Văn học 12: Nét nổi bật ở người nghệ sĩ Phùng là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Banana Nết Na, 18 Tháng chín 2021.

  1. Banana Nết Na Mị

    Bài viết:
    25
    Đề bài: Về nhân vật Phùng có ý kiến cho rằng:

    - Nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp.

    Ý kiến khác lại nhấn mạnh:

    - Vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng trăn trở lo âu về số phận con người.

    Em hãy bàn luận hai ý kiến trên. Từ nhân vật Phùng, bày tỏ suy nghĩ của mình về quan niệm người nghệ sĩ chân chính.

    Bài làm

    "Nguyễn Minh Châu thuộc trong số nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay" – Lời nhận xét khá chính xác của nhà văn Nguyên Ngọc khi nói về Nguyễn Minh Châu. Nhắc tới Nguyễn Minh Châu, người ta không thể không nhớ tới "Bến quê", "Cỏ lau" – Những tác phẩm đã góp phần định hình lên phong cách viết văn sâu sắc của ông, đặc biệt là tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" – kể về chuyến đi thực tế của nhiếp ảnh Phùng. Về nhân vật Phùng, có ý kiến cho rằng: "Nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp."

    Ý kiến khác lại nhấn mạnh: "Vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng trăn trở lo âu về số phận con người."

    Trước hết, là một nghệ sĩ Phùng hiện lên với tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp, tâm hồn ấy là khả năng khám phá, phát hiện tinh tế và có những rung động mãnh liệt trước những vẻ đẹp phong phú của cuộc sống.

    Còn "tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người" là mối quan tâm thường trực và sâu nặng dành cho những cảnh đời khổ đau, thân phận bất hạnh, đồng thời là phản ứng trước những nhiễu nhương, ngang trái trong cuộc sống.

    Là một người có tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp trữ tình của cảnh vật, nghệ sĩ Phùng luôn nhạy bén vẻ đẹp "trời cho".

    Anh phát hiện ra vẻ đẹp thơ mộng của chiếc thuyền ngoài xa trong làn sương sớm đẹp như tranh cổ

    "Mũi thuyền in một vết dài mơ hồ lòe nhòe vao bầu trời sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào."

    Góp chung với bức tranh tuyệt diệu ấy là hình ảnh:

    "Bóng người lớn, trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên mui thuyền khum khum hướng mặt vào bờ, tất cả được nhìn qua tấm lưới và mắt lưới giữa hai chiếc gọng vó".

    Phùng nhanh chóng bấm máy, anh cho rằng đó là cảnh đẹp mang một vẻ đẹp "đơn giản và toàn bích" mà trong đời không phải người nghệ sĩ nào cũng có cơ hội được tận hưởng, chiêm ngưỡng.

    Với Phùng, trước mắt anh lúc bấy giờ là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, đồng thời qua bức tranh đó cũng thể hiện sự nhạy cảm trước cái đẹp của một con người tài hoa, am hiểu sâu sắc về hội họa. Nghệ sĩ Phùng cảm nhận cảnh đẹp "trời cho" đó như "một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ" – có cận cảnh là mắt lưới, viễn cảnh là chiếc thuyền ngoài xa mờ ảo trong sương sớm và ánh bình minh. Tâm hồn nhạy cảm của Phùng còn in rõ hơn qua những hình ảnh cụ thể với "mũi thuyền ẩn hiện". "trời trong"," bầu sương mù", "có bóng người lớn trẻ con", có những "tấm lưới". Tât cả được bủa vây bởi "màu trắng như sữa" của sương, "màu hồng hồng" tinh khiết của ánh mặt trời, vừa tĩnh tại với bóng người "im phăng phắc", vừa sống động với mũi thuyền "đang hướng vào bờ". Cảnh vật như hòa quyền với nhau tạo nên vẻ đẹp tuyệt đỉnh thiên nhiên ban tặng, cũng chính vẻ đẹp đó đã khiến Phùng say mê, khám phá được khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn, anh tưởng mình "vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện". Đứng trước vẻ đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh, người nghệ sĩ ấy thấy lòng mình rung động mãnh liệt.

    "Trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào"

    Phùng như nghiệm ra rằng: "bản thân cái đẹp là đạo đức", nó giúp ta khám phá ra cái toàn thiện, toàn mĩ, có tác dụng thanh lọc tâm hồn để con người trở nên cao khiết, thánh thiện hơn. Anh đã nhanh chóng "bấm liên thanh hét một phần tư cuốn phim" để vĩnh cửu hóa thiên cảnh đó.

    Không dừng lại ở một tâm hồn nhạy cảm và yêu say cái đẹp, vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng còn là một tấm lòng trăn trở, lo âu về số phận con người.

    Là một người nghệ sĩ có tấm lòng nhân hậu, giàu lòng yêu thương, Phùng cảm thông cho số phận vất vả, lam lũ của những người làng chài và cũng chính vì cảm thương nên anh mới cảm nhận được dáng vẻ lam lũ của họ

    "...Một thân hình quen thuộc của người đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch."

    "Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ..."

    Một lần nữa sau khi dược chiêm ngưỡng cảnh đẹp trời cho, Phùng lại ngạc nhiên, sửng sốt đến bất ngờ khi con thuyền cập bờ, một cảnh tượng đã xé tan khung cảnh huyền ảo, thơ mộng khi con thuyền ngoài xa. Đó là lúc anh tận mắt chứng kiến bạo lực gia đình.

