Truyện Ngắn Vật Lộn Với Ảo Mộng - Cần Ngừi Nui

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 5 Tháng một 2022.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Tên truyện: Vật lộn với ảo mộng

    Tác giả: Cần ngừi nui (ayza thật hối hận khi lấy cái tên này. Chả hiểu sao)

    Thể loại: Truyện ngắn

    Link thảo luận: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Cần Ngừi Nui

    Số chương: 10​

    [​IMG]

    Văn án: Trên đời này chẳng có thứ gì tồn tại mãi mãi, có chăng chỉ là trong ảo mộng và ham muốn của con người. Số phận, tình yêu, tiền tài, cơ hội, phẩm giá, kí ức.. cái nào là thực là mơ?

    Tận sâu bên trong tâm hồn mỗi người vẫn đang nuôi dưỡng một hay vài nhân cách khác. Các Đôn Ki-hô-tê hay Xan-cho Pan-xa có thể đại diện cho điều ấy. Hành trình trút bỏ chấp niệm của bản thân để trở thành một người thực tế và hòa nhập.. quả thực là không dễ dàng.

    Câu chuyện có nhiều lỗ hổng cực kì lớn, logic hơi phế, nhưng hy vọng có thể bồi đắp hay an ủi phần nào cho tâm hồn của bạn đọc.

    P/s: Hí hí, mong các độc giả sáng suốt thông minh đọc truyện này xong sẽ biết chi tiết nào là thực là giả, đâu là hiện thực đâu là sản phẩm của trí tưởng tượng. Truyện được lấy cảm hứng từ văn bản Đánh nhau với cối xay gió (chương trình Ngữ văn lớp 8) trích trong tác phẩm kinh điển Đôn Ki-hô-tê của tiểu thuyết gia vĩ đại người Tây Ban Nha Miguel de Cervantes, cũng không hoàn toàn là mình viết. Ảnh mình lấy trên Internet, không liên quan đến nội dung lắm nhưng có lẽ sẽ phù hợp với tâm trạng.
     
  2. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 1

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Chợt hai thầy trò phát hiện có ba bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng, và Đôn Ki-hô-tê vừa nhìn thấy liền nói với giám mã:" Vận may run rủi khiến cho sự nghiệp của chúng ta tốt đẹp quá sự mong muốn, vì kia kìa, anh bạn Xan-chô Pan-xa ơi, có đến ba bốn chục tên khổng lồ ghê gớm, ta quyết giao chiến giết hết bọn chúng; và với những chiến lợi phẩm thu được, chúng ta sẽ bắt đầu giàu có: Bởi đây là một cuộc chiến đấu chính đáng, và quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất là phụng sự Chúa đấy "." Những tên khổng lồ nào cơ? "Xan-chô Pan-xa hỏi.

    " Những đứa mà anh nhìn thấy kia kìa ", Đôn Ki-hô-tê đáp," cánh tay chúng dài ngoẵng, có đứa, cánh tay dài tới hai dặm "." Thưa ngài ", Xan-chô nói," xuất hiện ở kia chẳng phải là các tên khổng lồ đâu mà chỉ là những cối xay gió, và cái vật trông giống cánh tay là những cánh quạt, khi có gió thổi, chúng sẽ quay tròn làm chuyển động cối đá bên trong "." Xem ra anh chẳng thành thạo gì về những chuyện phiêu lưu ", Đôn Ki-hô-tê đáp," đấy chính là những tên khổng lồ, và nếu anh sợ thì hãy lánh ra xa mà cầu kinh trong lúc ta sẽ đương đầu với chúng trong một cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức ". Nói rồi, Đôn Ki-hô-tê thúc con ngựa Rô-xi-nan-tê xông lên, chẳng thèm để ý đến giám mã Xan-chô đang hét bảo là rõ ràng lão đang xông vào đánh những cối xay gió chứ không phải là bọn khổng lồ.

    Nhưng trong bụng vốn đinh ninh phía trước là những tên khổng lồ nên Đôn Ki-hô-tê chẳng những không nghe lời can của giám mã Xan-chô, mà khi đã tới gần cũng không nhận ra đấy là những chiếc cối xay; đã thế, lão còn thét lớn:" Chớ có chạy trốn, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây ". Vừa lúc đó nổi lên một làn gió nhẹ và các cánh quạt lớn của những chiếc cối xay gió bắt đầu chuyển động; thấy thế; Đôn Ki-hô-tê liền nói:" Dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay hơn cả gã khổng lồ Bi-a-rê-ô, các ngươi cũng sắp phải đền tội ". Nói xong, lão nhiệt thành tâm niệm cầu mong nàng Đuyn-xi-nê-a của mình cứu giúp cho trong lúc nguy nan này; rồi lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, lão thúc con Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất ở trước mặt, và đâm mũi giáo vào cánh quạt: Gió làm cánh quạt quay tít khiến ngọn giáo gãy tan tành, kéo theo cả ngựa và người ngã văng ra xa.

    Xan-chô Pan-xa vội thúc lừa chạy đến cứu, và khi tới nơi thì thấy chủ nằm không cựa quậy: Đó là kết quả cái ngã như trời giáng của lão và con Rô-xi-nan-tê." Giúp tôi với, lạy Chúa! ", Xan-chô nói," Tôi đã chẳng bảo ngài rằng phải coi chừng cẩn thận đấy ư, rằng đó chỉ là những chiếc cối xay gió, ai mà chẳng biết thế, trừ kẻ nào đầu óc cũng quay cuồng như cối xay! "

    " Thôi im đi, anh bạn Xan-chô ", Đôn Ki-hô-tê đáp," chuyện chinh chiến thường biến hóa khôn lường chứ không như các chuyện khác; bởi lẽ, ta cho rằng và đúng là như thế, chính lão pháp sư Phơ-re-xtôn trước đây đã đánh cắp thư phòng và sách vở của ta, bây giờ lại biến những tên khổng lồ kia thành cối xay gió để tước đi của ta niềm vinh quang đánh bại chúng, vì lão thâm thù ta lắm cơ; nhưng rồi các pháp thuật xấu xa của lão cũng sẽ không thể nào đối chọi được với thanh kiếm lợi hại của ta "." Cầu Chúa hết sức phù hộ cho! "Xan-chô Pan-xa đáp và nâng Đôn Ki-hô-tê dậy, đỡ lão ngồi lại trên lưng con Rô-xi-nan-tê cũng bị toạc nửa vai.

    Vừa bàn tán về cuộc phiêu lưu mới xảy ra, hai thầy trò vừa đi về phía cảng La-pi-xê, vì theo Đôn Ki-hô-tê, con đường này có lắm người qua lại chẳng thể nào không gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác nhau[..] ." Nhưng kìa ", Xan-chô nói," ngày ngồi thẳng lại một chút chứ, vì tôi thấy hình như ngài hơi vẹo sang một bên, chắc là do bị ngã lúc nãy "." Đúng thế ", Đôn Ki-hô-tê đáp," và ta không kêu đau là vì các hiệp sĩ giang hồ[9] có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ, dù xổ cả gan ruột ra ngoài "." Nếu vậy, tôi chẳng biết trả lời ra sao ", Xan-chô đáp," nhưng Chúa thấu hiểu cho ta là tôi có yên lòng không nếu thấy ngài rên la khi bị cái gì làm cho đau đớn. Còn tôi, có thể xin thưa với ngài rằng chỉ cần hơi đau một chút là tôi rên rỉ ngay, trừ phi cả đến giám mã của hiệp sĩ giang hồ cũng bị cấm không được rên rỉ ". Tính chất phác của giám mã làm Đôn Ki-hô-tê không nhịn được cười và lão bảo Xan-chô cứ việc rên la lúc nào và thế nào cũng được, dù muốn hay không, vì cho tới nay lão chưa đọc thấy có chuyện cấm đoán như thế bao giờ. Xan-chô nhắc chủ đã đến giờ ăn. Đôn Ki-hô-tê đáp là lúc này chưa cần ăn, còn nếu Xan-chô đói thì cứ tự nhiên. Được phép, Xan-chô ngồi lại cho thật thoải mái trên lưng lừa, lôi các thứ ở trong cái túi hai ngăn ra, vừa đi theo chủ vừa ung dung đánh chén, thỉnh thoảng lại tu bầu rượu một cách ngon lành khiến tay chủ quán rượu dễ thương nhất ở Ma-la-ga cũng phải phát ghen. Vừa đi vừa chè chén như thế, Xan-chô chẳng còn nhớ gì đến những lời hứa hẹn của chủ và cảm thấy cái nghề đi tìm kiếm chuyện phiêu lưu này dù có nguy hiểm đến đâu cũng chẳng vất vả gì mà lại thoải mái nữa là khác.

    Đêm hôm ấy, hai người ở dưới các vòm cây, và Đôn Ki-hô-tê bẻ một cành khô, rút cái mũi sắt ở chiếc cán gãy lắp vào làm thành ngọn giáo. Đôn Ki-hô-tê suốt đêm không ngủ để nghĩ tới nàng Đuyn-xi-nê-a của lão, bắt chước những hiệp sĩ lão từng đọc trong sách thức trắng nhiều đêm ròng ở trong rừng hoặc nơi hoang mạc liên tưởng nhớ tới tình nương] .

    Xan-chô Pan-xa thì không thế, bởi vì dạ dày no căng toàn là rượu thịt, bác ngủ một mạch, và nếu như chủ không gọi, thì dù ánh nắng chiếu thẳng vào mặt, và vô số tiếng chim hót líu lo đón mừng một ngày mới có lẽ cũng không đủ để đánh thức bác. Vừa ngủ dậy, bác vớ ngay lấy bầu rượu, thấy nó nhẹ hơn tối hôm trước, nên buồn rầu vì xem chừng trên quãng đường này khó đào đâu ra ngay rượu để đổ vào cho đầy. Đôn Ki-hô-tê không muốn ăn sáng vì, như ta thường nói, chàng nghĩ đến người yêu cũng đủ no rồi.."

    Tiếng giáo viên dạy văn vẫn cứ đều đều. Cậu học trò nhỏ ngồi ở dưới nghe đến ngủ gà ngủ gật.

    - Phú, Phú, mày có dậy học không? Cô nhìn thấy lại gọi phụ huynh lên đấy. "

    - Phụ huynh? Bố mẹ tao còn bận kiếm tiền, không rảnh mà đến đâu. Cùng lắm chỉ quăng lại đây một xấp tiền dày thôi. Mà cô giảng đến đoạn nào rồi? Buồn ngủ quá."

    - Cô chưa giảng, chỉ đọc diễn cảm văn bản cho ngấm thôi. "

    - Cô đọc xong rồi nha. Hy vọng các em qua có thể hiểu được giọng điệu của văn bản, qua đó thấm được giọng điệu của nhà văn và hiểu thêm một tầng nghĩa mới về văn bản. Những thao tác đọc hiểu này không vô dụng đâu, trừ những bạn vùi đầu vào sách ngủ gật như bạn Phú. - Cô giáo nhướng mày, nhìn về phía cuối bàn. - Phú, học sinh cá biệt đây à, dậy cô xem nào. Mới buổi đầu đã thế rồi. Ngẩng mặt lên cô xem. Em à, có biết không, đời người cũng có thể gói gọn trong một trang sách. Tinh thần phấn chấn lên đi. Khéo em lại trở thành một Đôn Ki-hô-tê thứ hai mà lại không biết tỉnh ngộ đấy. Học xong, đến lúc đấy còn biết ứng phó với tâm hồn lệch lạc của mình. Học văn kì diệu lắm. Nó sẽ cho chúng ta những cuộc hội ngộ đầy bất ngờ."

    Cô giáo mới này.. thật đặc biệt.

    Phú chỉ có thể thốt lên như thế, rồi vùi đầu vào sách ngủ tiếp. Đôn Ki-hô-tê? Xan-chô Pan-xa? Đời nào cậu đọc mấy loại truyện hiệp sĩ phiêu lưu ngớ ngẩn ấy!

    * * *
     
  3. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    * * *

    Và đến bây giờ, khi đang ở trong một nơi rừng rú tối tăm heo hút, cậu cũng sinh buồn chán mà có suy nghĩ bâng quơ như vậy.

    Bình Phú - quãng thời gian thơ ấu thăng trầm của cậu chỉ có thể nói gọn trong vài câu. Ba mẹ cậu là vốn là những doanh nhân thành đạt, nhưng họ chỉ mải miết rượt đuổi theo đồng tiền, sinh nhật cậu cũng không về thăm con. Khi cậu đoạt giải vẽ thiếu nhi cũng không về chúc mừng, chỉ quăng cho một đống tiền. Cậu đã quá quen với lối sống vô tâm ấy, và cậu cũng dần coi tiền là một thứ quan trọng hơn cả tình thương. Cái gì cũng phải trao đổi bằng tiền, nói chuyện bằng tiền. Mọi thứ.. đều quy đổi về tiền. Về sau ba mẹ cậu làm ăn thua lỗ, bố cậu bỏ đi biệt tích, còn mẹ cậu sau mấy năm cầm cự trên thành phố đã bất lực dọn về một làng quê nghèo. Tại đây mẹ cậu cũng quần quật làm ăn, tạo cho cậu một đời sống vật chất đầy đủ không hề thiếu thốn, bữa trước lo bữa sau như người trong làng. Nhưng bà mắc một sai lầm lớn của bậc sinh thành, đó là không cho con một thế giới tinh thần ấm áp tràn đầy tình thương. Bà không mảy may quan tâm đến vui buồn hay những nhu cầu cảm xúc khác của người con nhỏ. Dường như, đồng tiền có uy lực vô cùng khủng khiếp, nó khiến con người ta mê hoặc, bị quyến rũ để rồi họ trở thành nạn nhân của đồng tiền, gánh chịu những hậu quả đồng tiền gây ra: Thờ ơ, vô cảm trước cảm xúc của người khác. Người mẹ ấy cũng là một trong số những nạn nhân đó. Năm cậu lên 16 tuổi, mẹ cậu trượt chân ngoài ao làng, chết đuối. Hai mẹ con bao năm nay chẳng nói với nhau được mấy câu, mẹ cậu chết, nghe bảo là kêu cứu nhưng không ai ra giúp, cậu cũng ra vẻ điềm nhiên lắm. Cái kiểu dửng dưng vô tâm vô tình thế này, cậu còn thấy lạ sao, chính bản thân cậu còn có vẻ nhiễm nặng với cái thói vô nhân đạo ấy. Làng này gần như là một khu ổ chuột, hai mẹ con cậu cũng coi như giàu nhất làng. Nhiều người ghen tị, cũng nhiều người dòm ngó, mẹ cậu lại có tính kiêu, hay đi tranh việc. Cậu học ở trường làng lúp xúp buổi đực buổi cái, nhưng may có nền tảng khá tốt ở trường thành phố nên về đây thành tích học tập vẫn luôn đứng đầu. Nói tóm lại, người ta hay bảo "Thông minh thì bị đố kỵ", "Giàu thì bị ghét, nghèo thì bị khinh", hai mẹ con cậu trong mắt người làng cũng không có ấn tượng gì tốt, nhất là mấy tên côn đồ chuyên đi lôi kéo cậu làm việc xấu. Tâm lý quan điểm suy nghĩ của Phú cũng có điểm lệch lạc. Ngày mẹ mất, cậu không khóc, cũng không cần người an ủi, chỉ lặng lẽ chôn cất cho mẹ một ngôi mộ nhỏ bên bờ sông gần nhà, thắp vài nén hương. Cậu cũng không đi học nữa. Làng nghèo trị an lỏng lẻo, cậu cũng 16 rồi, học hành chỉ để khoác lên vẻ ngoài có học. Nay mẹ mất, cậu cũng bỏ học luôn. Mẹ cậu để lại một túi đầy ắp tiền, thêm vào đó là một chiếc điện thoại nhỏ. Cậu bỏ lại ngôi nhà cấp bốn ấy, bắt đầu hành trình đi bụi, mà mấy đứa bạn hay đọc tiểu thuyết thường dành những từ hoa mỹ hơn để nói về hành trình này là đi "phiêu lưu", "va đập ngoại giới", "va chạm xã hội"..

    Cậu gặp quán nào sạch sẽ khang trang sẽ vào đó ăn, gặp nhà trọ nào kín đáo vắng lặng sẽ vào đó ngủ. Đi được 2 tuần, tiền trong túi cũng dần vơi, mà cậu vẫn đang ở một thị trấn nghèo nàn. Cậu muốn trở về thành phố, quay lại nơi cậu đã sinh ra, nơi có những tình bạn, tình thầy trò đẹp. Nhưng số phận đưa đẩy thế nào, tối ngày nọ, cậu lạc vào rừng.

    "Thiên linh linh, địa linh linh, hôm nay ngày lành tháng tốt, ta muốn tìm một đệ tử nối cái nghiệp thầy bói cao cả này. Tạ trời tạ đất, hãy cho ta một người thanh niên trai tráng cao 4 thước rưỡi, có nốt ruồi son, vầng trán cao, càn Chấn, tên hợp bát tự ngũ hành Kim Hỏa.."

    "Bấm tay tính toán, người, ắt đang ở phía đông. Khà khà, không biết ta có duyên không nhỉ?"

