Tuyển Tập Truyện Ngắn Nguyễn Ngọc Tư

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Hậu Minh, 12 Tháng hai 2022.

  1. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Tác phẩm: Nước chảy mây trôi

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

    Thể loại: Truyện ngắn

    [​IMG]

    Hôm trước ngày đi Đất Mới khai giảng niên học mới, Diệp chở mẹ đi nhổ răng. Trên đường về, bỗng dưng Diệp nghe nước mắt mẹ rớt trên lưng mình. Mẹ than buồn, vì miệng còn ngậm bông gòn nên giọng mẹ bệu bạo (hay tại khóc), mẹ nói, không biết thầy Nhiên có chê mẹ già không. Diệp biết mẹ nói không thật, mẹ khóc vì mai này mẹ đã xa Diệp mất rồi, chứ hai mẹ con Diệp hiểu thấu tới đáy lòng, thầy Nhiên không phải là người coi trọng mấy chuyện lặt vặt đó.

    Mẹ Diệp lớn hơn thầy Nhiên đến tám tuổi, hồi họ quen nhau, thầy Nhiên mới ba mươi ba. Nhà may của mẹ cách trường cấp ba Hưng Hải chừng mươi thước, nổi tiếng khắp thị xã về may áo dài. Gặp lần đầu ở buổi họp phụ huynh, thấy thầy vai áo rách, về nhà mẹ Diệp mua vải may tặng thầy một chiếc sơ mi mới, để lấy lòng thầy cho con nó nhờ. Sau này, thầy hay lại nhà nhờ mẹ Diệp may áo. Có lần mẹ hỏi vợ thầy đâu mà để áo rách vầy, thầy cười, còn gửi ở nhà người. Diệp đi học về, mẹ hỏi, thầy Nhiên ba mươi mấy tuổi đầu chưa lấy vợ, chắc thầy khó tính lắm hả con. Diệp lắc đầu, không, thầy thấy thương lắm.

    Diệp nói thật lòng. Từ ngày thầy Nhiên chủ nhiệm lớp, buổi sinh hoạt nào lớp cũng vui tươi, tràn ngập tiếng hát, tiếng cười, có đứa còn đi học đàn về gảy tửng từng tưng. Thầy dạy môn Văn và biến những tiết học khó khăn này thành một thiên đường của cảm xúc. Giọng thầy ấm áp, sôi nổi, truyền cảm, mắt hay nheo, coi bộ hóm hỉnh, vui tính. Thầy bảo, mắt thầy bị tật hồi còn ở lính, không nheo thì bắn không.. trúng, nheo riết thành quen. Bọn Diệp cười, tướng thầy mà bộ đội gì, thầy cũng cười, giỡn hoài, đơn vị còn không định cho ra quân nhưng thầy nhất quyết xin ra, đi dạy học. Đám học trò khen thầy dạy Văn giỏi nhất trường. Nhà trường thì không nghĩ vậy, dạy cháy giáo án hoài mà giỏi gì.

    Sau này, khi xem bộ phim võ hiệp "Tiếu ngạo giang hồ", Diệp phát hiện ra thầy Nhiên giống hệt Lệnh Hồ Xung, cuộc đời anh chàng không thể hoạch định trước, làm gì cũng theo cảm xúc, cả chiêu thức võ công anh ta dùng cũng "nước chảy mây trôi" theo ý mình. Dù vậy, Diệp cũng thảng thốt, bất ngờ rất nhiều khi hay thầy với mẹ thương nhau. Mối tình đó không thể giải thích được vì sao, không thể nói rành rọt bằng lời những cảm xúc dịu dàng mà bỏng cháy trong lòng mỗi người. Bắt đầu từ đâu? Từ miếng băng keo thầy mang đến khi thấy tay mẹ đứt, từ việc mời nhau mấy củ khoai mì nóng thầy mua của chiếc xe đẩy trên đường, hay từ những bữa họp phụ huynh, thầy nhìn thấy mẹ Diệp ngồi trong một góc nào đó, đẹp đẽ, sang trọng mà buồn buồn, vơ vất, như lạc ở một vì sao nào? Mẹ chỉ biết nói lời xin lỗi Diệp. Nó khó khăn lắm mới bảo, không sao, nếu con là mẹ, con cũng yêu thầy, thầy dễ thương quá trời đất mà.

    Ba Diệp thì không thể tha thứ. Chẳng thèm chửi bới đánh đấm nhau, là người trí thức, ông bác sĩ xử sự rất mềm mỏng. Ông đến trường, níu bất cứ đứa học trò nào ông nhìn thấy, phẫn trí van vỉ (như một người yêu vợ hết lòng), "Cháu làm ơn nói với thầy Nhiên trả vợ lại cho chú, làm ơn, cháu ơi!". Chuyện này gây tiếng vang đến phòng giáo dục, rồi đến Sở. Thầy Vẹn, hiệu trưởng trường vốn là đồng đội cũ với thầy Nhiên, thương bạn lắm nhưng đành buộc thầy thôi việc.

    Rồi thì mẹ Diệp cũng ra đi. Qua cửa, mẹ chỉ có một chiếc va li nhẹ bỗng, trống không. Lẽ ra mẹ có thể mang đi nhiều hơn, nhưng chỉ với hai bàn tay trắng, mẹ mới rửa oan cho thầy trước lời mai mỉa của người đời, rằng thầy chỉ yêu túi tiền của mẹ thôi. Diệp thầm thắc mắc, yêu là phải hy sinh nhiều thứ, vậy sao người lớn đâm đầu đi yêu hoài làm chi cho khổ?

    Tổ ấm đó cách nhà Diệp một cây cầu, nhiều con đường ngoắt ngoéo. Diệp có đến chơi, đến mà nghe quen thuộc, ấm áp như nhà mình. Hồi trước, Diệp tới nhà thầy chơi hoài chớ gì, nó thuộc lòng từng cuốn sách trên giá, rành rẽ từng chỗ thủng của cái màn cửa. Nhà thầy bừa bộn, đầy màu sắc. Màu của giấy dán tường, của những đường viền tự tay thầy cắt, của những tờ lịch đầy núi, thác nước và mây. Tất cả những cái đó đầy sự sống. Nó khác với nhà Diệp, bốn bức tường đều trắng, Diệp đem hình diễn viên, ca sĩ về dán trong phòng, ba khó chịu. Ở nhà, mọi người phải xem những bộ phim, nghe những loại nhạc bác học mà ba thích. Bữa cơm nào ba cũng tự tay rửa rau, dù mẹ rửa rồi ông cũng phải rửa lại. (Diệp ngờ rằng, tình yêu của mẹ đã mất mát từ chuyện ấy, đến rửa rau mà cũng không tin nhau). Ba không ăn ở quán ăn vỉa hè, cự tuyệt những món chuối nướng, khoai nướng bên đường, ba nói ăn vậy là không vệ sinh. Ba bảo mẹ một tuần nấu canh bí đỏ sáu lần, thực đơn này giúp cho Diệp thông minh, học giỏi, giúp Diệp mai sau trở thành một bác sĩ danh tiếng như ông.

    Nhưng Diệp chỉ thích làm cô giáo. Một cô giáo sẽ không vì đám học trò ngỗ nghịch mà nguôi đi lòng thương yêu, không vì danh hiệu thi đua này nọ mà nguôi đi tâm huyết của mình. Giống như thầy Nhiên vậy.

    Một bữa lại nhà mẹ chơi, Diệp chỉ tay vào góc lâu nay thầy vẫn để sách và đàn, nó nói, "Thầy ơi! Em chỉ cần chỗ này là đủ, ban đêm em ngủ, ban ngày em sẽ ngồi học ở đây". Thầy Nhiên với mẹ nhìn Diệp mừng rưng rưng nước mắt. Nhưng cũng phải đợi đến bữa ba dẫn bạn gái về, Diệp mới ra đi. Ba không ngăn lại, chỉ cười khan, lạnh, đầy cay đắng, hằn học. Diệp thấy mình hơi giống mấy tên phản bội trong phim.

    Bây giờ chuyện cũ cũng đã nguôi rồi, người ta thôi không trầm trồ nữa. Mẹ gầy dựng lại một tiệm may mới, với những khách hàng cũ. Thầy Nhiên quyến luyến đám học trò nên thuê quầy bán sách báo ở trước cổng trường. Ba Diệp đã lấy vợ, có con. Tốt nghiệp đại học xong, Diệp có ghé nhà, thấy ba ngồi giặt tã cho em. Lúc ra về, tổng kết lại thì ba chỉ hỏi Diệp đúng một câu, "Ra trường rồi tính làm ở đâu?" Diệp nói không biết nữa, nếu chờ được phân công, có thể sẽ về dạy ở một huyện, thị trấn nào đó, có thể ở đó nghèo và buồn.

    Mẹ nói sẽ tìm cách xin cho Diệp ở lại thị xã, thầy Nhiên có nhiều người quen làm trong ngành giáo dục, thí dụ như thầy Vẹn đang làm Phó giám đốc Sở. Diệp chần chừ không biết lắc hay gật đầu. Mẹ thở dài, nửa đêm than với thầy Nhiên, "Chắc mình mau già lắm, Nhiên ơi. Con gái mình thấy rầu quá".

    Rầu chớ, công việc đang lừng khừng, chuyện yêu đương Diệp cũng chẳng tới đâu. Đứa con trai cuối cùng đã thôi lui tới nhà chừng nửa tháng nay, sân trước chưa thấy xe của người mới nào đậu. Mẹ nhắc lại nào Tuấn nào Huy, rồi Phát, Sang, mấy đứa đó thấy thương quá mà sao kỳ vậy không biết. Diệp cười, "Trời đất, tụi nó hả, con đâu có yêu". Mẹ tức quá vặc lại, "Vậy chớ con yêu ai?". Mẹ hỏi Diệp trong một đêm gió rất nhiều. Diệp tự vấn mình câu đó, khi có được câu trả lời, chợt nghe gió thổi tơi bời vào lòng, nghe như gió cấp mười, mười hai trong ấy.

    Hôm sau, Diệp gọi thầy Nhiên bằng ba (nó bẻ miệng đến toát mồ hôi ra). Mẹ với thầy nghe lạ, phì cười. Diệp tá hỏa, tiếng gọi ấy với nó không có ý nghĩa gì hết, kêu tiếng ba thiêng liêng mà lòng vẫn yêu thầy, yêu thầm lặng tự hồi nào không biết. Hèn chi đi xa nhớ quá chừng (tưởng chỉ nhớ nhà thôi), hèn chi mấy thằng bạn trai hay bị đem ra so sánh với thầy (tưởng vì quý trọng quá đó thôi).. Bây giờ không biết làm sao quên được đây, để vầy nguy hiểm quá, người ta nói yêu với say rượu khó che mắt được người đời.

    Diệp ngầm chuẩn bị cho mình một chuyến đi xa. Mẹ không biết, nên mẹ đi chợ, mua hai ký lô khô cá sặc rằn, dịu dàng bảo thầy Nhiên, "Nhiên chở con tới nhà anh Vẹn chơi, sẵn tiện nhờ ảnh giúp cho nó một chỗ làm. Có chút quà này..". Rồi mẹ Diệp tiễn hai người họ ra tới ngoài sân. Lên xe chạy một đoạn, ngó lại thấy mẹ vẫn còn đứng tần ngần, giống như sợ thầy trò Nhiên đi lộn đường hay sẽ lén quay trở lại nhà.

    Nó ngồi sau lưng thầy (như nhiều lần ngồi sau thầy đi mua keo, nút áo, chỉ may cho mẹ), mà lòng nghe dịu ngọt lạ thường, chợt nghe thèm đến rớt nước mắt được nép mặt vào lưng, được choàng tay ôm eo thầy. Chiếc xe chạy lòng vòng qua hết mấy con đường, cứ gặp đèn đỏ là thầy lại quẹo phải, Diệp khúc khích cười, nghĩ, nhà thầy Vẹn đâu có xa dữ vậy. Chiếc xe máy hiểu ý chủ nên nó cũng cà xịch cà lụi, lâu lâu lại phun ra một bụm khói đen xì. Thầy bảo, "Chết cha, chắc là nước vô bình xăng". Mà, chiếc xe vẫn không chịu chết máy hẳn, vậy mới kỳ. May nhờ đến trước cổng nhà thầy Vẹn thì trời đổ mưa, cả thầy Nhiên và Diệp đều mừng húm, kêu lên, "Mưa! Mưa rồi!" rồi chạy vào quán cà phê ngang đó cho khỏi ướt.

    Diệp vừa phủi nước trên áo, trên tóc mình vừa cười, nhớ lại trên đời này chắc không ai mắc mưa mà phấn khởi như vậy. Thầy trò Diệp kêu hai ly trà đá, bắc ghế ngồi ngó mưa rơi, ngó qua cái tường rào im sẫm đằng trước nhà thầy Vẹn, nghe trong lòng ngại ngần quá trời đất.

    Chỗ này chỉ cách bên đó một con đường, coi vậy mà qua đó cũng nghiêm trọng như Kinh Kha qua sông Dịch. Thật ra, nghỉ dạy ở trường cấp ba Hưng Hải rồi, thầy vẫn thường lại chơi nhà thầy Vẹn. Người đang có chức vị, ngồi cao lại hay ước sống như ông bán lẻ sách báo ở cổng trường (mà càng bán càng lỗ vốn, cứ thấy cuốn sách nào hay là dúi tặng cho học sinh). Thầy Vẹn bảo, "Đâu phải ai cũng làm được chuyện động trời như ông vậy. Nhớ kỹ coi, đang học ngon lành, ông tình nguyện đi biên giới, ở lính được cưng chiều ông không chịu, đòi ra lính dạy học, đang dạy học, lại đòi yêu mà lại đi yêu ngang trái mới chết". Thầy Nhiên cười, "Cũng trả giá dữ lắm, đừng tưởng giỡn". Vợ thầy Vẹn cũng quý bạn chồng, chị nói, "Ông xã em mê anh lắm, ảnh nói bây giờ có một chút chức quyền mới biết cực khi chơi với bạn, cứ phải cảnh giác nhìn nhau không biết người ta sắp nhờ cậy gì mình. Chỉ có anh Nhiên là không tính toán gì hết". Vì chị đã nói vậy nên bây giờ mới khó mở lời..

