Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà qua đoạn văn: Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 29 Tháng năm 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Phân tích vẻ đẹp của sông Đà qua đoạn văn:

    "Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh" Núi cao sông hãy còn dài - Năm năm báo oán đời đời đánh ghen ". Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu và nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phết vào bản đồ lai chữ."

    (Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục)

    Từ đó nhận xét ngắn gọn về nét tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân.

    [​IMG]

    Nhận xét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, Anh Đức viết: "Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng". "Người lái đò sông Đà" có thể coi là một minh chứng sinh động cho nhận xét trên. Tác phẩm đã thể hiện những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân khi viết về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Là một con người yêu thiên nhiên tha thiết, lại đam mê kiếm tìm cái đẹp, ông viết về cảnh sắc sông Đà với những phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về núi và sông, về cỏ cây trên một vùng đất nước bao la, hùng vĩ và thơ mộng. Đoạn văn: "Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần.. phết vào bản đồ lai chữ" không chỉ là một bức tranh đẹp về dòng sông Đà trữ tình được họa bằng ngôn từ mà còn thể hiện những nét tài hoa độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân.

    Tùy bút "Sông Đà" là thành quả chuyến đi thực tế gian khổ và hào hùng của Nguyễn Tuân đến miền đất Tây Bắc xa xôi những năm 1958- 1960. Chuyến đi không chỉ nhằm thỏa mãn niềm khát khao xê dịch, mà còn là cơ hội để nhà văn tìm kiếm "chất vàng" trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc, phát hiện "thứ vàng mười đã qua thử lửa" của tâm hồn con người Tây Bắc trong cuộc sống lao động hàng ngày của họ. Tác phẩm đã thể hiện những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

    Văn học lãng mạn luôn có xu hướng tạo ra những ấn tuợng mạnh mẽ bởi sự tương phản, đối lập. Trong tùy bút "Người lái đò sông Đà", sự tương phản đã hiện hữu ngay trong cách nhà văn miêu tả con sông: Ngoài chất hung bạo, không thể không nhắc đến chất thi vị trữ tình đằm thắm. Khi ở thượng nguồn, con sông dữ dội, hung bạo bao nhiêu với cảnh "đá bờ sông dựng vách thành", với mặt ghềnh Hát Lóong "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm", với những cái hút nước "xoáy tít đáy", với "nước thác nghe như oán trách gì, rồi lại như là van xin, giọng gằn mà chế nhạo", với thạch trận đá đầy hiểm nguy.. thì đến đoạn trung lưu, dòng sông lại thơ mộng trữ tình bấy nhiêu.

    Vẫn là dòng Đà giang, nhưng sau khi con sông "vặn mình vào một cái bến cát", khi những bọt nước cuối cùng của sóng gió thượng nguồn "xèo xèo tan trong trí nhớ", ngòi bút tài hoa đầy biến hóa của Nguyễn Tuân đã đưa người đọc đến một sông Đà êm đềm như một giấc mơ, dịu hiền như một miền cổ tích.

    Không bằng lòng với những gì chung chung, đại khái, Nguyễn Tuân đã dành nhiều công sức để tìm hiểu con sông Đà. Không chỉ nhìn dòng sông ở góc nhìn gần thấp, ông còn quan sát con sông từ trên tầm cao của máy bay. Cách nhà văn mở rộng điểm nhìn đã mang đến cho người đọc những cảm nhận trọn vẹn hơn về dòng sông Tây Bắc:


    "Từ trên tàu bay mà nhìn xuống sông Đà, không ai trên tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hàng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng vô tội vạ với người lái đò sông Đà".

    Với nghệ thuật so sánh, nhà văn nhìn con sông Tây Bắc giống như sợi dây thừng ngoằn ngoèo. Cách miêu tả ấy đã tạc nên dáng hình một con sông uốn lượn quanh co khi chảy men theo những chân đồi, chân núi. Dáng hình ấy thật mềm mại và duyên đáng biết bao, khiến nhà văn như có chút ngỡ ngàng: Đây có phải là con sông Đà suốt đời "làm mình làm mẩy" với con người Tây Bắc khúc thượng nguồn?

    Miêu tả dòng sông qua góc nhìn lịch sử, Nguyễn Tuân còn đem đến cho người đọc một phát hiện thú vị mà không phải ai cũng tường tận: Sông Đà chính là dòng sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh: "Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo oán đời đời đánh ghen". Trang văn Nguyễn Tuân vì thế không chỉ cuồn cuộn dòng thác của sông chữ, mà còn ngồn ngộn kiến thức của sông đời. Ta bắt gặp nơi đây không chỉ là những kiến thức của lịch sử, mà còn là kiến thức địa lí, văn hóa, hội họa, điện ảnh, âm nhạc..

