Mẹ à, hôm nay con nhận chức giám đốc, mọi người còn dè chừng con lắm.." "Mẹ ơi, con bị ốm rồi. Cứ gió mùa về là con bị ốm. Mẹ còn nhớ không đấy, từ bé đến lớn, cứ gió mùa về là con ốm.." "Mẹ ơi, công ti làm ăn tốt lắm, con giỏi lắm đúng không mẹ?" "Mẹ ơi.." "Mẹ! Con nhớ mẹ.." "Mẹ ơi, lại sắp Tết nữa rồi, con thèm ăn bánh chưng mẹ gói. Con được ăn có mỗi mấy lần, mẹ lười thật, chẳng chịu làm.." "Mẹ ơi, đêm giao thừa rồi này. Con đang chờ xem pháo hoa.. ở trên đó, mẹ cũng nhìn thấy đúng không? Con xin lỗi, con yêu mẹ.." Một tiếng nổ rít lên. Tia sáng bay vọt từ dưới đất lên không trung, nổ tung. Từng chúm ánh sáng bắn ra, chảy xuống thành dòng. Pháo hoa! Giao thừa rồi. Lại một cái Tết nữa đến.. - End-