VÀI NÉT VỀ NGUYỄN TRÃI (1380-1442) Ngyễn Trãi (阮廌) hiệu là Ức Trai (抑齋) . Tiên sinh người xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là phủ Thường Tín, Hà Đông). Năm 21 tuổi (1400) ông thi đậu Thái-Học sinh (tương đương Tiến Sĩ các thời trước) năm đầu đời Hồ Quý Ly (niên hiệu Thánh Nguyên) được bổ làm Ngự sử đài chính chưởng. Cha ông là Nguyễn Ứng Long hiệu là Nhị Khê, sau đổi là Nguyễn Phi Khanh, là một nho sinh học giỏi được quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán mời dạy trong tư dinh rồi kết hôn với Trần Thị Thái, con gái thứ ba của hoàng thân nhà Trần này. Khi nhà Minh thôn tính nước ta, bắt những người tài giỏi sang Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Phi Khanh, ông theo lời cha lo việc phục thù, giúp nước. Ông từng bị quân Trương Phụ bắt đưa về thành Đông Quan (tức Thăng Long) sau được tha và tìm cách vào Lam Sơn (Thanh Hóa – 1418) giúp Lê Lợi mười năm khởi nghĩa chống quân Minh. Nguyễn Trãi là một nhà mưu lược và giỏi chính trị trong việc lập kế sách, vận động quân sĩ, đấu trí với quân xâm lược. Khi Lê Lợi lên ngôi lấy hiệu là Lê Thái Tổ (1428), nhờ công lớn, ông được đổi theo họ nhà vua là Lê Trãi, được phong tước Quan Phục Hầu và làm quan Nhập nội hành khiển (Tể tướng). Năm 1429, tướng Trần Nguyên Hãn, anh em bên ngoại của ông, đang là Thượng thư Bộ Binh bị Lê Thái Tổ nghi ngờ làm phản bắt phải tự vẫn. Nguyễn Trãi bị bắt giam, sau được trả tự do nhưng bị thất sủng. Năm 1439 (60 tuổi) ông xin về trí sĩ ở Côn Sơn, nơi ông ngoại mình là Trần Nguyên Đán từng ở ẩn. Khi Lê Thái Tông trưởng thành nắm lại quyền vua từ tay phụ chính chuyên quyền là Lê Sát, ông theo lời mời của vua ra giúp nước. Nhưng Lê Thái Tông là một ông vua đam mê tửu sắc, không quan tâm lo lắng việc nước, nên Nguyễn Trãi một lần nữa xin về trí sĩ ở Côn Sơn. Dầu vậy, năm sau, vua lại triệu ông về giữ chức giám sát vùng Đông Bắc và được lấy Côn Sơn làm dinh. Năm 1442, Lê Thái Tông đi tuần thú vùng Chí Linh, có một người thiếp xinh đẹp của Nguyễn Trãi là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Khi nghỉ đêm ở Lệ Chi viên, Lê Thái Tông bị bệnh và mất tại đây. Triều đình do hoàng hậu Nguyễn Thị Anh nắm giữ, vì thù ghét Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã cứu cung phi Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao (là mẹ của vua Lê Thánh Tông sau này) thoát tội chết nên đã làm án vu cho hai người tội âm mưu giết vua phải "tru di tam tộc". Ông mất vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm-Tuất (19-9-1442) thọ 63 tuổi. Năm 1464, Lê Thánh Tông khi nắm quyền bính đã thấy rõ nỗi oan của ông nên xuống chiếu giải oan và truy tặng chức Vinh Lộc Đại Phu, tước Tế Văn Hầu. * * * Nguyễn Trãi không những là một người giỏi chính trị, quân sự, ngoại giao mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận xuất chúng nữa. Tiếc thay, văn thơ của ông sau vụ án Lệ Chi viên đã bị thất lạc rất nhiều. Mãi đến những năm thời Minh Mạng, Tự Đức triều Nguyễn (tức gần 400 năm sau khi ông mất), các ông Dương Bá Cung, Nguyễn Định và Ngô Thế Vinh mới sưu tập và khảo chính được các văn thơ còn lại của Nguyễn Trãi tập họp thành bộ ỨC TRAI DI TẬP cho khắc in vào năm 1868.
