Bình Luận Vẻ Đẹp Của Nhà Nho Chân Chính Qua Thương Vợ - Tú Xương Và Bài Ca Ngắn Đi Trên Bãi Cát - Cao Bá Quát

Thảo luận trong 'Văn Thơ' bắt đầu bởi Liberty, 8 Tháng mười một 2018.

  1. Liberty Once you choose hope, anything’s possible

    Bài viết:
    299
    Đề bài: Vẻ đẹp của nhà nho chân chính thể hiện trong hai bài thơ Thương Vợ - Tú Xương và Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Cao Bá Quát

    Thể loại: Phân tích, so sánh

    Tác giả: ngankimphamvu

    Tình trạng: Đã hoàn thành


    Bài làm

    Trong thời phong kiến ngày xưa, những người học sách thánh hiền, có tri thức, biết lễ nghĩa, biết "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", được thiên hạ cần để dạy bảo người đời ăn ở hợp luân thường, đạo lí.. thực hành theo các tín điều của Nho giáo đều được gọi là các nhà nho. Vẻ đẹp của các nhà nho được thể hiện qua phong cách trong văn thơ, lời ăn tiếng nói hằng ngày, qua nhân cách, tư tưởng thanh cao và chân chính. Và vẻ đẹp nhân cách của họ càng trở nên chân chính hơn khi họ có quan niệm sống tiến bộ, có cái nhìn vượt thời đại, có những suy nghĩ độc đáo trong một xã hội thấm nhuần tư tưởng lạc hậu, hà khắc. Những vẻ đẹp ấy được thể hiện qua hai nhà thơ trong bài "Thương vợ" của Tú Xương và "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" của Cao Bá Quát.

    Tú Xương và Cao Bá Quát đều là hai nhà nho sống trong thời xã hội phong kiến nhà Nguyễn thối nát, trì trệ, bảo thủ. Do vậy giữa hai người cũng ít nhiều gặp nhau về một tư tưởng. Tuy không cùng sinh ra trong một thời kì (Cao Bá Quát sinh ra và lớn lên khi Pháp chưa xâm lược còn Tú Xương sinh ra khi đất nước đang rơi vào cảnh nguy nan khốn đốn, trong khi công cuộc xâm lược và bình định của Pháp đang đi vào hồi cực thịnh).

    Hai mảnh đời đều trải qua thời kì đen tối nhất của lịch sử dân tộc. Xã hội Việt Nam lúc ấy đã chuyển sang một xã hội mới là xã hội thực dân nửa phong kiến. Cái xã hội ấy gắn với sự thay đổi trong tình hình giai cấp, sinh hoạt, trạng thái tâm lí xã hội. Đây là lúc phường bất tài vô liêm sỉ sẽ làm anh làm chị, nghênh ngang vênh mặt với đời. Và đây cũng là lúc nho phong tàn tạ, sĩ khí tiêu điều, bút lông đến ngày hết được săn đón, mọi giá trị cũ đang sụp đổ trước uy thế của đồng tiền. Cái xã hội đảo điên tan tác ấy đã tác động đến nhiều nhà nho chân chính, có ý thức trước vận mệnh đất nước trong đó có Cao Bá Quát và Tú Xương. Trước hiện thực cuộc sống ấy cả hai ông đều có những nỗi niềm giống nhau trong quan điểm của mình về con đường danh lợi.

    Cao Bá quát chán ghét thốt lên rằng:


    "Bãi cát dài bãi cát dài ơi

    Đi một bước như lùi một bước

    Mặt trời đã lặn, chưa dừng được

    Lữ khách trên đường nước mắt rơi"

    Với ông, con đường đậu đạt làm quan là quá mù mịt, gập ghềnh, trắc trở, xa xôi, khó xác định phương hướng. Phải chăng do Cao Bá Quát quá lận đận với con đường danh lợi, không có cửa làm quan, chức cao vọng trọng? Hay do ông bất tài, vô dụng? Nhưng nó hoàn toàn ngược lại, ông là một người có học vấn uyên thâm, có tài năng, bản lĩnh, được người tôn là "Thánh Quát" (Thánh Quát là để ca tụng ông Cao Bá Quát có tài văn chương rất hay, thơ ông hay như thơ thánh)

    Nguyên nhân chủ yếu là vì sự suy thoái thi cử, sự khủng hoảng của thời đại. Con đường hành đạo của kẻ sĩ, con đường đi tìm chân lí, lẽ sống của một "Kẻ làm trai" quả là khó khăn, vất vả. Với cách sử dụng hình tượng bãi cát đầy tính gợi hình, và hình ảnh người đi trên bãi cát vô cùng tinh tế, Cao Bá Quát đã miêu tả rất thành công sự mệt nhọc, vất vả của người đi trên con dường danh lợi. Con dường ấy dài lắm, khó đi lắm đến nỗi giọt nước mắt của những người trí thức phải tuôn rơi. Giọt nước mắt đó là tiếng khóc cho sự vất vả, mệt mỏi, oán giận. Là giọt nước mắt khóc thương cho biết bao năm đèn sách không là gì cả, mà hơn nữa, đó là tiếng khóc của thời đại, tiếng lòng tiếc thay cho một xã hội suy tàn.