    Bụi cây đằng xa vang lên mấy tiếng sột soạt, còn có một giọng nói khàn khàn, như của một ông già đang độc thoại. Phú không nhịn được lại gần nghe ngóng, chân bước từng bước e dè thận trọng, tay huơ huơ, miệng khẽ nuốt ngụm nước bọt.

    Một ông già nọ lù khù lọm khọm bước ra khỏi lùm cây, trên vai vác một cái bị lớn. Áo bên trong màu trắng, ngắn hơn áo bên ngoài. Áo ngoài trang trí những hình thêu tinh xảo, màu chàm đen, dài qua gối, cổ áo chạy một đường kéo dài từ trên xuống dưới, thêu bằng chỉ đỏ. Thân áo thêu hình rồng. Hai tay áo rộng, phía trên ngắn, rủ dần xuống phía dưới. Quần có gấu dài trùm hết bàn chân. Ông ta còn đội một cái mũ hình chóp hướng lên trên, đủ màu sắc đen, tím, đỏ, vàng.

    Bên hông ông ta dắt một thanh kiếm và một chiếc gương bát quái, trên cổ đeo một chiếc sừng trâu, tay đeo vòng bạc.

    - Là.. là thầy cúng đây sao?

    - Ôi chàng trai, đúng như ta nghĩ, thật có duyên quá. Cậu.. xem nào, cũng 4 thước rưỡi đấy nhỉ. Ấy ấy, nốt ruồi son ở cổ kìa. Tốt tốt. Chàng trai, cậu tên chi?

    - Tôi.. tên.. tên Phú, Bình Phú.

    - Tướng tá chuẩn, vận tốt, còn hợp mệnh với ta, lại đây lại đây, ngửa cái tay ra xem nào.

    - Ông là thầy cúng hở? - Phú đã lấy lại được vẻ dạn dĩ tự tin vốn có của cậu. - Thầy cúng.. chắc giàu lắm nhỉ? Nghe bảo có người còn chuyên đi lừa tiền các..

    - Im đi, nói xấu sẽ bị Thiên lôi trừng phạt đấy. - Ông lão cướp lời. - Đúng, ta là thầy cúng đấy. Nhưng đúng hơn thì ta là đại sư, vì ta am hiểu và linh thiêng hơn nhiều. Tiền thì ta cũng coi như dư dả. Nhưng có tiền thì phải biết giúp đỡ san sẻ với người khác. Giữ của riêng mình có chết cũng không mang mang theo xuống âm phủ được. Nào nào xòe tay ra. Ta không đi ăn cướp ăn trộm gì đâu mà cậu lo. Ta là thầy cúng tâm linh tương thông với thần quỷ, được Thầy Tổ mách bảo, ta truyền đạt thiên ý tới mọi người. Ta sống giữa thế giới của thần quỷ và người, là cầu nối giữa hai..

    - Nói nhiều thế chắc nghèo rớt mùng tơi rồi. Lão điên. - Phú lẩm bẩm, toan quay đầu.

    - Cha cậu bỏ nhà đi, mẹ cậu mới mất. Cậu 16 tuổi, bỏ học, đang bị lạc trong rừng này..

    - Ông.. cái quái quỷ gì vậy?

    - Cậu mệnh khắc, thật số nhọ, không tốt chút nào. Nghe lời ta đi, ta đang cần một đệ tử cùng ta chu du khắp thiên hạ này, ra tay diệt trừ cái ác. Nghe có cao cả không?

    - Không phải cứ giúp người là sẽ nhận được cái tốt về mình. Cẩn thận mà bị thua thiệt đấy, ông bằng tuổi này rồi còn mơ mơ ảo ảo nuôi mộng giúp được người lạ sao?

    - Ấy là tích đức. Cái xấu đời nào nơi nào mà chả hoành hành tác loạn. Bao năm mới gặp được một người.. Thôi được, cậu cứ đi theo ta đi, ăn ngủ đảm bảo không phải lo gì hết. Còn có..

    - Tôi đồng ý. - Phú nghe đến đây, vội vọt miệng.

    - Được đấy, cậu đã là đệ tử ngoan của ta rồi. Ta sẽ đổi tên cho cậu. Cậu cái gì cũng tốt, nhưng tên thì còn khắc quá. Minh Tâm đi. Minh Tâm cho hợp ngũ hành Kim Hỏa.
     
  4. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vậy là từ đêm hôm ấy, cuộc đời của Phú lại rẽ sang một hướng khác. Một Minh Tâm xuất hiện, liệu còn mang dáng dấp của một Bình Phú vô tâm thực dụng ngày xưa?

    Thầy cúng ấy tên là A Nùng. Lão nhìn trông lạ lùng kỳ dị, nhưng rất yêu nghề và quan tâm đến người khác. Ngày đầu tiên, lão dẫn Tâm về nhà lão. Lão sống một mình nhưng trong nhà thứ nào cũng có theo đôi. Thầy cúng rất được lòng mọi người, đặc biệt là bà con dân tộc miền sơn cước, sùng bái tâm linh tín ngưỡng.

    Những đêm đầu tiên Minh Tâm chuyển đi sống lang bạt cùng thầy cúng, cậu và lão ngủ cùng phòng. Lão có một thói quen, đó là coi những cuốn tiểu thuyết, những pháp trận trấn trạch ma quỷ huyền huyễn là tư liệu học tập, hôm nào cũng mang ra đọc. Trước khi ngủ, cậu luôn phải nghe những câu chuyện ma quỷ, thỉnh thoảng còn bật dậy nửa đêm, đúng lúc ấy lại còn nghe thấy tiếng lão thầy cúng tụng những câu kì lạ, đến lúc nhắm mắt được thì trời cũng sáng rồi.

    - Ngày xưa, có một cô hầu gái vô cùng xinh đẹp làm việc cho một gia đình giàu có. Nhan sắc của cô khiến người chồng không thể nào rời mắt. Trong lúc ghen tuông, bà vợ đã sai người rút hết móng tay của cô gái, cắt toàn bộ tóc và lông mi. Sau đó, bà ta cắt miệng cô ra, kéo chiếc miệng duyên dáng dài đến mang tai. Họ chôn cô gái vào một trong những bức tường nhà, chỉ chừa một lỗ thông hơi nhỏ. Một đêm, đang nằm trên giường ngủ cùng người chồng, bà vợ bỗng nhiên cảm thấy vô cùng bức bối và bất an. Bà khó ngủ nhưng có cảm giác ai đó đang quan sát mình nên không dám cử động. Quá sợ hãi, bà ta run rẩy kéo chiếc mền lông cừu qua đầu và nhắm mắt lại, sau đó thò một tay ra nắm lấy tay người chồng để trấn an bản thân. Nhưng bà vợ chợt nhận ra, đôi tay mà bà ta nắm lấy rất mềm mại, dinh dính thứ chất lỏng tanh tanh nào đó và đáng sợ hơn nữa là nó hoàn toàn không có móng tay..

    Rồi vào thời xa xưa hơn nữa, trong một đêm không trăng, có..

    - Lão này, im lặng chút được không? Những câu chuyện này không hề có thật đâu!

    - Người thường không hiểu chuyện huyền bí, cứ tưởng ta ngậm ngãi mà nói, thực ra nếu có thì ngãi cũng chỉ là vật hữu hình, sự linh ứng vốn nằm ở Thầy Tổ đằng sau ta cơ. Đừng cản mất linh của ta.

    Bên cạnh đó, thầy cúng A Nùng này cũng có nhiều việc làm tâm linh kì dị hơn. Lão không cho phép Tâm sử dụng điện thoại trước mặt lão, vì lão nghĩ ánh sáng đó sẽ làm con người mê muội, mù mắt. Hay mỗi khi Tâm cảm thấy thoải mái vui vẻ, tiêu dao tự tại nơi núi rừng trong lành, ngồi trong nhà nhìn ra trời mây, định huýt sáo một chút thì lão lại ra sức ngăn cấm. Lão bảo huýt sáo trong nhà là mời gọi quỷ quái. Rồi trong bữa cơm, lúc nào lão cũng lôi thêm một bát một đũa ra, đặt bên cạnh mình, còn đơm cơm vào bát ấy, nói là đơm cho vợ mình. Nghĩ đến đây, Tâm cũng thấy giật mình. Những hôm đầu tiên, lão kể rằng lão có một người vợ, nhưng mất mười mấy năm nay rồi. Vậy mà lão vẫn coi như vợ còn sống. Thỉnh thoảng, những lúc về nhà, lão luôn khen vợ thật hiền huệ, đồ ăn bà nấu cũng thật ngon. Lão còn thường xuyên thủ thỉ nói chuyện một mình, luôn bảo vợ lão đang ngủ trong phòng, không được ồn ào quậy phá. Ban đầu cậu cảm thấy rợn người nhưng lâu dần cũng quen.