1. Đề Lư Thị Gia Phả (Đề Gia Phả Họ Lư) Bấm để xem Phiên âm Tích khánh nguyên lai tự hữu ky (cơ), Súc hoành phát cự khả tiên tri. Thi thư tuấn trạch phương du viễn, Trung hiếu truyền gia huấn vĩnh di. Thủy mộc tất tòng nguyên bản thỉ, Hoàng kim hà dụng tử tôn di. Phần hương nhất độc công gia phổ, Túc túc linh nhân khởi kính ti (tư). Dịch nghĩa Giữ được phước trước nay vẫn có nguồn gốc, nguyên do Phước dày lớn phát ra có thể đoán trước được Nền thì thư thấm nhuần, hương thơm vượt xa Sự trung hiếu gia truyền còn lại mãi mãi Nước và cây hẳn phải từ cội nguồn đầu tiên Bạc vàng lưu lại cho con cháu để làm gì? Khi đốt hương đọc gia phổ của ngài Khiến lòng cung kính của con người (tôi) khởi dậy. Dịch thơ Giữ phước nề xưa, chuyện rõ thay Tiên tri đoán trúng đức cao dày Thi thư nhuần thấm gần xa khắp Trung hiếu lưu truyền xưa đến nay Cây, nước, cội nguồn đều hẳn có Bạc, vàng, di sản thảy đâu hay? Đốt hương giờ đọc trang gia phổ Cảm mộ ngài xưa, kính tỏ bày.
2. Lam Quan Hoài Cổ (Nhớ Lam Quan Xưa) Bấm để xem Phiên âm Hành tận thiên sơn dữ vạn sơn, Sóc phong suy khởi mãn Lam Quan. Quân vương tằng thử tư trung gián, Chướng hải dao quan thất mã hoàn. Dịch nghĩa Đi mãi tận nghìn non vạn núi Ngọn núi bắc nổi lên khắp ải Lam Quan Vì vua thời ấy chẳng nghe lời can gián của kẻ trung Từng có cảnh con ngựa không người cưỡi trở về từ quan ải xa và vùng biển độc địa. Dịch thơ Nghìn non vạn núi, vượt muôn trùng Gió bắc trùm quan ải lạnh lùng Thuở ấy lời trung vua hiểu thấu Thì đâu tủi bóng ngựa về không?
3. Tặng Khổng, Nhan, Mạnh Tam Thị Tử Tôn Giáo Thụ Thái Bình (Tặng Con Cháu Ba Họ Khổng, Nhan, Mạnh Dạy Học Ở Thái Bình) Bấm để xem Phiên âm Nhân sinh thập lự cửu thường quai, Thịnh thế thùy tri hữu khí tài. Pha lão tích tằng Đam Nhĩ khứ, Trường Canh diệc hướng Dạ Lang lai. Văn chương tự cổ đa vi lụy, Thi tửu tòng kim thả phóng hoài. Hội đãi kim kê khai xá nhật, Ngũ vân thâm xứ đổ Bồng Lai. Dịch nghĩa Sinh ra ở đời, tính mười điều thường sai đến chín Buổi thịnh ai biết được chuyện bỏ sót (quên) kẻ tài năng Pha lão xưa từng đi đày tại Đam Nhĩ Trường Canh cũng đã phải đến vùng Dạ Lang Từ xưa văn chương vốn gây nhiều hệ lụy Nay ta lại càng trở lại với thơ rượu Chờ mong ngày mở hội đại xá kim kê Tại xứ ngũ vân xa thẳm thấy cảnh Bồng Lai Dịch thơ Đời sao mười tính chín khôn thành Lúc vượng nhân tài bị yểm danh Phu lão từng đi vùng Đam Nhĩ Dạ Lang đà đón gót Trường Canh Văn chương vạn thuở thường gây lụy Thơ rượu từ nay tự giải mình Ân xá mãi chờ khi mở hội Năm mây vời thấy cảnh bồng doanh. Khổng Tử, Nhan Uyên và Mạnh Tử, ba bậc thánh hiền của đạo Nho Trung Quốc.