    Với cảnh chồng đánh vợ như trút cơn giận nảy lửa vào tấm lưng áo bạc phếch rách rưới để rồi đau đớn, "nghiến răng ken két" mà nguyền rủa vợ con mình

    "Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ"

    Nguyễn Minh Châu đã khẳng định cuộc sống đói nghèo làm con người tha hóa trong sự trăn trở của người nghệ sĩ tâm huyết với đời và người vợ cam chịu nhẫn nhục từ lòng yêu chồng, thương con cũng được khám phá từ tâm hồn người nghệ sĩ theo bút pháp khám phá trái tim của người phụ nữ Việt Nam yêu chồng thương con. Cho đến lúc Phùng chứng kiến sự xuất hiện của đứa con trai nhỏ chạy vụt qua bảo vệ người mẹ, "giằng được chiếc thắt lưng liền dướn người lên vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng của lão đàn ông". Anh đã xông vào can thiệp bảo vệ người đàn bà và đứa trẻ với quyết tâm tiêu diệt bạo lực gia đình. Cảnh bạo lực đó đã khiến tâm trạng người mẹ xấu hổ, đau đớn, tủi nhục bao nhiêu, tâm trạng của nghệ sĩ Phùng lo âu về thân phận con người, về sự trưởng thành của con trẻ khi hằng ngày chứng kiến cảnh bạo lực của người lớn bấy nhiêu.

    Sự lo âu đã hóa thành lòng thương người khi nghệ sĩ phùng tỏ ra bức xúc, căm phẫn, lên án tố cáo hành vi bạo lực của người chồng vũ phu

    "Phùng xông ra buộc lão đàn ông chấm dứt hành động độc ác..."

    Anh lắng nghe và thấu hiểu tâm sự của người đàn bà hàng chài với bao sự cảm thông, ngỡ ngàng, ngạc nhiên.

    Nhưng có lẽ, cái mà anh trăn trở nhất là làm thế nào giải quyết được bi kịch của người đàn bà. Sự trăn trở đó thể hiện rõ nét trong ba câu nói anh hỏi chuyện người đàn bà:

    "Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính đánh ngụy không?"

    "Ở trên thuyền cá có bao giờ hắn ta đánh chị không?"

    "Cả đời chị có lúc nào thật vui không?"

    Ba câu hỏi tuy ngắn gọn nhưng lại chứa cơ man là những trăn trở của một người nghệ sĩ chân chính như Phùng, thể hiện sự quan tâm lo ắng và mong ước của anh về người đàn bà. Hơn nữa trong anh còn là sự trăn trở về tổn thương của thằng bé Phác, trăn trở về khi những lúc biển dộng, những cơn bão biển ập tới, cuộc sống nơi đây không thoát khỏi vòng lặp đói nghèo. Sự trăn trở đó đã dựng xây trong anh một vẻ đẹp sâu xa của một tâm hồn nhạy cảm.

    Bức ảnh "Chiếc thuyền ngoài xa" của Phùng dù đã được công chúng đón nhận, trân trọng, vượt qua được sự khắt khe của thời gian, vậy mà anh không tự mãn hài lòng, ngược lại trong lòng vẫn luôn trăn trở

    "...nhìn lâu thấy hình ảnh của người đàn bà bước ra từ tấm ảnh với tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá – giậm chân trên mặt đất chắc chắn hòa lẫn vào trong đám đông"

    Đồng thời, Phùng còn nhấn mạnh trách nhiệm của người nghệ sĩ khi khai thác, khám phá đối tượng của văn học là con người trong cuộc sống đời thường.

    Hai ý kiến trên đề cập đến những vẻ đẹp khác nhau trong phẩm chất của nghệ sĩ Phùng nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, từ đó dung hòa thành sự nhìn nhận toàn diện và thống nhất về phẩm chất của anh, giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về vẻ đẹp của nhân vật cũng như thấm thía hơn ý tưởng nghệ thuật của nhà văn.

    Phải chăng đây là quan điểm: "Nghệ thuật vị nhân sinh" và "Nghệ thuật vị nghệ thuật" cộng hưởng trong sự khai thác của nhân vật Phùng, cũng chính là hiện thân của nhà văn Nguyễn Minh Châu để tạo nên một tác phẩm văn học có giá trị sâu sắc.

    Có thể nói, nhân vật Phùng là một hình tượng tiêu biểu cho người nghề sĩ chân chính, bởi ở Phùng đều có những đặc điểm mà một người nghệ sĩ chân chính cần có. Đó là một cái nhìn đa diện nhiều chiều, cần phải quan sát sự việc theo nhiều chiều hướng khác nhau để hiểu được bản chất thực sự bên trong mà không bị vẻ hào nhoáng bên ngoài khuất lấp. Tiếp đó cần phải tiếp cận với cuộc sống, rút ngắn khoảng cách của người nghệ sĩ với người dân, tránh xa rời thực tế như Nguyễn Minh Châu tâm niệm:

    "Đừng bao giờ nằm ỳ ra trên một cách viết như một sự tự khuôn hình, và cũng đừng bao giờ để cho văn chương trở nên xa lạ với đời thường, bởi nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối."

    Thành công trong việc xây dựng hình tượng người nghệ sĩ chân chính trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" với lối hành văn luôn trăn trở đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn, Nguyễn Minh Châu xứng đáng là nhà văn mở đường tinh anh nhất trong công cuộc đổi mới văn chương sau 1975.

    - Hoàng Yến-


     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng chín 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...