Tên Truyện: Ước Mơ Của Người Là Gì? Tác Giả: Ngọc Thiền Sầu Thể Loại: Tản Văn Số chương: 01 Tình Trạng: Hoàn Ảnh Bìa: Hắc Y Phàm Link thảo luận, góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Ngọc Thiền Sầu Bạn có biết ước mơ của người phụ nữ mà cụ thể là người mẹ, là người bà trong gia đình mình là gì không? Thú thật thì tôi cũng không biết quá rõ về nó! Phải chăng tôi là một người vô tâm? Vì ước mơ của những người thân quen với mình như vậy mà mình chẳng hay cũng chẳng biết? Nhiều lần tôi cũng từng tự hỏi và cũng muốn mở miệng hỏi nhưng bạn có biết câu trả lời là gì không? "Úi dồi, bọn mày cứ hỏi mấy cái vớ vẩn ấy làm chi? Lo mà học hành chăm chỉ, cố gắng kiếm cái bằng đại học. Sau này đừng làm phận công nhân như tao với bố mẹ mày. Vậy là được rồi.. ước với chả mơ." Bà tôi từng nói. Và.. Mẹ cũng từng bảo: "Đời công nhân khổ lắm con ơi.." Đúng vậy, thứ tôi nhận được mỗi lần hỏi đó chính là những câu trả lời qua loa. Nhưng tôi biết chứ, họ đã bỏ qua cái mộng tưởng của mình để xây dựng mộng mơ cho tôi, họ cũng bỏ quên đi nguyện ước thuở thơ ấu để xây đắp thêm những viên gạch mơ ước cho các thế hệ sau. Câu trả lời ấy là những lời động viên cố gắng học hành, là lời chia sẻ về những vất vả của cái phận làm thuê. Nhưng người có biết chăng tôi muốn biết về quá khứ của người, tôi muốn hiểu người thích màu gì, thích ăn gì, thích làm nghề gì.. Nhưng chẳng mấy khi người nói cho tôi nghe. Họ là như vậy đó! Ước mơ của họ thật giản đơn, thật mộc mạc và cũng khiến tôi cảm thấy thật đau lòng. Bởi lẽ, ước mộng hiện tại của những người phụ nữ ấy chính là được nhìn thấy các thế hệ sau trưởng thành, mạnh khỏe và hạnh phúc. Họ dành quá nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình, nhiều khi tôi mong muốn họ có thể ích kỷ một chút, chăm lo cho bản thân một chút. Và rồi tôi nhận ra họ hầu như chẳng có mơ ước gì cho bản thân mình. Tại sao lại ước những điều như vậy? Tại sao không ước bản thân khỏe mạnh, không hi vọng giàu sang, không mơ mộng được trẻ mãi không già? Phải chăng cái định kiến rằng người phụ nữ phải "tam tòng tứ đức", "phải thờ chồng dạy con." và "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" hay "đàn ông xây nhà còn đàn bà xây tổ ấm".. đã ăn sâu bén rễ vào trong suy nghĩ của họ? Phải chăng vì vậy, nên họ chẳng còn ước mơ gì cho bản thân mà chỉ mơ ước cho người thân trong gia đình? Chưa chắc đúng đâu! Từ xưa tới nay thì người đàn bà luôn là những người hi sinh nhiều hơn cho gia đình vì vậy mà người ta vẫn hay nói "sự thành công lớn nhất của một người phụ nữ đó là có được một gia đình hạnh phúc, còn sự thành công của người đàn ông thì luôn được đánh giá bằng sự nghiệp của ông ấy". Hay "phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng". Về vấn đề này thì chính tôi cũng chẳng biết câu trả lời là gì. Nó là đúng hay là sai? Đó là điều rất khó mà nói. Bởi lẽ, cái định kiến ấy đã ăn quá sâu vào trong tâm tưởng của người Việt chúng ta từ lâu. Lâu tới nỗi, chẳng có mấy ai có thể biết được nó đã bắt nguồn từ năm nào tháng nào. Thực ra thì không phải họ không có ước mơ, không có hoài bão. Mà bởi những khát khao ấy họ đã giấu nó quá sâu. Sâu tới tận đáy lòng, có khi chính họ cũng chẳng còn nhớ ấy chứ. Tính cách của tôi có thể nói là được di truyền từ bố của mình nên tôi là người không thích nói nhiều và cũng chẳng biết cách bày tỏ tình cảm với bất kỳ ai, kể cả với người thân của mình. Vì vậy những lời yêu thương, cả tôi và ông ấy đều rất ít nói ra. Những khi tôi muốn hỏi mẹ về mộng ước của mẹ là gì, lời nói đã tới đôi môi nhưng tôi lại bất lực vì không đủ can đảm để thốt ra thành lời. Những câu hỏi về cuộc sống trước đây, về mơ mộng, về quá khứ.. tôi không hiểu, vì sao nó cứ nghẹn ngào nơi cổ họng. Thực ra cũng không phải không dám nói mà sự thật là.. bởi vì tôi sợ. Tôi sợ bà nhớ về quá khứ vất vả rồi buồn. Tôi sợ bà hồi tưởng về người bố của mình rồi lại nhớ. Tôi sợ bản thân không kìm được nước mắt vì thương, tôi sợ.. "Quá khứ là thứ để quên, còn kỷ niệm là điều phải nhớ" đây là câu nói tôi rất hay dùng để an ủi lũ bạn mỗi khi có đứa thất tình. Nhưng lại chẳng có câu nói nào có thể dùng để an ủi một người phụ nữ đã đánh mất mơ mộng của bản thân. Chắc hẳn ai cũng biết đôi chút về quá khứ huy hoàng của các bậc sinh thành nhỉ? Tôi cũng vậy. Tôi thương mẹ tôi qua lời kể của các cô, dì, chú, bác. Tôi thương người qua lời nói của các thế hệ trước mỗi khi họ nhắc lại về cái thời bao cấp. Về cái thời phải ăn cơm độn sắn, độn khoai để sống, về cái thời mà tem phiếu còn giá trị hơn tiền bạc của ngày nay. Về cái thời "tuy nghèo mà vui" mà họ thường hồi tưởng trên những ngày tết tại mâm cơm gia đình. "Ngày ấy, khổ lắm con ơi.." Bạn biết gì không tôi được nghe kể lại rằng.. ** Ngày ấy tại một