Văn học dân gian là gì? Những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian là gì? Trong mạch suy cảm về đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận và lí giải về sự hình thành các địa danh trên cơ thể đất nước bằng những lời thơ đậm chất dân gian: Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương. Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên. Trong mỗi dòng thơ Nguyền Khoa Điềm, ta đều nhận thấy bóng dáng của một tác phẩm văn học dân gian: Sự tích núi Vọng Phu, Sự tích hòn Trống Mái, Sự tích Thánh Gióng, Sự tích Hùng Vương, truyện cổ tích Cây bút thần... Có thể nói, kho tàng văn học dân gian của dân tộc ta thực sự là suối nguồn vô tận khơi mạch cảm hứng sáng tác thơ ca, nhạc họa. Vậy Văn học dân gian là gì? Vì sao văn học dân gian lại có sức sống lâu bền, có vai trò quan trọng như vậy? 1. Văn học dân gian là gì? - Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. 2. Những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian là gì? Văn học dân gian có ba đặc trưng cơ bản: + Tính truyền miệng. + Tính tập thể. + Tính thực hành. 2.1. Văn học dân gian có tính truyền miệng. Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng: - Ngôn từ là đặc trưng cơ bản của văn học dân gian nói riêng và của văn học nói chung. Nếu hình tượng hội họa được xây dựng bởi đường nét, màu sắc; nếu hình tượng âm nhạc được xây dựng bởi âm thanh và giai điệu; nếu kiến trúc dùng mảng, khối của những vật liệu, vật chất cụ thể như gạch, đất, đá, gỗ... để tạo tạc những bức tượng, những công trình kiến trúc; nếu vũ đạo dùng sự chuyển động của các bộ phận cơ thể để trình diễn vẻ đẹp tuyệt vời của con người thì văn học dùng ngôn từ để xây dựng hình tượng. Ngôn từ là cơ sở để tạo nên những đặc trưng riêng biệt của văn học khi chúng ta đối chiếu văn học với các loại hình nghệ thuật khác. Ngôn từ của tác phẩm văn học thường chứa đựng nhiều hình ảnh, cảm xúc. Ca dao có câu: "Hỡi cô tát nước bên đàng Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?" Hai câu ca dao vừa gợi hình ảnh, vừa gợi cảm xúc. Đó là hình ảnh của đêm trăng vằng vặc, có cô em đang say sưa tát nước. Từng gàu nước múc lên làm sóng sánh ánh trăng trên mặt sông, mặt ruộng. Trăng trên trời, trăng dưới nước... cả không gian đồng ruộng tan loãng trong ánh trăng ảo huyền. Bài ca dao còn gợi cảm xúc thơ mộng, lãng mạn. Chất thi vị chan chứa đã làm mất đi cái nhọc mệt của công việc tát nước đêm. - Văn học dân gian tồn tại và phát triển nhờ truyền miệng. Truyền miệng là sự ghi nhớ thuộc lòng và truyền bá bằng lời nói hoặc bằng sự trình diễn cho người khác xem hoặc nghe. Vì sao văn học dân gian có tính truyền miệng? Văn học dân gian có tính truyền miệng vì: Chữ viết thời có văn học dân gian chưa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân (đến Cách mạng tháng Tám – 1945, hơn 90% dân số Việt Nam không biết chữ), nên truyền miệng là thể sống, là phương thức tồn tại của văn học dân gian. Hay nói khác đi, văn học dân gian tồn tại dưới dạng ngôn bản. Các hình thức truyền miệng của văn học dân gian: + Truyền miệng theo không gian: Tác phẩm văn học dân gian di chuyển từ nơi này sang nơi khác theo các nhóm chủng tộc, quốc gia và châu lục. + Truyền miệng theo thời gian: Tác phẩm văn học dân gian được bảo lưu từ đời này qua đời khác thông qua các thế hệ tiếp nối. - Biểu hiện của phương thức truyền miệng là diễn xướng dân gian: Văn học dân gian có nhiều hình thức diễn xướng khác nhau: tục ngữ thì nói, truyện thơ thì ngâm, ca dao thì hát, cổ tích thì kể, chèo tuồng thì diễn... Chỉ trong môi trường truyền miệng, tác phẩm văn học dân gian mới thể hiện đầy đủ tính hấp dẫn của nó. Nó là "cây đời mãi mãi xanh tươi". Chỉ có trong môi trường truyền miệng, nó mới thể hiện giá trị toàn vẹn, giá trị đích thực của nó. Do tồn tại, lưu hành bằng phương thức truyền miệng nên tác phẩm văn học dân gian thường ngắn gọn, dễ nhớ và có thể dễ dàng thêm bớt bởi người đời sau. 2.2. Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể (tính tập thể). - Tập thể: theo nghĩa hẹp là một nhóm người, nghĩa rộng là một cộng đồng dân cư. - Cơ chế sáng tác tập thể: Tính tập thể phản ánh phương thức sáng tác của văn học dân gian : lúc đầu, tác phẩm do một người khởi xướng. Người này đọc tác phẩm cho những người khác nghe. Tác phẩm hay sẽ được tập thể tiếp nhận. Sau đó những người khác thuộc những địa phương khác nhau hoặc các thế hệ khác nhau tiếp tục lưu truyền và sáng tác làm cho tác phẩm biến đổi dần, thường là phong phú hơn, hoàn thiện hơn về mặt nội dung và hình thức nghệ thuật. - Vì sao văn học dân gian có tính tập thể? Văn học dân gian có tính tập thể vì: văn học dân gian là sản phẩm của cá nhân lúc mới hình thành, nhưng sau đó, nhiều người (tập thể) đã tham gia chỉnh sửa, hoàn thiện để tác phẩm ngày càng trọn vẹn hơn, hay hơn. Sáng tác tập thể ở đây không có nghĩa là mọi người cùng ngồi với nhau, cùng sáng tác một tác phẩm. Như một hệ quả tất yếu của tính tập thể, văn học dân gian còn có tính dị bản. Khác với tác phẩm văn học viết tồn tại dưới dạng văn bản, sau khi hoàn thiện là một chỉnh thể thống nhất, ổn định thì tác phẩm văn học dân gian lại là một hệ thống mở. Do quá trình tham gia sáng tạo tập thể ở những không gian khác nhau, những thời gian khác nhau, bởi những nghệ nhân khác nhau, tạo nên những nét dị biệt giữa các văn bản của cùng một tác phẩm. Ví dụ: - "Đường vô xứ Huế quanh quanh, Non xanh nước biếc như tranh họa đồ." Và: "Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, Non xanh nước biếc như tranh họa đồ." - "Núi Hồng ai đắp mà cao, Sông Lam ai xới, ai đào mà sâu." Và: "Núi Voi ai đắp mà cao, Sông Cầu ai xới, ai đào mà sâu"... Nhân dân lao động là lực lượng chính tạo ra kho tàng văn học dân gian đồ sộ của mỗi dân tộc. 2.3. Văn học dân gian gắn bó với đời sống (tính thực hành). - Văn học dân gian gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng - Sinh hoạt cộng đồng gồm các hoạt động chủ yếu: + Lao động tập thể + Đời sống gia đình + Nghi lễ thờ cúng, tang ma, cưới hỏi + Các hoạt động hội hè, vui chơi, giải trí. Sinh hoạt cộng đồng là môi trường sinh thành, lưu truyền, biến đổi văn học dân gian, chi phối nội dung, hình thức của văn học dân gian. - Biểu hiện tính thực hành của văn học dân gian : + Các bài ca nghề nghiệp, bài ca lao động, hò chèo thuyền, dân ca hát phường vải, phường dệt, hát đối đáp,... ra đời từ cuộc sống lao động, từ công việc hàng ngày. + Các bài ca quan họ, các điệu chèo, hát chầu văn, hát tuồng... ra đời và phát triển gắn bó với các lễ hội (hội Lim...). + Các bài ru con, ru em, ca dao tình cảm cha mẹ, con cái, anh chị em... ra đời và gắn bó với đời sống gia đình. (ca dao qua lời hát ru) + Những sử thi, khan, truyện thơ ... ra đời cùng với những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thần linh, tang ma... (hát mo Đẻ đất, đẻ nước của người Mường). - Mối quan hệ giữa văn học dân gian với môi trường diễn xướng: + Văn học dân gian đóng vai trò phối hợp hành động theo nhịp điệu của chính hành động đó. + Văn học dân gian gây không khí để kích thích hành động, gợi cảm hứng cho người trong cuộc. Ví dụ: hò