Về đậu trên cầu ông Kinh Tác giả: Hoàng Anh Tuấn * * * Có một dòng sông chảy uốn lượn quanh làng Hoành Nha của tôi. Sông mang tên làng. Sông Hoành Nha do người làng tôi thuở khai hoang lấn biển đã đào nên để dẫn nước từ sông Sò về. Người ta gọi sông Hoành Nha là sông con và sông Sò là sông mẹ. Sông con "bú mớm" từ "bầu sữa" sông mẹ mà bồi đắp phù sa vàng mỡ cho cánh đồng hoa màu, ngũ cốc những chiêm mùa chắc hạt, sai bông. Bắc trên dòng sông con ấy là những chiếc cầu, mà tôi nhớ nhất là cầu ông Kinh – nơi bàn chân thơ bé của tôi vẫn nhẩn nha, tíu tít đi học trường làng mỗi sớm mai. Người làng tôi có thói quen đặt tên cho những chiếc cầu bằng tên của người chủ nhà ở ngay đầu cầu. Cứ gọi nhiều thành quen dù cho người có tên được đặt cho chiếc cầu ấy đã trở thành người thiên cổ. Cầu ông Kinh, cầu ông Cai Long, cầu bà Lợi, cầu bà Mót.. đã trở nên quen thuộc trong tâm trí người làng hay da diết trong nỗi nhớ của người xa quê. Cầu ông Kinh được làm bằng một cây gỗ bắc trên những cái chạc chéo và chỉ có một tay vịn bằng tre. Sau này, tôi biết trong Nam bộ gọi là cầu khỉ. Người lớn vịn một tay, còn trẻ con vịn hai tay khi đi qua cầu ông Kinh. Vịn một tay thì đi thẳng, còn vịn hai tay thì phải đi ngang. Các bà, các chị làng tôi đội thúng đi chợ phiên, đi xát gạo thường buông cả hai tay mà thoăn thoắt đi thẳng qua cầu, còn trẻ con đi ngang như cua bò, cứ dò dẫm lần mò, xê dịch từng bước một vì sợ ngã lộn cổ xuống sông. Vì đi ngang nên bọn trẻ con chúng tôi mới biết là gió rất thơm, nắng rất vàng, trời rất xanh và mây thì rất trắng. Cầu ông Kinh mảnh mai, duyên dáng như cô thôn nữ muộn chồng làm duyên soi bóng xuống mặt sông trong vắt, phẳng lặng như một tấm gương lớn. Đi dàn hàng ngang qua cầu như thế mọi thứ sẽ lộn tùng phèo hết cả. Trời xanh, mây trắng ở dưới chân và sông biếc, nước trong ở trên đầu. Cầu ông Kinh nối thôn Thượng với trường học của tôi bên kia sông. Bên kia sông có một cây gạo già trầm mặc tỏa bóng xanh mát một vùng và một ngôi chùa cổ uy nghiêm mái ngói, tường vôi rêu phong cổ tích. Tục ngữ có câu "Cây gạo lắm ma..". Thế mà cây gạo mọc ngay trước cổng tam quan. Một con đường nhỏ chạy qua giữa cổng tam quan và cây gạo như một ranh giới giữa đạo và đời. Cây gạo ngó vào tam quan đầy oản xôi, đèn nến mỗi ngày rằm, mùng một. Tam quan trông ra cây gạo tràn hoa nở, chim hót mỗi độ tháng ba. Bà tôi bảo cây gạo mọc ở đấy cho ma đói, ma khát lang thang không nơi nương tựa về trú ngụ để nghe kinh kệ của nhà chùa mà chóng được siêu thoát. Trường tôi sát cạnh chùa làng. Tiếng chuông mõ, mùi nhang bài theo gió bay vào cửa sổ lớp học. Tháng ba, cây gạo bên cầu ông Kinh bắt đầu thắp một mùa hoa mới. Mùa hoa bắt đầu nở từ khi lúa đồng thắt đáy lưng ong và kết thúc khi lúa đồng thai nghén trổ đòng. Mỗi bông hoa gạo là một ngọn nến lung linh trong ban tam bảo. Nghìn bông hoa gạo là một mâm xôi gấc khổng lồ dâng lên đức phật từ bi. Cuối tháng ba, cây gạo trút hết cơn mưa hoa đỏ rực để bước sang hè. Ngày cô tôi lấy chồng cũng vào độ tháng ba. Cô tôi mặc áo phin nõn, quần sa tanh đen, đội nón lá quai hồng, ôm bó lay ơn trắng muốt đi cạnh chú rể mặt non choẹt, miệng cười bẽn lẽn. Đoàn rước dâu qua cầu ông Kinh, tôi thấy cô tôi khóc, nước mắt lã chã tuôn rơi ướt đầm vạt áo. Lúc đó tôi nghĩ tới cây gạo bên cầu ông Kinh đang trút cơn mưa hoa đỏ rực, mỗi giọt nước mắt là một bông hoa. Ai nhìn thấu duyên phận rồi sẽ ra sao. Đàn bà mười hai bến nước, biết bến nào trong đục. Như bông hoa gạo đỏ rụng xuống dòng sông làng. Cạnh gốc gạo mỗi trưa hè, có một ông già bán kem. Hộp kem làm bằng gỗ có nắp đậy là cái chăn chiên gấp vuông vắn. Hộp kem được chằng buộc dây co trên gác ba ga một chiếc xe đạp Thống Nhất cũ đến nỗi bong tróc cả sơn nên chẳng biết nước sơn màu gì. Chiếc xe đạp còn lắp cả biển số, hẳn là nó đã cùng chủ nhân đi qua cả thời bao cấp đói khổ. Ông già ấy mặc một cái áo bộ đội đã sờn bạc, đầu đội mũ cối, một