    Nhìn dòng sông bằng cái nhìn trìu mến, thân thương, Nguyễn Tuân yêu biết bao nhiêu "từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ mờ bóng mây dưới chân mình". Như một nhà nhiếp ảnh tài hoa với góc chụp từ cửa sổ máy bay, câu văn đã mang đến cho người thưởng thức một bức hình đẹp về thiên nhiên Tây Bắc qua cái nhìn viễn cảnh. Bức tranh thiên nhiên hài hòa với vẻ đẹp được cộng hưởng bởi các đường nét mềm mại của dòng sông, nhấp nhô của núi đá, bồng bềnh của mây bay.. như vậy, không chỉ "thi trung hữu họa" mà trong văn cũng có họa đấy thôi.

    Hình dáng mềm mại, thướt tha của dòng sông Tây Bắc tiếp tục được đặc tả trong những câu văn tiếp theo:


    "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân".

    Có thể nói, "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.." là một câu văn tuyệt bút, ghi dấu ấn tài hoa của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật tả cảnh, từ cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, đến âm hưởng, giọng điệu. Nhịp điệu ngân nga, trầm bổng của câu văn góp phần gợi tả những nét thi vị thật đặc biệt của dòng sông. Câu văn dài chỉ có một dấu ngắt duy nhất, kết hợp với điệp ngữ "tuôn dài" đem đến ấn tượng về sự liền mạch, bất tận của dòng sông, gợi hình ảnh dòng sông uốn lượn quanh co tuôn chảy từ những dãy núi hùng vĩ của biên giới Tây Bắc, miên man chảy về đồng bằng, lặng lẽ hòa vào sông Hồng rồi tha thiết đổ ra biển.. Những thanh bằng liên tiếp ở đầu câu văn cũng làm tăng thêm sự yên ả, êm đềm, bình lặng cho dòng sông những quãng trung lưu về đến hạ nguồn.

    Dưới con mắt tài hoa đậm chất nghệ sĩ của Nguyễn Tuân, Sông Đà như mái tóc mềm mại đang ôm lấy thân hình trẻ trung, gợi cảm đầy sức sống của người thiếu nữ Tây Bắc. Cách so sánh dòng sông như một áng tóc trữ tình đã đem đến cho sông Đà nét đằm thắm, duyên dáng đầy nữ tính mà không hề làm mất đi sự hùng vĩ của nó.

    Về vẻ đẹp mềm mại, nữ tính này, sông Đà có nét rất giống với sông Hương trong bút kí: "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường: "người ta luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi", "từ đây, như đã tìm đúng đường về, dòng sông vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long". Các câu văn đều được viết bằng sự thăng hoa của tâm hồn, các nhà văn như"đề thơ vào sông nước", khiến chúng hiện lên với vẻ đẹp đậm chất thẩm mĩ.


    Sông Đà càng đẹp hơn, thơ mộng hơn khi nhà văn tô điểm vào bức họa Đà giang những nét vẽ về thiên nhiên Tây Bắc. Vẻ đẹp của dòng sông hài hòa với núi rừng Tây Bắc, được núi rừng điểm tô thêm cho nhan sắc mĩ miều. Có cảm giác, Nguyên Tuân vửa thưởng cảnh, vừa họa trên tranh sách bức tranh tuyệt mĩ về dòng sông Đà chảy giữa bao la cây cỏ, bát ngát núi rừng. Dòng sông không thẳng đơ trên trang giấy mà đã nhận thêm vào dòng chảy của mình nét thơ mộng huyền ảo của mây trời, sự tươi tắn rực rỡ của hoa ban hoa gạo tháng hai, cái ấm áp, gần gũi của làn "khói núi Mèo đốt nương xuân". Sông Đà đẹp, sông Đà làm say mê trái tim người nghệ sỹ không chỉ vì nó là vẻ đẹp của "đất nước Tổ quốc bao la", mà còn vì nó gắn bó gần gũi thân thiết với cuộc sống con người. Nhà văn của những vẻ đẹp "Vang bóng một thời" đầy tính chất lí tưởng hóa khi xưa, nay đã có sự thay đổi cơ bản trong quan điểm thẩm mỹ: Cái đẹp không còn lạc lõng xa xôi, cái đẹp hiện ra ấm áp giữa cuộc đời bình dị, hiện diện ngay trong cuộc sống đời thường. Chính làn khói đốt nương xuân lan tỏa trên non ngàn Tây Bắc đã gợi lên những ấn tượng đó.