chèo thuyền, hò kéo lưới, hò giã gạo... Văn học dân gian luôn luôn tồn tại và gắn bó với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. Sinh hoạt cộng đồng là môi trường sinh thành, lưu truyền, biến đổi của văn học dân gian, chi phối cả nội dung và hình thức tác phẩm. 3. Hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam. Văn học dân gian Việt Nam có một hệ thống thể loại phản ánh nội dung cuộc sống theo những cách thức riêng. Hệ thống này gồm 12 thể loại: Thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo. 4. Giá trị của văn học dân gian - Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú Tri thức của văn học dân gian thuộc nhiều lĩnh vực: tự nhiên, xã hội, con người. Văn học dân gian là những kinh nghiệm lâu đời của nhân dân được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn, tri thức ấy thể hiện trình độ và quan điểm nhận thức tiến bộ của nhân dân. Kho tàng tri thức đó vô cùng phong phú và đa dạng vì nó được xây dựng từ các kho tàng văn học của 54 tộc người trên đất nước Việt Nam. Ví dụ: Nhờ văn học dân gian, ta hiểu được quan niệm hình thành trái đất của người Mường (Đẻ đất đẻ nước), biết được những quan niệm về tình yêu đôi lứa của người Thái (Tiễn dặn người yêu), quan niệm về người anh hùng của người Ê đê (Bài ca Đăm săn)... Những điệu hò chèo thuyền trên sông Mã (Thanh Hóa) có nhịp điệu nhanh, mạnh cho ta hiểu con người cũng như cuộc sống của những người dân nơi đây: khỏe khắn, mạnh mẽ, hăng say lao động. Hò chèo thuyền trên sông Hương lại nhẹ nhàng, khoan thai rất phù hợp với cốt cách con người xứ Huế. Riêng kho tàng văn học dân gian của người Việt, cung cấp cho ta tri thức: Tri thức về tự nhiên: "Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng Ngày tháng mười chưa cười đã tối". "Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa". "Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa". Tri thức về lịch sử: Truyền thuyết An Dương Vương, truyền thuyết Thánh Gióng, truyền thuyết Hồ Gươm... Tri thức xã hội: "Con ơi nhớ lấy câu này Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan". "Con vua thì lại làm vua Con sãi ở chùa thì quét lá đa...". Tri thức về con người trong các mối quan hệ với thiên nhiên, đất nước, với gia đình, anh em, bè bạn... - Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người. Văn học dân gian giáo dục con người tinh thần nhân đạo, lạc quan, lòng yêu thương đối với đồng loại, tinh thần đấu tranh chống sự bất công và niềm tin bất diệt vào chiến thắng của cái thiện. Văn học dân gian góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp, bồi dưỡng cho chúng ta những tình cảm cao đẹp, lẽ sống quan điểm sống đúng đắn, góp phần định hướng phát triển, hoàn thiện nhân cách. Ví dụ: Sử thi "Đăm Săn" là bài ca về người anh hùng đã biết chiến đấu vì lẽ sống, niềm vui, danh dự, hạnh phúc và sự thịnh vượng của thị tộc. Qua đó, tác phẩm bồi dưỡng cho chúng ta những tình cảm cao cả: trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình, thiết tha với cuộc sống bình yên và hạnh phúc của cộng đồng. Truyền thuyết "An dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy" lại là bài học về lòng yêu nước, tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn mối quan hệ riêng chung, giữa nhà với nước, cá nhân với cộng đồng... Truyện cổ tích "Tấm Cám" giáo dục con người tinh thần đấu tranh không biết mệt mỏi trước cái xấu và cái ác, tạo dựng niềm tin bất diệt vào chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa, của cái thiện. Truyện cười phê phán thói hư, tật xấu cũng là nhằm