Truyện Ngắn Văn Hóa, Nơi Tôi Dừng Chân! - Bí Ngô Hà

Thảo luận trong 'Bài Bị Trùng' bắt đầu bởi BiNgoHa, 10 Tháng ba 2023.

  1. BiNgoHa Ta là Chin đây!

    Bài viết:
    1
    Tên truyện: Văn Hóa, nơi tôi dừng chân!

    Tên tác giả: Bí Ngô Hà

    Thể loại: Truyện ngắn

    Hôm nay trường mình đông lạ thường, chẳng biết có sự kiện gì mới, hay là hội thi gì nhỉ? Nó từ trên tầng 5 nhìn xuống và tự hỏi! Chuông vào lớp, nó uể oải đi vào lớp, cái thời tiết oi bức này mà học tới 5 tiết thì ai cũng vậy rồi. Cô vẫn chưa kịp vào, mấy đứa em cùng lớp nó nhao nhao bàn tán về khóa mới vào trường, nó "à" lên thì ra mấy hôm nay khóa mới vào trường, chẳng trách đông tới vậy..

    Tự dưng nó nhớ cái ngày nó mới bước chân vào trường ghê! Cái ngày rời xa gia đình với bao niềm hi vọng, cũng với bao những lo toan, sợ sệt. Nó đến đây, chỉ vì đây là sự lựa chọn cuối cùng, là một sự lựa chọn đối với con người đang bước đường cùng. Và trong lúc suy nghĩ nơi đây chỉ là tạm bợ thì đã có một người làm nó thay đổi suy nghĩ, (thay đổi). Tại sao nó không dừng chân lại đây, tại sao cứ mải miết rong ruổi khắp mọi trường nơi phố phường thị thành này. Suy nghĩ lan man, dòng kí ức nó ùa về một năm trước:

    "Mẹ, có giấy báo trúng tuyển Luật rồi"

    "Mẹ, con có giấy báo trúng tuyển rồi!"

    "Học học cái gì! Mày học từng ấy năm chưa đủ à, không học hành gì hết, ở nhà lấy chồng"

    Mẹ nó vừa thái khúc chuối, cũng chẳng thèm nhìn mặt nó lấy một cái. Cầm tờ giấy báo, với thái độ không phục, nó cãi lại:

    "Mới có 22 tuổi, chồng con để làm gì, chồng con để như mẹ mãi chẳng khá lên được à, con không muốn sau này khổ vẫn hoàn khổ như mẹ!" - nó đáp gay gắt

    "Không lấy chồng thì đi làm công nhân, tự đi mà kiếm sống, lo cho mày đến đây là quá đủ rồi, mày đi học nữa hai em mày ai lo cho nổi, hả" – mẹ nó quăng con dao giận dữ bỏ ra ngoài, bỏ nó ngồi cạnh bếp khóc.

    Quả thật với một đứa học được như nó không đi học quả thật phí. Số điểm 27, 75 tuy không được đúng với mong muốn của nó nhưng với rất nhiều người đó là một số điểm đáng mơ ước. Từ nhỏ, trong khi các bạn đồng trang lứa còn đang bay bổng với những trò chơi đồ hàng, thì nó đã phải theo cái khuôn sống lý tưởng, tác phong nghiêm túc thừa kế từ người cha bộ đội cụ Hồ rồi. Với nó ngoài việc học tất cả mọi thứ xung quanh đều không có "ưu tiên", chỉ học và học. Vậy mà giờ đây không cho nó đi học, dĩ nhiên là nó không thể đồng ý rồi!

    Nó trách mẹ nó nhưng sâu trong nó, nó hiểu hơn ai hết tại sao mẹ nó không muốn cho nó đi học. Nó đi học đồng nghĩa với việc hai em gái của nó sẽ không thể đi học tiếp được nữa, mà giờ có cho nó đi học thì ra trường cũng chẳng có việc để làm, cũng chẳng khá gì hơn. Nhưng bản thân nó không phục, không muốn ở đấy chấp nhận phận khổ mãi như vậy.

    Gia đình nó bình thường như bao nhiêu gia đình khác chỉ là một gia đình nông dân nghèo, quanh năm chỉ có làm thêm nương, làm rẫy. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn thêm khi bố nó mất, chẳng bao lâu sau bà nó cũng theo bố nó mà đi, ông thì lại ốm đau suốt. Bỗng chốc đôi vai mẹ nó nặng nề những trách nhiệm. Làm sao mà để tròn trách nhiệm của một người mẹ, một người vợ - người con dâu. Từ ngày mẹ nó được gả cho bố nó, 18 tuổi chưa hết cái tuổi xuân, tuổi chơi đã chịu bao khổ, bao cam chịu để phụng dưỡng nhà chồng. Kể ra cũng đã 20 năm cuộc sống của mẹ nó chỉ có "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", ngày ngày làm lụng cũng chẳng đủ 5 miệng ăn, tối đến lại có mặt tại cửa khẩu để bốc vác kiếm thêm lo toan cho cuộc sống hằng ngày. Nó thương mẹ, thương em nên cứ hễ hôm nào được nghỉ, nó lại theo mẹ, người lớn vác được 2 lượt thì nó vẫn đang ở lượt một mà nó vẫn theo. Nó nhớ cái hồi bố nó còn, dạo ấy không đủ tiền mua thêm thuốc cho bố nó, nó cùng mẹ tối nào cũng đi, mẹ kiếm 200.000 nó cũng gần được 100.000. Tính ra nó cũng chẳng khá khẩm gì tích mãi cũng chẳng nhằm nhò gì tiền thuốc, thế nhưng nó thấy vui vì giúp được mẹ một chút, cuộc sống vẫn mãi u ám, u uất vậy mãi..