làng quê ở miền Bắc có một người con gái xinh đẹp, đảm đang. Người thiếu nữ ấy là người con gái thứ chín trong một gia đình đông con. Em ấy tên Nguyễn Thị Bún. Một người con gái dịu dàng nhưng mang trong mình một sức lực to lớn. Năng lượng đó chính là gia đình. Bún của lúc bấy giờ là một bông hoa chớm nở, e ấp đầy mơ mộng về hiện tại và tương lai. Dù mạnh mẽ nhưng giống những người thiếu nữ khác, em cũng thích diện đồ bông, thích đi chơi và ca hát tụ họp với bạn đồng trang lứa. Em thích nghề may, đó là đam mê của em. Người thiếu nữ ấy là liên đội trưởng của đoàn thanh niên trong xã, là người con gái mẫu mực mà các anh muốn lấy về làm vợ. Và em.. còn là một "con vịt trời" trong mắt mẹ thầy.. Câu chuyện về gia đình của Bún từ lâu đã chẳng còn là xa lạ với những người dân trong thôn làng và địa phương nơi em sinh hoạt. Bởi mẹ em là vợ lẻ. Đúng vậy vợ lẻ! Nhưng vợ lẻ thì sao chứ? Cái thời ấy đàn ông năm thê tứ thiếp không phải là điều bình thường hay sao? Gia đình cái Tý không phải cũng vậy hay sao? Em không hiểu, mẹ em cũng chẳng sai. Nhưng vì sao người lại nói: "Cái sai của tao là không đẻ được một cu cậu cho thầy chúng mày." Em nghe mà xót xa quá! Nếu ai đó hỏi rằng thầy có thương mẹ con em không. Có lẽ câu trả lời chắc chắn là "có!". Dù như vậy nhưng em đã quá quen với những lời trêu cợt từ những kẻ lắm chuyện, những kẻ lấy nỗi đau của gia đình em ra làm trò cười. Mẹ em bảo những kẻ thấy ghen tỵ với khuôn mặt, tính nết của em mà thôi, người nói em mặc kệ họ và cũng đừng để ý tới làm chi. Chị Thuận nói với em vì họ ghen tỵ nhà mình nhiều chị em gái nên mới kỳ thị ước mơ của em. "Ước mơ của em là gì?" Chị Theo từng hỏi em về ước mơ nhưng vì sao sau khi em trả lời cả mẹ và các chị đều im lặng không vui? "Dạ ước mơ của em là nhà mình có thêm em gái ạ!" Đó là câu trả lời của em. Mãi tới sau này em mới hiểu vì sao trong nhà mọi người lại im ắng tới vậy. Cái thời trọng nam khinh nữ này nhà ai mà không muốn sinh được mụn con trai, người vợ lẻ nào mà không muốn đẻ được thằng cò, thằng cu để bảo vệ vị trí của mình trong gia đình cơ chứ! Cái thời mà cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc. Một bữa cơm nếu có được miếng giò, miếng tóp mỡ, miếng khoai đã là một bữa thịnh soạn lắm rồi. Quần áo may sao người được cái quần, kẻ được cái áo đã được coi là một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Không may chúng bị rách thì tích kê lại rồi mặc tiếp. Ở cái thời như vậy ai lại muốn có thêm "em gái" cơ chứ? Ngày ấy chẳng ai hỏi em vì sao lại có ước mơ như vậy. Khi em kể với cái Đậu con gái bác Me về ước mơ ấy. Người xung quanh đều cười. Họ nói em ngu dại. Em không hiểu.. Không phải nhà nhiều con thì các bác cán bộ sẽ phát cho nhiều gạo, nhiều đường, nhiều thịt, nhiều đồ ăn hơn sao? Ngày ấy, ước mơ của em chỉ đơn giản là cả gia đình không ai phải nhường phần ăn cho nhau, ai cũng được ăn no, ai cũng có quần áo để mặc, dù một hai bộ cũng được. Điều này là ngu ngốc sao? Những lời giễu cợt ấy em đều bỏ ngoài tai mà chẳng thèm đôi co với họ. Dù vậy nhiều lúc em cũng cảm thấy tủi lòng. Em là con của người vợ thứ ba của thầy nhưng em cũng có lòng tự tôn của bản thân. Em có ước mơ, có hoài bão, em có thầy, có bà cả, bà hai và có cả mẹ luôn thương chúng em. Em còn có bảy người chị gái, có một người em gái nhỏ hơn ba tuổi luôn quan tâm và coi em là cả thế giới. Em có tất cả mà đúng không? Vì vậy đừng ai coi thường gia đình của em! "Mẹ ơi vì sao bác Me nói con gái không nên học nhiều vậy ạ?" Đó là câu hỏi em hay hỏi mẹ mỗi khi người hàng xóm thấy em cầm cuốn sách nhàu nát mà thầy em để lại mỗi lần sang chơi. Mỗi lần nghe thấy em hỏi như vậy người đều quay qua và hỏi ngược lại: "Thế Bún có muốn đi học không?" "Dạ thưa mẹ, con có ạ! Con muốn học để giỏi chữ giống thầy ạ!" Câu trả lời được cất lên chứa đầy sự hồn nhiên vui tươi của trẻ nhỏ khi muốn thực hiện một điều gì đó. Lần này, ấy vậy mà mẹ không im lặng, người cổ vũ và khích lệ em rằng: "Ừ ha ha, Bún muốn giỏi giống thầy thì phải cố gắng học biết chưa!" Khóe mắt mang ý cười, giọng của người mỗi khi nhắc tới thầy đều trở nên vui vẻ, tự hào một cách lạ thường! Ngày ấy Bún là đứa bé nhí nhảnh nhất trong gia đình, em hiếu động và ham học hỏi. Bởi lẽ được di truyền gen từ người thầy nên học gì cũng nhanh và em cũng rất giỏi việc nhà. Thầy chính là người mà em rất ngưỡng mộ. Ông là một người cha nghiêm nghị, trầm tính và cũng rất tài giỏi. Ông ấy mỗi lần ghé qua nhà đều cho chúng em rất nhiều đồ ăn và bánh ngọt. Đôi khi ông còn dạy em đọc chữ và kể những câu chuyện cổ tích rất hay. Tuy nhiên, người có quá nhiều vợ và con. Em luôn cảm thấy âu lo rằng sẽ có một ngày thầy sẽ bỏ mẹ con chúng em. Những ngày tháng vui vẻ cầm chiếc cặp sách được đan từ những sợi