(Văn mẫu) Đóng vai người lính kể lại bài thơ đồng chí

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi LavilleDeLtte, 2 Tháng mười một 2021.

  1. LavilleDeLtte

    Bài viết:
    22
    "Đoàn giải phóng quân một lần ra đi

    Nào có sá chi đâu ngày trở về

    Ra đi, ra đi bảo toàn sông núi

    Ra đi, ra đi thà chết cho vinh."

    Mỗi khi đọc lại những vần thơ ấy, trong lòng tôi lại tràn ngập những cảm xúc và suy nghĩ về những ngày tháng kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian lao và thử thách. Tôi nhớ lấy những lần cùng anh em tập luyện đến tối khuya, khi cái rét buốt lạnh như cứa vào da vào thịt, tôi nhớ những gương mặt rạng rỡ, sự tiếp đón niềm nở của bà con đồng bào mỗi khi thấy những người lính chúng tôi trở về làng. Và trên tất cả, tôi nhớ cái tình đồng chí nồng đượm, hằn sâu trong kí ức của tôi, không bao giờ phai..

    Với cương vị là người con xứ Việt, có dòng máu Lạc Hồng âm thầm chảy trong cơ thể. Khi nghe tin đất nước bị thực dân Pháp xâm lăng, tôi và biết bao những thanh niên từ khắp mọi miền trên đất nước đã đi theo tiếng gọi tổ quốc, không hẹn mà gặp nhau trong hàng ngũ quân đội. Chúng tôi là những người xa lạ, không hề quen biết nhau, nay vì đất nước lại cùng nhau sánh vai. Có người đến từ vùng trung du khô cằn, đất bị bạc màu, khó làm ăn. Có anh lại đến từ vùng ngặp mặn ven biển, đồng chua cũng chẳng thể cấy cày. Và Dù có đi ngược về xuôi thì tất cả chúng tôi đều là những người nông dân nghèo ở các miền quê lam lũ, nghèo khó. Chung cái nghèo, cái khổ, chúng tôi lại có thể đồng cảm và thấu hiểu cho nhau. Ngoài sự tương đồng về cảnh ngộ, những người lính chúng tôi còn có chung những lí tưởng, mục đích chiến đấu, chung nỗi căm thù quân giặc. Có lẽ, chính vì có chung mục đích, lí tưởng lại là thứ khiến chúng tôi gắn kết hơn hơn, vì chúng tôi hiểu rõ bãn thân mình và đồng đội đang sống và cống hiến cho ai. Tôi còn nhớ năm ấy, quân trang cực kì thiếu thốn, ở trong chốn rừng hoang giữa cái lạnh thấu xương, ấy thế mà hai ba người phải chia nhau một mảnh chăn nhỏ mà đắp. Đêm về, đối mặt với sự tĩnh lặng của màn đêm, là lúc những dòng suy nghĩ trong mỗi chúng tôi lại ngày một dày đặc, chẳng thể giữ mãi trong lòng, chúng tôi chọn cách giải bày ra những tâm tư, nói lên câu chuyện của mình. Và dần dần như thế, sau mỗi câu chuyện, chúng tôi lại hiểu rõ về nhau hơn, trở thành người bạn tri kỉ của nhau. Từ người xa lạ, chúng tôi quen nhau, thành tri kỉ và cuối cùng, chúng tôi xem nhau như đồng đội, đồng chí.