    Năm 2014

    Lần thi đại học đầu tiên, nó tự mình lặn lội từ Cao Bằng xuống Hà Nội với bao lo sợ và bỡ ngỡ. Nó thi khối trường công an, ai cũng nói điểm cao khó có thể thi vào, bản thân nó cũng tự biết, với một đứa học chuyên sinh như nó, đùng cái chuyển thi khố C là điều quá sức và là điều không thể. Nhưng nó không còn sự lựa chọn nào khác, vì chỉ có chọn những ngôi trường này thì mẹ nó mới đỡ khổ, bản thân nó mới có thể tiếp tục con đường đi học. Kỳ thi đầy căng thẳng rồi cũng qua mang bao nỗi thất vọng tràn trề, cái hôm nhận được tin có điểm thi đại học, người nó chẳng chút sức nào, số điểm quá thấp, tới mức nó không còn tin vào bản thân nó – không tin vào 12 năm đèn sách nữa – 11 điểm. Dừng ước mơ tại đây, dừng mọi con đường tại đây. Mẹ nó chỉ cười chừ một cái:

    - "Điểm cao quá nhỉ"

    Rồi mẹ đi ra ngoài, kiếm cái đòn gành và nói:

    - "Điểm gì thì điểm cũng qua rồi, xong rồi, liệu mà lấy rau lợn đun cám trước đi, để đấy cho nó nhịn tới bao giờ"

    Buồn không câu nào diễn tả mà mẹ chỉ chăm chăm lo cho mấy con lợn thôi. Nó rơi nước mắt, nhưng vội lau nhanh, vì bản thân nó ghét nhất nước mắt, nó đã mất quá nhiều trong những tháng năm vừa qua rồi. Khóc là yếu đuối, khóc là trẻ con.. nó nghĩ vậy. Tối đến, những bữa cơm chẳng còn thấy ngon nữa, bầu không khí, nặng trĩu, chỉ lặng lẽ ngồi gắp rau và ăn. Cứ vậy cứ đều đều mãi.. Còn nó, mỗi đêm đi ngủ, tay đặt lên trán suy nghĩ với số điểm này nó sẽ làm gì? Sẽ rẽ lối nào, ngõ ngách nào của cuộc đời. Suy đi tính lại vẫn là phải cố bám lấy ước mơ, không thể dừng việc học tại đây được. Nhưng hiện giờ, phải nói sao với mẹ để mẹ đồng ý? Dằn vặt một hồi nó thiếp đi lúc nào không hay..

    Sáng sớm hôm sau, theo dự tính hai mẹ con sẽ lên núi đốn cây làm than, phải làm ngay sau hôm chợ phiên thì mới kịp đến phiên sau có than để bán. Đối với những ngày ở cửa khẩu không có hàng thì đây là công việc duy nhất kiếm thu nhập nhanh nhất. Thế mà lạ thật, mẹ vẫn chẳng nói năng gì, chỉ ngồi thẫn thờ bên bếp lửa. Nó đi xuống ngồi cạnh mẹ:

    - "Ơ hôm nay không đi làm than nữa sao mẹ?"

    Lạnh lùng chẳng thèm nhìn tôi một cái, mẹ đáp:

    - "Nay giỗ bố mày, nghỉ một hôm, làm bữa cơm ăn với nhau, làm cũng làm mãi rồi, nên giàu đã giàu lâu rồi"

    Mải nghĩ về chuyện điểm trác mà quên mất hôm nay, thật đáng trách mà. Tính ra cũng đã 2 năm kể từ ngày nó xa bố, 2 năm qua nhiều chuyện xảy ra tới mức chớp mắt một cái đã thoáng qua rồi.

