Bài văn cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ, hung bạo và thơ mộng, trữ tình của dòng Sông Đà trong tùy bút "Người lái đò Sông Đà" Văn học luôn cần cái đẹp để tồn tại, cái đẹp cũng luôn cần văn học để khai hoa, kết quả, để tỏa hương cho đời, mà nhà văn, không ai khác chính là "người mở đường để vào xứ sở của cái đẹp" (Paustovsky). Nguyễn Tuân chính là một người mở đường như thế, một người mở đường tài năng độc nhất vô nhị đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam vô số tác phẩm giá trị. Trong số đó, không thể không nhắc đến "Người lái đò sông Đà" - một trong những chiến công sáng chói nhất của người chiến sĩ văn nghệ Nguyễn Tuân, được viết nên từ tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước tha thiết và những con người lao động bình dị, chân chất nơi đây. Xuyên suốt tác phẩm là hai nét tính cách, cũng là hai vẻ đẹp đối lập của con sông Đà: Vừa hung bạo dữ dội, vừa trữ tình nên thơ, được ngòi bút tài hoa uyên bác của nhà văn miêu tả qua hai đoạn trích: "Còn xa lắm.. bày thạch trận trên sông" và "Con sông Đà gợi cảm.. gắt gỏng thác lũ ngay đấy." Nguyễn Tuân là một con người của "chủ nghĩa xê dịch", một nhà văn "suốt đời đi tìm cái đẹp", để rồi tái hiện lại cái đẹp ấy bởi ngòi bút biến hóa khôn lường, sắc nét tuyệt diệu của mình. Trước Cách Mạng tháng Tám, văn chương của ông gói gọn trong một chữ "ngông", một cái "ngông" đầy tài hoa uyên bác đứng ngoài thời đại, một cái "ngông" đang tìm kiếm những vẻ đẹp từng "vang bóng một thời". Tuy nhiên, sau Cách mạng tháng Tám, phong cách văn chương của ông đã có những biến chuyển rõ rệt, không mất đi cái "ngông" đặc trưng độc nhất, không mất đi sự tài hoa uyên bác vốn có, cũng không mất đi sự tôn thờ cái đẹp mà nhiều thêm một niềm tin với thời đại, nhiều thêm tình yêu với quê hương đất nước và con người. Có thể nói, thể hiện rõ nhất và thành công nhất phong cách sáng tác đó của Nguyễn Tuân chính là tập tuỳ bút "Sông Đà" (1960) - thành quả của ông trong chuyến đi dài gần hai năm lên miền rừng núi Tây Bắc. Ở đó, ông đã khám phá ra "thứ vàng mười đã qua thử lửa" hiện hữu trong vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và tâm hồn những con người lao động chân chất bình dị nơi đây, mà tiêu biểu chính là con sông Đà vừa hùng vĩ dữ tợn, vừa thơ mộng trữ tình, qua đó làm nổi bật lên hình tượng người lái đò sông Đà như một người nghệ sĩ trong chính công việc của mình mà Nguyễn Tuân đã từng quan niệm. Trong ấn tượng của Nguyễn Tuân, con sông Đà hiện lên trước nhất với vẻ đẹp hùng vĩ và dữ dội ở trên thượng nguồn, qua hình ảnh của thác đá sông Đà tạo nên từ các thạch thủy trận của mấy chục con thác đá. Nguyễn Tuân, với tài năng xuất sắc và bản năng nhạy cảm trời sinh của một nhà văn, đã tái hiện lại thác đá ấy bằng những trường đoạn âm thanh và hình ảnh vô cùng ấn tượng, sắc nét. Chỉ mới từ xa thôi, "xa lắm mới đến cái thác dưới", chưa thấy được bất kì hình ảnh gì, mà Nguyễn Tuân đã nghe thấy âm thanh "réo gần mãi lại réo xa mãi lên" đầy sống động của "con quái vật" thác nước sông Đà. Nó phát ra những âm thanh nghe như đang "oán trách", "van xin", rồi "khiêu khích", "giọng gằn mà chế nhạo", như đang réo rắt thu hút sự chú ý và khơi gợi trí tò mò của con người từ tận phía xa. Để rồi, khi con người đã chú ý đến nó, con quái vật ấy lại bất chợt "rống lên", tiếng rống làm chấn động cả một vùng trời như tiếng "một ngàn