Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trong học sinh, sinh viên

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi daisy1206, 19 Tháng hai 2022.

  1. daisy1206

    Bài viết:
    52
    Đã hơn 40 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản "Di chúc" căn dặn toàn Đảng, toàn dân, thế hệ trẻ hôm nay những việc cần làm để giữ gìn sự nghiệp cách mạng. Những lời căn dặn đó của Người đến ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị sâu sắc, đã bồi dưỡng cho thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là học sinh, sinh viên những có đủ nguồn năng lực để kế thừa và phát triển sự nghiệp của thế hệ ông cha.

    Trong "Di chúc", Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phải luôn ghi nhớ rằng: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm quan trọng và hết sức cần thiết" [1] . Phải giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ nước ta thành những chiến sĩ cách mạng của Đảng, của dân tộc vừa hồng vừa chuyên.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". "Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt, cán bộ tốt cho nước nhà" [2] .

    Học sinh, sinh viên chính là những người trẻ nắm trong tay vận mệnh của đất nước. Chính những chủ nhân tương lai này sẽ đóng góp sức trẻ, trí tuệ, lòng nhiệt huyết của mình vào sự nghiệp phát triển của đất nước để xây dựng một đất nước tươi đẹp, vững mạnh như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói trong Thư gửi các học sinh: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam.. học tập của các em" [3] .

    Ngày nay, Việt Nam đang tiến hành công cuộc xây dựng đất nước theo công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính bởi công cuộc xây dựng này tiềm ẩn những có khăn và thử thách khó lường trước được, vì thế ở giai đoạn phát triển này không thể không kể đến vai trò của lớp trẻ, mà trong đó điển hình là thế hệ học sinh, sinh viên – thế hệ sẽ tiếp bước những truyền thống tốt đẹp của cha ông trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

    Cùng với sự phát triển của đất nước thì lối sống, lối suy nghĩ của học sinh, sinh viên cũng chuyển biến theo: Có nhiều học sinh, sinh viên đã trưởng thành và phát huy mọi khả năng của mình để đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, điển hình như chàng trai Lê Yên Thanh đã từ bỏ lương 6000USD/tháng để trở về nước, mang sức trẻ, lòng nhiệt huyết và trí tuệ của mình để đóng góp cho xã hội; cũng có nhiều học sinh, sinh viên đã vượt qua được số phận nghiệt ngã của mình để học tập, điển hình là chị Nguyễn Thị Huyền (27 tuổi, quê Đắc Nông), lọt lòng mẹ với đôi bàn tay cong vẹo và đôi chân tật nguyền, thế nhưng "tàn nhưng không phế", chị đã nỗ lực học tập và hiện nay chị đã là sinh viên năm 3 trường ĐH CNTT – ĐHQG TP. HCM..

    Học sinh, sinh viên là những người dám nghĩ, dám làm, dám nhìn thẳng vào thất bại và mạnh mẽ vượt qua nó. Thanh niên đã xứng đáng kế tục sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân. Phần lớn học sinh, sinh viên vẫn giữ được lối sống tình nghĩa, trong sáng; khiêm tốn, luôn cần cù và sáng tạo trong học tập; sống có bản lĩnh, có chí lập thân, lập nghiệp. Trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã và đang xuất hiện những nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà hoạt động nghệ thuật có đức, có tài trong độ tuổi thanh niên.

    Những thành tựu của công cuộc đổi mới đang tạo ra thế và lực mới cho đất nước. Học sinh, sinh viên ngày càng tin tưởng hơn vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Lý tưởng đạo đức cách mạng của Bác Hồ vĩ đại cũng ngày càng ăn sâu vào tâm thức, vào tư tưởng của học sinh, sinh viên. Họ mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.. cũng như tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội, tự nguyện tham gia vào các hoạt động xã hội để góp phần phát triển đất nước.

    "Một kết quả nghiên cứu, khảo sát tình hình tư tưởng thanh niên của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho thấy: 81, 76% số người được hỏi cho rằng bạn bè họ có nguyện vọng phấn đấu vào Đoàn. 84, 95% bạn bè họ có nguyện vọng phấn đấu trở thành đảng viên. 71% cho rằng vào Đoàn để có điều kiện rèn luyện trưởng thành. 51, 6% cho rằng vào Đoàn là niềm vinh dự của bản thân và gia đình; 73, 63% cho rằng vào Đảng để có điều kiện cống hiến tốt hơn cho đất nước; 54, 48% cho rằng đó là niềm vinh dự của bản thân và gia đình.. Một cuộc điều tra xã hội khác cho thấy khoảng 23 triệu trong tổng số 28, 8 triệu đoàn viên thanh niên trong cả nước có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng" [4] . Kết quả nêu trên đã phần nào phản ánh lý tưởng đúng đắn của thanh niên, học sinh, sinh viên nước ta. Là một tín hiệu đáng mừng trong tình hình mới này.

