Tác phẩm: Tuổi thơ dữ dội Tác giả: Phùng Quán Nhà xuất bản văn học Tôi yêu lắm những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh với những trò tinh nghịch hồn nhiên của tuổi thơ như những gì tôi đã trải qua nhưng tôi cũng yêu những trang sách hào hùng đã cùng tuổi thơ tôi lớn lên. "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán là cuốn sách tôi luôn trân trọng và mỗi lần đọc tôi không thể cầm được nước mắt. Đúng như tên truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật Trong "Tuổi thơ dữ dội", Phùng Quán cũng chọn chiến tranh làm chủ đề, lấy những ngày Huế nổ súng là bối cảnh và chọn Trung đoàn Trần Cao Vân với những người lĩnh nhỏ tuổi làm nhân vật trung tâm. Tuổi thơ của Lượm-sứt, của Vịnh-sưa, của Quỳnh sơn ca, của Tư-dát, của Mừng.. đáng lẽ ra phải đang được học, được vui chơi. Nhưng không, chiến tranh đã cướp của các em tất cả những thứ mà ở ở cái độ tuổi 13, 14 các em được nhận. Các em không còn là những cậu bé suốt ngày rong chơi nghịch ngợm, không còn được cắp sách đến trường nữa mà trở thành những người chiến sĩ, những người lính thực thụ không ngại xông ra chiến trường với lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Dù xuất thân khác nhau, các em đều có chung một mối thù, một ý chí quyết tâm đẩy lùi giặc ngoại xâm. Mừng tham gia vào Vệ quốc đoàn sát ban đầu chỉ vì trong sân huấn luyện có lá tầm gửi để chữa hen suyễn cho mẹ nhưng rồi tình yêu nước trong em cứ thế lớn dần lên. Câu chuyện của Tư dát thì tình yêu nước đến từ những câu hát, đang đi học về, nghe các anh bộ đội hát vang trên tàu: "Thà chết không quay lại đời nô lệ! Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu!" Thế là cậu nhịn không nổi, quẳng cặp xuống sông, nhảy tàu đi theo các anh. Vịnh-sưa, Bồng da rắn vì không chịu nổi cảnh đời khổ cực, các em tình nguyện van xin được cống hiến cho Tổ quốc.. Tất cả các em, tuy còn những nét ngây ngô, nghịch ngợm, nhưng khi đứng trong hàng ngũ của tiểu đội trinh sát, dường như tất cả đã trưởng thành, các em yêu nước bằng chính sự non nớt, thơ ngây của mình nhưng dũng cảm và anh hùng biết bao. Các em dù nhỏ nhưng tâm hồn đều chọn làm cách mạng, hạnh phúc khi cùng san sẻ cho nhau củ sắn, bao tải làm chăn, ngồi bắt rận cho nhau, chăm sóc nhau trong cái đói rét của núi rừng. Cùng sống và chiến đấu với nhau mỗi ngày. Nhưng chiến tranh là khốc liệt, chiến tranh là sự hy sinh và những người chiến sĩ nhỏ tuổi ấy đã phải trải qua điều đó. Đầu tiên là cái chết của Vịnh-sưa, người chiến sĩ ra đi khi chỉ mới 14 tuổi. Cái chết của em mới thật đẹp. Em lấy thân mình buộc vào cột thép thu lôi, ngang giữa bụng gửi bức điện: "Một kho xăng, đạn lớn ngay phía sau ngôi lầu tôi đứng. Yêu cầu bắn!", bức điện mà em đã phải đổi bằng cả cuộc đời mười phía trước. Rồi Lượm, một đứa trẻ 13 tuổi bị tra tấn với đủ hình thức, đòn roi da rát bỏng nhưng em tuyệt nhiên không khai, không rên la. Chỉ im lặng mím chặt môi chịu trận. Cái chết của Mừng ở cuối câu chuyện càng khiến người đọc đau nhói. Cuối cùng em cũng được minh oan nhưng chính thời điểm được minh oan thì em cũng đã ngã xuống. Kết thúc cái tuổi 13 tươi đẹp của mình. Bên cạnh những câu chuyện được ca ngợi về những người anh hùng, còn có những câu chuyện về sự phản bội. Kim-điệu là một ví dụ, vì sự yếu đuối, hèn mọn, không bỏ qua được cám dỗ lợi ích mà từ bỏ đất nước, là nguyên nhân dẫn đến những nỗi khổ cực mà Lượm phải trải qua và sự oan ức và cái chết của Mừng. Nhờ đâu mà các chiến sĩ nhỏ như Lượm, như Mừng có dũng khí lớn lao đến vậy để em đương đầu với kẻ thù mà không một lần khuất phục? Câu trả lời hẳn là lòng yêu nước. Dù còn rất nhỏ tuổi, với những suy nghĩ còn rất ngây thơ nhưng lòng yêu nước và dũng cảm của các em khiến nhiều người lớn phải kính cẩn nghiêng mình. Phùng Quán kể câu chuyện bằng ngôn từ đậm chất Huế, gần gũi và thân quen như tấm lòng chân thật của người Huế, nhờ đó mà "Tuổi thơ dữ dội" đi vào lòng độc giả nhiều thế hệ, trở thành cuốn sách minh chứng cho một thời oanh liệt đã qua. Hãy cùng đọc nó và hiểu cái giá của hòa bình hôm nay bạn nhé.
