Một vụ bắt rượu lậu Bấm để xem Dân cày ở làng Phong Cốc, bây giờ thực không còn lấy cớ gì để phàn nàn với nhau trong lũy tre xanh và với người nước ngoài, ở giữa đường chợ đông, rằng quan trên không săn sóc tới. Đấng phụ mẫu của họ là quan phủ Thiệu Hóa - làng Phong Cốc thuộc về Thiệu Hóa phủ, Thanh Hóa tỉnh - những khi hành hạt qua đó thường vẫn không quên bảo với thầy Đề rằng nên tạt vào đấy mươi lăm phút để xem cái "dân khí" vùng đó lâu nay ra sao? Ở đình làng, trong những ngày này, hương chức kỳ cựu đều được quan Phủ khuyến khích họ nên giảng giải cho lũ đàn em về cái đức làm dân đối với bề trên không được tỏ vẻ kháng cự, và cái đạo làm dân trong một nước thái bình, ở một thời yên lặng, phải đóng sưu thuế, theo tạp dịch cho đều đều. Nếu sự phục thiện của dân đã kết quả được một phần thì càng nên gắng nữa cho được mười phần, càng nên cố sức nữa lên mãi mãi. Rồi nhà nước sẽ thương tới, và quan Phủ hứa thêm rằng ngài đã bẩm tỉnh cho, thì tha hồ mà được nhờ.. Nhưng lúc quan phủ gần trẩy đi sang làng khác, ngài vẫn không quên bảo thầy lý mới, như mấy lần trước: - Thầy nên coi chừng đến công việc của thầy và sự hành động phi pháp của dân làng. Trách nhiệm của thầy nặng lắm đó! Thầy giữ việc làng thay thầy lý trước (bị chết một cách rất thê thảm và chẳng vinh dự gì) trong khi thừa hành công vụ, chắc thầy rõ phận sự của thầy trong lúc này, hơn ai hết thảy. Thầy Lý run lẩy bẩy, chỉ biết mồm "dạ dạ" đưa mãi hai bàn tay chắp lên khỏi ngực. Thầy không dám nhìn thẳng vào quan và thứ nhất là nhìn vào ông Đề ngồi gần ngang hàng với quan; trong một lúc nhốn nháo ở đình lúc quan mới tới làng, thầy Lý đã dám liếc trộm ông Đề khi ngài này sai bác Cửu châm đóm để ngài hút thuốc lào vào điều dóng của quan phủ, có cái xe trúc uốn cầu vồng dài đến gần bốn thước ta. Ông đề cặp mắt sáng như tia lửa, những lúc nheo nheo mí mắt lại, thì không khác gì con vọ lúc ở trên cành gạo chú mục nhìn đống thịt chết ở mặt đất. Thầy Lý tin rằng nếu ngấc mắt lên mà đụng phải nhỡn tuyến của ông Đề già thì sẽ bị thôi miên mất: Và thôi miên thuật kia sẽ bắt thầy phải tường tận cung khai gia sản nhà mình ra xem của chìm là bao nhiêu và của nổi là bao nhiêu để ông Đề vui vẻ trả lời bằng ý nghĩ rằng có một ngày rất gần đây, chúng nó sẽ phải thay đổi chủ và thầy thì cố nhiên là sẽ mất quyền sở hữu ấy. Nghĩ đến đấy, thầy Lý càng không dám giữ đầu mình cho thẳng thắn, chỉ biết cúi mặt xuống đất hết nhìn đôi ủng da tây của quan Phủ, đôi guốc kinh của ông Đề và đôi bàn chân lấm của mình. Thầy Lý lúc này thật là một ông hóa thân của sự sợ hãi. Thầy chỉ biết dạ, dạ mãi, để đáp lại những lời đanh thép mà thầy chỉ hiểu một cách mang máng. Bỗng thầy giật mình khi nghe thấy quan gắt: - Cái anh Lý này "chướng" quá. Người ta hỏi thầy xem số rượu dân làng uống trung bình trong những ngày thường chênh lệch với những ngày tế lễ như xuân tế, thu tế hoặc những đám ăn chạ là độ bao nhiêu, mà thầy cứ dạ là nghĩa lý chi? Vô lý quá! - Dạ bẩm ông Lớn, về việc dân làng con uống rượu, con cũng không lấy gì cho tường lắm. Dạ, con mới được dân cho con ra thay anh Lý bất hạnh của con được độ mấy tháng. Câu trả lời của thầy Lý có vẻ đần độn một cách lừng khừng gần giống như lời bướng bỉnh thốt ra ở cửa miệng những dân cứng đầu cứng cổ. Tuy rằng là thật thà, nhưng thầy lý cũng vẫn đủ trí khôn nhận rằng có lẽ nó sẽ làm cho quan Phủ đến phải nổi trận lôi đình. Mà quả nhiên thế thực. Thầy Lý hiền lành kia nghĩ đúng đấy. Vì quan Phủ đã biến sắc mặt, làm om cả đình làng: - Thầy làm việc quan như thế là hỏng, hỏng to. Đừng nói chi đến chuyện nay mai thầy mong được nhà nước cho tưởng lục hay mong điền vào chân chánh phó tổng khuyết. Nếu anh không thay đổi cách làm việc thì cái triện lý trưởng của anh cũng khó lòng mà giắt được lâu đâu. Việc dân trong làng uống rượu mà thầy mù tịt như vậy thì chết thật. Thầy làm việc không được mẫn tiệp rõ quá rồi. Nếu ta không thương anh, đem một việc này mà bẩm tỉnh thì liệu anh có còn giữ được đồng triện hay không? Ấy thế rồi quan và ông Đề và lính tráng trẩy đi để lại một lũ kỳ cựu hương chức làng Phong Cốc đưa mắt nhìn nhau và nhìn ông Lý vừa bị quan quở. Thầy Lý đâm mê và toát mồ hôi. Mồ hôi thấm qua cái áo lụa nâu già và làm đẫm cả lưng chiếc áo the dài mầu nước dưa. Thầy Lý ra khỏi đình làng. Trận gió bấc thổi rụng lá vàng, thổi bay tà áo thầy và lớp mồ hôi gặp gió lạnh càng se đến đâu càng làm cho thầy lạnh "trông thấy" đến đấy. Với không khí lạnh lẽo ngoài trời, thầy thấy trong mình bớt bừng bừng và lúc về tới nhà, thì thầy đã lấy lại được sự trật tự hoàn toàn cho bộ óc vừa bị kích thích mạnh. Vào đến nhà, bỏ khăn áo, thầy nằm vắt tay suy nghĩ. Thầy bỏ bữa cơm ngon có rượu ngâm thuốc, có món nhắm tốt. Trông thấy rượu, thầy sực nhớ ra vì câu chuyện ban nãy mà thầy bị quở giữa làng. Thầy điên tiết lên và muốn đem lẳng "mẹ nó" cả chai cả nậm ra ngoài ao. Bà vợ thấy chồng có thái độ lạ lùng khác mọi ngày, dám chê cả món dê bóp tái và bánh tráng vừng bà công phu mua tận chợ bên sông gặp ngày phiên, vội đón hỏi: - Làm sao thế? Nghe nói quan về làng ta định bắt dân mở trường và khai giếng thêm phải không? Sao lại bỏ bữa rượu? Thằng Kha nhà theo tôi sang chợ ngoan lắm. - Mở trường, khơi giếng! Ai bảo thế? Đình với giếng gì? Việc triều đình nhà nước, u mày biết gì mà hỏi! Cất rượu đi! Thầy Lý bỏ mặc vợ tưng hửng đang lủi thủi lấy lồng bàn đậy mâm cơm để dành. Thầy đang lo đến cái tiền trình của tên lý trưởng vừa bị quan hạch là không đầy đủ bổn phận. Thầy càng ngẫm nghĩ mấy câu quan vừa nói ban nãy thì ra cái chân lý trưởng của thầy là bấp bênh. Nó như cái thế quả trứng bị để ở đầu đẳng sớm tối vỡ lúc nào không hay. Rồi thầy lại lẩn thẩn nghĩ đến chuyện những chức phận ti tiểu lúc quên tạ ơn những vị đỡ đầu thì bị quan báo thù lại như thế nào.. Nhưng không, thầy Lý nhớ rõ rằng rằng, thầy đã được quan Phủ ban cho thầy cái vinh dự bắc chiếc ghế đẩu ngồi gần quan trong tư thất, sau khi