rơm vàng tươi hay khi được mẹ tích kê cho chiếc cặp sách được chắp vá từ nhiều mảnh vải vụn. Được thầy cho những món đồ chơi vào mỗi dịp ghé thăm có lẽ là niềm hạnh phúc nhất của em lúc bấy giờ. Ngày tháng ấy em được phép tung tăng tới trường nghe giảng về con chữ, được tập tành ca hát. Được tung tăng nhảy múa ca ngợi chiến thắng, ca ngợi cụ Hồ, ca ngợi cách mạng. Ngày ấy ước mơ của Bún chính là được học hành để trở thành một cô giáo có thể dạy chữ, dạy cách tính các con số cho các chị gái, dạy cho cái Miến những điệu múa, điệu nhảy và những bài ca cách mạng. Chữ của Bún rất đẹp, nó y như con người của em. Mỏng manh, mềm mại nhưng lại chẳng kém phần cứng cỏi. Ngày Bún lên lớp năm, cái độ tuổi mà thời hiện đại bây giờ trẻ con vẫn được cơm bưng nước rót thì Bún phải thôi học vì hoàn cảnh gia đình. Những người chị gái của em cũng vậy. Có lẽ chẳng có sự hi sinh nào quý báu hơn đức hi sinh của mẹ và của chị. Họ hi sinh sức lực để tập hợp lao động cùng người người trong thôn. Họ ngậm đắng, nuốt cay để nuôi nấng chúng em lên người. Thậm chí chị Thuận và chị Theo là những người chị lớn nhất trong nhà dù chẳng hề biết một chữ, nhưng họ lại có tấm lòng cao cả. Hai người chị vì phụ giúp mẹ và thầy chăm lo cho những đứa em nhỏ hơn mà hi sinh đi sự nghiệp học hành, hi sinh đi ngày tháng tuổi thơ. Chị Tự, chị Nhiên rồi cả chị Đa may sao được thầy được mẹ cố gắng cho học tới lớp một để biết mặt con chữ. Chị Sắn và chị Tương thì được học tới lớp ba để phụ giúp tính toán chi tiêu trong gia đình. Còn chị Bé.. Vì ngày đó do khó sinh nên chị là người mà em chưa từng một lần gặp mặt. Và em tên là Nguyễn Thị Bún là người con gái thứ chín may sao được học tới lớp năm. Ngày sinh nhật mười tuổi, em hi vọng cái Miến – đứa em gái nhỏ của em sẽ được học hành nhiều hơn các chị gái của nó.. ** Mọi người biết ngày tết những đứa trẻ như Bún thích nhất là làm điều gì không? Đó chính là được đốt các phong pháo vang vọng để cả căn nhà thêm vui tươi nhộn nhịp. Và.. từ lâu em cùng các chị em đều mong muốn có thể một lần được đi chúc tết và một lần được mặc quần áo mới để đón tết. Nhưng cái tết đối với chúng em quá ư là xa xôi. Những bánh pháo ấy chúng em dành dụm được, nhưng đốt chúng thì chưa dù chỉ là một lần. Nhìn cái An, cái Na nhà chúng nó có cả trai cả gái, anh chị em nó được đi chúc tết mà các chị em nhà em ham lắm.. Vì nhà chỉ toàn là con gái nên chúng em chẳng bao giờ được thực hiện ước nguyện ấy. Vào những ngày tết như vậy em và Miến cùng các chị chỉ dám dẫn nhau thèm thuồng nhìn ngó qua khe cửa để xem người ta đi chúc tết. Những lần ra đường dòm ngó bị bắt gặp sẽ bị họ la mắng rồi cười cợt nhả. Khi đó bọn em tủi hổ và cũng chỉ biết im lặng mà "rút quân" về nhà. "Đi đâu đấy! Nhà chúng mày toàn con gái với nhau không ở nhà đi còn ra đường cho nhà người ta đen đủi cả năm ấy hả!" Hóa ra là sinh ra với thân phận con gái cũng là một cái lỗi? Có lẽ đúng cũng có lẽ không.. ** Em còn nhớ như in ngày xuân năm Ất Sửu (1985), thật hạnh phúc vì thầy và mẹ chẳng bỏ rơi đứa con gái mắc căn bệnh oái ác này là em. Ngày đó khi em mới bước sang tuổi mười ba, em thường cảm thấy đau đầu. Trong khi dọn dẹp căn nhà ba gian cùng các chị thì bất chợt cơn đau kéo tới quá nhanh và dữ dội. Trước khoảnh khắc mất đi cảm giác do đau đớn em dường như nghe thấy giọng cái Miến đang khoe về chiến lợi phẩm khi được xếp hàng đi chợ sắm tết cùng với mẹ. Khi thấy cái Bún nằm bất tỉnh trên sàn nhà làm từ đất sét lạnh lẽo giọng nó bất chợt trở nên run rẩy kèm theo đó là tiếng khóc đầy sợ hãi: "Chị Bún ơi, năm nay nhà chúng ta mua được hai cái quần đen, hai phong tiểu pháo.. Chị Bún, chị bị chi vậy? Hu.. hu.." Ngày đó em đã nằm mơ một giấc mộng. Trong giấc mộng ấy có tiếng cụ Hồ, có lời của các anh chị chiến sĩ, những thiên thần áo trắng và sau đó có cả tiếng của thầy cùng mẹ nữa: "Cái Bún, nó có khối u ở đầu.. Chắc con đau lắm mình ơi, nó còn quá nhỏ.." Giọng của mẹ sao buồn tới vậy? Khi đó thầy chẳng nói một lời chỉ lẳng lặng nhìn em. Dù không mở mắt nhưng Bún cảm nhận được dường như có rất nhiều ánh mắt đang tập trung trên người mình. "Khối u? À hình như mình bị bệnh, chắc có lẽ mình sẽ giống như con Mực khi bị ốm rồi sẽ được đưa về nơi thiên đàng như lời chị Tương nói phải không ta?" Dù mí mắt nặng trĩu, dù đôi môi lặng thinh chẳng thốt ra được lời nào. Nhưng khi ấy, cái Bún đủ tỉnh táo để suy nghĩ về ẩn ý đằng sau câu nói của mẹ. "Sắp tới thầy có công chuyện làm ăn trên tỉnh, chắc chẳng có tiền mua thuốc cho cái Bún.." Lời chị Theo nói với cái Nhiên chứa chan đầy nước mắt. Chắc cả nhà đang lo cho Bún lắm nhưng phải làm sao đây? Đến tiền để ăn gia đình em còn phải trăn trở huống chi là tiền chữa bệnh. Nếu muốn mổ khối u này nghe các cô bác sĩ nói rằng phải đưa em