Văn Hóa Xã Hội Thời Nhà Lý

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Cô Hồn, 18 Tháng mười hai 2018.

  1. Cô Hồn

    Bài viết:
    36
    Thời Lý, vua quan là bộ phận chính trong giai cấp thống trị. Một số hoàng tử, công chúa, quan lại được nhà nước phong cấp ruộng đất đã trở thành địa chủ. Một số ít dân thường, do có nhiều ruộng, cũng trở thành địa chủ có thể lực tại địa phương.

    Nông dân chiếm đa số trong dân cư. Họ là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội. Các đinh nam được chia ruộng theo tục lệ của làng xã và phải làm nghĩa vụ cho nhà nước. Những nông dân nghèo phải cày ruộng, nộp tô cho địa chủ, có người phải rời bỏ quê hương đi khai hoang, lập nghiệp ở nơi khác.

    Ngoài ra, trong xã hội còn có người làm nghề thủ công, buôn bán. Họ sống rải rác ở các làng, rèn công cụ, sản xuất các đồ dùng cần thiết hàng ngày và trao đổi cho nhau. Họ phải nộp thuế và làm nghĩa vụ với nhà vua.

    Nô tì vốn là tù binh hoặc bị tội nặng, nợ nần hoặc tự bán thân, họ phải phục vụ trong cung điện hoặc các nhà quan.

    Giáo dục và văn hóa

    Năm 1070, Văn Miếu được xây dựng ở Thăng Long để thờ Khổng Tử. Đây cũng là nơi dạy học cho các con vua.

    Năm 1075, khoa thi đầu tiên được mở để tuyển chọn quan lại. Năm 1076, mở Quốc tử giám cho con em quý tộc đến học (có thể xem đây là trường đại học đầu tiên của quốc gia Đại Việt). Sau đó, nhà Lý mở rộng cho con em quan lại và những người giỏi trong nước vào đây học tập, tổ chức thêm một số kì thi.

    Nhà Lý đã quan tâm đến giáo dục, khoa cử song chế độ thi cử chưa có nền nếp, quy củ, khi nào nhà nước có nhu cầu mới mở khoa thi. Văn học chữ Hán buớc đầu phát triển.

    [​IMG]

    Tượng phật A-di-đà tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh

    Hầu hết các vua nhà Lý như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đều sùng đạo Phật, sai dựng chùa tháp, tô tượng, đúc chuông, dịch kinh Phật, soạn sách Phật..

    Lý Công Uẩn mới lên ngôi đã phát hai vạn quan tiền để xây 8 ngôi chùa ở quê mình, lại phát hàng vạn quan dựng nhiều chùa ở kinh đô, sửa sang chùa quán ở các lộ, cho phép hơn 1000 người ở Thăng Long làm sư.

    Từ thời Lý, nhân dân đã thích ca hát, nhảy múa. Hát chèo, múa rối nước được phát triển. Dàn nhạc có trống, đàn, sáo, nhị. Nhiều trò chơi dân gian như đá cầu, vật, đua thuyền rất được ham chuộng. Mùa xuân, khắp nơi đều mở hội.

    Kiến trúc và điêu khắc rất phát triển. Các công trình có quy mô tương đối lớn và mang tính cách độc đáo.

    [​IMG]

    Chùa Một Cột thời Lý

    Trong Hoàng thành có những tòa nhà cao 4 tầng. Tháp Báo Thiên ở Thăng Long cao 12 tầng. Chùa Một Cột được dựng trên một cột đá lớn, đứng giữa hồ, tượng trưng cho một bông sen ở trên mặt nước.

    Trong thời kì này, một số công trình nghệ thuật có giá trị khác cũng được xây dựng. Tháp Chương Sơn (Nam Định), chuông chùa Trùng Quang (Bắc Ninh) nặng 3 tấn, v.. v..

    Trình độ điêu khác tinh vi, thanh thoát được thể hiện trên các tượng Phật, ở các hình trang trí rồng, các bệ đá hình hoa sen. Rồng mình trơn toàn thân uốn khúc, uyển chuyển như một ngọn lửa là hình tượng nghệ thuật độc đáo, phổ biến ở thời Lý

    Phong cách nghệ thuật đa dạng, độc đáo của nhân dân ta thời nhà Lý đã đánh dấu sự ra đời của một nền văn hóa riêng biệt của dân tộc – văn hóa Thăng Long.

    [​IMG]

    Hình rồng thời Lý
     
    shasha thích bài này.
    Last edited by a moderator: 30 Tháng mười hai 2018
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...