tay cầm cái kèn tự chế bằng kẽm bóp kêu "búp be, búp be" như mời gọi, còn tay kia luôn sẵn sàng cái nắp đậy chăn chiên để mở ra thế giới của những que kem ngọt ngào, mát lịm. Những que kem làm bằng bột nếp trắng muốt, dẻo quẹo được phủ bởi mấy sợi dừa nõn nà, béo ngậy. Đưa que kem lên mũi hít một cái rồi ăn thật nhanh để kem khỏi tan chảy, nhưng lại mong kem thật lâu hết để bõ cơn thèm. Nhưng bao giờ kem cũng mất mà cơn thèm còn chưa kịp hết, khói vẫn còn vương trên que. Có lần, tôi thèm ăn kem quá mà trong túi không có một xu nào. Tôi liều lĩnh đem đôi dép tổ ong mẹ tôi mới mua ra đưa cho ông già để đổi kem. Tôi khẩn khoản: "Ông ơi, ông đổi cho cháu một que kem có được không ạ?". Ông già trìu mến nhìn đôi dép mới trên tay tôi rồi nhìn xuống chân trần lấm lem của tôi rồi cười hiền từ nói: "Cháu cứ xỏ dép vào đi. Ông sẽ bán chịu cho cháu que kem này. Lúc nào có tiền trả ông cũng được". Tôi cầm lấy que kem và ăn trong niềm vui sướng vô hạn. Có lẽ đó là que kem ngon nhất trong đời tôi, chẳng bao giờ tôi còn thấy có que kem thứ hai ngon như thế nữa. Sau những tuần chay, vào giờ ra chơi sư thầy trụ trì chùa làng thường đưa qua rào sang trường cho lũ trẻ chúng tôi chút lộc phật, khi thì quả ổi, quả táo, lúc phẩm oản, nắm xôi. Thầy xoa đầu một đứa rồi nở một nụ minh triết: "Các con ăn lấy thảo để học giỏi nhé". Tự nhiên tôi thấy ân hận vì mấy lần cùng thằng Việt, thằng Hưởng đi câu trộm cá rô trong ao và hái trộm ổi bo trong vườn của nhà chùa. Nhưng đến cuối tuần được nghỉ học, hai thằng nó cầm cần câu và ống bơ giun thập thò ngoài ngõ rủ: "Ê, ê, Tuấn, đi thôi.." thì nỗi ân hận ấy chỉ thoảng qua như gió rồi tan đi nhanh chóng như mây. Bà tôi dặn là: "Của bụt mất một, đền mười Bụt hãy còn cười, bụt chả lấy cho" Nên không được lấy trộm cái gì của nhà chùa đâu đấy. Có lẽ sư thầy cũng biết chúng tôi lấy trộm nhưng không trách mắng bao giờ. Để bây giờ nỗi ân hận ấy với sư thầy, với bà nội trong tôi còn mãi. Chiều đông. Hoa cải vàng như nắng. Cầu ông Kinh duỗi chân ngắm. Bờ cát trắng xổ dải yếm nằm trễ nải mặc kệ mưa phùn vày vò. Gió xao xác đuổi nhau trên mặt sông vắng. Tam quan cong vút như giọng chèo. Cây gạo trầm tư lắng nghe. Bỗng tiếng người hét to thảng thốt xé tan yên lặng: "Có người nhảy cầu ông Kinh tự tử kìa". Lũ trẻ chúng tôi trong sân trường chạy ùa ra xem. Người ta vừa lôi lên một nam thanh niên. Họ đang dốc ngược người này lên mà chạy dọc triền sông rồi đặt xuống bờ cát đẩy lồng ngực cho nước trong bụng trào ra. Anh này ho mạnh một cái rồi phun nước ra cả mũi miệng. Mọi người reo lên: "Sống rồi". Có tiếng một ai nói: "Làm sao mà phải chết, phí đời trai đi. Con Đào nó phụ bạc thì lấy con Lan, con Huệ, con Nhài. Làng này thiếu gì gái đảm, gái ngoan. Mà không lấy gái làng này thì làng khác chứ". Tiếng ai đó chen vào: "Đúng rồi đấy, hèn nhát, yếu đuối quá, các ông, các bà nhỉ!". "Phải đấy!" – đám đông ồn ào hưởng ứng. "Cũng may dân vạn chài làng mình không kiêng cứu người chết đuối, không thì toi mạng rồi con ạ" – một bà xoe xóe góp lời. Sau này, khi gặp những buồn bã, đau khổ trong cõi người, tôi luôn tin rằng cuộc đời này còn nhiều thương mến, tốt đẹp để mà sống tiếp, bước tiếp. Sầu não, bi lụy đến thế nào cũng không thể làm tôi gục ngã, đầu hàng dù tưởng rằng mình có thể chết đi được. Bởi không có đau khổ thì làm sao mà cảm nhận được hạnh phúc. Cây gạo đã chặt đi, ngôi chùa đã được trùng tu, trường học đã di dời, cầu ông Kinh đã xây kiểu mới và ông già bán kem đã thành hồn muôn năm cũ. Chỉ sót lại tên cầu còn tất cả đã thuộc về quá khứ. Bây giờ về quê, tôi không dám bước chân qua cầu ông Kinh bởi kỉ niệm tuổi thơ đã bỏ lại phía sau lưng. Tôi tìm gì nữa phía bên kia chiếc cầu hiện tại. Muốn làm một con chim chào mào đuôi son, bụng bạc bay về ngày xưa đậu trên cây gạo tháng ba, chuyền sang tam quan ngày rằm rồi sà xuống cầu ông Kinh vào một sớm mai đi học. Hót một lần thôi rồi lại bay đi, bay đi..