con trâu mộng" da cháy bùng bùng đang lồng lộn thét gào, phá tuông rừng lửa, giữa tiếng nổ đôm đốp của những vầu, tre, nứa. Con sông Đà ở quãng thác này quả thật là một con quái vật đúng nghĩa, một con mãnh thú ngàn năm tuổi với sự hung hãn và sức mạnh khủng khiếp trời ban, như nhà thơ Bằng Việt đã từng miêu tả: "Con khủng long vươn dài hai trăm cây số dốc Quật nát những rừng già khoét lõm những hang sâu" (Mai mốt đến sông Đà). Dường như vì mối nghiệt duyên "kẻ thù truyền kiếp" mà con quái vật ấy chẳng ngại làm mình làm mẩy với con người, kể cả khi còn cách rất xa vẫn muốn chế nhạo, khiêu khích, muốn dọa nạt và thách thức những con người dám có gan bước lên chiếc thuyền mộc kia, bởi những âm thanh chói tai rùng rợn mà qua ngòi bút của Nguyễn Tuân, đã trở thành một bản giao hưởng hùng hồn với nhạc khí là những đá, sóng và gió không ngừng nối tiếp nhau tấu lên bản tráng ca đầy mãnh liệt và man dại đại diện cho tính cách ương ngạnh khó chiều và sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên sông Đà. Bằng nghệ thuật nhân hóa kết hợp với so sánh và liên tưởng thú vị, nhà văn đã giúp người đọc thấy được một cuộc đối thoại giả tưởng giàu sắc thái cảm xúc, giàu giọng điệu giữa thiên nhiên và con người, trong một trận chiến đầy áp đảo của một thế lực thiên nhiên đầy mạnh mẽ và hung bạo mà điển hình là thác đá sông Đà, đã hiện lên đầy sinh động như một tạo vật có sự sống, một con mãnh thú khổng lồ mang sức mạnh của cả một ngàn con trâu mộng đang giận dữ đe dọa, thách thức, cảnh cáo con người ngay cả khi bóng dáng nó còn chưa lọt vào tầm mắt. Sự dữ dội và hung bạo ấy còn được nhấn mạnh hơn nhờ những từ ngữ miêu tả âm thanh theo những cung bậc tăng dần về cả âm lượng và sắc thái cảm xúc, và những câu văn trùng điệp liên hoàn, nhịp văn ngắn tạo nên giọng văn dồn dập gấp gáp kết hợp với ngòi bút "cực tả" đã làm nên một trường đoạn âm thanh góp thêm phẫn hãi hùng, rùng rợn cho bức tranh về một con quái vật còn chưa lộ diện, khiến người đọc dường như cũng phải nín thở mà dõi theo từng động thái, từng tiếng kêu của nó trên từng trang văn. Đặc biệt, ta thấy được ở đây nhà văn đã khéo léo lấy lửa để tả nước, lấy rừng để tả sông, lấy hình sắc để vẽ nên âm thanh, đem những yếu tố vốn tương khắc đối lập với nhau hòa hợp lại, để chúng tương sinh, tạo thêm nét ấn tượng, độc đáo trong việc khắc họa hình tượng sông Đà. Nguyễn Tuân quả thật xứng với cái danh "chuyên viên cao cấp tiếng Việt", khi đã khắc họa nên một Đà giang đẹp phi thường, hùng vĩ đến thế. Tiến đến gần hơn với Đà giang, độc giả như được Nguyễn Tuân cho xem một thước phim ghi lại toàn cảnh thác đá xuất hiện trước mắt con người. "Tới cái thác rồi.", câu văn vỏn vẹn bốn chữ, súc tích ngắn gọn nhưng ẩn chứa cả tiếng reo vang đầy ngỡ ngàng, thích thú và cả linh hồn đang run lên vì cái đẹp của nhà văn – một con người yêu "xê dịch", yêu đi đây đi đó để khám phá, để kiếm tìm tất cả vẻ đẹp còn lưu giữ trên đời này. Nhưng, không chỉ riêng Nguyễn Tuân, có ai lại không ngạc nhiên, không thảng thốt trước cảnh "sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá" đây? Dường như cảnh hùng vũ của cả thiên nhiên Tây Bắc cũng đã được gói gọn lại trong hình ảnh của sóng, bọt và đá sông Đà. Từng cơn sóng được gió giương lên cao, rồi ào ào vỗ xuống mặt đá mênh mông chằng chịt, tạo nên những đợt bọt sóng "trắng xóa" nối tiếp, chất chồng lên nhau, khiến cho cả "chân