    Dõi theo trang văn đầy uyên bác của Nguyễn Tuân, người đọc còn khám phá ra vẻ đẹp trữ tình của dòng Đà giang qua màu sắc đầy biến ảo theo mùa . Nguyễn Tuân đã tỉ mỉ quan sát con sông theo từng thời điểm khác nhau, "đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà", "đã xuyên qua đám mây mùa thu" và thấy:


    "Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về".

    Dòng sông mang màu sắc diệu ảo biến đổi theo mùa. Mùa xuân "dòng xanh ngọc bích" – một sắc xanh tinh khiết, trong trẻo làm say đắm lòng người. Nguyễn Tuân còn so sánh sắc xanh ấy với sắc xanh canh hến của sông Gâm sông Lô như một cách để khẳng định sắc màu rất riêng của sông Đà. Mùa thu nước sông Đà lại "lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa". Phép so sánh, kết hợp với từ láy tượng hình (lừ lừ), tình từ (bầm đi) vừa gợi tả dòng chảy nặng nề, điềm đạm và chậm rãi của con sông mang nặng phù sa thượng nguồn, vừa thể hiện sức mạnh tiềm tàng ẩn chứa bao hiểm nguy, cuồng loạn của một dòng sông vẫn "năm năm báo oán đời đời đánh ghen" với con người. Như vậy, trong cái hùng vĩ dữ dội, dòng sông vẫn có nét thơ mộng trữ tình, và trong cái thơ mộng trữ tình, nó vẫn ẩn chứa vẻ dữ dằn, nguy hiểm. Đó cũng là hai nét tính cách đối lập làm nên vẻ đẹp đầy cá tính của sông Đà trong thơ Quang Lâm:

    "Đẹp ngàn đời biển trời sông bát ngát

    Cá dầm xanh, anh vũ nhảy theo mùa

    Khi mùa lũ thác reo gầm dữ dội

    Thu chớm lạnh sóng nước lặng lờ trôi"


    (Nhớ sông Đà)

    Với một tình yêu tha thiết, với niềm tự hào về con sông xứ sở, nhà văn khẳng định chưa bao giờ con sông có màu đen như thực dân Pháp đã "đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây lếu láo" - Sông Đen. Sự phủ định ấy đã khẳng định niềm tự hào về vẻ đẹp của dòng sông, cũng là niềm tự hào về chủ quyền quê hương, đất nước. Chính tình yêu quê hương đất nước đã thôi thúc nhà văn tìm đến với Tây Bắc, với sông Đà và mang con sông ấy đến với người đọc qua những trang văn đậm chất Nguyễn Tuân.

    Phần văn bản trích trên đây chỉ là một đoạn ngắn trong bài tùy bút "Người lái đò Sông Đà". Đoạn văn tái hiện vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình sông nước Đà giang khúc trung lưu. Đoạn văn ghi nhận những nét độc đáo trong ngòi bút miêu tả nhiều khám phá, sáng tạo và kiến tạo trong tạo hình, dựng cảnh, trong dùng từ ngữ, đặt câu. Những so sánh, ẩn dụ và liên tưởng rất gợi. Chất thơ, chất họa, chất văn chương hòa quyện, giao thoa..

    Và đặc biệt, không thể không kể đến nét tài hoa độc đáo của Nguyễn Tuân trong cách lựa chọn và sử dụng ngôn từ.

    Trước hết, ta thấy, ngôn từ của Nguyễn Tuân là thứ ngôn từ thể hiện sự giàu có vô biên của kho từ vựng tiếng Việt. Để tạo tạc nên đứa con tinh thần của mình, nhà văn không ngần ngại dốc hết kho từ vựng phong phú để con chữ tuôn ra nơi đầu ngọn bút, chữ nọ gọi chữ kia, ào ạt chảy về trang viết, thổi linh hồn cho tạo vật.

    Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân sở dĩ giàu có, bởi nó không đóng khung trong một lĩnh vực nào, mà là sự tổng hòa của ngôn ngữ ở nhiều lĩnh vực: Điện ảnh (góc nhìn, cách nhìn), thơ ca (áng tóc trữ tình, bung nở, hoa ban, hoa gạo) ; hội họa (xanh ngọc bích, xanh canh hến, lừ lừ chín đỏ)

    Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân còn là thứ ngôn ngữ chính xác, gợi hình, biểu cảm. Có thể nói, từng câu, từng chữ mà ông đặt lên trang giấy là cả một quá trình sáng tạo công phu, cẩn trọng và thiêng liêng. Ông lựa chọn ngôn từ một cách trau chuốt, tỉ mỉ. Đó là thứ ngôn từ gợi lên sự liên tưởng, tưởng tượng, gợi lên những rung cảm thẩm mĩ và ấn tượng khó phai ở người đọc.