    Tâm cũng có thể hiểu cho những hành động mang tính bệnh nghề nghiệp của lão thầy cúng A Nùng. Nhưng cậu là một người con của thành phố xô bồ nhộn nhịp, không an tĩnh nhẹ nhàng như những việc tâm linh. Cậu sống hiện đại, vật chất, không để ý chăm chú nhiều đến đời sống tâm hồn. Đặc biệt, cậu là một con người vô tâm, nhưng lão thầy cúng thì lại rất quan tâm đến người khác, mặc dù kiến thức khoa học xã hội của lão rất hạn hẹp, cổ hủ, chưa tiến bộ.
     
  5. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đêm nọ, vẫn như mọi khi, lão thầy cúng phải tụng tụng khấn vái và nói chuyện với vợ vài câu mới lên giường nằm, hai người đang chìm vào giấc mộng của riêng mình thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Tiếng khóc ban đầu cứ dấm da dấm dứt, sau nức nở, rồi òa lên inh ỏi.

    - Bé nhà ai thế ông già? Gì mà nửa đêm nửa hôm réo ầm thế?

    - Sùng Khiền bị quỷ quấy quả rồi.

    Tâm lập tức cảm thấy ớn lạnh cả sống lưng. Cậu lắp bắp:

    - Quỷ.. quỷ gì thế? Ông định đến nhà thằng bé à? Người ta còn chưa mời gọi ông đến đâu..

    - Cậu là đệ tử, đi theo ta đi. Ta sẽ đến trừ tà cho Sùng Khiền.

    Tiếng khóc đó là của một bé trai hai tuổi ở ngõ trên, con anh Khanh. Vợ anh mới mất do bạo bệnh, anh chỉ có thể gà trống nuôi con. Nửa đêm đứa con khóc lóc ảnh hưởng láng giềng, anh đúng là luống cuống không biết làm thế nào. A Nùng đến, lão đặt thằng bé giữa giường, đắp cho nó một cái chăn, rồi khấn khấn vài câu, lão đặt tay lên trán nó, ống tay áo dài quạt quạt vài đường. Thằng bé vẫn khóc lóc ầm ĩ, nhưng một lúc sau thì tắt ngấm, ngủ thiếp đi.

    Tâm thừa biết, đứa trẻ đó khóc không phải bị quấy quả, mà là đói ăn, khát sữa, thèm mẹ, Chỉ cần cho Sùng Khiền uống chút sữa, hay quấn áo mẹ quanh người nó, cho đứa bé cảm nhận được hơi mẹ, nó sẽ tự khắc ngủ ngoan. Vừa rồi lão làm một đống phép, đứa bẽ mãi mới im. Đứa bé nín khóc không phải thoát khỏi ma trêu, mà là mệt quá mới quay qua chìm vào giấc ngủ.

    Qua nhiều chuyện, cuối cùng Minh Tâm cũng biết được, lão A Nùng kia chẳng phải thầy cúng gì hết. Cậu hỏi ra mới biết, trước kia lão là nông dân cần kiệm, chỉ là đời sống tâm linh hương đèn nhang khói phong phú đủ đầy hơn người khác. Vợ chết, lão sa vào ảo mộng, tự trách, quy tội về mình, cho rằng vợ lão tạm ốm liệt giường, chính là do lão không đủ thành tâm. Ở hiền mới gặp được lành. Từ đấy, lão làm thầy cúng đi khắp nơi trừ tà. Vì lương thiện, bà con lại thích nhờ vả thầy cúng, nên lão vẫn được lòng rất nhiều người.

    Lão thích truyền đạt những truyện ma quỷ, thế giới tâm linh, chữa bệnh bằng thần linh bùa yểm, những mẹo dân gian không hợp thời, hết đúng đắn. Lão còn bói toán, xem tướng, gieo quẻ.. Tuy lão có những quan niệm mà Tâm cho rằng rất không hợp lý, thuận tự nhiên, dị đoan mê tín, nhưng lão sống và làm việc bằng cái nghề ấy, Tâm đi theo lão không phải lo ăn ngủ. Cậu hay bị lão kéo đi xem mình trừ tà, lấy danh là đi học hỏi kinh nghiệm. Cậu thấy các thân chủ có vẻ không ảnh hưởng gì lắm, cũng chỉ mất chút tiền, bản thân còn được lợi nên không để tâm. Có đôi lúc cậu thấy lão hành hiệp trượng nghĩa, hơi khinh thường, nghĩ giúp được người ta hôm nay nhưng ngày mai vẫn thế, chẳng có ích gì, lại còn dính phiền phức vào người. Thầy cúng có những tư tưởng mà so với cậu khác hẳn nhau, quá đỗi ngây thơ, mộng mị, hão huyền, nhưng xét lại là lão có thiện ý giúp người, chưa từng muốn làm hại ai, nên tuy có nhiều ý kiến trái chiều trong lòng cậu, chung quy, cậu vẫn mặc kệ.
     
  6. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đường lên núi hẻo lánh, hai bên đường cây hoang mọc lên um tùm rậm rạp. Thỉnh thoảng còn có tiếng sột soạt trong lùm cây, tiếng gió hun hút thổi, trời âm u mịt mù, khung cảnh phía trước thật không khỏi khiến người khác rùng mình sởn gai ốc.

    - Này lão A Nùng, sao ba rưỡi sáng đã lôi tôi dậy đi dạo quanh rừng rú thế này rồi? Ghê chết được. - Minh Tâm uể oải ngái ngủ. Cậu lếch thếch như con gà rù theo sau lão thầy cúng.

    - Nào nào, trời sập tối mà đi là phải dẹp sang 1 bên cho quan binh Âm phủ qua đường. Cậu cũng không được chê trách. Thời điểm này rừng rú vắng lặng im ắng, vạn vật chìm vào giấc ngủ say sưa, rất thích hợp để xem loài yêu ma quỷ quái, hồn ma bóng quế nào tác oai tác quái, thoát ẩn, thoát hiện, khi tỏ, khi tường. Cậu xem, trong bụi có cái gì loạt soạt kìa. Tránh ra ta xem nào..

    - Đấy là mấy con thỏ, con chuột lão ơi. Lão lại ảo tưởng rồi. Thời buổi nào còn nhìn ra được..

    - Ngậm miệng. Cậu làm yêu quái thức tỉnh rồi đấy.

    - Khoan khoan, lão nhìn đằng trước xem.. - Tâm kêu lên như thế, vì cậu chợt phát hiện có mấy người xúm xít quanh một quán nước.

    - Cứu, cứu, bụng tôi..

    - Này, lão lại xem người ta sao kìa..

    - Đi nhẹ nói khẽ thôi, con yêu quái từ cõi âm ti hiện về đang dần thức tỉnh, nó đang chuẩn bị mượn thân xác con người để lộng hành trên chốn trần gian này đấy.

    Lão nói thế, nhưng vẫn chạy lại quán nước nghe ngóng tình hình.

    Một người thanh niên có vẻ là vừa đi đồng về, đột nhiên lên cơn đau bụng. Ban đầu là sốt hết cả ruột, lúc sau thì đau dữ dội.

    - A Quý, cậu vừa đi đồng về à? Sao đi sớm thế? Lúc này mới đang 3 giờ sáng thôi đấy. Mò mẫm vậy, có chuyện gì sao?

    - Lão A Nùng đấy à? Tôi nhớ lối mình để quên con trâu ở đồng, nên chạy ra dắt nó về. Nhưng hóa ra tôi bị mộng du, con trâu vẫn ở trong chuồng nhà..

    - Đầu óc mộng mị, không tỉnh táo. - Tâm đứng một bên bình phẩm.

    - Kìa Tâm. Cậu chắc bị ma quấy rồi đấy. Tầm này có mà yêu quái đầy đường.

    - Vâng. Thầy cúng có gì thì làm lễ cho tôi với, có khi nó đang chui vào bụng mà hành tôi như này này.

    - Rồi rồi. Tôi đang định đi chút việc. Nhưng thôi, giúp được thì giúp ngay.

    Nói rồi, lão lôi cái sừng trâu ra, nói tiếp: "Yên tâm, tiếng thổi của nó sẽ làm cho tà ma sợ mà phải chạy đi nơi khác, không dám bám vào người bệnh nữa."

    Tâm hỏi ra mới biết người này hay nhịn ăn sáng, dậy sớm ra đồng cấy quần quật, tối về ăn muộn, lúc thì ăn đói, lúc lại ăn quá no. Thất thường như vậy, chắc chắn là bị đau dạ dày.

    Nếu nhẹ, chỉ cần lưu ý sắp xếp thời gian ăn uống nghỉ ngơi là được ngay. Quỷ quấy gì! - Tâm nghĩ.

