Vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của sông Đà

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nam Dã Tú Nhất, 13 Tháng mười hai 2021.

  1. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Đề bài: Phân tích vẻ đẹp hung bạo và vẻ trữ tình của sông Đà

    * * *

    Bài làm​

    Là gương mặt tiêu biểu của nền văn học dân tộc và sở hữu nhiệt huyết của một người con đến từ vùng đất Thủ đô, Nguyễn Tuân đã dành trọn cuộc đời để đến những vùng đất khác nhau, khám phá tìm tòi và sáng tác về cái hay, cái đẹp của thiên nhiên và con người nơi ông từng đến. Với Nguyễn Tuân, tài năng và đam mê không chờ đợi tuổi tác. Sớm đã tìm được lối đi riêng khi còn trên ghế nhà trường, sau khi học hết bậc thành chung, ông bắt đầu viết văn, làm báo và hoạt động cách mạng. Ông dùng sức mạnh ngòi bút để phục vụ hai cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ. Trong mười năm (từ 1948 đến 1958), ông đã đảm nhiệm chức vụ tổng thư ký hội nhà văn Việt Nam và đóng góp cả cuộc đời cho nền văn học nước nhà.

    Nguyễn Tuân là một cây bút tài hoa uyên bác, đặc biệt là thể loại tùy bút. Phong cách nghệ thuật của ông chỉ gói gọn trong một chữ "ngông" bởi lẽ cách viết của ông không theo một khuôn mẫu nhất định, càng không giống với những thế hệ đi trước. Với những tình cảm phong phú, mãnh liệt; phong cách tuyệt mỹ cùng vốn từ phong phú về mọi lĩnh vực, và những câu văn đầy giá trị tạo hình, có nhạc điệu trầm bổng, phối âm, phối thanh linh hoạt như những bản hùng ca về con người, về công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng như hoạt động xây dựng quê hương sau ngày giải phóng, ông đã viết ra hàng loạt những áng văn chương "Vang bóng một thời", khó ai sánh kịp như Một chuyến đi, sông Đà, Thiều quê hương, Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi..

    Theo dòng lịch sử, dễ thấy phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân có sự thay đổi ở hai thời kì trước và sau Cách mạng tháng Tám. Tuy vậy, trong những tác phẩm ấy vẫn có sự nhất quán gói gọn trong chữ "ngông", trong sự khát khao thể hiện tài hoa và kiến thức uyên bác của tác giả. Để làm được điều đó, Nguyễn Tuân không ngừng khám phá, phát hiện sự vật ở phương diện thẩm mỹ. Bằng đôi mắt quan sát tinh tường của một nhà văn, ông nhìn ra những nét đẹp ở bề nổi cũng như tìm thấy vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong con người, sự vật để rồi vận dụng tri thức, vốn hiểu biết trên nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo dựng hình tượng nhân vật sống động như thật và như đang ở ngay trước mắt người đọc.

    Với những đóng góp lớn lao cho nền văn học nước nhà, năm 1996, Nguyễn Tuân được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

    Bài tùy bút "Người lái đò sông Đà" là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi đến vùng đất Tây Bắc xa xôi, rộng lớn. Tác phẩm được in trong tập "Tùy bút sông Đà", năm 1960. Tác phẩm ca nhiên Tây Bắc tươi đẹp, hoang sơ và hùng vĩ. Đồng thời ca ngợi hình ảnh người lái đò lão luyện, giàu ý chí trong công cuộc chinh phục và làm chủ thiên nhiên. Người lái đò ấy được ví von như một thứ vàng mười quý giá của đất nước. Qua đoạn trích cũng như toàn bộ bài bút kí, tác giả đã thể hiện một niềm tin mãnh liệt, vững chắc vào tương lai tươi sáng.

    Dưới ngòi bút tài hoa và kiến thức uyên bác của Nguyễn Tuân, sông Đà - biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc - được nhân hóa như một sinh thể có hồn, có tâm trạng và có hai nét tính cách đối lập. Là một dòng chảy bền bỉ vượt qua vùng núi cao trùng điệp, hiểm trở, sông Đà trở thành một dòng sông chảy siết đầy hung bạo và mạnh mẽ, sẵn sàng vùi dập bất kì con thuyền nào lạc vào những trận địa mai phục đầy rẫy cạm bẫy của nó.