trời đá" cũng mịt mờ sắc trắng. Hình ảnh liên tưởng đặc biệt "chân trời đá" kết hợp với tính từ "trắng xóa" đầy ấn tượng được lặp lại nhiều lần đã cho thấy sự hùng vĩ khiến người ta choáng ngợp, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa sự uy hiếp đầy nguy hiểm đến từ đá, sóng và gió của sông Đà. Không chỉ uy hiếp con người bởi sức mạnh khủng khiếp trời ban của một con quái vật ngàn năm tuổi, sông Đà còn lắm mưu nhiều kế, âm hiểm và xảo trá vô cùng khi âm thầm bày thạch trận để dẫn dụ con người. Những tảng đá lởm chởm ẩn mình trong tối, "mai phục hết trong lòng sông" cả ngàn năm qua, vẫn luôn chực chờ có chiếc thuyền nào xuất hiện, "nhô vào đường ngoặt sông" để nhổm dậy, vồ lấy, nuốt chửng con thuyền và cả những con người nhỏ bé trên đó. Trong không gian "ầm ầm mà quạnh hiu", chỉ có tiếng thác nước dội xuống giữa một vùng rừng núi hoang vu, lạnh lẽo ấy, những tảng đá nằm dưới lòng sông Đà tưởng như vô tri vô giác phút chốc đã biến thành những tên tay sai trung thành, dày dặn kinh nghiệm của sông Đà, nghe lời sai khiến của sông Đà mà núp, mà trốn dưới lòng nước sâu, hòng làm lơi lỏng cảnh giác của con người, để rồi một hơi bóp chết sinh mạng ấy. Thủ pháp nhân hóa của nhà văn càng được sử dụng triệt để và thú vị hơn, khi mà những hòn đá vô tri vô giác qua góc nhìn của ông, đã bộc lộ cả bản chất xấu xa xảo quyệt, ngang bướng khó chiều như chính dòng sông Đà – vị tướng chỉ huy của chúng, qua những vẻ mặt "ngỗ ngược", "nhăn nhúm", "méo mó", những tính cách tùy ý, sáng nắng chiều mưa, ngang bướng, khó chiều đầy sống động và rất "con người". Nguyễn Tuân đã dùng sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để thổi hồn vào từng thớ đá, bằng sự phối hợp giữa các tri thức từ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như võ thuật, quân sự, hội họa.. kết hợp với thủ pháp nhân hóa, liên tưởng, so sánh cùng những câu văn dài ngắn đan xen đầy tính tạo hình, gân guốc, để gợi lên cái bí ẩn, hiểm ác, hung dữ ngàn năm của đá sông Đà, đồng thời khắc họa nên cảnh tượng cuộc chiến không cân sức giữa con người nhỏ bé và thiên nhiên hùng vĩ đầy ác hiểm. Qua đó, nhà văn cũng cho thấy một sự thật rằng: Dù sông Đà có ngang tàn uy hiếp, đe dọa bao nhiêu, thì con người – mà cụ thể ở đây chính là người lái đò sông Đà – vẫn không bao giờ lùi bước, không bao giờ chịu cúi đầu, kể cả là trước thiên nhiên mang sức mạnh của "thần Sông", "thần Đá", bởi ông đã nắm hết tất cả những chiêu bài hiểm độc, đã thuộc lòng đường đi nước bước của sông Đà. Đó chính là sức mạnh đúc kết ra từ tháng năm lao động đầy vinh quang, sức mạnh sánh nganh được với cả thần thánh, với thiên nhiên vĩ đại, là sức mạnh mang vẻ đẹp "thứ vàng mười" mà Nguyễn Tuân luôn kiếm tìm. Vẻ đẹp của sông Đà không chỉ thể hiện ở sự kỳ vĩ, hào hùng nơi thác đá thượng nguồn, mà còn ở vẻ thơ mộng, trữ tình nằm thẳm sâu bên trong. Qua đoạn trích "Con sông Đà gợi cảm.. thác lũ ngay đấy" nằm ở gần cuối tác phẩm, Nguyễn Tuân, cùng với ngòi bút tài hoa uyên bác của mình, đã tập trung miêu tả vẻ đẹp ấy qua nét gợi cảm đặc biệt của con sông Đà. Ngay ở câu văn đầu tiên, nhà văn đã khẳng định: "Con sông Đà gợi cảm", rằng dù cho đối với mỗi người, con sông Đà mang một sự gợi cảm riêng, không trộn lẫn, nhưng rốt cuộc thì sức gợi và sự thu hút của con sông này vẫn luôn là điều hiển nhiên. Đối với Nguyễn Tuân, đã có lần, ông nhìn sông Đà, cảm nhận sông Đà như