    * * *

    Tối đó, lão Nùng về với cánh tay xước một vệt dài, túi trống rỗng. Cậu gặng hỏi mãi, lão mới nói lão đánh nhau để cứu giúp đứa bé đi học trên bản về bị trấn lột, mà mấy bọn gây sự toàn những tên đô con.

    - Tôi mà là ông, chắc chỉ đứng nhìn được thôi, hoặc bỏ chạy cho lẹ. Ai lại mang phiền phức vào mình như thế? Ông còn tỏ vẻ không sao được hả?

    - Bọn đầu trâu mặt ngựa, ngổ ngáo như thế, tốt nhất không nói lý với chúng. Còn giúp được ai thì giúp, thế thôi.

    Tâm định mặc kệ lão, nhưng thấy lão đã mất túi tiền, còn nhìn tội tội thương thương, lại đi kiếm thuốc xót bôi cho lão. Cậu nghĩ thầm: "Nếu là mình, chắc sẽ kêu la ngay, mà mấy việc bao đồng kia, dây dưa vào làm gì chứ."

    * * *

    Lại một ngày khác, một người phụ nữ trung niên ăn vận sang trọng đến tìm gặp lão Nùng. Bà ấy mặc một chiếc váy nhung đắt đỏ, đôi boots cao cổ bóng loáng, trông rất sành điệu. Lão tuy khá uy tín nổi tiếng, nhưng sẽ thu hút được một người ở thành phố đến miền núi hoang này sao? Rồi thấy bà tuy từ tốn ngồi chờ, lịch sự nhã nhặn, nhưng lại vẫn không giấu nổi vẻ lo lắng nóng vội, lão Nùng liền mời bà ấy vào.

    Người phụ nữ này đến xin lộc, hóa giải điềm xấu. Bà từng đi xem bói ở một chỗ khác, nhưng thầy bói nơi ấy lại phán bà mệnh đoản, điềm rủi, phải làm lễ ba mươi triệu tỏ thành tâm mới hết vận xui. Về nhà, bà lâm vào trạng thái lo âu, khủng hoảng, thường xuyên bóng đè, mơ mình bị rơi xuống vách đá cheo leo.

    Lão Nùng nghe xong, bảo bà hãy tĩnh tâm lại, rồi ông tung 3 đồng xu cổ.

    Sau 6 lần tung, lão kết luận:

    - Bà may mắn đấy, thuận lợi, tốt lành, viên mãn, giàu lộc, trong tương lai còn sinh được con trai. Ai mà lừa bà vậy nhỉ? Muốn hóa giải những vận đen, điềm xấu, phải loại bỏ những lo âu, phiền muộn, ăn ở hiền lành, đức độ, có lòng hướng thiện.

    Người phụ nữ cảm ơn rối rít. Tâm nhìn theo bóng bà ấy đi khuất, nói:

    - Lại lo nghĩ nhiều rồi. Đầu óc không giữ được tỉnh táo, phân thật giả đúng sai, sinh ảo mộng. Ai lại đi tin tưởng lời nói vô căn cứ của kẻ khác.
     
  7. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hai người đang ngồi trong nhà sắp xếp lại đống quẻ.

    Một người từ đâu lù lù ở giữa sân nhà.

    Người này là một thanh niên gầy rộc, dáng người lù rù, mắt đờ đẫn, da tái nhợt. Anh ta lại xông vào giữa nhà, vẻ mặt thoáng hoảng hốt, chậm kêu:

    - Thầy cúng đây đúng không? Vợ tôi bị ma nhập rồi. Thầy xuống nhà xem thế nào đi!

    - Bình thường đều là ông tự đi, nay còn có người đến tận nhà mời gọi. - Tâm ngẩng mặt lên, quay sang nhìn lão, nhướng mày.

    - Thế thì phải nhanh chân lên. Phùng Nên, vợ cậu bị ma nhập thật à?

    - Anh ta lẩn rồi, tôi còn đang thấy dáng vẻ hành động của anh ta khả nghi lắm. Ông quen anh ta hả? Cứ đến nhà xem sao.

    * * *

    Giường phòng bên có một cô gái đang nằm im, tóc tai rũ rượi. Trên sàn vương vãi đầy tỏi vàng đã tách nhánh. Mùi tỏi nồng nặc khắp căn phòng.

    Minh Tâm bước lên trước lão thầy cúng, lại bên giường nhìn nhìn cô vợ. Cậu còn đang sợ cô nhảy chồm lên ôm lấy cổ mình. Lão Nùng hỏi han mấy thứ, còn đang định giở đồ nghề, Tâm đã chạy đến chỗ lão, nói:

    - Ông ra ngoài tôi bảo, nhanh. Có người chết rồi.

    - Cái.. - Lão Nùng định kêu lên, may là Tâm kịp đưa tay chặn miệng lão lại.

    Phùng Nên còn đang trong phòng vệ sinh. Hai người bước vội ra sân, Tâm kéo lão ra hẳn đường lớn.

    - Giờ cứ mặc kệ đồ nghề của lão đi. Phải bảo vệ tính mạng trước đã. Anh Phùng Nên kia.. có lẽ vừa chích ma túy đấy.

    - Ma túy? Ma túy là cái gì? Tâm à, cậu định ngăn cản ta hành nghề phải không? Cậu lại chê ta mê tín hả?

    Tâm vừa quay số gọi công an, vừa giải thích:

    - Cả người anh ta xanh bủng xanh beo, mu bàn tay và cổ có dấu kim, môi thâm sì, mắt có tia đỏ, người bồn chồn bất an, hở tí lại gãi gãi đầu, bưng bít tai, cắn móng tay.. Dưới gầm giường ngủ còn có kẹo cao su, giấy bạc, bật lửa vứt vung vãi rơi rớt. Chăn màn xuất hiện lỗ thủng có cạnh cháy xém, chắc là do tàn thuốc lá rơi vào. Đồ đạc bề bộn, chỗ này lại hoang vắng.. Tôi chỉ phỏng đoán thôi, cứ gọi công an cho chắc. Còn người vợ kia, tôi vừa đưa tay lại gần mũi chị ta, không thấy hơi đâu cả. Chắc tử vong rồi.

    Lão thầy cúng giật nảy mình. Vùng này trước đây có xuất hiện một đường dây buôn bán ma túy, công an phải điều tra canh gác túc trực bao đêm, bắt tận ổ nhưng lại lọt mất một tên. Không ngờ tên đó lại là Phùng Nên mà lão quen. Lão có chút am hiểu về ma túy, vì từng được công an đến tuyên truyền cho người trong làng. Lão không tin nổi, một Phùng Nên thường ngày hiền lành ít nói như vậy, lại là một tên chích ma túy, một kẻ giết người.

    Nửa tiếng sau, công an tập trung tại hiện trường. Phùng Nên trốn trong nhà vệ sinh, được một nữ công an chuyên nghiệp nói chuyện dỗ dành mới không kích động, mở cửa bước ra. Ngày hôm sau, tỉnh lại, Nên mở miệng đầu thú, thừa nhận mình sử dụng ma túy, thừa nhận mình lên ảo giác mà giết vợ.

    - Hắn giết vợ mình thật à? Hắn giết như nào? - Thầy cúng thấy Tâm đi lấy lời khai về xong, hỏi.

    - Anh ta chích xong rồi ảo tưởng vợ là ma, đang vào nhà hại con. Cô vợ thấy chồng không bình thường, hỏi han mấy câu, anh ta lại tưởng tiếng quỷ tru tréo, rủ rỉ bên tai, vội vào bếp bóc tỏi, quay ra đè vợ xuống nhét tỏi vào miệng vợ. Cô vợ sặc tỏi, tắc thở, không được cấp cứu kịp thời nên tử vong. Anh ta thấy vợ nằm im trên giường mới lại càng hoảng, liền chạy đến chỗ ông con mình báo vợ bị ma nhập. Xong xuôi anh ta lại đi đến phòng tắm ngồi thụp một chỗ, lúc công an đến chắc cũng hoàn hồn hơn rồi.

    - Ôi ôi ma túy, ta có rõ chút ít về ma túy thôi, nhưng nếu nó làm con người ta điên cuồng mất trí như vậy, thì thật là một thứ quỷ độc sống trần trụi giữa đời.

    - Cái đấy không phải mấy câu thần chú phép bùa là giải quyết được đâu..

    - Mà cô vợ ở lâu cũng không biết sao?