mục đích hướng con người tới sự hoàn thiện: trung thực, chăm chỉ, cần kiệm, giàu lòng yêu thương... Ca dao hài hước là bài học tinh thần lạc quan, yêu đời. Trong khi đó tiếng hát than thân, yêu thương, tình nghĩa lại dạy ta bài học về tình yêu quê hương, đất nước, sự hiếu thảo với cha mẹ, tình cảm vợ chồng chung thủy, tình anh em, bạn bè gắn bó, tình yêu lứa đôi thiết tha, sâu nặng... - Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần sáng tạo nên bản sắc riêng của nền văn học dân tộc. + Văn học dân gian được chắt lọc, mài giũa qua không gian và thời gian và khi đến với chúng ta, đã trở thành những viên ngọc sáng. Nhiều tác phẩm đã trở thành mẫu mực về nghệ thuật để cho chúng ta học tập. + Trải qua hàng ngàn năm, văn học dân gian là nơi lưu giữ những giá trị thẩm mĩ to lớn của mỗi vùng miền, tạo bản sắc riêng biệt, là cơ sở cho nền văn học sau này. "Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc Việt Nam". Không ít nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh,.... đã tiếp thu văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương lớn. Ví dụ: Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du đã vận dụng sáng tạo tư tưởng dân gian cũng như thể lục bát của ca dao. Trong thơ hiện đại Nguyễn Bính ta cũng bắt gặp nhiều hình ảnh đậm tính dân gian: bến, đò, hoa, bướm, trầu cau: Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Hay những vần thơ hiện đại của Nguyễn Khoa Điềm phần đầu bài viết cũng mang đậm dấu ấn của văn học dân gian. Văn học dân gian đã trở thành nguồn mạch sáng tạo không bao giờ vơi cạn cho văn học viết. Xem thêm bên dưới...
Đặc trưng của các thể loại văn học dân gian Văn học dân gian Việt Nam có một hệ thống thể loại phản ánh nội dung cuộc sống theo những cách thức riêng. Hệ thống này gồm 12 thể loại: Thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo. 1. Thần thoại: - Khái niệm: Thần thoại là tập hợp những truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc thế giới và đời sống con người. Ví dụ: + Thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên: Thần trụ trời, Ông Trời, Nữ thần Mặt trăng, Mặt trời, Thần Mưa.. + Thần thoại về nguồn gốc các loài, bao gồm cả động vật và thực vật: Cuộc tu bổ các giống vật, Thần Lúa.. + Thần thoại về nguồn gốc con người và nguồn gốc các dân tộc ở Việt Nam: Ông Trời, Mười hai bà mụ, Nữ Oa- Tứ Tượng.. + Thần thoại về các anh hùng thời khuyết sử, các anh hùng văn hóa, tổ sư các nghề: Nữ thần nghề mộc.. - Đặc trưng của thần thoại: + Cốt truyện còn đơn giản, ít tình tiết. + Nhân vật chính trong thần thoại là thần. Thần trong thần thoại gắn với quan niệm vạn vật có linh hồn nên nó khác với thần của tôn giáo. Thần được gọi bằng những tên khác nhau như: Ông, bà, thần, tinh, trời.. các vị thần trong thần thoại khác nhau ở chức năng, việc làm. + Thần thoại thể hiện quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc thế giới và đời sống con người. 2. Truyền thuyết: - Khái niệm: Truyền thuyết là những "tác phẩm tự sự dân gian kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) theo xu hướng lí tưởng hóa, qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với những người có công với đất nước, dân tộc hoặc cộng đồng cư dân của một vùng" (theo Ngữ văn 10, tập 1, trang 17. NXB Giáo dục). Ví dụ: Truyền thuyết về: + Danh nhân văn hóa: Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Trạng Trình.. + Địa danh: Sự tích Hồ Gươm, Sự tích Hồ Ba Bể.. + Anh hùng: Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo.. + Anh hùng nông dân: Quận He, Ba Vành.. + Anh hùng