một "cố nhân" – một người bạn cũ, một người tri âm tri kỉ đã lâu không gặp. Phải chăng do lâu ngày ở trong núi rừng, đã "thèm chỗ thoáng", thèm cảm giác trong lành yên ả khi ở cùng sông Đà, nên nhà văn mới yêu, mới nhớ, hay phải chăng sâu trong tâm trí nhà văn đã mặc nhiên coi sông Đà như người bạn tâm giao từ lần đầu tiên nhìn thấy? Chỉ hai chữ "cố nhân" thôi mà chất chứa biết bao nỗi niềm nhung nhớ, yêu thương nhà văn dành cho sông Đà trong suốt những tháng ngày xa nhau, đã tuôn trào đầy nghẹn ngào cảm xúc trong giây phút gặp lại. Lần này, sông Đà không hiện lên qua âm thanh ầm ào hung dữ nữa, mà qua một loáng chói mắt "như trẻ con chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy" . Chính sự lấp ló thoáng qua đã làm lòng dạ của một người lâu ngày chưa gặp lại bạn cũ thêm bồn chồn, vội vàng và khao khát. Trong ánh sáng lóe lên phút chốc ấy, nhà văn đã thấy được một màu nắng tháng ba đầy ấm áp, thi vị, khiến ông nhớ tới câu Đường thi "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu" ; một màu nắng giòn tan hạnh phúc và vui sướng khi đôi bạn tâm giao tương phùng tương ngộ trải trên mặt nước sông xanh ngọc bích. Nguyễn Tuân đã đem đến cho dòng sông vẻ lãng mạn hoa khói, cổ kính, đậm nét xưa, cùng với sự sáng trong, rực rỡ, tươi tắn của sắc xuân qua việc liên tưởng đến câu thơ "thiên cổ lệ cú" của đại danh hào Lý Bạch, khiến cho tâm hồn người đọc rung động, xao xuyến khôn nguôi, như được lạc vào một chốn sơn thủy bình yên xưa cũ của trăm năm về trước. Sông Đà giờ đây dường như không chỉ chảy trong không gian rộng lớn mà còn chảy trong cả dòng thời gian dài bất tận, đằng đẵng, kéo về cả một thời Đường thi xa xăm phồn thịnh. Màu nắng tháng ba Đường thi ấy đã tô điểm thêm nét lung linh, huyền ảo, ấm áp và sinh động cho bức tranh thiên nhiên sông Đà, qua đó cho người đọc một lần nữa thấy được tài năng hội họa và thi ca vô cùng sâu rộng của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân gặp lại sông Đà, như gặp lại một tâm hồn tương giao đồng điệu hiếm có với bản thân mình. Hẳn là ông đã tìm được điểm tương đồng giữa cái tính hung bạo ương bướng, "làm mình làm mẩy" của con sông miền Tây Bắc xa xôi này và cái tôi "ngông" đặc biệt của bản thân. Tìm được một tâm hồn đồng điệu là chuyện hiếm có và khó khăn biết bao, chẳng thế mà nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã từng hóa thân thành con sóng vượt bao rào cản, chông gai, để tìm mãi ra tận biển lớn, để gặp được tâm hồn đồng điệu với chính mình. Bởi vậy mà khi gặp lại sông Đà, niềm vui sướng trong nhà văn là không thể nào đong đếm nổi. Ông nhìn kĩ từng cảnh vật thuộc về người "cố nhân" lâu ngày gặp lại, từng "bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà", càng nhìn càng đắm say, quyện mình vào trong vẻ đẹp sống động ấy. Câu văn chỉ nối tiếp các chủ ngữ cùng với điệp từ "sông Đà" lặp lại ở cuối mỗi vế câu đã nói lên sự phấn khích, say mê, hân hoan hạnh phúc của nhà văn khi lại được nhìn thấy sông Đà, rằng những cảm xúc đó ùa tới mãnh liệt đến nỗi ông không còn bình tĩnh nổi để quan sát bằng lí trí, để miêu tả bằng những vị ngữ cụ thể, mà chỉ biết để nỗi lòng mình dồn dập, gấp gáp trôi theo nỗi khát khao. Và, như một điều hiển nhiên, tất cả những nỗi niềm nhớ thương ấy, đã khiến nhà văn phải thốt lên tiếng "chao ôi", như một tiếng lòng cảm thán trước cảnh vật bao tháng ngày trằn trọc trong kí ức, nay đã xuất