    Người lính chúng tôi ở nơi chiến khu, xa quê hương, xa gia đình, mang trên mình những mối bận lòng, dù không nói nhưng những người đồng đội lại có thể hiểu được những tâm tư ấy. Khi chúng tôi chấp nhận bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi non sông, tham gia kháng chiến, đồng nghĩa với việc chấp nhận bỏ lại mẹ già, con thơ, ngày đêm mong ngóng chốn quê nhà. Trong nhà mất đi người đàn ông, một người lao động chính, đã nghèo nay lại còn nghèo hơn, liệu những người thân yêu của chúng tôi có đủ gạo mà ăn, đủ áo mà mặc trong mùa đông lạnh giá. Tài sản mà tổ tiên để lại như ruộng nương, nhà cửa liệu có ai chăm lo, cày cấy hay không? Những nỗi trăn trở ngày một dài, nhưng tôi và những người đồng đội của mình chưa bao giờ hối hận khi đã chọn tham gia kháng chiến mà chúng tôi lấy những nỗi nhớ quê nhà làm động lực chiến đấu. Rẳng chiến đấu chính là bảo vệ lấy những người thân yêu, những tài sản và bảo vệ cội nguồn, quê hương của mình.

    Cũng giống như Tố Hữu đã từng viết:

    "Thương nhau chia củ sắn lùi

    Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng".

    Thật đúng như vậy, chúng tôi cùng nhau san sẻ, cùng nhau đối mặt với các thiếu thốn, các khó khăn, cùng chia nhau từng miếng cơm, manh áo. Có một kỉ niệm đã ám ảnh tôi mỗi khi đêm về, chính là những cơn sốt rét rừng trên vùng núi Tây Bắc. Mỗi lần nhớ đến cũng đủ khiến tôi rùng mình sợ hãi, cái lạnh đâm sâu vào trong da thịt, len lỏi vào tận xương tủy. Thời ấy áo không có mà mặc, cơm chẳng đủ mà ăn, thì lấy đâu ra thuốc men để giúp chúng tôi vượt qua cơn ác mộng sốt rét ấy. Từng ngày trôi qua, lại phải chịu cảnh thấy những người đồng đội của mình gục ngã ra đi, chúng tôi chỉ có thể nuốt nước mắt vào lòng và quyết tâm chiến đấu thay cho cả anh em của mình, để sự hi sinh của họ không là vô ích.

    Ngày sang ngày, những thiếu thốn như nhiều thêm, áo tôi thì rách vai, quần anh thì có vài mảnh vá, chân thì chẳng có giày, làm sao có thể chống chọi được sương muối mỗi khi đêm xuống? Nhưng, tất cả những thiếu thốn đều như được đánh lùi khi chúng tôi cùng đồng cảm với nhau, thương lấy cho những tủi hờn, những khó khăn của nhau. Và đó, lại chính là thứ tiếp thêm sức mạnh cho tất cả người lính chúng tôi thêm hăng say chiến đấu.

    Còn nhớ mãi những đêm canh gác giữa rừng hoang giá buốt năm ấy. Trời thì lạnh buốt; gió cứ từng cơn ào ào; hối hả xả vào mặt tê tái nhưng chúng tôi vẫn thực hiện mọi nhiệm vụ canh gác như thường. Chúng tôi canh gác để đề phòng giặc tấn công bất ngờ; để canh cho giấc ngủ chớp nhoáng yên bình của các đồng đội khác. Ánh trăng đêm nay lên cao qua, sáng quá. Ánh trăng lan tỏa khắp không gian; treo trên mũi súng người lính. Tôi nghĩ đến ánh trăng hòa bình, có lẽ ánh trăng hòa bình sẽ còn đẹp và tròn vành hơn nhiều. Trăng với súng sóng sánh bên nhau phải chăng biểu trưng cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, cho dự báo tương lai chiến thắng chẳng xa. Hình ảnh đấy thật đẹp; thật lãng mạn; in sâu trong tâm trí tôi những đêm dài chiến đấu, phục kích và cho đến tận bây giờ..

    Đất nước độc lập, thống nhất, chúng tôi trở về quê nhà, có những người lính người đồng đội đã mãi mãi hi sinh đã nằm xuống nhưng tình đồng chí của chúng tôi vẫn mãi vẹn nguyên và đậm đà như thế. Cảm ơn lời thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu đã thay tiếng lòng của tôi gửi đến những người anh em thuở ấy. Tôi mong rằng máu sương của chúng tôi sẽ được thế hệ sau trân trọng và phát triển để dựng xây đất nước ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn nữa.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...