quan phủ đã rủ lòng thương nhận cho thầy cái phong bì "lễ mọn" mà thầy khom khom cúi dâng lên bề trên bằng sự thành kính của kẻ biết ơn và tạ được ơn. Thầy còn nhớ như in vào ruột những câu của quan giảng dụ hôm đó vồn vã ôn tồn và những cảnh quan coi thầy như là đầy tớ tay chân.. Thầy Lý đưa tay qua trán, nhắm mắt lại, tưởng lại những phút ấy mà thầy rạo rực cả người. Sướng quá, thầy tự hỏi mình rằng cái số phận tầm thường của một người lý trưởng được hưởng những phút như mấy phút ấy độ mấy lần trong một đời? Thầy so sánh quan Phủ hôm ấy và quan Phủ hôm nay sao khác hẳn đi? Không, có lẽ quan nhiều việc đến nỗi quên hẳn là mình đã tạ lễ? Phải, phải, không có thể như thế được. Thầy lại cho rằng hay tại mình tạ thiếu. Nhưng không, vì hôm đó, quan đã khen thầy một câu: "Anh Lý người linh lợi lắm. Anh đưa túc số như thế này, tôi tiêu nó được thành món". Nếu thế thì là nghĩa lý gì, và nguy hiểm quá nhỉ! Vì ai còn biết mạch mối đằng nào mà tìm, mà hiểu. Trong ba, bốn ngày liền, thầy Lý cứ ăn kém đi vài bát cơm, ngủ kém đi vài canh dài, với những ý nghĩ ấy nó không tha ám ảnh thầy. Rồi một buổi trưa già, thầy vừa bỏ mẩu triện đồng vào tráp đen thì thấy lũ trẻ làng đang reo ầm lên ngoài cổng: - A.. a.. a.. Tây về!.. Có Tây về làng ta! Thầy Lý thấy khác trong người, vì không biết tại sao thầy nghĩ ngay tới sự chẳng lành sẽ xảy ra. Thầy đang sửa lại khăn áo, sắp ra xem là chuyện gì thì con chó mực ở sân gân cổ lên trời sủa váng cả nhà lên. Một tốp người, quần, áo, mũ, giầy vàng khè một màu kaki đã tiến vào nhà, đứng đầy cả sân. Thầy Lý nhìn họ: Người nào cũng oai phong lẫm liệt, người cầm thuốn sắt, kẻ đeo túi da đựng súng lục liên. Thầy lẩm bẩm: "Thôi bỏ mẹ, lại lính đoan", và tiến ra sân. Lính đoan thấy ông Lý ra vội xúm cả lại xung quanh cứ đặc cả lại như là đàn muông săn lúc vây được con sói rừng, đều một loạt nói bô bô: - Trong làng có rượu lậu! Ông đi ngay! Có cả quan Đoan về đấy! Bấy giờ thầy Lý mới biết là có cả quan Tây Thương Chính về nữa. Thầy vội vàng chạy ra vái dài quan Đoan. Người Tây tay cầm ba toong song, đứng ở gần cổng; rồi cả bọn kéo đi rất nhanh theo một ông Đội Đoan có bộ râu "củ ấu" là người dẫn đường xem có vẻ thông thạo đường lối trong làng lắm. Đến ngõ đình, cả bọn ập vào nhà bác nhiêu Tìn. Thầy Lý trong bụng phấp phỏng vi từ lúc đi đến giờ, thầy chỉ biết theo nhà đoan thôi. Lúc đến nhà nhiêu Tìn, một người mà thỉnh thoảng vẫn đưa lại nhà thầy những chai rượu rất ngon trong những ngày nha ông Lý có kỵ dùng thứ rượu cúng rất tinh khiết. Thầy Lý than thầm cho nhiêu Tìn đã gặp sự chẳng lành.. Cảnh náo nhiệt bầy ra trong nhà người bị Đoan vào khám xét đã chiếm hết cả giác quan thầy Lý. Lính đoan gọi ầm ĩ: - Chủ nhà là nhiêu Tìn đâu? Nhiêu Tìn đâu? Bỗng ông đội Đoan vừa reo, vừa chạy: - Nó đây rồi! Các thầy mau bắt lấy kìa! Kia kìa nó đang mang vò cơm chạy! Nó vừa mới vọt ra cổng ngang! Lính Đoan chạy, cả quan Đoan, cả thầy Lý cũng chạy theo một người nhà quê đang ôm một cái chĩnh chạy miết ra phía bờ ao gần đình làng, cách họ độ ba chục bước. Trẻ con khóc. Chó sủa. Đàn bà kêu, và các ông già bà lão trố mắt chống gậy "càng cua" đứng nhìn theo đám bụi mù bay. Lúc thầy Lý theo kịp được nhà Đoan đến bờ ao thì thấy thằng cha nhiêu Tìn đang lõm bõm ở giữa ao, hai tay bưng một cái chĩnh có nắp. Chung quanh bờ ao, người đứng vây đen ngòm. Quan Đoan chỉ thuốn xuống phía ao bèo, nói chõ xuống người bưng chĩnh: - Mày có muốn sống không? Nhiêu Tìn, mày có chịu lên không? Chúng ông mà xuống tóm được mày thì mày bỏ đời! Nhiêu Tìn giữa ao mếu máo nói lên: - Con lạy các quan, các quan tha cho con. Các quan đừng giết con. - Ai giết mày? Mày cứ đưa cái vò lên đây! - Lạy các quan, con trót dại có làm ít tương để ăn. Lạy các quan, thật con có dám đem bán đâu! Tương với mắm gì? Mày không lên, ông mà phải lội xuống thì.. thì.. - Con khổ lắm. Các quan tha cho con! Ối, mẹ thằng Tìn đâu, tao khổ lắm! Các quan làm tội tao, thì tao đổ tương xuống ao đây này!.. - Này thằng kia, nếu mày đổ vò cơm kia xuống ao, thì quan Đoan sẽ bắn mày! Mày định làm phi tang đi hở? Quan Đoan đứng ở trên bờ vừa chửi rủa bằng tiếng Tây vừa rút súng lục, tay trỏ bấm sẵn cò, chĩa vào nhiêu Tìn. Ông Đội đoan đứng nói về phía thầy Lý. - Này ông Lý, nếu nó dìm chĩnh cơm để mất tang chứng rượu lậu, ông cũng phải chịu một phần trách nhiệm đấy. Thầy Lý hoảng cả người. Thầy lại càng hoảng nữa khi thấy quan Đoan chĩa súng về phía mình. Rồi thầy liên tưởng, thầy nhớ đến vụ đổ máu vừa xảy ra trong làng cách đây mấy tháng: Trong một vụ bắt bớ hàng lậu do quan Đoan Bécnắcđê chỉ huy, ông Lý trước mà mình thế chân bây giờ đã bị đạn Nhà nước nổ chết trong giây lát, giữa một lúc mà người ta bảo rằng nhà Đoan cần phải chân chính tự vệ. Thấy quan Đoan mắt đỏ ngầu, mồm sùi bọt, quát tháo rầm cả góc ao, thằng cha nhiêu Tìn vẫn cứ mếu máo và van lơn các quan đừng xuống ao, và nế xuống hắn dọa sẽ đánh chìm cả cái chĩnh tương mất! - Thế muốn sống thì mày phải lên ngay! Tiếp lời ông Đội, thầy Lý cũng bảo nhiêu Tìn: - Thế mày lên đi! Tao xin mày đấy! Mày làm chuyện phi pháp để lụy đến cả lý trưởng làng này! Mày định cho tao theo ông Lý trước hay sao? Mày không nhớ đấy à? - Con lạy ông, ông xin cho con, không có các quan giết con mất. - Thì mày cứ lên đi, tao sẽ xin cho. Mày cầm cho khéo cái vò kia, rồi lên ngay đi! Ừ, lên đằng phía quan Đội ấy. Bao nhiêu cặp mắt đều nhìn vào nhiêu Tìn đang lõm bõm bưng cái vò bước lên bờ ao. Hắn run cầm cập, vì ngâm nước lạnh thì ít mà vì sợ nhà Đoan thì nhiều. Ông Đội giằng lấy tay hắn lôi lại trước mặt quan Tây Đoan, và truyền cho hắn mở ngay nắp chĩnh ra. Hắn sợ khi nhìn quan Tây Đoan, nhìn ông Đội, nhìn ông Lý và lập cập mở nắp chĩnh. Thấy quan Tây Đoan đã bớt giận, ông Đội cũng tươi tỉnh được nét mặt, bảo nhiêu Tìn: - Ông tưởng mày ở cả ngày dưới ấy! Ông lấy làm khoái trá khi nhìn vào trong lòng chiếc chĩnh. Nhưng sao ông lại cau mặt lại và mũi hít mạnh, đánh