    Diệp biết thầy Nhiên đang nghĩ lung lắm, nhưng nó không nói gì, nó chỉ lẳng lặng ngồi nhìn mớ tóc cứng như rễ tre đã chớm bạc trên đầu thầy. Hồi trước, mỗi khi thấy tóc thầy dài, Diệp vẫn hay nhắc, biểu đi cắt, để tóc vậy coi già thấy mồ. Hồi đó, thầy cười cười, "Đâu nè, vầy là vừa chớ". Sau rồi Diệp biết, thầy cố tỏ ra luộm thuộm để đuổi cho kịp mẹ, để mẹ khỏi buồn, khỏi mặc cảm chuyện vợ già chồng trẻ. Thầy tinh tế cả chuyện ăn mặc, chuyện xưng hô. Ở nhà Diệp, ai tới cũng bảo ngộ, nhất là mấy anh chàng đang đeo đuổi Diệp, họ bảo, "Nhà Diệp không có tôn ti trật tự gì hết, thấy lộn tùng phèo". Thí dụ như chuyện xưng hô, rõ ràng nghe thầy Nhiên với mẹ kêu nhau Nhiên Nhiên Thúy Thúy giống bạn bè hơn là chồng vợ, còn Diệp gọi thầy thì tùy hứng, có lúc kêu cậu, có lúc gọi "đại sư ca".

    Nhớ tới đâu lòng Diệp đau tới đó, nhà giống như thiên đường vậy, mà mình lại phải đi xa. Ngoài trời vẫn còn mưa, nước chảy ròng ròng vào miệng cống. Thầy bảo mưa dai quá hen. Diệp cười, dạ, mưa dai thiệt. Thầy hỏi, hay là hai cậu cháu mình chạy qua gặp thầy Vẹn một chút. Diệp lắc đầu, thôi cậu!

    Diệp không đành lòng cùng thầy cầm gói cá khô bước qua cửa nhà thầy Vẹn. Muốn hay không, khi quay trở lại, thầy trong lòng Diệp sẽ không tròn vẹn như bây giờ. Mất mát đó có thể rất mỏng manh, nhẹ như hơi thở, có thể chỉ là cảm giác vậy thôi. Thầy trông sẽ hèn hèn đi một chút, ngượng ngập một chút, vẩn đục một chút. Diệp muốn giữ vẹn trong lòng mình một hình ảnh đẹp, một người đàn ông lúc nào cũng nồng ấm, đĩnh đạc, thư thái, đầy khí phách và thành thật với con tim. Lỡ mai mốt đây gặp hoàn cảnh khó khăn nào, Diệp còn có thầy Nhiên mà vịn vào, đứng lên, đi tiếp. Nếu phải đi xa để những điều tốt đẹp còn nguyên lành mãi thì cũng đáng lắm chớ.

    Lúc về trời vẫn còn mưa, Diệp có dịp giấu mặt vào lưng thầy, khóc chơi. Trời ơi, nép sau một cái lưng rộng và ấm áp như vầy để khóc đã thiệt. Mẹ hạnh phúc biết bao nhiêu.

    Lúc về Diệp ôm vai mẹ, Diệp bảo mớ khô cá sặc rằn này hôm nào làm liên hoan tiễn con đi, mẹ nướng rồi xé trộn xoài sống, con thích món này lắm. Chỗ con tới có thể buồn và nghèo, có thể cách trở xa xôi, có thể đám học trò của con lấm lem sình đất, nhưng con không ngại, để con hát cho mẹ nghe bài này, rằng "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ sẽ dành phần ai". Mẹ nghe xong, rớt nước mắt, day qua thầy Nhiên, không rõ khen hay than mà giọng buồn hết biết: "Nhiên coi, không phải máu mủ của Nhiên mà con mình nó giống y chang Nhiên vậy. Muốn là làm".

    Đâu nè, đâu phải muốn là làm, cũng phải suy nghĩ đắn đo dữ lắm. Coi lại, làm gì có chuyện con người được sống hồn nhiên như nước chảy mây trôi? Phải chọn lựa và trả giá chớ..
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Tác phẩm: Hiu Hiu Gió Bấc

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

    Thể loại: Truyện ngắn

    [​IMG]

    Cái xóm nhỏ ven thành phố này, người ta nhắc tới anh Hết còn nhiều hơn chủ tịch tỉnh đi họp. Đứa nào hỗn hào, lười biếng, má nó biểu: "Lại coi thằng Hết kìa! Ba mươi mấy tuổi đầu rồi, ngày đi làm thuê, làm mướn, không có chuyện gì nó chê, chiều về lụi hụi chui vô bếp nấu cơm, giặt giũ cho cha già, hiếu thảo thấy mà thương". Ai mê vợ bé, mê chơi đề, đá gà, họ lườm lườm: "Mê gì như thằng Hết mê cờ". Nên nghe râm ran chị Hảo để lòng thương anh, má chị kêu trời: "Bộ hết người rồi sao, con. Cái thằng mê cờ tới mất vợ, không sợ?". Không, chị Hảo nghiêm nghị, cờ tướng là loại cờ tao nhã chỉ dành cho quân tử, có gì mà sợ. Mê rượu, mê gái mới ghê. Chỉ sợ người ta không thương mình. Má chị định càm ràm nữa, thì chị đã quay lưng ra quán mất rồi.

    Quán chị Hảo cũng nhỏ thôi, buôn hàng tạp hóa lặt vặt. Quán cất trước nhà, ngó ra mé lộ, có khi không cần ngồi giữ, bà con trong xóm ai muốn mua gì thì gọi vọng vô. Chỉ buổi chiều, chị mới ra ngồi ở đó. Buổi chiều, lúc mặt trời vừa khuất sau vườn chuối, anh Hết hay ghé lại để mua 1.000đ mỡ nước, 500đ bột ngọt, 500đ tỏi, 500đ tiêu. Chị cố bán thật rề rà để nhìn anh lâu nữa, coi bữa nay chắc anh đi vác lúa đằng nhà máy chà gạo, trên tóc còn vương trấu. Nhìn vậy thôi chớ không nói gì hết. Con trâu không nói sao cái cọc nói được. Nhưng vẫn cứ đón chờ, có khi sớm, khi muộn hơn một chút nhưng chị biết thể nào thì anh cũng về qua, về để nấu cơm cho tía anh.

    Tía anh Hết năm nay 72 tuổi. Tuổi này, người ta hay đau yếu nhưng ông vẫn còn sỏi lắm. Ông già khó tính, thêm tật lãng tai. Người ta mời ông ngồi, ông cười, xua tay: "Ăn rồi. Ăn cơm với thằng Hết rồi". Chừng năm năm trước, ông còn vô bếp nấu cơm, mắt mũi tèm nhèm để lửa táp vô vách lá, nhà cháy rụi. Anh Hết cất lại nhà trên nền cũ đầy tro, nhìn xa nhà lớn hơn miếu ông Tà một chút. Ông già ngồi tiếc cái tivi đen trắng, mỗi lần mở phải đập thùm thùm nó mới lẹt xẹt lên hình. Ông già điếc đát vậy mà mê tivi, cháy rồi thì thôi vậy, chiều chiều chống gậy thả qua nhà hàng xóm coi nhờ.

    Bữa nào anh Hết cũng chổng mông thổi lửa, rồi dọn cơm sẵn, ngồi dựa cửa trước chờ tía anh về. Có bữa chờ tới mỏi mòn, để bụng đói ngồi ngủ gà gật. Người ở xóm biểu cứ ăn trước đi chớ chờ gì, anh cười, mâm cơm có ấm cúng, tía tôi mới vui miệng, ăn nhiều. Nhưng có bữa, anh mới vừa giở cửa chui vô nhà, ông già đã ngồi nhai cơm cháy, bị nghẹn, mắt ầng ậng nước. Anh thương tía quá chừng vội vàng chạy đi vo gạo.

    Anh Hết mồ côi má từ mới lọt lòng. Bà chết vì sinh khó. Ngoại anh đặt tên là Hết. Chắc tại lúc đó đau lòng quá kêu đại vậy, chớ không có nghĩa gì đâu. Anh Hết lớn lên, yêu hết thảy từng con người, từng tấc đất ở cái xóm Giồng Mới. Cái xóm nhỏ ngoại ô biết bao thương nhớ, những bờ rào giâm bụt xanh, những hàng cây đủng đỉnh xanh. Những người đàn ông chuyền tay nhau dỗ dành đứa trẻ thiếu hơi ấm mẹ. Những người đàn bà cho anh bú thép, để con khóc ngoe ngóe trên giường.

    Tía anh không đi bước nữa, ngày ngày cột sợi dây võng dài từ nhà trên xuống bếp, vừa đưa vừa nấu nước cháo, hát vọng lên, "Chớ ầu ơ.. Cây khô đâu dễ mọc chồi..". Chừng này tuổi rồi, mỗi khi anh đặt lưng xuống bộ vạc, lại nhớ ngơ nhớ ngẩn lời hát của tía anh ngày xưa. Buồn lắm, nghe đứt ruột lắm. Càng nhớ anh càng thương ông. Câu được vài ba con cá rô, anh bắc cái ơ lên kho quẹt, tỉ mẩn lọc phần thịt dành cho tía, phần xương xẩu phần mình. Những trưa nắng tốt, tranh thủ giờ cơm trưa anh xin phép chạy về, dắt tía anh ra ngoài hè tắm rửa, kỳ cọ. Những tối trời mưa, anh lúp xúp cầm cái nón mê đi đón ông già. Đi cạnh, che đầu cho ba, nghiêm trang như đang chở che cho sinh linh nào đó nhỏ bé lắm, yếu ớt lắm.

    Nhưng ông già đâu có yếu, ông xách gậy rượt đánh anh hoài đó chớ. Tía đầu bạc rượt thằng con đầu xanh chạy cà tưng đuổi nhau lòng vòng quanh mấy cây me già ngoài mé lộ. Đám trẻ xúm lại, vỗ tay như coi hát bội. Hỏi anh Hết sao không chịu chạy nhanh để bị dính đòn, anh bảo, chạy thì được, nhưng càng nhanh thì tía anh càng mệt, chịu có mấy roi nhẹ hều, nhằm gì.

    Ai nghe nói cũng thương. Đúng là tên sao thì người vậy, chịu thương chịu khó hết mình, hiếu thảo hết mình. Có cái tật mê cờ, mê cũng hết mình.

    Người ta nhắc hoài chuyện anh hễ cắm đầu vô bàn cờ rồi quên đói, quên ướt, súng nổ cái đùng cũng coi như không nghe thấy, như là đã thoát tục rồi, bình an, xa rời mọi điên đảo. Thấy con bồ mình đang thương dắt tay chồng tương lai đi sắm sửa đồ cưới mà cứ lo mang xe chiếu tướng, thì đúng là không còn hỉ nộ ái ố gì nữa rồi. Cũng có nhiều người thích đánh cờ nhưng say đến mức coi con cờ như con người thì không ai làm được, ai đời, đi chốt qua sông mà anh khóc, nước mắt chảy ròng. Chị Hảo nhớ, bữa đó hình như đám gả chị Hoài.

    Người ta nói chị Hoài đi lấy chồng cũng tại anh Hết mê cờ.

    Họ thương nhau từ lúc hai người mới 22, 24 tuổi. Thời đó, tuổi đó, người ta thương không nhìn gia cảnh, địa vị. Tuổi đó, người ta yêu không ngại ngần, không e dè, rà cản, họ để lòng tự nhiên như dòng chảy của sông. Bên nhà chị Hoài biết con gái hay hẹn hò với anh Hết ngoài cống đá thì không vui. Má chị Hoài hỏi sao đâm đầu vô thương chỗ đó, cô hỏi lại: "Anh Hết hổng được chỗ nào hả má?". "Ừ, tao chê chỗ nào bây giờ, thằng Hết được, hiền, giỏi giang, chịu khó lại hiếu thảo. Nhưng nó nghèo quá, thân sơ thất sở không một cục đất chọi chim, biết có lo cho bây sung sướng được không. Bây quen được tưng tiu mà". Chị Hoài không cãi ra mặt nhưng bụng nghĩ, còn sức lực còn đôi tay, còn cơ may thay đổi cuộc đời.

    Lúc đó, anh Hết vẫn chưa mê cờ. Nhưng anh biết chơi nhờ đi làm bốc vác ngoài nhà máy, mấy ông già chèo đò truyền lại, nức tiếng với mấy chiêu pháo đầu, bình phong mã, công thủ song toàn. Cho tới lúc má chị Hoài lại nhà, không biết nói gì nhưng có khóc. Những giọt nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt già nua của người đàn bà đã từng cho anh bú thép. Sáng hôm sau anh đã thay đổi, nhanh như người ta lật một bàn tay. Anh đam mê cờ tướng. Anh hay na bộ cờ ra ngồi mấy gốc cây bên vệ đường để tìm đối thủ, để ai cũng thấy đúng là thằng Hết bê tha thiệt rồi. Nó không chịu làm ăn gì mà tối ngày nướng thời gian trên mấy con cờ xanh đỏ.

    Hồi đó, tía rầy anh dữ lắm. Anh thưa với con, nợ sữa là món nợ lớn nhất đời người. Con đã nợ má em Hoài, tía à. Không biết ông già rồi có hiểu gì tình cảm của tụi trẻ không, ông ừ hử vậy. Nhưng thấy anh ngồi la cà đánh cờ ở đâu, giữa đường cũng vậy, ông vác cây đánh ngay đó. Vừa đánh vừa kêu nhịp nhàng "Xe nè! Chốt! Pháo nè! Bụp! Chiếu hả, thằng ma cà bông, tao chiếu cho mấy đường". Ông ca cẩm thằng con ông bây giờ tệ bạc lắm chiều hôm qua nó để ông ăn cơm nguội chung với mấy con gián. Ông nói mà giọng ông hơi nghèn nghẹn dường như trong lòng đau nhói lắm. Nuôi nó từ nhỏ tới lớn, bây giờ ông mới đánh nó đây, đánh để giúp nó trả ơn đời. Tối về ông bắt nó nằm cho ông xoa dầu, hỏi bày đặt yêu đương chi mà khổ vậy con ơi. Xóm này người ta không biết nên nói mày hết thuốc chữa rồi. Con tao mà vậy à.