    Lý tưởng của thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay vẫn là đi theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã chọn: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử nặng nề nhưng vẻ vang đó, thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là học sinh, sinh viên đã liên tục phát huy các giá trị tinh thần và truyền thống quý báu của dân tộc. Họ đã không ngừng rèn luyện và nâng cao lý tưởng cách mạng nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Thực tế hoạt động của thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên trong những năm gần đây đã cho thấy được những ưu điểm tích cực trong đời sống đạo đức, sống vì mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Hầu hết học sinh, sinh viên đều xung phong đi đầu thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà đất nước và thời đại đặt ra. Những công trình lớn của đất nước đều có sự góp sức xây dựng của thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Nhà máy thủy điện Yaly, đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.. những công trình thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn vô cùng ý nghĩa ấy cũng có lực lượng thế hệ trẻ tham gia đảm trách. Bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, học sinh, sinh viên ngày nay sẵn sàng lên rừng, xuống biển, đi đến những vùng sâu, hải đảo, những vung xa xôi hẻo lánh nhất để thực hiện nhiệm vụ tuổi trẻ. Họ tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ, cứu trợ đồng bào mỗi khi có hạn hán, thiên tai, lũ lụt.. Ngoài ra, họ còn tình nguyện đi xây dựng và góp sức phát triển nông thôn, miền núi. Tất cả những việc làm có ích cho xã hội, cho nhân dân thì học sinh, sinh viên hôm nay đều không ngần ngại. Thanh niên xung kích tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Thanh niên sinh viên, học sinh tham gia tuyên truyền về dân số, sức khỏe, bảo vệ môi trường, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhà nước.. Qua đó, cho thấy phần đông thanh niên, học sinh, sinh viên rất nhiệt tình đem kiến thức, trí tuệ, tài năng và cả nhiệt huyết của tuổi trẻ để phục vụ cho quê hương, cho đất nước.

    Về nhận thức và thái độ chính trị, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thế hệ trẻ học sinh, sinh viên. Họ tin tưởng, ủng hộ và hăng hái tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước. Ý thức ấy được thể hiện cả trong tình cảm và trong hành động. Thực tế một số lượng không nhỏ đảng viên được kết nạp từ các phong trào thanh niên và trong học sinh, sinh viên. "Một kết quả điều tra cho thấy từ tháng 4 năm 2001 đến tháng 4 năm 2006 có 751.700 đảng viên được kết nạp, tăng 43, 23% so với nhiệm kỳ 1996 – 2000. Riêng tháng thanh niên năm 2006, toàn Đoàn giới thiệu cho Đảng 46.000 đoàn viên ưu tú và có 10.000 đoàn viên đã được kết nạp Đảng" [5] . Đó là sự phấn đấu cũng như nỗ lực rất lớn và cũng thể hiện sự trưởng thành về nhận thức lý tưởng cách mạng của học sinh, sinh viên hôm nay.

    Trong nhà trường, việc lao động, học tập và phát triển tài năng, từ thiếu niên nhi đồng, cho đến học sinh, sinh viên luôn phấn đấu vượt khó để trau dồi kiến thức, phát triển tài năng của mình. Thực hiện cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác", xác định trọng tâm từ năm thứ hai của cuộc vận động là chuyển mạnh theo hướng "làm theo", trong năm qua, các cấp bộ Hội đã phối hợp với Đoàn thanh niên ở các trường đã tổ chức các phong trào hành động thiết thực, tạo môi trường cho học sinh, sinh viên "học" và "làm theo" tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, gắn với nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

    Ngoài sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước, còn là sự cố gắng rất lớn của thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, từ người dạy cho đến người học. Trường học là nơi học những điều hay lẽ phải, thầy cô giáo chính là những người lái đò tận tụy với công việc để chở những chuyến đò đầy ấp tri thức đến với bến bờ tương lai. Chính những người lái đò này là tấm gương sáng để học sinh, sinh viên noi theo. Nhà trường vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, khuyến khích học sinh, sinh viên thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh..