hơi. Ông sấn sổ hỏi nhiêu Tìn: - Cái gì ở trong chĩnh? - Dạ bẩm tương. Con có dám nói bậy đâu, con làm có một ít để kho cá ăn ở nhà chứ thực không dám đem ra chợ bán; ông Đội tỏ vẻ khó chịu trình với quan Tây Đoan rằng đây là một thứ nước chấm của nhà chùa thường ăn chay và người An Nam dùng với cơm. Quan Tây Đoan bắt ông Đội nếm và hỏi ông có dám cả quyết như thế không. Ông Đội trả lời nhất định rằng trong chĩnh đó không có chất gì để làm rượu. Thầy Lý thấy câu chuyện khám xét kết cấu một cách ngộ nghĩnh không ngờ như vậy, phải hỏi nhiêu Tìn: - Thế sao lại bưng vò tương mà chạy? Các quan khám rượu lậu kia mà! Ai bắt tương? Cái lý của anh gian lắm! Anh phải khai cho rõ ràng kẻo phiền đến cho tôi lắm đấy! Nhiêu Tìn hoàn hồn, khai với thầy Lý: - Con thấy người làng đi chợ về, dạo này đồn rằng Nhà nước đánh thuế cả tương và nước mắm, con thấy tương con làm không có giấy phép nên con sợ, con phải đem chạy vứt đi.. * ** Lúc sự yên lặng đã trở lại trong làng và mọi người đã ngặt nghẽo cười khi giải tán - trừ nhà Đoan rời làng Phong Cốc với nỗi tức bực - thì trời đã xế bóng. Bác nhiêu Tìn cũng mỉm cười bưng chĩnh về nhà, trong bụng nghĩ thương vợ phải một phen chạy rượu lậu vất vả, và không biết vợ đã đem giấu kín vò cơm ở nơi nào đây. Bác tự nghĩ nếu không có chĩnh tương này thì chỉ có Trời mới gỡ nổi cho bác khỏi ở tù. Đông Dương tạp chí, số 29 ra ngày 27-11-1937
Một người muốn đập vỡ đàn Bấm để xem Đếm thứ bảy này, cũng như tất cả những đêm thứ bảy trước, Xuân phải đánh đàn nhiều quá, bởi vì những tối thứ bảy là tối kiếm được nhiều lời, những tối mà khách sạn Bagatelle trên đường Quần Ngựa mở cửa cho người ta ăn và nhảy cho đến sáng bạch nhật. Thật đúng như cái lối chơi "sáng đêm" của thành phố Sài Gòn, người ta có thể đi xem Tuồng - Cải Lương từ chín giờ tối cho tới gần sáng, giữa chừng chỉ nghỉ mắt một chút đủ thời giờ để đưa cái miệng khô nhạt vào cái Chợ Lớn ăn dăm bảy miếng síu dề, hồ lấy sức lại để xem tiếp lớp tuồng càng đến gần đoạn chót, càng múa may nhiều, càng inh ỏi nhiều. Xuân đi trên con đường đê Parreau giải nhựa, trời mát thế mà chàng vẫn luôn luôn rút mùi xoa ra thấm mồ hôi đẫm trên mái tóc và tràn xuống cả thái dương. Ba bốn giờ sang rồi còn gì ra xe pháo ở chỗ này. Xuân định rẽ ngang sang phía nhà dầu Tam Đa, rồi xuống tìm Quý, người bạn chàng cũng làm nhạc công ở tiệm khiêu vũ Moulin Sans Sousi. Tiệm khiêu vũ sát ngay ven Hồ Tây này, ở xóm Thụy Khuê, nguyên trước là một mái đình cổ. Nơi thờ kính cũ kỹ ấy giờ cũng đông khách thập phương đến "chơi" lắm, bởi vì người ta đã sửa sang lại cho nó thành một cái Nhà Xay Lúa Vô Ưu. Quý vốn đàn ở đấy, cũng kiếm được ra tiền. Nhưng từ ngày có người Tàu sang đây lánh nạn đông quá, Quý gặp cái cô Tú Sương Hương người Thượng Hải manh mảnh ấy, Quý đâm ra chán nghề, chỉ muốn hủy hợp đồng với chủ tiệm và Xuân không chắc bạn mình còn ở đấy nữa không mà đến tìm cho mất công. Lâu nay Xuân muốn gặp lại Quý, nhưng tối đến thì là cái thời khắc biểu của tất cả nhạc công, và lúc ban ngày có được rảnh việc, nhưng người nhạc công còn phải ngủ trả nợ cho mắt đêm qua, đêm kia, đêm kìa.. Thành thử Quý và Xuân lâu nay không có gặp nhau và bây giờ Xuân lại cứ thẳng đường đê Parreau mà đi, nhất định không rẽ sang Nhà Xay Lúa Vô Ưu tìm bạn nữa. "Thà không tìm hẳn nhau, còn hơn là tìm mà không thấy". Xuân thở dài, tai lắng nghe tiếng chuông sở La Pho điểm bốn tiếng rè rè bên bờ hồ nước. Xuân thấy đêm gần tàn, nhớ đến ăn và tự bảo: "Biết thế nãy mình cũng cùng ăn đồ nguội với anh em cho nó xong. Cái lão chủ tiệm ấy được cái khá là đêm đêm lúc hết giờ đánh đàn cho khách hàng của lão chơi nhảy, lão không có bủn xỉn về bữa ăn đêm của đám anh em nhạc công mình". Đi qua Bách Thú, tuy là đi vòng ở ngoài công viên mà Xuân cũng bắt lấy được một vài tiếng động của cái vườn rộng mà đêm đã nhuộm thẫm một màu bí mật và tội lỗi. Một con gấu nhớ rừng, rống mạnh lên mấy tiếng liên tiếp, nghe như tiếng người thuê nhà trên gác hay kên lại chiếc tủ áo. Một con công chợt tỉnh ngủ, tưởng đã sáng, vội kêu mấy tiếng "Xấu hổ! Xấu hổ!". Đã đi đến cổng đình Ông Bảy rồi mà Xuân vẫn còn nghe thấy cái thanh âm đồng vọng của một con vượn cái kêu rầu. Người làng Ngọc Hà đã lũ lượt gánh rau đi qua Cửa Bắc, xuống bán ở chợ Đồng Xuân từ bao giờ. * * * Cái hiệu cháo lòng sáng ở ven đường Cửa Nam, trông sang chợ là một nơi có đủ hạng người đến. Nhưng số đông, vẫn là đám phu xe. Người ta vào đây là để ăn cho mau, cho ấm cái bụng trống không rồi đi làm việc ngay với cái ngày cần lao của người ta bắt đầu từ lúc còn tối đất. Xuân phải lấy đêm làm ngày theo với nghề sống của mình, đến đây húp một bát cháo nóng để rồi về đi ngủ. Chàng thấy mệt lắm, chán lắm, xương thịt buồn như người nghiện thiếu a phiến. Nếu bây giờ ăn xong, lần về đến nhà mà giấc ngủ lại chưa đến cho thì Xuân tin sẽ phải khổ sở vật vã nhiều lắm. Đã có bao nhiêu người rất khôn ngoan, không bao giờ dám điên dại lấy một phút, vụt trở nên phạm nhân, tiêu tiền một cách kiêu ác, đập phá đồ đạc và đến cả những cuộc đời chung quanh, chỉ vì lúc bấy giờ, họ đã cầu nguyện mãi một giấc ngủ không chịu đến cho đúng lúc. Trời đêm nay đổi tiết, mọi vật trở nên khô cứng, co lại. Ở góc buồng riêng của Xuân, có một cây đàn đứt dây. Sợi dây ruột mèo đứt đánh bộp một cái. Tiếp cái tiếng khô ngắn rã rời ấy là một hồi tiếng vang của chùm kim thanh yếu ớt rỉ rền rung trong thùng đàn khô nỏ. Lòng Xuân cũng se lại vì cái âm hưởng tượng trưng ấy. Thương cây đàn đã mấy bữa bỏ quên không đánh đến, quên không nới dây những lúc cây đàn được vô sự. Xuân vặn trái lại những trục đàn, đánh cùng lũ dây xuống. Trục đàn không có dầu trơn, gắt rít lên. Nhẹ nhàng chải dây đàn, vuốt sợi tơ, Xuân chợt nhớ đến một mẩu chuyện được nghe đã lâu lắm ở một nơi hòa nhạc. Là cái ông Hoàng Ngũ Đại ấy, ở Huế, những ngày phải lên trên Tân Lăng trông nom lăng tẩm và sửa sang những chỗ vôi gạch sứt mẻ, biết sẽ phải vắng khỏi phủ mình