    Chị Hoài cũng can ngăn, thuyết phục mãi, tốn không biết bao nhiêu là nước mắt, cuối cùng đành phải bỏ đi lấy chồng. Hôm đám, anh Hết còn tỉnh bơ ngồi ngoài bờ, dưới gốc còng, hào hứng bày cờ ra chơi với mấy đứa nhỏ. Đám bạn gái ai cũng xì xầm, chắc thằng Hết không thương thiệt con Hoài nên mới dửng dưng vậỵ Chị Hoài nghe mà khóc không thôi, bảo với chị Hảo, có cái tiếng bạc tình ảnh cũng gánh cho em rồi. Tranh thủ lúc chưa làm lễ, chị Hoài rủ chị Hảo mang cả áo xống chạy ra, nhìn anh như nhìn lần chót, như lấy chồng là chết vậy. Anh Hết dứt khoát không ngước lên. Thôi, không nắm níu gì được nữa rồi, nghe người ta kiếm cô dâu, hai chị quay vào. Đi một đoạn, nghe đám con nít trộ lên, anh Hết sao mà khóc vậy. Đâu có. Có mà, nước mắt anh rớt lên con tướng này nè, đó, nó ướt nhẹp đó thấy chưa. Hết cười lớn, nói lớn: "Ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về"..

    Chị Hoài vừa đi vừa khóc. Lời của anh Hết làm chị Hảo thương điếng trong lòng. Con người này, nghĩa biết trọng mà tình cũng thâm.

    Anh Hết lại sống như những ngày trước kia lầm lũi đi đào thuê, vác mướn, kiếm tiền nuôi tía. Đôi ba hôm, đi làm về, đã thấy trên cái bếp còn ấm tro một nồi cơm nấu sẵn với một mẻ cá kho khô. Có bữa, mẻ kho đổi lại là nồi canh rau đắng. Rồi anh Hết gặp chị Hoài đi chợ về, thấy bóng anh từ đằng xa, chị lấy nón che một bên má bầm tím. Anh Hết chạy theo, giằng lấy nón mà xót xa:

    - Sao nông nỗi vầy, Hoài.

    Chị Hoài nói chị té đập mặt vô cạnh cửa nhưng anh Hết không tin: "Hoài ơi, em hạnh phúc, tôi mừng. Hoài cứ như vầy, chắc tôi bỏ xứ". Chị Hoài khóc, người ta chớ đâu phải con cờ mà hễ qua sông là đứt lìa phần đời trước.

    Rồi chị Hoài cũng tập thương chồng, thương không giấu giếm, ào ào như người ta bán thuốc sơn đông. Chị thôi không đứng tần ngần chỗ nhà chú Hết mỗi khi đi chợ về, thậm chí chị không thèm nhìn về phía ấy nữa. Chị Hoài nói với bạn: "Bữa nay đi chợ mua mấy khúc vải về may đồ cho anh Thứ. Ảnh nói mặc đồ chợ cũng được mà tui đâu có chịu, người vợ biết đường kim mũi chỉ lúc nào cũng làm ấm lòng ông chồng, phải hôn nè..". Giữa đường nói chuyện chồng con mà giọng chị Hoài lanh lảnh, chừng như nhắn với Hết, thôi đừng đi đâu hết, tôi quên anh rồi, quên thiệt, quên luôn, bây giờ tui thương chồng tôi lắm đây. Cho bỏ tội mê cờ, nghen.

    Nhưng từ ngày chị Hoài lấy chồng, anh Hết đã không đụng tay vào quân cờ nào nữa. Anh hay ngồi nhìn bàn cờ mặt buồn rười rượi, mấy đứa nhỏ không biết, cứ rủ hoài, ừ thì chơi. Anh biểu tụi nó bày cờ ra, rồi tự đi quân, anh không nhìn, chổng mông vo gạo, một đứa nói vô pháo đầu nghen, anh kêu mã tấn. Tấn chỗ nào? Tấn giữ con chốt đang bị con pháo rình đó, biết còn hỏi. Tụi nhỏ kêu, đây là kiểu "hiệp sĩ mù nghe gió kiếm", đánh cờ mà làm công chuyện không ngưng tay, nói khơi khơi, cũng thắng.

    Lụi hụi rồi bốn mùa gió bấc về kể từ mùa gió chị Hoài lấy chồng. Ba anh Hết thường chống đũa trên mâm cơm than ăn không vô. Anh hỏi ông thèm gì. Ông bảo chắc tao gần chết rồi, tao thèm một thằng cháu nội. Hết lượng sượng mãi mới cười: "Trời, thèm gì ngặt vậy, không biết con biết kiếm đâu cho tía bây giờ". Tía anh Hết biểu lại đằng quán con Hảo lỡ thời mà kiếm. Mày giả đò hoài, con nhỏ thương mày, ai cũng biết, chỉ mày là không. Anh Hết cãi, làm gì có, tía. Ông già đứng dậy, vậy phải thử. Nói rồi vung gậy đánh. Như mấy lần trước, anh Hết lại chạy lừng khừng ra sân. Rượt chán, ông già dứ dứ cây gậy vô mặt anh rồi tủm tỉm cười quay đi. Ông già còn kịp thấy chị Hảo chạy lại vẹt đám con nít ra, đưa anh chai dầu Nhị Thiên Đường, miệng xuýt xoa hỏi anh đau chỗ nào, giọng như người thân thiết trong nhà: "Làm gì mà để tía giận dữ vậy, lén chơi cờ phải hôn?". Anh Hết không trả lời, cầm chai dầu còn ướt mồ hôi tay của chị. Đây đã là chai thứ chín chị cho anh, anh khẽ bảo:

    - Hảo, tôi.. cảm ơn.

    Anh ngần ngừ sau chữ "tôi" hơi lâu, làm chị Hảo chờ muốn nín thở. Ơn nghĩa gì một chai dầu gió, nó chỉ làm anh hết đau ngoài da thịt, mà trong lòng thì còn mãi. Chi vậy Hết ơi!

    Đâu có biết, chỉ tại chưa quên được. Anh chưa dám nhìn thẳng vô mắt Hoài để cười, chưa dám nựng nịu con của Hoài mỗi khi chị bồng nó đi tiêm ngừa. Chưa thanh thản để chào nhau như một người bạn gặp một người bạn. Hảo có hiểu không?

    Hiểu, nên tôi chờ đây nè.

    Thêm một mùa gió bấc nữa, chị Hảo vẫn chưa lấy chồng. Ai lại cũng hỏi, chị chờ ai vậy cà. Chị bảo chờ người ta xức dầu Nhị Thiên Đường của chị mà hết đau, chờ người ta đánh cờ mà trong tâm "Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn", chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông.

    Nhưng mà chờ tới chừng nào lận?

    Ai mà biết.

    Mùa nay gió bấc hiu hiu lại về.
     
    LieuDuong thích bài này.
  4. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Tác phẩm: Lỡ mùa

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

    Thể loại: Truyện ngắn



    [​IMG]

    Mọi người đã đi ngủ. Thằng Đất Em cũng thiếp đi rồi. Con dế vẫn còn gáy te te, Đất Em quả quyết là nó ở ngay dưới cục gạch sát miệng cống nhưng rình hoài không bắt được, thằng nhỏ mòn mỏi vùi đầu vô cái giỏ bàng ngủ khò. Chỉ ông Ba Già thức, ông không ngủ được, ông ngồi dựa mé tường rào, coi tướng thao láo như con sói đang canh giữ cho bầy đàn yên giấc, điếu thuốc to bằng ngón tay cái cháy bập bùng. Gió nhiều, rất nhiều ngọn mồ côi, lẻ loi líu ríu chạy qua. Ông già ngồi canh chừng, cũng không biết canh chừng cái gì, có ai ra đường lúc giữa khuya này đâu.

    Ông Ba Già mất ngủ từ lúc trời sập sận mưa mùa. Rồi người ốm sọm, con mắt trõm lơ. Cơm chiều nghe mưa, ông bỏ đũa. Nửa đêm nghe mưa, ông choàng dậy, ra đứng chái sau, ngó về phía đồng đất tối mịt. Ngoài ấy, đất bắt đầu mềm lại, từng thớ vỡ ra, tràn xuống chỗ nẻ. Cỏ bỏ lớp áo vàng cháy, mặc vào mình một màu xanh muốt, đã ba mùa không cày bừa, đất Trảng Cò thành miền cỏ hoang, thằng Đất Anh lùa vịt đi ăn bị cỏ cắt nát da, nó cằn nhằn, "Nội tính sao chớ mấy ổng để vầy hoài chắc ruộng mình thành rừng quá, nội."

    Đồng Trảng Cò rộng gần hai mươi hecta, phía bắc giáp rừng tràm, phía nam giáp biển, xóm nằm bên con kinh ra Hòn Đá Mốc. Ba năm trước, tỉnh quyết định thu hồi và quy hoạch Trảng Cò làm khu du lịch văn hóa sinh thái lớn nhất nhì đồng bằng. Người Trảng Cò ngơ ngác một chút, rồi buồn, tiếc như ai đó dứt khúc ruột mình ra, nhưng tuyệt nhiên không cãi. Hết một mùa, mời họp dân mấy cuộc rồi, tính chuyện đền bù xong, dân Trảng Cò chưa thấy nhà nước bắt tay vô làm, ngó đất bỏ không, họ hơi nóng ruột. Qua mùa thứ hai, cỏ ống, năn, lác rủ nhau lại mọc cho xanh chơi. Ông Ba Già viết cái đơn văn phong chân chất y như ông cho tám mươi sáu hộ dân trong xóm ký, lặn lội lên tỉnh, nhưng lãnh đạo bận đi họp ở Trung ương, chờ không được, ông quay về. Bây giờ trời bắt đầu chuyển sang mưa, lại mùa mới nữa đến.. Trảng Cò buồn như bị bỏ rơi, nghe nói, nhà nước đã chuyển quy hoạch sang Trảng Sáo rồi, lại thêm thay đổi nhiều lãnh đạo chủ chốt, xem ra người cũ chuyển đi chỗ khác, chắc quên mất tiêu luôn. Đâu đó ở Trảng Cò, người ta tự ý cày đất, đắp bờ. Ông Ba Già cự quá trời, ông nói làm vậy còn gì là phép tắc của nhà nước, của Đảng? Phải lên tỉnh một chuyến nữa mới được, để hỏi coi nhà nước mình có làm du lịch nữa không, nếu không, xin rút quyết định lại để cho bà con canh tác.

    Lần này, Trảng Cò đi thành một đoàn chín người, ngoài thằng Đất Em cháu nội ông Ba, còn lại là ông già, những người mạnh giỏi bận ở lại để đi làm mướn bên Trảng Vịt hay ra đồng săn chuột, bắt rắn bán lấy tiền mua gạo. Ông Ba Già được coi như trưởng đoàn, vì ông mạnh giỏi nhất, nói năng mạch lạc nhất, rành đường ngoài tỉnh nhất (thì năm trước đã ra đó một lần rồi). Ông Ba nhận trách nhiệm bằng một sự cảm kích vô hạn, đứng dưới bến, trước một đám đàn bà con nít đưa tiễn, ông dõng dạc tuyên bố "Chuyến này đi không gặp chủ tịch nhất quyết không về".

    Trẻ nhất: Đất Em, bảy tuổi, láu táu chạy đằng trước; người già nhất: Ông Mười Hưng, bảy mươi hai tuổi, cắn hột cơm không bể (vì rụng răng hết rồi) khật khừng chống gậy đi sau cùng, đoàn Trảng Cò phải đổi ba chặng tàu đò, lội bộ vòng qua bốn con đường đầy khói và bụi. Họ xếp thành một hàng dài, rì rầm đi dưới con nắng đỏ lòm, trên người đeo theo nhiều giỏ to giỏ nhỏ, thỉnh thoảng đoàn đùn lại vì thằng bé đi đầu mãi đứng coi mấy món đồ chơi chưng trong tủ kính, những lúc ấy, ông Ba Già chạy ra khỏi hàng, bợp vô đít thằng cháu nội, ngó trước ngó sau coi có ai lạc không, cái nón vải hất ra đằng ót, để cho nắng xói vào mặt.

    Đến Uỷ ban thì trời đứng bóng, mấy cục mây xám đùn lên lừ đừ trôi trên đỉnh đầu. Ông già gom đám tùy tùng đang nhễ nhãi mồ hôi lại một chỗ, rồi đi gặp anh bảo vệ. Anh này vốn quá quen với cảnh kiện cáo vượt cấp thời mở cửa nên cảnh giác cao độ, hết ngó ông già có bộ mặt teo héo như đít trái cau khô rồi ngó đám đông, anh hỏi ông có hẹn trước không, Ba Già ngẩn ra, đâu có hẹn gì, tụi tôi ở xa quá mà, chuyện gấp quá chú ơi. Anh bảo vệ gọi điện thoại vào văn phòng Uỷ ban, một chút thấy anh phó phòng hành chánh đi ra, anh bảo chủ tịch đi họp Hội đồng nhân dân rồi, chắc là hết buổi chiều nay mới xong. Mà, có chuyện gì không, chú? Ông già hào hển thuật chuyện du lịch Trảng Cò. Anh phó phòng chỉ ông qua cơ quan tiếp dân, ông lắc đầu nguầy nguậy, nói với giọng dứt khoát, "Đâu được, chú. Họ đâu biết chuyện nầy. Quyết định đó là chủ tịch ký mà, chủ tịch mới nhớ chớ", Rồi ông cười, tiếng cười như tiếng người ta bật quẹt, và từ đôi mắt sáng quắt sinh ra hai đốm lửa nhỏ.

    - Hỏng sao chú em, tụi tôi chờ. Ba năm đợi được, ít bữa sá gì. Chú em đừng lo, tụi tôi có quảy gạo theo, ông quay lại hỏi một ông già trán hói, bộn hả Tư Trực, cả chục ký hen? Nồi niêu, cà ràng, củi lửa có sẵn hết, vác mệt vô phương, sắp nhỏ ở nhà chu đáo quá trời đất.

