[Văn 12] Sóng - Xuân Quỳnh: Trăm con sóng bỗng hóa một tình yêu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khunglongbietbay, 9 Tháng sáu 2023.

  1. khunglongbietbay

    Bài viết:
    41
    Phân tích tác phẩm "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh. Từ đó nhận xét ngắn gọn về thiên tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh.

    [​IMG]

    "Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

    Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

    Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa

    Nhưng biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi."

    (Tự hát, Xuân Quỳnh)

    Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ khi Adam và Eva được Thiên Chúa gửi xuống làm người nam và người nữ đầu tiên trên đời cho đến khi người ta nói rằng mưa ngâu là do giọt nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ rơi xuống mà thành hay ngàn vạn năm rồi kể từ khi tiếng đàn Orpheus vang lên thay cho niềm nhớ nhung vô hạn gửi đến người vợ Euridice của mình. Nỗi nhớ thương ngày ấy lay động cả đỉnh Olympus và ngục sâu thẳm của thế giới Vong Hồn.. Ngần ấy thời gian đã tạo dựng nên vô vàn nền văn minh và hàng tỉ câu chuyện khác nhau. Những câu chuyện ấy dù được kể cho con trẻ hay người lớn nghe thì ẩn sâu bên trong nó đều có "Hạt mầm tình yêu", mà đặc biệt thiêng liêng và mãnh liệt hơn cả: Tình yêu đôi lứa. Nó mang sức mạnh to lớn, vĩnh hằng đến mức "Đủ để khiến mọi con hổ trên thế gian tan chảy thành bơ." (Rừng Na Uy, Haruki Murakami) Tình yêu là sự khởi nguồn cho những điều tuyệt vời nhất trên thế gian này. Những tác phẩm nghệ thuật ra đời cũng là kết tinh của tình yêu, nó "Thôi lúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại." (Lev Tolstoi) Ở "Sóng" của nữ sĩ Xuân Quỳnh, ta cũng cảm nhận được những xúc cảm tinh tế mà giản dị của người phụ nữ thời đại: Nỗi âu lo và khát vọng bất tử hóa tình yêu để rồi từ đó, hình tượng người phụ nữ hóa thân thành hàng trăm con sóng giữa đại dương mênh mông, rộng lớn..

    Tình yêu luôn là điều bí ẩn, mang một sức hút rất kinh ngạc và ngàn đời nay con người lúc nào cũng thổn thức, băn khoăn trên con đường đi tìm giá trị đích thực của tình yêu. "Sóng" của Xuân Quỳnh không chỉ là một bài thơ tình, nó còn là những bông "Hoa dọc chiến hào" làm dịu đi sự khốc liệt của chiến tranh. Sau khi vừa trải qua đổ vỡ trong tình yêu, đứng trước bãi biển Diêm Điền, Xuân Quỳnh đã bắt đầu ngân nga:

    "Dữ dội và dịu êm

    Ồn ào và lặng lẽ

    Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể."

    Ở khổ thơ đầu tiên, Xuân Quỳnh đã bộc lộ những cung bậc cảm xúc trong tình yêu của người phụ nữ bằng cách mượn những sắc thái đối lập của sóng: Trong "Dữ dội" ắt sẽ có "Dịu êm" hay tuy "Ồn ào" nhưng cũng có đôi lúc "Lặng lẽ". Những trạng thái tương phản, đối cực của con sóng cũng chính là hình ảnh ẩn dụ cho những cung bậc cảm xúc biến hóa của người phụ nữ khi yêu. Chúng luôn tồn tại trong một chủ thể, là một đặc trưng của tình yêu, của tâm trạng người con gái đang yêu: Có khi dịu dàng, đằm thắm; có khi dữ dội, mãnh liệt. Chính kết cấu song hành diễn tả những trạng thái dữ dội trước tiên và theo sau đó là các cụm từ "Dịu êm", "Lặng lẽ" đặt cuối câu đã tạo thành một điểm nhấn, điểm về của mọi xáo động tâm tư. Từ đó chúng ta có thể nhận ra rằng trong tình yêu, người phụ nữ luôn bộc lộ những cảm xúc thất thường, phức tạp không thể hình dung được nhưng cuối cùng điều họ khao khát hướng đến vẫn là cảm giác bình yên. Tâm hồn người phụ nữ khi yêu đầy biến động, có những cảm xúc đối lập nhau được diễn ra hay đó cũng chính là đặc trưng, là điều hiển nhiên sẽ xảy ra trong tình yêu như Xuân Quỳnh từng viết:

    "Có những khi vô cớ

    Biển ào ạt xô thuyền

    Vì tình yêu muôn thuở

    Có bao giờ đứng yên."