lâu ngày, trước khi đi, bao giờ tự mình cũng phải lấy cái áo lụa xanh năm thân đột chỉ trứng rận của Đức ông đem đắp phủ lên cây đàn cho khỏi có bụi bám vào dây và cho sợi tơ đỡ ải. Họ kêu là ông Hoàng ấy ủ đàn. Đàn đứt mất cái dây đại, Xuân lẩm bẩm: "Đứt vào quãng giữa thế này thì nối sao được nữa. Thế là lại mất hai đồng bạc mua sợi khác. Mà bây giờ là ngày cuối cùng tháng". * ** Khách sạn trên Quần Ngựa đêm hôm thứ bảy này lại đông như lệ thường. Đám nhạc công phải đàn luôn tay. Họ là sáu người. Một người Tây lai, một người Phi Luật Tân, một người Tầu và hai người nữa cùng một quốc tịch với Xuân. Xuân xử cây đàn contrebasse mà anh em thường gọi đùa là cây đàn bò. Đám người giàu có ngồi ở dưới kia phần nhiều là người ngoại quốc dắt nhau tới tiệm Bagatelle để thỏa mãn ít nhiều nhục dục. Một cặp vợ chồng già uống rượu để tiếc đời. Một cặp tình nhân trẻ muốn say sưa để mà càng thương xuân. Giữa hai món ăn, họ nhẩy. Bọn Xuân, theo bài khiêu vũ phải đàn liến thoắng lên cho những người ấy tìm thấy được vui trong lòng. Bọn Xuân, như một cái máy thụ động, cứ việc ngồi đấy ôm lấy nhạc khí mà đánh đàn, đàn cho đến sáng hửng. Bao giờ những vị thực khách kia đã mỏi, nghỉ, thì đám nhạc công cũng mới có quyền mỏi mệt. Đám nhạc công thực tình nhiều buổi đã muốn phản kháng lại, không muốn bấm phím nữa, không muốn ngậm cái đầu dăm kèn, không muốn hoa cây vỹ lên nữa. Tai họ đã ngấy những thanh âm quen thuộc ngày ngày của khúc loạn tấu rồi. Xuân cảm thấy cái đời nhạc công của mình ở một đoàn khách sạn khiêu vũ, không những là vô vị mà còn nhục nhã là khác nữa. Tấu nhạc trong hoàn cảnh này đã hết một cái thú thanh cao âm thầm của tâm hồn. Ra từ trước tới giờ Xuân chỉ là một kẻ a tòng vô tình giúp một tay vào những trò kiêu sa dâm ác của một đám người thừa ăn mặc, tìm nhau ở đây chỉ để ăn một bữa cơm đắt tiền, mượn tiếng đàn để làm tiêu một cuộc no say hãnh diện và trai gái ấy đã mượn luôn âm nhạc để cho nhau chút ảo tưởng của tình ái mà mặt thực thì chỉ là những thú tính thô kệch. Ra Xuân đã hoa mãi một cây vỹ, tòng đảng chạy theo những cái ô trọc, trong lúc xuẩn động ấy đã gây nên bao nhiêu ồn ào đổ vỡ. Chàng buồn rầu hơn nữa, khi nhận thấy từ trước tới giờ, chưa bao giờ mình là nghệ sĩ, tuy đã sáu bảy năm nay, đêm nào mình cũng đánh đàn. Đánh đàn để làm vui cho thiên hạ. Và trong lúc ấy thì mình quên lãng hẳn cái lòng mình. Người ta thường bảo đấng nghệ sĩ là một kể chúa ích kỷ và tính vị kỷ ấy đã là nguyên tắc của bao nhiêu tác phẩm lớn. Nhưng bấy lâu nay Xuân đã duy tha hóa. Xuân chỉ biết có người chung quanh. Chàng đã chạy theo thiên hạ mà hòa nhạc, chàng đã ca ngợi những cái vui buồn tầm thường ở cạnh mình. Cái công chúng múa may quay cuồng ở dưới sàn nhảy Bagatelle kia, là những người đang vui, đang buồn, đang nhớ nhung, đang thương tiếc, đang sung sướng. Mỗi người có một tâm cảnh. Họ trúng số, họ nhớ nhà, họ muốn khóc vợ, họ đánh mất tình nhân, họ đều mượn tiếng đàn của bọn Xuân để biểu lộ thêm cái tâm trạng họ. Hình như họ cần phải kêu to lên cho rõ cái vui buồn ở lòng họ. Ừ, thế này thì đáng giận thực. Đời bắt Xuân sinh ra cầm một cây vỹ thì cây vỹ ấy tưởng chỉ phải hoa lên để diễn tả những điều u uẩn của lòng Xuân thôi, chứ sao chàng lại đi ca ngợi những thất tình của thiên hạ. Xuân nhận thấy mình, từ trước đến nay, đối với thiên hạ thì hậu quá mà đối với riêng mình thì đã quá bạc bẽo. Tiếng đàn đãng trí của Xuân vấp đến khổ này là bốn lần tái phạm, nấc mạnh lên một cái. Anh em ngồi cùng cử nhạc, thấy Xuân lỗi điệu, đưa mãi mắt cho bạn, lấy chân đá vào giầy bạn để nhắc Xuân uốn vỹ theo vào nhạc luật bởi vì bản đàn đang vào khổ dồn và dưới kia khách khứa nhảy đang hứng. Xuân càng lạc hết cả cung bực. Mắt chàng hoa lên. Giữa lúc ấy, có người ném mạnh cái đĩa gạt tàn thuốc lá rơi tõm vào bụng Xuân. - Ê, lũ nhạc công, đàn địch lối gì thế hử? Bay cho tai bọn tao là tai trâu cả sao! Bà đầm cùng nhảy với người to lớn vừa nói câu ấy và có lẽ là vừa ném cái gạt tàn thuốc lá ấy, cũng bĩu môi ra cười. Xuân chống đàn xuống sàn đứng thẳng mình dậy, tay cầm ngang cây vỹ như một người dũng sĩ hoành ngang cây giáo để nghênh địch, mắt lừ lừ thử thách. Chàng giận quá không nói được ra tiếng. Bọn Xuân lại hòa nhạc tiếp, bởi vì ông chủ tiệm Bagatelle đã khéo khu xử đôi bên. Lúc nghỉ tay đàn, có một người ốm yếu, rụt rè đến gần bọn Xuân, để một đồng bạc giấy vào lòng đĩa. - Tôi xin mấy anh bản đàn Con sông Danube xanh. Dưới sàn nhảy người ta lại tái cuộc. Bọn Xuân đánh bản đàn Con sông Danube xanh hay như chưa bao giờ được thế! Bởi vì cả bọn Xuân đều lấy làm thương người khách lẻ loi kia bởi vì cả bọn đều có thiện cảm với người khách ốm yếu kia vừa rón rén lên để một đồng bạc vào lòng đĩa với tất cả cái chân thành của một khách yên hoa nghèo và có giáo dục. Bọn Xuân không rõ tên và địa chỉ người khách cứ hôm nào đến cũng chỉ xin có bài đàn đó. Họ chỉ biết trước kia, vị khách đó ăn mặc sang hơn bây giờ và hay đi với một người đàn bà dong dỏng, tóc tợ màu da đồng. Nàng đẹp lắm. Mê nàng, bao nhiêu người nhảy đầm. Bây giờ, người đàn bà ấy, có đến mấy tháng không lui tới tiệm này. Và vị khách kia, muốn trung thành với kỷ niệm ngày vui cũ, cứ cách một đêm lại tha cái thân hình cô độc lên đây, người trông bạc nhược hơn trước, quần áo nhàu nát hơn trước và uống rượu thì chỉ dám uống cầm chừng và chỉ chọn những thứ nào rẻ tiền nhất. Hôm đầu, người khách đó ngập ngừng đặt đồng bạc vào tay anh Khương đánh chũm chọe và nói như khóc: Con sông Danube xanh đã là một cái ám ảnh trong đời tôi. Các anh vui lòng cầm tạm lấy chỗ này. Tôi giờ không đủ tư cách để mời các anh uống rượu. Mỗi vị một tuần! Phải long trọng được như thế thì mới xứng đáng phải không các anh nhỉ! ". Dứt bản đàn Con sông Danube xanh, có một người to béo khác thích quá vỗ tay hô ầm lên, chạy đến cái bệ âm nhạc, nói bô bô: - Này, đám nhạc công, ta đãi mấy người một tuần rượu. Đến lượt Xuân, Xuân lắc đầu, không