nông dân (không mang yếu tố thần kỳ) : Hầu Tạo, Chàng Lía, Lê Văn Khôi.. - Đặc trưng của truyền thuyết: + Truyền thuyết thuộc thể loại truyện dân gian, tồn tại nhờ phương thức truyền miệng là chính. + Truyền thuyết kể về nhân vật lịch sử và sự kiện có liên hệ với lịch sử. Trong truyền thuyết, những danh từ riêng chỉ tên người, tên đất, tên thời kì lịch sử rất được coi trọng (như An Dương Vương, Lạc Long Quân, Hai Bà Trưng, Lê Lợi) vì những tên này gắn liền với những con người thật, vùng đất thật. + Truyền thuyết có sử dụng các yếu tố tưởng tượng, hư cấu. 3. Sử thi: - Khái niệm: Sử thi là những tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hay nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại. Ví dụ: + Sử thi thần thoại: Đẻ đất đẻ nước, Ấm ệt luông, Cây nêu thần.. kể về sự hình thành của thế giới, sự hình thành của muôn loài, sự hình thành các dân tộc.. + Sử thi anh hùng: Đăm Săn, Đăm Di, Xinh Nhã, Khinh Dú, Đăm Noi.. kể về cuộc đời và sự nghiệp của các anh hùng - Đặc trưng của sử thi: + Nội dung của sử thi có tính rộng lớn, kể về sự kiện trọng đại của quá khứ, biểu hiện toàn bộ đời sống văn hóa, lịch sử của cộng đồng, thể hiện quá trình vận động của tộc người đó qua các giai đoạn khác nhau. + Nghệ thuật: Sử thi là những câu chuyện kể văn xuôi xen lẫn văn vần, có sử dụng các yếu thành ngữ, tục ngữ, những từ ngữ cổ, hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian. 4. Truyện cổ tích: - Khái niệm: Truyện cổ tích là những tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận người bình thường trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động. Ví dụ: + Cổ tích về loài vật: Rùa và thỏ, Kiến giết voi, Sự tích chim tu hú.. + Cổ tích thần kì: Thạch Sanh, Tấm Cám, Sọ dừa, Trầu cau.. + Cổ tích sinh hoạt: Cán cân thủy ngân.. - Đặc trưng của truyện cổ tích: + Truyện cổ tích xây dựng một thế giới hư cấu, kì ảo + Truyện cổ tích là những truyện kể đã hoàn tất, có cốt truyện hoàn chỉnh + Truyện cổ tích có tính giáo huấn cao, mỗi câu chuyện là một bài học về đạo đức, ứng xử, về lẽ công bằng, thưởng phạt công minh. 5. Truyện ngụ ngôn: - Khái niệm: - Truyện ngụ ngôn là loại truyện kể bằng văn vần hoặc văn xuôi, mượn chuyện loài vật, đồ vật hoặc chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người. Ví dụ: Con hổ, con trâu và người đi cày, Cáo mượn oai hùm, Rùa và thỏ.. - Đặc trưng: + Về nghệ thuật: Nhân vật: Phong phú, đa dạng (có thể là người, con vật, đồ vật) ; Sử dụng lối nói ẩn dụ.. + Về ý nghĩa: Khuyên nhủ, răn dạy con người một bài học nào đó trong cuộc sống. 6. Truyện cười: - Khái niệm: Truyện cười là tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, kể về những sự việc xấu, trái với tự nhiên trong cuộc sống nhằm giải trí, phê phán. Ví dụ: Đẽo cày giữa đường, Làm theo vợ dặn, Sang cả mình con.. - Đặc trưng của truyện cười: + Truyện cười luôn có yếu tố gây cười + Truyện cười xây dựng các tình huống đối thoại ngắn gọn. 7. Tục ngữ: - Khái niệm: Tục ngữ là những câu ngắn gọn lưu truyền trong dân gian, hoặc có vế có đối, hoặc có vần, hoặc so sánh ẩn dụ.. đúc kết kinh nghiệm sản xuất, nêu lên bài học nhân sinh, để mọi người vận dụng, biểu đạt tình cảm, tư tưởng, hành động của mình vào cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Kiến tha lâu đầy tổ. Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm. Một giọt máu đào, hơn ao nước lã. Uống nước nhớ nguồn. - Đặc trưng của tục ngữ: + Về nội dung: Tục ngữ đúc kết những kinh nghiệm của cha ông để lại. + Về nghệ thuật: Tục ngữ ngắn gọn, đa số có vần, có nhịp. 8. Câu đố: - Khái niệm: Câu đố là thể loại văn học dân gian phản ánh sự vật hiện tượng theo lối nói chệch. Khi sáng tạo câu đố, người ta tìm đặc trưng và chức năng của từng vật cá biệt và sau đó phản ánh thông qua sự so sánh, hình tượng hóa. Ví dụ: Mình bằng hạt đỗ ăn giỗ cả làng (câu đố về con ruồi) Nhà xanh mà đóng khố xanh Tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong (chiếc bánh chưng). - Đặc trưng của câu đố: + Về nội dung: Đối tượng phản ánh của câu đố là các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, phần lớn có liên quan đến những hoạt động sinh hoạt của người dân. + Về nghệ thuật: Câu đố sử dụng phương thức ẩn dụ, hoán dụ, chơi chữ. Câu đố đa phần có vần, nhịp. 9. Ca dao: - Khái niệm: Ca dao là những "lời thơ trữ tình dân gian, thường có sự kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người" (theo Ngữ văn 10, tập 1, trang 17. NXB Giáo dục). Ví dụ: "Trên trời có đám mây xanh Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng Ước gì anh lấy được nàng Để anh mua gạch Bát Tràng về xây Xây dọc, rồi lại xây ngang Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân'. - Đặc trưng của ca dao: + Về nội dung: Ca dao diễn tả đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước.. + Về nghệ thuật: Lời thơ của ca dao thường ngắn gọn: Có khi chỉ là một cặp lục bát, có những bài dài hơn nhưng đa phần đều không quá dài (từ 2 câu đến khoảng trên dưới 20 câu). Ca dao đa phần sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể (hơn 90%). 10. Vè: - Khái niệm: Vè là thể loại tự sự dân gian, có hình thức văn vần, giàu tính thời sự, phản ánh kịp thời các sự kiện xảy ra trong làng, trong nước, qua đó thể hiện thái độ khen chê của dân gian đối với các sự kiện đó. Ví dụ: + Vè đánh bạc:" Nghe vẻ nghe ve/ nghe vè đánh bạc/ đầu hôm xao xác/bạc tốt như tiên/ đến khuya không tiền/ bạc như chím cú/ cái đầu sù sụ/ con mắt trỏm lơ/ hình đi phất phơ/ như con chó đói/ chân đi cà khói/ dạo xóm dạo làng/ quần rách lang thang/ lồng tay mà túm ". + Vè chửa hoang:" Xem thử nó giống ai/ cái đầu nó giống ông cai/ cái lưng ông xã, cái vai ông trùm". - Đặc trưng của vè: + Về nội dung: Đa số bài vè phản ánh hiện thực ở từng địa phương nhất định, bộc lộ rõ thái độ của người dân trước những sự việc, sự kiện đó.. + Về nghệ thuật: Vè được sáng tác bằng văn vần, sử dụng nhiều hình thức khác nhau: Câu bốn chữ, năm chữ, lục bát, hát giặm, nói lối. Có vè đồng dao, là những bài hát của trẻ em.. 11. Truyện thơ: - Khái niệm: Là những truyện kể bằng thơ, biểu hiện cảm nghĩ bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc, chứa đựng vấn đề xã hội. Có sư kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình, dung lượng lớn, mang tính chất cố sự của truyện kể dân gian, biểu hiện dưới hình thức thơ ca với màu sắc trữ tình đậm. Ví dụ: Phạm Công – Cúc Hoa ; Tống Trân – Cúc Hoa ; Tiễn dặn người yêu.. + Đặc trưng của truyện thơ: + Về nội dung: Truyện thơ thể hiện cảm xúc, tâm trạng, phản ánh số phận, khát vọng của con người về tình yêu, hạnh phúc. + Về nghệ thuật: Truyện thơ có sự kết hợp của phương thức trữ tình và phương thức tự sự. Truyện thơ mang đậm phong vị dân ca dân tộc thiểu số. 12. Chèo: - Khái niệm: Là tác phẩm kịch hát dân gian kết hợp với yếu tố trữ tình và trào lộng để ca ngợi cái tốt hoặc phê phán cái xấu. Ví dụ: Chèo Quan Âm Thị Kính, Suý Vân giả dại.. - Đặc trưng của thể loại chèo: + Về nội dung: Chèo ca ngợi những tấm gương đạo đức phê phán đả kích mặt trái của xã hội. + Về hình thức: Kịch hát dân gian kết hợp với yếu tố trữ tình và trào lộng.