    (Thuyền và biển)

    Không gian tình yêu với tác giả cũng không thể là một không gian chật hẹp, tù túng mà phải là một không gian lớn lao để thỏa sức vẫy vùng:

    "Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể"

    Hai câu thơ tiếp theo đã đưa ra một quy luật tự nhiên: Những dòng sông đều hướng về biển lớn. Xuân Quỳnh đã khéo léo và tinh tế khi mượn quy luật tự nhiên để nâng thành một quy luật của tình yêu. Đó là sự suy tư, băn khoăn, ý thức về chính mình và tình yêu của mình. Bằng việc liên tưởng hình ảnh con sông nhỏ bé, chật hẹp muốn tìm ra biển lớn để thỏa mãn sự khám phá, để lý giải những quy luật mà mình chưa hiểu rõ, nữ thi sĩ gợi mở một thế giới nội tâm người con gái không cam chịu trong sự chật hẹp, trong những định kiến mà luôn chủ động hướng mình đến cái mới để tìm hiểu chính mình và giá trị đích thực của tình yêu. Đây cũng chính là một quan niệm rất văn minh, hiện đại về tình yêu đối với những người phụ nữ. Cuối thế kỉ XVIII cũng có câu thơ "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" mà đại thi hào Nguyễn Du sáng tác đã nêu rõ quan điểm tân tiến về việc tự do trong tình yêu mà đến nay Xuân Quỳnh đã kế thừa và nâng tầm nó lên bằng những câu thơ rất hiện đại, gợi hình gợi cảm "Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể." Xuân Quỳnh đã miêu tả người phụ nữ đang yêu không như bến bờ tĩnh lặng mà chủ động quyết liệt. Con sóng chính là hiện thân của những đối cực, đồng thời cũng là cảm xúc mãnh liệt của người phụ nữ.

    Đến khổ thơ tiếp theo, Xuân Quỳnh tả sự vĩnh hằng của sóng mà khi đọc lên, ta còn liên tưởng đến sự vĩnh hằng trong tình yêu:

    "Ôi con sóng ngày xưa

    Và ngày sau vẫn thế

    Nỗi khát vọng tình yêu

    Bồi hồi trong ngực trẻ"

    Nữ thi sĩ đã liên tưởng theo trường từ sóng đến tình yêu, từ cảm thán "Ôi" đã thể hiện nhận thức hết sức bất ngờ, ngạc nhiên dâng trào bởi khát vọng tình yêu đang trỗi dậy, mãnh liệt tràn trề trong tâm hồn. Sự trường tồn của sóng và tình yêu được nhấn mạnh rõ ràng qua cụm từ đối lập "Ngày xưa- ngày sau". Đó là một phát hiện mới mẻ và cũng là một lời khẳng định mạnh mẽ của nhân vật "Em" khi nói về sự vĩnh cửu trong tình yêu. Nhân vật "Em" đã nhận ra được sự tương đồng giữa sóng và tình yêu, về bản thân của hai hiện tượng đều có tính vĩnh hằng. Tình yêu cũng như sóng, bao giờ cũng xôn xao, rạo rực từ ngàn xưa và mãi mãi sau này. Xuân Quỳnh rất tinh tế khi sử dụng ngôn từ "Khát vọng tình yêu" - những ước mơ, khát khao lớn lao. Nguyễn Thị Minh Thái cũng đã từng nhận xét về Xuân Quỳnh rằng "Với tôi, Xuân Quỳnh là người đàn bà yêu cho đến hết và đến chết." Bản thân Xuân Quỳnh là người thiếu thốn tình cảm từ thuở bé, đó cũng chính là một trong những yếu tố hình thành nên tính cách và thấm nhuần trong cảm xúc thơ cô: Là một cô gái luôn khát vọng một tình yêu đẹp và hạnh phúc, viên mãn trong cuộc đời. Những cảm xúc khao khát mãnh liệt ấy cũng được bộc lộ một cách rất nữ tính, tinh tế trong "Sóng".