    Hôm nay, mẹ nó đã chuẩn bị từ sáng để làm những món bố nó thích. Nói vậy thôi chứ cũng chẳng phải món gì cầu kì cho lắm. Cái quan trọng, đó là cả gia đình ngồi quây quần với nhau, vậy là vui lắm rồi. Chứ ngày bình thường, mẹ nó đi làm tới tối, em gái nó đi học về ăn vội bát cơm rồi cũng đi học ngay, chỉ có bữa tối là mới đủ mọi người. Đang ngồi ăn bỗng tiếng ông hỏi cắt ngang mọi suy nghĩ của nó:

    - "Thế nào, đỗ không con ơi"

    Ông hỏi nó, từ ngày biết điểm ngoài mẹ nó cũng có nói với ai đâu. Giờ ông hỏi vậy nó cũng không khỏi suy nghĩ tiếp, chỉ biết nhìn ông lắc đầu và im lặng. Trong nó giờ bao nhiêu thứ thi nhau "nhao nhao" lên, nó không biết phải làm sao, phải như nào cho phải nữa! Dù gì thì cũng phải quyết định, cứ nói thử ý kiến.

    - "Mẹ! Con đi làm nhé"

    - "Làm gì?"

    - "Làm công nhân, họ treo quảng cáo trước nhà mình đấy!"

    - "Định bao giờ đi?"

    - "Làm xong giấy tờ thì con đi"

    Mẹ đang ăn bỗng ngưng lại một lúc, như thể thấy nhanh quá với quyết định của nó, rồi lại bình thường sau vài giây đó, gắp miếng đậu vào bát. Bỗng em gái nó hỏi:

    - "Chị không thích đi học rồi à?"

    - "Ừm.. hết thích rồi"

    - "Thế phí thật đấy, năm nào cũng được giấy khen, được bao nhiêu giải học sinh giỏi, không học thì.. haizz.. thà như em trung bình suốt không học đại học đã đành!

    Nói xong nó lắc đầu rồi chẳng quan tâm nữa, vội vàng ăn cho xong rồi lại sắp đồ đi học. Nó thấy nghẹn và xấu hổ vô cùng, bản thân nó luôn là một tấm gương cho các em mà kết quả cố gắng của bản thân nó lại tồi tệ vậy!

    Tất cả mọi thứ đều đã chuẩn bị xong, nó chân ướt, chân ráo mang theo bao niềm hi vọng và ước mơ của nó theo. 18 tuổi – mang bao suy tư và trách nhiệm của tuổi trẻ. Một mình nó, tự bám vía ở cái đất Bắc Ninh, tự phải chắt chiu, dành dụm để vừa tiết kiệm cho kì ôn thi mới, vừa để gửi về quê đỡ đần mẹ và em. Những tưởng cuộc sống công nhân cũng không khác như làm nông là mấy, nhưng thật sự, không hề đơn giản. Một ngày của nó 8 giờ sáng – 8 giờ tối ở trong xưởng làm việc, đứng liền 12 giờ, đôi chân mỏi như muốn rời mấy cái khớp chân. Có khi cả tháng làm đêm ngủ ngày, đến mặt trời còn không thấy một lần. Suốt ngày chạy sản lượng, suốt ngày bị chửi bới, mắng mỏ, nó chẳng thèm quan tâm, bởi còn sức nào mà phản ứng lại nữa. Nó cứ lặng lẽ như một cái xác sống, đi làm – ăn – ngủ, ngày này qua ngày khác. Chẳng có gì..

    Thấm thoát cũng 5 tháng đi qua, khi mà nó vừa bắt đầu quen với nhịp độ công việc thì cũng là lúc một mùa ôn thi nữa lại tới. Lại một chặng đường gian nan, khó khăn trắc trở. Tạm biệt khu công nghiệp Tiên Sơn – tạm biệt các anh chị đã cùng gắn bó, nó bắt đầu một cuộc chạy đua mới.

    Hai tháng ôn thi miệt mài, không quan tâm bất kì điều gì, đến cả chiếc điện thoại 1280 của nó cũng chỉ để báo thức. Không liên lạc bạn bè, gia đình, nó muốn tập trung cao nhất cho kì thi này. Mỗi ngày, quãng thời gian chỉ có 4 tiếng, còn lại nó học và học. Hai tháng, đổi lại cho nó một kì thi khá là ổn, và có thể mỉm cười. Thi xong về quê, mẹ nó ngỡ ngàng với khuôn mặt hốc hác, để lộ đôi gò má nhô ra, đôi mắt thì thâm xì khác gì con gấu trúc. Nó đã cố gắng rồi, giờ đây chỉ còn là những ngày đợi điểm nữa thôi. Quả thực những ngày này thật dài, dài lê thê, dài mải mê. Cảm giác chẳng khác gì năm ngoái cả, ngóng từng ngày từng giờ công bố điểm.

    Cuối cùng cũng có điểm, mọi người lần lượt khoe điểm số, nó cũng gửi tin nhắn xem điểm. Một phút, hai phút.. ôi gì mà thót tim quá vậy. Cảm giác hồi hộp khó thở thật!