    - Chịu. Chị ta chắc có nghi ngờ từ lúc chồng mình hằng đêm đi ngủ lại đặt con dao dưới gối rồi. Nhưng chồng bảo gần đây hay có trộm, chẳng may trộm đến thì còn có dao mà phòng thủ, bảo vệ vợ. Toàn là những mong muốn tốt đẹp, nhưng xuất phát từ tâm lí quỷ dị, mê muội, không thực tế. Anh ta lại thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy nên bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ dùng thử ma túy cho biết, rồi chỉ thử một lần thôi cũng sinh ra nghiện. Sau đó vì sĩ diện cá nhân, danh dự gia đình, anh ta bưng bít, giấu kín nhưng chỉ ngày càng lún sâu vào ma túy. Một người chồng yêu vợ thương con, hiền lành chất phác, đến lúc sa chân vào những ảo mộng, lại biến thành quái vật giết người không ghê tay..

    Đang nói chuyện dở, một bà hàng xóm sang nhờ lão Nùng sang khấn vái, trừ tà cho những nhà xung quanh nhà anh Phùng Nên. Lão lập tức đồng ý, đứng dậy đi ngay.

    Tâm còn đang định nói gì đó, nhưng lại thôi.

    * * *

    Trong làng mấy ngày nay xảy ra một vụ án mạng. Chuyện là gia đình chị Ngạn cũng thuộc loại giàu có phát đạt. Cha chị buôn chè, mẹ chị là giáo viên. Còn nhà anh Kình thì ăn bữa trước lo bữa sau, con đàn cháu đống, từng ấy miệng ăn, mẹ anh và anh đều chăm chỉ làm nông, cày sâu cuốc bẫm, nhưng vừa rồi lại mất mùa. Bố anh trước đây làm nghề chẻ đá bị bụi đá bay vào mắt trái. Hồi đầu tưởng không sao nên cứ mua thuốc nhỏ, sau bệnh quá nặng mới đi khám, bác sĩ bảo phải bỏ con mắt vì không thể cứu được. Vậy là phải bỏ nghề. Nhà không có đất đai, cha mẹ chữ nghĩa không rành, được tới đâu hay tới đó. Hai anh chị yêu nhau, nhưng bị hai bên gia đình phản đối kịch liệt. Bên nhà gái muốn chị nên duyên với anh Quyền cũng giàu có, cho môn đăng hộ đối. Nhưng anh Quyền này như công tử nhà giàu, chỉ ăn với chơi, lên thành phố mua được cái điện thoại xịn, về cắm mặt cắm mũi chơi suốt ngày. Trước đó anh ta cũng làm ăn được, nhưng rồi buôn bán thất bại, đẩy lại cho bố, còn mình thì lao đầu vào game. Ở đó, anh ta dễ dàng tìm thấy chiến thắng, vinh quang, tự hào của mình sau những ván thắng game, leo rank kỷ lục. Anh ta chỉ việc cầm máy lên, giải cứu những nhân vật trong game, vậy là đã trở thành người hùng trong phút chốc, không như bao năm cố công mà công ty sụp đổ trong tích tắc, lại luôn chịu tủi nhục "lớn rồi còn phải để cha mẹ gánh", luôn không được thừa nhận, khen thưởng. Chị Ngạn đương nhiên không thích anh ta. Lão Nùng nhận thấy, liền dựa vào khả năng tác duyên của mình, làm lễ chứng minh anh Kình chị Ngạn hợp duyên, lại thêm giải mộng mẹ chị Ngạn sau buổi lễ về ngủ mơ thấy chăn đỏ, báo hỷ sự. Anh Kình lấy được chị Ngạn xinh đẹp nết na, bố anh Quyền cho rằng anh Quyền vậy là làm mất mặt gia đình, càng lên tiếng quở trách anh ta ham chơi không có tiền đồ. Anh này lại càng điên cuồng sa đọa vào game, bắt đầu sinh ra hoang tưởng, cứ nghĩ mình là người hùng cứu nhân độ thế. Một buổi chiều nọ, anh bắt cóc một bé trai năm tuổi đưa đến gần ngôi nhà hoang trong rừng, trói tay trói chân đứa bé để thực hiện theo trò game bắt cóc giải cứu. Đứa bé được người nhà tìm thấy trong tình trạng tắt thở do bị băng dính quấn chặt mũi miệng. Một người đang yên đang lành, lại vì nghiện game mà sinh mụ mị, ảo tưởng, cuối cùng giết người lúc nào không hay.
     
  8. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau vụ đó, lão Nùng ít nói hẳn. Lão cũng ít ra khỏi nhà hơn. Gần đến ngày giỗ mẹ Tâm, lão mới hoạt bát lên chút. Lão lúc nào cũng giục, đầu tháng rằm tháng lễ tết đều nhang khói suốt. Nhưng lần này lão giục ghê quá, Tâm mới về lại làng.

    Căn nhà nhỏ hoang vắng rậm rạp, dọn dẹp cũng mất cả ngày trời.

    Hôm nay lão Nùng mặc một cái áo mới hơn, của một người Cao Lan tặng lão. Áo có hai dây buộc ở hai vạt trước, cả thân trước và thân sau đều được thêu thùa dày đặc những chữ Hán cổ và các họa tiết hình người cưỡi chim, người cưỡi ngựa.. đó là những hình vẽ về vũ trụ, về những vì sao, các tiết âm dương ngũ hành và các quẻ trong Kinh dịch.. Lão bảo mặc vậy mới tôn trọng bản sắc, truyền thống, tổ tiên, thế sẽ càng linh thiêng. Lão xuống chợ mua được con gà, cúng bái xong xuôi, hai người ngồi vào mâm cơm.

    - Ông mua gà gì thế? Dai nhanh nhách.

    - Đừng đỏng đảnh, cậu có còn là cậu ấm nữa đâu. - Lão Nùng thản nhiên.

    - Ông mua một đĩa xôi là được rồi. Tôi thấy ông ăn uống cũng có ra gì đâu, thịt gà thịt lợn nửa năm mới động đũa, suốt ngày ăn ớt cay, dưa muối với húp cháo nóng thôi. Nấu cũng cho đống muối thế này. Hít nhang khói nhiều quá nên đủ no rồi hả? Nào nào, ăn nhiều cái coi. Nhường ông đấy..

    Lão Nùng định nói lại vài câu, bỗng ho rũ rượi. Tâm định hỏi lão có sao không, bỗng có một bà hàng xóm chạy sang.

    - Thầy cúng A Nùng nổi tiếng linh nghiệm đấy đúng không? Khổ quá, cháu nhà tôi từ thành phố xuống đây chơi, nhưng nó nằng nặc không ăn cơm tôi nấu. Thằng bé cứ lẩm bẩm đây có thể là một cái bẫy độc xyanua vì nó ngửi thấy mùi hạnh nhân. Rồi nó lại bảo tôi đóng chặt cửa lại vì dạo này có sát nhân hàng loạt xuất hiện đầy đường. À còn nữa. Mấy hôm trước bố nó xòe xe, về thằng bé hỏi han tỉ mỉ lắm, nó nói có hung thủ sắp xếp trước chứ không đơn giản là tai nạn, rằng hung thủ đã theo dõi từ lâu, căn giờ các thứ rồi lái xe với tốc độ nhanh, từ ngõ lao ra đường lớn đâm vào xe bố thằng bé để thủ tiêu. Sau đó hung thủ bỏ trốn đi thật xa, và nó đế thêm nó là một thám tử có nhiệm vụ truy tìm thủ phạm đòi lại công bằng cho bố. Thằng bé rối rít yêu cầu bố mẹ cho nó đi theo hung thủ. Con gái tôi tưởng con mình học hành căng thẳng sinh ra ảo tưởng, đành đưa về quê chơi. Ngày đầu vẫn không sao, đến hôm nay, ngày thứ hai, nó lại giở chứng không muốn ăn cơm tôi nấu, kêu tôi tiến hành kiểm độc..

    Lão Nùng quay sang nhìn Tâm. Tâm lập tức nói với lão:

    - Nghe tôi, không phải hồn ma quỷ quái gì đâu. Lại nghiện cái gì nữa rồi..

    Một lúc sau, Tâm về.

    - Không phải ma nhập?

    - Ấy A Nùng, lão bớt mê tín rồi hả? Thằng bé đọc nhiều truyện trinh thám quá, sinh ra ảo tưởng, nghĩ mình là thám tử, nghĩ thế giới xung quanh có nhiều vụ án khả nghi. Tôi đã bảo bố mẹ nó cho con đi du lịch thăm thú các loại rồi, không chúi mũi vào đọc truyện nữa, không thì chẳng mấy chốc, đầu óc và kết quả học tập của nó sẽ giảm sút mơ ảo thất thường cho coi.

    - Khà khà, cậu cũng thay đổi. Trước đây, những chuyện này, cậu chắc chắn sẽ không can dự đâu.

    - Tôi cũng thấy mình thay đổi..

    - Cậu.. bớt vô tâm hơn trước.