    "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

    Như đứng đống lửa như ngồi đống than"

    Cảm xúc phức tạp luôn "Bồi hồi trong ngực trẻ" mà nữ sĩ đề cập đến phải chăng chính là người trẻ yêu nhau được bộc lộ một cách chân thành và mãnh liệt những cảm xúc của mình? Thơ Xuân Quỳnh không chỉ hay ở cảm xúc, ở ngôn từ mà còn ở những quan niệm rất nhân ái, văn minh và vì con người: Bản chất của tình yêu từ trước đến nay không bao giờ phân biệt tuổi tác, chỉ cần trái tim còn đập là trái tim có thể cất tiếng yêu và khi yêu, con người luôn trẻ trung, say mê mà rất nồng nàn. Tình yêu khiến con người phải "Bồi hồi trong ngực trẻ"!

    "Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo

    Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu"

    (Xuân Diệu)

    Trong "Những năm tháng không quên", Xuân Quỳnh cũng từng viết:

    "Tiếng yêu từ những ngày xưa

    Vượt qua năm tháng bao giờ đến ta

    Tiếng yêu từ những ngày xưa

    Trải bao cay đắng vẫn là vẹn nguyên."

    Thơ không chỉ là tiếng nói hộ lòng mình, thơ còn là lời thủ thỉ tâm tình và nhờ có thơ, con người lý giải được những cảm xúc ngự trị trong trái tim mà ta không thể gọi tên, không thể giải thích. Những vần thơ cứ tự nhiên, giản dị đi vào lòng người đọc và khiến "Người hiểu được người, hiểu được mình hơn"!

    Từ bấy lâu nay, tình yêu luôn chứa những điều kỳ diệu song cũng rất bí ẩn. Ta có thể đã từng yêu, đang yêu nhưng không phải ai cũng có thể lý giải được bản chất tình yêu và biết được cội nguồn của tình yêu. Nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng băn khoăn, trăn trở đi tìm cội nguồn bí ẩn của sóng hay cũng chính là nguồn gốc của tình yêu:

    "Trước muôn trùng sóng bể

    Em nghĩ về anh, em

    Em nghĩ về biển lớn

    Từ khi nào sóng lên?"

    Đứng trước một không gian rộng lớn, phảng phất âm thanh từng gợn sóng gợi tình gợi cảm "Trước muôn trùng sóng bể". Người phụ nữ suy nghĩ về câu chuyện tình yêu xoay quanh mối quan hệ của mình. Cách nói "Em nghĩ về anh, em" cho thấy cách nhìn nhận, tình cảm của người phụ nữ khi yêu luôn hướng về người mình yêu đầu tiên: Lo nghĩ về "Anh" trước rồi mới đến bản thân mình "Em". Cấu trúc điệp "Em nghĩ" đã nhấn mạnh sự tương đồng giữa tình yêu và sóng biển. Đứng trước biển Diêm Điền, nhân vật "Em" hay chính tác giả đang nghĩ về một tình yêu cụ thể giữa "Anh" và "Em". Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh để lại câu hỏi tu từ cuối khổ thơ "Từ khi nào sóng lên?" để nói lên cội nguồn tình yêu. Rõ ràng khổ thơ tiếp tục tô đậm sự suy tư, trăn trở băn khoăn đến từ việc nhận thức về tình yêu của chính mình. Tình yêu đối với một người phụ nữ nói riêng và con người nói chung đều chiếm một vị trí rất quan trọng. Xuân Quỳnh đã thành công khi mượn sự băn khoăn trăn trở về sóng để lý giải cội nguồn tình yêu giữa "Anh" và "Em". Kết thúc khổ thơ này, người đọc như nghe được một nốt lặng trong suy tư.