    Ting.." Thí sinh.. tổng 28, 5 điểm "cái tin nhắn dài đằng đẵng ấy nó chỉ nhìn được con số 28, 5 thôi. Không thể tin được 28, 5 điểm, nó cười trên đôi má có dòng nước mắt chảy. Mừng quá đến nỗi khóc luôn. Chạy ra ngoài tìm ngay mẹ nó, chẳng biết nói gì cho được, chỉ buột miệng:

    - 28, 5 điểm! Được 28, 5 điểm mẹ ơi

    - Ừ! – rồi mẹ có hơi mỉm cười rồi lại thôi.

    Một hồi sau:

    - Liệu có đỗ không?

    - Đợi điểm chuẩn nữa, nhưng so với năm ngoái thì đỗ!

    - Đỗ thì đi học!

    Đấy! Mẹ nó khô khan vậy đấy, cái gì cũng chỉ ậm ừ vậy chẳng nói nhiều bao giờ cả. Người ngoài nhìn vào, sẽ không ít người nghĩ rằng mẹ nó không thương nó, không quan tâm đến nó. Nhưng chỉ có nó mới hiểu, mẹ nó có thương nó, thương rất nhiều. Nhất là những lúc mẹ ngồi trầm tư suy nghĩ, nhìn xa xăm mà chẳng thể biết trong cái nhìn xa xăm ấy đang giấu bao nhiêu điều. Nó rất hi vọng vào con số 28, 5 này, thật sự rất hi vọng. Nó ngồi nghĩ về tương lai, nó sẽ là một chiến sĩ công an, sẽ là một con người đáng tự hào của mẹ nó. Nghĩ tới thôi mà nó sướng tới mức đến ngủ cũng mơ. Sau một năm, công sức của nó bỏ ra dường như sắp được đền đáp. Nhưng tương lai ai biết trước được điều gì chứ. Nó trượt, lại thiếu 0.5 điểm. Lại một lần nữa mọi thứ trong nó sụp đổ, ào ào như một cơm mưa vậy. Thật tệ!

    Năm 2016

    Không được! Nó không thể cứ vậy được!

    Cuộc sống, nếu nói lười tạm biệt thì sẽ có ngày quay lại phải không? Chính vậy, lần thứ 2 nó quay lại Bắc Ninh, quay lại tiếp cảnh công nhân, lại một năm nữa suy ngẫm về cuộc đời. Lần này, mọi thứ không còn xa lạ nữa, nó đã quen với cảnh công nhân nơi đất khách, quen với cách làm việc, quen cả với những lời quát tháo mỗi lúc 12 giờ đêm chạy sản lượng. Tuy vậy, nhưng nó không hề có suy nghĩ sẽ từ bỏ ước mơ ấy, vẫn đi làm để tiếp tục chạm vào được ước mơ của nó. Không ít bạn bè nói với nó:" Mày cố chấp bám theo cái ước mơ ấy làm gì, đầy người không làm công an vẫn giàu vẫn tốt đây. Thà làm công nhân dăm ba năm, kiếm vốn về kinh doanh, vậy còn hơn là đi học ". Nó chỉ cười, nó biết những gì bạn nó nói chẳng có gì sai cả, nhưng nó cũng không muốn nói ra cách nghĩ của nó, vì mỗi khi vậy là hai đứa sẽ có cuộc tranh cãi nảy lửa. Thôi cứ hết mình đi, cuộc sống mà, tuổi trẻ có ai quay lại lần 2 được. Cứ lao về phía trước, sống phải ước mơ chứ, dù kết quả có như thế nào nó cũng vẫn vui, vì nó đã cố gắng hết sức. Sau này, khi về già nó sẽ không có cơ hội nói giá như vì nó đã hết mình rồi.

    Và rồi vẫn vậy, cũng tới lúc nó xa rời nơi đây, khăn gói lên đường vật lộn với một kỳ thi mới. Kiến thức vẫn còn nên giờ nó chỉ phải ôn kỹ năng viết bài, làm bài nữa thôi. Cũng không quá nặng nề. Kỳ thi vẫn diễn ra và suôn sẻ cho tới hôm thi thứ 3, trong phòng thi, sau khi làm được ½ bài, nó bị khó thở, run tay, không thể làm bài. Trời đất quay cuồng, nó không biết phải làm gì nữa, giám thị chạy lại cho nó uống nước, đưa ra ngoài ngồi nghỉ. Nó bình tĩnh lại, phải nhanh chóng khắc phục và tiếp tục, 2 môn vừa rồi làm tốt rồi, giờ nó không được phép như vậy. Phải nhanh mới không phí công sức 2 môn đầu tiên. Lát sau, nó đi vào làm bài, nhưng rồi tay vẫn run, những nét nguệch ngoạc không đều nữa, chút nữa, cố chút nữa. Chẳng ăn thua! Bất lực..

