Tuổi Thơ Im Lặng - Khúc Đồng Dao Vọng Từ Kí Ức Người viết: Vương Tâm Nguyên Ngày đăng: 10/05/2020 Ấn tượng đầu tiên mà cuốn hồi ký của Duy Khán để lại cho tôi, là cảm giác giống như ngồi dưới bóng mát của cây đa cổ thụ đầu làng, dưới bầu trời mùa hạ xanh ngút, nhìn nắng lung linh lọc qua tán lá um tùm. Vừa mát dịu êm ả, vừa có chút gì đó man mác buồn. Lòng bất chợt lắng lại giữa khung cảnh làng quê ban trưa tĩnh lặng, và rồi biết bao hoài niệm ùa về như một trận gió tháng bảy dịu dàng. Cứ thế, tác giả lặng lẽ khơi nguồn kí ức của mình, và của bao thế hệ độc giả sau này, miên man miên man hoài như khúc đồng dao thời thơ dại. Duy Khán viết ở phần mở đầu rằng đây là cuốn sách ông viết ra dành cho ba đứa con trai Khánh, Khoa và Khải, là tác phẩm "ngoài kế hoạch" của ông, tác phẩm khiến ông từ nhà thơ trở thành nhà văn, chỉ vì sự thôi thúc của tình yêu sâu nặng dành cho ngôi làng nhỏ nghèo khổ, của dòng sông kí ức không lúc nào ngơi tuôn trào trong tâm khảm về đất, về người, về xóm làng, về gia đình, về những kỉ niệm ấu thơ vừa trong trẻo vừa buồn bã.. Cuốn hồi ký được viết vào năm 1977 và xuất bản vào năm 1986 – giai đoạn văn chương nước ta còn đang sôi sục với dư âm của cuộc chiến vừa kết thúc, cũng như hướng cả về quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa, đa phần đều là tiểu thuyết, truyện ngắn hiện thực. Giữa "thế trận" ấy, Duy Khán lại lặng lẽ tách mình ra, sống với kí ức tuổi thơ thuở nào, giống như con suối trong veo tự tách dòng khỏi con sông lớn cuồn cuộn chảy, tìm về chốn làng quê thanh bình. Tình yêu quê hương và gia đình chưa bao giờ trở nên sâu lắng, ngọt ngào và buồn bã đến thế qua đôi mắt của chú bé Khán. Tuổi thơ trong tập sách này tính từ bao giờ? Bố tính theo lối tính của bố: Từ khi biết nhận thức cho đến tuổi mười lăm. Chính xác thì thời gian trong cuốn hồi ký khởi đầu từ lúc Khán mười tuổi đến khi rời làng đi kháng chiến năm mười lăm tuổi. Tuy nhiên, thời gian nghệ thuật của Tuổi thơ im lặng không phải là thứ thời gian cứng nhắc, tuyến tính, có trước có sau, mà làthời gian của niềm thương nỗi nhớ . Tác giả kể về gia đình mình, về ngôi làng, về những con người dân quê nghèo khổ, lam lũ mà tốt tính, về con chó, con mèo, về từng vật dụng nhỏ bé trong nhà.. tất cả tuôn trào theo mạch cảm xúc, tựa như tác giả nhớ đến đâu kể đến đó, là câu chuyện tuổi thơ người cha kể cho ba đứa con trai nghe hằng đêm, mộc mạc, dễ hiểu và chân thành. Bất cứ thứ vụn vặt, bình thường nào cũng sẽ trở nên đẹp đẽ khi được nhìn qua lăng kính của nỗi nhớ thương hoài vọng. Thế giới trong Tuổi thơ im lặng chính là thế giới của những điều bé nhỏ đơn sơ, song lại chất chứa kỉ niệm và tâm tư của tác giả. Ngược dòng kí ức, ông tìm về với khu vườn, góc bếp, con đường làng nắng đổ, từng cái ao, cái cây.. đâu đâu cũng có chuyện để kể, đâu đâu cũng đong đầy thương nhớ. Tình yêu với những tháng ngày tuổi thơ - dù khó nghèo nhưng không thể quên lãng. Duy Khán còn dành hẳn một phần để kể về Những đồ dùng biết nói. Chẳng phải đồ dùng kì diệu, vĩ đại gì cho cam, chỉ là những thứ đã đồng hành cùng cậu bé Khán mười tuổi đi qua quãng đời thơ dại. Từ cái cối đá bị mẻ, đã nhẵn thín, nông choèn vì dùng nhiều, được người mẹ đem giã vỏ sò, vỏ hến thành bột uống cho đỡ đau. Tiếng giã khô khốc. Những mảnh sắc đâm vào chày. Chắc chày cũng đau. Còn lòng cối thì đau lắm ; cái cối tân xay lúa nuôi sống gia đình khi người mẹ làm hàng xáo; những cái chăn cũ bạc phếch, vá chằng vá đụp chống lại cái rét ngọt của miền Bắc, nơi cậu bé Khán thu mình trong hơi ấm thân thuộc của cha và anh. Hai cái chăn đang nói: "Bạn ơi! Nay mai bạn đi đâu thì đi, ra sao thì ra, bạn cũng ở trong lòng tôi những ngày bạn thơ bé." Tình cảm sâu nặng với thiên nhiên, phong tục quê hương không thiếu trong thơ văn Việt Nam, nhưng nặng tình với cả những vật dụng cũ kĩ, nhỏ bé thì có lẽ chỉ Duy Khán mới thể