Tuổi trẻ không trì hoãn - Thần Cách Đan Mộc ***** Cho tôi hỏi, có khi nào bạn đang xem một chương trình truyền hình, ngay phút hấp dẫn nhất, phút gây cấn nhất, hồi hộp nhất, căng thẳng nhất, bỗng hết phim? Và bạn buộc phải chờ đến ngày mai hoặc tuần sau mới được xem tiếp? Hoặc là, ở một dạng khác, nó ngừng lại, quảng cáo mấy phút đồng hồ rồi mới tiếp tục? Chắc chắn là có. Thậm chí rất thường xuyên phải không? Cái này người ta gọi là "nghệ thuật trì hoãn". Nghệ thuật trì hoãn vốn là một biện pháp nghệ thuật xuất hiện từ rất lâu đời trong các tác phẩm văn học cổ đại. Ví như sử thi I – li – át, sử thi Ô- đi – xê của Hô – me – rơ, nhà thơ mù, con của dòng sông Mê – lét ở đất nước Hy Lạp xa xôi. Trì hoãn được tác giả sử dụng như là một nghệ thuật để kéo dài câu chuyện, nhằm làm tăng thêm tính căng thẳng, nổi bật cao trào cho câu chuyện đang kể. Hơn nữa, trong buổi sơ khai của văn học, việc miêu tả tâm lí nhân vật chưa hoàn chỉnh như bây giờ, việc dùng ngôn ngữ để miêu tả cũng có hạn, cho nên "nghệ thuật trì hoãn" cũng góp phần làm sắc nét hơn về tính cách, phẩm chất cho nhân vật. Trong văn học dân gian, khi mà chữ viết chưa xuất hiện, các tác phẩm được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng. Vậy đối với những câu chuyện dài như Tam quốc, Liêu trai.. thì sẽ kể như thế nào? Nó không được các nghệ nhân diễn xướng kể trong một đêm hay một giờ. Nó được chia ra thành nhiều phần, và dừng lại ở mỗi phần vào lúc bất ngờ nhất, khi mà sự việc câu chuyện vẫn chưa được giải quyết. Và tiểu thuyết chương hồi ra đời. Khi bạn đọc tiểu thuyết chương hồi, bạn sẽ thấy câu văn quen thuộc kiểu như "Muốn biết sự việc thế nào, xin chờ hồi sau sẽ rõ". Ngày nay, người ta sử dụng lối "trì hoãn sử thi" trong công nghệ truyền hình, phim ảnh nhằm thu hút sự chú ý của khán thính giả. Cũng là một cách lôi kéo người xem. Nhưng trở lại với cuộc sống hiện đại, trì hoãn lại là một hành vi không tốt mà lại rất phổ biến, và có thể trở thành căn bệnh tâm lí của con người. Thông thường, chúng ta hay vì lí do này, lí do kia để cố tình "trì hoãn" không thực hiện công việc nào đó. Chẳng hạn, tôi, bình thường sẽ thức dậy lúc 4 giờ rưỡi sáng để chuẩn bị mọi thứ cho ngày mới sau đó đi tập thể dục. Bỗng một ngày, cảm thấy mình hơi mệt mỏi, tự cho phép mình ngủ sớm, và sáng ra dậy trễ. Đồng hồ sinh học đã quen, nên tôi dậy lúc 4 giờ 15. À, thì ra vẫn còn 15 phút nữa mới tới giờ dự định. Tôi quyết định ngủ thêm chút nữa. Khi mở mắt lần nữa thì đã 5 giờ hơn. Và tôi nghĩ, hôm nay mình cũng chẳng có làm gì, và quyết định ngủ luôn đến 7 giờ sáng. Và khi thức dậy lúc 7 giờ sáng, tôi bỗng cảm thấy ngày của mình đang ngắn lại so với bình thường, và vì thế mà công việc cũng nhiều ra. Tôi bắt đầu nóng nảy, tức giận, hạnh họe mình.. Rằng mình không có thời gian để ăn sáng, rằng mình bỏ lỡ mất bộ phim yêu thích trên ti vi, rằng không thể sắp xếp thời gian để gặp gỡ đứa bạn thân đã mấy năm chưa gặp lại.. Và tôi thấy mình đã bỏ lỡ nhiều niềm vui của cuộc sống. À, trên chỉ là ví dụ thôi nhé. Ví dụ để chúng ta biết rằng, hành vi trì hoãn, vốn luôn luôn xuất hiện với bất cứ ai. Và nếu nó được lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ chi phối hành động, hành động sẽ thể hiện nhân cách, nhân cách sẽ quyết định cuộc sống của bạn. Trong quyển sách "Tuổi trẻ không trì hoãn" của tác giả Thần Cách do nhà xuất bản Thế giới phát hành, tác giả nói rằng: Người người đều mắc bệnh trì hoãn. Chẳng qua là bạn mắc bệnh ở cấp độ nào mà thôi. Bạn thử kiểm điểm lại theo gợi ý sau đây, để xem mình đang ở đâu, trên con đường bị trì hoãn làm chủ: 1. Dù là bài tập về nhà của kì nghỉ hè hay đông hay nhiệm vụ cấp trên giao cho, bạn luôn để đến phút cuối cùng mới hoàn thành. 2. Rất muốn đưa bản thân vào khuôn khổ, luôn đặt ra cho mình mốc thời gian để bắt đầu, ảo tưởng rằng từ đó về sau mình có thể cai được tật trì hoãn nhưng chẳng kiên trì được mấy ngày. 3. Trong đám bè bạn của bạn có người còn trì hoãn hơn cả bạn nên bạn cảm thấy bản thân vẫn còn may mắn chán, thì ra mình cũng chưa nghiêm trọng lắm. 4. Trong số bạn bè không còn ai trì hoãn hơn bạn nữa, bạn sắp không chịu nỗi nữa rồi. 5. Đôi khi bất lực, phát điên với bản thân vì sao mình lề mề thế này. 6.. Bạn thấy mình còn ổn không? Hãy thử đọc "Tuổi trẻ không trì hoãn", để tìm thấy phương pháp tiêu diệt căn bệnh trì hoãn của bạn. Bạn phải biết rằng, trì hoãn chính là sát thủ của thời gian. Nó sẽ rút ngắn cuộc đời của bạn. Nó sẽ phá hủy cơ hội của bạn, mài mòn ý chí, làm tiêu dần nhiệt huyết, và nhất là nó khiến bạn đánh mất hạnh phúc của chính mình. Nó còn làm bạn mất đi những giây phút có được tiếng cười sảng khoái bên cạnh những người bạn yêu thương.. Hãy tìm ra nguyên nhân vì sao và nhìn thẳng vào đó để tìm cách giải quyết, trốn tránh hay sợ hãi cũng là một hình thức của trì hoãn, bạn ạ. Quyển sách gồm có mười chương, bạn sẽ tập quen với nhân vật tên Hồ Tiểu Lãn, anh ta sẽ dẫn dắt bạn khám phá từng nội dung ý nghĩa như sau: Chương 1. Bộ mặt thật của chứng bệnh trì hoãn: Bạn đã trúng chiêu chưa? Chương 2. Những phương pháp phòng bệnh trì hoãn giúp tỉ lệ người mắc bệnh này giảm tới mức thấp nhất Chương 3. Trị lười biếng – Tiền đề của bệnh trì hoãn Chương 4. Chiến đấu trực diện và từ chối chạy trốn để trì hoãn không có cơ hội chiến thắng Chương 5. Hiệu quả là thứ đầu tiên giúp thoát trì hoãn, đừng đặt nặng chủ nghĩa hoàn mỹ Chương 6. Phương pháp quản lý thời gian để đánh bại trì hoãn Chương 7. Dùng kế hoạch hợp lý đuổi trì hoãn Chương 8. Dùng khả năng hành động mạnh mẽ để thay đổi và kết thúc trì hoãn Chương 9. Kỷ luật tự giác có thể chữa khỏi trì hoãn Chương 10. Tuyệt chiêu cứu giúp những người mắc bệnh trì hoãn độ nặng Tác giả Thần Cách đã viết rất dễ hiểu và phân tích vô cùng tỉ mỉ để hướng dẫn chúng ta đánh bại hành vi, lối suy nghĩ và căn bệnh tâm lý trì hoãn của mỗi chúng ta. Hi vọng, mỗi người chúng ta sẽ đánh bại nó để tuổi trẻ của chúng ta không có trì hoãn.