[văn 11] Phân tích hai khổ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi P.Punny, 2 Tháng năm 2022.

  1. P.Punny

    Bài viết:
    7
    Hàn Mặc Tử - một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Theo lời nhận định của Chế Lan Viên: "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình". Thật vậy, cuộc đời ông tuy ngắn ngủi, chịu nhiều đau thương, nhưng ta vẫn thấy được trong những vần thơ của ông luôn chứa đầy tình yêu và sức sống mãnh liệt. Trong lần điều trị bệnh tại trại phong Biên Hòa, nhà thơ nhận được tấm bưu thiếp từ Hoàng Thị Kim Cúc – một người con gái Huế mà ông đã từng thầm yêu trộm nhớ. Cũng chính tấm bưu thiếp ấy đã khơi dậy cảm hứng để ông viết lên bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ". Đặc biệt ở hai khổ thơ đầu, ta sẽ bắt gặp một Hàn Mặc Tử với tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống tha thiết thông qua bức tranh thôn quê thơ mộng, đậm chất trữ tình.

    Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

    Tác giả mở đầu bài thơ bằng một lời hỏi ngỏ rất dịu dàng, mang đậm chất Huế cùng nhiều sắc thái "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" Phải chăng đây là hờn dỗi của cô gái, cũng là lời mời gọi tha thiết của cô đối với người bạn phương xa, mong muốn nhà thơ có đôi lần ghé thăm xứ Huế đầy mộng mơ. Nhưng nhìn ở góc độ khác, đây có thể là lời tự vấn, tự trách mình của nhà thơ, một lời ao ước thầm kín của người đi xa muốn được về lại thôn Vĩ. Tác giả sử dụng từ "về" ở đây cho thấy tình yêu mặn nồng của ông đối với thôn Vĩ Dạ, ông xem đây như là quê hương thứ hai của mình. Ấy vậy mà ông chỉ có thể trở về thăm quê qua những hồi ức tốt đẹp.

    Trong dòng hồi tưởng của nhà thơ, bức tranh thôn Vĩ buổi bình minh hiện lên thật trong trẻo, đầy sức sống. Sự hài hòa giữa ánh nắng vàng rực rỡ soi chiếu trên những hàng cau tươi xanh. "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên" . Với từ "nắng" được lặp lại hai lần, gợi lên đúng đặc điểm nắng miền Trung, cái nắng chói chang ngay từ lúc bình minh. "Nắng mới" thể hiện sự tinh khiết, làm bừng sáng khoảng trời hồi tưởng của nhà thơ.

    "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"

    Hình ảnh vườn cây tươi non, trù phú xuất hiện dưới lớp nắng vàng. "Vườn ai mướt quá" thể hiện sắc thái ngạc nhiên, ngợi ca của nhà thơ, với từ "mướt" nói lên sự chăm sóc, vẻ tươi tốt của của vườn cây cũng như cái sạch sẽ láng bóng của từng chiếc lá trong nắng. Bên cạnh đó, Hàn Mặc Tử còn sử dụng biện pháp so sánh trong câu thơ: "Xanh như ngọc" – lá cây được nắng mới chiếu qua cùng những giọt sương còn đọng lại làm cho lá có màu xanh trong và lấp lánh như ngọc. Câu thơ mang lại một làn gió tươi mát, ngọc ngà cho bức tranh bình minh thôn Vĩ.

    "Lá trúc che ngang mặt chữ điền."

    Con người xuất thấp thoáng sau lá trúc che ngang với gương mặt chữ điền đầy phúc hậu, gợi lên vẻ đẹp chân thành, ấm áp của người dân xứ Huế. Cảnh xinh xắn, người phúc hậu, thiên nhiên và con người hài hòa với nhau tạo nên một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng.

    Ở khổ thơ đầu, Hàn Mặc Tử đã dựng lại một bức tranh bình minh nơi thôn Vĩ đầy màu sắc và tràn trề sức sống. Đồng thời, đoạn thơ cũng thể hiện tấm lòng tha thiết của thi nhân đối với mảnh đất cố đô này và cũng là khát khao của ông muốn giao cảm với đời mặc cho sự giày vò, đau đớn của bệnh tật.

    Bước qua khổ thơ thứ hai, nhà thơ tiếp tục đưa độc giả đến với bức tranh thôn Vĩ trong đêm trăng huyền diệu.

    "Gió theo lối gió, mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay?"

    Mây và gió vốn là những thứ song hành với nhau, gió thoảng mây bay. Vậy mà trong thơ Hàn Mặc Tử, hình ảnh gió, mây lại chuyển động ngược chiều nhau, tạo nên sự tách biệt, "gió theo lối gió, mây đường mây" . Cách ngắt nhịp 4/3 đầy tinh tế, phải chăng đây là lời dự đoán về sự chia cắt của nhà thơ với nhân thế, là những dự cảm đầy đau thương trước căn bệnh quái ác. Thiên nhiên rời rạc, lòng người băn khoăn, đến cả dòng sông Hương đang trôi êm đềm, lặng lẽ cũng cảm thấy buồn, cây cỏ cũng chỉ lay động khẽ khàng "dòng nước buồn thiêu, hoa bắp lay". Đọc thơ Hàn Mặc Tử, ta tưởng chừng thi nhân đang đứng bên bờ sông Hương, đưa mắt ngắm nhìn bức tranh chứa đầy sự lạnh lẽo và nỗi buồn, đúng như câu nói của Nguyễn Du: "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."

    Những lúc cô đơn, con người thường tìm đến trăng. Nhà thơ ở đây cũng vậy, ông xem trăng là người bạn tri kỷ tâm giao, nhắc đến Hàn Mặc Tử, người ta nghĩ ngay đến những vần thơ cùng hình ảnh ánh trăng vừa trong trẻo, vừa huyền ảo, liêu trai. Hình ảnh dòng sông ở đây không phải là của sóng nươc, mà là "bến sông trăng" – dòng sông lấp lánh những ánh trăng vàng, không gian bỗng trở nên mênh mang, hư ảo. Chiếc thuyền "chở trăng", một hình ảnh vốn có thực lại trở thành mộng tưởng trong thơ của Hàn Mặc Tử, ông mơ trong hồi tưởng, mơ về một con thuyền chở trăng cho "kịp" về nơi nào đó. Từ "kịp" cho thấy cảm giác lo lắng không yên của ông, bởi thời gian ngắn ngủi, gấp rút. Ông sợ không còn kịp nhìn ngắm ánh trăng đẹp đẽ, không kịp gặp lại "bạch nguyệt quang" của cuộc đời – người con gái xứ Huế - người mang lại niềm vui sống cho ông giữa lúc sóng gió cuộc đời đang bủa vây thân xác. Nhà thơ yêu Huế, nhưng cảnh và con người xứ Huế không hiểu, không đáp lại nhà thơ, chỉ có vầng trăng là lắng nghe và xoa dịu nỗi cô đơn, xót xa của ông.

    Qua cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật tài tình cùng bút pháp "thi trung hữu họa", Hàn Mặc Tử đã vẽ nên một bức tranh xứ Huế thơ mộng, đầy sức sống, nhưng cũng thổ lộ được nỗi lòng của một người thi sĩ chịu nhiều đau thương.

    Cuộc đời của nhà thơ tuy ngắn ngủi và đầy sóng gió, nhưng tài năng của ông như một ngôi sao xoẹt ngang qua bầu trời thơ ca. Đây thôn Vĩ Dạ có thể xem là một trong những bài thơ tiêu biểu mang hồn thơ của Hàn Mặc Tử, một tâm hồn nhạy cảm, muốn giao hòa với đời tha thiết.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...