    Phó phòng bối rối đi vào, lát sau người khác bước ra. Một ông già khác nhận xét, chắc chú em nầy chắc làm lớn hơn chú nọ. Hỏi dượng Sáu bói làm sao, ông nói thấy tướng bự hơn, bụng tròn hơn, thằng Đất Em suy ra, vậy chắc bụng chủ tịch còn lớn hơn nữa. Ở phía đó ông già Ba đang nói, nhìn đằng xa cũng biết đang nói chuyện Trảng Cò, chỉ khi nhắc tới đồng cỏ hoang đó vẻ mặt ông mới u uất, nhăn nhó như vậy, mới chắc nịch như vậy: "Tụi tôi chờ.". Người kia đi vô.

    Họ cắm trại lại chỗ cái vỉa hè rợp bóng cây, cạnh hàng rào, cách cốt gác chừng hai mươi thước. Lá điệp rụng đầy nền gạch con sâu, cỏ mọc lún phún theo các khe viền. Ông Ba Già biểu mọi người trãi đệm ra nằm nghĩ đi để ông vô Uỷ ban xin nước nấu cơm, lát sau, ông chổng mông om lên một dòng khói tù mù. Khói bay quanh một đám người khô hốc, đen đúa, già nua ngồi quanh đó, mớ củi nầy chắc là chưa khô hẳn nên một đầu cháy, một đầu xì ra một mớ bong bóng nước vàng quạch và một đám khói. Lúc dọn cơm ra, ông Ba Già không ăn, ông chạy tới chạy lui, ngó này ngó nọ, lanh chanh dặn thằng Đất Em coi chừng mắc cổ, biểu nó tỏ con mắt gỡ xương cá dùm, khô chạch nướng lên cứng đơ, mấy ông già răng cỏ lung lay, mấp môi lâu lắm mới mềm, trệu trạo tới đèn đường sáng trưng thì xong bữa.

    Bây giờ ngồi chờ sáng, ông Ba Già mới sực nhớ mình chưa ăn cơm, hèn chi cái bụng kêu rột rột, xót xa hoài. Ông không để ý, vì phải suy nghĩ, ông đang tính từng lời, từng tiếng để ngày mai trình bày với chủ tịch. Phải nói làm sao cho chủ tịch hiểu dân Trảng Cò một lòng với cách mạng, làm như vầy không phải là chống lại chủ trương, nhưng nhìn đất bỏ hoang, tiếc quá, nhà nước còn phải lo nhiều chuyện lớn, có thể bỏ sót chuyện du lịch Trảng Cò, nên nay lại nhắc vậy thôi. Mất gần bảy điếu thuốc ông mới sắp xếp đâu đó liền mạch. Lúc ngẩng lên mới hay sắp mưa.

    Trời trên đầu nặng trịch, mây dày, đen thui như chó mực, gió nhiều, mang theo những ngọn ướt nhẹp, lạnh tanh. Rồi nghe tiếng u u ì ì ngày càng gần, ông vừa gọi mọi người dậy vừa hối hả đi gom đồ đạc lại một chỗ, lục tìm tấm cao su. Và mưa tới.

    Họ, tất cả chín người lót dép ngồi, trùm chung một tấm cao su đã cũ, thủng lổ chổ. Đây là tấm nhựa dùng để làm lều phơi lúa, ông Ba Già đã xếp cất từ ba năm trước. Lâu lâu ông lại trèo lên gác mang xuống, ngồi nhìn, mong sẽ có một ngày dùng lại, sáng hôm qua, bà Ba ra đứng ngó trời rồi biểu ông phải mang theo. May mà bà nhớ.. Một người ló đầu ra ngoài, lúc quay vào, nước nhiểu xuống từ mái đầu đã bạc, chép miệng, "Chết cha, mưa bong bóng, coi bộ dai nghen, vất vả à". Thằng Đất Em chộn rộn, nó cứ thập thò coi có cá lên không. Nó nói tằng lăng tíu líu, mưa đầu mùa năm ngoái, nó với Đất Anh bắt cả xô cá rô, con nào con nấy ốm nhằng, nhớt không hà. Không biết giờ này ở Trảng Cò anh nó có đi soi cá lên không, không biết ở đó có mưa không.

    Ờ, không biết ở Trảng Cò có mưa không? Những người già thì im lặng, nghe mưa trên đầu, nghe nước chảy dưới chân. Ông già hói đầu chắc lưỡi, giọng nói có một chút lo lắng:

    - Hỏng biết đợi tới mai có gặp được chủ tịch không hen?

    - Ờ, không biết nữa, mấy ổng công chuyện quá trời..

    - Gặp mà, chắc chắn gặp - Ông Ba Già bảo. Ông mằn mằn lai áo, rồi lần ra mấy hạt lúa nằm trong đó, quen tật, ông đưa lên miệng cắn, lúa bở như bột, hăng hăng mùi bùn, nhưng ông để vậy, nhấm nháp. Hồi lâu, ông thở dài:

    - Cha, đi chuyến này về không biết làm đất kịp hôn đây. Đất ướt quá, cày không được là khổ.

    - Bên Bộ Kỉnh người ta sạ khô rồi đó, nghe thằng Tám Bỉnh đi làm cỏ mướn ở bên về nói.

    - Vậy á? Họ làm giống gì mà sạ sớm vậy ta?

    - RX gì đó, hồi đó mình cũng có làm mà, hột lúa dài, có đuôi..

    Ờ, hồi đó, tháng này mình cũng sạ rồi, quăng giống đại ra đất, chờ sa mưa, lúa nứt mầm, lú chùm rễ trắng tươi như củ hủ dừa. Mà ngộ, thôi ra ruộng ba năm rồi, vậy mà cái gì cũng nhớ. Ông Mười Hưng cười khà khà, môi run lều phều trước hàm răng trống, "Quên sao được, mậy, đám mình biết làm ruộng từ hồi còn làm tá điền cho Hội đồng Chì, hồi chưa có cục đất chọi chim, thằng Ba Già lúc nào cũng ước có miếng đất bằng chiếc chiếu thôi cũng được, để cấy lúa chơi, để chết được chôn trên đất của mình, ai nghe cũng rớt nước mắt tủi cho thân nghèo. Lúc đó mầy cũng khóc phải hôn Ba Hớn? Ông già tên Ba Hớn cao lòng khòng, đội tấm cao su lên như cây cột cái, cự," Đâu nè, bữa đó tui sổ mũi, vậy mà người ta đồn tới bây giờ ". Mấy ông già cười khớ khớ, nhắc lại," Làm như tụi tao không nhớ, lúc đó mầy với thằng Ba chăn bầy trâu cho Xã Chọt, phơi nắng phơi mưa ngoài đồng, riết rồi mặt thằng Ba nhăn như ông già, nên mới kêu là Ba Già, chết danh luôn. Rồi giặc giã, chiến tranh hai lượt, bận cầm súng chống giặc, tính ra người Trảng Cò mình bỏ ruộng hoang chừng ba mùa chớ gì, bị dồn ra ấp chiến lược cũng lụi hụi trốn về gặt lúa. Nghe bên miệt Năm Chòi nuôi tôm, làm giàu, Trảng Cò cũng không chịu bỏ cây lúa, thấy nghèo vậy mà bền, đói ăn cơm mới no chớ ăn tôm ngày lại ngày chịu sao nổi, ngán thấu trời. Hồi đó, lúa còn xanh cả một vạt đồng Trảng Cò, những cái bờ đất nhỏ nhẩm dấu chân người, những chiếc ghe chở vịt chạy đồng đậu dọc theo kinh khi mùa gặt đến. Hồi đó, chưa thấy mấy anh thanh niên từ tỉnh xuống đo đo ngắm ngắm để làm đề án du lịch Trảng Cò, người ở đây chưa bỏ xóm đi ghe bạn ngoài khơi, chưa vô rừng làm lâm tặc ăn trộm tràm đem bán, chưa đi gặt mướn đồng khác, đám già ở lại trông con cháu về, hỏi bên đó lúa tốt không, giống gì năm nay trúng nhất, chắc gió bữa trước lúa đổ cũng bộn hả? Đám trẻ đi làm đã mệt, lại còn phải trả lời nên đổ quạu, "Thây kệ người ta, dính dáng gì tới mình, ba". Bọn già mới chống gậy lủi thủi ra vườn, nhớ ruộng quá, hỏi bậy, con nó cũng rầy.

    Bây giờ nhớ lại, tám ông già thở dài, thằng Đất Em nhận ra tiếng thở dài của nội mình, như ông khà lúc uống trà, tiếng khà dài, khàn, làn hơi run run, mà người biết ca kêu bằng "đổ hột". Nghe cũng buồn bã, nhỏ nhoi như hết thảy mọi người. Rồi tự nhiên ông cười nhỏ, nghĩ thầm, chà, mình làm trưởng đoàn mà, lãnh đạo mà có lúc yếu lòng, tư tưởng không vững, trùng trình đâu có được, phải cứng cỏi lên để lo người ta đến nơi đến chốn chớ. Ông ngước lên dòm mấy ông bạn già đen lù lù, đằng hắng, nuốt trọng nước miếng, lấy lại cái giọng khàn ấm, "Cha, cao su chỗ dượng Năm rách dữ hả, đầu cổ ướt nhẹp rồi, đổi qua chỗ tui nè (chắc lưỡi) đi chuyến này mà thành, chắc phải vô chợ Bách Hóa mua bộn thứ cho mùa mới, đồ cũ hư hết trọi".

    Mưa tạnh lúc hừng đông. Thằng Đất Em tung tấm cao su ra nói với vẻ thất vọng ghê gớm, "Trời đất ơi, nội coi, ở thành phố tệ thiệt, mưa vầy mà hỏng có con cá lên nào, gặp ở dưới mình.." Trời vẫn trĩu đầy nước, tối âm u, ông Ba thấy núi mây đen thẩm dựng lên một mảng trời phía Trảng Cò, ông chắc lưỡi như xót xa lắm, điệu này dưới mình mưa lớn dữ, đất chắc chìm hết rồi, đồng chắc chỉ còn loi ngoi cỏ, muốn cày, bừa cũng khó lắm đây. Ông Ba Già nghe ruột mình nôn lên, từng khúc, từng khúc, nghẹn ứ đến mức ông không lên tiếng được. Ông Mười Hưng than thở: "Thèm trà quá mấy ông ha?". "Ờ thèm, hai bữa rồi có hớp được ngụm nào đâu, hèn chi thấy bải hoải trong mình quá chừng, mở con mắt không lên". Chỉ ông Ba ngồi lặng, đốt thuốc, mắt ngó về phía cổng Uỷ ban, người căng ra như sắp đi đánh trận. Lát sau, anh cán bộ văn phòng hôm qua ra và ái ngại thưa:

    - Kẹt quá chú ơi, sáng nay chủ tịch bữa nay phải dự triển khai chỉ thị gì đó, chú hẹn cuối giờ chiều. Chú chủ tịch dặn mời mấy chú vô Uỷ ban ngồi nghỉ đỡ.

    Và Ba Già, trưởng đoàn Trảng Cò, ông già có gương mặt khắc khổ, nhăn nhó nhất, mạnh giỏi nhất, ăn nói văn vẻ trơn tru nhất bỗng dưng hức lên, khóc ngon lành:

    - Vậy là đất Trảng Cò trễ thêm một mùa nữa rồi, mấy chú ơi.
     
    LieuDuong thích bài này.
  5. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Tác phẩm: Chiều Vắng

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

    Thể loại: Truyện ngắn


    [​IMG]

    Ngày dì Út Thu Lý tròn bốn mươi bảy tuổi, dì từ giã thêm một lượt ba cái răng. Buồn quá trời đất, dì lại chùa Phấn, than với sư Huệ bây giờ không biết làm sao giáp mặt anh Tư Nhớ, răng cỏ trống hơ trống hốc vầy.. Bà sư già nghe xong niệm Phật mà không nén được cười. Dì Út mượn gương, soi mình vào đấy, thấy tóc bạc, mặt nhăn, kỳ lạ thay, dì thấy cả một nỗi buồn rất lạ thăm thẳm trong lòng mình. Dì đứng đó một chút, rồi dì te tái cắp nón đi, hỏi đi đâu, dì bảo ra vườn thuốc.

    Nhà cậu Tư Nhớ cũng ở đó, xiêu xiêu giữa vườn thuốc Nam, quanh năm nồng nàn hương hoa cỏ. Nhưng cậu không có nhà, cậu đang dự đám tang trên Lung Dừa. Cậu 'đuổi quỷ' trong đội đạo tỳ của chữ thập đỏ xã. Gần mười lăm năm cầm đuốc múa quanh quan tài đến chai tay, lửa phà nám mặt, mấy lần ngậm dầu phun lửa bị sặc trối chết. Càng lớn tuổi cậu càng tưng tưng, ai cũng nói, ổng bị sặc dầu quá trời đất như vậy mà không mát dây cũng uổng. Cậu nghèo, nhưng đèo bòng nuôi một thằng nhỏ mồ côi cha mẹ. Bình thường thì thằng Lụm kêu bằng tía, nhưng có lúc, kêu vậy, cậu la thấu trời, "Mầy làm như tao già lắm vậy, kêu tao bằng anh đi, bằng thằng cũng được nữa". Một tháng ăn cơm nhà chừng ba bữa, còn hai mươi bảy bữa cậu dọn vườn, chặt thuốc cho chùa nên được đãi cơm chay, hết việc, cậu dắt thằng con lang thang làm mướn dài dài theo xóm, ăn cơm ở đó luôn, đội đạo tỳ có việc thì hai cha con dùng cỗ đám tang, lắm lúc cậu về nhà biểu thằng Lụm, "Đổ nước mắm vô kho quẹt ăn. Tao ngán thịt heo thấu trời rồi".