Thời mình đi học, cô giáo dạy Văn của mình đã giảng một câu mà mình nhớ mãi: "Văn là người". Và tác phẩm này của Phùng Quán chính là như vậy. Những câu chuyện chính là những con người, những lời văn khắc họa nên những con người thực sự của một thời kỳ lịch sử có thật. Tuổi thơ với những ngây thơ vốn có nhưng trong tác phẩm này có sự dữ dội của cuộc chiến khiến tuổi thơ của những đứa trẻ không còn ngây ngô nữa. Những đứa trẻ đã trở thành những người hùng, mạnh mẽ hơn những gì mà người lớn có thể tưởng tượng, nếu không sống trong thời kỳ ấy.
Cảm ơn bạn đã ủng hộ mình nhé. Mình cũng thích lắm, lúc nhỏ mình ở cùng ông bà nên thường đọc sách có nội dung chiến tranh. Cuốn này mình ám ảnh đến nỗi có những đoạn không dám đọc lại vì lần nào đọc cũng khóc.
Ngày trước, em từng là một con lười đọc sách kinh khủng ý, đến nỗi mẹ em còn bảo là con thích Văn mà lười đọc thế này thì thích cái gì chứ? Thế là để bồi dưỡng tình yêu văn học của em, mẹ em đành mỗi tối lại đi xuống đọc sách cho em trước giờ đi ngủ. Vốn dĩ cũng muốn em tự đọc đấy, nhưng em lại đọc được vài trang truyện rồi bỏ đó, và nếu biết "Tuổi thơ dữ dội" hay như vậy, em đã cố gắng đọc từ lâu rồi. Mẹ cũng từng đọc sách cho em ngày trước, nhưng chưa bao giờ em thức được đến lúc mẹ đọc hết truyện cả, vì em cảm giác giọng mẹ giống cô giáo Ngữ Văn, ru ngủ thật tốt a! Cho đến khi mẹ đọc "Tuổi thơ dữ dội" cho em nghe, em thao thức để nghe mẹ đọc. Thậm chí em chỉ mong nhanh thật nhanh đến giờ đi ngủ để nghe mẹ kể tiếp, đến khi mẹ kể xong buổi tối hôm ấy, em lại mong mẹ hãy kể thêm một tí, một tí chút thôi. Đến anh trai em, vốn là người không thích đọc, cũng lén đợi mẹ đi ngủ rồi lôi sách ra đọc trước vì không nhịn được tò mò. Mỗi lần đọc truyện ấy, em như có cảm giác mọi nhân vật sống động, chân thật trước mắt em, em còn cảm thấy như em được bước vào cuộc đời đầy ngây thơ, quả cảm, kiên cường của những thiếu niên ấy. Nghe mẹ đọc đến đoạn Vịnh sưa chết, em cũng khóc, em khóc vì hình ảnh người con trai ấy chết trên đỉnh cột thép thu lôi, giữa biển lửa hừng hực cháy của kho quân khu giặc, sao mà đẹp đến vậy. Mỗi chi tiết nó đều hào hùng, trong cái hào hùng lại có nét ngây thơ, chính trực, thẳng thắn. Em cũng giận với Kim điệu, em luôn luôn bực bội khi biết những đau thương tiếp diễn trong tương lai lại đến từ cậu ấy, chỉ vì lòng nhát gan, sợ bị hành hạ đánh đập, sợ bị giết bởi kẻ thù. Tuy vậy, em lại tự hỏi, rằng không biết một con vốn không giỏi chịu đau, chịu khổ như mình, liệu có run sợ như thế không khi vào hoàn cảnh Kim điệu. Em nghĩ là có.. Rất giận, nhưng em biết rằng đến cả những người lớn cũng không chịu nổi đòn roi, chịu nổi những cám dỗ của cuộc sống xa hoa mà giặc Pháp có thể mang lại. Câu chuyện không chỉ mang đến bản hùng ca thiêng liêng của lịch sử, em còn yêu mến tình bạn, tình mẫu tử của những nhân vật trong truyện, tình đồng đội giữa những người xa lạ bỗng hóa thân quen, và chắc chắn là có cả tình yêu tổ quốc. Tình bạn giữa Quỳnh sơn ca với Mừng, Vệ to đầu với Hiền, và nhiều nhiều người khác nữa khiến ta cảm phục. Có một tình bạn mà em thấy khá vui, đó là giữa Lượm, Thúi và Lép sẹo. Thúi từ một cậu bé bán kẹo kéo, bị nhầm là Tư dát, vậy nên mới bị bắt. Nhưng ngay sau đó, cậu bé ấy đã thấm cái tình yêu nước ghét giặc của Lượm, trở thành một người dũng cảm, cứu cả bọn ra khỏi ngục tù. Lép sẹo, từ một dân anh chị "con", cũng muốn đóng góp tí công lao của mình để trừ giặc. Tất cả đều mang đến tình yêu của em đến với truyện! Cảm ơn chị về bài review hay thật hay này nhé, nó lại làm sống dậy tình yêu của em đối với truyện mất rồi! Cũng hơi ngại một chút á //^^// vì vốn là bài review của chị, em lại tâm sự nhiều thế này! Yêu chị :3
Cảm ơn bạn đã đọc bài của mình nhé. Mình đọc "Tuổi thơ dữ dội" lần đầu tiên cũng tầm 15 tuổi, lúc đó mình cũng rất ám ảnh. Bây giờ nhìn lại đúng như bạn nói cái dữ dội của chiến tranh khiến tuổi thơ của những đứa trẻ không còn ngây ngô nữa.
"Tuổi thơ dữ dội" quả là một quyển sách ấn tượng, đã đọc đi đọc lại mấy lần, mỗi lần đọc lại một lần khóc sưng mắt. Mình biết đến nó lần đầu tiên qua sóng truyền thanh, họ đọc 30 phút mỗi sáng chủ nhật trên đài. Hồi ấy ở mê mẩn lắm nhưng muốn biết tình tiết tiếp theo của truyện cũng không biết làm cách nào. Ở quê không dễ dàng mua sách tý nào, lúc nhỏ mình còn không biết về khái niệm nhà sách là cái gì cơ. Nhớ có một lần vào đúng ngày chủ nhật cái đài radio của mình bị hư, Không nghe được diễn biến tiếp theo của câu chuyện, mình cầm cái đài hư mà òa khóc huhu. Giờ nhớ lại thấy thương mình hồi xưa ghê ^-^ Lần đầu được cầm nguyên lành cuốn sách hoàn chỉnh trong tay mình mừng đến mức bỏ cả cơm trưa, khỏi ăn chăm chú đọc một lèo đến hết luôn. Phải nói khi lớn lên và đọc vô số sách và truyện khác rồi, nhưng chẳng hề gặp cuốn nào gây cho mình được xúc cảm tương tự. Mình thấy cuốn này đỉnh lắm luôn :)
Mình thích tâm sự của bạn lắm ý. Đợt này bận nhiều việc nên đọc được bài của bạn muộn quá. Thanks bạn nhé.