Tư tưởng nữ quyền của nữ văn hào anh virginia woolf

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Giải Ưu, 2 Tháng mười 2020.

  1. Giải Ưu

    Bài viết:
    26
    \TƯ TƯỞNG NỮ QUYỀN CỦA NỮ VĂN HÀO ANH VIRGINIA WOOLF

    (Khảo sát tiểu thuyết "Tới ngọn hải đăng")

    A. Tóm tắt bài làm:

    Bài tiểu luận gồm có hai phần lớn. Phần một là tìm hiểu lý thuyết về nữ quyền: Khái niệm, các quan niệm về nữ quyền, những ý kiến về vấn đề nữ quyền trong văn học; khái quát vấn đề nữ quyền trong tác phẩm "Tới ngọn hải đăng". Phần hai, tìm hiểu sâu hơn về vấn đề nữ quyền trong tiểu thuyết, qua đó nêu lên tư tưởng nữ quyền của nhà văn Virginia Woolf. Đầu tiên thông qua hai nhân vật nữ đối lập rõ nét nhất là bà Ramsay – người với "tính nữ" đặc thù và họa sĩ Lily Briscoe – hình tượng lưỡng tính là cách giải quyết tối ưu cho vấn đề nữ quyền để thấy được ý đồ mở đường cho cuộc sống mới của tác giả. Tiếp theo là thông qua các nhân vật nam mang tư tưởng phong kiến và cách nhìn nhận khác nhau của những người phụ nữ trong tác phẩm về họ mà mở rộng hơn con đường tiến tới nữ quyền của tất cả phụ nữ đang phải gánh chịu sự đè nén của chế độ xã hội phụ hệ, cổ vũ họ đấu tranh để đạt được quyền lợi thích đáng của mình.

    B. Nội dung bài tiểu luận

    I. Nữ quyền và khái quát về nữ quyền trong "Tới ngọn hải đăng" của Virginia Woolf

    I. 1 Thế nào là nữ quyền và chủ nghĩa nữ quyền


    Về nữ quyền có rất nhiều các ý kiến khác nhau, không có bất kì quan điểm nào áp dụng hợp lí cho phụ nữ ở mọi thời đại.

    Theo Kamla Bhasin 2003: Nữ quyền là sự nhận thức về sự thống trị gia trưởng, sự bóc lột và áp bức ở các cấp độ vật chất và tư tưởng đối với lao động, sự sinh sản và tình dục của phụ nữ trong gia đình, ở nơi làm việc và trong xã hội nói chung, là hành động có ý thức của phụ nữ và nam giới làm thay đổi tình trạng đó. [1/1]

    Theo Hoàng Bá Thịnh, 2008: Nữ quyền là quyền của phụ nữ và hiểu một cách đầy đủ thì đó là đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Với niềm tin dựa trên nguyên tắc cho rằng phụ nữ phải có các quyền và cơ may trong cuộc sống như nam giới về chính trị, kinh tế, luật pháp.. [1/1]

    Theo Wikipedia, Chủ nghĩa nữ giới hay chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa duy nữ là một tập hợp của các phong trào và ý thức hệ nhằm mục đích xác định, xây dựng và bảo vệ quyền lợi chính trị , kinh tế , văn hóa xã hội bình đẳng cho phụ nữ . Điều này bao gồm tìm cách thiết lập cơ hội bình đẳng cho phụ nữ trong giáo dục việc làm . Người theo chủ nghĩa nữ giới là người vận động hoặc ủng hộ các quyền và bình đẳng của phụ nữ

    Như vậy Nữ Quyền và chủ nghĩa nữ quyền là sự vượt lên, thay đổi, đòi lại sự công bằng, bình đẳng của xã hội dành cho người phụ nữ so với nam giới trên tất cả mọi mặt của cuộc sống. Đấu tranh cho nữ quyền là đấu tranh cho sự cân bằng của cán cân công lí xã hội, tạo nên sự bền vững cho sự phát triển đồng đều và bền vững.

    Phê bình nữ quyền được phổ biến rộng rãi trong những năm 1960 và 1970, ngoài việc cổ vũ cho phong trào đấu tranh nữ quyền của phụ nữ phương Tây lúc bấy giờ bằng việc lý thuyết hóa chúng, đồng thời thì phê bình nữ quyền cũng mở ra một bước tiến mới, con đường mới qua cách viết và tư duy táo bạo của các nhà văn như: Virginia Woolf và Simone de Beauvoir.

    Năm 1968, trong cuốn Sex and Gender: On the Development of Masculinity and Femininity, Robert Stoller phân biệt hai khái niệm giống (sex) và giới tính (gender) : trong khi giống gắn liền với đặc điểm sinh lý, giới tính là yếu tố do văn hóa quy định, gồm toàn bộ những phản hồi được điều kiện hóa đối với cách nhìn của xã hội về tính cách của nam và nữ. Nó là một trong những nền tảng tư tưởng của lý thuyết nữ quyền: trong khi những khác biệt về sinh lý là những điều không thể tránh khỏi, họ tập trung vào những sự bất bình đẳng xuất phát từ văn hóa, gắn liền với những phạm trù giới tính như "nam tính" (masculinity) và "nữ tính" (femininity).

    Ở lĩnh vực văn học, Annis Pratt cho rằng mục tiêu mà phê bình nữ quyền hướng đến là: một, cố gắng phát hiện và tái phát hiện các tác phẩm văn học của phụ nữ; hai, phân tích và đánh giá các khía cạnh hình thức văn bản của các tác phẩm ấy; ba, tìm hiểu xem những tác phẩm ấy đã phản ánh quan hệ nam nữ ra sao; và bốn, mô tả những sự phát triển của các yếu tố liên quan đến huyền thoại và tâm lý liên quan đến người phụ nữ trong văn học. Tuy nhiên, đây không phải là ý kiến duy nhất, bên cạnh đó cũng có các tranh luận trái chiều, ví như Lillian S. Robinson đã đưa ra lý luận là bốn mục tiêu trên dựa trên khuôn khổ của việc phê bình nam quyền, cho nên các nhà phê bình nữ quyền luận phải tránh xa những cách tiếp cận đấy.