    Chỉ nhà dì Út Thu Lý là cậu không bao giờ lui tới. Hồi bà Hai, má dì còn sống, ra đường chạm mặt, tránh không được, cậu mới mở miệng, giọng có một chút hằn học, một chút chua xót, một chút mỉa mai: "Thưa má!", rồi cậu cun cút đi thẳng. Những chiều ngang qua nhà, thấy bà Hai bắc cái ghế ngồi ngoài hàng ba là cậu cởi quần dài, tụt xuống mé kinh, lội qua khỏi đoạn đó mới ngoi ngóp lên bờ. Đám trẻ trong nhà thấy cảnh đó cười ngắt nga ngắt ngẻo, chỉ dì Sáu Thu Lý là chua xót ngẩn ngơ, người coi tưng tưng vậy mà giận dai ghê hen. Rồi dì tự hỏi, nếu mình là anh ấy, thì mình có giận không?

    Giận. Bởi gió kia, mưa kia, những mái nhà chiều chiều khói tỏa kia, người phụ nữ đang na cái bụng bầu lặc lìa qua ngõ kia, và những đứa trẻ kia, cả thằng Lụm.. hết thảy đều làm cho người đàn ông đó nhớ một mái ấm đã bị tước đoạt của mình.

    Bởi nếu con cậu còn sống, bây giờ chắc nó cao hơn thằng Lụm. Những khi ngồi nhớ lại, cậu ứa nước mắt, ước gì mình được nhìn thấy nó một lần, một lần thôi, sau này có sặc dầu hay chết hụt dưới mương, cậu có lẫn lộn việc này việc khác, dứt khoát cậu sẽ không quên được hình bóng vợ con mình.

    Nhưng cả mơ ước đó cũng bị má vợ cậu, bà Hai cướp đi mất. Khi dì Ba Thu Lê để lòng thương cậu Tư Nhớ, roi đòn mấy cũng không cản được, bà đã nghiến răng trèo trẹo khi nhắc tới cậu, "thằng ăn cướp". Sinh cả thảy sáu người con, chỉ có hai đứa con gái, dì Út Thu Lý vụng về, đểnh đoảng, như trẻ con, vui buồn ra mặt, bà Hai dồn hết tình thương cho con gái Thu Lê vén khéo, nhu mì. Hồi đó, dì Ba mới hai mươi tuổi, trong lòng người mẹ, dì còn non nớt, dại khờ. Ai mà ngờ một bữa dì bỏ bà đi.. Nhà cậu Nhớ cách nhà bà một quãng đường xóm, những bữa đi ngang qua nhà, bà Hai nghe giận nhói ngực khi thấy con gái mình khép nép đi cạnh chồng, mắt ráo lơ, ngó vô nhà như thể nước lả người dưng. Cái nhìn van lơn và hối lỗi của cậu Tư Nhớ nhỏ nhoi trước biển lửa giận hờn trong trái tim người mẹ. Không bảo nhau nhưng cả hai người đều hy vọng, dù lâu lâu lắm nhưng sẽ có một ngày bà tha thứ.

    Hồi đó, gia tài của hai người chỉ có căn nhà dựng trong vườn chùa với chiếc xuồng. Dì Ba hay cười, an ủi, "Anh buồn gì, xóm mình đâu chỉ nhà mình nghèo..". Dì làm bánh bò, sáng sớm hai vợ chồng chèo dài theo các xóm ven Đầm bán, buổi chiều họ xin rơm chở về gieo cải, trồng rau trên liếp nhỏ kế bên nhà. Dạo đó, người ta dồn về nơi nầy để theo những con rạch ngoắt ngoéo ra cửa sông Thầy Xúi vượt biển tìm đất hứa. Nhiều bữa thấy người ta lỡ đường, vơ vất ngoài bờ bụi, khổ sở với bầy muỗi lá, cậu Tư cho quá giang, cho ngủ lại, san sẻ ít chén cơm nguội. Cậu với dì không hỏi họ đi đâu, làm gì, hỏi họ cũng không nói thiệt, chỉ nghĩ trong bụng, xứ sở mình đây mà hỏng ở, đi làm chi cho cực thân vậy không biết. Cho tới một bữa, trên đường chở rơm về, cậu bị công an xã bắt vì tội đưa người vượt biên. Cậu Tư Nhớ có kêu oan, nhưng các anh công an cười, hỏi bà già vợ thưa mà còn oan ức gì? Cậu nghẹn lời, vì ngỡ ngàng và vì đau xót.

    Lúc đó là tháng Năm, đôi vợ chồng trẻ đang nôn nao đếm ngược từng ngày chờ đến sang Giêng sẽ đón trẻ con ra đời..

    Bốn mươi ba ngày sau cậu Tư được minh oan. Lúc về thì cỏ đã mọc xanh lối vào. Giồng cải bên nhà trổ bông, ngồng cao tới ngực. Lúc về, chuột cắn rơm làm ổ trong cái cà ràng trên bếp. Lúc về, người cũ không còn ở chỗ cũ, nhà lạnh ngắt, buồn xo. Cậu Tư Nhớ uất quá vác cây mác vót chạy tới nhà bà Hai đòi người. Bà đứng chận ở cửa, mặt thản nhiên, lạnh tanh như đồng, bảo "Ở đây không có gì liên quan tới cậu. Con tôi nó ra chợ ở rồi, còn con cậu hả? Ra bãi rác ngoài trạm xá xã mà kiếm". Cậu Tư nhớ hoài, nhớ đời đời kiếp kiếp cái vẻ mặt chai đá của bà Hai, cậu cười, sao con người đối với nhau có thể cạn ráo đến vậy.

    Cho đến bây giờ dì Thu Lý vẫn còn nhớ giọng cười của cậu hôm ấy, nó lạt nhách, không dư âm, như thể đá cười. Cho đến bây giờ, gặp dì, cậu vẫn hay cười như thế, có lúc cậu còn làm ngơ không thèm nói chuyện. Nhưng dì không giận, vì nghĩ nhà mình nợ anh ấy rất nhiều, cho tới khi má dì nằm xuống, món nợ ấy vẫn còn nguyên.

    Người ở xóm Rạch Ruộng ai cũng biết dì Út Thu Lý thương cậu Tư, họ dạy con nít ngạo chơi "Trồng tre trở gốc lên trời. Con chị qua đời rồi tới con em". Nghĩ cho nghiêm túc, hai người này cũng thật xứng đôi vừa lứa. Ngày nào dì Út cũng đi làm công quả ở chùa Phấn, hốt thuốc tiếp sư cô, lúc rảnh chạy qua nhà cậu Tư Nhớ quét cái nhà, lau bộ ván, cho chó, mèo ăn. Dì coi nhà cậu như nhà mình, nên quen cái lối đi hẹp te giữa bộ ván ngựa cũ kỷ và chiếc giường. Quen với căn bếp nằm chếch phía trái, đó là một góc tù mù khói, nhưng đó là một chỗ ấm áp nhất. Mấy đứa con nít khen dì giống cô Tấm trong truyện cổ tích quá trời.

    Bây giờ gần hai mươi năm rồi, tóc đã trắng những sợi già, chuyện tình đó vẫn chưa đi tới đâu, chiều nay lại, thay vì lòn tay qua lổ vách mở cái móc khóa quen thuộc ra, dì Thu Lý tự nhiên giữ lễ, đứng chờ ngoài cửa. Thằng Lụm về trước, thấy dì, nó cười, hỏi "Ủa, sao Út không vô?". Dì bảo, "Vô gì, nhà người ta mà". Thằng Lụm nhìn dì lom lom, nó thấy dì bữa nay lạ quá, không biết có phải tại rụng mấy cái răng không. Nhưng lúc đó đã nghe tiếng đá banh dội binh binh đằng xóm, nó rảnh đâu mà thắc mắc, vọt đi mất. Cậu Tư Nhớ qua khỏi lùm nhãn lồng, làm như không thấy dì Thu Lý, vạch cái cửa đi tuốt vô nhà. Cậu Tư Nhớ ra ngoài giàn ôm củi vô, rồi chổng mông thổi lửa nấu ấm nước, khuôn mặt cậu tỉnh rụi. Nước sôi, cậu đi rửa cái bình mẻ vòi, châm trà. Cậu chống rèm cửa sau lên, lau bộ ván ngựa đầy dấu chân gà, quét cái nhà vương vãi rác, rồi ngồi uống trà. Cái vạt áo màu bông cà của dì Thu Lý vẫn phơ phất bên ngoài cửa. Muỗi kêu o e xà quần bên lổ tai, ờ, giờ này muỗi bắt đầu bay khỏi đám lá đi kiếm hơi người. Ngoài sân, chắc muỗi cũng nhiều.. Cậu Tư hơi trù trừ giây lát rồi đứng lên, ra cửa trước nói trổng không:

    – Sao bữa nay mắc gì mà không vô nhà? Ngoài này muỗi cắn chết.

    Dì thở ra, cứ tưởng là thằng chả không mời. Dì cố nén cười, nghiêm mặt bước vào, đứng lừng khừng khách sáo như khách lạ. Cậu Tư coi bộ hơi bực:

    – Sao không ngồi đi? Coi chừng làm nhăn bộ ván tui nghen.

    Nói rồi, cậu đi gom mớ vỏ dừa khô vô nhen mẻ ung. Cậu ngồi thổi hoài cho đến khi lửa bùng lên, cậu lại vùi cho tắt. Rồi hì hụi chỗ này, hì hụi chỗ kia, không làm gì cũng lăng xăng, sực nhớ ra, cậu lại đằng chái bếp lấy khúc ổi vừa được phơi dốt nắng, ngồi đẽo ngỏng cối, ngày mai, đằng nhà Tư Biểu có đám giỗ, thể nào cũng xài. Cậu sợ rảnh tay rồi phải mở lời nói với nhau. Mà, cậu thì không biết nói gì hết, không muốn nói gì hết.

    Bởi mỗi khi gặp nhau, lòng người này chỉ toàn những oán giận, những nỗi đau, còn người kia tràn đầy niềm yêu thương vô vọng mà họ đã không còn ở tuổi hai, ba mươi để nói ra tâm trạng ấy bằng lời. Nên chiều nay lặng lẽ lạ thường, có thể nghe rõ ràng tiếng muỗi kêu, tiếng xì xì mọng nước của thanh củi ướt cháy trong mẻ, tiếng lưỡi mác vót khứa ngọt vào cây ổi, tiếng trái dừa chuột khoét rụng đùng xuống hào ranh.. Dì Thu Lý lên tiếng:

    – Anh Tư à.. Bữa nay em mới nhổ ba cái răng.

    –..

    – Tính luôn hổm rày là bảy cái rồi đó. Thấy vậy mà già rồi..

    Cậu Tư Nhớ vẫn nín thinh, hì hụi gọt đẻo, thấy mình cũng thật nhẫn tâm. Kinh kệ mỗi ngày từ chùa Phấn vọng sang cùng tấm lòng chân thật của dì Út vẫn không làm cậu nguôi đi oán hận. Cậu mà đáp tình dì chẳng phải là đã tha thứ cho nhà đó sao, ngu sao, đâu có dễ vậy.

    Dì Thu Lý ngồi trên tấm ván đã cong vênh, nghe lòng trống không đã sạch sành sanh những niềm hy vọng cuối. Không biết làm sao cho hết bối rối, dì ngó quanh quất cho giống người xa lạ chơi. Dì nhìn chiếc quai nón bằng vải nhung đã phai màu treo ở đầu giường, cái áo bà ba màu bông cà bọc trong bọc nilong treo trên vách cùng với chiếc cặp đỏ bằng nỉ (Hôm chị Thu Lê theo chồng, nó chỉ vừa đủ để ba bộ đồ với cái khăn tắm, dì Út lén má xếp dùm). Dì nói bằng một tiếng nhói:

    – Anh nhớ chị Ba em?

    Lần này cậu Tư Nhớ đổ quạo, vặt lại:

    – Bộ tui trâu bò sao mà không biết nhớ? Biết còn hỏi!

    Ờ, thì biết. Hơn hai mươi năm rồi cậu Tư với dì Thu Lê đã không gặp lại nhau. Mỗi bận lễ Tết, hay đằng nhà bà Hai tổ chức giỗ ông Hai, cậu đứng xa xa dòm ngó, nghe nhộn nhạo từng khúc ruột. Hỏng biết cổ có về không ta? Thằng Lụm hiểu lòng cậu, nó chạy đi coi, nó kể ở ngoài chợ người ta về nhóc. Người nào người nấy đẹp đẹp không hà, tía. Nhưng trong đám người đẹp đó không có người cậu thương, dì Ba thì không về, dì viết thơ gởi bà Hai (lá thơ đó nhòe nước mắt) thưa rằng dì chắc chẳng bao giờ về quê nữa, quay lại đó, rồi làm sao, mặt mũi nào để gặp một người. Dì viết rằng, má ơi, má đừng buồn, chừng nào nhắm mắt xuôi tay, con sẽ về để nằm trên đất nhà mình.

    Câu chuyện đó dì Thu Lý kể cho cậu Tư Nhớ nghe vào một ngày mưa gió, cậu đội áo mưa lại chữ thập đỏ xã, xin được giữ một chân đạo tỳ trong đội mai táng. Ai cũng hỏi sao tự nhiên đi làm cái nghề u ám vầy, cậu cười không nói. Chỉ có một người biết, càng biết nhiều càng nghe lòng buồn nhiều.

    Dì Ba Thu Lê bây giờ đã theo chồng sống ở nước ngoài, vò võ không con, dì cay đắng, "trời phạt vậy". Dì hay gởi thư, tiền và hình về nhà. Trong hình lúc nào cũng đeo nhiều đồ trang sức, mập mạp, đầy đặn, cười thật nhiều nhưng đôi mắt lại buồn thiu thỉu, luôn luôn ngó thẳng về phía trước mà ánh nhìn không có một chỗ vịn nào. Một người sống không quê hương, sống đầy mặc cảm, dằn vặt, sống mà đau đáu hoài chuyện cũ thì biết níu đâu bây giờ?