    "Sóng bắt đầu từ gió

    Gió bắt đầu từ đâu

    Em cũng không biết nữa

    Khi nào ta yêu nhau."

    Con sóng lúc này tượng trưng cho mong muốn được cắt nghĩa, hiểu rõ tình yêu của người phụ nữ. Ta bắt gặp sự đồng điệu trong việc lý giải cội nguồn tình yêu của Xuân Quỳnh và Xuân Diệu:

    "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

    Có khó gì đâu một buổi chiều

    Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

    Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu."

    (Vì sao)

    Mặc dù có chút ngẩn ngơ nhưng Xuân Diệu vẫn "Cắt nghĩa được tình yêu" khá rạch ròi bằng những cảm xúc "Nhè nhẹ", "Hiu hiu". Xuân Quỳnh lại không như thế, cô không ham lý giải, phân tích dù trong lòng có biết bao câu hỏi, muốn được hỏi và muốn được nghĩ. Xuân Quỳnh vẫn giữ nguyên tâm lý phụ nữ với cái lắc đầu dễ nhận được sự đồng lòng "Em cũng không biết nữa". Khi yêu một ai đó, người ta hay nảy sinh nhu cầu được khám phá hết mọi cung bậc cảm xúc đa dạng, đó là nhu cầu của tình cảm, không phải nhu cầu của trí tuệ. Mỗi một câu thơ tựa như lời nói nhẹ nhàng, bối rối xen lẫn ngọt ngào đầy nữ tính. Thật không sai khi chúng ta nhận định thơ Xuân Quỳnh là tiếng thơ của thiên tính nữ. Cô không viết về những điều lớn lao, to tát mà thường chú ý đến những gì nhỏ bé và bình dị nhất của đời sống; chất nữ tính của Xuân Quỳnh ấn giấu trong mỗi bài thơ, thấm nhuần trong tư tưởng, tình cảm, hình ảnh và giọng điệu. Khi viết về tình yêu, cô cùng những vần thơ của mình cứ tự nhiên đi vào lòng người đọc bằng một giọng điệu nhẹ nhàng mà tâm tình thiết tha, vô cùng nữ tính "Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau."

    Bên cạnh sự nồng nàn ấy còn là những suy nghĩ, tìm tòi, đòi hỏi một câu trả lời khi ta nhận thức được "Tình yêu có những quy luật riêng mà lý trí không thể hiểu được." (Pascal) Câu hỏi "Khi nào ta yêu nhau" vẫn để ngỏ, không sao giải đáp nổi hay đó cũng chính là một khoảng trống mà thi sĩ để lại cho độc giả chúng ta, những ai đang yêu, sẽ yêu cùng nhau bước vào thế giới tình yêu đầy nhiệm mầu, tự mình khám phá và lý giải? Có thể ta không biết tình yêu là gì nhưng ta cảm nhận được tim đang đập, đang rung lên từng nhịp bồi hồi trong muôn vàn nỗi khát vọng tình yêu xuyến xao trong ngực trẻ. Những câu hỏi cứ thế nối tiếp nhau như muôn đợt sóng của cảm xúc, được cất lên thành lời thơ thiết tha. Khổ thơ còn cho ta thấy được sự bất lực của tác giả đồng thời nhấn mạnh sự ly kỳ, hấp dẫn của một ẩn số muôn đời - tình yêu. Con sóng, tình yêu, tuổi trẻ mãi mãi là những đối tượng đồng nhất: Sóng muôn đời như những nhịp đập sôi nổi của tình yêu, của khát vọng luôn bồi hồi trong những trái tim trẻ trung, khao khát lý giải bí ẩn tình yêu:

    "Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim

    Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó

    Em là nữ hoàng của vương quốc đó

    Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu."