    Thiên nhiên hoang sơ vùng Tây Bắc luôn khiến người xem bị choáng ngợp ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy. Thật khó có nơi nào sở hữu vẻ đẹp cuốn hút lại hiểm trở như con sông Đà hung bạo, dữ dằn. Tựa như một thế trận phòng thủ kiên cố, vững chắc giữa chốn núi rừng, sông Đà được bao quanh bởi những vách đá cao, "đá dựng vách thành", thập diện mai phục, nguy hiểm trùng trùng khó lường trước do "có quãng lòng sông bị thắt hẹp lại như cái yết hầu", còn vách đá lại vây kín cao hun hút khiến những người vô tình lạc vào phải choáng ngợp và lo sợ.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong mắt tác giả, vẻ đẹp hung bạo, dữ dằn của con sông không những nằm ở những cạm bẫy tĩnh lặng như thành đá cao, lòng sông hẹp mà còn ở sự phối hợp của sóng và gió tạo nên sức mạnh có khả năng uy hiếp, khiến nỗi sợ trong lòng người phải dâng cao. Chỉ cần nhìn thấy "những quãng dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm" như một thử thách hữu hình, thách thức sự can đảm, tài trí của những người thám hiểm, cảm giác khao khát, phấn khích, tò mò lại có chút sợ hãi trỗi dậy, khiến người đến bị cuốn vào niềm đam mê muốn một lần thử chinh phục sông Đà, chinh phục thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ vùng Tây Bắc. Bị hấp dẫn và cảm thấy hiếu kì, tác giả đã dũng cảm đến gần hơn và tiếp tục khám phá những cạm bẫy chết người cùng sự rùng rợn, lạnh lẽo đã góp phần tạo nên con sông bí ẩn.

    Sông Đà không những hấp dẫn mê người ở những đợt sóng lớn xô đập vào vách đá, hay những tiếng gió thét gào cùng những vách đá cheo leo, dựng đứng mà còn mê hoặc lòng người ở những cạm bẫy ẩn hiện, chìm nổi tứ phía. Sông Đà như một tử địa chốn núi rừng, vượt hết cạm bẫy này lại thấy một trận địa khác. Những thử thách cứ dồn dập xảy đến giống hệt những cái "hút nước" chết người luôn sẵn sàng nhấn chìm và đập tan chiếc thuyền nào lọt vào. Những cái hút nước đó được tạo ra với sứ mệnh thử thách tài năng, trí tuệ của con người. Thế nên, nếu chỉ vì sợ hãi mà quay đầu, lùi bước thì vĩnh viễn sẽ không đến được đích đến mà bản thân vạch sẵn.

    Con người càng quyết tâm bao nhiêu, sông Đà càng dữ dội, quyết liệt bấy nhiêu. Nếu ở những chặng đường đầu tiên, thử thách của sông Đà là thử thách về trí tuệ, về sự khéo léo cùng sự liều lĩnh, quyết đoán thì ở những thử thách sau cùng, sông Đà thử thách lòng dũng cảm và sự kiên định bằng những âm thanh rùng rợn với nhiều cung bậc dữ dội khác nhau. Ban đầu, chuỗi âm thanh ấy nghe như là ai oán trách gì, rồi lại như là van xin, như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo và rống lên, lồng lộn thậm chí là gầm thét tựa như tiếng gầm của bầy thủy quái hung hăng, tàn ác. Đó là trò tâm lý chiến, một màn thách thức vượt quá sức chịu đựng thông thường và không dành cho người yếu tim.

    Muốn biết lòng người phải sống cạnh người. Muốn biết tâm địa của sông không chỉ nhìn ở vẻ ngoài "với bao đá nổi, đá chìm, phối hợp cùng sóng thác như dàn thạch trận, lập nhiều phòng tuyến" mà còn phải sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm để vượt sông, kể cả khi đã biết trước kết quả xấu nhất là con sông Đà hung bạo sẽ "ăn chết" những con thuyền xấu số cùng những người lái đò thiếu kinh nghiệm.

    Tâm địa của dòng sông ấy chỉ có những người chấp nhận hiểm nguy, dũng cảm vượt sông nhiều lần mới được. Bởi lẽ, khi vừa nhìn thấy thạch trận đầy những phiến đá nhọn hoắt "từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vỗ lấy thuyền", và ngăn cản, thậm chí phá hủy những chiếc thuyền đang tìm cách vượt sông.

    Không dùng lại ở thạch trận, sông Đà còn chứng minh sự hung hãn, tàn bạo của nó qua những trùng vi giăng bẫy trên sông. Khi thì sông Đà "mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông" như một cách giăng bẫy, nôn nóng tiêu diệt đối thủ ngay từ đầu. Khi thì "tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào", vì đã mất đi sự nhẫn nại vốn có. Để rồi cuối cùng, sông Đà vây kín con thuyền vượt sông bằng một trùng vi ít cửa hơn, dự tính đi dễ khó về bởi vì "bên trái bên phải đều là luồng chết cả".

    Để lột tả hết sự nguy hiểm của sông Đà, tác giả đã vận dụng vốn từ cực kì phong phú cùng bút pháp lãng mạn tô đậm để gây ấn tượng mãnh liệt, cảm giác rùng rợn, dựng lên một con sông hung bạo đầy đe dọa với con người.