hiện rõ nhất. Bởi chúng là chứng nhân cho cả một trời kỉ niệm trong ông. Nhân vật trong Tuổi thơ im lặng đều là những người dân quê lam lũ, nghèo khổ, chật vật với nồi cơm xanh độn đầy rau má, với từng con cua con cáy bắt dưới ruộng.. Song từ tâm hồn họ vẫn toát lên những vẻ đẹp vô cùng ấn tượng. Bà nội một chữ cắn đôi không biết, nhưng lại thuộc hàng trăm hàng nghìn câu ca, hằng ngày dạy con, dạy cháu bằng những bài ca dao. Bà Kép Hỉ chua ngoa, đanh đá hay chửi bới, hay nói móc, nhưng đáo để và thương con. Tôi nhớ nhất hình ảnh những người tha hương, bỏ làng bỏ xứ đến xóm Trại hòng thoát khỏi nạn đói, mà vẫn giữ cho mình "Đói cho sạch, rách cho thơm" họ tự mình kiếm sống dù phải vất vả nhọc nhằn, đến độ qua đời ngay ngoài đường ngoài sông, song không hề dựa dẫm hay ngửa tay xin bất cứ thứ gì. Duy Khán viết văn êm như thơ, mượt mà như ca dao, song vẫn có lúc ngòi bút của ông hướng về hiện thực chua chát đến không ngờ. Những mả bà Chè, mồ ông Đống, mộ bà Sứt chơ vơ bên đường in vào tâm trí độc giả như những vệt buồn thẫm tối. Đọc phần Những nấm mộ bên đường, lần đầu tiên tôi thấm thía những câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du, xót thương cho những kiếp người cùng khổ: Gặp cơn mưa nắng giữa trời / Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao? Dòng kí ức của tác giả nhuốm đầy nỗi niềm về sự nghèo túng, đói khổ, và gần như bị ám ảnh bởi những cái chết, những cuộc chia ly bất ngờ đến đau xót. Cậu bé Khán và người anh thứ hai của mình từng đi làm con nuôi ở một nhà khá giả, bởi thầy u quá nghèo không thể nuôi nổi đàn con trước nạn đói gần kề. Tuy nhiên, cả hai đều chọn quay trở lại xóm Trại nghèo khổ, quay lại bên gia đình, bất chấp việc phải chịu đói rét, ăn rau má độn cơm, chỉ vì lạ thế, tự nhiên tôi lại thèm một bữa cơm rau má. Đối với cậu bé mười tuổi ấy, bao nhiêu bữa cơm ngon lành, no đủ cũng không thể đánh đổi cái không khí đầm ấm, thân thương của gia đình. Nhưng chẳng có gì tồn tại được mãi mãi, giây phút sinh ly tử biệt rồi cũng đến. Cảnh Khán lên đường nhập ngũ, sau lưng là làng quê thân yêu mờ trong khói trong mưa, tiếng đại bác ập ình và người cha già mắt đỏ lên đứng trông theo thực sự là một trong những cảnh buồn bã nhất, ám ảnh nhất mà tôi từng đọc. Không có lá cờ bay phấp phới hào hùng, không có bài ca tiễn lên đường, chỉ có nỗi buồn thương đau đáu dành cho những người thân đã mất, nỗi oán hờn khôn nguôi trước tội ác của quân giặc, lời cha dặn Thù nhà nợ nước phải biết trả.. Cậu bé thơ dại năm nào vẫn trông về những miền đất xa xôi bên kia dãy núi Dạm, giờ đã bước qua ranh giới của tuổi thơ để trở thành người lớn, với cây súng trong tay, dấn mình vào vùng khói lửa chiến tranh. Nhưng dòng hoài niệm thì vẫn còn đó, mãi mãi tuôn chảy trong lòng người con xa quê. Cuốn hồi ký khép lại, song bài đồng dao kí ức về làng quê và gia đình mãi đồng vọng, vừa ngọt ngào như nắng, vừa man mác như sương. Trong trẻo như nước sông mùa hạ, trầm lặng như tán đa cổ thụ mùa thu. Mộc mạc, bình dị mà đong đầy niềm thương nỗi nhớ. Vì lẽ đó, Duy Khán đã không ngần ngại viết phần kết cho đoạn mở đầu: Những chuyện này bố nhớ và mang theo trong trí . Nó từng đốt cháy tấm lòng suốt chặng đường bốn mươi mốt tuổi và hai mươi bảy năm cầm súng, làm Người đến suốt mai sau.
Mình biết Duy Khán khi học văn bản "Lao xao" được trích ở "Tuổi thơ im lặng", sau đó mình đã mua nó. Thực sự hơn 10 năm rồi mình chưa đọc lại nó. Hôm nay mình về nhà và dọn lại tủ sách mình đã thấy nó, lên diễn đàn thì thấy bài đăng của bạn, chắc có sự trùng hợp ấy nên mình sẽ đọc lại. Những câu chuyện rất chân thật. Mình thực sự xúc động khi thấy rõ được sự phân chia giàu nghèo, những mất mát, đau khổ ở cuối câu chuyện. Bài review của bạn có màu sắc cá nhân chứ không chung chung như những bài review thường. Cảm ơn bạn vì bài review, chúc bạn ngày càng viết tốt hơn nữa nhé.