    (Bài thơ tình số 18, Tago)

    Có rất nhiều cách thức để biểu hiện tình yêu nhưng tất cả đều không thể nào rõ ràng, chính xác bằng nỗi nhớ:

    "Con sóng dưới lòng sâu

    Con sóng trên mặt nước

    Ôi con sóng nhớ bờ

    Ngày đêm không ngủ được"

    Những cung bậc khác nhau của nỗi nhớ được khắc họa một cách rõ nét và chân thật qua những hình ảnh sinh động "Dưới lòng sâu", "Trên mặt đất". Yêu và nhớ là hai mặt tồn tại song song trong tình yêu: Càng yêu say đắm, càng nhớ thiết tha! Sóng trên mặt nước dù lớn cũng có thể lựa chiều mà vượt, sóng dưới lòng sâu âm thầm khó nhận thất mới thật sự dữ dội, khó lường. Thế nhưng "Dưới lòng sâu" hay "Trên mặt nước" thì mọi con sóng ađều hướng về bờ. Dù nỗi nhớ có được bộc lộ hay giữ trong tim đều cực kì mãnh liệt, nồng nàn, từng giây từng phút đều chỉ nghĩ, chỉ nhớ riêng một người.

    "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

    Như đứng đống lửa, như ngồi đống than"

    Xuân Diệu cũng đã từng có câu thơ diễn tả xúc cảm nhớ nhung của một người con trai khi nhớ về người mình yêu:

    "Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh

    Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi"

    Yêu và nhớ là hai trạng thái cảm xúc không thể tách rời nhau, vì yêu là nhớ và vì nhớ mới nhận thức được mình đang yêu! "Ôi con sóng nhớ bờ" - Bờ là nơi đến, là đối tượng để vuốt ve, vỗ về, là đích đến của nỗi nhớ thường trực. Sóng mang trong mình một nỗi nhớ và sóng cũng chính là nỗi nhớ. Đã là sóng thì bao giờ cũng thức, sóng không ngủ.. vì lí do này mà người ta thấy sóng là nhịp điệu của trái tim, là sự sống của biển cả. Từ đó Xuân Quỳnh đã liên tưởng đến trái tim của những người phụ nữ khi yêu. Thật bất ngờ, thi sĩ đã khám phá ra chính mình:

    "Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức"

    Nếu sóng là sự sống của biển khơi, thì nỗi nhớ chính là sự sống của tình yêu hay nói cách khác nỗi nhớ đồng nghĩa với tình yêu.. Một tâm hồn lạnh nhạt là dấu hiệu để khẳng định một trái tim đã hết yêu, một trái tim đã tắt và ngược lại. Sóng thức trong lòng biển cồn cào, sóng thức trong lòng em muôn vạn lần cồn cào hơn. Câu thơ tựa như một cơn sóng đi qua hai cõi thực và mộng vậy, giới hạn của sóng là cõi thực còn người phụ nữ khi yêu đã xáo trộn cả thực và mơ bằng nỗi nhớ. Cả cuộc đời là nỗi trăn trở! Vừa không ngủ được trong cõi thực, lại vừa thao thức trong cõi mộng hay chính vì người phụ nữ "Ngày em nghĩ về anh thật nhiều, để đêm em nằm mơ về anh". Câu thơ diễn tả hàm súc tâm lí những người phụ nữ khi yêu "Cả trong mơ còn thức" - câu thơ toát lên một khát khao đầy cảm động, sự phi lí đã chứa đựng cả một chân lý: Chỉ có ai trân trọng tình yêu, biết yêu chân thành, mãnh liệt mới chia sẻ được điều ấy!

    Tình yêu có thể đến trong một phút giây ngắn ngủi "Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu" và khi bước vào một mối quan hệ, sự thủy chung son sắt là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu:

    "Dẫu xuôi về phương bắc

    Dẫu ngược về phương nam

    Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng về anh - một phương"

    Bằng phép điệp cú pháp "Dẫu.. về", Xuân Quỳnh đã khẳng định bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ khi yêu. Nỗi nhớ trong tình yêu không chỉ gắn liền với thời gian vô tân mà còn là không gian vô biên. Câu thơ đã đưa ra một quy luật bất hợp lý "Xuôi bắc ngược nam" để từ đó nhân vật trữ tình bộc lộ rằng cho dù thời thế, những quy luật bất biến có đổi thay, không gian bốn phương Đông Tây Nam Bắc thì tình yêu của "Em" chỉ có một phương - đó là "Anh". "Anh" giờ đây không chỉ là một người, một hình hài mà dường như đã trở thành một phương riêng biệt chỉ để "Em" hướng về. Nếu tình yêu là quy luật của cuộc sống thì sự thủy chung là quy luật của tình yêu. Lời khẳng định của tác giả giản dị mà sâu sắc, xúc động lòng người. Những người đang yêu bao giờ cũng hướng về nhau - là mặt trời sưởi ấm và soi sáng nhau!