lên huyện vì trên ấy có đủ trang thiết bị y tế, có các bác sĩ lành nghề hơn nếu có vấn đề chi thì may sao còn chữa trị được kịp thời. Đó là một năm ăn tết đối với em giống như một bước ngoặt vĩ đại vậy. Ngày đó may sao thầy cùng mẹ chẳng bỏ rơi em. Đến nằm mơ em cũng chẳng ngờ người vậy mà vì em mà từ bỏ lỡ cả một chuyến công tác có thể kiếm ra rất nhiều tiền bạc, chuyến công tác ấy còn chính là cơ hội để gia đình em có một cái tết đầy đủ và trọn vẹn. Nghe thầy Nghĩa nói người đã phải đi vay tiền từ họ hàng để giúp em chữa bệnh. Người đàn ông tưởng chừng lòng tự trọng vô cùng cao lại vì em mà ngả đầu, người đàn ông luôn bận rộn đi "công chuyện" và luôn ở nhà bà cả, nhà bà hai. Người chẳng mấy khi về thăm mẹ lại yêu thương chúng em tới vậy. Đối với em, người là thầy giáo, là cha, là người mà suốt đời này em vẫn nợ.. Cái tết năm ấy đối với gia đình em, có lẽ là một cái tết đầy khó khăn nhưng lại vô cùng hạnh phúc vì chẳng vắng mặt một ai. Đêm ba mươi tết, thầy phải về nhà chính để đón tết cùng bà cả cùng các anh các chị. Nhưng sáng mồng một, một điều thần kỳ đã đem thầy qua nhà và ăn tết cùng chúng em. Có lẽ thầy vẫn lo cho vết thương trên đầu em sau khi mổ sẽ để lại di chứng. Nhưng có lẽ thầy không biết rằng, sự có mặt của thầy đối với riêng em mà nói nó chính là một liều thuốc giảm đau tốt nhất. Còn đối với cả gia đình thì nó chính là một ngày tết thực sự. Một cái tết vô cùng ấm cúng! ** Nếu không có một lần được đi lên tỉnh tham gia phong trào của đoàn thanh niên thì có lẽ cuộc sống của Bún vẫn cứ thế trôi qua như thường ngày. Giúp đỡ mẹ làm lụng, kiếm đồng tiền bát gạo, lo cho gia đình rồi sẽ lấy chồng sinh con, phụ chồng nuôi con.. Có lẽ do điều kiện gia đình thiếu thốn nên Bún từng có một ước muốn có thể tạo ra chiếc quần cái áo thật xinh đẹp để mẹ mặc dịp lễ, để các chị cùng cái Miến được diện đồ em làm lại chính là nhà có một chiếc máy may, là trở thành một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Mùa hè năm ấy, Bún vừa tròn mười tám tuổi, cái tuổi mà đủ để biết suy nghĩ và tự chịu trách nhiệm về việc mình quyết định làm. Ngày ấy, em đã nói với mẹ và thầy về ý định sẽ lên tỉnh học may. "Thầy, mẹ à Bún muốn lên tỉnh theo chị Hoa học. Chị ấy nói con có thiên phú trong nghề may đó ạ!" Bún cười và nói với hai người mà em vô cùng quý trọng. Thanh âm ấy vang lên trong giọng điệu dịu dàng, ngọt ngào của người thiếu nữ thôn quê. Giọng nói và ánh mắt sáng lấp lánh của em vẫn luôn hiện lên sự chờ mong. Và ánh mắt đó, nhìn mẹ thầy của Bún khi nói về ước mộng ấy nó chứa đựng một một thứ ánh sáng kỳ lạ. Đó không chỉ đơn giản là một cái nghề, là một công việc mà đó còn là mộng ước về tương lai của một thiếu nữ. Điều này cả thầy và mẹ em đều nhìn thấy. Họ nhìn nhau. Bầu không khí khi đó im lặng tới lạ thường, lúc này dường như em cũng cảm nhận được điều gì đó giọng em chợt trở nên cẩn thận và run rẩy: "Thầy mẹ.. cho Bún đi được không ạ?" "Chuyện này, để sau lại nói!" Thầy nói xong rồi bất chấp đứng dậy đi về "nhà". Còn mẹ thì nhìn Bún, Bún nhìn theo bóng lưng vững trãi đang khuất dần của thầy. "Đi nấu cơm thôi Bún.." Mẹ ngập ngừng và lờ đi, người giả vờ như không biết chuyện gì vừa xảy ra thấy khi cái Bún quay qua nhìn bà. Cái khoảnh khắc khi hai đôi mắt chạm nhau, Bún thấy được một thứ gì đó chợt léo sáng rồi trở nên đầy ảm đạm dù bà đã cố gắng che dấu. "Phải chăng người cũng từng có ước mơ gì đó chưa kịp thực hiện?" Bún suy nghĩ trong lòng một câu hỏi mà từ trước tới nay em chưa bao giờ nghĩ tới. Kể từ sau khi nhìn thấy thứ tia sáng kia ngày nào Bún cũng quấn lấy mẹ giống như một cái đuôi nhỏ để hỏi về ước mơ của người. Nhưng liệu người sẽ nói cho em biết sao? Đáp án chính là: "Tiên cha sư bố nhà cô, lo mà ngủ đi để tôi còn nghỉ ngơi." Mỗi lần Người nói như thế, Bún buồn lắm, em sợ làm phật lòng mẹ nên đành phải bỏ qua cái vấn đề ấy. Tay chân em nhẹ nhàng, chần chờ một chút rồi khẽ nói với mẹ: "Mẹ nghỉ ngơi xíu đi, con ra coi em Miến bảo gì, nãy em nó có gọi con." Sau khi Bún đi vào trong gian nhà ba gian được xây dựng từ gạch cùng đất sét không ngờ đâu đó lại vang vọng lên một câu nói thì thầm kèm tiếng thở dài mà chẳng ai nghe được. "Ước mơ hả, ai mà không có ước mơ hả con.." Nói rồi người đàn bà nhắm mắt và hồi tưởng về những hoài bão mà bản thân từng có trước khi về làm "vợ" cho thầy của cái Bún. Nói về Bún thì phải mất hơn một tuần sau em mới gặp lại thầy. Ông là một người đàn ông nghiêm nghị, ít nói lời dư thừa, cái tính ấy không ngờ lại di truyền cho chị Đa – một trong số những người chị gái của em. Hôm ấy, nhìn thầy thẫn thờ một cách kỳ lạ. Sau khi em nhắc lại câu chuyện hôm bữa, thầy bất chợt nhìn về phía chân trời, dường như thầy đang đấu tranh tư tưởng để đưa ra một quyết định mà đối