    Chiều nay ngồi trong nhà cậu Tư Nhớ, dì Út lại nhớ chị mình. Dì chợt nghe lòng quang quẻ lạ lùng, sao mình không giúp cho anh chị ấy gặp lại nhau một lần, bây giờ không làm, đợi tới chừng nào. Mình làm được mà, thí dụ như mình giả đò chết. Chị Ba Thu Lê nhất định sẽ về, sẽ gặp lại anh Tư Nhớ, dù bây giờ tóc xanh phai màu, gặp chơi vậy thôi chứ không thay đổi được gì hết. Nhưng thương nhớ nhau thì hội ngộ lúc còn đang sống, chứ đợi người âm kẻ dương làm chi.. Đời vốn dĩ đâu có buồn dữ vậy.

    Dì Sáu Thu Lý ngồi ở đó tới chạng vạng, không nói thêm gì nữa, chỉ đau đáu ngắm cậu Tư, lòng tràn đầy thương yêu. Lúc về, dì mới lại gần, dạn dĩ gở cây mác vót trong tay cậu ra, nắm ngay lấy bàn tay nóng rực ấy, định cười, nhưng nhớ mấy cái răng cửa vừa nhổ nên thôi. Rồi dì bảo, 'Mai mốt chế Ba về, anh Tư à. Thiệt, mai mốt này..'

    Khi qua cửa dì Út Thu Lý mới hay, con mắt rửa bằng khói đã nhoè nước.

    Rồi những cơn gió tháng bảy đưa tin vui đến từng mái nhà trong xóm Rạch Chùa, người ta bần thần, vậy a? Xa xứ biết bao lâu rồi, trôi dạt tận nước ngoài, cuối cùng, người con gái đó cũng về thăm lại xóm Rạch. Cậu Tư cuống quýt hỏi thằng Lụm, có đúng cổ không, mậy? Đúng hả, về rồi hả, về một mình hả? Vậy a? Trời ơi! Gió thổi bời bời vào căn chòi của cậu Tư Nhớ, thốc cuộn những tàn tro xát vào những vết cắt trong lòng.

    Dì Thu Lý chỉ còn làm được một chút đó cho Tư Nhớ để trả cho cậu món nợ nhà dì đã vay, để cậu gặp lại người xưa nhưng cậu đã phụ lòng, khi dì Ba Thu Lê về, tận mặt nhau, cậu lắc đầu, cười, khẳng khái "Em Lê đâu có già, đâu có mập ú ù u như vầy". Cả ba người quay lưng lại với nhau, bưng mặt khóc, thương cho tuổi thanh xuân đã qua mất rồi.
     
    LieuDuongMạnh Thăng thích bài này.
    Last edited by a moderator: 3 Tháng năm 2023
  6. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Tác phẩm: Ai Biểu Xấu

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

    Thể loại: Truyện ngắn


    [​IMG]

    ".. Bạn diễn đạt hơi thiếu biểu cảm. Giọng bạn đuối đi khi đến cao trào. Một điểm nữa là ngoại hình bạn bị hạn chế. Mà đây là thi Tiếng hát truyền hình chứ không phải tiếng hát phát thanh..". Lời nhận xét này của một thành viên ban giám khảo cuộc thi tiếng hát truyền hình tỉnh trong đêm chung kết. Tôi thấy một chút điếng dại đi thoáng qua trên gương mặt thí sinh, khi giữa sân khấu lấp lóa ánh đèn, trước hàng ngàn người và đông đảo bạn xem truyền hình trực tiếp, anh bị chê.. xấu.

    Hẳn anh không muốn mình xấu. Hẳn cha mẹ anh cũng không muốn sinh con xấu. Nhưng vào cái lúc vị giám khảo đến từ thành phố văn minh kia "âu yếm" (quả thật vẻ mặt ông rất hồn nhiên) nhận xét về ngoại hình mình, anh sẽ oán giận cuộc đời, oán giận mẹ cha đã tạo ra anh giữa đời này, làm cho anh tới nông nỗi này, chết đứng trên sân khấu. Mà anh vẫn phải gượng gạo cười, chờ người ta chê xong, cảm ơn, và rời sân khấu trên đôi chân không phải của mình, gương mặt không còn là của mình, di chuyển một thân xác đã khô những máu, thân xác cũng không còn là của anh.

    Tôi bỗng nghĩ mình may, phải biết hát hò, có khả năng tôi cũng đi thi. Và cái cô Hà Há Ha mang số báo danh Không Không Có cũng bị trời trồng bởi "ngoại hình hạn chế" hay "tên bạn rất không hợp để làm.. ca sĩ". Bất ngờ? Không, ta vẫn biết vậy khi nhìn vào gương, khi nghĩ về mình, nhưng ta vẫn đau một cách không kiềm chế. Và ánh đèn đêm đó, vẻ mặt vô tư của vị giám khảo đó, biển người đó, bài ca đó.. mãi mãi là nỗi ám ảnh không nguôi được. Chỉ muốn làm cát, làm nước, làm giun dế cho rồi..

    Sao ngay từ đầu, trong thể lệ cuộc thi, người ta không đưa ra điều kiện "ngoại hình đẹp" như mấy nhà hàng vẫn thường dán thông báo tuyển tiếp viên. Nhất thiết phải dán mấy cái hình mẫu Jude Law, Lương Triều Vỹ hay Mai Phương Thúy để người ta hiểu đẹp là phải như thế này. Bởi mỗi người có một quan niệm khác nhau về cái đẹp, như tôi, lam lũ, đen đúa, bụi bặm.. là đẹp, thì bạn nói bạn thích vẻ dịu dàng, thuần khiết, mỏng manh, sang trọng.. Người dự thi, sau khi ngó qua tiêu chí và mấy tấm hình mẫu thì dù có giọng đẹp như Lê Dung, Tuấn Ngọc, Mỹ Linh cũng ngó lại cái "ngoại hình hạn chế" mà rút lui không nuối tiếc.

    Để không phải trút tâm huyết gan ruột mình hát cả chục bài, vượt qua bốn năm vòng thi; để không nuôi chút vui, chút hy vọng, khát vọng gì khi qua mỗi ải; để không phải xót lòng nghe người đời hỏi, "ê, sao ba má bạn đẻ bạn xấu vậy?". Để đi qua một giấc mơ dài, chợt tỉnh bất ngờ vì bị dội vào người thứ nước lấy lên từ những dòng sông băng, buốt nhức, cắt da cắt thịt. Tỉnh dậy, để thấy đời buồn vì những chuyện không đâu.

    Cảm giác và nói ra cảm giác là hai chuyện khác nhau, một cái là của riêng mình và cái kia tác động đến người khác. Ai cũng nghĩ như vị giám khảo kia, nhưng không phải ai cũng thiếu tế nhị, thừa tàn nhẫn để thể hiện nó bằng lời, công khai giữa đám đông.

    Tôi nhớ có lần, bạn bè hỏi tôi sao mà lúc này quan tâm quá nhiều tới nhan sắc. Tôi cười thầm, ngoài miệng nói vậy thôi, chứ thật ra tôi tin là mình cũng.. có chút duyên ngầm. Nhưng tin cũng chẳng làm gì, vì tôi biết với "ngoại hình hạn chế", chắc chắn tôi không thể thi "tiếng hát truyền hình" (nếu có giọng ca khá), không thể làm nhân viên tiếp thị (nếu chẳng còn viết văn được nữa), và nếu khó khăn hơn nữa, để nuôi đám con ăn học, tôi cũng không tìm được một chân bưng bê trong quán bia.

    Ai biểu xấu?
     
    LieuDuong thích bài này.
  7. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Tác phẩm: Ăn cơm một mình

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

    Thể loại: Truyện ngắn


    [​IMG]

    Nhiều năm sau khi ông ngoại bạn qua đời, bạn bỗng hay mơ ước mình có cỗ máy thời gian trong một bộ phim hoạt hình trẻ nít, để quay lại ăn.. cơm với ông.

    Trong cái quá khứ có nhiều thứ đáng phải chỉnh sửa, bạn muốn làm chuyện đó trước tiên với những bữa cơm mà ông ngoại bạn phải lủi thủi ăn một mình, thức ăn nguội lạnh vì bạn dọn sẵn từ sớm để ra vườn cho khỏi vướng. Một kiểu ngược đãi hồn nhiên. Năm đó bạn mười sáu, hoặc nhỏ hơn như bạn vẫn thường ao ước, để chống chế ừ thì lúc đó mình còn non dại.

    Chắc bạn cũng bực mình bực mẩy khi bỏ học về nhà ở hủ hỉ với ông già, chắc bạn cũng mặt mũi chù ụ khi lo cơm nước giặt giũ.. Và khi nghe tiếng đũa khua bời rời sau vách bạn - mười - sáu - tuổi đã không mảy may chạnh lòng, chỉ nghĩ trời đất ơi mình lu bu công chuyện quá, làm cho xong đã.. Lúc đó bạn vẫn ở quanh nhà, bên hè hay sau sàn nước nghe tiếng đũa chạm rời rã trên miệng chén biết đã già buổi sáng rồi. Lúc đó bạn không biết mình vừa nghe được âm thanh được xếp vào những âm thanh buồn nhất cuộc đời.

    Cái chỗ khuyết bên vách nồi cơm sau bữa ăn của ông ngoại cũng vì vắng, mà cạn hều. Khi ông qua đời, bạn có đôi khi nghĩ rằng bạn đã để mất ông ngay từ những bữa cơm ông phải trợn trạo nhai trong hiu quạnh.

    Ăn cơm một mình không phải là dễ chịu lắm. Bạn chỉ thấy rõ ràng điều đó khi dì Chín bán bánh bò lấy chồng ở tuổi bốn mươi, ở cái tuổi gặp một ông coi bộ tử tế là lấy ngay kẻo không kịp. Chín nói, để khỏi ăn cơm một mình. Hẳn phải có những lý do ấy ấy khác cho việc lấy chồng, nhưng cái cớ Chín đưa ra không cãi được. Chín chấp nhận trả giá cho việc đó bằng cách phải tần tảo gấp đôi để mua rượu cho ông chồng mới. Một bữa đi chợ bạn hỏi Chín có đáng không, bà chỉ cười ngời ngợi, trả lời trớt quớt, ổng rượu ghiền nhưng nhậu ở nhà không hà, cũng đỡ..

    Mỗi lần sắp đi xa áy náy cảnh nhà bạn bèn lọ mọ nấu nồi khổ qua dồn thịt, cá đối kho mía.. để sẵn trong tủ lạnh, người ta chỉ cần hâm lại tí là có cơm ăn. Lúc về thấy mọi thứ còn nguyên. Người ta nói ra tiệm ăn vui hơn. Bạn nhớ tới ông ngoại ứa nước mắt muộn màng.

    Cuối mùa xuân bạn đi Đông Bắc Việt, một mình, kiểu trải nghiệm quái đản mà bạn từng ao ước. Thì đây, một mình, hưởng thụ đi, bầy đàn miết rồi.. Bạn tha hồ nói chuyện với đá, âu yếm đàn bò và thả rong suy nghĩ trong những đám sương dày, nói chung là sướng. Chỉ mỗi một lần sập tối, quán ăn phố núi ngủ sớm, năn nỉ ỉ ôi mới mua được chút cơm cháy đáy nồi với trứng (tự) chiên. Chủ quán lầm lì bỏ đi rửa chén, ngồi mình mình với chỏng chơ bàn ghế, muỗng xước vào đáy dĩa mà nghe như xước trong lòng những âm thanh rởn óc. Nhớ ngay lập tức như ớt xát lên mấy vết đó, giờ này mấy đứa nhỏ với người ta không biết đã ăn xong chưa, trời ơi nhớ cái mâm cơm nhà mình lộn xộn ngổn ngang, khi thì nước đổ khi thì canh rơi rớt, trẻ con nhốn nháo đứa đòi món này đứa réo món kia. Gói trong chữ ẤM vẫn thấy thò bồi hồi ra một khúc.

    Chủ quán ngó nửa dĩa cơm bỏ lại, hỏi sao bảo thích cơm cháy lắm mà. Bạn thưa thích lắm. Hồi nhỏ lên mâm là đào lấy cơm cháy, lúc hãy còn nóng giòn. Má sẽ rưới lên chén cơm ít nước cá kho, vài cái tóp mở còng queo beo béo. Má không bao giờ để bạn vừa ăn vừa hát, hoặc chỏi tay lên cằm, hoặc còng lưng xuống hoặc làm rơi rớt mấy hột cơm.. Nhưng đó là những bữa cơm cháy cả nhà quây quần sau một ngày làm lụng tan tác, không phải một mình trên đất lạ và bạn một mình mếu máo nhai như trong miệng có nắm dăm bào.

    Bạn từng thấy có nhà tới bữa cơm phải chờ nhau đông đủ. Cũng có nhà ai đói nấy ăn, cho tùy nghi, cho người đi về muộn khỏi mang cảm giác nặng nề. Nhưng mỗi lần ông ngoại từ ký ức chống gậy về, và bữa cơm trên cao nguyên đá, và người đàn bà bưng bánh tiêu bánh bò qua nhà hớn hở cầm trên tay chai rượu, và tuổi tác chất chồng và đôi lúc thấy mình dường như đi lạc trên đời.. đã làm bạn nghiêng về phía mâm cơm náo động. Để tròng trành cho lắm cũng muốn níu lấy mà về kịp hẹn.

    Ăn cơm một mình nghe vẳng lại tiếng mình thấy chỉ bóng mình cũng không phải dễ chịu lắm. Ừ.
     
    LieuDuong thích bài này.
  8. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Tác phẩm: Áo Đỏ Bắt Đèn

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

    Thể loại: Truyện ngắn


    [​IMG]

    Cha trải quần tây màu cứt ngựa ra giường, xén bớt hai cái lai. Kéo lụt, đường cắt răng cưa tưa tướp. Mẹ cắn chỉ đến chục lần mà đầu chỉ trầy trật không chịu chui qua lỗ kim. Cha nhếch cười, nói cô bới lông tìm vết giỏi lắm mà.

    Họ vừa cãi nhau xong, chung quanh việc cắt lai quần đến đâu thì vừa. Thằng Phước đâu có cao dữ vậy, mẹ nói. Cha vặt vẹo, tôi gặp nó bảy tháng trước, còn cô? Rồi cả cha cũng ngập ngừng, cứ nhích cây kéo lên xuống để áng chừng chỗ cắt. Dài quá thì trong lúc nhảy thằng nhỏ sẽ vướng quần té ngửa, ngắn quá lại quê mùa khó coi. Cắt nhát kéo đầu, cha hơi chờn chợn, như thể vừa phạm phải một sai lầm không thể chỉnh sửa.