    Có câu nói "Tình yêu đến với những ai vẫn hy vọng dù đã từng thất vọng, vẫn tin tưởng dù từng bị phản bội, vẫn yêu thương dù từng bị tổn thương". Xuân Quỳnh đã trải qua nhiều cay đắng, thiếu vắng tình cảm thuở thơ ấu và trong tình yêu cô cũng gặp muôn vàn khó khăn mà mình chứng là sự tan vỡ tình yêu giữa cô và người chồng thứ nhất. Sau những mất mát, tổn thương ấy, trái tim Xuân Quỳnh vẫn tràn đầy niềm tin vào cuộc đời, vào những câu chuyện tình yêu, vào những điều cô khao khát:

    "Ở ngoài kia đại dương

    Trăm ngàn con sóng đó

    Con nào chẳng tới bờ

    Dù muôn vời cách trở."

    Chúng ta hãy nhìn vào những con sóng đại dương kia, dù gió xô bão dạt đến đầu thì cuối cùng "Con nào chẳng tới bờ", thuyền lại về với biển, sóng lại về với bờ. "Em" và tình yêu của mình cũng vậy. Dù trải qua bao khó khăn, thử thách vẫn cố gắng vượt qua để đến được với anh, với cánh cửa bước vào thiên đàng tình ái, bến bờ hạnh phúc của mình. Chính tình yêu là nguồn gốc của mọi sức mạnh như ông bà ta thường nói:

    "Yêu nhau mấy núi cũng trèo

    Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua"

    Gian nan, thử thách là những điều không thể thiếu trong tình yêu. Trong những bài thơ sau này, Xuân Quỳnh vẫn giữ niềm tin, khẳng định tình yêu đẹp là tình yêu đã vượt qua giông bão:

    "Tình ta như hàng cây

    Đã qua mùa bão gió

    Tình ta như dòng sông

    Đã yên ngày thác lũ"

    (Thơ tình cuối mùa thu)

    Khi hai người đã thật sự dùng tất cả tấm lòng, chân thành yêu nhau thì không có điều chi ngăn cản được:

    "Tay ta nắm lấy tay người

    Dẫu qua trăm núi ngàn đồi cũng qua"

    (hát ru)

    Thông qua hình tượng sóng, nhà thơ đã mượn chính quy luật khách quan của trời đất để kiểm chứng và khẳng định niềm tin vào sự thủy chung của mình. Niềm tin vào bến bờ hạnh phúc, vào đích đến của tình yêu cứ thấm nhuần, lan tỏa mênh mang trong ý thơ "Sóng"..

    Không chỉ rạo rực, nhớ nhung, tràn đầy hy vọng mà người phụ nữ còn thấp thỏm lo âu, hoài nghi về hạnh phúc, tình yêu của mình:

    "Cuộc đời tuy dài thế

    Năm tháng vẫn đi qua

    Như biển kia dẫu rộng

    Mây vẫn bay về xa"

    Thời gian và không gian lúc này được đặt trong hai bình diện đối lập "Cuộc đời- năm tháng" "Biển cả- mây" để nói lên sự hữu hạn của trăm năm, cuộc đời tuy dài nhưng năm tháng sẽ đi hết cuộc đời và năm tháng vẫn tiếp tục dòng chảy của nó không chờ đợi ai cả; biển cả tuy rộng thế nhưng mây kia cũng bay về xa, bay đến nhưng không gian rộng lớn trong vũ trụ khôn cùng. Tuy không hiện lên thành chữ, thành lời nhưng thấp thoáng trong câu thơ là một chút lo âu rất chính đáng. Vì yêu mà trăn trở, vì nhớ mà lo âu, lo được lo mất! Liệu tình yêu có vượt qua được hết những quy luật tất yếu của cuộc đời?

