Văn học Việt Nam và nạn đói năm 45: Trong quá trình học môn Ngữ Văn, chúng ta sẽ nhận thấy có rất nhiều tác phẩm có bối cảnh hoặc hình tượng nhân vật.. dựa trên thực tế. Và mỗi học sinh phải có những kiến thức nhất định về những điều trên để có thể có được những bài phân tích văn học có chất lượng, giúp bài văn của bản thân trở nên đặc biệt, có chiều sâu. Ở bài viết ngày hôm nay, mình sẽ nêu ra một dấu mốc xuất hiện rất nhiều trong những áng văn Việt Nam, đó là "Nạn đói năm 1945". Qua những áng văn chương, chúng ta đã chứng kiến câu chuyện đau lòng của lịch sử Việt Nam. Đó là thời mà cái đói, cái rét bủa vây lấy đồng bào mình. Chắc hẳn, chưa ai quên được những câu thơ trong tác phẩm "Bếp lửa" của nhà thơ Bằng Việt: "Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy" Cái sự "đói mòn đói mỏi" đầy ám ảnh ấy lặng lẽ bước vào văn chương, để rồi sau này ra đời những truyện, những hồi ký ám ảnh người đọc về sau. Có mấy ai mà không bồi hồi, xót xa khi nghĩ về nốt trầm mặc ấy của dân tộc.. Vậy, nỗi ám ảnh ấy đã xuất hiện trong văn chương như thế nào? Trước hết, chúng ta hãy tới với nhà văn Tô Hoài. Ông đã từng viết về nạn đói: "Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy", không chỉ vậy, tác giả "Vợ chồng A Phủ" còn từng nói rằng "chữ nghĩa tôi run rẩy, thổi bay được. Khủng khiếp quá". Cái run rẩy kia âu cũng chính là cái run rẩy của Tô Hoài, của mỗi con người Việt Nam khi thấy hiểu trước nạn đói đã cướp đi tính mạng của hai triệu con người. Thật vậy, trong tác phẩm "Chuyện cũ Hà Nội", ông đã đưa cái "run rẩy" vào câu văn khi miêu tả chuyện mua bán trẻ em như mua bán một con lợn giữa những năm đói như sau: "Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhản người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ". Lúc bấy giờ, Hà Nội đâu phải là nơi nạn đói hoành hành, thế nhưng người đói đổ về đây rất nhiều, điều này dẫn tới hình ảnh phố phường Hà Nội đầy thê lương, vất vưởng: "Càng phấp phỏng, càng hoảng hốt khi trông thấy lũ lượt người đói các nơi kéo vào.. Người ngồi, người chết la liệt các vỉa hè. Suốt ngày đêm xe kéo xác chết lầm lũi qua". Chừng ấy đủ khiến người ta hình dung một hiện thực khắc nghiệt, tang tóc đến nghẹn lòng. Nhắc đến sự kiện nạn đói năm 45 trong văn học thì không thể không kể đến Nam Cao. Các tác phẩm truyện ngắn của ông, mỗi truyện khắc họa một bi kịch khác nhau của phận người trong cái đói, cái nghèo. Ông đã từng đau đớn mà viết rằng "Con chó chết vào giữa cái hồi đói khủng khiếp mà có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta vẫn còn kể". Nam Cao đã nhìn ra cái đói đã tiềm tang tự thuở nào trong đời sống của những con người thấp cổ bé họng. Đó là hình ảnh một lão Hạc sống leo lắt qua ngày trong khu vườn chẳng còn gì để bán. Đó là nhân vật bà lão đói quá lâu, cho tới khi có được một bữa no thì cơ thể không thể chịu được bữa no bất thường ấy, rồi bà lão lăn ra chết. Trong cái nghèo, cái đói, và sự cô độc ấy, con người ta dường như phải giành giật sự sống, dù chỉ là hi vọng mong manh nhất. Tương tự với những áng văn của Nam Cao, tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân cũng phản ánh vô cùng chân thực cái rùng rợn của nạn đói năm 45. Truyện lấy bối cảnh nạn đói năm 1945 tràn lan khiến người chết như ngả rạ, người sống dật dờ như những bóng ma. Cái hình ảnh người "chết như ngả rạ" khiến chúng ta không khỏi sợ hãi trước trò đùa của tạo hóa. Thế nhưng, trong hoàn cảnh tước cái đói, phải đối diện tử thần, nhiều người mất nhân tính, cốt có cái đưa vào miệng, vẫn có những câu chuyện xúc động. Đó chính là câu chuyện của Tràng và thị, những con người chưa biết ngày mai sẽ như thế nào nhưng họ vẫn sẵn sàng tìm đến nhau, trao nhau hơi ấm tình người. Không chỉ trong các tác phẩm truyện ngắn, cái đói cái nghèo ấy cũng xuất hiện ngay cả những dòng thơ. Trong tác phẩm "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc", Văn Cao đã phải đau đớn mà thốt lên rằng: "Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa Chập chờn ảo hóa tà ma.. Đôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục Tình tang.. Não nuột khóc tàn sương Áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thể Ta đi giữa đường dương thế Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây.." Hay như trong tác phẩm "Ô Cầu Dền" của nhà văn Bảo Sinh, cái chết giữa những tháng ngày đói khổ ấy đã trở thành cái chết chung, là "mả chôn chung" của cả dân tộc: "Năm 1945, đây là mả chôn chung của nạn nhân chết đói. Hàng ngày, xe bò chở đầy xác chất trên phủ mảnh chiếu, chân tay thò ra ngoài, lọc cọc, rập rình, xe đu đưa những cánh tay, cẳng chân cũng đu đưa theo. Xác chết được đổ đầy vào một cái hố chôn chung, sau đó lấp đất phẳng, không có dấu hiệu mồ mả gì cả". Những câu văn, lời thơ trên chua chát, đắng cay bởi nó có hiện thực, có mồ hôi, nước mắt, xương máu của đồng bào ta. Từng hình ảnh cứ hiện lên sống động qua từng con chữ như muốn nhắc nhở người ta ghi nhớ mãi, như ghi nhớ một thứ kí ức đớn đau đến cứa da cứa thịt của dân tộc này! Cảm ơn mọi người đã đọc bài của mình