uống rượu mời của người to béo ấy. Chàng chỉ bảo bồi rót cho mình một cốc nước lọc. Giá như mọi hôm thì dù có không uống, chàng cũng cứ bảo bồi lấy cho mình những thứ rượu đắt tiền. Tội gì, có người dửng mỡ trả tiền mà lại không phá và làm lợi cho lão chủ một chút. Nhưng đêm nay, Xuân chán và bữ lắm rồi! Cái người to béo ấy đùa mấy câu thô tục xúc phạm đến lòng tự ái Xuân, Xuân cầm luôn cả cốc nước đá hắt vào bộ vãn phục của y. Đêm thứ bảy ấy, mới có một giờ khuya, mà Xuân đã được về nhà, bởi vì đêm ấy cũng là đêm cuối cùng của Xuân tấu nhạc, tại tiệm Bagatelle. Chàng đã xin thôi việc ngay sau lúc ồn ào đó và nếu không thì chủ khách sạn cũng chả nhận chàng nữa. Đêm ấy trời ngả nồm, Xuân về đến nhà, trằn trọc mãi. Trời nồm, dăm bảy con gián gặp ánh sáng đèn, bay vung lên, cánh lướt qua mấy cây đàn không phủ túi lụa, dây đàn vang rung lên rồi nhạt dần thanh âm trong cái buồn tênh của một đêm nhạc công vừa giải nghệ.. * ** Cữ này Xuân không phải làm việc đêm, đâm ra ngủ cả ngày lẫn đêm, cửa đóng kín mít, phần âm phần dương thành ra lẫn hết. Những lúc Xuân chợt mở mắt, chợt nhớ đến cái cử chỉ của người khách thô bỉ hôm nọ đã làm chàng nổi phẫn bỏ nghề. Xuân lại nhớ đến những lúc mình lĩnh lương, rủ anh em đi hát ban ngày ở xóm. Xuân cũng đã hành hạ mấy người kép đàn đấy những lúc hị nhỡ đàn thiếu một khổ để che chở cho một cô đào hát xóc phách non tay. Xuân cũng đã làm tình làm tội họ, những khi họ mệt không ra công đàn lối đàn khuôn; những sợi dây đại ấy nắn mệt lắm và đau đầu ngón tay lắm.. Bây giờ suy bụng mình chàng mới thấu rõ đến lòng họ lúc ấy.. Chàng nghếch lên cây đàn ở đầu giường và lấy làm chán cho cái nghề đánh đàn làm vui cho thiên hạ. Chàng vươn vai, tay khoa phải đàn, chiếc đàn rớt xuống sàn tưởng tan vỡ ra ngay được. Mọi khi, khi đàn rơi nhưn thế, Xuân đã xuýt xoa nhiều.. Nhưng bây giờ chàng mặc cho đàn rơi không cần biết đến cái đổ vỡ ấy.. Xuân vốn ít Nho học, chàng chỉ nhớ mang máng cái truyện ông gì ngày xưa đem chẻ cây đàn vì cái ông gì ấy - người tri kỷ thẩm âm mình - đã chết đi. Giá lúc này, tìm lại được cái anh bạn kể chuyện ấy mà hỏi cho ra mấy cái tên người xưa thì thú biết chừng nào. Ngủ đã nhiều quá, mắt hùm hụp, Xuân hôm ấy cần phải ra đường đổi không khí. Lâu nay cứ ngày ngủ, đêm thức, mặt chàng bợt ra như người thiếu máu. Soi gương, Xuân thấy mặt mình còn thiếu cả ánh sáng nữa. Thấy một người mù thổi sáo cốt để bán lạc rang cho mau hết hàng, Xuân bực mình quá, đòi lại đồng xu đã đặt vào lòng bàn tay đứa trẻ đeo thùng lạc. Mua tờ báo, xem thấy cái tin Nhà nước cấm các tiệm nhảy đầm không cho khiêu vũ nữa, Xuân nở một nụ cười. " - Cũng là hay. Bây giờ mọi người nhạc công sẽ thất nghiệp, sẽ không phải đàn cho thiên hạ nữa. Họ sẽ đủ thời giờ để đàn riêng cho lòng mình nghe thôi. Và anh em đều có thể cùng trở nên nhạc sĩ cả, nếu biết lựa phím mà tìm thấy chính cái vui buồn riêng tây của lòng mình". Trung Bắc Chủ nhật, số 19 (1940)
Lửa nến trong tranh Bấm để xem Tên thực ông Tây già chủ đồn điền ấy là Rê-bít-xê. Nhưng người mình đã đông phương hóa cái tên Rê-bít-xê từ hồi ông còn là quan cai trị xứ này. Trước khi được về hưu để vỡ đồn điền giồng cà phê ở hai vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, ông Rê-bít-xê đã làm chức Công Sứ ở nhiều tỉnh Trung Bắc lưỡng kỳ và, sự thực, cái tên Rê-bít-xê được hóa chệch ra là Lê-Bích-Xa từ cái hồi ông Tây đó bắt đầu lĩnh chức Đại Pháp Lưu Trú Quan ở tỉnh quảng Ngãi. Quan Tuần Vũ Quảng Ngãi là người hoàn toàn cựu học, mỗi lần có giấy má gì ở bên tỉnh đưa sang tòa mà không có tính cách công văn lắm, lại viết lên đầu thư riêng: "Lê-Bích-Xa Công Sứ đại nhân..". Quan Tuần lấy làm thú lắm chữ Lê-Bích-Xa, nghe nó Tàu lắm, không còn tí gì là Tây nữa. Vả chăng ngài không có chút nào là dính với cái học mới nên chữ "Rê" mà đọc ra "Lê" nghe nó cũng tiện lợi: Ngài và thuộc hạ phải cái bệnh là không uốn được tấc lưỡi. Cho nên mỗi lần cơ quan Công Sứ nào mới được đổi đến mà tên có vần "r" là vần tên ấy sẽ biến cả ra là Lê hoặc La, Li, Lô, Lư vân vân. Có lẽ cũng vì thế mà đại danh quan nguyên Toàn quyền Robin đã biến thành Lỗ Bình đại thần. Nhưng mà chúng ta nên trở lại với cụ Tây đồn điền Rê-bít-xê nguyên là Lê-Bích-Xa công sứ đại nhân. Và muốn tránh sự bỡ ngỡ của chúng ta mỗi khi đọc những ngoại âm, trong truyện này, vai chính của chúng ta sẽ được mãi là Lê Bích Xa. Vậy thì cụ Lê Bích Xa là một vị trí sĩ làm đồn điền cà phê vùng Hoài Hoan. Cụ Lê doanh ấp lập trại ở đấy từ bao giờ không rõ nhưng những gốc cà phê thấy đã to lắm. Cụ đã cho trẩy hạt bán ra ngoài không biết đến mấy vụ rồi. Vị hưu quan đó giờ là một lái buôn chính hiệu và thỉnh thoảng lại cho lộ ra những cái cốt tài tử của mình những lúc chơi xem tranh hoặc bày tranh. Cụ Lê không vẽ tranh, nhưng cụ buôn tranh. Hình như tôi đã quên không nói ngay ở đầu rằng cụ Lê Bích Xa là một người buôn tranh cổ. Nhiều bức lạ lắm. Đã đành là đẹp. Nhưng nhiều bức quái lắm quái lạ như là có trò phù thủy dính vào ấy. Nhiều người được cụ lấy tình thân cho xem những bức tranh cổ - những bức quý như thế, cụ Lê ít khi cho đem bày ra chỗ công chúng thành hẳn một cuộc triển lãm - lúc trở ra đều ngơ ngác ít nhiều và ngờ cụ Lê là một người có ảo thuật hoặc không thì cái người vẽ tranh cổ đó cũng là một ảo thuật gia. Nhà riêng ông Tây già Lê Bích Xa nhiều tranh quá. Người ta phải tưởng đấy là một nhà bảo tàng chứa tranh Tàu. Tiền của mỗi vụ cà phê thu về rất nhiều nhưng chủ nhân đều cho đi mua tranh hết. Người ta ngờ việc mở đồn điền của vị Tây già này chỉ là một cái cớ và mục đích muốn đạt được thì phải là một bảo tàng viện cổ họa Trung Quốc kia. Cụ Lê Bích Xa có dùng một vị Tây lai trẻ tên là Dăng để giúp cụ những lúc soạn tìm tranh. Có người lại bảo cậu Dăng này ngày trước có làm phóng viên trường Bác Cổ Viễn Đông. Cái điều chắc chắn nhất là cậu Dăng người rất ít tuổi nhưng sức học nặng lắm. Không rõ cậu học môn khảo cổ học từ bao giờ mà môn