    Trên thực tế, việc vượt thoát tạo nên dấu ấn trên nền tảng lý thuyết phụ quyền đã in dấu sâu vào nền văn học không phải là một điều dễ dàng. Đa phần các nhà phê bình nữ quyền đều phát kiến dựa trên phân tâm học, cấu trúc luận hoặc Maxit.

    I. 2. Virginia Woolf và nữ quyền trong "Tới ngọn hải đăng"

    Virginia Woolf là con gái của nhà biên tập và phê bình Leslie Stephen và Julia Prinsep Stephen (nhũ danh Jackson), một phụ nữ đẹp nổi tiếng từng là người mẫu cho các họa sĩ theo trào lưu Tiền-Raphael, từ nhỏ bà đã được sống trong một môi trường tràn ngập không khí văn chương ở người cha và những người bạn văn nghệ sĩ của ông đã hun đúc trong bà tiềm năng văn chương mãnh liệt. Thuở nhỏ, có một thời gian Virginia được sống ở thị trấn St. Ives thuộc hạt Cornwall, nơi gia đình bà dùng để nghỉ hè cho tới năm 1895. Bà xem đây là khoảng thời gian đẹp đẽ, hạnh phúc nhất của cuộc đời mình, cho đến tận sau này kí ức về phong cảnh, sự bình yên và đặc biệt là ngọn hải đăng Godvry vẫn còn in hằn trong tâm trí bà, trở thành tư liệu quý giá cho tác phẩm "Tới ngọn hải đăng" (To the Lighthouse )

    Virginia Woolf là một người đấu tranh cho chủ nghĩa nữ quyền, các tác phẩm của bà như sự minh chứng cho những nghiên cứu về vấn đề nữ quyền. Đặc biệt là "Tới ngọn hải đăng" thì dường như đã được thể hiện một cách rành mạch, trong tác phẩm, nhân vật nữ họa sĩ Lily Briscoe là một hình tượng được tác giả xây dựng lên nhằm tạo nên sự tương phản với những người phụ nữ vốn dĩ đã nằm trong khuôn khổ như bà Ramsay, thức tỉnh ý thức về sự bình đẳng giới của chính mình.

    Virginia Woolf nhận thức được cuộc sống hiện đại sẽ tàn phá người phụ nữ không hề nhân nhượng, xã hội phát triển tuy nhiên tư tưởng của con người vẫn dậm chân tại chỗ sẽ rất khó tạo nên sự cách tân, cải thiện. Từ nhỏ bà đã sống trong sự kìm hãm, khuôn phép của người cha và chứng kiến những khuôn khổ đó vây lấy cuộc sống của mẹ mình. Tất cả những điều đó đã trở thành một ẩn uất tâm lí trong bà và trong các tác phẩm của mình, bà cật lực lên án sự độc tài tạo nên sự chuyên quyền của những người chồng, người cha. Điều này được thể hiện qua nhân vật ông Ramsay trong "Tới ngọn hải đăng", ông xem việc vợ phục tùng chồng là điều hiển nhiên và người phụ nữ chỉ nên quanh quẩn với những công việc trong nhà, hết lòng vì chồng vì con mới là nghĩa vụ. Thế nhưng, với cuộc sống thời nay tư tưởng đó không còn được trọng dụng nữa và Lily đã tỏ rõ quan điểm nữ quyền của chính mình khi từ chối lời đề nghị kết hôn của ông Ramsay. Lily cả đời sống độc thân cùng với nghề nghiệp vẽ vời của mình và cô luôn cảm thấy thoải mái vì điều này. Lily Briscoe là nhân vật trung tâm mà tác giả dựng lên với hình tượng giống như là song tính, trong con người cô ẩn chứa cả tính nam lẫn nữ, vẫn có thể đa tâm suy nghĩ nhưng không thiếu mạnh mẽ, quyết đoán, độc lập và tự do. Vấn đề nữ quyền trong "Tới ngọn hải đăng" đã thật sự chín mùi trong cách viết và cách chuyển tải của Virginia Woolf. Bà tạo lập lên hai hình tượng người nữ khác nhau là bà Ramsay và cô Lily, đối lập nhau, được tạo dựng trên những hoàn cảnh riêng biệt, phân rõ cấp bậc để họ nhận thấy được sự thua kém của mình và cấp cho họ chỗ tựa vào vững chãi đó chính là tiến đến với đấu tranh nữ quyền hoặc giả đấu tranh đòi bình đẳng cho chính bản thân mình.

    Thế nhưng cuộc đời của người phụ nữ can đảm, hết lòng vì sự hạnh phúc bình đẳng của những người phụ nữ trên cuộc đời này lại không hề suôn sẻ. Suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, Woolf phải đối mặt với nhiều cơn trầm cảm dữ dội và dai dẳng. Đầu tiên là bởi vì cái chết của mẹ vào năm 1895 và của chị gái cùng mẹ khác cha Stella hai năm sau đó. Tiếp theo đó là cái chết của cha bà vào năm 194 đã thật sự đưa bà vào ngõ cụt của tâm thức bà thậm chí phải nhận sự can thiệp điều trị của bệnh viện. Trớ trêu hơn cả, bà còn phải gánh chịu sự lạm dụng tình dụ từ hai người anh cùng mẹ khác cha là George và Gerald Duckworth, khiến bà lâm vào các cơn suy nhược cơ thể và những thời kỳ trầm cảm nặng nề sau này. Bà đã tự kết liễu cuộc đời mình bằng cách trầm mình xuống sông với những túi áo khoác nặng trĩu những đá, bà chết trong âm thầm và thân xác cũng hầu như không còn nguyên vẹn, để lại niềm thổn thức cho những người ở lại và những độc giả đọc đến văn chương của bà sau này.

    II. Tư tưởng nữ quyền của nữ văn hào Anh - Virginia Woolf trong "Tới ngọn hải đăng"

    II. 1. Xây dựng tuyến nhân vật tương phản nhằm nêu bật lên tư tưởng nữ quyền.


    Đặc trưng trong những tác phẩm của Virginia Wolf là số lượng nhân vật rất nhiều, phần lớn đều có quan hệ với nhau, rất hiếm có người tồn tại ở trạng thái cô độc. Đặc biệt là tình bạn của những người phụ nữ, Woolf đề cao nhu cầu kết bạn của phụ nữ và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tình bạn đối với họ. Tình bạn khiến người phụ nữ thoát khỏi cô đơn và lạc lõng, họ có thể dễ dàng được giúp đỡ khi gặp phải nan đề và được ủng hộ trong cuộc sống. Tuy nhiên, hai nhân vật tương phản được khắc họa rõ nét nhất trong "Tới ngọn hải đăng" là bà Ramsay và nữ họa sĩ Lily. Một người chăm lo cho gia đình, vun vén vẹn toàn chồng và tám người con, còn một người lại nguyện cả đời cống hiến cho sự nghiệp, từ bỏ tình cảm riêng tư. Tuy nhiên họ lại không đồng tình với cách lựa chọn của người kia. Bà Ramsay cảm thấy Lily phải nên kết hôn, "ông William phải lấy Lily. Họ có nhiều điểm chung. Lily rất thích hoa. Họ đều lạnh lùng, xa cách và khá tự lập. Bà phải sắp xếp cho họ đi dạo bên nhau thật lâu" [3/187] . Hay là "một phụ nữ không kết hôn bỏ lỡ phần đời hay ho nhất" [3/97] . Ngược lại, Lily lại nghĩ "dù sao thì ơn trời, mình không phải kết hôn: Mình không phải trải qua sự suy đồi ấy." [3/184] hoặc như "cầu xin cho mình được đứng ngoài quy luật của vũ trụ; cô thích sống một mình; cô thích là chính mình;" [3/97]

    II. 1.1. Nhân vật bà Ramsay

    Bà Ramsay người vợ đảm đang của ông Ramsay – giáo sư Đại học, là mẹ hiền của tám đứa con nhỏ. Suốt đời bà chưa từng rời tay khỏi xem xét việc nhà, các món ăn, việc đan len và chăm sóc quan tâm con trẻ. Mỗi ngày bà sẽ dành thời gian để đọc sách cho Janes – con trai út của bà, thằng bé thông minh và đầy ưu tư. "bà Ramsay đang ngồi đọc sách, với James ngả đầu vào lòng bà" [3/100], "bà lật sách; chỉ còn vài dòng nữa nên bà sẽ đọc cho xong, dù đã quá giờ đi ngủ. Muộn lắm rồi" [3/114] . Hằng ngày bà đều cầm que đan với cuộn len để tạo hình những chiếc tất, là cho con mình hoặc là đứa trẻ con người gác ngọn hải đăng nếu bà có dịp ghé thăm. "Bà Ramsay bảo mình đang cố đan cho xong mấy chiếc tất tẻ ngắt này để mai còn mang cho mấy thằng bé con nhà Sorley ." [3/64] ; "bà lẳng lặng ngồi đó, đan tiếp chiếc tất dang dở của mình" [3/74], bà cũng có thể bộc lộ những cảm xúc của mình, những nỗi ưu tư, cô độc vô hình khi bà ngồi đang và tập trung nghĩ đến một điều gì đấy mà không ai cõ thể nhìn thấu được, kể cả chồng bà. "Bà ngồi đan với tư thế vững chãi, môi hơi cong lên và không hề biết là người mình hơi căng cứng, khiến mặt mình bỗng nghiêm nghị hẳn" [3/119] . Bà là một người phụ nữ xinh đẹp, đáng yêu, và gần như những người đàn ông quen biết qua bà đều dâng lên một niềm yêu thích không tên đối với bà. Như khi ông Bankes nhìn bà "ông đang chăm chăm nhìn bà Ramsay bằng sự phấn khích, mà Lily thấy rất giống tình yêu của hàng tá thanh niên." [3/93], khi ông Ramsay – chồng bà, quay lại nhìn bà đã không kiềm được mà bật thốt trong lòng "Ồ! Bà thật đáng yêu, đáng yêu hơn ông từng nghĩ" [3/121] . Bà luôn có cách khiến cho tâm trạng những người đàn ông xung quanh bà được tốt lên, xu hướng ứng xử của bà thiêng về mềm mỏng và xoa dịu, bà luôn đặt mình ở phía sau để hỗ trợ, ủng hộ cho người đàn ông.

    Thế nhưng bà lại lựa chọn bó mình vào cuộc sống giống như biết bao phụ nữ lúc bấy giờ, công việc chủ yếu là nội trợ. Lily khi nhìn bà lại có những nhận xét khác hẳn với giới đàn ông "Lily nghĩ, bà Ramsay trông thật già nua, héo úa, xa cách làm sao". [3/156], bà có thói quen phục tùng chồng, và tuân thủ những lời của ông một cách nghiêm cẩn. Khi James hỏi bà ngày mai sẽ đến ngọn hải đăng nhé, thì bà đã trả lời con trai mà bà thương nhất rằng: "Không, không phải mai, bố nói mai không đi đâu con." [3/115] . Sống trong sự gia trưởng, sự đè nén dưới không khí áp bức, nén chặt của người chồng nhiều năm, bà trở nên cô độc từ trong tâm hồn, nỗi cô độc tạo ra ở bà sự xa cách như có như không. "còn bà, chỉ có cái này – một chiếc bàn dài vô tận nào dao, nào đĩa. Đằng kia, cuối bàn, là chỗ của chồng bà, ông ngồi đó, thu lu một đống mặt nhăn nhó" [3/153] . Cuộc sống của bà quá đổi tẻ nhạt nhưng lại lang mang vô định, bà không thể nào tìm thấy được lối ra giúp bà vượt thoát khỏi sự cô độc "Bà Ramsay luôn cảm thấy, ta miễn cưỡng giúp mình thoát khỏi sự cô độc bằng cách chộp lấy thứ vụn vặt đầu thừa đuôi thẹo nào đó, âm thanh cảnh trí nào đó" [3/120] . Bà không có tự do, mặc dù bà rất khao khát, khi các thanh thiếu niên có ý định đi dạo bên bờ biển, bà đã rất háo hức, tưởng chừng như trở về như một cô gái thuở còn đôi mươi, thậm chí bà đã lấy chiếc khăn choàng của Minta để choàng quanh mình. Nhưng cuối cùng bà lại lựa chọn đi vào nơi mà chồng bà đang đọc sách. Trong phút chốc mọi sự vượt thoát như vươn ra khỏi người bà, vậy mà "bà bị điều gì đó mạnh mẽ, mạnh đến nỗi bà không hề nghĩ sẽ tự hỏi đó là gì, ngăn lại." [3/208] . Cái ngăn bà lại là tính nữ truyền thống, là những khuôn khổ, phép tắt, những gò bó hàng chục năm trời mà bà không cách nào xóa bỏ được. Bà có niềm yêu thích đặc biệt với việc ghép đôi các đôi nam nữ đơn thân thành một cặp vẹn toàn và bà cảm thấy hạnh phúc về điều đó, bà cảm thấy ai cũng nên kết hôn và vun vén cho gia đình riêng của mình, như cách bà cố vun vén cho Minta và Paul cũng như tạo cơ hội cho ông William và Lily được ở cạnh nhau. Giống như việc bà tìm thấy lối thoát cho chính mình, gửi gắm sự tự do mà mình không thể nào có được vào cuộc hôn nhân của người khác.

    Ở bà Ramsay, Virginia đã tạo nên sự chớm nở, một nét khơi mào của Nữ quyền. Nó không quá mạnh mẽ, cũng không quá rõ nét đó là thông qua sự nhìn ngược về quá khứ với hình ảnh người mẹ và cảm nhận của con cái với mẹ mình. Đó là lúc Rose đang chọn chiếc trâm khiến bà Ramsay nhớ lại chính bà ngày thơ bé và hình ảnh mẹ mình, những cô con gái thường có nét gần gũi và thửa hưởng nhiều điều từ mẹ mình. "con bé có lý do thầm kín nào đó khi coi việc chọn ra những gì mẹ đeo là tối quan trọng" [3/150] ; bởi vì những cảm xúc của con gái đối với mẹ của mình là cảm xúc thiêng liêng nhất "một thứ cảm xúc sâu lắng, chôn chặt trong lòng mà ai ở độ tuổi của Rose cũng dành cho mẹ của mình" [3/150] . Cho dù sau này lớn lên chúng không lựa chọn cách sống giống với mẹ mình "những ý tưởng về cuộc sống khác với cuộc sống của bà; có thể đó là một cuộc sống ở Paris, một cuộc sống hoang dại hơn, không phải chăm lo cho một gã đàn ông hay một ai khác" [3/21], nhưng ít nhất chúng đã từng tôn sùng và tôn kính đặc biệt với mẹ, một thứ tình yêu chưa ai có thể lí giải được. Là James khi hoài niệm quá khứ thì cảm nhận về mẹ vẫn còn nguyên vẹn dù cậu đã khôn lớn "bà đã đi đâu hôm đó? Cậu bắt đầu đi theo bà từ phòng này sang phòng khác và cuối cùng họ đi tới một căn phòng nơi mà dưới ánh sáng xanh, như phản chiếu từ rất nhiều đồ sành sứ, bà nói chuyện với ai đó, cậu nghe tiếng bà nói chuyện. Bà nói chuyện với một chị hầu gái, đơn giản nói ra những gì chợt đến trong đầu. Chỉ mình bà nói ra sự thật; chỉ với bà cậu mới có thể nói ra sự thật. Đó có lẽ là cội nguồn của sự hấp dẫn vĩnh viễn của mẹ đối với cậu; bà là người mà ta có thể nói ra những gì chợt đến trong đầu" [3/336], cậu nhận thức được mẹ là người mà cậu có thể tâm sự, nói hết những điều bỗng nảy ra trong đầu mình, không cần đắn đo, lựa chọn, trau chuốt câu từ, mẹ là người có thể nhìn thấu cậu bằng trái tim nhân hậu và tấm lòng đầy bao dung, yêu thương vô bờ.

    Bà Ramsay không có nhiều học thức, bà không hiểu những luận văn và những cuốn sách và mọi người nói với nhau. Nhưng bà có thấu hiểu tâm hồn người khác, hiểu được những gì mà người ta đang suy nghĩ, nhìn nhận người khác là một việc rất giản đơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được "Khi đó bà biết – bà biết mà không cần học. Sự giản đơn của bà dò được những điều mà kẻ khôn ngoan biến thành giả trá. Sự đơn lẻ của tâm trí khiến bà như chim trời thả hòn đá xuống, chính xác thẳng tưng, dĩ nhiên sẽ làm bà buông bỏ đầu óc trước sự thật" [3/59] . Bà bị chao đảo khi ngồi trước bàn ăn và không biết bản thân sẽ làm gì với cuộc đời của mình, bà bực bội khi nhìn khuôn mặt già nua của mình trong gương. Tuy nhiên, sự chao đảo đó chỉ là thoáng qua và bà lại quay trở về với những cống hiến hết mình cho gia đình. Vì nguồn căn mọi sự an tâm trong tâm hồn bà bắt nguồn từ gia đình, nơi những đứa con đang dần lớn lên và bà cảm thấy hoang mang về điều đó, bà hi vọng chúng sẽ mãi ấu thơ và ỷ lại vào bà như tấm bé. Bà có thể tự điều hòa mọi cảm xúc chênh vênh của mình mà không đòi hỏi sự cảm thông. "chính lúc đó bà đã đạt đến sự an toàn; bà bay lượn như diều hâu lơ lửng trên tầng không, như lá cờ nổi lên trên niềm vui – thứ tràn ngập mọi dây thần kinh của cơ thể bà, một cách ngọt ngào, đầy đủ, không ồn ào mà nghiêm trang, bởi nó đang dâng lên, bà nghĩ và nhìn tất cả mọi người ngồi ăn đằng kia, từ chồng con cho đến bạn bè;" [3/187], bà ngược lại còn cảm thông những người khác, những người đàn ông độc thân, không vợ con chăm nom. "chú tâm tới ông William Bankes bằng cách im lặng, nghiên người về phía ông – một kẻ tội nghiệp! Một người không vợ, không con, ăn tối một mình trong phòng trọ" [3/155] và Lily cũng nhận ra ở bà tính nữ đặc trưng, nó hiện lên mạnh liệt và được minh chứng bởi lý thuyết phân tâm học "bà thương hại đàn ông luôn, như thể họ thiếu thứ gì đó – nhưng không bao giờ thương hại đàn bà, như thể họ thừa thứ gì đó" [3/156] .

    Ở bà hội tụ đầy đủ tất cả những phẩm chất của một người phụ nữ trong xã hội phụ quyền, truyền thống, đảm đang, vén khéo, tinh tế, nhạy bén và cô độc. Bà có thể nhay chóng nhận ra ai ghét mình mà không cần đến việc người ta phải nói ra, có thể biết được người được mời đến không thích bữa ăn tốn thời gian của nhà mình và đặc biệt hơn có thể tinh tế cảm nhận được sự yêu thích của người nào đó đối với bà là y nguyên, si giảm hay càng tăng tiến. Trong tâm trí của bà khi nghĩ về bản thân sẽ là "Vì bà là phụ nữ, cả ngày dài ngồi làm việc này việc nọ; người ta muốn thứ này, thứ kia; bọn trẻ đang lớn lên; bà thấy mình chẳng khác gì miếng bọt xốp hút hết tình cảm nhân loại." [3/65] . Trong khi đó, suy nghĩ của bà về chồng "Bà không kính trọng ai như kính trọng ông" [3/65] ; "và khi ấy người ta sẽ nói ông ấy phụ thuộc bà, trong khi lẽ ra họ phải biết trong hai người, ông rõ ràng là người quan trọng hơn, và những gì bà đem lại cho thế giới này, so với ông thật quá nhỏ bé" [3/78] . Lối suy nghĩ của bà là đặc trưng cho việc thổi phồng vị thế của nam giới, ngược lại là tự hạ thấp vai trò của người phụ nữ, trong thực tế thì đó là lối suy nghĩ không đúng đắn. Tính nữ bên trong bà áp đặt bà phải phục tùng, xóa bỏ mọi ý nghĩ phản kháng của bà và điều khiển bà cảm thấy việc đề cao vai trò của người chồng, hạ thấp địa vị của bản thân là điều trọng yếu nếu để giữ vững danh dự trọng vọng của chồng. Nhân vật bà Ramsay được dựng lên như một người đang dùng cuộc đời của mình minh chứng cho mọi người thấy được những quan điểm lệch lạc, cổ hủ, khuyết thiếu tự do của những người phụ nữ, đồng thời gửi gắm cho họ một thông điệp muốn vượt thoát, để chính họ có thể thay đổi suy nghĩ, tìm hướng đi tốt hơn cho bản thân mình.

    II. 1.2. Nhân vật nữ họa sĩ Lily Brisocoe:

    Lily là hình tượng gần như trái ngược với bà Ramsay, trong con người cô tồn tại cả tính nam lẫn tính nữ. Là mẫu hình thực tế hóa lý thuyết khối óc lưỡng tính của Virginia Woolf, lý thuyết đó được bà trình bày trong cuốn sách "Căn phòng riêng" như sau: ".. Trong mỗi chúng ta có hai năng lực chỉ huy song hành, một nam, một nữ ; và trong trí óc người đàn ông, đàn ông chiếm ưu thế hơn đàn bà, trong trí óc người đàn bà, đàn bà chiếm ưu thế hơn đàn ông. Khi cả hai chung sống với sự hòa đồng, trong tinh thần hợp tác, thì trạng thái của hiện hữu là trạng thái bình thường và thoải mái. Nếu là đàn ông thì phần đàn bà trong trí óc ông ta phải có hiệu ứng ; và ngược lại, người đàn bà cũng phải giao hòa với phần đàn ông trong trí óc mình.. Đó là lúc sự hợp nhất xảy ra và trí óc trở nên phong phú, tận dụng tất cả khả năng của nó.." . Lily như phương hướng để bà gửi gắm con người thật của mình. Lily là người nữ duy nhất trong "Tới ngọn hải đăng" có nghề nghiệp. Nghề nghiệp vốn là yếu tố căn bản để phân biệt vai trò và địa vị của mỗi giới trong xã hội. Cho nên khi Virginia Woolf để cho nhân vật Lily có được nghề nghiệp riêng của mình, cũng chính bởi vì bà muốn tạo điều kiện để nhân vật của mình có thể theo đuổi một hướng đi, khả năng sống không giống với kiểu sống phụ thuộc vào nam giới như trước kia nữa. Đó chính là sự thể hiện tính chất nữ quyền táo bạo của nhà văn.

    Tác giả để Lily Brisocoe đi ngược lại mọi dấu ấn vốn đã trở nên cố hữu trong chế độ nam quyền tồn tại lâu đời. Trong bữa ăn ở nhà Ramsay, khi nhận ra Charles đang khó xử nhưng cô lại không hề hứng thú với việc xoa dịu, tạo cho anh ta cơ hội để thể hiện mình như trong bộ quy tắc ứng xử: "Cô biết có một bộ quy tắc ứng xử, trong đó điều bảy (chắc là thế) nói rằng trong những dịp thế này, phụ nữ, bất kể làm nghề gì, cũng thích hợp để tới giúp anh chàng ngồi phía đối diện, giúp anh ta có thể bộc bạch và trút bỏ mớ xương đùi, xương sườn tự cao tự đại, trút bỏ nỗi khát khao cấp bách muốn tự khẳng định mình" [3/166], mà ngược lại, cô chỉ "ngồi đó và mỉm cười" mà thôi. Bà Ramsay với "tính nữ" đặc hữu sẽ làm điều đó nhưng cô lại không như vậy, cô là một người có cả tính nam xen vào tính nữ của chính mình.

    Xuyên suốt tác phẩm ta nhìn thấy Lily bật lên tính hướng theo khuynh hướng lưỡng tính của mình. Lily Brisocoe từng có những rung động đầu tiên với chàng Paul. Đó là những cảm xúc đến bất chợt mà cô chưa nghĩ đến. Sự mới lạ vừa nhen nhóm lên ấy khiến cô trở nên khác lạ, kín kẽ hơn, rụt rè hơn trước. "Anh ta khiến ngọn lửa yêu thương, sự ghê rợn, độc ác, cẩu thả của nó bùng lên trên má cô." [3/183] . Thế nhưng cũng chỉ là thoáng chốc, cô là một con người đầy lí trí, rất nhanh cô đã có thể tìm lại cân bằng khi thoáng nhìn qua Minta – người con gái mà Paul đang yêu say đắm, cô nhận ra được sự duyên dáng, đáng yêu ở Minta mà cô không thể nào có được. Cô tự cổ vũ chính bản thân của mình bằng sự mạnh mẽ, tự do và kiên cường, bằng lòng quyết tâm mà xuyên suốt tác phẩm chưa từng một lần muốn từ bỏ: "dù sao thì ơn trời, mình không phải kết hôn" [3/184] ; "cô thích sống một mình; cô thích là chính mình" [3/97] . Cô yêu ông William Bankes nhưng cô đủ minh mẫn, đủ tự chủ để xác định mối quan hệ giữa hai người là tình bạn, bởi vì ông William có những định kiến, những áp đặt đối với người phụ nữ thuộc về hệ tư tưởng cũ; còn cô, cô lại muốn vượt thoát khỏi nó, dang rộng đôi cánh tự do của mình mà cống hiến cho nghệ thuật. Tất cả những người đàn ông và phụ nữ xung quanh, hoặc ngay cả nếu như bà Ramsay còn sống, cũng sẽ nghĩ rằng cô thật dị biệt: Cô chấp nhận đơn độc, không hề có ý định giải bỏ sự đơn độc đó bằng việc kết hôn. Cô không muốn cứ như những người phụ nữ truyền thống tuân theo quỹ đạo mà những người đàn ông kia đã vạch sẵn (là cả đời vì họ, cống hiến cho gia đình, làm nội trợ và tốt nhất là có một cái đầu không mấy thông minh).

    Bên cạnh việc có những xúc cảm với những người đàn ông, Lily Briscoe còn có sự tôn sùng, yêu thương, khao khát hòa nhập mãnh liệt với bà Ramsay. Bà Ramsay là hình mẫu lý tưởng của tính nữ hoàn toàn, ở bà có cái mà cô không thể có được cũng không bỏ tâm đi gây dựng. Cô yêu thích bà Ramsay, hình tượng của bà như hằn sâu vào trong con tim và bộ óc của cô dù sau này khi bà đã mất rồi cô cũng dùng hình ảnh bà Ramsay để hòa niệm quá khứ. Bởi khao khát và mong muốn của cô đã mang hình tượng bà quay về, "nhiều ngày sau khi nghe tin bà mất, cô đã thấy bà, đội vòng hoa trên trán và chằng chằng đi theo làm bạn với cô, một cái bóng băng qua những cánh đồng" [3/326] . Cô muốn thông qua bức tranh của chính mình thực hiện lý tưởng hóa hình tượng bà Ramsay, thế nhưng, điều đó không phải là dễ dàng và gần như là một sự hoang đường. Sâu bên trong con người cô luôn có sự đấu tranh, giằng xé giữa "tính nữ" và một tính biệt hoàn toàn khác lạ. Lily Briscoe không thừa nhận phần "tính nữ" mà siêu nhiên đã ban xuống cho mình trong khi việc lý tưởng hóa hình ảnh bà Ramsay đã ngăn cô tạo nên tính chân thật trong các bức họa của mình. Cuối cùng, cô cũng phát hiện ra là hình ảnh bà Ramsay, sức ảnh hưởng và nỗi ám ảnh của bà trong xuyên suốt chiều dài nhận thức của cô đã khiến cho sức sáng tạo của cô bị đình chỉ, khiến sự vận động trong bức tranh của cô bị ngưng lại. Sự kìm nén trong chính nội tâm đã khiến cho sự vật trong bức tranh bị tê liệt, không thể đi đến bước hoàn thiện được. Đến khi bức tranh được hoàn thiện thì cũng là lúc Lily Briscoe đạt đến sự thỏa mãn về nhận thức, cô đã kiên quyết và tự tin với lựa chọn của chính mình.

    Cô tiếp tục lựa chọn đơn độc với công việc để tiếp túc mạnh mẽ hơn cho "tính nam" mà cô đã chắc lọc từ những người đàn ông xung quanh mình, và chấp nhận "tính nữ" được vượt thoát ra ngoài mọi khuôn khổ, gò bó và tầm nhìn định kiến trong xã hội. "Nó đó – bức tranh của cô đó. Đúng rồi, với các màu sắc xanh lục, xanh lam, với những đường vẽ ngang dọc, nó nỗ lực đạt được điều gì đó. Nó sẽ được treo trên gác xép, nó sẽ bị hủy hoại, cô nghĩ. Nhưng chuyện đó có gì quan trọng?" [3/373] . Không ngừng nghỉ với đam mê về nghề nghiệp mà bản thân có được, chưa từng lùi bước cống hiến cho nghệ thuật. Là một cô gái trưởng thành và lí trí, Lily Briscoe có thể đặt "tính nam" và "tính nữ" ở hai đầu riêng biệt của ranh giới, nhưng lại ngang hàng và đồng đẳng khi tồn tại trong một cá thể. "Bằng cảm xúc đột ngột, như bỗng nhìn rõ tranh mình, cô vẽ một đường ngay đó, ngay giữa tranh. Thế là xong; nó đã hoàn tất. Đúng, cô nghĩ, hạ cọ xuống trong cơn kiệt quệ cùng cực, mình đã có cái nhìn của mình" [3/374] .

    Lily Brisco là hình tượng mới mẻ, táo bạo tạo trên nền của một xã hội mà tư tưởng cũ vẫn đang thống trị. Lily đi ngược lại mọi quy luật sẵn có đã được lập lên từ rất lâu trước đó. Nhân vật Lily là cách để Virginia Woolf truyền tải thông điệp đấu tranh nữ quyền của mình, đồng thời mở ra lối vượt thoát cho tất cả những người phụ nữ vẫn đang ngày ngày sống dưới ách áp đặt của tư tưởng cũ.

    II. 2. Cách đánh giá về những người đàn ông trong "Tới ngọn hải đăng" – gợi mở con đường hướng đến nữ quyền:

    II. 2.1. Điểm chung của các nhân vật nam:


    Những người nam trong "Tới ngọn hải đăng" là những người đàn ông có tư tưởng truyền thống, được thụ hưởng những lợi ích mà "tính nữ" đem đến và họ cho rằng điều đó là sự tất yếu và không có gì cần đổi khác. Họ đòi hỏi sự cống hiến về mặt thể chất và cả sự khích lệ, an ủi về mặt tinh thần. "Nếu ông đặt niềm tin ẩn tàng của mình vào bà, không gì có thể làm mình thương tổn; dù ông đào sâu chôn chặt bản thân hay trèo cao vác nặng tới đâu, không phút giây ông thấy mình có thể thiếu vắng bà." [3/76] ; "việc ông đến với bà như thế, một cách cởi mở, cởi mở đến nỗi ai cũng có thể thấy, nó làm bà lo lắng; vì khi ấy người ta sẽ nói ông phụ thuộc bà," [3/78] .

    Nhân vật nam trong tác phẩm đòi hỏi sự công nhận, đề cao của người khác đối với họ. Nếu ông Ramsay là một giáo sư lúc nào cũng hi vọng được công nhận tài năng giáo dục của mình, ông William thì cô đơn và tràn đầy định kiến, Charles lúc nào cũng khao khát được thể hiện bản thân mình. Xuyên suốt tác phẩm, ông Ramsay là người đem đến cho những người trong gia đình ông sự đè nén khủng khiếp, phải chăng ông là uẩn uất sâu bên trong con người tác giả về người cha của chính mình. Ông đòi hỏi không ngừng nghỉ sự ngưỡng mộ, tôn kính và ngợi ca của những người phụ nữ, đặc biệt là vợ mình – bà Ramsay. Những người nam giới trong xã hội này thiết lập vị thế và địa vị của mình bằng sự nghiệp, trí tuệ, khả năng học thuật của bản thân. Họ chú trọng việc bảo vệ danh dự và danh tiếng của bản thân, thiết lập uy quyền trong xã hội và tạo nên sự áp đặt, đè nén tới người phụ nữ. Họ có sự tự cao, kiêu ngạo từ trong máu tủy và yêu cầu sự phục tùng tối đa của người phụ nữ. Với họ, người phụ nữ chỉ nên ở nhà và làm những công việc mà họ vốn nên làm, không cần thiết phải tham gia vào xã hội "còn đàn bà ở nhà làm nội trợ, trông chừng lũ trẻ đang ngủ, trong khi đàn ông chết chìm ngoài kia trong bão tố." [3/297] .

    Với những người đàn ông trong "Tới ngọn hải đăng" thì cách tối ưu để thiết lập quyền uy và khẳng định vị thế tối cao của mình là xây dựng một xã hội thu nhỏ, nơi đó họ có thể điều khiển mọi hoạt động xảy ra xung quanh bằng sự áp đặt của mình. Ông Ramsay chú trọng quá đáng đến những vấn đề về danh tiếng và cách người ta nhìn nhận về học thức của ông. Thậm chí, ông còn xem trách nhiệm với vợ con là những vật cản kìm hãm tài năng của bản thân, thỉnh thoảng ông sẽ tự nhủ với chính mình "mình là cha của tám đứa con" để có thể cân bằng lại trạng thái của mình. Ông luôn áp đặt vợ con mình là những người nhỏ, yếu "họ cần ông bảo vệ; ông sẽ trao cho họ sự bảo vệ ấy" [3/68] . Ông vẫn luôn thể hiện bản thân là một người cao quý và đáng ngưỡng mộ. Ông nhận thức được lỗi sai của mình nhưng lại đổ lỗi rằng "ai đó đã sai", ông cười nhạo con trai con gái của mình bằng những lời lẽ không mấy thân thiện. Ông không thể kiềm chế được tham vọng và ham muốn khẳng định bản thân, bất chấp mọi sự bức bối, khó khăn của người nhà. "James cảm nhận sức mạnh của bà lóe sáng đến độ có thể cho cái mũi tàu bằng đồng kia, thanh đao vô vị của đám đàn ông kia uống thỏa thuê và giải tỏa cơn khát của chúng, những thứ cứ nhẫn tâm đập ầm ầm, hết lần này tới lần khác, đòi hỏi sự cảm thông" [3/75] . Charles có một sự cố chấp mãnh liệt đối với việc được phô diễn, khẳng định bản thân. Để nâng lên địa vị của nam giới trong đó có bản thân, anh ta đã dùng cách là miệt thị, hạ thấp phẩm giá của những người phụ nữ. "Họ chẳng làm gì ngoài nói, nói, ăn ăn. Đó là thiếu sót của phụ nữ. Phụ nữ khiến văn minh không thể có với tất cả sự" quyến rũ ", ngu ngốc của họ." [3/158] . Hay như "phụ nữ không thể viết lách, phụ nữ không thể vẽ vời" [3/158] . Anh ta là một hình tượng con người kiêu hãnh đến cực đoan, thiển cận.

    Ông William Bankes độc thân, không có vợ, con, thậm chí ông có định kiến với việc ông Ramsay chọn hướng rẽ cuộc đời mình là lựa chọn cuộc sống hôn nhân, cùng với việc phải chú tâm cho những đứa con. Thế nhưng với sự cô đơn của mình, có nhiều lúc ông cũng cảm thấy ghen tị khi nhìn thấy những điều bình thường, dung dị trong cuộc sống của ông bà Ramsay cùng với đàn con của họ. Ông mặc dầu phê phán việc ông Ramsay cưới vợ bởi vì ông cho rằng khía cạnh tình cảm sẽ mâu thuẫn với khía cạnh trí tuệ, theo ông, việc ông Ramsay cưới vợ sẽ làm lu mờ đi tài năng của bạn mình. Những người đàn ông trong tác phẩm đều đem phụ nữ đặt ở thế đối lập với trí tuệ và đặt họ vào vị trí trong phạm vi gia đình mà thôi. Đó là nơi những người đàn ông luôn thờ ơ, dửng dưng, họ không quan tâm đến cuộc sống đời thường, lãng quên đi ý nghĩa ẩn sâu bên trong cuộc sống tưởng chừng giản dị kia. Ngay cả khi, cùng ở trên chiếc thuyền với những đứa con ra thăm ngọn hải đăng, ông Ramsay vẫn chỉ chú tâm đọc sách mà không hề để ý đến những biểu cảm phát ra từ bên trong của mình, đặc biệt là James thù hận ông, từ bé đã nuôi niềm chán ghét với ông và muốn đâm chết ông, Cam có dành tình yêu thương đối với cha nhưng những trào phúng, khinh thường của ông khiến cô bé đau lòng. Ông Ramsay không hề có ý định kéo gần khoảng cách đối với những đứa con của mình. Ông Ramsay là điển hình của người đàn ông áp đặt mọi thứ lên trên gia đình của mình, yêu cầu tính nữ hoàn toàn ở người vợ và sự phục tùng của mọi người trong nhà.