    Đối với Tú Xương, cuộc đời của ông chỉ gắn liền với thi cử. Giống như Cao Bá Quát, không phải là ông không thông minh, tài giỏi, mà cũng chính bởi vì sự suy thoái của việc thi cử, khiến ông thi 8 lần mà cũng chỉ đậu được tú tài, lại thêm cuộc sống gia đình khó khăn. Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai bà Tú. Ông chẳng giúp được gì cho vợ con. Vì lẽ đó, giọng thơ của ông vừa chua chát, vừa mạnh mẽ, phẫn uất, cũng là tiếng "chửi" chính mình và thói đời


    "Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

    Có chồng hờ hững cũng như không"

    Tuy nhiên, với Cao Bá Quát, phong cách nhà nho chân chính thật sự tỏa sáng bởi quan niệm sống vô cùng tiến bộ. Con đường danh lợi gập ghềnh đến thế thì bạn hãy tự thoát ra. Một bước đi để đường đời thay đổi, để không còn phải vất vả bon chen, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Đâu phải chỉ có làm quan mới là con đường duy nhất đi tới thành công, hãy chọn cho mình một lối rẽ riêng, không xô bồ, chen lấn.

    "Hãy nghe ta hát khúc đường cùng"

    Phía Bắc núi Bắc, núi muôn trùng

    Phía Nam núi Nam, sóng dào dạt

    Anh đứng làm chi trên bãi cát "

    Hãy dũng cảm vứt bỏ con đường công danh vô nghĩa, hãy tự tìm cho mình một đường đi đúng đắn. Đừng để vòng xoáy danh lợi nhấn chìm những con người tài giỏi vào hố sâu, mà hãy bước ra khỏi vòng xoáy ấy mới là quyết định sáng suốt nhất. Cao Bá Quát đã có một quan niệm rất đúng đắn, vượt qua thời đại để hướng con người tới một cuộc sống hạnh phúc hơn, hướng đến một lí tưởng cao đẹp hơn. Đó cũng là bước đi đầu tiên để làm thay đổi xã hội, thoát khỏi sự lũng đoàn, suy đồi. Từ đó, Cao Bá Quát đã trở thành một biểu tượng của nhà nho chân chính, rất khác biệt so với các thế hệ trước.

    Khác với Cao Bá Quát, Tú Xương đã thể hiện sự phá cách của mình qua lối văn thơ viết về vợ của mình, bao gồm cả thơ, văn tế, câu đối. Và càng phá cách hơn khi ông viết về vợ mình lúc còn sống. Với một tấm lòng yêu thương, biết ơn, cảm phục người vợ, Tú Xương đã phác họa một vài nét rất chân thực và cảm động về hình ảnh bà Tú, người vợ hiền thảo của mình với bao đức tính đáng quý: Đảm dang, tần tảo, chịu thương, chịu khó, thầm lặng hi sinh cho hạnh phúc gia đình:


    " Quanh năm buôn bán ở mom sông

    Nuôi đủ trăm con với một chồng

    Lặn lội thân cò khi quãng vắng

    Eo sèo mặt nước buổi đò đông "

    Ở cái xã hội đã có luật bất thành văn đối với người phụ nữ:" Xuất giá tòng phu ", đối với quan hệ vợ chồng thì" phu xướng, phụ tùy "thế mà có một nhà thơ dám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời, dám tự thừa nhận mình là quân ăn bám vợ, không những đã biết nhận ra thiếu sót, mà còn giám tự nhận khuyết điểm. Một con người như thế chẳng đẹp lắm sao. Nhan đề Thương vợ đã nói hết sự sâu sắc trong tình cảm của Tú Xương đối với vợ cũng như thể hiện đầy đủ vẻ đẹp nhân cách của một nhà nho chân chính của Tú Xương.

    Cao Bá Quát và Tú Xương xứng danh là những con người có nhân cách nhà nho chân chính. Hai nhà thơ đã có những suy nghĩ rất độc đáo. Tuy sống trong một xã hội đã bị thấm nhuần tư tưởng hà khắc, lạc hậu của Nho giáo và sự thối nát của Xã hội phong kiến. Với" Bài ca ngắn đi trên bãi cát "Cao Bá Quát chứng tỏ là một nhà nho có quan niệm sống tiến bộ, có cái nhìn vượt thời đại, cũng là ước muốn cải cách xã hội. Với bài" Thương Vợ ", Tú Xương đã miêu tả chân dung của một người vợ tần tảo, vất vả với một cảm xúc yêu thương, cách nhỉn về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến của ông, là tiếng" chửi"mỉa mai thói đời và tự trách mình. Cả Cao Bá Quát và Tú Xương đều để lại dấu ấn qua tác phẩm của mình để khẳng định phong cách riêng của mỗi người. Vì thế có thể nói, cả hai nhà thơ đều đáng được gọi là những nhà nho mang vẻ đẹp nhân cách chân chính.
     
    Hạ Quỳnh Lam thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng mười một 2021
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...