1. Vai trò của nước đối với cơ thể sống Đối với người và động vật, nước là yếu tố quan trọng thứ hai sau oxy. Nước trong cơ thể được phân bố không giống nhau ở những cơ quan khác nhau. Ở mô xương, mô mỡ nước chiếm khoảng 25% nhưng ở mô cơ nước chiếm hơn 80%. Lượng nước trong cơ thể thường chiếm trung bình trên 75%. Lượng nước trong cơ thể còn phụ thuộc vào tuổi của con người. Người có tuổi càng lớn, hàm lượng nước trong cơ thể càng ít. Trong cơ thể, nước tồn tại ở trong và ở ngoài tế bào. Nước trong tế báo gọi là nước nội bào, nước ở ngoài tế bào gọi là nước ngoại bào. Nước ngoại bào bao gồm nước trong huyết tương và nước gian bào. Ở trong cơ thể sống, nước đóng vai trò rất quan trọng. Nếu thiếu nước, sự sống sẽ chấm dứt. Khi nghiên cứu vai trò của nước đối với sự sống của tế bào cũng như của cơ thể, các nhà khoa học đã đưa ra những kết luận quan trọng sau: Nước như là một loại dung môi quan trọng nhất trong tế bào sống. Nhờ tính chất hòa tan cá chất của nước mà các phản ứng sinh hóa được xảy ra dễ dàng trong tế bào và diễn ra liên tục. Nước tham gia như một thành phần rất quan trọng trong cấu trúc của tế bào.. Ở trong tế bào chúng tồn tại ở cả trạng thái tự do và trạng thái liên kết với các thành phần khác nhau như protein, lipid, gluxit và các thành phần khác. Nhờ có sự liên kết với nước mà các thành phần có trong tế bào được chuyển hóa liên tục. Nước tham gia vào các phản ứng thủy phân và các phản ứng oxy có trong tế bào. Nếu không có nước, các phản ứng trên sẽ không xảy ra. Nước tham gia quá trình vận chuyển chất trong tế bào, nhờ đó những chất dinh dưỡng từ bên ngoài sẽ vào bên trong tế bào và những chất thải, khí thải tạo ra trong quá trình trao đổi chất sẽ thoát ra khỏi tế bào. Mặt khác, nhờ vận động của nước trong tế bào sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp xúc giữa các thành phần có trong tế bào, thúc đẩy nhanh quá trình phản ứng trong tế bào. Nước như là một bộ xương có tính chất đệm tạo nên khung mềm của tế bào, ở đó các cơ quan tồn tại và hoạt động sinh lý bình thường. Nước tham gia quá trình điều nhiệt của cơ thể. Nước tham gia bôi trơn các bộ phận của đường tiêu hóa, đường hô hấp, các khớp xương. Nước được trao đổi liên tục từ môi trường vào cơ thể sống và ngược lại. Điều quan trọng là khi nước vào trong cơ thể phải tuyệt đối an toàn về vi sinh vật (VSV), độc tố. Nếu nước không đảm bảo sạch về VSV, độc tố sẽ tạo ra môi trường ô nhiễm trong cơ thể. Điều đó cho thấy, nước là một vật có khả năng mang nguồn bệnh và độc tố vào cơ thế, Hằng ngày, lượng nước được cơ thể sử dụng cho mọi mục đích sống của các tế bào, mô bào, cần khoảng 3 lít, lượng nước này được cung cấp khi uống, khi ăn. Đồng thời, hằng ngày chúng ta cũng thải ra ngoài cơ thể khoảng 2, 5 lít qua nước tiểu, phân, mồ hôi. Sự dịch chuyển của nước từ môi trường vào cơ thể sống xảy ra thường xuyên. Do vậy, nước rất cần được làm sạch trước khi đưa vào cơ thể sống. 2. Vai trò của nước trong sinh hoạt và trong sản xuất A. Nước trong sinh hoạt Trong cuộc sống của loài người, nước là một nhu cầu sống không thể thay thế được. Nhu cầu cuộc sống càng cao, mức độ sử dụng nước trong sinh hoạt càng cao. Nước cung cấp cho các hoạt động của tế bào, mô bàn và cơ thể cũng như cho các nhu cầu về tắm, giặt, vệ sinh nhà cửa.. đều phải được xử lý để đạt được mức độ sạch nhất định. Theo thống kê của các nhà khoa học, ở các nước phát triển, nhu cầu sử dụng nước trung bình trong 1 ngày cho một người là: 60-80 lit cho việc tắm bằng vòi hoa sen, 150-200 lit cho việc dội cầu tiêu, 70-120 lit cho hoạt động của máy giặt. b. Nước trong sản xuất Nước là một loại nguyên liệu rất đặc biệt, một loại nguyên liệu không thể thay thế. Nước dùng trong sản xuất chủ yếu là dùng vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp, trong đó nước dùng cho sản xuất nông nghiệp chiếm trên 70%, Nước dùng trong nông nghiệp chủ yếu dùng để tưới cây và trồng lúa nước. Nước dùng trong sản xuất công nghiệp bao gồm nước nguyên liệu, nước vệ sinh xí nghiệp, nhà máy, máy móc thiết bị, nước dùng để làm sạch, làm mát. Nước sau khi dùng trong các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp trên đều là nước bị ô nhiễm, cần phải được làm sạch để tái sử dụng.