    "Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

    Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi"

    (Xuân Quỳnh)

    Để thể hiện tâm trạng âu lo, Đỗ Trung Quân cũng từng viết:

    "Anh đã thấy một điều mong manh nhất

    Là tình yêu, là tình yêu ngát hương."

    Ngay cả trong lúc yêu say đắm nhất, nhà thờ vẫn không hoàn toàn thoát ly khỏi hiện tại. Trong cái nồng nhiệt hết mình với tình yêu, ta vẫn thấy thấp thoáng những dự cảm, âu lo không dứt. Từ đó độc giả cảm nhận được khao khát sự bình yên, sự khao khát được vĩnh hằng, được vô hạn trong tình yêu của nữ thi sĩ tha thiết đầy cảm động.

    Khát vọng bất tử hóa tình yêu được thể hiện ngay ở ước muốn được tan hòa tình yêu nơi người phụ nữ:

    "Làm sao được tan ra

    Thành trăm con sóng nhỏ

    Giữa biển lớn tình yêu

    Để ngàn năm còn vỗ."

    Sau tất cả, người phụ nữ nói lên nỗi trăn trở và niềm mong ước được bất tử hóa tình yêu thật da diết, thành thực qua câu thơ mang cấu trúc nghi vấn "Làm sao được tan ra". "Tan ra", đó là hi sinh, là dâng hiến, mong được hóa thân thành "Trăm con sóng nhỏ" để được sống hết mình, được sống mãnh liệt trong tình yêu. Nàng tiên cá phương Tây trong những câu chuyện cổ của Andersen cũng đã hóa thành bọt biển, hòa tan vào đại dương vì người mình yêu và để trọn vẹn cùng tình yêu của mình. Yêu chính là hy sinh, là cho đi dù biết có thể mình sẽ không được đáp đền. Hai câu thơ cuối "Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ" mở ra một cảm giác mênh mang của không gian "Biển lớn" cùng sự vĩnh hằng của thời gian "Ngàn năm". Khi yêu hết mình, để tình yêu cá nhân lớn lao tới mức tan trong tình yêu cộng đồng, thì tình yêu sẽ trường tồn cùng năm tháng. Vậy là, con người sẽ chiến thắng được cái hữu hạn của thời gian và không gian, sẽ bất tử hóa tình yêu trong cái ngắn ngủi của cuộc đời. Âm hưởng sử thi của thời đại đã dội vào tác phẩm, nên giữa những năm tháng bom đạn ác liệt thời chiến, bản tình ca của Xuân Quỳnh cứ nhẹ nhàng cất lên, như những đóa "Hoa dọc chiến hào" nở rộ và đi vào lòng người một cách tự nhiên, chân thành nhất!

    Với cách ngắt nhịp linh hoạt, phóng khoáng và cách gieo vần, phối âm độc đáo, giàu sức liên tưởng, Xuân Quỳnh đã thành công khi sử dụng cặp hình ảnh ấn dụ "Sóng" và "Em" để từ đó phát hiện ra những cung bậc đa dạng, phức tạp của cảm xúc trong tâm hồn của người phụ nữ đang yêu. Bên cạnh đó thể thơ năm chữ cũng đã góp phần tạo âm điệu sâu lắng, dạt dào như âm điệu của những con sóng biển và cũng là sóng lòng của người phụ nữ. Khi đọc bài thơ "Sóng", ta như dạo được trên từng phím đàn, như nghe một bản nhạc du dương bởi tính nhạc thiết tha, đằm thắm và mãnh liệt, nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Thật không quá khi nói rằng "Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết về tình yêu thương để lại ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu thơ hết sức tự nhiên, bài" Sóng "thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ xa." (Lê Văn Phong)