    - Phải, ấy là điều tốt. Ông biết không, lần này tôi chấp nhận về làng này giỗ mẹ tôi, là vì tôi sắp phải rời đi rồi.

    - Cậu rời đi? Đi đâu? Quay về thành phố? - Lão Nùng lập tức ngẩng đầu.

    - Vâng, tôi ăn bám ông vậy là đủ rồi. Tôi chẳng qua cũng chỉ là một thanh niên buông xuôi mọi hy vọng ước ao. Tôi thực dụng và có vẻ đang dần lạc hậu rồi. Dù sao.. tôi cũng không phải người ở đây.

    Lão Nùng nghe đến đây, im lặng không nói gì. Lão tiếp tục và cơm.

    Buổi tối đó, không biết Tâm vì chuyện gì mà đề cập đến việc về thành phố như vậy. Có phải anh nhận ra mình hồi bé từ hình ảnh của cậu nhóc mê truyện trinh thám nhà kế bên, bố mẹ chiều hết mực, nhưng vẫn bỏ bê không tâm sự sẻ chia với con cái, đến nỗi thằng bé bị nghiện truyện, mụ mị, ảo tưởng còn không biết? Hay do cậu cảm nhận được sự trưởng thành của mình, thấu đáo được trách nhiệm của bản thân, nhận ra được mình ở đâu, phải làm gì, chứ không ất ơ qua ngày nơi núi rừng này, quyến luyến nhưng không phải là một chốn sinh sống và dừng chân phù hợp, tự do tự tại nhưng vẫn còn gì đấy bứt rứt, không cam tâm?

    - Một con chim bị nuôi nhốt trong chiếc lồng sơn son thếp vàng bao nhiêu năm, khi đã được tự do tung cánh trở lại bầu trời xanh thẳm vời vợi, lại muốn quay về chốn cũ kìm kẹp kia sao?

    - A Nùng, ông sai rồi. Chốn cũ của tôi, không còn người chủ lạnh lùng vô tình ngày xưa nữa. Còn bầu trời xanh thẳm này, rốt cuộc cũng chỉ là ảo mộng do tôi thèm khát quá mà tự tưởng tượng ra thôi. Tôi chỉ là bị nuôi nhốt vào một cái lồng lớn hơn nữa, với những song sắt được nới rộng khoảng cách hơn một chút, chứ tôi vẫn phải dựa vào người khác để sống, lẽo đẽo theo người khác, sống dưới những quy tắc của người khác. Tôi không có tự do của chính tôi, tự kiếm sống mà nuôi bản thân mình. Thực dụng không đáng sợ bằng vô dụng. Tôi phải tỉnh mộng thôi..

    Lão A Nùng tiếp tục im lặng.
     
  9. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sáng hôm sau, Tâm dậy sớm đi gặt lúa thuê. Đợt này lúa được mùa ghê, nhà nào cũng lúa chín vàng cả sân.

    - Cậu cũng biết gặt lúa hả? - Lão Nùng thấy Tâm trở về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng đôi mắt có vẻ sáng hơn.

    - Tôi nhìn và bắt chước.

    - Sao lâu về thế?

    - Xuống chợ huyện mua mấy thứ. Gặp phải mấy rắc rối, nhưng tiêu tiền là sở trường của tôi rồi.

    * * *

    Màn đêm buông xuống, hai người ngồi ngoài bậc thềm, ngắm trăng sao.

    - A Nùng, ông đọc Đôn Ki-hô-tê bao giờ chưa?

    - Đôn.. Đôn Té gì? Là một loại quỷ sao?

    - Không, đó là một tiểu thuyết vĩ đại nói về một lão quý tộc nghèo say mê truyện kiếm hiệp, chìm đắm trong thế giới ấy, coi mình là một hiệp sĩ nghĩa hiệp một mình một ngựa đi khắp nơi trừ gian diệt ác. Lão còn đem lòng yêu một công nương xinh đẹp tên là Đuyn-xi-nê-a. Lão đi khắp nơi, cố gắng lập chiến công đem về đặt dưới chân người mình yêu..

    - Cậu đọc hết nó rồi sao?

    - Không, tôi mới giở đến chương 8. Đọc chương đấy thôi, thấy lão nghĩa tình với người trong mộng lắm, đến nỗi nghĩ đến thôi cũng khỏi ăn khỏi uống, no nê say giấc rồi.

    - Khà khà, một chuyện tình đẹp.

    - Vâng, lão được cái chân thành vị tha. Nhưng ông vẫn chưa nhận ra điều gì sau những câu nói của tôi sao, hở ông A Nùng kính mến..

    Lão quay sang nhìn Tâm, con mắt lão đã có vẻ lờ đờ đục đục rồi, nhưng xem chừng vẫn còn chứa nhiều tâm tư và hoài bão.

    - Ông cũng giống như Đôn Ki-hô-tê vậy, sống trong ảo tưởng. Ông là một thầy cúng không hợp thời. Ông không xấu, vì ông khác những thầy cúng chuyên lừa lọc tâm linh của các đệ tử. Ông có lý tưởng tốt, là giúp đỡ người khác. Nhưng ông không hiểu biết gì hết, lại cố chấp. Ông có được sự tin tưởng của những người bà con hiền lành chất phác khắp miền núi này, nhưng ông liệu có đang giúp họ? Ông dùng kiến thức giáo quyền và bùa phép để bói quẻ, trừ tà, kết duyên, mấy thứ đó tôi không dám chê trách làm gì, nhưng một khi liên quan đến việc chữa bệnh cứu người, ông phải tin vào kiến thức khoa học. Nếu cứ chối đây đẩy việc giao lưu với những thứ văn minh tiến bộ hơn, ông sẽ tụt lùi lạc hậu hơn đấy, ông A Nùng. Có thể ở miền núi này người dân vẫn chưa mở mang được nhiều kiến thức, hội nhập với cuộc sống xô bồ hiện đại, nhưng nếu như tất cả mọi người cũng cố gắng học hỏi, cải thiện, xóa bỏ những tư tưởng quan niệm cổ hủ lạc hậu, mà vẫn lưu giữ được những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của riêng mình, thì thật tiến bộ biết nhường nào. Ông muốn tất cả mọi người đều có cuộc sống tốt, đúng chứ? Nhưng ông biết đấy, A Quý làm việc nặng, hàng ngày nhịn đói đi cày cấy, bị đau dạ dày, ông lại bảo bị ma nhập? Sùng Khiền thiếu hơi ấm của mẹ, nửa đêm khóc lóc, ông lại bảo đứa nhỏ bị quấy quả? Loan Châu ngã bêu đầu chảy máu, xước da xước thịt là chuyện bình thường, nhất là mùa đông lạnh giá nứt nẻ này, thì nên ăn nhiều cam chanh để tăng sk của da, thì ông lại bảo giết gà mái lấy mỡ? Đúng là ăn mỡ gà sẽ làm da dẻ mịn màng, nhưng nó là một chuyện khác, không liên quan đến việc thường tình hiển nhiên ngã nhiều thì chảy máu. Hay ngay cả việc tôi đánh rơi cái túi mới, ông cũng không cho quay lại lấy thế, thật không bình thường tí nào.

    Tâm nói một tràng dài, rồi tặc lưỡi.

    - Ông A Nùng kính mến, tôi nói là nói vậy thôi, chứ ông là người tôi đáng kính nhất. Ông là người giàu lòng thương nhất mà tôi từng thấy đấy. Tôi cũng không phủ nhận chuyện ông cứ gặp người nào khó khăn là giúp đỡ ngay, không quản khó nhọc hay bất tiện. Ông tác hợp cho anh Kình và chị Ngạn lấy nhau, mối duyên ủng hộ họ, lên tiếng trước già làng Hồ Vên xóa bỏ thói trọng nam khinh nữ, môn đăng hộ đối, yêu cầu tất cả đoàn kết với nhau. Khoảnh khắc ấy ông mới xứng đáng là người sống vì nghĩa. Cũng cảm ơn ông thay tên đổi họ cho tôi, cưu mang tôi. Bình Phú tôi từ ngày chuyển thành Minh Tâm có vẻ khấm khá vui vẻ hơn thì phải..

    Tâm quay sang nhìn lão, thấy lão nãy giờ vẫn im lặng lắng nghe. Đáy lòng cậu dâng lên cảm giác chua chát không nỡ. Cậu cũng đành im lặng theo.

    Một lúc lâu sau, ông định mở mồm nói gì đó, cậu lại vọt miệng.

    - Ngày mai tôi theo xe lên thành phố rồi, sẽ không ở cùng ông nữa. Cảm ơn ông đến đây tiễn tôi. Hy vọng ông đối mặt được với thực tại bà Cát mất rồi, cũng hy vọng ông thực hiện theo những gì ít ỏi tôi ghi trong tờ giấy. Còn nữa, ông ăn nhiều lên, đừng kiêng khem ma với quỷ đấy nhé, không ông chắc chắn sẽ bị bệnh cho coi. Ông.. là một thầy cúng đặc biệt..