    Nộp bài với 2 kiểu chữ, nội dung thì ổn nhưng không biết với cái kiểu chữ đó liệu có thể" sống sót "không nữa. Trong long bao nhiêu là bất an nhưng thôi thì cũng qua rồi, đợi kết quả thôi. Về phòng trọ, thu xếp quần áo, nó bắt xe về quê với mẹ, giờ này về quê là bình yên nhất, không phải suy nghĩ, không phải lắng lo gì nhiều nữa. Chuyến xe lăn bánh – nó dần chìm vào giấc ngủ sâu.

    Năm 2017

    Vẫn vậy, vẫn lặp lại mọi thứ, vẫn thiếu điểm, vẫn lại lông bông khắp nơi. Cuộc đời trượt 3 lần Đại học rồi thì cũng còn gì mà sầu não nữa. Thôi thì lại ra đi, lại tiếp tục con đường mơ ước tiếp vậy. Lần này, không còn là Bắc Ninh nữa, rẽ ngang qua Bắc Giang. Dù thay đổi địa điểm nhưng vẫn là công việc ấy, nhịp sống ấy. Vẫn là một cô gái hơn đôi mươi ấp ủ ước mơ đối chọi vẫn nhưng bon chen của cuộc sống, giống như một cây xương rồng nhỏ giữa sa mạc rộng lớn bất chấp thời tiết khô cằn để nở rộ bông hoa đẹp. Có lẽ may mắn chưa mỉm cười với nó, nên giờ đây vẫn cau có mặt với nó chẳng hạn. Dù sao thì cũng không còn lạ lẫm với cái vòng quay công việc của một người công nhân nữa, nó tiếp tục, chấp nhận thôi!

    Năm 2018

    Vẫn vậy!

    Lại là vậy!

    Lần thứ 4 của cuộc đời nó trượt Đại học, lần thứ 4 nó từ chối rất nhiều trường để theo màu áo xanh. Lần thứ 4, nó gục ngã. Nó nén lại, bình thường chấp nhận kết quả này. Thôi thì, vì nó không có duyên với ngành vậy, bất kể chuyện gì cũng đều là có lý do, có nhân duyên cả. Nó cố đến đây, là nó đã hết mình vì ước mơ rồi. Sau này khi nhìn lại quãng đường đã đi nó cũng không hối hận mà có thể mỉm cười và thở phào nhẹ nhõm rằng nó đã cố gắng hết sức và không hề bỏ lỡ một cơ hội nào để chạm tay vào ước mơ rồi.

    0, 5 – 0, 25..

    Những con số quyết định mà có lẽ cuộc đời nó sẽ không bao giờ quên!

    Nó giờ đây, đứng trước những sự lựa chọn, những ngã rẽ, nó muốn đi học nó muốn đi một con đường mới vẫn mang theo ước mơ ấy! Không thể khoác màu xanh ấy thì ta vẫn có thể giữ nó theo mình mà!

    Đợt 1, xét tuyển Đại học đã xong, vì ý kiến của mẹ, nó đã không theo giấy gọi của Đại học Luật, nó vẫn đang mông lung. Hay thôi theo học nghề, nhớ lúc còn đi làm, nó hay đi vẽ mẫu tato cho anh đồng hương ở tiệm tato. Anh bảo nó có khiếu, học về nail, về tato thì quá được. Dù gì thì ở thị trấn gàn nhà nó cũng chưa có ai mở tiệm nào như này cả, đó cũng là một ý kiến khá là hay và thực tế. Nghĩ cũng có lý, nhưng mẹ nó lại không thấy có lý. Mẹ nó muốn cái gì đó thực tế hơn nữa mà cũng ổn định hơn nữa. Thật là phức tạp. Nhưng làm thế nào được, nghe mẹ thôi! Nó bỏ ý định đi học, học vậy thôi cho các em học nữa chứ!

    Tưởng chừng như nó sẽ theo" an bài "của mẹ," bán mặt cho đất ", nhưng cô chú của nó lại không đồng ý thuyết phục mẹ suốt một tuần liền để cho nó đi học.

    Nó không biết nên cố chấp theo, hay là thôi, vì giờ bản thân nó cũng một mớ hỗn độn. Lần thứ 2, sau khi bố nó mất nó bất lực đến vậy, lần 1 đó là khi nó đứng trước cảnh tượng mẹ và em nó khóc lóc vật vã đến ngất lịm cạnh thi hài bố nó. Và lần này, nó cũng bất lực, đi hay ở, mẹ và em hay ích kỷ bản thân.

    -" Chị cho nó đi học đi, 4 năm qua nó cũng khổ lắm mà, nó thích học như vậy, không học phí lắm? "

    Chú tiếp lời:

    - Chị khổ rồi, giờ không cố cho con đi, chứ sau nó lại như chị à!

    Chú tôi tính hay nói, mà nói thì chẳng lựa lời đâu, cái kiểu bốp chát như vậy nó cũng quen rồi.

    - Cho nó đi học ai chẳng muốn, nhưng mà..

    Cô ngắt lời:

    - Chị lo không nuôi nó đi học được chứ gì? Mỗi tháng vợ chồng em giúp chị, chị cho nó đi đi! Không nghĩ nhiều..