học so sánh của cậu sâu rộng đến nỗi các niên hiệu các tên vua lịch triều bất kể nước nào, và tên các nghệ sĩ bất kể thời nào xứ nào, cậu nhớ vanh vách rồi thì là kê khai, so sánh, suy luận. Giá có viết ra thì thành từng pho sách được ấy. Ở người cậu thành ra là cả Đông Tây Cổ Kim rồi còn gì nữa. Suốt một vùng Nghệ Tĩnh ai cũng biết cậu Dăng. Nhưng họ chỉ biết đây là một người Tây lai hạnh kiểm rất khá, không có gì là mất nết, bao giờ cũng nhớ đến mẫu hệ, rất có hiếu với mẹ và đối xử với người bên ngoại, thường vẫn lấy lễ ra mà xử. Dân gian gần đó chỉ biết cậu Dăng có bấy nhiêu thôi, chứ thực không rõ một tí gì về cái tài đọc tranh và cái sức đi tìm tranh của cậu ở khắp vùng quê Bắc Kì. Một lần ấy cụ Lê Bích Xa gọi cậu Dăng lên buồng riêng và sau một tuần cà phê đặc có chế rượu rôm: - Này Dăng, có lẽ cũng nên sắp mà đi Hưng Yên đi thôi. Về chuyện cái bức tranh Hàn Kỳ ấy mà. Hình như có một lần vào rừng săn hươu, tôi đã nói chuyện cho cậu nghe rồi. Lúc ấy đang cùng mải tìm lối chân hươu, cậu có nghe và nhớ không? Nhưng tôi cũng cứ kể lại. Nguyên hồi tôi còn ở chức thủ hiến vùng Hưng Yên, có một người chánh tổng huyện An Thi đem dâng tôi một bức tranh để gỡ mình khỏi một vụ án hình. Hồi đó tôi còn quý cái lương tâm nhà nghề lắm. Vả lại lúc ấy còn trai khỏe, tôi chưa để bụng vào chỗ chơi đồ cổ. Tôi bèn đuổi lão chánh tổng đó đi và dọa bỏ tù nó thêm về cái tội đòi hối lộ thượng quan. Cái thằng cha táo bạo thế! Bây giờ tôi mới biết bức tranh đó là quý. Nó vẽ một ông tướng già đang ngồi xem sách đêm trong quân trướng. Trên án sách có một ngọn nến cháy trên đế son. Góc phải bên án, có vẽ một thanh bảo kiếm tuốt trần ghếch lên một cái hộp tướng ấn. Trông thì bẩn thỉu lắm. Lụa bồi đã bong rách và lòng tranh nhiều góc dán đã nhấm nhiều. Nhưng mà tranh đó.. (nói đến đây Lê Bích Xa ngừng lại, tợp thêm một ngụm rôm, đôi mắt già sáng bừng lên bao nhiêu là thèm muốn).. nhưng mà tranh đó, cái chỗ quý giá thì không biết thế nào mà nói cho hết được. Mua được về rồi con mắt người Mỹ mà nhìn thấy là chúng ta sẽ có một cái cơ nghiệp để hưởng chung, Dăng ạ. Tôi tin rằng cậu và tôi, bao giờ cũng sống gần nhau mãi mãi. Tôi rất tin cậu và yêu cậu như là yêu con. Rồi dần dà tôi sẽ truyền hết cho Dăng những cái sở đắc của tôi về cái bí thuật tìm tranh cổ. Sớm ngày hôm sau, dân làng ấp đã đánh sẵn xe ngựa cho cậu Dăng xuôi tỉnh về đáp tàu ra bắc - xe ô-tô, tài xế ốm nặng. Cậu Dăng đánh thức cụ già Lê Bích Xa dậy. - Tôi đi Hưng Yên đây, cha già ạ.. Cụ Lê dụi mắt ngáp: - Hôm qua tôi uống nhiều quá. Có lẽ gần hết chai rôm. Ít khi cao hứng như thế. - Tôi đi Hưng Yên đây, cha già ạ. - À tốt lắm. Đi đi. Cụ Lê rút ở tủ két con thúc mặt vào tường, phía trên thành đầu giường một cuốn sổ in, kí vào một tờ vẽ hoa rêu lằng nhằng và xé đưa cho Dăng: - Tạt vào nhà Đông Pháp ngân hàng Hà Nội mà lấy tiền. Đi Hưng Yên lấy tranh xong rồi tiện đường, sang luôn bên Cổ Am hỏi xem dân làng đã chịu bán cái lô hương chưa. Họ thuận hay chưa, cũng cứ đưa cho dân làng trước một nghìn bạc cho họ tiêu chơi. Mà, phải lấy dấu lí trưởng và cả một vài chữ kí của bô lão nữa nhá. Thôi, đi cho được nhanh chóng. Tôi ngủ lại, có lẽ chiều hôm mới dậy. Cụ Lê Bích Xa ngáp, vươn vai. Thấy Dăng vẫn còn ngần ngừ, cụ tưởng là cụ đã hiểu một điều gì, bèn cười: - Cái séc ấy bốn mươi ngàn phật lăng, cha tưởng là thừa thãi lắm chứ còn gì nữa. Một nghìn đồng đưa cho dân bên Cổ Am và còn ba ngàn đồng thì mua bức tranh. Có lẽ mưa tranh, đến ba ngàn đồng cũng là nhiều lắm rồi. - Không phải thế. Tôi muốn ông cho tôi cái địa chỉ của người chánh tổng có tranh đó kia. - Tôi cũng không nhớ là về làng tổng nào và tên người đó tôi làm thế nào mà nhớ lại được. Vả lại tôi tưởng một người như Dăng thì có cần gì phải hỏi kĩ đến như thế mới tìm đến được nhà người ta. Cậu làm như xưa nay chưa bao giờ cậu thuộc làu địa dư hàng tỉnh của xứ Bắc ấy. Cụ cười. Cậu Dăng cũng cười theo. Cụ Lê Bích Xa chìa tay ra, lắc mạnh vào tay Dăng: "Thôi, đi cho tốt tốt", rồi chui luôn vào chăn. Ngoài cổng đồn điền, tiếng móng ngựa, dịp nhạc và sát vòng bánh thưa và bé dần. Sau đó độ dăm hôm, dân vùng Ba Tổng Lê ở Hưng Yên nhao nhao lên với nhau rằng hình như có đoàn quan Đoan về sục rượu lậu. Có người lên mặt thông thạo lại thì thầm rằng đó là quan Tây khảo cổ về đào mả Tàu đấy chứ. Cái việc Dăng về một làng vùng An Thi tìm mua tranh đã là một việc náo động cả một cuộc đời an nhàn cần cù và bình dị của đám dân quê. Người ta sợ sệt lo lắng cũng mất đến một ngày tròn. Mãi sau ông lí sở tại mới cắt nghĩa rằng đấy là quan Tây về mua cái bức tranh quái gì của cụ Chánh Thuận "đâu giả những mấy nghìn bạc" thì cả làng mới thở phào một cái và lại cày cuốc gánh gồng được như cũ. Cậu Tây Dăng mà tìm đúng được nhà cụ Chánh Thuận kể cũng tài thật. Thì ra đối với những người đi tìm vật báu trên đời không có cái gì là khó là không làm được cả. Có thế thôi, chứ dẫu có đến thiên nan vạn nan, họ cũng chẳng coi là mùi gì. Về những cái gay go trên con đường tìm đồ cổ, đâu có lần Dăng đã có nói chuyện đến những cái vất vả lúc vào huyệt đạo dưới mặt Ai Cập để tìm vào lăng tẩm các vua pha-ra-ông. Đứng trước bức tranh cổ của cụ Chánh Thuận vừa treo lên cây cột mẹ gỗ mít giữa nhà thờ, Dăng ngắm mãi và ngờ ngợ. Lòng tranh thì cũ xưa lắm mà lần vóc bồi thì tươi sáng. - Tranh này, hình như tiên sinh mới cho bồi lại. - Dạ, bẩm quan, có thể. Mới bồi độ dăm nay. Vì nó đã nát lắm rồi. Dăng trầm ngâm trước tranh, cố tìm cái quý giá trong những nét vẽ đã gần hết đường bút lông. Cậu ngắm mãi hình người trong lòng bức tranh trung đường. Cậu chỉ thấy nét mặt ông tướng Hàn Kỳ là tươi đẹp quắc thước. Chỉ có thế thôi. Nét chỗ khỏe, chỗ mềm dẻo tài tình. Nhưng chẳng nhẽ cả giá trị bức cổ họa lại chỉ có thế? Đã gọi là vẽ, thì họa sĩ nào hẳn cũng phải vẽ đến được như thế. Phải có những cái gì khác thế quá thế nữa kia chứ! Thì cụ Lê Bích Xa mới chịu trả ba nghìn đồng ra tỏ lòng thèm muốn như