Tuyệt chủng là gì? Loài nào dễ bị tuyệt chủng hơn so với những loài khác?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Honeysuckle, 22 Tháng bảy 2021.

  1. Honeysuckle

    Bài viết:
    9
    1. Tuyệt chủng là gì?

    Sự tuyệt chủng là sự diệt vong của đại bộ phận của một loài (hoặc một chi, họ, bộ). Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thì trái đất đang trải qua thời kỳ đại tuyệt chủng lần thứ 6 mà thủ phạm không ai khác chính là con người. Mặc dù sự tuyệt chủng là quy luật chứ không phải là ngoại lệ, tuy nhiên tốc độ tuyệt chủng của các loài động, thực vật dưới tác động của con người đang diễn ra cao hơn so với mức trung bình nhiều lần.

    Còn có một số khái niệm khác xoay quanh tuyệt chủng đó là tuyệt chủng cục bộ và tuyệt chủng toàn cầu. Sự tuyệt chủng cục bộ là sự mất đi của một loài hay một taxon nào đó ở một địa điểm cụ thể, nhưng ở đâu đó những bộ phận của quỹ gen của loài hay taxon này vẫn còn tồn tại. Còn sự tuyệt chủng toàn cầu là sự suy giảm toàn bộ của một quỹ gene riêng biệt.

    Giữa các nhóm khác nhau sẽ có tuổi thọ kỳ vọng khác nhau. Ghi nhận hóa thạch cho thấy rằng một chi thú tồn tại khoảng vài triệu năm, trong khi các loài riêng rẽ thường tồn tại trong thời gian ngắn hơn, một số động vật phức tạp có tuổi thọ kỳ vọng loài trong khoảng 1-2 triệu năm. Với một số loài được xem là hóa thạch sống thậm chí tồn tại qua thời gian dài với những thay đổi rất ít. Ví dụ như các loài cá vây tay cổ đã tồn tại và gần như không thay đổi trong khoảng 70 triệu năm qua.

    Đại tuyệt chủng là điều không ai mong muốn. Đại tuyệt chủng hay tuyệt chủng hàng loạt là một sự suy giảm nghiêm trọng một tỷ lệ đáng kể các loài trên thế giới. Vào thời kỳ biến đổi khí hậu nhanh chóng, núi lửa hoạt động mạnh và sự va chạm của tiểu hành tinh với sao chổi có vẻ như đã gây ra các đại tuyệt chủng.

    Khác với đại tuyệt chủng, những sự tuyệt chủng thông thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đó cũng chính là yếu tố quyết định loài nào là loài dễ bị tuyệt chủng hơn so với các loài khác.

    [​IMG]

    Ảnh cá vây tay Latimeria chalumnae

    2. Loài nào dễ bị tuyệt chủng hơn so với những loài khác?

    Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tuyệt chủng của một loài được xếp vào ba nhóm chính là yếu tố hữu sinh, yếu tố tiến hóa và yếu tố vô sinh. Trong đó mỗi nhóm yếu tố lại bao gồm nhiều yếu tố khác, nhưng có một số yếu tố chính được xem là yếu tố quyết định đâu là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn so với những loài khác.

    Những loài có kích thước lớn thường dễ bị tuyệt chủng hơn so với loài có kích thước nhỏ. Bởi khi có những thay đổi về môi trường sống những loài động vật lớn không dễ dàng tìm được nơi sống và nguồn thức ăn phù hợp do đó khó có cơ hội sống sót hơn. Những loài có kích thước nhỏ gần như có thể thích nghi tốt hơn với những nơi sống có phạm vi hẹp, chúng dễ dàng tìm được nơi trú ẩn và nguồn thức ăn.

    Những loài có vùng phân bố hạn chế dễ bị tuyệt chủng hơn so với những loài có vùng phân bố rộng. Điều này là do những loài có vùng phân bố hẹp dễ chịu ảnh hưởng xấu từ sự thay đổi của các yếu tố vô sinh và hữu sinh khác như yếu tố môi trường.. Còn với loài có vùng phân bố rộng, nếu điều kiện khắc nghiệt của khí hậu khiến loài bị tuyệt chủng ở một vùng nhất định thì cũng không gây sự tuyệt chủng toàn cầu của loài.

    Những loài là động vật ăn thịt cũng dễ bị tuyệt chủng nhất. Mặc dù là loài nằm ở đỉnh của chuỗi thức ăn nhưng chúng cũng là loài dễ bị tuyệt chủng hơn cả. Một số loài thú săn mồi đã bị tuyệt chủng không phải do bị săn bắt hay sự suy giảm diện tích nơi sống mà do sự thiếu nguồn thức ăn.

    Các loài ở đảo dễ tuyệt chủng hơn so với các loài trên đất liền. Các quần thể động, thực vật đảo rất nhạy cảm với các loài di nhập cạnh tranh và các loài ngoại lai ăn thịt. Rất nhiều loài chim, thú, bò sát trên các đảo đã tuyệt chủng vì lý do này.

    Những loài có kích thức quần thể nhỏ cũng là những loài dễ bị tuyệt chủng. Mỗi một quần thể cần có số lượng cá thể nhất định để có thể tránh được nguy cơ tuyệt chủng. Số lượng cá thể thích hợp giúp các loài có khả năng phát tán và thích nghi tốt hơn với những biến đổi của môi trường.
     
    lnanhh thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng bảy 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...