4. Thính Vũ (Nghe Mưa) Bấm để xem Phiên âm Tịch mịch u trai lý, Chung tiêu thính vũ thanh. Tiêu hao kinh khách chẩm! Điểm trích sổ tàn canh. Cách trúc xao song mật, Hòa chung nhập mộng thanh. Ngâm dư hồn bất mị, Đoạn tục đáo thiên minh. Dịch nghĩa Vắng vẻ trong phòng tối tăm, Suốt đêm nghe tiếng trời mưa. Tiếng não nùng làm kinh động gối khách, Giọt thánh thót suốt mấy canh tàn. Cách bụi trúc tiếng khua nhặt vào cửa sổ, Lẫn tiếng chuông vẳng vào giấc mơ nhẹ nhàng. Ngâm rồi vẫn không ngủ được, Nghe đứt nối cho đến trời bình minh. Dịch thơ Vò võ trai phòng vắng, Suốt đêm nghe tiếng mưa. Não nùng rung gối khách, Thánh thót mấy canh dư. Cách trúc khua song nhặt, Hòa chuông động giấc mơ. Ngâm rồi vẫn chẳng ngủ, Đứt nối đến tờ mờ.
5. Tặng hữu nhân (Tặng bạn) Bấm để xem Phiên âm Bần, bệnh dư liên nhữ, Sơ cuồng, nhữ tự dư. Ðồng vi thiên lý khách, Câu độc sổ hàng thư. Hồ lạc tri hà dụng, Thê trì lượng hữu dư. Tha niên Nhị (Nhụy) Khê ước, Ðoản lạp hạ xuân sừ. Dịch nghĩa Tôi thương anh nghèo mà có bệnh, Và anh cũng giống tôi tính ngang tàng. Cũng là khách ngàn dặm như nhau, Và cũng đã từng đọc mấy hàng chữ sách. Hai ta như quả bầu rỗng biết làm được gì đây Nhưng rong chơi thì lại có thừa Chúng ta đã hẹn nhau nơi Nhị Khê này, Cùng đội nón cùng bừa buổi xuân sang. Dịch thơ Nghèo ốm ta thương bạn, Ngông cuồng bạn giống ta. Cùng xiêu nơi lạ lẫm, Đều đọc sách dăm ba. Nông nổi dùng chi được, Nhởn nhơ thạo quá mà. Nhụy Khê năm khác hẹn, Nón chụp cuốc xuân nhà
6. Thôn xá thu châm (Tiếng chày thu nện vải trên sông) Bấm để xem Phiên âm Mãn giang hà xứ hưởng đông đinh, Dạ nguyệt thiên kinh cửu khách tình. Nhất chủng Tiêu quan chinh phụ oán, Tổng tương ly hận nhập thu thanh. Dịch nghĩa Từ đâu vẳng đến khắp sông tiếng nện thình thình? Trong đêm qua làm kinh động lòng khách trú lâu ngày ở đây (Như) một nỗi ta thán của người chinh phụ có chồng đang ở chốn Tiêu quan Cả một niềm ly hận như thấm vào tiếng thu. Dịch thơ Tiếng chày đâu dội khắp trên sông Xa xứ đêm trăng khách chạnh lòng Hay ải Tiêu quan chinh phụ khóc Tiếng thu lời ly hận hòa chung?