    Cứ mỗi độ xuân về là hàng nghìn, hàng vạn học sinh, sinh viên nô nức tham gia vào "Chiến dịch xuân tình nguyện" đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo để góp một phần sức nhỏ của mình chăm lo cho bà con nơi đây có được cái tết ấm cúng hơn. Hay như mỗi mùa hè đến là bắt đầu một "Chiến dịch mùa hè xanh" nở rộ. Mỗi học sinh, sinh viên là một chiến sĩ trên mặt trận xóa mù, đem cái tri thức đến cho mọi người, cho từng bản làng.

    Có thể thấy, từ vùng hải đảo cho đến những miền núi cao, nơi đâu cũng in dấu chân của các chiến sĩ tình nguyện. Họ nhận thức được giá trị của lao động, coi trọng tính hiệu quả, năng động và có chí vươn lên, vừa giúp người khác, vừa tự lập thân lập nghiệp và làm giàu chính đáng cho tri thức của mình. Họ vừa hoàn thành công tác xã hội, vừa lao vào học tập, tiếp thu kiến thức từ thự tế để không ngừng bổ sung tri thức cho bản thân. Nhiều học sinh, sinh viên đã đạt rất nhiều giải cao tại các kỳ thi quốc tế, nhiều nhà vô định thể thao thế giới và khu vực là thế hệ trẻ chúng ta, điển hình là đầu năm học 2006 – 2007 chúng ta đã lập được chiến thắng hat – trick robocon Việt Nam tại cuộc thi Châu Á – Thái Bình Dương – một chiến thắng ngọt ngào nhưng đầy vinh quang của trí tuệ, trí thức trẻ Việt Nam. Hay tại cuộc thi Olympic toán quốc tế diễn ra tại nước ta, đoàn học sinh nước chủ nhà đã có một chiến thắng vang dội. Họ đã mang về vinh quang cho Tổ quốc, đồng thời cũng đem lại niềm tự hào cho cả một thế hệ - thế hệ trẻ của dân tộc.

    Ở gia đình, ông bà cha mẹ chính là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên noi theo học tập. Gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình vững mạnh thì xã hội mới vững mạnh, gia đình là nơi nuôi dưỡng cũng như ươm mầm cho tài năng. Gia đình giáo dục những truyền thống đạo đức tốt đẹp cho thế hệ trẻ học sinh, sinh viên, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần yêu lao động, tiết kiệm, đoàn kết, yêu thương nhau.. Chính vì thế, không thể kể hết những tấm gương vượt khó, học giỏi, chăm ngoan. Một tấm gương có thể kể đến đó là bạn Huỳnh Thị Thúy An – là tân sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV. Luôn bên cạnh đồng hành, giúp đỡ những bạn học sinh nghèo, chăm ngoan có thể kể đến chương trình Thắp sáng niềm tin – một chương trình trao tặng những suất học bổng cho các bạn học sinh nghèo, vượt khó, có nguy cơ bỏ học cao.

    Đó được xem như những mặt mạnh, những ưu điểm, tích cực hết sức lớn mà học sinh, sinh viên, lớp thế hệ trẻ của đất nước đã thể hiện trong bối cảnh mới.


    Những mặt yếu kém cần phải khắc phục

    Bên cạnh những ưu điểm trên, học sinh, sinh viên chúng ta không phải không có những tồn tại, hạn chế trong lối sống đạo đức của mình. Chẳng hạn "thói quen" tầm chương trích cú "học để" thoát ly ", làm" cán bộ "đã làm hạn chế tính năng động sáng tạo của trí thức nước ta" [6] . Hay trước những cám dỗ, tiêu cực của cơ chế mới, trước những biến động to lớn của tình hình thế giới và trong nước, nhất là trước thực trạng thoái hóa, biến chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thực trạng nhức nhối đó đã làm cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng, làm cho họ có sự dao động, khủng hoảng niềm tin và lý tưởng cách mạng.