    Đọc đoạn trích "Người lái đò sông Đà", người đọc không khỏi ngạc nhiên và ngưỡng mộ nghệ thuật miêu tả tài hoa, vốn từ cực kì phong phú, ngôn ngữ tạo hình đặc sắc, cấu trúc trùng điệp, giọng văn mạnh mẽ, vận dụng tri thức của nhiều ngành khoa học như địa lí, điện ảnh để làm nên hàng loạt so sánh, liên tưởng kì lạ, kích thích trí tò mò và khả năng tưởng tượng của độc giả. Nguyễn Tuân đã tái tạo lại hình tượng con sống Đà hung bạo, dữ dội và đầy hiểm trở trên nhiều dáng vẻ, cảm giác rùng rợn. Đồng thời dựng lên hình ảnh một con sông hung bạo đầy đe dọa với con người. Bên trong sự hung bạo đó, con sông Đà cũng nổi bật lên như một biểu tượng về sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc và đất nước.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hung bạo là thế, dữ dằn là thế nhưng khi thay đổi góc nhìn, nét đẹp của sông Đà cũng thay đổi. Không mấy ai có thể hình dung được một dòng sông hung tợn, đầy nguy hiểm lại sở hữu vẻ đẹp yểu điệu, dịu dàng. Khi nhìn từ trên cao xuống, tác giả không khỏi bất ngờ và xao xuyến khi thấy dòng chảy uốn lượn của con sông như mái tóc của người thiếu nữ diễm kiều. Có ai ngờ dòng sông hung bạo chảy siết lại mang nét đẹp duyên dáng, mềm mại và đầy thơ mộng. Vẻ đẹp ấy khiến người xem phải say đắm ngắm nhìn mãi mà khó rời mắt được.

    Chỉ khi quan sát từ nhiều góc độ, nhiều khoảnh khắc thời gian, người ta mới nhìn thấy hết nét đẹp của sông Đà. Nét đẹp ấy biến hóa đa dạng, có khi là tươi sáng, thuần khiết vào mùa xuân, tựa như "sắc xanh ngọc bích chứ không phải xanh canh hến"; cũng có khi lại nồng đượm vào mùa thu và "lừ đừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu" quyến rũ một cách rất riêng và khó có một ngôn từ nào đủ khả năng lột tả vẻ đẹp trầm mặc, bí ẩn ấy.

    Để có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của sông Đà qua những thời điểm khác nhau, ngoài việc quan sát từ nhiều góc độ, nhiều thời điểm, tác giả còn ngắm nhìn con sông bằng tất cả tình cảm trong tim. Với tác giả, sông Đà "như một vị cố nhân" và mang cảm xúc hân hoan, chân thành hệt như đã từng gặp gỡ, chia xa lâu ngày rồi tái hợp. Chính vì lẽ đó, tác giả mới cảm thấy cuộc gặp gỡ với dòng sông "Vui như nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng", vui mừng tột độ và trân trọng vô cùng từng thời khắc được nhìn ngắm, chiêm ngưỡng và cảm nhận cái chất "đằm đằm ấm ấm" thân quen đượm chất trữ tình và đậm chất thơ.

    Bằng con mắt quan sát tinh tường của một nhà văn trong chuyến đi khám phá thiên nhiên Tây Bắc, nhà văn đã khắc họa hết những vẻ đẹp phong phú, nên thơ của cảnh vật ven sông. Dưới ngòi bút điêu luyện, phóng khoáng, nét đẹp hoang sơ nhuốm màu cổ tích vừa trù phú vừa tràn trề nhựa sống hiện lên thật nhẹ nhàng và không kém phần bí ẩn, hoài niệm: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". Nghệ thuật so sánh, khơi gợi sâu xa đã khắc họa vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ và dấu ấn văn hóa ngàn xưa của cha ông.

    Với những chi tiết so sánh độc đáo gợi tả, gợi cảm, ấn tượng, giọng văn nhẹ nhàng, câu văn trải dài, mềm mại, âm điệu êm đềm. Hình ảnh con sông hiện lên thật trữ tình và thơ mộng. Thành công đó chính là kết quả của những công phu tìm tòi khó nhọc, công sức lao động nghiêm túc, cần cù, kiên nhẫn của nhà văn.

    Qua hình tượng sông Đà, Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu mến tha thiết đối với thiên nhiên đất nước. Với ông, thiên nhiên cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hóa. Cảm nhận và miêu tả sông Đà, Nguyễn Tuân đã chứng tỏ sự tài hoa, uyên bác và lịch lãm. Hình tượng sông Đà là phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp của người lao động trong chế độ mới. Nhà văn ca ngợi vẻ đẹp, kì vĩ, hào hùng, trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên. Qua đó bộc lộ tình yêu tha thiết, say đắm của nhà văn đối với quê hương đất nước nói chung và thiên nhiên Tây Bắc nói riêng.

    Hết​
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng mười hai 2021
  2. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
  3. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Táo tập trung ôn hai phần đặt trong thẻ book thôi. Còn phần không trong thẻ thì đọc chơi cho biết tác phẩm này là của Nguyễn Tuân. =))
     
  4. Vô Ky Cơ Tiện

    Bài viết:
    267
Trả lời qua Facebook
Đang tải...