    - Cỡ này là vừa, đừng có cãi tôi.

    Giọng như căn dặn chính mình. Mẹ không có vẻ muốn hơn thua nữa, khi ánh nhìn vướng lại trên móc áo. Bà sực nhớ nút trên đó cũng đứt. Vạt áo bên phải dính hai đốm càphê, chúng khiến họ băn khoăn suốt buổi sáng, rồi cũng nghĩ ra bỏ áo vô quần thì ổn, ai mà thấy. Cha nghĩ áo đỏ sẽ bắt đèn hơn, nhưng không tìm thấy áo nào khác, ngoài cái bị rách toạc lưng. Mẹ nói có thể lấy mảnh vải của cái áo học trò cũ, xong đắp lên chỗ rách, cũng lạ. Lên tivi cũng không ai biết đó là áo vá.

    Họ đứng ngó cái áo, cố hình dung nếu cắt một ngôi sao trắng nằm chình ình trên áo đỏ thì có khó coi lắm không.

    Cảnh này thì đúng là chiêm bao rồi. Hoang đường một cách day dứt. Cái lần thấy vía ngồi trên cầu vồng ăn những đám mây cũng không day dứt như vầy.

    Lâu rồi cha mẹ không nhìn nhau, ngay cả cùng nhìn vào một điểm cũng hiếm. Cái ảnh chụp chung duy nhất của hai người, cha ngó cụp xuống còn mẹ đảo tròng trắng sang phải. Mặt mũi cặp đôi hớt hải. Lúc đó mình vừa lẫm chẫm biết đi, thích tọng vào miệng những thứ mềm mượt, bất kể là đuôi chó, góc cái gối gòn hay tóc mẹ. Thời khắc máy ảnh loé đèn, mẹ phát hiện ra mình đang mút chổi lông gà. Nhưng không còn thời gian chụp lại cái ảnh khác, cha quáng quàng chạy vào ca đêm.

    Mẹ thì làm ca ngày. Họ chỉ có thể ôm nhau lúc trời vừa rạng sáng. Trong khoảng thời gian chóng mặt đó, nếu cha thích mẹ từ phía sau thì cũng có thể nhìn về một hướng, nhưng mẹ phải ngó cái đồng hồ treo trên vách, miệng kêu ối ứ ư sao lâu vậy. Gương mặt của gã quản đốc xưởng xốn trong đầu mẹ, trong lúc cha héo rũ trên người. Mẹ không thể thích đến quên trời đất, vì bị ám ảnh bởi thằng cha chấm công re rắt từng giây, vì mình hay thức dậy bất ngờ, dụi mắt buông ra một câu khó đỡ "lêu lêu, cha mẹ ở truồng". Vụ đó là dì Hòa lỡ thời ở trọ chung vách kể mỗi khi mình qua xin cơm cháy, dì nói hồi đó tao nghe, khổ sở vì thèm.

    Mình thì không nhớ được những việc xảy ra hồi vài ba tuổi. Chuyện quãng sáu, bảy tuổi thì không muốn nhớ. Nhưng có khi mang máng chuyện mẹ bứng cây khế từ dưới quê lên trồng trên khoảng sân trước nhà trọ. Thằng nhỏ Phước vô lớp một là khế có trái, mẹ mơ màng. Lấy cây dao cùn phát quang một chòm cỏ, mẹ đào lỗ trồng cây. Cha nằm khẩy trên giường càu cạu nói vói ra, "chưa ăn được thì đã dọn đi chỗ khác, rảnh vậy?" Nhưng chiều đó giông lớn, cha đi tìm một thanh gỗ cũ, xóc chéo vô thân cây khế héo để gió khỏi quật ngã. Sự sống còn của cây khế là nỗi lo chung cuối cùng của hai người họ trước khi cha dọn tới ở cùng một cô cùng làm ca ngày, để tỉ tê nuốt hơi thở của nhau kệ cha cái kim đồng hồ nhúc nhích. Và mẹ thì lấy gã quản đốc mắt hí rị người Đài Loan, thoát khỏi nỗi ám ảnh mười lăm phần trăm giây xén bớt miếng ăn.

    Mười sáu năm bảy tháng mười ba ngày sau cái hôm thổn thức ứ hự ừ hư cùng nhau tạo ra hòn máu con con, cha mẹ mới lại cùng chuẩn bị bộ trang phục cho mình đến buổi biểu diễn tối nay.

    Chiêm bao sao mà hoang đường hơn cả giấc mơ đứng dưới cái cây thân bằng sữa bò, mỗi lá là một miếng thịt nướng, hồi nhỏ.

    Thằng Phước mà lấy được nửa tỉ tiền thưởng, tụi mình sẽ ra ngoại thành mua miếng đất cất nhà. Khoảnh sân trồng cây ăn trái cho cháu nội mình ăn. Ổi, xoài, nhưng đừng trồng mít, dễ bị sâu đục thân. "Thôi không trồng cây", cha gạt ngang, "trồng rau ăn, khỏi phải mua". Họ cãi cọ một cách hững hờ trong lúc mẹ may lại cái lai quần, đơm nút áo. Màu chỉ không hợp lắm, trắng trên nền vải đỏ. Cha nói không sao đâu, lúc đó đèn chớp đủ màu, người ta mắc coi từng điệu nhảy thần sầu của thằng nhỏ con mình, ai thèm để ý chuyện chỉ trắng chỉ đen.

    Nhưng khi đứng trên sân khấu, mình sợ đến tê dại đi, thật thà kể tham gia cuộc thi "Khỏa bụi tìm sao" lần này là mặc cái quần của cha, phải cắt đi một gang tay vì người mình thấp. Mình bán kẹo kéo với thằng bạn tên Giàu, hai thằng có niềm vui chung là lấy tên chính mình ra xỉa xói. Mấy bữa trời mưa bán ế nên mới được coi lỏm bỏm chương trình này trên tivi của quán càphê. Giàu xúi mình đi thi bằng cái giọng đầy thù hận: "Phải để cho họ nhìn thấy tụi mình". Giàu hát nhạc Trúc Phương buồn chảy nước. Hồi hai thằng mới gặp, nó nói tao hát để được lên truyền hình quốc gia. Một năm sau nó nói tao cất giọng lên để âm thanh chạm cốc một hai ba dzô bốn năm sáu dzô bảy tám chín dzô trong những cái quán nhậu sẽ lặng đi.

    Năm sau nữa, nó nói tao hát cho một người nghe tri âm nào đó, nếu có. Giờ thì nó hát chỉ để bán một vài cây kẹo kéo.

    - Điệu nhảy này em tả lại hình ảnh cây khế mới trồng trong một bữa mưa giông.

    Một cây khế non oặt đi, rạp mình trong cái thứ gió liên tục đảo chiều. Rễ chưa đủ bám sâu vào đất. Cành chưa đủ cứng cáp. Thằng Giàu hát nhạc nền cho mình, bài Thói đời, nó còn đọc rap, "thằn lằn cụt đuôi, dè, ai nuôi mày lớn, dè dè/ dạ thưa thầy dè, em lớn mình ên dè dè". Mắt chị ca sĩ kiêm giám khảo nữ duy nhất của cuộc thi tràn trụa nước. Họ đã nhìn thấy mình. Thằng Giàu đứng trong cánh gà quệt má bằng cùi tay, chúng ta đã từng khóc, kêu gào và hát, nhưng không ai nghe hết, giờ thì họ biết chúng ta đang ở đây. Hả hê quá, trong đám đông ngồi tại khán phòng này, chắc nhiều người đã từng đi qua xe kẹo kéo của bọn mình nhưng họ không hề thấy nhận ra mấy thân phận bọt bèo lêu bêu bên đường.

    Anh giám khảo bảo mình bước đến gần xem mình có xương không. Anh phát hiện ra cả thịt mình cũng chẳng có. Mình cười, nói dân nhậu ở quận Mười Hai ai cũng biết mà. "Tôi cho em qua", ba vị giám khảo đồng loạt nói, và mở cánh cửa thứ hai cho mình bước vào.

    Cha mẹ ôm xiết nhau nhảy cà tưng trong tiếng vỗ tay rào rào. Miếng vá trên áo làm lưng mình nhồn nhột.

    Cái áo này mình đã mặc nhảy múa bán kẹo suốt một mùa mưa ế ẩm. Thằng Giàu nói ăn mặc bắt mắt thì người ta mới liếc qua tụi mình. Nó làm mọi cách để được thiên hạ dòm ngó như đã từng làm mọi cách để thiên hạ nghe thấy. Một lần nhảy điệu dạo bước trên trăng trên đường Hiệu Oanh, thì bỗng nghe giọng Giàu vỡ ra. Khoảnh khắc thanh chắn trước một chiếc xe hơi nào đó hất mình té sấp xuống đường, mình còn kịp nghĩ Giàu không ca bài của Trúc Phương, ông đó không bao giờ viết nốt nhạc nào cao chới với vậy. Sau đó thì xương sống mình vỡ bục ra, tách lưng làm hai phần, gãy gọn như một lời thề. Như cây khế mẹ chặt ngang thân lúc rời khỏi khu nhà trọ. Mình ngủ rất nhanh và nằm mơ thấy mình sõng soài trên đường trong lúc mọi người vẫn đang nhốn nháo, sao thằng nhỏ mặc cái áo đỏ chói mà ông lái xe không nhìn thấy.

    Câu hỏi đó làm mình tư lự lâu lắm. Ngẩng lên thấy cha mẹ lục lọi cái hòm gỗ, hỏi có thấy cái quần tây màu cứt ngựa của tôi đâu không? Biết đâu thằng Phước mặc vừa. Không thấy mẹ, chỉ nghe vẳng tiếng lại, "người còn không giữ được, giữ chi cái quần ông.."

    Biết là đang chiêm bao. Biết là khi thức dậy sẽ thấy trần nhà dày mạng nhện, vài con thằn lằn nhơ nhởn, chúng hay bậy nhằm chân mình. Chỉ cần chờ phân chúng khô, mình sẽ vói lấy chổi lông gà quét lên đôi chân đã từ lâu ngủ im lìm, bất động như quét mặt chiếu và chẳng thấy buồn phiền đám bạn có đuôi. Sáng qua con thằn lằn còn rơi phịch xuống bụng mình, chắc do nhỏ bồ nó thì thầm "nằm ngửa ra đi cưng", nghĩ vậy nên nằm cười tủm tỉm hoài. Để mà vui hết một ngày thăm thẳm..
     
    LieuDuong thích bài này.
  9. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Tác phẩm: Áo Rách Và Nắm Bụi

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

    Thể loại: Truyện ngắn


    [​IMG]

    Hai thằng nhỏ leo qua rào, một đứa bị kẽm gai cào rách toạc áo. Cái vết rách hình chữ L bên hông nó thò ra mảng da đen thùi lùi, đen đến nỗi cảm giác làm thâm kim luôn cái áo màu cam lợt. Xui rủi là tôi cũng có mặt ở đó, và đang chụp hình chúng và chú thích hiện lên trong đầu ngay khi màn trập máy ảnh chưa mở, "qua một hàng rào kẽm gai của resort đang xây dở..".

    Nhưng cái chú thích cùng tấm ảnh dường như đã cháy xém trước ánh nhìn trừng trừng của đứa bé kia. Nó chửi thề ô bô lô a ba la rồi hỏi bộ giàu là giỏi lắm sao? Bỗng dưng tôi thấy mình cầm máy ảnh là có tội, ăn mặc tử tế là có tội, tôi trắng hơn nó cũng là có tội. Và tôi có tội vì đã đến hòn đảo thiên đường này chơi, nên người ta mới xây cất chỗ nơi đón tôi, nên áo thằng nhỏ rách.

    Bây giờ là cuối tháng mười một ta, gió biển thổi bề nào cũng lạnh. Thằng phong phanh ái ngại nói với thằng (đã) phong phanh mà còn rách, má mầy đánh đòn cho mà coi. Tôi nhớ mình hồi xưa trèo cây làm xước cái áo len mới, lúc về đi lùi vô nhà, phòng khi má đánh thì chạy cho lẹ. Cái áo lành lặn thời niên thiếu là cả một gia tài. Như đứa trẻ xứ biển này đây.

    Thằng áo rách vẫn còn đứng nấn ná mếu máo hoang mang bên rào. Bạn nó đã chạy về trước vì tới giờ cơm. Nỗi sợ, nhớ tiếc làm cho những tia lửa trong mắt nó dịu lại khi tôi lân la lại bâng quơ gợi chuyện nọ kia. Hỏi nhà nó khoát tay về phía xóm nằm bên kia bãi cát, nom cái nhà nào cũng giống hệt cái nào, giống cả những cuộn khói còm nhom đang bay lên.

    Bãi cát đó người ta cũng sắp rào lại để xây một trung tâm thương mại của đảo. Nghĩa là con đường ra ngoài bãi biển của tụi nhỏ ngày càng bị ngăn lại bằng nhiều lớp rào gai tường cao hơn. Nó kể mấy tháng trước chiều nào nó cũng dắt em ra ngoài bãi biển để đút cơm, "cho con nhỏ vọc nước là đút nhiêu nó cũng ăn hết, ở nhà dễ gì..". Thằng áo rách kể và kể, về đứa em nhỏ và bọn trẻ trong xóm, về những cuộc chạy chơi vui đến rã rời và có vài đứa suýt chết đuối, về những con cá trôi dạt mà nó lượm được đem về muối chiên ăn thum thủm bùi bùi.

    - Con chó Phèn của nhà tui chôn ở đó.

    Giờ bãi biển, nơi con chó "khôn như quỷ, lúc sắp chết còn biết chảy nước mắt" đang nằm yên nghỉ, đã thuộc về những người xa lạ.