7. Loạn hậu cảm tác (Tàn tặc cảm tác) Bấm để xem Phiên âm Thần châu nhất tự khởi can qua, Vạn tính ngao ngao khả nại hà. Tử Mỹ cô trung Đường nhật nguyệt, Bá Nhân song lệ Tấn sơn hà. Niên lai biến cố xâm nhân lão, Thu việt tha hương cảm khách đa. Tạp tải hư danh an dụng xứ, Hồi đầu vạn sự phó Nam Kha. Dịch nghĩa Từ khi xẩy ra chiến tranh trên đất tổ (Thần châu) Muôn dân rên xiết, chẳng biết làm sao được Tử Mỹ giữ lòng trung một mình với nhà Đường qua ngày tháng Bá Nhân buồn cho sơn hà nhà Tấn Mấy năm lại đây biến cố khiến cho người chóng già hơn Trải qua mùa thu nơi đất khách khá nhiều cảm xúc Ba chục năm hư danh có dùng được gì? Quay đầu lại, vạn sự phó cho giấc mộng Nam Kha Dịch thơ Thần Châu từ độ nổi can qua Lầm cát nhân dân chốn chốn nao Tử Mỹ lo Đường lòng quặn héo Bá Nhân thương Tấn lệ tuôn trào Già người: Đời tiếp tang thương đến Não khách: Thu đưa cảm hận vào Ba chục năm trời danh tiếng hão Ngoảnh đầu muôn việc tựa chiêm bao.
8. Ký cữu Dịch Trai Trần Công (Thơ gửi cậu Dịch Trai Trần Công) Bấm để xem Phiên âm Binh dư thân thích bán ly linh, Vạn tử tàn khu ngẫu nhất sinh. Vãng sự không thành Hoè quốc mộng, Biệt hoài thùy tả Vị dương tình. Bất lai tự nghĩ đồng Vương Thức, Tỵ loạn chung đương học Quản Ninh. Dục vấn tương tư sầu biệt xứ, Cô trai phong vũ dạ tam canh. Dịch nghĩa Sau chiến tranh bà con bị điêu linh hết phân nửa Cả vạn lần suýt chết, may còn thân này sống sót Việc xưa cũ thành như giấc mộng xứ Hoè Xa nhau thương nhớ, ai tả được mối tình Vị Dương? Không đến được, tưởng cũng giống như Vương Thức Chung qui, nên bắt chước Quản Ninh đi tị loạn Muốn tự hỏi lại mối sầu tương tư của mình Trong lòng cô quạnh, (bên ngoài) mưa gió suốt ba canh. Dịch thơ Sau loạn, bà con mất nửa phần Nạn nhiều, sống sót, quả thiên ân Chuyện qua nào khác mơ Hòe quốc Đất Vị đành đau nỗi cách phân Vương Thức từng ngưng lời trực gián Quản Ninh đà dạy chước an thân Mối sầu tự dỗ nơi xa xứ Phòng quạnh, đem mưa gió chuyển vần.
9. Thanh minh Bấm để xem Phiên âm Nhất tòng luân lạc tha hương khứ, Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua. Thiên lý phần doanh vi bái tảo, Thập niên thân cựu tẫn tiêu ma. Sạ tình thiên khí mô lăng vũ, Quá bán xuân quang tê cú hoa. Liêu bả nhất bôi hoàn tự cuỡng, Mạc giao nhật nhật khổ tư gia. Dịch nghĩa Từ khi lưu lạc quê người đến nay, Bấm đốt ngón tay tính ra tiết thanh minh đã mấy lần rồi. Xa nhà nghìn dặm không săn sóc phần mộ tổ tiên được, Mười năm qua bà con thân thích đã tiêu tán hết. Tạnh cơn mưa mây, trời chợt sáng, Hoa đồ mi đã quá nửa chừng xuân. Hãy cầm lấy chén rượu mà gượng uống, Ðừng để ngày ngày phải khổ vì nỗi nhớ nhà. Dịch thơ Tha hương đất khách từ lưu lạc, Bấm đốt thanh minh đã mấy lần. Muôn dặm mộ phần khôn viếng lễ, Mười năm thân thích cứ vơi dần. Mưa rào đổ tạnh, đang vào tiết, Hoa đẹp đơm bông, quá nửa xuân. Gượng chén tay nâng khoây khỏa chút, Nỗi nhà nỗi khổ liệu xua tan. Tiết thanh minh vào tháng ba âm lịch, dân chúng thường đi tảo mộ. Truyện Kiều : "Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh."