Tuổi Dấu Yêu - Hoàng Mai Quyên

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 12 Tháng bảy 2022.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Tên truyện: Tuổi dấu yêu

    Tác giả: Hoàng Mai Quyên

    Thể loại: Truyện ngắn

    NXB: NXB Kim Đồng

    [​IMG]

    Chuyển trường lên thành phố, cô bé yêu văn chương Bảo Trân không khỏi bỡ ngỡ. Mọi thứ ở ngôi trường mới đều tinh khôi và lạ lùng. Cô gặp gỡ những người bạn thú vị lớp 12A1 như lớp trưởng Thiếp "Hai Lúa", Gia Nghi "họa sĩ", Mỹ "Bông Gòn".. Nhóm bạn nhanh chóng thân thiết và cùng nhau trải qua các kỉ niệm ngọt ngào lẫn day dứt của tuổi học trò.

    Tuổi dấu yêu của tác giả Hoàng Mai Quyên là miền kí ức gần gũi giàu xúc cảm. Có những trò nghịch ngợm vui nhộn đúng chất "thứ ba học trò". Có những rung động đầu đời chẳng thể nào quên. Có cả những băn khoăn, mông lung về ước mơ và tương lai.. Tất cả kết thành mảng trời thanh xuân trong trẻo, nơi tình cảm gia đình, thầy trò, bạn bè tỏa sáng, nâng đỡ những tâm hồn mới lớn vượt qua các khó khăn tuổi trưởng thành.

    Trích đoạn:

    ".. Tuổi mười tám, chúng tôi như những cánh chim non chuẩn bị rời tổ ấm. Ngày mai, trong đám chúng tôi, ai sẽ đi trọn con đường mình đã chọn? Ai sẽ ngậm ngùi nhận ra mình đã sai và bắt đầu lại? Ai cam chịu theo lời người lớn nhưng cứ mãi băn khoăn thốt lên" giá mà "?

    Thời gian sẽ mang đến đáp án cho tất cả.

    Nhưng, dù thế nào, tôi vẫn thầm mong mình và các bạn sẽ trở thành những bông hoa đẹp, tỏa hương sắc cho đời. Để rồi ba mươi năm nữa, chúng tôi có thể gặp lại nhau trong buổi họp mặt nào đó. Hi vọng khi đó, tất cả đều sẽ nở nụ cười."

    [​IMG]
     
  2. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 1. Thông điệp nụ cười

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dụi mắt mấy lần mà tôi vẫn sợ mình nhìn lầm: Vẫn năm giờ ba mươi. Hơn lúc nãy mười lăm phút. Ngoài trời đã bắt đầu sáng mà trong nhà vẫn không một tiếng động. Mọi người đang chìm trong giấc ngủ. Giờ này ở quê, ba mẹ tôi hẳn đã thức dậy từ lâu rồi. Nhà cô Ba buôn bán nên thức khuya dậy trễ là bình thường.

    Tôi đã lên nhà cô ở được một tuần chuẩn bị cho năm học mới, nhưng vẫn chưa quen được nếp sống phố thị. Bà nội chỉ có hai anh em nên cô Ba rất thương con cháu. Ba mẹ tôi ở quê giữ phủ thờ dòng họ còn cô Ba theo chồng về phố thị buôn bán. Nhà cô buôn bán khá giả còn nhà tôi công chức nên chỉ đủ ăn. Hè vừa rồi, cô Ba về đám giỗ, biết tôi học giỏi nên đã bàn bạc với ba mẹ tôi về tương lai. Thế là tôi nhanh chóng rời quê lên tỉnh.

    Nhìn tấm áo dài trắng đã được ủi đi ủi lại thật kĩ, tôi hài lòng lắm. Đây là tấm áo mới mẹ mua tặng khi quyết định gởi tôi lên thành phố. Tôi không muốn đi nhưng mẹ và mọi người đều khuyên rằng đây là con đường ngắn nhất để vào đại học. Ở quê, tôi phải chịu bao thiệt thòi. Thôi thì tôi phải nghe lời người lớn với lời hứa thầm: Phải cố gắng học để thực hiện giấc mơ đổi đời.

    Nhìn đồng hồ đang nhích dần qua số sáu, tôi quyết định dậy sớm, đi bộ tới trường cho thong thả.

    Thành phố như cô gái còn ngái ngủ, mắt mơ màng. Màn sương mỏng như chiếc khăn voan khoác hững hờ làm duyên trên bờ vai thiếu nữ. Tôi giơ tay lên không trung như muốn chạm vào tấm khăn vô hình ấy bởi chỉ ít phút nữa thôi, tất cả sự tĩnh lặng và huyền diệu này sẽ biến mất. Một vài chiếc xe máy phóng vèo qua như xé nát dần từng góc của tấm khăn. Lát nữa, mọi người sẽ thức giấc và ùa ra đường. Thành phố sẽ đầy khói bụi, tiếng ồn.

    Nhìn chiếc lá đóng bụi ven đường, bỗng dưng tôi thấy thương lạ. Đi qua rồi tôi còn quay lại nhìn chiếc lá rung rinh như bàn tay nhỏ chào cô bé nhà quê mới đến. Hồi xưa nhà văn Thanh Tịnh viết Tôi đi học có ở trong không khí cuối Thu như tôi bây giờ không nhỉ? Trong đầu tôi vang lên những câu văn quen thuộc "Hàng năm, cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mênh mang của buổi tựu trường"..

    Tôi cũng đang bước vào những cảm giác mơn man của ngày đầu tiên ở ngôi trường mới, với bạn mới, thầy cô mới.. Bỗng nhiên, tôi nhớ bài giảng của thầy Ưng trường cũ đã hằn sâu trong tâm trí mình. Thầy cũng mở đầu bằng đoạn văn quen thuộc này của nhà văn Thanh Tịnh để dẫn dắt mọi người vào câu hỏi: Mùa Thu là gì? Thầy bảo: "Miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng, không có mùa Thu, nhưng các con cứ nhìn dòng sông quê mình bắt đầu đổi màu phù sa, cứ nhìn lưng áo của cha vất vả để sống chung với lũ, nhìn mâm cơm có thêm sắc vàng của bông điên điển.. Ấy là mùa Thu đã về. Mùa Thu miền Tây gắn với bao nhọc nhằn để các con phải tự động viên mình cố gắng học tập, không phụ lòng cha mẹ và quê hương."

    Hít mạnh một hơi thật sâu vào lồng ngực, tôi tự động viên mình hãy can đảm lên. Ngôi trường mới hiện ra trước mắt, to lớn và xa lạ. Tôi sẽ là thành viên của một tập thể mới dưới mái trường này, ngôi trường to đẹp nhất tỉnh, nơi có rất nhiều thầy cô và học sinh giỏi. Tôi mạnh dạn bước vào trường. Hai cánh cổng mở rộng như vòng tay âu yếm chào đón tôi. Bỗng dưng tôi thấy tự tin hơn. Trước mặt tôi là pho tượng bán thân của danh nhân mà trường mang tên, người đã có công khai hoang, mở đất tạo dựng vùng đất miền Tây này. Tôi chắp tay cúi đầu với lòng thành kính.

    Vẫn còn sớm, tôi quyết định đi dạo quanh sân, ngắm nhìn ngôi trường mới. Quả là ngôi trường đẹp với ba dãy lầu xếp theo hình chữ U, lối kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại: Một chút hoài cổ của Văn miếu Quốc Tử Giám, một chút dư âm của Quốc học Huế và một chút không gian trường học phương Tây. Khuôn viên xanh mát với những dãy hành lang rộng, thoáng mát, trồng nhiều cây với các khu tự học, khu thí nghiệm thực hành, vườn sinh học.. nối liền nhau khang trang. Ngôi trường trong mơ với cô bé nhà quê như tôi.

    Bước vội lên lớp học, tôi mỉm cười khi nhận ra mình đến quá sớm. Để cặp sách lên bàn, tôi cầm chổi quét lớp. Không phải phiên trực nhưng tôi muốn làm một việc gì để đánh dấu rằng từ nay mình là thành viên của lớp.

    Rồi bạn bè cũng lục tục kéo đến. Người đầu tiên là một cô bạn vóc người nhỏ nhắn, tóc ngắn cột đuôi gà, nụ cười tươi rói khoe chiếc răng khểnh thật dễ thương. Cô bạn nhìn tôi ngạc nhiên:

    - Bạn mới trực giùm mình à, tốt quá. Mình cám ơn nha, đang sợ trễ giờ đây.

    Nói rồi cô bạn nhanh nhẹn lấy đồ vệ sinh làm cùng tôi. Vừa làm, cô vừa vui vẻ bắt chuyện:

    - Bạn là Bảo Trân mới từ quê chuyển lên phải không? Lát ngồi với mình nha, mình ngồi có một mình thôi.

    Tôi gật đầu, cảm thấy vui vui trước sự thân thiện của cô bạn mới. Lớp học bắt đầu đông hơn. Nhiều đôi mắt xa lạ hướng về tôi với ánh nhìn tò mò, ngạc nhiên. Bỗng nhiên tôi cảm thấy đôi chút cô đơn và nhớ bạn bè, lớp học cũ thân thương. Tôi nhớ đến lời dặn dò của cô Ba tối qua: "Người quê mình có điểm yếu là nhút nhát. Con hãy chủ động giao tiếp và nở nụ cười với các bạn nhé. Cô nghĩ chuyện làm quen sẽ dễ hơn nhiều."

    Ừ thì lời nói và nụ cười không tốn tiền mua, tôi tự nhủ, sao mình không tặng cho mọi người. Vậy là mỗi khi có một bạn đi ngang qua, tôi đều nhoẻn miệng cười.

    Chẳng biết bạn bè trong lớp có giải mã được không nhưng tôi cảm thấy bầu không khí đã ấm cúng hơn. Tiếng trống trường vang lên và chẳng bao lâu tiết học đầu tiên bắt đầu. Tôi nhìn lên bảng và để bài học đầu tiên ở ngôi trường mới cuốn những suy nghĩ vẩn vơ ra khỏi đầu óc tôi.
     
    Heo Bảo BảoMèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  3. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 2. Chuyện về những cái tên

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi ngồi dãy bàn giữa lớp, gần cuối bàn. Kế bên là Gia Nghi, cô bạn tóc ngắn mới quen. Ban đầu, lớp có ba mươi lăm đứa nên ai cũng có đôi, chỉ mình Nghi ngồi lẻ.

    - Bây giờ có thêm Trân nên lớp chẵn mười tám đôi rồi. - Nghi mỉm cười.

    Lớp 12A1 chuyên các môn tự nhiên nên nam sinh đông hơn. Đếm đi đếm lại, cả lớp chỉ có sáu đứa con gái, kể cả tôi. Trong khi chờ giáo viên, cô bạn mới nhanh chóng phổ cập những điều cơ bản nhất về tình hình lớp cho tôi. Từ ai là lớp trưởng, lớp phó, ai học giỏi nhất cho đến ai học dở nhất, quậy nhất lớp. Tôi để ý đến anh chàng lớp trưởng có cái tên không "đụng hàng" : Nguyễn Thiếp. Con trai mà lại là "thiếp".

    Tiếng trống báo hiệu tiết học bắt đầu. Khi cô giáo bước vào, ấn tượng đầu tiên của tôi về cô thật lạ. Cô khoảng ngũ tuần, ngang tuổi mẹ tôi, gương mặt dịu dàng và nụ cười thật hiền. Ở cô tỏa ra một cảm xúc ấm áp, đáng tin cậy. Nhỏ Nghi tóc ngắn thì thào:

    - Đó là cô Uyên, năm nay dạy Văn lớp mình.

    - Chào các con! Các con ngồi xuống đi.

    Giọng nói trầm ấm với âm sắc pha trộn giữa hai miền Nam, Bắc khiến tôi bị lôi cuốn. Cô không giới thiệu tên tuổi, chương trình mà bắt đầu ngay vào bài giảng đầu tiên. Dòng chữ cô trên bảng vừa rắn rỏi vừa mềm mại, nét chữ đẹp khiến cả lớp trầm trồ. Bất giác tôi đưa ngón tay vẽ vẽ trong không trung những nét đậm, nét nhạt theo chữ cô rồi thì thầm:

    - Cô giống danh họa Huấn Cao ghê ta.

    - Chữ người tử tù phải không? Mình thuộc bài đó, nhưng mà học văn dở ẹc à. - Nghi le lưỡi. - Qua rồi thì mình "trả hết, trả hết cho người" luôn. Năm rồi học nhầm tiến sĩ gây mê nên mình ngủ là chính.

    Tôi chỉ mỉm cười không bình luận. Bài giảng hôm nay là về văn học Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Tôi thắc mắc:

    - Sao bài này phải chia thành hai giai đoạn nhỉ?

    Nhỏ Nghi nói giọng tỉnh bơ:

    - Vì nó dài quá nên phải chia làm hai. Để nguyên thì ai mà học nổi chứ.

    Cô Uyên giảng bài với sự tận tâm và có chút cao hứng. Thỉnh thoảng, cô đặt những câu hỏi khó, không có trong sách giáo khoa. Nhìn một bạn nữ trong lớp đang đứng lên lí giải súc tích và chặt chẽ, tôi thán phục tư duy và phong thái tự tin của bạn. Cô giáo gật đầu và cho điểm cộng. Tôi nhận ra cách học Văn ở đây rất khác trường cũ. Sách giáo khoa chỉ để tham khảo kiến thức, còn vấn đề chính thì học sinh phải tự vận dụng kiến thức lí giải.

    Cô giáo cũng không hề đọc chép. Cô cứ giảng say sưa còn học sinh chép lấy chép để. Tôi ngồi thừ ra vì bối rối. Nhỏ Nghi quay sang hỏi với vẻ quan tâm:

    - Bạn nhớ được không mà ghi ít vậy?

    - Ờ, tại mình chưa quen.

    Nghi nhún vai:

    - Xưng hô vậy sến sẩm quá. "Mày, tao" đi cho thân mật.

    Tôi nhìn sang tập nhỏ Nghi và không nín được cười. Nhỏ không chỉ viết chữ mà dùng đủ loại kí hiệu hài hước. Ví dụ từ "mục đích", Nghi vẽ cái mông đít cách điệu như trái bí đỏ mà ngày xưa Trạng Quỳnh ngồi lên, rồi chấm dấu chấm vào là xong. Hèn gì mà nhỏ viết nhanh như tên lửa.

    Nhìn thấy nụ cười của tôi, Nghi giải thích:

    - Ngạc nhiên hả mày? Lớp mình còn có nhiều điều kì diệu nữa. Từ từ mà khám phá.

    - Ví dụ là gì?

    - Tên chẳng hạn.

    - Tên thì có gì.. kì diệu?

    Nhỏ Nghi chỉ tay lên một bạn nữ rất xinh ngồi đầu bàn:

    - Nhỏ kia tên là Á Tiên. Tên rất lạ đúng không? Sự tích tên nó là thế này: Khi mẹ nó đi đến bệnh viện để sinh nó, vì mải suy nghĩ từ lót cho tên Tiên mà vấp phải cục đá. Bà kêu "Á!" lên một tiếng và cái tên Á Tiên ra đời từ đó.

    Tôi bật cười. Nhỏ Nghỉ thích chí kể tiếp:

    - Trong trường mình, có những thầy cô chẳng bao giờ chịu đi với nhau. Ví dụ như thầy Nghĩa dạy toán và cô Trang dạy hóa, hay thầy Hưởng dạy công dân với cô Dương dạy lí. Chưa hết, trong dân gian có tứ linh, tứ quí, nhưng thầy cô trường mình còn có "tứ tình" nữa.

    - "Tứ tình" là sao?

    - Tổ Anh Văn trường mình có tổng cộng năm thầy cô, là thầy Tình, thầy Tứ, thầy Trường, cô Ái và cô Nghi. Mày hiểu chứ?

    Tôi gật đầu, vừa khâm phục cái đầu "quỉ quái" của đám bạn cùng lớp, vừa háo hức được khám phá thêm nhiều điều thú vị, dễ thương ở trường mới nữa.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  4. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 3. Chàng lớp trưởng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Còn năm phút nữa mới đến giờ ra chơi nhưng tâm trí đám học trò đã bay ra ngoài cửa lớp từ bao giờ. Tập vở đã xếp lại, tiền đã được nắm trong tay, tất cả chỉ chờ.. ba tiếng trống vang lên. Trống vừa dứt, tiếng hô "nghiêm" của lớp trưởng chìm nghỉm bởi tiếng reo hò của lũ con trai. Nhanh như cắt và dồn dập như sóng biển, tất cả nam nữ học sinh nhanh chóng phi nước kiệu xuống căn tin.

    Vì giờ ra chơi chỉ có hai mươi phút nên mỗi nhóm bạn đều phân chia nhiệm vụ rõ ràng, đứa lấy ghế, đứa giành bàn, đứa bưng đồ ăn.. Đám con trai gào thét như bị bỏ đói mấy ngày, nếu không được ăn thì chết ngay. Tôi cùng mấy bạn nữ thì yểu điệu thục nữ hơn, nhưng chính vì thế xuống tới nơi thì bàn cao, bàn thấp đều đã kín chỗ. Đang bơ vơ, chợt tôi nghe có tiếng con trai kêu to:

    - Bảo Trân, lại đây nè!

    Tôi quay lại và bắt gặp cánh tay vẫy vẫy của Nguyễn Thiếp, chàng lớp trưởng. Hóa ra đám con trai đánh nhanh, đánh mạnh theo chiến thuật thần tốc nên mới khoảng năm phút, đồ ăn thức uống đã biến mất như có nạn châu chấu. Cả đám liền nhường chỗ cho các bạn gái như những chàng hiệp sĩ hào hiệp.

    - Sao mấy ông làm lẹ dữ vậy?

    - Có gì mà lâu. Bọn này sống theo qui tắc ba-ba mà lại.

    - Ba-ba là sao? Một giống rùa hả?

    - Bí mật.

    Đám con trai nhanh chóng rút lui với những nụ cười bí ẩn. Nhỏ Nghi thì thầm vào tai tôi:

    - Ý tụi nó là mỗi bữa ăn chỉ dài ba phút, còn đồ ăn rớt xuống đất trong vòng.. ba giây thì nhặt lên ăn tiếp.

    - Sao phải ba giây? - Tôi thắc mắc.

    - Tụi nó nghĩ trong vòng ba giây thì vi trùng chưa đủ để xâm nhập vào đồ ăn. - Nghi nhún vai. - Chả biết đọc ở đâu ra, nhưng giờ thành qui tắc luôn rồi.

    Bọn tôi nhanh chóng chiếm vị trí "chiến đấu". Nhìn vẻ mặt ngây ra của tôi, nhỏ Nghị lém lỉnh khẽ huých vai:

    - Sao lại ngây ra thế? Mày bị hay là mày bị trúng tên?

    - Tên gì cơ?

    - Tên ái tình.

    - Ái tình nào đâu.

    Tôi im lặng ăn cho nhanh tô hủ tíu, tránh bị nhỏ Nghỉ trêu chọc.

    Không phải bị trúng.. mũi tên thần, nhưng ngay từ đầu, cái tên Nguyễn Thiếp đã khiến tôi chú ý. Chắc khi đặt tên cho con, ba mẹ của Thiếp đãgởi vào đó kì vọng cậu con trai cưng sẽ giỏi giang như La Sơn phu tử¹, danh sĩ cuối đời Hậu Lê. Nhưng sau vài tuần học, tôi nhậ n ra tính cách chàng lớp trưởng còn đặc biệt hơn nhiều.

    ¹Nguyễn Thiếp (1723 – 1804), tự Khải Xuyên, là danh sĩ cuối đời Hậu Lê và Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Sinh thời, vua Quang Trung thường gọi ông là La Sơn phu tử.

    Là cán bộ lớp và trường nhưng Thiếp luôn tiếu lâm trong mọi việc. Khi phổ biến kế hoạch gì, bao giờ chàng cũng kết lại bằng câu quen thuộc:

    - Đi đúng giờ nha. Ai đi trễ sẽ bị trảm bằng cẩu đầu đao.

    Nếu như ở các lớp khác, lớp trưởng nghĩa là "chỉ tay năm ngón" thì Nguyễn Thiếp lớp tôi luôn đi đầu trong mọi việc. Nếu bạn nào lỡ quên hay trực nhật trễ, Thiếp đều xắn tay trực thay như nhiệm vụ của mình. Những việc nặng của lớp, Thiếp đều xung phong phụ giúp. Chính vì vậy mà hầu như tất cả các bạn trong lớp đều xưng "chàng", "anh" với Thiếp.

    Tôi còn phát hiện ra anh chàng vẫn giữ chất nhà quê giống mình, dù đã học ở thành phố ba năm. Thiếp vẫn có nước da ngăm ngăm vương vấn chất đồng quê, ăn nói hài hước thân thiện. Lâu lâu chàng lại làm điệu bằng mái tóc vuốt keo bóng mượt. Thế nào tụi con trai trong lớp sẽ phun ra đủ lời trêu ghẹo:

    - Bữa nay đi giăng câu ở đâu vậy anh Hai?

    - Tính thả thính em nào hả chàng Hai Lúa?

    - Dân quê lên thành phố coi chừng lạc à nha!

    Những lúc đó, Thiếp không trả lời mà chỉ nhe răng cười. Đúng là giống hệt mấy anh Hai Lúa lần đầu ghé phố, hỏi gì không rõ thì chỉ biết.. cười trừ.

    * * *

    Những ngày đầu tiên, tôi gặp khá nhiều khó khăn với cách học mới. Thầy cô đều giảng bài rất nhanh. Nếu tập trung chép thì không kịp nghe giảng, còn nếu tập trung nghe thì lại chẳng chép được gì. Vài bài kiểm tra đầu tiên vì thế tôi đạt điểm khá thấp.

    Một buổi, tôi đang buồn bã đạp xe về nhà, thì có một giọng nói vang lên sau lưng:

    - Chờ mình với!

    Tôi quay đầu lại thì thấy chàng lớp trưởng đang hì hục đạp theo. Đi ngang qua, Thiếp ném một xấp giấy gì đó vào giỏ xe tôi rồi mỉm cười:

    - Cảm ơn mình sau cũng được.

    Tôi chưa kịp nói gì thì anh chàng đã phóng vù đi mất. Dừng xe, tôi lấy xấp giấy lên xem thì thấy đó là tập hợp các bài tập toán và cách giải, kèm rất nhiều ghi chú kĩ lưỡng. Ở đầu xấp giấy là một tờ ghi chú với dòng chữ nghiêng ngả:

    Tổng hợp bài học hôm nay. Đừng nhìn bài giải vội mà hãy tự giải trước. Xong mang đến cho "thầy" kiểm tra.

    Kí tên: Thầy Thiếp


    Tôi sững người ra một lúc. Hóa ra chàng lớp trưởng biết tôi không ghi kịp đã cẩn thận chép lại giùm bài học, còn chỉ dẫn cách học nữa. Tôi phì cười khi thấy Thiếp tự xưng "thầy" nữa chứ. Tối hôm đó, tôi cặm cụi làm toán. Hôm sau, tôi đưa các bài giải cho Thiếp xem. Chàng ta cười khì:

    - Giỏi! Ngoan! 10 điểm!

    - Sao lại giúp mình vậy? - Tôi đề phòng. - Có ý đồ gì đây?

    Thiếp gãi đầu:

    - Đừng nói vậy chứ. Mình thấy Bảo Trân khó khăn nên giúp đỡ thôi. "Ma cũ" thì phải hỗ trợ "ma mới" chứ.

    Tôi quay đi:

    - Vậy cảm ơn nha.

    - Khoan khoan, thật ra là cũng có.. ý đồ. - Thiếp vội nói. - Nếu Bảo Trân cần thì mình có thể giúp bạn các môn tự nhiên. Bù lại, Bảo Trân.. phụ đạo giúp mình môn văn được không? Mình thấy bạn giỏi văn ghê luôn ấy.

    Tôi đỏ bừng mặt:

    - Mình giỏi gì đâu.

    - Giỏi mà. Mình nghe nhỏ Nhi kể lại. Bảo Trân thích đọc và viết văn từ nhỏ phải không? Ai giỏi văn là mình ngưỡng mộ lắm. Giúp mình đi! Kì này mà mình đội sổ môn văn tiếp là hết học sinh giỏi luôn, ba mẹ đánh chết.

    Thấy.. tội nghiệp chàng lớp trưởng, tôi gật đầu. Thiếp nhảy lên như trẻ con:

    - Vui quá! Sắp sửa thoát kiếp nạn văn chương rồi!

    - Nhưng có cái này nè, phải hứa với mình thì mình mới nhận lời.

    - Cái gì?

    - Cấm xưng là "thầy" nghe chưa?

    Thế là mỗi tuần, tôi và Thiếp đều trao đổi bài học với nhau. Tôi ngoan ngoãn nộp bài tập cho Thiếp và lắng nghe lời chê lẫn khen. Thỉnh thoảng, tôi trả công cho "thầy" bằng trái cây đem từ vườn nhà lên: Những trái ổi chín thơm lừng, bịch cà na đỏ au hay chùm sơ ri mới hái..

    Ngược lại, tôi sẽ ra đề bài, sau đó đọc và nhận xét các bài làm văn của chàng Thiếp. Thật ra, anh chàng tư duy về ý khá tốt, có điều diễn đạt khô như ngói. Bài văn nào cũng chỉ đầy đủ các ý chính, lập luận chặt chẽ còn cảm xúc và chất văn thì bằng số không. Có lần, nghe bài văn của tôi được cô đọc mẫu trên lớp, Thiếp viết vào tờ giấy quăng cho tôi:

    Viết thực đơn hàng ngày của Trân để mình ăn theo cho có chất văn coi.

    Nhờ tôi kèm cặp, chỉ dẫn, khả năng bay bổng của chàng lớp trưởng có cải thiện tí chút. Có điều cái tính tinh nghịch thì chẳng cải thiện chút nào. Mỗi buổi tan trường, hai đứa thường hẹn nhau trước cổng trường để trao đổi bài học. Cái đầu của Thiếp chẳng bao giờ thôi nghĩ ra mấy trò chọc ghẹo. Có hôm, chàng ta trốn vào chỗ nào đó, thích thú nhìn tôi dáo dác tìm. Hôm khác, Thiếp lại nhảy từ phía sau hù tôi muốn thót tim.

    Những lúc đó, tôi bực bội hét lên:

    - Thôi nha! Từ mai không học chung nữa.

    Thế là chàng ta tiu nghỉu như con mèo ướt, bắt đầu tò tò đi theo xin lỗi. Tôi sẽ giả bộ giận chừng năm phút, sau đó sẽ quay lại, nhoẻn miệng cười:

    - Muốn bổn cô nương hết giận thì mua.. trà sữa mời đi!
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  5. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 4. Cặp đôi hoàn hảo

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thời gian thấm thoắt tựa bóng câu. Ngày qua ngày, tuần qua tuần, tôi đã quen với nhịp sống và học nơi phố thị. Mới đó mà đã ba tháng trôi qua.

    Đến dịp kỉ niệm ngày lễ nhà giáo, cô chủ nhiệm quyết định lớp sẽ đăng kí thi tiết mục kịch. Dù là lính mới, tôi được cô và cả lớp giao viết kịch bản cho vở kịch Chí Phèo, chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Tác phẩm quen thuộc nhưng dựng thành kịch để diễn trong hội trường, lại bị giới hạn thời gian, quả là việc không hề dễ chút nào. Nhưng vì mọi người đã tin tưởng nên tôi đành phải cố gắng.

    Mấy ngày suy nghĩ nát óc, tôi vẫn chưa nghĩ ra được góc độ nào mới của tác phẩm để khai thác. Không lẽ dựng lại theo kết cấu của truyện ngắn? Tôi chợt nhớ ai đó đã từng nói "Sự lặp lại là cái chết của nghệ thuật" và không muốn lặp lại chút nào. Nhưng làm như thế nào vẫn là câu hỏi không lời đáp.

    Mãi đến tối ngày thứ ba, tôi mới nghĩ ra cách gỡ bài toán hóc búa của nghệ thuật. Câu hỏi đau đáu của Chí Phèo ở cuối tác phẩm cùng cái nắm tay của Thị Nở như sự níu kéo cánh cửa cuộc đời lương thiện, khiến tôi chợt nảy ra điểm bắt đầu của vở kịch.

    - Sao rồi? Kịch bản có chưa?

    Tụi bạn trong nhóm kịch nhao nhao hỏi khi thấy tôi cầm xấp giấy trên tay. Tôi gật đầu:

    - Xong rồi nè, tụi bây đọc thử coi được không?

    Câu chuyện bắt đầu bằng lời kể của một vị thần tình yêu và quá trình thần kết đôi Chí Phèo và Thị Nở. Cả nhóm chụm đầu vào đọc xong lại cãi nhau một phen. Tất cả đều rất thích câu chuyện, có điều khi phân vai, ai cũng đòi làm thần tình yêu. Dĩ nhiên, chẳng đứa nào muốn đóng vai Thị Nở. Cuối cùng, cô Uyên chủ nhiệm phải gãy lưỡi thuyết phục, cả "dụ dỗ" bằng cách cho điểm cộng mới tìm được người nhận vai, đó là nhỏ Thanh.

    Nhỏ Thanh được coi là "siêu mĩ nhân" của lớp. Sau khi suy nghĩ một hồi, nhỏ quyết định sẽ hi sinh nhan sắc vì nghệ thuật, cả vì.. điểm cộng nữa. Vào vai Chí Phèo là thằng Danh tổ Một. Đúng như cái tên, thằng này thích nổi tiếng nên xung phong đóng nam chính mà không thèm đọc kịch bản. Nó cứ tưởng sắp vào vai hoàng tử, hiệp sĩ, công tử hào hoa nào đó. Ai dè..

    Cả nhóm bắt đầu tập ráo riết, không ngày nào là không cãi nhau về thoại, diễn xuất, trang phục.. Nào là Thị Nở chưa đủ độ dở hơi khiến nhỏ Thanh giận dỗi. Rồi Chí phèo diễn chưa ra được sự lưu manh khiến thằng Danh tự ái tràn trề. Một buổi, Danh hét lên:

    - Tụi mày vô mà đóng đi. Tao nghỉ!

    Thế là đám con gái lại hạ giọng năn nỉ:

    - Thôi mà.. đại ca, xí xóa cho câu lỡ dại. Vì nghệ thuật đi mà!

    Cũng may, thằng Danh dễ giận nhưng cũng dễ tha thứ. Nó xịu mặt xuống nhưng vẫn lấy miếng giấy dán hình rồng, phượng và ông tướng cầm chùy dán lên ngực và hai cánh tay. Còn Thị Nở thì lén chùi bớt vết son trên đôi môi vĩ đại của mình cho.. bớt xấu.

    Rồi ngày Nhà giáo đến, vở kịch được công diễn. Giữa tiếng nhạc, tiếng vỗ tay khích lệ của bạn bè và khán giả, các diễn viên không chuyên như được thăng hoa. Những lời thoại thốt ra từ miệng các diễn viên không chuyên lớp 12A1 như được thổi hồn. Giọt nước mắt của thần tình yêu trước cái chết của "Chí Phèo" Danh cùng nét mặt ngây ngô của "Thị Nở" Thanh bên xác chồng, khiến cả sân trường như lặng đi. Đến khi tiếng nhạc dứt và tiếng vỗ tay rào rào vang lên, tôi mới bừng tỉnh, lau nước mắt. Không ngờ các bạn diễn xuất xuất thần đến như vậy. Từ sân trường, vài tiếng cổ vũ hào hứng phát ra từ đám con trai:

    - Chí Phèo, Thị Nở! Thanh Danh, Thanh Danh!

    Sau buổi diễn, cô Uyên cộng thêm điểm cho hai diễn viên chính. Mấy đứa diễn viên phụ trong vai.. lá chuối làm nền cũng mè nheo xin điểm. Tụi nó chỉ đứng cầm mấy tàu lá chuối rồi khẽ rung rung, không phải nói một lời thoại nào. Cô Uyên phì cười:

    - Lá chuối mà cũng cần cộng điểm làm gì?

    - Dạ, đi chặt chuối cực lắm cô ơi. Tụi con mém bị chó cắn nữa.

    Nhỏ Nghi lè lưỡi:

    - Tụi nó thêm mắm dặm muối đó cô. Nhà thắng Thiếp có nguyên vườn chuối kìa.

    Cả đám bay vào đánh nhỏ Nghi túi bụi vì cái tội "phản" bạn. Cô Uyên xua tay:

    - Được rồi! Đừng đánh bạn nữa! Cô sẽ cộng điểm cho mọi thành viên đoàn kịch, vì có công làm rạng danh lớp mình. Riêng bạn Bảo Trân, cô sẽ ưu tiên cộng thêm một điểm nữa. Kịch bản bạn viết rất xuất sắc, đúng không các em?

    Tất cả diễn viên đều reo lên đồng ý khiến tôi đỏ chín mặt. Bạn có đoán được không? Vở kịch của lớp tôi sau đó đạt giải Nhất cuộc thi văn nghệ trường. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tự hào như thế.
     
  6. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 5. Rau trái quê mình

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau kì văn nghệ là thời gian học hành vất vả, chuẩn bị thi học kỳ. Bận bài vở, tôi ít về nhà hơn. Ngày nào mẹ cũng điện thoại hỏi han hoặc chỉ nói chuyện vu vơ. Mẹ cứ nhắc mãi:

    - Thi xong nhớ về nghe con! Ba mày nhắc suốt đó!

    Tôi mỉm cười, trả lời rằng thi xong mình sẽ về liền. Tôi hiểu tính mẹ hay mắc cỡ, nhớ con không dám nói mà cứ đổ cho ba. Về phần mình, tôi cảm thấy bản thân đang dần thay đổi. Những hũ kem dưỡng da, các bộ quần áo hợp thời trang mà cô Ba mua cho đã giúp tôi lột xác. Thỉnh thoảng, Nhỏ Nghi quay sang nhìn tôi, tặc lưỡi:

    - Nhìn mày kìa! Vịt con sắp trở thành thiên nga rồi.

    Chẳng biết có đúng không nhưng có lần ra chơi, Thiếp nhìn tôi rồi nhe răng đọc vu vơ:

    Hôm qua em đi tỉnh về

    Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều..


    Tôi lập tức xì môi:

    - Ai là hương đồng gió nội của ông?

    Thiếp nháy mắt:

    - Ai biết ai là ai. Mình nói lung tung ấy mà.

    Trong lòng, tôi thấy vui hơn khi nhìn vào gương mỗi buổi sáng.

    Hôm sau là thứ Bảy, lớp trưởng Thiếp dẫn tôi đi chơi lòng vòng khắp thành phố. Từ thư viện, bảo tàng, nhà thờ cho đến siêu thị, các cửa hàng ăn uống.. Lần đầu tiên tôi được đi nhiều như vậy, được ăn thịt nướng theo kiểu Hàn Quốc, thích thú thưởng thức ly kem tự chọn, uống ly trà sữa thơm lừng.. Những thứ mà hồi còn ở quê, tôi chẳng dám mơ đến.

    Đang ăn ngon, Thiếp bỗng thở dài:

    - Lên đây rồi thấy thương quê mình ghê!

    Tôi gật đầu:

    - Mình cũng thấy vậy. Mỗi lần về nhà, mình lại có cảm giác như trở lại phố huyện tiêu điều trong truyện Thạch Lam vậy đó. Không gian nhỏ bé nửa phố nửa quê, rồi ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương, khu vườn trồng đầy hoa trái cùng hương hoa Ngọc Lan..

    Thiếp chịu khó ngồi nghe tôi luyên thuyên đủ thứ. Kể cả chuyện những buổi chiều ngồi một mình, tôi nghe nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ dâng lên thật đầy. Mắt tôi rớm lệ nghe mẹ kể ba suýt khóc khi nhìn đôi đũa và cái chén dư mà mẹ vẫn dọn trong bữa cơm theo thói quen. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy quyết định của ba mẹ và cô Ba đã thay đổi cuộc đời mình.

    Tôi bắt đầu yêu cái nhịp sống hối hả của người thành phố, yêu những căn nhà cao tầng như các lâu đài trong truyện cổ tích. Tôi vẫn thường áo ước giá mà ba mẹ không phải giữ phủ thờ, lên thành phố sống như cô Ba thì hay biết bao.

    Cô và dượng Ba chỉ ít hơn ba mẹ vài tuổi nhưng lối sống khác hẳn. Ba mẹ thích nghe cải lương, thích nhạc Bolero, đi sinh hoạt trong nhóm đờn ca tài tử, còn cô và dượng thì đi khiêu vũ, xem phim, nghe ca nhạc. Mỗi khi tới thăm, mẹ mang theo những bịch rau cải, rau muống, trái cây trồng trong vườn.. vốn đầy nhan nhản trong các siêu thị. Nhưng thật lạ, cô Ba vẫn trân quí những thứ rau trái ấy lạ lùng.

    Thỉnh thoảng, thấy tôi ngạc nhiên, cô mỉm cười giải thích:

    - Rau trái này là công sức và tình yêu thương của ba mẹ con, nên cô quí lắm. Hơn nữa rau trái quê mình không có phun thuốc sâu, nhúng hóa chất như ở thành phố. Người quê mình lúc nào cũng thật thà.

    Sân thượng được cô Ba dành để trồng rau, còn "lão nông" dĩ nhiên là dượng Ba. Sau giờ làm, dượng lại hào hứng về nhà, leo lên chăm sóc vườn rau. Dượng trồng từ rau xà lách, rau cải, rau thơm, ớt.. đủ loại. Tôi thắc mắc:

    - Dượng làm vườn có mệt không dượng?

    Dượng cười hiền:

    - Mệt gì đâu. Làm vườn là trò giải trí của dượng mà.

    Dượng thường gọi các loại rau trong vườn là "đàn con thân yêu" và chăm sóc chúng bằng tất cả sự quan tâm. Khi có thời gian, cô Ba lên giúp dượng nhổ cỏ, ngắm từng cây trái lớn lên mỗi ngày. Cả hai người luôn tự hào về vườn rau của gia đình.

    Tôi thì khá thích trồng trọt, nhưng không ưa rau cỏ gì cho lắm. Tụi con gái đến tuổi lớn thì chỉ thích ăn đồ ngọt, đồ béo. Hồi còn ở nhà, mẹ lúc nào cũng căn dặn "phải ăn rau" đến mức làm tôi nhức đầu. Nào là phải ăn đu đủ, bí đỏ để tăng cường vitamin A, ăn cải xanh, súp lơ để tăng cường trí nhớ.. Nhiều lúc tôi bực mình vì những bài giảng của mẹ, khổ sở vì bữa nào mẹ cũng gắp cho tôi đầy rau.

    Ở nhà cô Ba, tôi sung sướng vì được ăn uống theo sở thích, không bị ép buộc. Bữa ăn của tôi chỉ toàn cá và thịt. Chưa bao giờ tôi thấy câu tục ngữ "Cơm không rau như đau không thuốc" là đúng cả. Đây là thời gian tôi cảm thấy sung sướng trong chuyện ăn uống nhất.

    Một lần chị Ba, con gái lớn của cô Ba học năm Nhất đại học ở Sài Gòn về thăm nhà. Từ sáng sớm, cô Ba đã đi chợ mua những món ăn mà chị thích. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô toàn mua rau và cá. Thấy tôi thắc mắc, cô giải thích:

    - Ngày xưa, chị con cũng không chịu ăn rau như con vậy. Lên đại học, không có rau tươi ăn, nó mới thấy thèm mấy món rau cá ở nhà. Lần nào về, nó cũng đòi ăn rau cả ba bữa..
     
    Dương2301 thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng bảy 2022
  7. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 6. Một lần hú tim

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Kì thi học kì đã đến gần. Những môn như Công nghệ, Kĩ thuật, Sinh học.. khiến chúng tôi chán ngán. Nhỏ Nghi ngồi thừ người, tay cầm bút chì quơ quơ trên không trung:

    - Tao không hiểu vì sao cái môn Công nghệ này lại được đưa vào chương trình nữa. Bộ người ta sợ tụi mình sau này lái xe hơi không biết cấu tạo của máy móc chắc. Ba cái động cơ đốt trong với đốt ngoài này làm tao muốn.. đốt sách luôn cho rồi. Nhức đầu quá!

    Tôi nhíu mày:

    - Mà bọn mình học bán sống bán chết vì cái gì nhỉ? Học ở lớp, học ở nhà lại còn học thêm. Chẳng biết sau này học xong có nhớ chút gì không, chứ đừng nói sử dụng.

    - Nếu mà mấy môn Thể dục, Công nghệ.. mà có dạy thêm, dám mẹ tao cũng bắt đi học nữa.

    Nhỏ Nghi gầm lên bất bình như con hổ bị nhốt trong sở thú của Thế Lữ vậy. Người nó gầy ốm tong teo như con mắm, thầy cô nhìn vào thường ngậm ngùi thương cảm: "Chắc con bé học hành dữ lắm". Thật ra nó chỉ dành một nửa sức để học thôi, nửa sức còn lại nó trút vào việc ca hát.

    Phải nói là nhỏ Nghi có chất giọng trời phú. Mỗi khi tiếng hát của nó cất lên, ai đi ngang qua cũng phải dừng lại lắng nghe. Nghĩ hát bằng sự đam mê, bằng khát khao cháy bỏng như con chim phải cất lên tiếng hót lảnh lót dâng tặng cho đời. Tự nhiên nhìn nó hát, tôi lại nhớ tới tác phẩm Tiếng chim hót trong bụi mận gai của nữ văn sĩ người Úc Colleen McCullough.

    Bây giờ đôi mắt long lanh của nhỏ Nghi chỉ có sự mệt mỏi. Mai đã thi rồi mà bài nào bài nấy dài sọc như sớ Táo quân. Khi học không nổi nữa, Nghi thường bói đề bằng cách ghi tên các bài học vào những mảnh giấy nhỏ rồi tung lên không trung. Sau khi đã thành kính khấn vái.. ông tổ ra đề, nó thường bắt nhỏ Trang bốc thăm với lời hăm dọa:

    - Phải thành tâm khi bốc nghe chưa. Mày chọn bài sai thì ngày mai nhà mày sẽ sáng nhất trong đêm.

    Làm vậy nhưng chưa bao giờ nhỏ Nhi tin tưởng vào vận may của Trang cả. Lúc nào nó cũng có kế hoạch B, kế hoạch C.. cho đến kế hoạch Z.

    * * *

    Ngày thi đến, cả lớp có mặt đúng giờ, mặt đứa nào đứa nấy căng thẳng thấy rõ. Thầy phát đề theo mã số. Những cánh tay học trò đỡ lấy tấm giấy ra đề cứ như đỡ cục tạ. Chỉ riêng có bốn đứa con gái nhóm tôi vẫn dửng dưng, vì đã có chuẩn bị chiến lược, chiến thuật hết cả.

    Nhỏ Nghi là đứa nghĩ ra. Trước ngày thi, nó kêu tôi, nhỏ Trang và nhỏ Mỹ đến "họp" bàn tròn. Nghi đằng hắng rồi nói:

    - Đây là chiến thuật thi cử kiểu mới do tao sáng tạo, gọi là "Thiên lí nhãn". Những câu trắc nghiệm thì tụi mình dùng ám hiệu, đứa nào biết chắc thì sử dụng. Tao có ghi chú trong giấy đây: Gãi đầu là khoanh đáp án A, gãi tay là đáp B.. Những câu tự luận thì chia bài để học, rồi trao đổi giấy nháp.

    Tôi thắc mắc:

    - Sao không tự làm hả mày? Gian lận rủi thầy cô phát hiện, đi đời cả đám!

    - Mày nhát quá! Tụi mình học thì cứ học, nhưng lỡ đề ra bài không thuộc thì sao? Phải có dự phòng chứ.

    Tất cả đều gật đầu đồng ý với nhỏ Nhi. Đúng như nó dự liệu, đề thi bao giờ cũng có một hoặc vài câu nằm lạc ra khỏi sự chuẩn bị của tôi. May mà có "hội chị em" trợ giúp, môn thi đầu tiên trôi qua suôn sẻ. Đến môn thứ hai, ê kíp đang hoạt động ngon trớn bỗng bị tê liệt. Câu luôn rơi vào nhiệm vụ của nhỏ Mỹ mà bỗng dưng nó xin ra ngoài đột xuất. Nhìn nó tay cầm bịch khăn giấy, chân chạy hối hả là tụi tôi biết đi đầu rồi. Nhỏ này thân hạt tiêu nhưng sức ăn thì như đại bác, chắc hôm qua lại chiến đấu đến cùng với món bánh tráng trộn.

    Điều tai hại là thời gian làm bài không còn nhiều, mà nhỏ Mỹ mãi chưa chịu vào. Cuối cùng, nhỏ Nghỉ nháy mắt và tôi đọc được thông điệp của nó: Tuốt vũ khí ra mà chiến đấu thôi. Thế là tất cả vắt óc để vớt vát chút kiến thức ít ỏi sót lại, điền vào tờ giấy trắng.

    Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi đạt điểm trung bình cho một môn thi. Từ đó về sau, tôi nhất quyết đứng ngoài mấy cái kế hoạch của nhỏ Nghi. Kiến thức mà chỉ đi vay mượn thì có bao giờ là vững chắc đâu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng bảy 2022
  8. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 7. Nước mắt hối hận

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ở thành phố mới mấy tháng mà dường như tôi đã gột bớt chất phèn. Tôi bắt đầu thấy yêu nhịp sống hối hả của người thành phố. Tôi yêu những căn nhà cao tầng với lối kiến trúc hiện đại như biệt thự trong chuyện cổ tích. Cuộc sống phải hiện đại với chất lượng sống như thế mới là đáng sống.

    Những chuyến đi chơi ngày một nhiều hơn, lúc thì tôi đi với Thiếp, lúc thì với Nghi hay nhóm bạn trong lớp. Chúng tôi la cà hết quán này đến quán khác, khi thì ăn uống, khi thì nghe nhạc, có hôm đến tận khuya mới về. Cô Ba hỏi thì tôi nói là đi học thêm về trễ.

    Khi đã quen với nhịp học mới, tôi bắt đầu tự tin hơn. Đôi lần không cần học bài chăm chỉ, tôi vẫn được điểm số tốt. Tôi nghĩ rằng với tư chất của mình, có ham chơi một chút cũng không sao. Tôi đã quên mất câu chuyện ngụ ngôn Rùa và thỏ mà đứa học trò nào cũng thuộc lòng. Tôi chỉ tỉnh ra bởi một sự kiện quan trọng.

    Hôm đó, lớp trưởng Thiếp chạy từ văn phòng về, vừa thở hổn hển vừa huơ huơ tờ giấy cầm trong tay:

    - Tin động trời đây! Tin nóng hổi vừa thổi vừa nghe đây!

    Cả lớp bỗng im lặng vì biết rằng chàng ta đang nắm trong tay kết quả kì thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Tim tôi bỗng dưng thắt lại.

    Thiếp quả là đứa biết làm cho người ta hồi hộp. Chàng hắng giọng như MC quốc tế chuẩn bị công bố Hoa hậu Hoàn vũ:

    - À hèm! Trước khi đọc danh sách thì mình xin chúc mừng các bạn đậu vào đội tuyển và cũng xin chia buồn với những bạn không may mắn. Ai đậu rồi thì phải cố gắng vì màu cờ sắc áo, í quên, vì danh dự của lớp, của trường, của tỉnh mình nha..

    Cả lớp nhao nhao:

    - Nhanh lên giùm ông nội ơi!

    Tôi lặng đi khi danh sách đội tuyển Văn của tỉnh không có tên mình. Nỗi buồn từ đâu vây kín tâm hồn, tôi thất thểu bước ra khỏi lớp như con chim bị trúng mũi tên.

    Ngồi một mình ở khu tự học, tôi thấy mình như ông lão Santiago đang đứng nhìn con cá kiếm bị bầy cá mập tấn công trong Ông già và biển cả của Ernest Hemingway. Trong đầu tôi rên rỉ câu hỏi "Vì sao mình thất bại?" Tôi tự trả lời là do mình quá tự mãn. Tôi đã tự hào biết bao về vốn văn học của mình, kiêu hãnh khi được thầy cô khen ngợi về kiến thức rộng và cảm nhận văn học tinh tế. Tôi từng hãnh diện khoe về tủ sách gia đình với đủ sách Đông Tây Kim Cổ có từ thời ông ngoại, mà tôi đọc ngấu nghiến từ ngày bé thơ.

    Khi học bồi dưỡng, tôi đã nghĩ rằng chuyện mình đậu là đương nhiên. Do đó, tôi đã chểnh mảng việc học hành, trau dồi kiến thức, mà mải mê vào các cuộc đi chơi, thăm thú thành phố. Cả đội tuyển chỉ có mình nhỏ Ly là đậu. Cô bạn cũng ở huyện như tôi, nhà rất nghèo. Những cuốn sách đối với Ly là thứ xa xỉ. Những buổi tối tôi cùng nhóm bạn rong chơi thì Ly lên thư viện đọc sách. Tụi tôi rủ nhiều lần nhưng Ly từ chối. Thời gian rảnh nó tập viết văn, bài chưa đạt, nó hì hục làm lại rồi đưa cho thầy cô nhận xét. Trong lúc tôi nghĩ còn lâu lắm Ly mới theo kịp mình thì nhỏ đã vượt lên.

    Hai tay bưng mặt, tôi thật sự không dám nghĩ đến lúc vào lớp gặp lại cô Uyên chủ nhiệm.

    - Đừng buồn nữa con..

    Tôi giật mình ngẩng mặt lên thì thấy cô Uyên đã đến bên từ bao giờ. Tôi chưa kịp tránh thì cô đã tìm đến mình. Tôi lắp bắp:

    - Thưa cô, con.. con..

    Tôi càng xấu hổ khi nhớ lại bao lần cô căn dặn tôi phải cố gắng trong từng bài viết, tỉ mỉ trong từng câu chữ, thế mà tôi không nghe.

    - Đừng buồn nữa con, làm gì có ai chiến thắng mà không có lần thất bại. Điều quan trọng là sau đó mình phải suy ngẫm về nguyên nhân và biết đứng lên. Hoàng đế Pháp Napoleon từng nói "Chiến thắng luôn chờ đón những ai không chịu bỏ cuộc". Con còn nhiều cơ hội, hãy xem vấp váp lần này là bài học nhé.

    Cô vuốt tóc tôi rồi để cho tôi khóc như trút hết nỗi phiền muộn. Sau đó, tôi lau nước mắt và hứa với cô từ nay sẽ học hành nghiêm túc.
     
  9. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 8. Chuyện học nhóm

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhóm chúng tôi gồm sáu đứa con gái thường tụ tập để học nhóm. Nhà của nhỏ Mỹ Bông Gòn là nơi tụ tập lí tưởng nhất. Gọi là "bông gòn" vì nhỏ Mỹ có nước da trắng hồng, mũm mĩm như gối ôm lót bông gòn vậy. Nhỏ Trang ngồi kế bên cứ ôm nó nựng nịu suốt, đến mức Mỹ phải kêu lên:

    - Ôm gì ôm hoài vậy mày?

    Nhỏ Trang tỉnh queo:

    - Vì mày dễ thương. Hì hì!

    Nhà Mỹ là tiệm cháo gia truyền nổi tiếng bậc nhất thành phố, từ đời ông cố nội truyền lại. Ông cố nó là người Hoa nên Mỹ còn có tên là Mỹ Bông. Ba nó được truyền nghề, về sau tay nghệ còn giỏi hơn ông cố, khách đến tiệm cứ đông nườm nượp. Hồi mới tới nhà nó, tôi cứ tưởng có tai nạn giao thông xảy ra, vì khách đứng chờ mua nghẹt cả một khúc đường. Nhân viên thì chạy ra chạy vô, mồ hôi như tắm, còn một người đàn ông to lớn đứng trong quầy nấu, miệng tươi cười niềm nở với khách hàng. Nhỏ Mỹ thường nói rằng đó là hình ảnh đẹp nhất của ba nó.

    Bọn tôi có luật bất thành văn: Đi học nhóm mà không thuộc bài hoặc đi trễ là phải đóng tiền phạt. Mỗi vi phạm là hai ngàn đồng. Tiền phạt lập quĩ chung để có dịp rủ nhau đi ăn. Sau này, vì tinh thần ăn uống bất diệt nên cả đám nghĩ thêm đủ thứ lỗi phạt, như nói bậy, nói lớn tiếng, đi đứng mạnh chân ồn ào.. Nhiều khi cả đám cãi nhau ỏm tỏi vì đứa nào cũng cố bắt lỗi đứa khác để.. thu tiền.

    Hôm ấy, cả nhóm trả bài Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Nhỏ Mỹ Bông Gòn không học kịp nên đã chuẩn bị sẵn hai ngàn dưới túi đựng bút với vẻ mặt đau khổ. Thế mà quay qua quay lại thế nào, hai ngàn đã không cánh mà bay.

    Nhỏ Mỹ lật tìm các cuốn tập, sách giáo khoa đều không thấy. Nó mở bóp của Trang thì thấy hai ngàn của nó đã "đi bộ" sang đó từ bao giờ.

    Mỹ hơn hở giựt lại nhưng nhỏ Trang nhất quyết không chịu:

    - Mày có nhớ được số sê-ri tiền của mày không? Có chữ hoặc kí hiệu nào cho thấy đây là tiền của mày không? Nếu không thì đó là tiền của tao.

    Trời ạ, có hai ngàn đồng mà nó bắt nhỏ Mĩ đọc số sê-ri. Cả bọn ôm bụng cười nghiêng ngả trước vẻ mặt ngây ra của Mỹ Bông Gòn. Cuối cùng, nhỏ Trang cười nham hiểm:

    - Nếu mày muốn lấy lại hai ngàn thì đi xuống nhà coi có cháo không, đem lên đây cho bọn tao thưởng thức.

    Bữa đó, cả nhóm được ăn một chầu cháo ngon lành.
     
  10. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Chương 9. Nơi nương tựa của mỗi người

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong lớp tôi, nhỏ Vân được coi là hiền nhất. Nó ít nói, ít cười, ít giao tiếp với bạn bè, làm "hàng hiếm" giữa tập thể lớp sôi động. Mắt nó lúc nào cũng như chứa đựng nỗi buồn thăm thẳm.

    Vài lần tôi đem điều thắc mắc ấy hỏi nhỏ Nghi nhưng bị gạt đi:

    - Tính nó vậy thôi mà. Hai năm qua nó vẫn vậy và vẫn học tốt. Có sao đâu.

    Nhỏ Nghi là thế. Nếu vẫn đi học đều, bài kiểm tra vẫn làm được thì như vậy là ổn. Nhưng tôi vẫn cảm thấy có điều gì không ổn ở cô bạn Vân này.

    - Sao tao thấy nhỏ Vân cứ buồn buồn thế nào ấy?

    - Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Mày không nghe câu này trong mấy bộ phim Hồng Kông à.

    Tôi không thể tranh luận nổi với cái miệng lanh chanh của nhỏ Nghi nên đành im lặng.

    Giờ ra chơi, nhỏ Vân cũng ít khi ra khỏi lớp, mà ngồi lại cắm cúi giải toán. Tôi có cảm giác như với nó, thế giới xung quanh không hề tồn tại.

    Thế rồi đến một hôm, nhỏ Vân nghỉ học vì bị bệnh. Hôm sau nữa nó vẫn nghỉ. Bọn tôi bàn kế hoạch đến thăm Vân nhưng cứ đụng giờ học hoài. Cuối cùng, cả lớp quyết định cử tôi thay mặt lớp đi thăm Vân với lí do hết sức chính đáng: Nhà tôi ở gần nhà Vân.

    Sau buổi học, mặc cho bao tử réo gọi, tôi đạp xe đến thăm Vân. Buổi trưa, nhà nó đóng cửa im ỉm. Sau một hồi gọi cửa, Vân mới ló đầu ra và mở cửa cho tôi vào. Tôi bất chợt đưa tay rờ trán nó, thốt lên:

    - Bạn không nóng sốt mà sao coi xuống sắc dữ vậy?

    - Ừ, mình chỉ thấy mệt sơ sơ, tính mai đi học rồi.

    - Vân ăn uống gì chưa?

    Cô bạn lắc đầu. Tôi lò dò đi xuống bếp và cảm thấy hình như căn bếp này không được sử dụng thường xuyên, tủ chén trống không còn tủ lạnh chỉ có vài chai nước lọc. Khung hình gia đình gồm ba mẹ và Vân treo lủng lẳng trên tường như sắp rớt. Nó đã bị vỡ kính mà hình như chẳng ai thèm thay. Căn nhà giống như từ lâu đã thiếu vắng bàn tay chăm sóc.

    Không có gì để nấu nướng, tôi chạy vội ra tiệm mua hai tô cháo thịt. Nhỏ Vân ban đầu không muốn ăn nhưng tôi nài nỉ và cả hăm dọa, nó mới miễn cưỡng bỏ vào miệng vài thìa. Vừa ăn, tôi vừa gợi chuyện:

    - Ba mẹ Vân đi làm hết rồi hả?

    - Ừ.

    - Sao mẹ bạn không nấu cháo cho bạn? Bị bệnh không nên ăn cơm hộp đâu. Có khi khó tiêu lại trúng thực nữa đó.

    - Ừ, mình biết rồi.

    Đáp lại những câu hỏi của tôi chỉ là những câu trả lời nhát gừng của Vân. Tôi hiểu rằng gia đình nó không yên ổn. Tôi ra về sau khi gom tập vở của nó lại để chia cho bạn bè chép giùm.

    Hôm sau, Vân vẫn không đi học. Dù không còn bị phân công, buổi trưa tôi vẫn ghé nhà Vân. Cô bạn đón tôi với cặp mắt sưng húp. Căn nhà vẫn chỉ có mình Vân và bếp núc nguội lạnh không khác gì hôm qua. Mấy hộp cơm vẫn còn lăn lóc trên bàn. Dường như nhỏ không nhúc nhích tay chân dọn dẹp gì cả. Vân cứ ngồi thẫn thờ và đôi mắt buồn của nó càng thêm thăm thẳm.

    Tôi vừa nấu cháo vừa lựa lời an ủi bạn:

    - Có chuyện gì buồn thì cũng phải lo cho sức khỏe của mình chứ Vân. Sắp thi cử tới nơi rồi. Ba mẹ bạn mà thấy như vậy thì buồn lắm.

    - Buồn cái gì đâu. Họ chỉ lo cho hạnh phúc riêng, chứ quan tâm gì đến mình đâu.

    Tôi ngồi im chờ cơn xúc động của bạn lắng xuống. Mẹ tôi từng nói là chỉ cần nhìn ngôi nhà là biết gia đình có hạnh phúc hay không. Giờ tôi mới thấy mẹ nói đúng.

    - Có chuyện gì vậy Vân? - Tôi nói với giọng lo lắng. - Kể mình nghe được không?

    Vân suy nghĩ một lúc rồi nói:

    - Bạn đã nghe chuyện cua đực và của cái chưa?

    Tôi lắc đầu. Nhỏ chợt lau nước mắt rồi kể:

    - Trân có biết cua đến tuổi thì phải lột xác mới sống được không? Lúc thay vỏ là lúc con cua yếu đuối nhất, rất cần sự che chở của bạn đời. Lúc cua cái thay vỏ thì cua đực vừa tha mồi cho nó ăn vừa canh gác kẻ thù. Nhưng đến lúc con cua đực thay vỏ thì con cua cái đã dẫn cua đực khác về xé xác chồng mình.

    Nhỏ Vân chỉ nói như thế rồi im lặng, nhưng tôi hiểu được nỗi niềm của nó. Sau này thân hơn, tôi mới biết gia cảnh của nó. Ba nó làm ăn thua lỗ bỏ nhà đi từ lâu. Mẹ nó thì chán nản cũng thường xuyên vắng nhà công tác. Nhưng qua các cuộc điện thoại gọi về, những câu nói, những tiếng động lạ.. Vân đoán rằng mẹ nó có người mới.

    Thế nhưng ngoài lời an ủi, tôi cũng chẳng biết phải làm gì khác. Trở lại lớp học, Văn lại càng khép kín hơn. Giờ ra chơi, nó kéo tôi ra một góc khuất, thì thầm:

    - Chuyện hôm qua.. Trân đừng nói ai biết nha. Mình xin đó..

    Từ hôm đó, tôi có cảm giác như bị mắc kẹt giữa hai tảng đá. Một mặt, tôi muốn kể chuyện nhỏ Vân cho mấy đứa bạn nghe để cùng động viên nó. Mặt khác, tôi lại sợ Vân giận mình vì không giữ lời hứa, khiến nó xấu hổ.

    Mọi thứ thay đổi vào một buổi nọ, khi tôi nhìn thấy vài vết xước trên cánh tay nhỏ Vân. Những vết với đủ hình dáng, thẳng tắp như được kẻ và ửng đỏ. Tôi liền lao đến hỏi:

    - Tay Vân bị sao vậy?

    Nó lúng túng che cánh tay:

    - Sao gì cơ? À, mình bị.. mèo cào.

    - Vân đừng nói dối, làm gì có con mèo nào biết cào hình chữ thập thế kia.

    - Ừm.. không phải mèo cào.. Hình như nỗi đau thể xác làm mình bớt nghĩ đến những chuyện khác.

    Nỗi lo sợ về tính mạng của cô bạn khiến tôi trằn trọc mất ngủ. Cuối cùng, tôi kể chuyện cho cô Ba nghe. Theo lời khuyên của cô, tôi đến gặp cô Uyên chủ nhiệm và kể cho cô về cuộc sống hiện tại của Vân. Cô chăm chú lắng nghe và bảo:

    - Cô hiểu rồi. Chuyện này nghiêm trọng chứ không đùa được. Cô trò mình phải tìm cách giải quyết.

    Theo lời cô Uyên, tôi về xin cô Ba cho phép được chuyển đến ở với nhỏ Vân một thời gian. Nhà nó chỉ cách nhà cô Ba mấy căn. Ban đầu Vân phản đối quyết liệt, nhưng khi tôi nói đây là "lệnh của cô chủ nhiệm" thì Vân đành chịu. Thế là tôi trở thành "bảo mẫu" của Vân, dọn dẹp nhà cửa, kèm nó học hành và còn trổ tài nấu ăn nữa. Tiếc là tài năng có hạn, món tôi nấu hôm thì khét, hôm thì mặn khiến Vân nhăn mặt và bật cười. Những nụ cười hiếm hoi nhưng khiến tôi bắt đầu thở phào nhẹ nhõm. Rồi nhỏ Nghi cũng thường xuyên đến nhà Vân chơi. Những tiếng cười vang lên xua đi nét buồn trên gương mặt Vân.

    Thế rồi một hôm, mẹ Vân trở về nhà.

    Chẳng biết cô Uyên thuyết phục như thế nào mà mẹ nó trở về luôn. Có mẹ nấu nướng, những món ăn không còn cảnh trên sống dưới khê như tôi nấu. Nụ cười đã dần trở lại với nhỏ Vân. Tôi chợt nhận ra hạnh phúc của gia đình tưởng như giản dị nhưng quí giá biết nhường nào. Đó là nơi nương tựa cho tâm hồn mỗi người. Mất đi điểm tựa, người ta sẽ chông chênh, gục ngã.
     
    nntc6761 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...