    Mặt trái của cơ chế thị trường phần nào làm mai một nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đạo đức suy đồi, lý tưởng phai nhạt, lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, nhụt chí, thiếu hoài bão, cá nhân, ích kỷ, vô trách nhiệm.. đang len lõi vào đời sống của thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Nhiều người họ sống buông thả, thờ ơ với mọi tình hình chính trị - xã hội của đất nước. Sống không có trách nhiệm với cộng đồng, yếu kém về chính trị tư tưởng. Không có ý thức rèn luyện đạo đức, thiếu tinh thần tự lực, tự cường, coi thường các giá trị nhân văn và đạo đức truyền thống. Hiện tượng bất chấp đạo lý trong quan hệ gia đình thiếu trung thực trong học tập, thi cử, biếng nhác trong lao động.. là rất phổ biến. Thực tế cho thấy tình hình tội phạm gia tăng phần đông xuất phát từ thế hệ trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên. Nạn đua xe trái phép, cướp giật, hút chích, cờ bạc.. hầu như tập trung vào đối tượng thanh niên. Nguy hiểm và đáng báo động là tình trạng nghiện hút, sử dụng và buôn bán ma túy, mại dâm đang diễn ra ngày càng nhiều trong đời sống của thế hệ trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên.

    "Biểu hiện rõ ràng, cụ thể nhất trong số những người sa vào các tệ nạn xã hội; ma túy, mại dâm, cờ bạc, trộm cướp, chụp giật, giết người cướp của.. phần đông trong độ tuổi thanh niên. Theo thống kê của Tổng cục cảnh sát nhân dân Bộ Công an con số đó trong các năm gần đây chiếm khoảng từ 70 – 80%" [7] . Đáng buồn hơn, "đối với một số quan hệ xã hội đang phát triển theo chiều hướng xấu: Như quan hệ gia đình lỏng lẻo, quan hệ Thầy trò nhạt nhẻo, quan hệ xã hội thiếu tình người, thì số các bạn trẻ tỏ ra bàng quan, hờ hững cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ, tương ứng với ba quan hệ trên là 74, 6%, 74, 4% và 57, 8%" [8] .

    Cùng với những khó khăn từ bên trong thì các tác động từ bên ngoài cũng góp phần làm tiêu cực lối sống, đạo đức của thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Với sự bùng nổ của các kênh thông tin, lại thiếu định hướng, họ sẽ tiếp thu nhiều luồng văn hóa độc hại. Từ đó, học theo lối sống thực dụng, hưởng lạc, đồi trụy. Nguy hiểm hơn nữa là khi gần đây các thế lực thù địch thực hiện chiêu bài "diễn biến hòa bình", kích động bạo lực, phản động đối với một bộ phận thế hệ trẻ dân tộc thiểu số và thanh niên một số tôn giáo ở nước ta. Hiện tượng lợi dụng tôn giáo truyền đạo ở Tây Bắc. Sự kiện một số thanh niên dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên gây rối rồi vượt biên trái phép vào những năm đầu của thế kỷ XXI là một ví dụ. Không những thế, bộ phận tri thức trẻ, học sinh, sinh viên thiếu kỷ luật cũng bị lợi dụng lôi kéo. Như thế chứng tỏ họ chưa có định hướng chính trị vững vàng, lối sống đạo đức, lý tưởng cách mạng còn non kém.

    Nhìn chung, một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên ngày nay sống thiếu văn hóa, đạo đức, trách nhiệm, không có tinh thần cầu tiến, không có chí tiến thủ, ngại khó khăn gian khổ, muốn sung sướng, hưởng thụ, không có niềm tin, lý tưởng trong cuộc sống. Đó là một hiện trạng đáng báo động và cần gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với lối sống đạo đức của thế hệ trẻ học sinh, sinh viên hôm nay.

    Trước những hạn chế đó, Đảng ta có sự chỉ đạo kịp thời: "Đôi với thế hệ trẻ, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, lối sống, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp, giải quyết việc làm, phát triển tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" [9] .

    [1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, Sđd, trang 510.

    [2] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, Sđd, trang 222.

    [3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Sđd, trang 32 – 33.

    [4] Báo Thanh Niên, ngày 25/3/2005, trang 6.

    [5] Báo Tuổi trẻ, ngày 17/4/2006, trang 1.

    [6] PGS. TS. Nguyễn Văn Truy (chủ nhiệm) (1994), Đề tài KX 02 – 08, Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 151.

    [7] Phạm Đình Nghiệp (2000), Giáo dục tư tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam trong tình hình mới, Nxb Thanh niên, Hà Nội, trang 69.

    [8] Phạm Đình Nghiệp (2000), Giáo dục tư tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam trong tình hình mới, Nxb Thanh niên, Hà Nội, trang 70 - 71.

    [9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 216.
     
    Góc bình yên thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...