Vài Suy Nghĩ Về Mật Mã Da Vinci - Đức Phật Và Nàng Tình cờ đọc một confession ném đá so sánh Mật mã Da Vinci và Đức Phật và nàng trên một fanpage. Cả 2 cuốn này mình đều đọc đã lâu và thứ tự đọc có hơi ngược 1 chút là đọc Đức Phật và nàng trước rồi mới đọc Mật mã Da Vinci nên cũng có đôi dòng chia sẻ cảm nghĩ về 2 cuốn sách tạo nên nhiều dư chấn trong văn đàn vào thời điểm ra mắt cho tới tận ngày nay. 1. Sơ lược về nội dung của 2 tác phẩm Đầu tiên, cả 2 câu chuyện này có nội dung khác nhau nhưng nội dung chính, xuyên suốt tác phẩm mà 2 tác giả khai thác có phần giống, viết về tôn giáo, 2 tôn giáo lớn nhất, có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay là Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Nếu không đề cập đến việc 2 tác phẩm này viết về "mặt tối" của tôn giáo (2 từ "mặt tối" này có thể đúng hoặc không nhưng ít nhất trong 2 tác phẩm này mình nghĩ nó là mặt tối). Mình thấy đây là những tác phẩm hay, tác giả thực sự rất tài hoa, kiến thức họ sử dụng trong tác phẩm nếu bỏ qua các yếu tố ngôn tình, hư cấu thì chúng là những kiến thức rất đáng giá. Tuy nhiên, như nhiều tiểu thuyết phương tây khác mình đọc, sự thông minh, tài tình, cách sắp xếp các tình huống, tình tiết trong truyện của Dan Brown sâu sắc, ấn tượng hơn Chương Xuân Di, mà có khả năng là vì Mật mã Da Vinci thiên về trinh thám nên đọc hấp dẫn hơn một truyện ngôn tình có yếu tố lịch sử như Đức Phật và nàng. Về bản màu, nếu khi xem Đức Phật và nàng mình thấy màu sáng, màu đỏ nhạt, màu cam, màu của đất trời Tây Tạng với gió cát và một bầu trời rộng lớn, tráng lệ thì Mật mã Da Vinci là màu tối, màu của đêm đen, màu của bầu trời Paris vào đêm án mạng xảy ra để mở đầu cho việc khám phá bí mật của hội kín. 2. Bàn về chủ đề, thông điệp của Mật Mã Da Vinci - Đức Phật Và Nàng Vì vốn mình thích 2 chữ "Vô thường" của đạo Phật nên khi đọc Đức Phật và nàng, ngẫm nghĩ về cốt truyện này, suy xét cả đến một số câu chuyện thực tế về mối quan hệ giữa thầy tu và người thường/phật tử, yếu tố lịch sử của Trung Quốc thời kỳ đó và những câu chuyện do Đức Phật kể trong các bài kinh kệ mà mình có dịp nghe các thầy thuyết giảng. Mình cảm thấy nội dung của Đức Phật và nàng có thể chấp nhận được, có vài phần thích thú, cảm thấy cách diễn giải câu chuyện của Xuân Di không phải là câu chuyện báng bổ Phật Giáo, nó chỉ là một cách để lý giải 2 chữ "Vô thường", trên đời này không có điều gì là bình thường cả, từ lần gặp gỡ đầu tiên của Kumarajiva và Ngải Tình 2 con người của 2 thời không làm quen, mến thương, nhớ thương và yêu thương nhau, tất thảy đều không bình thường. Nhưng với Mật mã Da Vinci, có thể là vì kiến thức về Thiên Chúa Giáo quá ít ỏi, bản thân lại không mặn mà với các học thuyết, cách lý giải về tư tưởng quan hệ nam – nữ của thời kỳ mẫu hệ mà Dan Brown sử dụng trong Mật mã Da Vinci và đã từng đọc một ít về các nghi lễ của những hội kín, phản cảm với hội kín theo nhiều lý do. Nên mình không thích Mật mã Da Vinci, không thích cách lý giải "Chén Thánh", không thích cái "sự thật" mà Robert và Sophie đã khám phá ra mặc dù mọi tình tiết, kiến thức, thông điệp trong câu chuyện rất hay, rất có tính thuyết phục. Cái cảm giác không thích, khó chịu cứ lao xao quanh đầu óc mình từ khi đọc xong tác phẩm này. Túm cái quần lại, 2 tác phẩm này có đáng đọc không? Nhiều người sẽ khuyên bạn đọc Mật mã Da Vinci, nó kinh điển và nổi tiếng quá mà. Nhưng mình cảm thấy nếu chỉ đọc vì tò mò, đừng đọc cả 2, nếu đọc để khám phá thêm nhiều luồng tư tưởng, suy nghĩ mới, bạn nên xem, nhất là Mật mã Da Vinci, nó sẽ gợi mở cho bạn nhiều suy nghĩ mới lạ nhưng theo hướng tích cực hay tiêu cực thì tùy vào từng người. Thực ra khi đọc Đức Phật và nàng mình nghĩ đến Tiếng chim hót sau bụi mận gai kìa, sau đó tìm trên các website thì đúng là có đồng đạo cũng nghĩ như mình, so Mật mã Da Vinci và Tiếng chim hót sau bụi mận gai có nhiều cái thú vị lắm nhưng bài này mình xin không bàn về Tiếng chim hót sau bụi mận gai. Bài này mình viết cũng cách đây khá lâu rồi và đăng trên facebook, giờ đăng lại trên website mình để xem có đồng đạo nào cùng mình chia sẻ không, vì thực sự mà nói, mấy năm qua đọc nhiều tiểu thuyết Phương Tây, tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, tác phẩm đáng để mình ghi nhớ và có ấn tượng sâu sắc cũng không mấy cuốn bao gồm 2 cuốn này. Tác phẩm hay thì quá nhiều nhưng tác phẩm đáng nhớ thì không dễ tìm.