    Hoàng Minh Châu từng khẳng định: "Thơ khởi sự từ tâm hồn, vươn lên bằng tầm nhìn và đọng lại bằng tấm lòng người viết". Ở thi sĩ Xuân Quỳnh ta bắt gặp tiếng thơ chân thành, mãnh liệt với những khao khát hạnh phúc đời thường. Thơ Xuân Quỳnh thể hiện tiếng lòng của một người phụ nữ vừa hồn nhiên, vừa yêu đời, Vừa tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm, luôn da diết khát vọng tình yêu bình dị, sâu sắc. Chu Văn Sơn từng nhận xét về thơ Xuân Quỳnh: "Thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn bay đi tìm chốn nương thân trong nắng nôi và giông bão cuộc đời." Chị là người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm, có sức mạnh phi thường như "Cây xương rồng kiên cường và kỳ diệu trên sa mạc vắt kiệt mình để nở những chùm hoa tuyệt quý cho đời" (Ng Thị Minh khai) "Sóng" là bông hoa dọc chiến hào xinh xắn, đáng yêu bậc nhất mà Xuân Quỳnh hái được nhân chuyến đi tới vùng biển diêm Điền -Thái Bình năm 1967; năm 1968, bài thơ được in trong tập "Hoa dọc chiến hào". Thông qua hình tượng sóng và em, thi sĩ đã giãi bày những cung bậc cảm xúc và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Thi nhân đã huy động tất cả các giác quan, thu thập cảm giác mới bắt trọn làn sóng tín hiệu chuyển giao trong tâm hồn mình rồi hoa điệu chúng thành những vần thơ có khả năng "thiêu cháy cả rừng cây, khô cạn dòng suối, làm nhũn đi từng ý nghĩ và mê hoặc cả gỗ đá vô tri" (Tạ Ty)

    Trần Đình Sử cho rằng: "Văn học dùng hình tượng để phản ánh cuộc sống và tâm hồn con người." Sắc điệu trữ tình của sóng được dệt nên từ hình tượng sóng và em. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đáng yêu trước biển cả ngắm nhìn những con sóng bất tận, vô hồi. "Sóng" là hình ảnh ẩn dụ, Là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nữ sĩ lúc thì hòa nhập, lúc tại Phương không của cái tôi "em". Sóng đã khơi gợi một hồn thơ hồn nhiên, tươi mới, sôi nổi khát vọng tình yêu. Với hình tượng sóng Xuân Quỳnh đã có một cách nói rất hay, rất mới về tâm trạng tình yêu nồng nhiệt của người con gái đánh thức bao ấn tượng vốn đã ngủ quên trong lòng người đọc.

    "Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh:

    Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng

    Lòng tốt để duy trì sự sống

    Cho con người thực sự người hơn"

    (Xuân Quỳnh)

    Thế gian có muôn vàn câu chuyện tình yêu và hàng trăm dáng vẻ của thơ tình yêu. Trong đó "Sóng" của Xuân Quỳnh chính là bài thơ để "Giãi bày" và "Chiêm nghiệm". Người đọc tìm đến "Sóng" không chỉ để đọc một bài thơ tình yêu, không chỉ để đi tìm cái nguồn gốc sâu xa bí ẩn của tình yêu mà còn hơn thế nữa. Người đọc và nữ thi sĩ lại gặp nhau, đối thoại tâm tình với nhau về tình yêu một cách chân thành nhất mà cầu nối chính là "Sóng". Hemingway từng nói "Tất cả những tác phẩm nghệ thuật đều có sự bất tử riêng của nó. Bởi vì đó là sản phẩm lao động bền vững của lao động và trí tuệ con người. Rồi mai này các tranh tượng có thể tiêu tan, các đền đài có thể sụp đổ, chỉ có những tác phẩm văn học chân chính mới có thể vượt qua quy luật băng hoại của thời gian để tồn tại vĩnh viễn." May thay trong những tác phẩm ấy, chúng ta có "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh. Cảm ơn Xuân Quỳnh đã "Cắm một cây sào sáng tạo" để đưa tác phẩm "Sóng" - một bài ca tình yêu trường tồn mãi với thời gian và dẫn lối con người đến bến bờ Chân - Thiện - Mỹ!
     
    LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...