    Không những thế, Nguyễn Tuân còn không ngừng làm mới những từ ngữ sẵn có để tạo nên một thứ ngôn ngữ độc đáo, mới lạ. Ví như khi ông tả hình dáng con sông, ông dùng những chữ "áng tóc trữ tình" chứ không phải là mái tóc, suối tóc như ngôn ngữ thông dụng. Có thể nói, ông đã mang đến một màu vị mới cho ngôn từ, khiến người đọc không thể không nán lại mà thưởng thức, chiêm ngưỡng. Nhận xét về vẻ đẹp ngôn ngữ Nguyễn Tuân trong tùy bút này, nhà văn Phan Huy Đông có viết: "Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ.. Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên như một đứa trẻ thơ, những trang viết, những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng."

    Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để đọc tiếp nội dung ẩn nha: LINK

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Xem thêm:

    Vẻ đẹp trữ tình của sông đà qua đoạn văn: Thuyền tôi trôi trên sông đà

    Phân tích vẻ đẹp sông đà qua đoạn: Hùng vĩ của sông đà không chỉ có thác đá

    Mở Rộng: Người Lái Đò Sông Đà - Nguyễn Tuân Và Những Ngữ Liệu Dùng Để Liên Hệ, So Sánh
     
    PUNPUN246, nwviet, Anguyet21184 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng mười hai 2023
  2. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Bài viết rất hay đó ạ, ý nào ra ý đó, mạch lạc, dễ hiểu và gây ấn tượng
     
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Thanks em!
     
  4. chiqudoll

    Bài viết:
    1,418
    Hồi đi học làm đề văn chọn một trong hai đề sau, một văn một thơ thì sẽ chọn ngay đề văn. Vì Chiqu luôn cảm thấy phân tích văn dễ dàng hơn phân tích thơ rất nhiều. Phân tích văn Chiqu có thể chắp bút cảm xúc lai láng "viết nhăng viết cuội" nhưng đụng vào thơ thì kiểu như bút tịt ngòi còn não Chiqu thì bị thoái hóa ấy.

    Nhưng. *bafu 24*

    Chỉ có văn của Nguyễn Tuân. *bafu 23*

    Là ngoại lệ. *boni 11*

    Đụng phải phân tích văn của Nguyễn Tuân và nhất là cái trích đoạn huyền thoại của "Người lái đò sông Đà" thì tự khác mình sẽ chọn ngay đề phân tích thơ.

    Chiqu thấy văn của vị này uyên thâm "khó nhai" lắm luôn. Mặc dù đọc cũng bị cuốn vào nhưng để diễn giải lại những gì mình cảm được sau khi đọc xong thì.. viết không được.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng tư 2022
  5. IAMGiAm

    Bài viết:
    59
    Rất sợ luôn ấy, đọc lại còn nhớ buông ra thì đi tong hết. Lúc đi học có một lần kiểm tra gặp đúng bài này, sợ quá chọn bài khác làm luôn.

    Cô viết hay vậy hồi còn đi học biết tới sớm thì phải nói quá tốt rồi, bây giờ đọc lại thì thấy nhớ.
     
    Dana Lê, Diggory, Tiên Nhi9 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 25 Tháng mười 2022
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Hồi đi học, "Người lái đò sông Đà" quả thực rất khó "nhai". Kiểu văn phong uyên bác quá, tri thức quá đến nỗi load không nổi. Nhưng càng tiếp cận, càng thấy nó hay. "Thấy" thôi, chứ để phân tích được cái hay vẫn là cả một vấn đề nan giải.
     
    Dana Lê, lacvuphongca, Diggory8 người khác thích bài này.
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Hihi, cũng vật vã lắm đấy, mà học trò thì cứ hối, cô viết cho bọn em tham khảo.
     
    Dana Lê, lacvuphongca, Eldlich8 người khác thích bài này.
  8. Lam Thủy Tôi không màu

    Bài viết:
    55
    Uớc gì hồi đi học em đọc được bài này của cô Thùy thì đã bớt sợ "Người lái đò sông Đà" rồi. Tiếc là "Uớc gì" mãi mãi là một điều ước༎ຶ‿༎ຶ
     
    Last edited by a moderator: 30 Tháng mười 2021
  9. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Ngày xưa đi học chị cũng sợ bài này nhất luôn, chắc học sinh đều vậy cả.
     
    Dana Lê, lacvuphongca, Diggory9 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng sáu 2022
  10. tlinhh0204

    Bài viết:
    2
    Chị ơi, phần mở bài trên, em có thể dùng cho những phần khác của bài này không ạ. Chẳng hạn như cảnh hung bạo của sông đà hay là 3 trùng vi ấy chị
     
    Dana Lê, chiqudoll, ThuyTrang4 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...