mua ngọc biết nói. Cụ Lê Bích Xa về môn cổ họa, Dăng đã phải tôn làm bực thầy học mình kia mà. Cái tài học ấy, Dăng đã được bái phục về cái lần đó cụ Lê giảng cho Dăng về màu phẩm huyền ảo của những bức tranh đám sa môn bên Tây Tạng. Dăng đứng rồi, Dăng lại ngồi. Sau khi đặt cái ghế bành hướng vào bức tranh cách tranh độ ba thước để "quan" Dăng ngồi thẩm tranh, cái ông cụ Chánh Thuận, cả một buổi sớm ấy cũng mất cả công ăn việc làm và chỉ biết có nín thít mà ngồi túc trực đó xem người mua tranh có cần dùng hỏi han gì không. Cái ông khách trẻ đó cũng là lạ. Ngồi suốt một buổi, bên cạnh cụ Chánh Thuận, ông không nói lấy một câu. Ông chỉ có vòng tay trước ngực, ngồi đực ra và dán chặt mắt vào trong tranh. Ông hút không biết bao nhiêu là thuốc lá. Tàn tro và mẩu đầu thuốc dưới chân vị Tây trẻ, đã đùn lên thành một đống rác. Ông lim dim mắt, nhìn bức họa qua vờn khói, say sưa và thắc mắc và có lúc nét mặt người trẻ ấy xa vắng như khuôn mặt một nhà sư già nhập thiền lúc tĩnh tọa. Dăng càng ngắm tranh, càng thấy mình bất tài. Cầm ví đếm tiền, chàng có ý không muốn trao nó cho ông Chánh Thuận. Không phải Dăng có ý tiếc tiền, dẫu rằng cái tiền ấy không hẳn của mình lấy mảy may. Từ đi vào con đường khảo cổ, Dăng đã được dùng tiền nhiều gấp bao nhiêu ngần ấy kia. Có khi chỉ đổi lấy một mảnh sứ vỡ, Dăng cũng đã bỏ ra một số tiền bằng tiền mua một nếp nhà lầu rồi kia mà. Nhưng thôi, lời thầy đã dạy như thế, Dăng chỉ có biết tuân theo. Dăng đưa đủ số cho ông Chánh Thuận và lên đường về lĩnh mệnh cụ Lê Bích Xa. Cụ Lê Bích Xa đã nhận được điện tín của Dăng trước ngày về, đem tranh về. Cụ liền soạn sẵn một bữa tiệc lớn cho riêng chỉ có hai người: Cụ và Dăng. Và đám dân đồn điền lấy làm lạ về việc cụ cho họ nghỉ luôn những ba ngày mà vẫn cứ cho ăn cả lương. Khong những thế, họ lại còn được chủ đồn điền ban cho gạo thịt, rượu, cà phê và đường; cứ bốn người một chai rượu và cứ tám người một ki-lô cà pheel Người bảo rằng hay cụ Lê Bích Xa ăn mừng ngày sinh nhật. Nhưng có kẻ thông thuộc việc nhà ông chủ, lại nói rằng lễ sinh nhật mọi năm thường làm vào giữa mùa lạnh kia mà. Có đâu một người trong một năm lại ăn những hai lễ sinh nhật của mình. Cả một đồn điền cà phê xao xuyến - cụ Lê Bích Xa vui. Cái buồng riêng cảu cụ Lê Bích Xa đã được kê dọn lại. Cụ cho cất bớt đi rất nhiều thwsl Mọi khi gian buồng này, không mấy ai được vào. Thân tín đến như Dâng mà đâu cũng chỉ được để chân tới vỏn vẹn có hai lần. Đây đã gần như một nơi chính tẩm thuộc một ngôi đền, Đấy chứa nhiều của lạ trên thế gian thuộc về đủ các loại. Những kỉ niệm lữ hành. Những vật quý tích trữ được, sưu tầm được. Linh tinh quá. Và có nhiều sưu vật bé chỉ bằng khuy áo mà nói đến là y như là cơ man tiền bạc. Mỗi vật đều có trước số theo thứ tự phân loại, kê khai vào một cuốn sổ và được chụp ảnh lại dán riêng vào một cuốn an-bom, dưới mỗi ảnh đều có cước chú hình dáng cân lượng màu sắc, và cả tên tuổi những vị tiền chủ các vật đó. Thật là cả một cuốn sổ căn cước, một sổ bộ lí lịch. Thường mọi ngày, cụ Lê Bích Xa, mỗi đêm vào phòng này, đều phục sức rất trang nghiêm, tay cầm nến rọi vào từng vật, dáng đi chậm chạp thành kính: Đứng ngoài nhìn cái bóng chậm yếu ấy cử động dè dặt, ta tưởng đấy là một kẻ tu hành đang thầm kín làm một lễ dâng hương vào những giờ u tịch của đêm ấp. * ** Dăng đưa bức cổ họa về. Bàn tiệc đã bày sẵn. Lê Bích Xa không cho dăng có thời giờ đi thay quần áo và tắm gội, cụ liền nâng mừng Dăng một cốc uýt-cây tẩy trần và đòi xem ngay tranh. Tường đã đóng sẵn một cái đinh mới. Cái đinh ấy chờ bức tranh cổ đã từ mấy bữa nay. Hai thầy trò loay hoay mắc tranh lên đấy. Ngồi đối diện bức họa xưa thướt tha trên nền tường, sự chăm chú của Lê Bích Xa bị nghi ngờ tràn mãi vào. Lòng hoài nghi ấy càng tăng thêm mãi. Lê Bích Xa thay mãi kính tuổi. Có khi đeo hai ba kính chồng lên nhau. Đến lúc mà cụ đi gần lại tranh, rọi kính hiển vi lên nền lụa cũ một hồi lâu xong, cụ quay lại Dăng và chậm rãi: - Hỏng mất rồi Dăng ạ. - Thưa thầy tranh này vừa bồi lại. Họ cũng nói thế. - Chính vậy. Họ đánh tráo mất ruột tranh rồi. Chúng ta bị lừa to rồi. - Thầy muốn nói đây không phải là nguyên bản bức tranh? Đây chỉ là một bản sao cổ họa? Cụ Lê Bích Xa không trả lời. Mắt người sưu tầm đồ cổ có những nét chìm đường nổi của suy nghĩ và thương tiếc. Lại cho người ra Ba Tổng Lê đòi lại tiền lão Chánh Thuận? Mấy ngàn bạc, tuy là một số tiền to tròn đấy, nhưng đòi lại để làm gì. Cái đáng giữ lấy, đâu có phải là tiền, bức tranh cổ kia chứ. Rủi bị tranh giả, Lê Bích Xa chỉ hận tiếc mình đã chẳng có duyên với vật báu, giờ biết nó lạc vào đâu mà sẵn tìm. Người đã biết chơi cái ruột tranh xưa đó, hẳn không vì vàng bạc mà thuận nhường lại cho, và có biết đâu mà tìm đến cầu thân. Một đêm ròng ấy, chủ ấp không ngủ. Ông già ngồi đối diện bức tranh có đèn măng-sông ba trăm nến soi tỏ. Ánh sáng mạnh và xanh trong càng làm tỏ thêm những chiếc thở dài tiếc thêm của chủ ấp không ngủ. Ngày sau, Dăng lên buồng thỉnh an thầy và hỏi cụ Lê Bích Xa xem giờ nên xử trí ra sao với bức tranh bị đánh tráo và chàng xin chuộc lại lỗi bất tài vô học sơ suất mình bằng sự bỏ tiền ra đền lại cho cụ, nếu cụ Chánh Thuận manh tâm không hoàn lại mấy ngàn đồng. - Thầy bắt đèn con mà làm gì. Thầy cũng không đến nỗi nghèo thiếu. Và bị mua nhầm tranh này, lỗi cũng không hẳn tại con cả. Vì cái học lực xem cổ họa của con, dẫu sao cũng chưa vào được mức cao đẳng. Mà lúc con đi lấy tranh, thì thầy lại không dặn kĩ về cách thử. Ai biết đâu rằng trong thế giới chơi tranh, lại cũng có những người quái quỷ như mình. Kẻ kia đánh tráo ruột tranh, thực cũng là người có mắt tinh đời. Đáng nên gần lắm. - Có lẽ người ấy là tên khách bồi tranh? - Rất có thể. - Con muốn được nghe thầy giảng cho về cái quý giá của bức họa. - Thầy sắp nói đến mà. Con hãy ngồi xuống đã. Uống đi. Và cũng không nên tiếc nữa. Vô ích. Thế gian còn vô số cái khéo cái quý. Chỉ sợ mình không có