với thầy, đối với em nó rất quan trọng. Em cũng theo cảm xúc của thầy mà tâm trạng trở nên đầy căng thẳng. "Hay là Bún lấy chồng đi, bên nhà thầy Nghĩa có cậu Hành, nó ưng mày lắm.." Tiếng của thầy dõng dạc vang lên đầy nghiêm túc trong cái khoảng không im lặng này. Em ngẩn người không thể tin được mà mở to đôi mắt nhìn thầy! "Lấy chồng? Cậu.. cậu Hành ạ?" Thanh âm dịu dàng của Bún vang lên, chứa đầy sự run rẩy không thể tin vào cái điều mình đã nghe. "Ừ, cậu Hành nhà thầy Nghĩa, tuy sức khỏe không được tốt nhưng mày gả qua đó, tha hồ mà có cơm ăn nước rót chẳng cần nghĩ suy." Không đợi em mở miệng thầy lạnh lùng nói: "Con gái không tài là phúc con à, học hành nhiều sau này có ích lợi gì đâu. Vẫn phải thờ chồng dạy con, vẫn phải lo chuyện bếp núc đó hay sao.." Lời thầy nói lúc này em đã chẳng thể nghe nổi nữa. Nó như tiếng sét bất chợt vang vọng lên trong tai, trong tâm của em. Bởi quá ngỡ ngàng vì câu nói ấy nên em chẳng thể nghe ra sự buồn bã đang cố kìm nén trong câu nói của Người. Em khom người bất lực cười khổ. Chuyện gì đây trời? Đây câu nói của người thầy mà em yêu thương nói ra sao? Sao người có thể bình tĩnh mà thốt ra câu nói như vây? Câu nói ấy khiến tim em đau quá! Cậu Hành? Cậu ấy không phải bị bệnh đã sắp không qua khỏi hay sao? Hàng ngàn, hàng vạn câu hỏi chợt toát ra trong tâm trí em lúc đó. Em bụm mặt cúi đầu khẽ lau đi giọt nước mắt, bất chợt nghĩ tới điều gì đó Bún ngẩn đầu nhìn thầy rồi đột nhiên khẽ cười. Nụ cười chứa chan đầy nước mắt, ánh mắt tuyệt vọng ấy khiến thầy Kiên chợt giật mình. Em hiểu rồi, vậy là người đang vứt bỏ em đấy sao? Vậy là em phải vứt bỏ ước mơ, bỏ đi thanh xuân của mình vì cái phận con gái này sao? Từ trước tới nay, em luôn tự hào vì mình là con gái của thầy của mẹ. Là người con gái được học hành nhiều nhất trong nhà. Cái Miến sinh sau em nhưng cũng vì bị người đời chê bai dè bỉu rằng "con gái học nhiều làm gì!" mà phải bỏ học vì tủi thân. Nó không nhu nhược như mọi người thường thấy, nó rất can đảm và mạnh mẽ mỗi khi đứng ra bảo vệ em. Nhưng chính vì lòng người mà cái Miến đã dần trở lên tự ti và yếu đuối. Em thương nó thật nhiều! Bởi vậy đó chính là lý do mà em muốn mình trở lên thật tài giỏi để họ được tự hào. Từ xưa tới nay, em bị người ta "đánh và tra tấn" bằng lời nói quá nhiều nhưng chưa lần nào em rơi một giọt lệ. Dù là một đứa con gái nhưng em đã đang phải gồng mình cố trở nên thật cứng cỏi. Nhưng lời nói của thầy ngày hôm đó nó như con dao găm đâm sâu vào trong thâm tâm em. Vết thương chảy máu đầm đìa rồi ai sẽ là người khâu nó lại? Ai đưa em đi phẫu thuật như ngày em mười ba tuổi? Nghĩ tới đó nước mắt của em lại rơi nhiều hơn. Giọt nước mắt nóng hổi, thấm đẫm lăn dài trên khuôn mặt em. Nó rơi vì tức tới phát khóc hay đó là giọt nước mắt cam chịu vì cái cuộc đời đầy rẫy bất công thì em chẳng biết được. Và cũng chẳng ngoan cố muốn biết! Lần đầu tiên trong đời, em khóc vì phận con gái, em hận vì mình mang cái kiếp đàn bà. Là em ích kỷ, lì lợm hay mạnh mẽ đây? Cả ngày hôm đấy Bún không nói một lời, thầy đi hồi nào em cũng không biết. Cả nhà khuyên gì em cũng chẳng để ý. Ngày tháng sau đó lại tiếp tục trôi qua một cách bình bình đạm đạm. Ấy vậy mà, chẳng ai lại có thể ngờ một người con gái ngoan ngoãn, dịu dàng luôn nghe lời thầy mẹ như cái Bún lại có thể làm một việc mà chẳng ai ngờ tới. "Bà biết gì chưa? Cái Bún nhà thầy Kiên bỏ nhà theo giai rồi!" "Ai bảo bà thế! Tôi nghe nói nó ăn trộm đồ bị thầy Kiên thấy nên đuổi ra khỏi nhà mà.." "Đúng là nuôi tốn cơm tốn gạo mà.." Họ nói em bỏ nhà theo trai, họ nói em hư hỏng. Họ nói sinh con gái ra cũng giống như những con vịt trời, cho nó ăn, nuôi nó lớn nó lại bỏ mình mà đi. Đúng là con người mà. Họ luôn "hóng" những câu chuyện nhà người khác để đem nó ra làm niềm vui cho những câu chuyện của mình. Họ chế nhạo những nhân vật chính ấy. Họ tài giỏi tới mức có thể biến những câu chuyện từ không có thành có, từ không phải sự thật thành những câu chuyện mà ai cũng bảo là sự thật rồi lan truyền nó đi một cách nhanh chóng và rộng rãi. Họ chẳng mấy khi suy nghĩ về hậu quả của những lời nói ấy. Và.. sự thật, họ coi đó là một điều hiển nhiên. Trên một chuyến xe đang bon bon trên một con đường dài, đó có phải là con đường đúng hay không thì Bún cũng chẳng biết nữa. Nhưng nếu có thể lựa chọn được làm lại lần nữa, Bún nghĩ chắc chắn sẽ đi theo con đường này. Nhìn qua lớp cửa sổ của xe, em ngẩn ngơ nghĩ trong đầu đó là cái ngày chị Hoa qua nhà em chơi. Chị biết chuyện của em, chị thông cảm và chia sẻ rất nhiều điều. Nhìn những mảnh vải trong tay của chị, nghe những lời tâm sự về thành tích mà chị đạt được từ cái nghề ấy. Một lần nữa khát khao trong em được cháy lên, nó lớn hơn bao giờ hết. Em quyết định Nam tiến. Em