    Đó là một buổi tối dài, mẹ tôi chẳng nói gì nữa, cứ nhìn bức ảnh bố nó rưng rưng. Tôi sẽ đi học!

    Vì qua 1 đợt rồi nên cũng chẳng mấy trường tuyển sinh thêm nữa, may còn 1 vài trường cho chọn lựa. Chọn được 2 trường vừa điểm, nó gửi bản photo cùng đơn xét tuyển. Chẳng biết nên chọn trường nào vì vốn cũng không yêu thích lắm. Giờ chỉ đợi xem kết quả thôi.

    Gần trưa hôm ấy, có số lạ gọi:

    - Alo!

    - Alo, em là.. phải không?

    - Dạ vâng!

    - Thầy gọi cho em từ Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, thầy thấy em nộp nguyện vọng bổ sung vào trường mà chưa thấy em gửi bảng kết quả điểm thi, ngày kia hết hạn rồi em!

    - Chắc em không gửi kịp ngày kia rồi thầy ạ!

    - Em ơi không sao, em xuống nộp rồi nhập học luôn cũng được, không sao em ạ.

    - Dạ vâng, em cảm ơn thầy ạ!

    - Không có gì đâu, thầy chào em!

    Sau cuộc gọi ấy, nó bỗng có những thay đổi suy nghĩ với ngôi trường này, nó nghĩ Thầy Cô thân thiện như vậy quả thật có gì đó vui vui. Khăn gói tư trang nó chuẩn bị xuống ngay trong đêm, phải mau chóng nộp giấy thôi, còn kịp nhập học. Cái bệnh say xe của nó hôm nay chẳng còn thấy xuất hiện nữa, chắc vì háo hức quá đây mà. Cả đêm nó cứ mãi thao thức chẳng thể nào ngủ được, chỉ mong trời sáng thật mau để cầm được tờ giấy báo nhập học thôi. Và 7 tiếng trôi qua nó đã có mặt tại bến xe Mĩ Đình, bắt ngay xe ôm về trường, lòng nó lại lần nữa nôn nao đến khó tả.

    Chà, đây rồi, Văn Hóa đây rồi!

    Thật khác với nó tưởng tượng, Văn Hóa nép mình cạnh bên con đường Đê La Thành, con đường tuy có một chút nhỏ không giống như nhiều trường Đại học khác nhưng phải đi vào trong khuôn viên trường thì mới có thể thấy được hết những nét đẹp khác lạ hơn với những ngôi trường khác. Hàng cây xanh ven đường, những khóm hoa sặc sỡ thêm vào đó là những ngõ nghách nhỏ có thêm những chiếc xích đu, hàng ghế đá có một vài sinh viên ngồi đọc sách. Trên lầu bát giác có một nhóm đang cùng nhau thảo luận vấn đề gì đó rất rôm rả. Đi sâu vào một chút có từng nhóm sinh viên đang mặc đồng phục thể dục tập erobic.. bên này lại có vài bạn đang chỉ nhau chụp hình. Không ngờ ngôi trường nhỏ mà bên trong lại đẹp đến vậy, lại còn khá là náo nhiệt nữa chứ.

    Điều mà nó lo nhất giờ đây là khoản học phí, mẹ đưa nó 5 triệu mà nó sắm đồ ở ký túc xá, đồ cá nhân, nộp tiền ở ký túc xá nữa còn 3, 5 triệu thôi. Nó cứ thấy lo lo chẳng ổn chút nào. Cứ nhập học cái đã rồi có gì nghĩ tiếp. Nó vào nhà D nhập học!

    May quá, nó mang đủ mọi giấy tờ, giờ còn bàn cuối để nộp tiền thôi. Cô đưa cho nó tờ giấy, ôi không" 45.000 đ "sao lại ít vậy. Nó hỏi lại cô, vì nó là hộ nghèo nên được miễn, mà mỗi kỳ nếu vẫn hộ nghèo, nó sẽ vẫn được miễn. Chính sách này quả thực đã giúp bao sinh viên hoàn cảnh như nó hiện giờ le lói trong mình những niềm tin vào con đường học hành hơn, cũng như giảm bớt phần nào gánh nặng học phí cho gia đình. Ôi, đây có lẽ là tin vui nhất đối với nó giờ này. Chào Cô rồi nó đi về! Ra ngoài sân gọi ngay cho mẹ tin tốt lành này đã.

    - Mẹ mẹ mẹ, đi học được miễn học phí mẹ ơi?

    Nó vừa nói vừa không khỏi vui mừng:

    - Sao lại miễn?

    - Thì hộ nghèo đó mẹ, đỡ hẳn mẹ nhỉ?

    - Ừ, thì cố gắng, tao đang đi cấy, có gì gọi sau.