    Và mai đây bầu trời cũng thuộc về người khác, khi tòa lầu mọc lên và ngăn trở mọi tầm nhìn. Tôi nghĩ vậy khi nghe thằng nhỏ ba hoa nói nếu leo lên mấy cây dương chỗ gần nhà nó, là có thể thấy được hòn Rái Nhỏ tuốt luốt ngoài khơi. Nó vừa kể vừa mân mê chỗ áo rách, như không làm sao quên được cú xé tàn nhẫn làm lạnh buốt mấy cái be sườn bén ngót. Bìa vải nào cắt vào tay nó mà cơn oán giận quay trở lại, thằng nhỏ đẩy tôi về bên kia biên giới bằng bóng tối trong mắt nó, "chị cũng phe tụi nó..". Tụi nó ở đây là hàng rào gai hay chủ của hàng rào gai?

    Chữ phe của nó làm tôi nhớ ông cậu họ già nua của mình, có lần gằn giọng hỏi bây coi coi vầy là mây che phía nào? Câu hỏi, cũng là kết luận của một câu chuyện xóm làng mà ông già đang uất giận. Mấy nhà máy thủy sản làm ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng quanh đó, kêu than mấy năm trời không ai giải quyết nên một bữa bà con kéo lại công xưởng nói chuyện phải trái. Mười lăm phút sau khi mọi người vẫn còn nhao nháo đừng ngoài rào thì nhà chức trách tới xua tan tác. Mây không đứng giữa để đôi bên đều râm mát đều được tưới tắm mà dường như nghiêng hẳn về một phía không một chút giả vờ xuề xòa.

    Bây cũng phe tụi nó, ông già nói vậy rồi bỏ đi một nước, khi nghe tôi ngập ngừng cái câu "bà con mình cũng có chút không phải.." mà tôi đã phải xóc cả rổ lời để lựa ra những cái nhũn nhặn, mơ hồ nhất. Lúc đó tôi tự hỏi từ bao giờ xuất hiện những ranh giới và tôi buộc phải chọn hoặc đứng về phía này hoặc phía kia, không được ở giữa?

    Như thằng nhỏ rách áo ngay từ đầu đã mặc định tôi thuộc về phía những kẻ lấy mất bãi biển của nó, vì tôi được ra đó chơi mà không phải leo rào. Chỉ cần trả tiền thôi, thứ mà đứa bé kia không có. Thằng nhỏ rạch ròi tới mức bỏ tôi lại, nó băng sang bên kia đường một mình.

    Và khi chiếc xe hơi màu trắng sữa ngang qua tung đám bụi cát chia cắt hẳn tôi và thằng nhỏ, tôi đã kịp thấy nó hốt một nắm vỏ ốc ném vói theo, kèm theo một cái đá gió rất khẳng khái. Sau những vòng bánh xe thản nhiên quay có mấy tiếng chửi thề của chính thằng nhỏ lả tả rơi.

    Ủa sao tôi thấy buồn thấy đầy dự cảm bâng quơ? Ủa sao tôi không thấy hành động của thằng nhỏ tuyệt vọng như đã từng, khi nhìn theo bóng ông cậu mình lúi húi chống gậy đi trong chiều muộn?
     
    LieuDuong thích bài này.
  10. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Tác phẩm: Biến mất ở thư viện

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

    Thể loại: Truyện ngắn

    [​IMG]

    Lúc đó Sinh đứng chỗ kệ sách văn học, người Sinh cao nên Hảo vẫn nhìn rất rõ mấy cục xương bén ngót của vai anh đội lên khỏi áo. Từ kệ sách nấu ăn chị nói vóng qua người ta bày cách làm món cá trứng về kho gừng coi bộ ngon quá chừng nè, Sinh ừ nhưng không ngước lên, chị không biết anh mải mê coi sách hay nhìn điện thoại. Khi Hảo rướn cổ ngó qua lần nữa thì Sinh đã biến mất.

    "Bữa đó có mưa không?", tôi hỏi, như đang rất quan tâm câu chuyện được nghe kể hàng trăm lần, trong lúc ngoáy một lọn tóc nhỏ của Hảo, nghe đầu ngón tay mát lành như chạm vào mảnh lụa đen nhức, nuột nà. Hỏi, để nhìn nét mặt chị lung linh, "có, mưa lớn, nên tụi Hảo mới tạt vô nhà sách để trốn mưa. Chớ tụi này ít học, nuốt chữ đâu có nổi..".

    - Bữa đó mà nắng thì tụi này về nhà luôn, biết đâu Sinh không đi mất..

    Tôi cũng thuộc lòng cái ngữ điệu của câu nói đó, thuộc vẻ ngơ ngác thường ngày bắt đầu tuôn từ trên tóc xuống, lan nhanh cả khuôn mặt xương xương, vẻ ngơ ngác mà khi nhìn thấy lần đầu ở Thư Viên, tôi đã yêu liền, bất chấp Hảo lạ huơ lạ hoắc, bất chấp chị đang lơ ngơ cầm trên tay loại sách mà tôi cực ghét "cẩm nang chăm sóc gia đình".

    Sau này mới biết lúc ấy Hảo cứ cầm sách trên tay cho vui, cho hết những buổi tối Thư Viên dài dằng dặc. Chị không có gia đình, không có riêng một người đàn ông nào để thực hành những thứ ngớ ngẩn kiểu như "đừng quên nhìn sâu vào mắt chàng", hoặc "hãy đánh thức tình yêu của chàng bằng một món ăn ngon" mà sách dạy. Thứ Tư tuần nào Hảo cũng tới Thư Viên, rảo một vòng, nấn ná giữa hai kệ sách văn học một lúc, thử hình dung từ chỗ này Sinh đi đâu mất biệt. Sinh vòng qua chỗ sách từ điển hay rẽ sang khu sách kỹ năng sống để bước về phía cửa, gần chỗ chị đứng. Nếu vậy sao chị không có một cảm giác gờn gợn nào, không nghe thoáng mùi mồ hôi quen thuộc lúc người đó lướt qua? Hay Sinh đi thẳng vào vách tường vôi trắng như người ta vạch một cái rèm, bóng khuất sau tiếng lao xao.

    - Có khi nào Sinh đi vô trong mấy cuốn sách kia không ta?

    Một bữa Hảo chợt hỏi tôi, mắt lấp lánh bởi ý nghĩ mới mẻ vừa nảy ra trong đầu. Nó khiến chị bắt đầu cầm những cuốn sách lên ngấu nghiến, dù trước đó chị hay trề môi bảo nuốt chữ mắc nghẹn chết, bảo cứ cầm lên buồn ngủ, cho cuốn sách thà cho củ khoai thích hơn.

    Đó là năm thứ bảy Sinh đi và là năm thứ ba tôi đưa đón Hảo tới nhà sách Thư Viên vào mỗi tối. Từ trường về, không kịp thở hơi nào dài được một lóng tay, tôi xấp xãi tắm táp để kịp chạy đi đón chị. Tôi tới muộn Hảo sẽ tới nhà sách bằng xe bus, những chuyến xe chiều luôn đông nghẹt người, chị phải đứng suốt mười một cây số đến trung tâm thành phố, đôi khi xuống xe thì bị móc túi lấy sạch tiền, chân sưng. Tôi xót lắm, nên thường để cái đầu tóc còn nhỏ nước ròng ròng hớt hãi chạy tới chị. Và má tôi chỉ biết ngó theo, thở dài.

    Những hậm hực, cằn nhằn, sự thất vọng của má, sau ba năm tôi yêu Hảo, giờ teo quắt lại thành những tiếng thở dài. "Đời mày rồi không biết tới đâu..", má tôi thường nói vậy. Chắc là không người mẹ nào hân hoan khi thấy thằng con trai nheo nhẻo của mình yêu con đàn bà lớn hơn nó tám tuổi, con nhỏ từng sống thử với người khác như vợ chồng, từng có bầu, từng đẻ non.

    Rả rích thu lượm, má tôi lần dò được khá nhiều chi tiết cuộc đời Hảo, cả chuyện chị từng được nuôi dạy trong nhà mở. Hồi đầu bà đấm ngực kêu trời trong lúc tôi tỉnh bơ nói, "Có sao đâu. Nhằm nhò gì.". Tức mình bà tới tận nhà trọ của Hảo để xin người ta tha cho thằng nhỏ con bà, nhưng nhìn thấy chị thì bà lẳng lặng về. Gương mặt và cặp mắt lơ ngơ cứu Hảo khỏi những lời nặng nhẹ. Vừa có vẻ đói khát vừa mệt mỏi, vừa tìm kiếm vừa hẫng hụt, vừa hy vọng vừa vô vọng, như má tôi miêu tả, mặt con nhỏ đó như chó con đi lạc.

    Ý nghĩ Sinh biến mất vào trang sách phả một sức sống lạ lùng vào Hảo, làm chị tươi tắn, rạo rực hơn. Như đang đói gặp được củ khoai lùi. Chị nói có thể Sinh đã đổi tên là Long trong cuốn "Ruồng rẫy", hoặc là Trọng hóa sói trong "Lốt thú", là Vũ trong "Đánh mất mặt người" hay vẫn chính là Sinh họ Phúc trong Vân Kiều truyện. Cuộc tìm kiếm ngày càng mênh mông vô tận, và đôi lúc đang hôn nhau Hảo nhắc tới một cuốn sách nào đó mà con mọt sách như tôi còn nghe xa lạ.

    - "Đòn kết liễu" của Marguerite Yourcenar có thằng đại úy nhẫn tâm kinh khủng.

    Tôi thấy hơi khó chịu, không phải vì cách phát âm ma ri rít sai bét của cô công nhân may giày, cũng không phải vì con muỗi đang bay vo ve từ nãy giờ. Đập rát cả tay mà nó không chết, tôi hậm hực "người không ra gì mà nhớ hoài..".

    Hảo nói đâu có nhớ. Chỉ tìm Sinh để hỏi cho rõ sao biến mất kỳ vậy, nếu chán nhau rồi thì nói thẳng, từ giã rồi đường ai nấy đi, sao lại phải âm thầm chạy trốn. Không nhớ đâu, tìm Sinh chỉ để cho hay Hảo đã chuyển thuê nhà khác rồi, không nấn ná được vì chỗ cũ bị giải tỏa, Sinh khỏi về lấy quần áo mắc công. Mắc gì mà nhớ, tìm Sinh để báo tin đứa con tên Nguyện mà Sinh đã đặt tên hồi còn chưa biết là trai hay gái, em bé đó đã hóa thành chất lỏng trôi tuột khỏi người chị sau một cú trợt chân ngoài thềm ướt. Hơi đâu mà nhớ, tìm Sinh để nói cho hay là có thằng con trai mới lớn thua Hảo tám tuổi, tức là tôi, đang mê chị. "Đeo dai như đỉa vậy", chị véo mũi tôi, cười.

    Tôi sướng lắm, cứ nhìn thấy Hảo cười là tôi sướng. Nằm gối đầu lên bắp đùi chắc lẳn của Hảo và tưởng tượng ra nét mặt ngượng ngập của gã đàn ông kia, khi Hảo vênh mặt kể với hắn rằng tôi thường cắt giũa móng chân cho chị. Tối nào tôi cũng xoa bóp đôi vai mỏi nhừ của chị đến khi tay tôi mỏi nhừ. Áo mưa che chung tôi luôn giành Hảo phần ướt. Tôi còn đọc sách nữ công gia chánh, gạn hỏi má tôi cách nào thịt bò không dai để nấu vài món cho chị bồi bổ những hôm tăng ca. Tôi còn rủ Hảo bao giờ tôi ra trường, xin được việc sẽ làm đám cưới. Tôi không muốn Hảo chờ tôi lớn thêm nữa, vì muộn quá chị sẽ khó sinh con.

    Trong lúc tôi phổng mũi la đà thêu dệt thì Hảo di di ngón tay lên vành tai tôi, nói nhân vật Barrow bảnh trai trong "Những mối tình câm lặng" cũng biến mất khi ngồi thổi bong bóng, như thể bong bóng đem anh ta bay lên trời vậy. Tôi day qua úp mặt vào vào bụng Hảo, nghe ruột chị cồn lên trong đó, để giấu mấy giọt nước mắt ủy mị của thằng con trai mới lớn, vì ý nghĩ Hảo không thèm dòm ngó, đếm xỉa gì tôi.

    Cuối năm tôi hai mươi bốn tuổi, cái đám cưới mà tôi vẽ ra trong tưởng tượng đã đầy đủ những chi tiết cần thiết, tự dưng tôi thấy bồn chồn. Những tối ở nhà sách Thư Viên, tôi đứng ở một kệ sách nào đó và ngó về phía Hảo trong lúc chị nép giữa những kệ sách văn học, say sưa đọc. Sức sống rực lên ở Hảo khi chị cắm cúi vào rừng chữ, như chưa từng mệt mỏi sau một ngày làm việc với những cái máy may đầy kim nhọn. Đứng lâu mỏi chân chị la cà ở gian sách khác nhưng mắt luôn ngó về nơi gã đàn ông xưa từng đứng. Tôi kêu trong câm lặng, Hảo ơi nhìn tôi đi, tìm kiếm tôi đi. Không âm thanh, nhưng cổ họng thì như bể nát. Nhưng buổi tối ở Thư Viên, từ lúc đặt chân vào đó cho đến khi nhà sách rung chuông đóng cửa, Hảo không một lần đưa mắt tìm tôi.

    Một bữa đứng ở kệ sách tôn giáo, tôi giơ một cuốn lên vẫy vẫy gọi Hảo, cuốn này có nói về nghệ thuật buông bỏ nè. Hảo ngẫng lên, hơi ngạc nhiên rồi quay lại với cuốn sách đọc dở trên tay, tìm kiếm trong đó một gã xấu xa nào hao hao một người đàn ông biền biệt từ lâu lắm. Hảo không biết đó là lần cuối cùng chị nhìn thấy tôi. Hôm ấy tôi mặc áo kẻ màu xanh xám, tóc tôi cắt cao. Biến mất như một phụ diễn trong màn ảo thuật, tôi đi vào khe của những cuốn sách, náu trong thứ bóng tối trong suốt, với ý nghĩ chỉ khi biến mất mình mới được tìm.
     
    Dương2301LieuDuong thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...