Vai trò của tiếp biến văn hóa phương Tây với văn hóa Việt Nam. Phân tích con đường và những dấu ấn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Gà con chiu chiu, 30 Tháng một 2023.

  1. Gà con chiu chiu

    Bài viết:
    3
    Chỉ ra vai trò của tiếp biến văn hóa phương Tây với văn hóa Việt Nam. Phân tích con đường và những dấu ấn chủ yếu của giai đoạn ảnh hưởng này.

    1) Khái niệm tiếp biến văn hóa:

    Là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người có văn hóa khác nhau, tiếp xúc lâu dài và trực tiếp, gây ra sự biến đổi mô thức văn hóa ban đầu của một hay cả hai nhóm. (Theo các nhà nhân học văn hóa người Mỹ: R. Redifield, R. Linton và M. Herskovits trong Memorandum năm 1936)

    2) Phân tích con đường và những dấu ấn chủ yếu:

    Giai đoạn tiếp biến văn hóa phương Tây với văn hóa Việt Nam diễn ra gắn liền với các con đường, các mốc thời gian khác nhau và để lại những dấu ấn rõ nét.

    a) Thời gian từ thế kỷ I – VI: Con đường giao thương (giao lưu buôn bán dọc theo bờ biển).

    Vào thời kỳ phồn thịnh của Óc Eo (nay là tỉnh An Giang) và Phù Nam, tàu thuyền trong khu vực có thể thực hiện những hải trình rất dài mà không phải đi dọc theo bờ biển.

    Không phải đến khi người Pháp vào xâm lược, giao lưu giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây mới diễn ra. Bởi trong văn hóa của cư dân Ốc Eo, người ta đã nhận thấy nhiều di vật của các cư dân La Mã cổ đại: Hai đồng tiền bằng vàng, có chạm hình của các hoàng đế La Mã Antoninus Pius (138-161) và Marcus Aurelius (121- 180) những di vật đó nói lên rằng Óc Eo đã có những quan hệ thương mại

    => Sự xuất hiện của những đồng tiền cổ là minh chứng của sự giao thoa văn hóa của thương cảng Óc Eo với nền văn hóa phương Tây.

    b) Thời gian từ năm 1533 – 1664: Con đường truyền giáo.

    Trong khoảng thời gian này, các linh mục phương Tây đã vào truyền giáo ở vùng Hải Hậu (nay thuộc tỉnh Nam Định) và chúa Trịnh vua Lê ở Đàng Ngoài cũng như các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi nhà Tây Sơn đều có quan hệ với phương Tây.

    - Năm 1533 những giáo sĩ tới truyền đạo tại vùng Hải Hậu.

    - Năm 1593 Nghệ An đã có đến 12 làng công giáo toàn tòng.

    => Kitô giáo đã đóng vai trò mở đầu cho sự giao lưu rộng rãi giữa văn hóa Việt Nam với phương Tây.

    => Sự tiếp xúc văn hóa trong giai đoạn đầu diễn ra trên phương diện tôn giáo và thương mại. Nhằm vươn cánh tay tới phương trời Đông xa xôi này, nhà truyền giáo và nhà tư bản tất yếu có nhu cầu liên kết chặt chẽ với nhau. Nhà truyền giáo muốn mở rộng nước Chúa cần phương tiện để đi xa. Nhà tư bản muốn kiếm lời cần người am hiểu thị trường. Nhà buôn với đội thương thuyền của mình sẵn sàng giúp đỡ tài chính cho các giáo sĩ và chở họ tới bất cứ đâu. Bù lại, khi đến nơi, các giáo sĩ sẽ vừa đi truyền đạo, vừa tìm sẵn các nguồn hàng quý hiếm; nhiều khi giáo sĩ giúp nhà buôn bằng cách can thiệp với chính quyền địa phương xin phép cho họ buôn bán.

    - 1624, giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660) trở về châu Âu vận động tòa thánh Roma giao cho Pháp quyền truyền đạo ở Viễn Đông.

    - 1658, Giáo hoàng đã phong cho hai giáo sĩ Pháp là Francois Pallu và Lambert de la Motte làm giám mục cai quản hai địa phận Đàng Ngoài và Đàng Trong.

    - 1664, Hội thừa sai Paris (Missions Étrangères de Paris, MEP), thường gọi là Hội truyền giáo nước ngoài của Pháp, được thành lập.

    - Trong cuộc nội chiến Nguyễn Ánh –Tây Sơn vào thế kỉ XVIII, với sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của người Pháp thông qua giám mục Bá Đa Lộc hỗ trợ quân binh và vũ khí giúp Nguyễn Ánh (Gia Long) đánh bại Tây Sơn và từ đó giúp cho nước Pháp có 1 chỗ đứng vững chắc ở VN về tôn giáo và chính trị.

    - Sau khi lên ngôi năm 1802, Nguyễn Ánh 1 mặt thì chịu ơn các giáo sĩ và ân nhân Pháp nhưng mặt khác lại lo ngại sự phát triển của Ki-to giáo trước mắt sẽ ảnh hưởng xấu đến truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục cổ truyền, sau nữa có thể làm mất ổn định chính trị và dẫn đến nguy cơ mất nước nên đã chủ trương "bế quan tỏa cảng" trong giao lưu và giữ nguyên trạng đạo Ki-tô chứ không khuyến khích phát triển.

    c) Thời gian từ năm 1858 - 1873 và từ năm 1954 - 1975: Con đường xâm lược.

    - Sự tiếp biến văn hóa Phương Tây với văn hóa Việt Nam diễn ra rõ rệt sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh chiếm Cần Giờ và đặt ách thống trị lên dân tộc Việt Nam.

    - Năm 1954: Mỹ thế chân Pháp nhảy vào miền nam Việt Nam.

    => Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đối với văn hóa Việt Nam trên các phương diện:

    - Trong mấy thế kỉ tiếp xúc, văn hóa phương Tây đã ảnh hưởng một cách sâu rộng vào nhiều lĩnh vực của văn hóa Việt Nam.

    - Người Việt Nam tiếp nhận những gì có ích và biến đổi cho phù hợp.

    - Quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa hóa phương Tây và văn hóa Việt Nam khiến cho người Việt thay đổi cấu trúc lại nền văn hóa của mình trên các lĩnh vực văn hóa vật chất và tinh thần.

    * Văn hóa vật chất:

    - Trên lĩnh vực giao thông: Xây dựng các hệ thống đường sắt, đường xá, cầu cống (chủ yếu trong giai đoạn Pháp thuộc).. Nhằm phục vụ công cuộc khai phá thuộc địa.

    Ví dụ điển hình là Cầu Long Biên, đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối từ 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Cầu được Pháp cho xây dựng với mục đích cho tàu hỏa qua lại, nối liền giao thông để dễ dàng khai phá thuộc địa.

    => Vai trò: Cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam, thay đổi diện mạo và cơ cấu xã hội, các ngành công nghiệp ra đời như khai khoáng, phân bón, làm giấy..

    - Trên lĩnh vực kiến trúc: Xuất hiện các kiến trúc đô thị kết hợp với phong cách phương Tây. Chẳng hạn, các tòa nhà của Trường Đại học Đông Dương (nay là ĐHQGHN), Bộ Ngoại Giao.. đã sử dụng hệ thống mái ngói, bố cục kiểu tam quan, lầu hình bát giác.. làm nổi bật tính dân tộc; đưa các mái hiên, mái che cửa sổ ra xa để tránh nắng chiếu và mưa hắt..

    * Văn hóa tinh thần:

    - Ngoài Ki-tô giáo, để lại dấu ấn hơn cả là những hiện tượng trong các lĩnh vực văn tự - ngôn ngữ, báo chí, văn học - nghệ thuật, giáo dục – khoa học, tư tưởng.

    - Chữ viết: Khi truyền đạo cho người VN, khó khăn đầu tiên mà các giáo sĩ vấp phải là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn tự. Bởi vậy, họ đã dùng bộ chữ cái Latinh thêm các dấu phụ để ghi âm tiếng Việt, tạo nên chữ Quốc ngữ.

    => Tuy chữ Quốc ngữ ban đầu chỉ là công cụ truyền đạo của các giáo sĩ, nhưng do có ưu điểm là dễ học, nên đã được các nhà Nho tiến bộ tích cực truyền bá để phổ cập giáo dục và nâng cao dân trí.

    - Sự ra đời của báo chí, trước hết nhằm phục vụ cho nhu cầu thông tin cai trị của thực dân Pháp.

    => Góp phần nâng cao dân trí, thức tỉnh ý thức dân tộc và tăng cường tính năng động của người Việt Nam.

    - Thơ văn: Xuất hiện thể loại tiểu thuyết hiện đại

    => Tạo nên sự thay đổi về mặt đề tài, hướng đến tự do cá nhân và bình đẳng xã hội.

    - Xuất hiện hàng loạt từ ngữ vay mượn: Xà phòng/xà bông (savon), kem (crème), ga (gare, gaz), bang (band, banque, ruban)..

    => Bổ sung những từ còn thiếu, tạo ra một lớp từ có sắc thái khác với những từ đã có trong tiếng việt..

    - Trong nghệ thuật hội họa thì xuất hiện những thể loại vay mượn từ phương Tây như tranh sơn dầu, tranh bột màu với bút pháp tả thực. Bút pháp tả thực của nghệ thuật phương Tây còn xuất hiện cả trên sân khấu với thể loại kịch nói và tác động tới sự ra đời của nghệ thuật cải lương. Nghệ thuật thanh sắc tổng hợp cổ truyền bắt đầu phân hóa thành hàng loạt bộ môn như ca, múa, nhạc kịch..

    => Góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa tinh thần.

    d) Từ năm 1975 đến nay: Tiếp biến văn hóa diễn ra trên phương diện hợp tác và giao lưu quốc tế.

    - Sự tiến bộ của các ngành khoa học ki thuật, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến cho văn hóa, các sản phẩm văn hóa cảng đa dạng và phong phú.

    Vd: Quảng bá văn hóa qua công nghệ và ứng dụng công nghệ

    - Cuộc đổi mới và mở cửa hôm nay hoàn toàn do dân tộc Việt Nam chủ động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khiến cho việc giao lưu văn hóa là hoàn toàn tự nguyện, chủ động, không hề bị áp đặt hay cưỡng bức.

    3) Vai trò của tiếp biến văn hóa phương Tây với văn hóa Việt Nam:

    - Nền văn hóa Việt Nam đã có sự chuyển mình, mang cấu trúc và diện mạo mới, từng bước rời bỏ tức là nền văn minh nông nghiệp truyền thống để đi vào quỹ đạo của nền văn minh công nghiệp.

    - Tạo điều kiện quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội với nhiều quốc gia trên thế giới.

    - Văn hóa Việt Nam đã được lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều lễ hội văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức..

    - Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Named đến bạn bè quốc tế; góp phần đấu tranh cho hòa bình, phát triển.

    - Văn hóa và con người Việt Nam đã tiếp thu, bổ sung được những giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại.

    - Xuất hiện các loại hình văn hóa mới làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của con người Việt Nam; hình thành những con người hiện đại với những phẩm chất mới, phù hợp với thời đại.

    - Góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

    ****************​

    Tài liệu tham khảo: Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (Cái nhìn hệ thống - loại hình), NXB. Tp. HCM
     
    Last edited by a moderator: 30 Tháng một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...