    Vui quá suýt quên, giờ này mẹ nó đi làm, không rảnh rồi mà. Chà! Giờ xem lịch học ra sao rồi lớp nào cái đã. Chỉ lo nhập học giờ nó mới tò mò về cái Khoa nó học - Văn hóa dân tộc thiểu số! Chà, nghe có vẻ hay, mà nó lại là người dân tộc vùng núi, học cũng chắc sẽ không nhàm chán. Sau này, khi đã vào học rồi nó cái suy nghĩ chắc sẽ không nhàm chán được thay đổi hẳn, vừa không hề nhàm chán mà lại còn rất thú vị. Nhất là nó vẫn giữ được tiếng nói của dân tộc mình, hay cả những tập tục của dân tộc vẫn còn giữ được, quả là một lợi thế hơn các bạn khác rồi. Đang đi trong khuân viên trường rất dễ bắt gặp ở sân thể chất hoặc nhà viết văn báo chí vào những buổi trưa hay buổi chiều muộn những nhóm sinh viên khoa Dân Tộc miệt mài tập luyện, nào múa khèn, múa gùi.. những điệu múa đặc trưng của Dân Tộc. Ngày xưa, nó chỉ hay nghe những bản nhạc hit của giới trẻ nào đâu biết tới những đặc trưng văn hóa các dân ở các vùng miền. Giờ chẳng hiểu sao nó thấy thích những giai điệu đậm đà bản sắc dân tộc đến thế.

    -" Điểm danh chị ơi? "

    Đứa em ngồi cạnh nó lay lay nó, nó choàng tỉnh khỏi những suy nghĩ:

    -" Có ạ! "

    Cô cho cả lớp ngồi nghiên cứu tài liệu mà nó lại ngủ thiếp đi hết tiết khi nào không hay, hậu quả của việc hôm qua thức đêm cố làm nốt bài thuyết trình nhóm xong nên đã không để ý giờ giấc. Sắp hết tiết cả lớp nhao nhao cả lên, nó chẳng thích ồn ào mấy nhưng nó lại thích cái ồn ào tan học của lớp nó. Ngày đầu vào lớp, nó ngại vì lớn tuổi, rằng sẽ chẳng hòa đồng được với mọi người, rằng các em ấy sẽ kì thị vì tuổi tác. Nhưng không, mọi người hòa đồng, vui vẻ giúp đỡ nó làm nó không còn những khoảng cách nữa. Những buổi gom ve chai cùng CLB khoa rồi cả những tối tất bật giúp nhau bán trứng vịt lộn để gây quỹ đi tình nguyện, dành những suất quà nhỏ đến những mảnh đời khó khăn. Mỗi tuần nó lại dành ra buổi chiều thứ Năm và sáng Chủ nhật để cùng các em trong CLB đi viện E nấu cháo nấu cơm chay cho bệnh nhân ở đây. Nhìn những suất cơm suất cháo dược đưa tới tay mọi người sao mà lòng thấy vui đến vậy, một suất ăn nó chũng chẳng thấm tháp gì nhưng cái mà được trao đi lớn hơn cả đó là tình cảm. Rồi những buổi giao lưu văn nghệ trên Đồng Mô, mọi người cùng nhau tập luyện những buổi trưa tan học, tranh thủ cả những buổi tối sau khi tan làm để có một buổi giao lưu thành công. Với nó cùng như sinh viên của khoa sau một buổi diễn như vậy kết quả nhận được không chỉ đơn giản là diễn được một tiết mục hay mà nhận được sau đấy đó là cách tổ chức được một buổi giao lưu, cách đứng trên sân khấu biểu diễn, một cách khác để tiếp thu những nét đẹp văn hóa dân tộc được tái hiện dưới ngôn ngữ âm nhạc. Học trên giảng đường là một chuyện còn được trải nghiệm qua và xem tái hiện lại quả thật đó là những điều cực kỳ bổ ích. Mỗi khoa mỗi ngành sẽ có những có hay cái riêng đậm chất riêng, ai theo đuổi ngành học nào khoa nào rồi thì mới nhìn nhận được những nét riêng của nó. Bạn bè nó đã từng hỏi nó tại sao đã 24 tuổi rồi mà vẫn chọn cô đơn, nó chẳng suy nghị gì nhiều chỉ cười bởi tất cả tình yêu của nó giờ đã dành cho ngôi trường này, dành cho đại gia đình Dân Tộc rồi. Với nó, yêu đó là gắn bó là cống hiến là được cháy hết mình bất kể là khó khăn gì ngăn bước. Nhất là bên nó không chỉ có bạn bè mà thầy cô cùng rất tận tình giúp đỡ hết lòng. Ngành nó học gắn với văn hóa của các dân tộc từng vùng từng dân tộc cụ thể chính vì vậy khối lượng kiến thức trên lớp thầy cô truyền đạt nó chỉ được phần nào đối với nhiều sinh viên thì vẫn chưa thể hiểu và hình dung được hết. Để tạo điều kiện cho sinh viên thầy cô trong khoa đã tổ chức những buổi đi thực tế ở Làng văn hóa các dân tộc, rồi cho sinh viên đi thức tế cùng thầy cô lên các tỉnh tham gia trải nghiệm những lễ hội đặc sắc của các dân tộc. Qua những cuộc thi văn nghệ ở trường thầy cô lại mang vào đó là những tiết mục văn nghệ mang màu sắc văn hóa dân tộc, từ Tây bắc với những điệu xòe dặt dìa lại qua Đông bắc với điệu then điệu sli da diết rồi xuống Tây Nguyên uống rượu cần xem chàng trai cô gái múa công chiêng.. Đó quả thật là những điều mà đối với sinh viên tìm hiểu về văn hóa dân tộc như nó rất là bổ ích và cần thiết. Sau những giờ giảng thầy cô cùng rất nhiệt tình dành thời gian để ngồi lại với sinh viên trao đổi thêm về những băn khoản hay khúc mắc. Không chỉ là vấn đề về học tập mà cả những vấn đề khó nói trong cuộc sống cũng có thể chia sẻ với thầy cô, thầy cô luôn luôn lắng nghe và đưa ra những lời khuyên bổ ích. Bản thân nó cũng mang rất nhiều những câu chuyện buồn, những khó khăn, những trăn trở mà không tìm ra được cách giải quyết cho đúng và khi ngồi lại tâm sự chia sẻ với cô chủ nhiệm thì mọi vấn đề nó trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn. Nó đã mất 4 năm kiếm tìm lý tưởng mơ ước, 4 năm mắc kẹt trong bao nhiêu sự chọn lựa, giờ nó muốn 4 năm tiếp theo nó sống với tuổi trẻ, cống hiến tuổi trẻ của nó cho Khoa, cho Trường.