quyết định theo đuổi đam mê của mình. Em sẽ không nhu nhu nhược nhược để cuộc đời mình dựa trên sự sắp đặt của bất kỳ ai. Em muốn làm chủ cuộc đời mình. Dù điều ấy khiến thầy và mẹ buồn thì xin họ cho phép em được ích kỉ một lần, cho em được phép sống vì chính bản thân. Khi Bún nói với mẹ về ý nghĩ của mình, bà nhìn em thật lâu rồi bỏ vào gian nhà. Bún bất lực cười trừ một cái. Em thua rồi, em đánh cuộc rằng mẹ sẽ chiều chuộng em lần này nhưng có lẽ em sai rồi! Khi em thất vọng và buông xuôi, thì bất chợt có những thứ gì đó được nhét vào tay em. "Cầm lấy, tao chỉ có ngần này tiền thôi. Mày quyết định theo đuổi đam mê, mày không hối hận thì làm đi. Sau này thất bại, thua lỗ hay gì đó thì lại về với mẹ. Còn thầy mày thì kệ ổng, ổng thương mày sợ mày chịu thiệt nên mới nói vậy chứ tao thấy thầy mày chưa đồng ý với thầy Nghĩa đâu." Giọng mẹ vẫn vậy, nó luôn là ngọn lửa ấm áp sưởi ấm cho em mỗi khi giá lạnh. Nghe mẹ nói em lại khóc, lần này đó là ngọt nước mắt hạnh phúc. Em nghĩ sai rồi, nếu có một người không thương em, người đó chắc chắn không phải là mẹ, không phải là thầy. "Gắng học tập chăm chỉ, giữ gìn sức khỏe mà thực hiện ước mơ thay mẹ nhé Bún!" Đó là câu nói cuối cùng khi mẹ tiễn em đi. Mẹ duỗi tay ôm em. Cái ôm ấy như tiếp thêm rất nhiều động lực cho em. Lần này mẹ giấu thầy giúp em. "Không biết liệu thầy có la mắng mẹ không? Hi vọng sẽ là không. Không biết thầy có lo lắng cho mình không? Chắc là.." Về phần thầy Kiên người dần trở lên im lặng hơn bao giờ hết. Cái ngày biết tin, đúng là ông có nổi nóng la mắng mẹ con nhà Bún. Nhưng có chỉ là những giây phút mất kiểm soát vì lo lắng. Một người đàn ông như ông không thật không phải là một người chồng, người thầy tốt. "Thầy thực sự hối hận rồi Bún à.." Chuyến xe ấy cứ thế tiếp tục đi. Nó chở theo hoài bão của em, cũng mang theo ước mơ của mẹ. Không ai biết em tới đâu, cũng chẳng ai biết em đã làm gì. Lâu lâu lại có người bàn tán tới em, có người nói em vong ân phụ nghĩa, là đứa con gái chẳng ra gì, hư hỏng nhưng cũng có người lên tiếng bảo vệ em. Mãi cho tới sáu năm sau, người ta thấy em cười rạng rỡ hạnh phúc dẫn theo một đứa nhỏ tầm ba tuổi cùng một người đàn ông về thăm quê. Do thấy Bún bước xuống từ một chiếc xe máy khá sang trọng nên họ lại tiếp tục đồn thổi rì rầm với nhau về gia đình nhỏ kia của em. Nhưng điều ấy dù có tới tai người đàn ông của Bún thì cũng chẳng thể làm rạn nứt đi thứ tình cảm này. Vì khi yêu, em cùng anh ấy trao chọn cả con tim và lòng tin cho nhau. Có người biết rõ câu chuyện thì nói xem ra em đã đánh mất đi ước mơ. Nhưng họ không biết một điều đó là em vẫn chưa từ bỏ ước mơ kia, chỉ là em tạm gác nó lại để vun đắp ước mơ mới. Một ước mơ thiêng liêng của người mẹ, ước mơ chân thành của một người vợ, một ước mơ cho gia đình. "Hi vọng mỗi người trong gia đình đều khỏe mạnh, hạnh phúc!" Phải chăng Bún đã thay đổi ước mơ? Ai mà đoán trước được tương lai sau này sẽ ra sao chứ. * * * "Hãy bỏ qua quá khứ, sống cho hiện tại và nghĩ về tương lai." Đó là lời mà mẹ hay nói với tôi, còn kia chỉ là một phần của câu chuyện mà các già, các dì tôi kể cho tôi nghe về mẹ. Người phụ nữ tưởng chừng như yếu đuối, mong manh nhưng mang trong mình một tinh thần gan dạ, quả cảm. Tôi thực sự không biết phải có bao nhiêu thất vọng, bao nhiêu can đảm mới có thể rời bỏ nhà, bỏ ông bà ngoại, bỏ lại cả mảnh đất tuổi thơ để ra đi tới một miền đất khác? Rồi khi bước vào đời, tôi không biết những giọt nước mắt đã rơi vào mỗi đêm của mẹ khi nhớ quê hương xứ sở là bao nhiêu. Có lẽ tôi chẳng thể đếm được và cũng không bao giờ đếm được. Tôi cũng không thể tưởng tượng ra cảnh một người con gái vừa chỉ vừa mười tám tuổi phải sống xa nhà sẽ có bao nhiêu khó khăn. Khi đối mặt với những lời đàm tiếu người đã buồn ra sao. Người thiếu nữ ấy phải lặn lội ngược xuôi vì theo đuổi ước mơ mà chịu thương chịu khó vất vả tới bao nhiêu. Để rồi giờ đây, người nhận lại được gì? Là quãng ngày lo cơm áo gạo tiền? Là những ngày ngược xuôi kiếm từng đồng từng cắt để mưu sinh. Và thứ người nhận được còn là một gia đình hạnh phúc. Một người chồng mãi luôn yêu thương và tin tưởng, là những đứa con hiếu thuận, thông minh. Chắc chắn không một ai muốn cuộc sống gói gọn với căn bếp núc, không ai muốn mình đặt mình ở phía sau lưng một ai khác cả. Ai mà chẳng muốn có thể làm chủ cuộc đời mình. Chỉ là cái thời ấy người ta quan niệm rằng phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh. Phụ nữ lấy về để sinh con đẻ cái, phải đứng sau lưng làm hậu phương cho người đàn ông, phải lo việc gia đình, lo việc bếp núc, phải chăm con dạy cái. Còn đàn ông sẽ là người bước ra ngoài kiếm tiền là những điều hiển nhiên. Cái thời đó quá bất công với người phụ nữ. Không biết đã có bao nhiêu người