mắt xanh đối với những vật có cái bề ngoài của vô hồn. Chỉ sợ mình kém đức để được làm bạn với vật báu thôi, con ạ. Cụ Lê Bích Xa từ tốn đặt xuống bàn một bộ đồ hút thuốc lá chưa cuộn, lấy ở giá điếu ra hai cỗ píp, đưa cho Dăng một. Mồi thuốc thơm ở hai ống điếu tỏa khói lần. Nước bọt chốc chốc chảy từ họng điếu xuống tàn lửa mồi thuốc, đánh dấu thời khắc qua bằng những tiếng sèo sèo gợi cảm. Lê Bích Xa đứng lên đi mấy vòng, bắt đầu giảng về bức cổ họa Trung Quốc, giọng đĩnh đạc trong trẻo. Buồng người chủ ấp có tuổi phút chốc đã trở nên một giảng đường mà Dăng là một thính viên chăm chú. - Con có biết tác phẩm này là của ai không? À của Lỗ Hường Diên người tỉnh Mân - cái tỉnh Trung Quốc, nổi tiếng về môn hội họa quái ác, hẳn con đã tường! Như con trông thấy đó, tranh vẽ một ông tướng và một ngọn nến cháy soi xuống một cuốn sách mở của ông lão tướng. Tất cả giá trị huyền ảo của tranh là thu vào ngọn nến. Ngọn nến ấy, nếu cha đánh diêm châm vào thì sẽ cháy sáng như một ngọn nến của cuộc đời thực tại chúng ta. Con hãy cứ bình tĩnh ngồi xuống mà nghe cha nói tiếp. Cha nói cái gì nhỉ? À nếu châm lửa vào đầu nến đó của tranh thì trang sẽ sáng bừng lên. Và, chỉ có nến cháy thôi, chứ tranh vẫn âm u nguyên vẹn; lửa nến sáng vẫn không làm hại gì đến đời vật chất của tranh. Muốn cho tranh trả lại vẻ bình thường của tranh thì chỉ có thổi tắt phụt ngọn nến đi thôi. - Thưa cha, con đi vào con đường cổ họa Trung Quốc kể cũng đã lâu ngày nhưng chưa từng nghe - chứ không nói đến sự thấy nữa - tới những việc quái dị như vầy. - Dăng, con hãy đứng lên cái ghế kia, đánh hộ cha một que diêm và châm ngay vào đều nến tranh. Tranh tự nhiên sáng bừng lên. Nến bốc dần sức sáng, soi xuống tranh sách và khuôn mặt hồng hào vị tướng già quắc thước ngồi trong lòng cổ họa. Giá lúc này, lửa nến lả lay ngọn đi một chút theo với tí gió đông của phòng khách đây thì Dăng đã tưởng tướng Hàn Kỳ ngồi kia là người của cuộc đời này và đang là một vị quý khách ngoài thời gian của chủ ấp đây. Dăng lùi mãi ra xa, nhỡn tuyến bị sự hiển linh của tranh sáng chi phối. Dăng dụi mắt. Giữa không khí kinh ngạc kinh sợ thầm lặng đem lại bởi quái ảo giọng cụ Lê Bích Xa cũng phào phào xa vắng như từ một thế giới nào gửi về - Lụa vẽ tranh, nguyên có những hai lượt. Vì còn cả cái ruột trong không bị người có mắt tinh đời nào đó lấy mất, thì ngọn nến sáng của chúng ta cháy mãi mãi. Ta có thể treo mãi tranh này trong nhà, dùng ngọn nến này mà chơi thay đèn, đêm đếm thắp lên. Nhưng uổng quá, chúng ta chỉ còn có một lần lụa ngoài của bức tranh nên sự thần diệu này chỉ có được trong giây lát thôi. Thắp lâu nữa thì cháy luôn cả tranh mất. Con lại chịu khó đứng lên ghế thổi tắt nến tranh đi rồi cha sẽ giảng tiếp về cái bí thuật của lối họa xưa tỉnh Mân này. Nến tranh tắt. Phòng giảm hẳn sức sáng - cái cây bạch lạp nơi tranh lúc sáng tỏ, sức sáng vốn ngang bằng một ngọn măng-sông nhỏ. Mùi cà phên tỏa ra trong sáng dịu của phòng lặng. - Lỗ Hường Diên vốn là một họa sĩ nổi tiếng về môn vẽ và lại khiêm cả khoa thôi miên nữa (tỉnh Mân vốn lại là quê hương của môn hư linh học). Cứ chỗ thầy biết thì lúc tạo nên bức tranh này, Lỗ đã phải vi hành hương mãi vào vùng Ma Thiên Nhẫn để tìm nguyên liệu như chất lân tinh và diêm sinh ở những mả hoang gần đấy - núi Ma Thiên Nhẫn vốn là đất cổ chiến trường - và chất thạch nhung ở đáy sông Bộc Ly. Con cũng chưa biết công dụng hóa học của mấy loại khoáng này. Lân và diêm sinh thì cháy sáng và thạch nhung thì không cháy, mặc dầu bỏ thẳng vào lửa. Lụa vẽ tranh, dệt bằng tơ loài sơn tằm đánh săn lại với thạch nhung cán nhỏ ra. Vẽ đến ngọn nến, họa sĩ dùng chất lân và diêm Ma Thiên Nhẫn trộn lẫn với thuốc vẽ. Vẽ xong, họa sĩ lại thôi miên vào đầu ngọn nến. Đấy là ruột tranh. Cái lần trong. Lần lụa vẽ ngoài, chỉ là cái lượt hoa mĩ của màu sắc và hình vẽ phủ lên trên để giữ vững cái cốt kì diệu ở trong. Trang cổ lâu ngày, lượt lụa ngoài cũng hấp thụ được cái thần diệt của cốt trong. Và thắp vào ngọn nến ngoài cũng có cháy. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc thôi. - Thưa cha, những lối hiểm hóc này của môn hội họa, cha sở đắc được ở nguồn khảo cứu nào? Sách không có nói đến. Cụ Lê Bích Xa sẽ cười mỉm không trả lời thẳng vào câu hỏi của Dăng. Cụ kể sang một chuyện khác: - Cái lối vẽ lấy chất lân trộn vào thuốc để điểm ngọn lửa tranh và lấy thạch nhung để làm nến tranh, đâu còn có. Cái bức vẽ tích "Phục Nữ Thổ Thư" cũng gần như thế. Nguyên tranh này diễn lại việc mừng Phục Hi Nga đọc cho thượng thư lệnh Tiều Thố đời Hán chép lại những lời của lũ sách bị mất đi về đời Tần Thủy Hoàng phần khuê thanh nho. Lúc Phục Hi Nga đọc cho Triều Thố ngồi chép, bên án sách có hai người đang quỳ nâng đèn lồng soi sáng trong sách. Ấy lửa đèn lồng, cũng điểm theo cái thuật ấy. Nhưng không rõ tranh tích sau này có phải là sản phẩm của tỉnh Mân không. Cụ Lê Bích Xa ngừng một hồi lâu rồi bàn với Dăng: - Bây giờ cha nghĩ thế này. Là cũng không đòi tiền cái lão chánh tổng ấy nữa. Và cũng không giữ cái tranh này để chơi riêng nữa. Cha sẽ tổ chức một buổi nói chuyện về cổ họa Tàu và đem đan cử luôn tranh Hàn Kỳ này ra và châm lửa nến thí nghiệm ngay cho công chúng xem. Sẽ làm một tiệc trà tại câu lạc bộ Pháp Việt ở tỉnh. Mời cả thân hào và những bất cứ là ai người Pháp người Nam có cảm tình với nghệ thuật. Của báu, có khi cũng không nên giữ lấy một mình. Cha sẽ phí bức tranh cổ đó, đốt cháy cho thiên hạ đây xem chơi. Tại tiệc trà đi kèm vào buổi tối nói chuyện về tranh Tàu tổ chức ở Vinh, công chúng Việt vỏn vện có năm người. Bất chấp cả cái thiểu số đáng là một cái cớ để hoãn lại ngày nói chuyện, cụ Lê Bích Xa vẫn bình tĩnh giảng về cổ họa Trung Hoa và cứ cho châm ngọn lửa nến trong bức tranh ba nghìn đồng của mình treo ở tường câu lạc bộ. Phép kì diệu đó chỉ đúng được có hai mươi phút nghĩa là bức tranh đã cháy ra gió trước khi diễn giả nói đến câu cuối cùng của đề chuyện mình.. /.