    Nó cố gắng và mọi thứ đã tốt đẹp. Tuy rằng bản thân bươn chải cuộc sống nhiều, trải qua nhiều khó khăn thật nhưng nó tự nhận thấy bản thân nó còn rất nhiều thiếu xót về kỹ năng về mọi mặt cuộc sống, trong quá trình học tập và rèn luyện. Không những vậy còn rất tự ti về bản thân, ngại giao tiếp, ngại những nơi đông người. Bởi nó đã quen giấu mọi cảm xúc cũng những nỗi buồn cho riêng mình, tự nghĩ và tự buồn. Nhưng đó là trước đây, còn hiện giờ nó đã là một ' phiên bản mới ', đã tự tin hơn khi đứng trước đám đông, đã dám thoát khỏi cái tự ti bản thân để phát huy hết những ưu điểm nó có. Chính những buổi học về kỹ năng của Trường, của Khoa đã giúp nó trau dồi thêm được các kỹ năng trong cuộc sống, định hướng nó về con đường nó đang đi, để làm sao trong lộ trình 4 năm này không bỏ lỡ điều gì và nên tránh những điều gì. Những cuộc thi tìm hiểu, nghiên cứu dành cho sinh viên lại càng tạo được nhiều hứng thú cho nó cũng như các bạn sinh viên trong trường có thêm trải nghiệm và kinh nghiệm hơn. Những CLB học thuật với những sân chơi bổ ích cho sinh viên vừa giúp gắn kết các thành viên với nhau vừa rèn cho bản thân mỗi thành viên những kĩ năng, những kiến thức về xã hội. Đó là những kinh nghiệm cũng như trải nhiệm là bước đệm cho nó cũng như các bạn sinh viên của trường sau này ra trường công tác.

    Cuộc đời nó, là có một quãng đường gian nan và dài đằng đẵng," ghé thăm"mọi nơi, rong ruổi khắp các chốn. Giờ đây, nó dừng lại ở Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, nó bỗng chẳng muốn rời đi đâu nữa, muốn dừng lại đây, sống và học tập thật tốt. Rèn luyện bản thân hơn nữa để sau này khi bước đi trên đường đời, nhìn lại bản thân – sẽ nghĩ tới ngôi trường này, đã tôi luyện ra một con người như vậy. Và nó cũng thầm cảm ơn Thầy Suy, có lẽ cuộc gặp gỡ giữa nó và thầy chỉ là một cuộc gặp gỡ bình thường và lặp lại với rất nhiều sinh viên khác nhưng với nó đó là một cái duyên lớn để nó đến mái trường Văn hóa. Thầy còn là một người anh khóa trên đầy mẫu mực làm một tấm gương sáng để nó noi theo và cố gắng. Chính thầy cũng là người đã động viên nó rất nhiều, đưa ra cho nó những lời khuyên cũng như khuyến khích nó tham gia những hoạt động của Trường của Khoa, những cuộc thi để thử sức bản thân. Động lực cố gắng, phấn đấu của nó càng cao nữa.

    Nó sẽ làm được! Nó hứa với bản thân nó vậy!

    [​IMG]


    Hết
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng ba 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...