Văn học dân gian: Tính truyền miệng, tính biến đổi và mối quan hệ giữa hai thuộc tính này trong VHDG

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khunglongbietbay, 9 Tháng bảy 2022.

  1. khunglongbietbay

    Bài viết:
    41
    Trình bày nhận thức của anh/chị về tính truyền miệng, tính biến đổi và mối quan hệ giữa hai thuộc tính này trong văn học dân gian.

    Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng được tập thể sáng tạo, nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. Văn học dân gian hay còn được gọi là văn chương bình dân, một số thuật ngữ được dùng để chỉ văn học dân gian như Folkfore/ Folk Literature/ Verbal art. Phần lớn nhân dân lao động là người đi lưu truyền văn học dân gian và văn học dân gian là một quá trình không kết thúc.

    Tính truyền miệng

    - Tính truyền miệng là một trong các đặc trưng cơ bản nhất, phản ánh phương thức sáng tạo và lưu truyền độc đáo của các tác phẩm văn học dân gian, nó khu biệt với văn học viết. Văn học dân gian tồn tại và phát triển nhờ vào tính truyền miệng.

    - Truyền miệng được hiểu là ghi nhớ lại bằng cách nhập tâm sau đó kể, phổ biến hoặc trình diễn, hát lại cho người khác nghe, xem. Các tác phẩm văn học dân gian được sáng tác và lưu truyền bằng con đường cửa miệng từ người này sang người khác; từ thời gian, không gian này qua thời gian, không gian khác. Cứ thế mà các tác phẩm văn học dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ khác nhau.

    - Các tác phẩm dân gian khi được truyền miệng lại, đã đi vào trong lăng kính chủ quan và trí nhớ của con người nên sẽ được thêm thắt, chế biến, sáng tạo thêm.

    Tính biến đổi

    - Tính biến đổi hay còn gọi là tính biến dị, tính dị bản trong văn học dân gian được hiểu là trong một tác phẩm văn học dân gian sẽ có các bản khác nhau; đã được thay đổi, biến đổi một số chỗ so với bản chính được phổ biến rộng rãi hơn cả.

    - Ta có điều kiện để được gọi là một dị bản như sau: Sự khác biệt giữa hai tác phẩm không quá lớn để làm thay đổi nội dung tư tưởng tác phẩm. Nếu thay đổi quá nhiều thì đã tạo ra một tác phẩm mới, chứ không phải là dị bản.

    - Ví dụ như câu ca dao "Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, /Non xanh nước biếc như tranh họa đồ." còn có dị bản khác là "Đường vô xứ Huế quanh quanh, /Non xanh nước biếc như tranh họa đồ."

    Mối quan hệ giữa hai thuộc tính này trong văn học dân gian

    - Tính truyền miệng và tính biến đổi trong văn học dân gian có mối quan hệ liên quan mật thiết với nhau. Trong đó tính biến đổi là hệ quả của sáng tác tập thể và phương thức truyền miệng.

    - Tính truyền miệng hình thành nên tính biến đổi và từ đó tạo nên sự khu biệt giữa văn học dân gian với văn học viết.

    - Vì tác phẩm dân gian được sáng tác và lưu truyền bằng con đường cửa miệng nên rất dễ bị biến đổi vì một vài lý do: Do trí nhớ của mỗi người khác nhau hay do chủ ý muốn biến đổi cho phù hợp với tâm tư nguyện vọng, danh lam thắng cảnh, dụng ý hoặc không gian, thời gian của người truyền tụng (người kể có thể thay đổi, cắt bớt hay thêm thắt một số chi tiết theo ý mình)
     
    Admin thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...