phải từ bỏ đam mê, từ bỏ một đoạn tình cảm, thậm chí từ bỏ cả mạng sống chỉ vì những thứ được coi là "truyền thống", là "gia quy". Tôi từng nghe đâu đó câu nói "có một số nơi rất lạnh nhưng sao lạnh bằng lòng người?". Câu nói ấy là đúng hay sai? ** Tôi nhớ có lần vào một vụ mùa, vì năm ấy thuận buồm xuôi gió nên cuối mùa thu hoạch được rất nhiều thóc. Nhìn hình ảnh mọi người vác từng bao thóc mà lòng tôi háo hức muốn khiêng giúp mẹ bao thóc. Nhưng một đứa con gái chân yếu tay mềm, được nuông chiều từ nhỏ như tôi thì làm sao mà khiêng được. Nó quá nặng, còn sức tôi thì quá yếu. Cái cảm giác khi đó có thể nói là bất lực, thậm trí tôi đã bật khóc vì sự yếu đuối của bản thân. Vậy mà người phụ nữ ấy lại có thể làm được, người gánh vác cho tôi biết bao khó khăn. Mẹ cùng bố và cả em trai cổ vũ và hỗ trợ giúp tôi cùng nhau khiêng bao thóc ấy. Thật hạnh phúc vì tôi là con của họ! Chính vì vậy nên tôi lại càng thêm yêu thương những người phụ nữ mà tôi hết lòng quý trọng. Tôi hi vọng bản thân nhanh chóng trưởng thành để kiếm thật nhiều tiền phụng dưỡng các bậc sinh thành, mặc dù điều ấy họ chẳng cần. Tôi biết họ có đủ tài chính nhưng vì sao họ không dùng nó cho bản thân? Tôi biết họ có vài đam mê tại sao họ không tiếp tục làm? Và tôi cũng biết điều họ cần và quan tâm nhất chính là tôi. Nhưng tôi hi vọng họ mỗi khi mua đồ có thể không cần phải mặc cả, không cần nhìn giá. Tôi muốn mình đủ quyền lực để họ chẳng cần nhìn sắc mặt ai mà thay đổi ý định ban đầu. Tôi mong muốn họ có thể ăn những món ăn mình thích, làm những điều mà bản thân họ chưa từng làm được trước kia và chẳng hề hối tiếc vì nó. Tôi hi vọng có thể đưa họ đi chơi đó đây để mở rộng tầm nhìn. Tôi muốn họ có thể cảm nhận được cuộc sống và thế giới của thế hệ chúng tôi. Tự do, hạnh phúc, độc lập tài chính.. Và quan trọng hơn đó là phân biệt giới tính đã không còn quá khắt khe. Tôi hi vọng họ không cần vì tôi mà vất vả làm lụm. Tôi khát khao có thể thay thế họ gồng gánh những điều mà họ cố che dấu! Vậy còn bạn? Bạn biết ước mơ của họ là gì không? -Hết- 08/03/2022 - Ngọc Thiền Sầu-
Sầu ơi Sầu! Cái truyện của em làm chị sầu quá Đọc xong thấy thương mẹ mình nhiều hơn❤️ Ờ chị đọc xong rồi, giờ chị phát biểu cảm tưởng nhen! Thứ nhất: Nội dung em viết không phải truyện, nó là tản văn nhen. Vì truyện ngắn nó cần một cốt truyện cụ thể. Những nhân vật em đề cập trong bài cứ quanh đi quẩn lại vẫn là do cảm xúc của em chi phối. Em nghĩ đó là truyện nhưng cách em dẫn dắt lại không cấu thành truyện. Nó như một bài tản văn hoặc đơn giản là một câu chuyện đời thôi em ợ^^ Thứ 2: Phần ngôi kể Phần đầu bài viết em dùng ngôi thứ nhất (Tôi) để nói với ngôi thứ hai (cậu, mẹ). Chị trích ra nhé: Cậu có biết ước mơ của người phụ nữ mà cụ thể là người mẹ, là người bà trong gia đình mình là gì không? Thú thật thì tôi cũng không biết quá rõ về nó! Phải chăng tôi là một người vô tâm? Vì ước mơ của những người thân quen với mình vậy mà mình chẳng hay chẳng biết? Nhiều lần tôi cũng từng tự hỏi và cũng muốn mở miệng hỏi nhưng cậu biết câu trả lời là gì không? => Cái từ cậu ở đây hiểu là bạn á. Xuống câu tiếp: "Úi dồi, bọn mày cứ hỏi mấy cái vớ vẩn ấy làm chi? Lo mà học hành chăm chỉ, cố gắng kiếm cái bằng đại học. Sau này đừng làm phận công nhân như tao với bố mẹ mày, như vậy là được rồi.. ước với chả mơ." Bà từng đã nói. => Tới đây lại hiểu là ám chỉ ông cậu nói. Nghĩa là ý ở trên là từ cậu không phải bạn, mà là nói người cậu. => "Như tao với bố mẹ mày" Xong gặp ngay câu: Bà từng đã nói. => Vậy ra câu: "Úi dồi, bọn mày cứ hỏi mấy cái vớ vẩn ấy làm chi? Lo mà học hành chăm chỉ, cố gắng kiếm cái bằng đại học. Sau này đừng làm phận công nhân như tao với bố mẹ mày, như vậy là được rồi.. ước với chả mơ." Bà từng nói. => Là do mẹ nói thì ngay chỗ: Sau này đừng làm phận công nhân như tao với bố mẹ mày, như vậy là được rồi.. ước với chả mơ. "Bà từng nói. => Phải sửa là: Sau này đừng làm phận công nhân như tao với bố mày, như vậy là được rồi.. ước với chả mơ." Bà từng nói. => Như tao với bố mày: Mẹ phải nói thế chứ nhỉ! Dư chữ "mẹ" rồi. => Vậy là em bị lộn ngôi kể rồi Sầu ơi. Em phải xác định lại nhân vật là do ai nói. Thứ ba: Em dùng từ Người để ám chỉ mẹ, sau đó thì lại thành ám chỉ luôn thân phận người phụ nữ. Vấn đề đặt ra là chữ Người em viết hoa. Mà em có biết chữ Người viết hoa khi ở Việt Nam mình là nói ai không? Đây không phải trong văn bản quy định nhưng nó là luật bất thành văn: Người là nói Bác Hồ đó. Thậm chí có giai thoại người ta cũng nói về chủ tịch Tôn Đức Thắng (Bác Tôn). Vậy nên không phải cứ tùy tiện viết hoa nha haha. Thứ tư: Từ đoạn này trở đi bắt đầu là truyện: Ngày ấy tại một làng quê ở miền Bắc có một người con gái xinh đẹp, đảm đang. Người thiếu nữ ấy là người con gái