    * * *

    - Ông..

    - Tâm à, cậu.. ra quyết định nhanh thật đấy. Cậu.. cũng thế, lên thành phố nhớ giữ gìn sức khỏe. Sức khỏe là thứ quý nhất, là thứ cha mẹ cho cậu lành lành lặn lặn, là ông bà tổ tiên đã phù hộ cậu..

    - Vâng, ông nói cái này thì tôi nhất định phải nghe theo rồi.

    Trời cũng đã khuya, hai người quay trở về phòng của mình.

    Sáng sớm, khung cảnh còn phủ đầy sương mù, một già một trẻ, một áo thầy cúng một áo phông xanh sánh vai nhau đi về bến xe dưới phố huyện.

    - Thượng lộ bình an.

    Lão lôi trong túi ra một chiếc điện thoại, tay hơi run run đưa cho cậu.

    - A.. A Nùng.. không phải hôm nọ ông thấy chói mắt quá nên ném nó đi rồi sao?

    - Sao ta dám vứt? Đồ của người khác, vứt là xui vào mệnh của mình. - Lão cười hiền lành. Rồi lại thò tay vào túi áo trong lấy hai thứ đồ. - Đây là món quà của ta, tạ ơn cậu đã cho ta thêm nhiều hiểu biết. Đeo vòng này, coi như là cản gió. Còn đây là áo mấy chị trong làng may cho cậu, cũng tạ ơn cậu thời gian qua đồng hành giúp đỡ họ nhiều.

    Lão lần lượt đưa cậu một chiếc vòng bạc, và một cái áo gấm.

    Tâm tâm trạng phức tạp, chả biết nói gì hơn. Cậu quyến luyến nơi này, nhưng cũng muốn nóng lòng về thành phố. Cậu không thể ở đây mãi được. Cậu là người con của Hà Nội.

    - Cảm ơn ông nhiều lắm. Hẹn gặp lại ông, vào một ngày tôi trưởng thành giàu có. Tôi sẽ cố gắng đấy, không nói suông đâu. Lúc ấy ông nhớ tiếp đón tôi đấy nhé, mà nếu thích, tôi còn có thể đón ông lên thành..

    - Chuyến xe khách 0251, chuẩn bị lên đường, Kính mong hành khách thu xếp đồ đạc, ngồi yên tại chỗ. Hiện sĩ số ba mươi tám người, còn thiếu hai hành khách nữa. Chuyến xe hiếm, đừng bỏ lỡ..

    - Thôi ta biết rồi biết rồi, đệ tử ngoan, cậu nhanh mà đi đi.

    - Tôi đi rồi mới được bỏ ra đọc đấy. - Tâm thấy lão gật đầu, quay qua ôm lão một cái, rồi đi về phía xe khách.

    Ngồi yên vào chỗ rồi, cậu lại vén rèm ra, mở cửa xe, nói lớn:

    - Tạm biệt người cha đáng kính!

    Lão nhìn theo xe chạy chầm chậm, giật mình, rồi với cái giọng run run, lão cố hét:

    - Tạm biệt con của ta.. Nhớ.. nhớ thắp hương cho mẹ mày nữa đấy.
     
  10. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 9

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lão về đến nhà, căn nhà trở nên trống vắng hẳn. Lão ngồi xuống bậc thềm, lôi quyển truyện "Đôn Ki-hô-tê" ra ngắm. Quyển sách này là Tâm dành tiền công gặt thuê đầu tiên, chạy xuống huyện mua về, trải qua bao nhiêu chuyện mới đến tay mình.

    Ngay trang đầu tiên đã có một lá thư nhỏ.

    "A Nùng, ông đọc thư này thì cũng là lúc tôi lên thành phố rồi. Tôi mới mượn được cái bút của chị Ngạn, chứ viết bút lông của ông có mà tốn mực khó viết chết. Tôi cũng mới viết đêm qua thôi, khi mà tôi chong đèn và ông hỏi tôi đang làm gì ấy. Hôm qua là lần đầu tiên tôi nói nhiều như vậy, tôi nói thế thôi, cũng chưa biết ông đã hiểu đến đâu. Nhưng nếu đọc cuốn truyện này, có lẽ ông sẽ ngộ ra nhiều đấy. Hôm qua tôi có chê ông, nhưng chưa nói gì đến mình. Tôi đúng là cũng giống nhân vật Xan-chô Pan-xa trong truyện này vậy, không, là hai ông con ta cùng giống Đôn Ki-hô-tê và Xan-cho Pan-xa trong chương tám á. Tôi đúng là sống thực tế hơn ông nhiều, nhưng tôi lại thực dụng. Tôi không có được tấm lòng thiện lương trong sáng như ông, cũng không có được sự nghĩa hiệp, trọng danh dự nghĩa tình và dũng cảm thương người như ông. Tôi ích kỷ, nhỏ nhen, trọng vật chất. Tôi nghĩ đến tiền và miếng ăn nhiều hơn, trong khi ông hào hiệp và không quan tâm lắm đến chuyện ăn uống. Ông thương tiếc, nhớ nhung người vợ xấu số của mình, nhưng tôi thì cố quên tất cả, bao gồm cả mẹ tôi..

    Nhưng ông A Nùng à, chúng ta có cùng một điểm giống hệt nhau. Đó là cùng vật lộn với quá khứ, cùng chìm trong ảo mộng. Tôi thì gặm nhấm cái quá khứ huy hoàng hồi tôi còn được cha mẹ nuôi nhốt trong đống tiền, ăn chơi ngủ nghỉ học hành không phải lo gì hết. Tôi chìm mãi trong thế giới ấy, cái thế giới có niềm kiêu hãnh là cậu ấm cô chiêu của chính tôi. Còn ông, ông gặm nhấm quá khứ mất vợ khổ đau của riêng mình. Ông không chấp nhận sự thật bà Cát đã ra đi, ông không chịu đối mặt với sự cô đơn lạc lõng, nhất là ông trói buộc mình trong thế giới tủi nhục, day dứt, dằn vặt của mình. Tôi nhắc lại chuyện cũ, không phải muốn chọc lại cái kim đang đâm thọc trong bụng ông, mà muốn ông lôi nó ra. Ông đã kể với tôi mà, hôm đó ông có ngăn bà Cát lại, không muốn bà ra đồng, nhưng bà vẫn khăng khăng muốn đi. Cái cố chấp của đàn bà đáng sợ lắm. Bà Cát chắc cũng như tôi, quý vật chất chứ không tâm linh như ông. Mưa lũ dập lúa thì phải ra cứu mạ chứ. Chạy lụt không tính giống 100 ngày là phải khổ rồi, không thì có khi mất trắng. Nhưng đúng là ông sai thật, khi quên bảo bà bỏ cái vòng sắt ấy khỏi cổ. Khổ lắm chứ, lúc con người ta vội vội vàng vàng thì còn biết chú ý cái gì đâu. Ông cũng bảo tôi rằng người có số có mệnh của người. Bà Cát mệnh đoản, ta cũng không thể can thiệp vào số mệnh của chính mình được, huống chi là người khác. Ông thừa nhận với tôi chứ? Mười tám năm nay, ông dằn vặt thế là đủ rồi. Ông hương khói đầy đủ vậy cũng coi như an ủi bà Cát dưới hoàng tuyền, tha thứ cho lương tâm của chính mình. Đó là cái thứ nhất. Giờ đến điều thứ hai, đó là việc mà tôi muốn nhắc nhở ông thêm nữa. A Nùng à, ông còn chìm đắm mê muội vào một thế giới nữa, là thế giới tâm linh một chiều quá độ. Ông coi mình là thầy cúng truyền đạt thiên ý, là học trò của thần. Ông có lí tưởng, mục đích cao đẹp, trong sáng, nhưng chúng lại gắn liền với những hành động phi thực tiễn. Ông không chịu dung nạp kiến thức của xã hội mới, không tiếp nhận khoa học bên ngoài. Thế là sống không thực tế, là ảo tưởng viển vông. Lời thật thì không khéo, lời khéo thì không thật. Tôi nói toạc ra như thế, ông cũng đừng trách tôi đấy.

    Hôm nay là ngày cuối tôi làm đệ tử ngoan của ông rồi. Coi như tôi có một món quà tặng ông đây. Nhớ đọc nó và suy ngẫm về bản thân mình đấy. Tạm biệt ông nhé. Giờ thì hãy đến với nhân vật Đôn Ki-hô-tê ở trời Âu xa xôi kia đi, ông A Nùng kính mến!"

    Đệ tử ngoan

    Minh Tâm​
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...