hiện ngay trước mắt mình. Bằng những so sánh bất ngờ thú vị, Nguyễn Tuân khiến cảm xúc khi gặp lại sông Đà được cụ thể hóa một cách đầy sinh động và cũng không kém phần lãng mạn: "vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm", "vui như nối lại chiêm bao đứt quãng" . Ánh nắng "giòn tan" là một ẩn dụ cho cái nắng thật trong, thật sáng, thật mỏng và nhẹ, mong manh quý giá vô cùng, trái ngược hoàn toàn với cái âm u trĩu nặng của những kì mưa dầm tầm tã. Hình ảnh ẩn dụ này đã cho ta thấy được sự trân trọng, nâng niu của nhà văn đối với "cố nhân" muôn thuở. Nhưng không chỉ vậy, cảm xúc của nhà văn đối với sông Đà, còn bao gồm cả khát khao, thèm muốn được nhìn, được gặp, được gắn bó với sông Đà mãi mãi. Bởi thế mà khi gặp lại sông Đà, ông mới vui và sung sướng như được nối liền lại "chiêm bao đứt quãng", mới có cảm giác tươi mới diệu kỳ, hưng phấn và thích thú như được tiếp tục mơ giấc mơ đẹp còn dang dở, như được tận hưởng niềm vui chưa từng có trong cuộc đời. Sông Đà, dù có "lắm bệnh lắm chứng", chốc dịu dàng, chốc lại hung bạo cáu gắt, nhưng đối với một Nguyễn Tuân đã dành cả hai năm để gắn bó với miền Tây Bắc xa xôi, con sông vẫn là một "cố nhân" tri kỉ, nặng nghĩa nặng tình, luôn thủy chung đợi chờ ông trở lại, luôn để lại trong ông những cảm giác "đằm đằm ấm ấm" với biết bao kỉ niệm, hồi ức trong quá khứ, biết bao nhớ thương trong hiện tại, và biết bao mong đợi cho tương lai. Với một người dành cả đời để "đi tìm cái đẹp, cái thật", dành cả đời để tôn vinh cái đẹp như Nguyễn Tuân, sông Đà chính là biểu tượng xuất sắc cho cái đẹp mà ông hướng tới. Qua ngòi bút tài hoa và uyên bác của mình, ông đã khắc họa lại hình ảnh con sông Đà không hề vô tri vô giác mà có những cá tính đặc sắc, đậm chất "con người". Đó vừa là tính cách hung bạo, dữ dội, đầy bí hiểm, âm mưu của một thứ kẻ thù luôn thách thức, tấn công, tìm mọi cách để tiêu diệt con người; lại vừa là tính cách hiền hòa, gần gũi, thơ mộng, trữ tình, gợi cảm hệt như một người bạn tri âm tri kỉ thân thiết với con người. Nguyễn Tuân đã khéo léo dung hòa hai nét tính cách hoàn toàn tương phản đó, để tạo nên một sông Đà hoàn chỉnh về cả ngoại hình lẫn tâm hồn bằng những nghệ thuật độc đáo cùng các biện pháp tu từ đặc sắc kết hợp với nguồn kiến thức đa dạng nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Qua đó, nhà văn không chỉ thể hiện được sự tài năng độc nhất vô nhị của mình, mà còn cho thấy tình yêu thiên nhiên tha thiết, tình yêu quê hương, đất nước, con người vô cùng sâu đậm, thủy chung của bản thân. Gấp lại "Người lái đò sông Đà", ta không chỉ cảm thán và ngưỡng mộ trước vẻ đẹp đầy kì vĩ, phong phú của thiên nhiên, mà còn trăn trở một nỗi niềm Nguyễn Tuân đã tinh tế gửi gắm. Đó là mong muốn con sông Đà "chúng thủy giai Đông tẩu, Đà giang độc Bắc lưu" dù có cá tính quật cường, dù có ương ngạnh, khó chiều, hung dữ và tàn bạo đến đâu, cũng sẽ có một ngày trở nên dịu hiền, đằm thắm, giúp ích được cho con người; hay, chính là mong muốn đất nước có thể phát triển phồn vinh, để nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Những người trẻ của đất nước chúng ta, gánh trên vai trách nhiệm làm giàu cho Tổ quốc, làm đẹp cho xã hội, hãy cố gắng hết sức học tập, rèn luyện và lao động, để làm tròn, làm tốt trách nhiệm ấy, để xây dựng một tương lai "sánh vai với các cường quốc năm châu", như cách mà thế hệ đi trước đã thuần phục sông Đà.