thứ chín trong một gia đình đông con. Em ấy tên Nguyễn Thị Bún. Một người con gái dịu dàng nhưng mang trong mình một sức lực to lớn. Năng lượng đó chính là gia đình. Bún của lúc bấy giờ là một bông hoa chớm nở, e ấp đầy mơ mộng về hiện tại và tương lai. Dù mạnh mẽ nhưng giống những người thiếu nữ khác, em cũng thích diện đồ bông, thích đi chơi và ca hát tụ họp với bạn đồng trang lứa. Em thích nghề may, đó là đam mê của em. Người thiếu nữ ấy là liên đội trưởng của đoàn thanh niên trong xã, là người con gái mẫu mực mà các anh muốn lấy về làm vợ. Và em.. còn là một "con vịt trời" trong mắt mẹ thầy.. => Bắt đầu từ đây, Sầu dùng ngôi thứ ba kể (Em). Phần đầu kể ngôi thứ nhất, phần giữa kể ngôi thứ ba. Hết hồn chưa phần cuối quay về ngôi thứ nhất. Câu chuyện giống như có ba mảng ráp lại nhưng mà thiếu keo nên nó không có dính, để dưới bàn thì có vẻ dính nhưng cầm lên thì miếng nào ra miếng đó Thứ 5: Thôi giờ mình nói phần truyện đi, phần giữa á! Hai phần kia như tản văn thì thôi cứ vậy đi, toàn cảm xúc chân thành không hà. Câu chuyện về em Bún dài quá, chủ yếu là kể, mà kể thì nó lại dễ gây ngán. Vì câu chuyện không theo lối tự nhiên. Mặc dù bản thân ngôi thứ ba thì ưu điểm hơn ngôi thứ nhất rất nhiều. Sầu kể nhiều quá, đâm ra lượng thông tin quá lớn. Tác phẩm bị lan man dài dòng, trong khi truyện ngắn phải cô đọng súc tích. Như cách em truyền tải thì rõ ràng em có quá nhiều cảm xúc khi viết bài này. Đọc vào nó vô cùng chân thật. Nói là vậy, nhưng em phải sử dụng từ ngữ sao cho đọc vào người ta thấm thía tới tận mây xanh luôn chứ mình nói nhiều quá đâm ra câu chuyện bị dài hơi^^ Như vầy nhá, tưởng tượng tác phẩm này là một bài hát. Ví dụ bài: Trên đồng lúa vàng Trên đồng lúa vàng, một bầу sơn ca Trên đồng lúa vàng, chỉ mình đôi ta Ϲhỉ mình đôi ta, nhìn mâу mâу ngập ngừng Nhìn chim chim ngại ngùng, mình nhìn nhau, nhìn được lòng thẹn thùng trên má đôi má em hồng hồng. => Phần đầu của truyện [..] Ta уêu nhau trên đồng lúa vàng Ta quen nhau ngàу lúa còn xanh Ta quen nhau khi bầу én lượn, đôi cò nào hạ cánh vu vơ Ta уêu nhau khi ngọn lúa vàng, ngọn gió chiều quạt mát đưa ru => Điệp khúc xem như phần giữa (câu chuyện về Bún) Trên đồng lúa vàng, ngọt ngào hương thơm, thơm mùi lúa vàng, là mùi quê hương, là mùi уêu đương, mùi thơm thơm dạt dào, mùi thơm thơm ngọt ngào Người tình ơi tình của mình còn mùi thơm đó trên tóc em bồng bềnh. => Phần cuối truyện. => Vậy thì cái điệp khúc là phần nhấn nhá quan trọng cho bài hát, tương tự phần giữa truyện ngắn, cái phần mà tình huống truyện bắt đầu dâng lên đỉnh điểm. Khúc này em không có rồi. Thế nên nếu nhìn tổng thể, câu chuyện em viết nó bị dông dài, mặc dù cái ý nghĩa thì rất lớn. Kinh nghiệm rút ra là: Trước khi đặt bút viết, em gạch đầu dòng các phần trọng tâm em sẽ đề cập. Xong sau đó, em triển khai để câu chuyện theo đúng định hướng, tránh lạc đề. Truyện ngắn bản chất không thiếu không thừa. Nó phải đủ. Chi tiết mất đi là câu chuyện khác liền, chi tiết thừa lại làm độc giả hoang mang bởi bị bỏ ngỏ. Nhìn chung, tác phẩm vô cùng ý nghĩa. Em chỉ cần điều chỉnh, gộp nội dung lại cho hoàn hảo là ok nha em^^
Chồi ôi chị ơi, chị nhận xét chuẩn lắm á! Vào buổi đêm hôm em viết phải công nhận là em bị cảm xúc chi phối rất nhiều. Có đoạn viết nhập tâm vào nhân vật quá, em ngồi em khóc hu hu tới mức mấy đứa bạn cùng phòng tưởng em bị sao luôn Quay lại với những góp ý của chị, em có suy nghĩ thế này: Cái phần thứ 2 ấy ạ, đoạn: => Là do mẹ nói thì ngay chỗ: Sau này đừng làm phận công nhân như tao với bố mẹ mày, như vậy là được rồi.. ước với chả mơ. "Bà từng nói. => Phải sửa là: Sau này đừng làm phận công nhân như tao với bố mày, như vậy là được rồi.. ước với chả mơ." Bà từng nói. "Bà" ở đây, ý của em là bà nội. Sau khi đã trích lời của người bà thì em có trích thêm một câu nói của người mẹ đó là => "Đời công nhân khổ lắm con ơi.." Cho nên: "Như tao với bố mẹ mày, như vậy là được rồi" => tao ở câu này là em đang ám chỉ người bà nói với người cháu. Còn những góp ý còn lại thì em hoàn toàn đồng ý là do bản thân em viết chưa tốt, nó hơi dài dòng và có nhiều đoạn chưa liên kết với nhau.. Em sẽ đọc lại và điều chỉnh cho câu chuyện hợp lý hơn. ^^ Qua đây, Sầu cũng được gửi lời cảm ơn chân thành tới chị @Tiên Phan yêu dấu vì đã dành thời gian để đọc và đưa ra những lời nhận xét công tâm. Sầu trân trọng và biết ơn chị nhiều lắm huhuh (Tự dưng em cảm động ngang) Nói chung là em muốn gửi tới chị lời cảm ơn kèm theo đó tình yêu to bự của em Chúc chị buổi tối vui vẻ
Thánh thần ơi, sao hồi đầu không viết là bà nội đi bé. Làm chị suy diễn cái này do ông cậu hay mẹ nói haha
Hôm nay được chị nhận xét, em mới vỡ lẽ ra câu chuyện này còn có thể đọc và hiểu theo các khía cạnh khác nhau nà hahahah