    II. 2.2. Cách nhìn nhận của những người phụ nữ về những người đàn ông trong "Tới ngọn hải đăng" từ đó mở ra con đường đi đến nữ quyền.

    Trong mắt nhìn của Cam thì ông Ramsay là một nỗi sợ hãi vô hình, là những áp đặt và nguyên tắt luôn luôn phải tuân theo. "Chúng bị buộc phải đi; chúng bị bắt phải đi. Cha chúng lại hạ gục chúng bằng vẻ rầu rĩ và quyền y, buộc chúng nghe lệnh ông." [3/298] . Còn đối với Lily thì ông Ramsay "Ông là kẻ vị kỷ không chịu nỗi. Tệ hơn cả, ông là bạo chúa." [3/342] hoặc như "Hơi đạo đức giả ư? Cô lặp lại. Ồ không – ông ta là người thành thực nhất, tốt đẹp nhất; nhưng nhìn xuống, cô lại nghĩ, ông ta chỉ nghĩ tới mình, ông ta bạo ngược, ông ta bất công" [3/92] . Cũng chính vì lẽ đó mà Lily Briscoe đã từ chối ông Ramsay, không ngợi ca ông một cách trực tiếp cũng hờ hững với sự thân thiết của ông.

    Ông Ramsay luôn muốn giữ vị trí trung tâm trong các mối quan hệ, áp đặt quyền lực lên gia đình, thậm chí với các mối quan hệ ngoài xã hội như bạn bè, thầy trò – với anh chàng Charles Tansaly. "Ông phải được đảm bảo rằng mình cũng đang sống trong trái tim sự sống; không chỉ tại đây mà trên toàn thế giới" [3/75] . Ông muốn tìm kiếm ở vợ ông niềm cảm thông, sự an ủi đồng thời trên tất cả là vai trò và trách nhiệm đối với gia đình – là một người trụ cột đủ khả năng và quyền hạn. "Ông không biệt vợ với con trai, chỉ cần thấy họ là ông đã vững tâm, hài lòng và nâng nỗ lực tìm hiểu vấn đề liên quan tới năng lượng tâm trí đẹp đẽ của ông đạt tới đỉnh cao thấu hiểu." [3/67] . Trong mắt bà Ramsay, ông Ramsay là một người tham gia vào xã hội, là một người có nhiều tri thức, sự hiểu biết, ông là một người tài giỏi, đồng thời là một người cha. Nhưng theo bà cảm nhận, khi đảm nhận vai trò người cha của mình ông vô cùng cứng nhắc và chuyên quyền, điều đó có thể làm ảnh hưởng tâm lý, tổn thương trái tim con trẻ. Ở cương vị người chồng, ông luôn đến cho bà áp lực vô hình mà bà phải phục tùng ông từng li từng tí một. "Lập tức, bà Ramsay như co người lại, như đóa hoa xếp từng cánh lại, và toàn bộ kết cấu đó gục xuống vì kiệt sức." [3/77] ; "Bà không thích, dù trong chốc lát, việc mình cảm thấy tốt đẹp hơn chồng" [3/78] .

    Việc phục tùng những người đàn ông, thông cảm, bảo bọc họ là cách làm cố hữu của những người phụ nữ hoàn toàn thuộc về "tính nữ" truyền thống. Những chuẩn mực này đang dần dần thủ tiêu gốc rễ, xóa bỏ tự do và quyền lợi vốn dĩ nên có của những người phụ nữ. Virgina Woolf đã dần dần hé mở cho họ tìm thấy được lối đi cho mình, tạo cho họ lựa chọn việc gợi lên chất nam tính ở bên trong trái tim nữ tính của họ. Bà đặt ra sự cần thiết của việc tổ chức và thay đổi nhận thức của người phụ nữ nói riêng và toàn xã hội nói chung. Cách tốt nhất là bà đã dựng lên hình tượng con người mới, khác biệt với những con người truyền thống, những con người trộn lẫn tính nam bên trong tính nữ để tạo lập cuộc đời và lựa chọn hạnh phúc của họ (điển hình là Lily Briscoe). Bà thuyết phục những người phụ nữ nhìn nhận theo phương hướng nữ quyền, lựa chọn hướng đi được nữ quyền dẫn dắt, đấu tranh vì những quyền tự do mà phụ nữ đáng được nhận, không lệ thuộc, không phục tùng đàn ông mà có thể tự lập với nghề nghiệp của mình, lựa chọn độc thân để đến với đam mê và nhận thức về một xã hội bình đẳng, công bằng.

    KẾT LUẬN

    Virginia là nhà văn chuyên viết cho phụ nữ, những tác phẩm của bà đều tập trung đấu tranh cho nữ quyền theo lý thuyết hiện đại và đòi hỏi sự bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội. Đặc biệt là tiểu thuyết "Tới ngọn hải đăng", tác phẩm đã mở ra con đường giải thoát rộng mở cho những con người đang bị áp bức trong những định kiến xã hội cũ. Virginia thông qua con mắt của phụ nữ, qua trái tim của họ để kể lại câu chuyện của họ để qua đó có thể tìm thấy cho họ những hướng đi mới, đúng đắn và bằng phẳng hơn.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    [1] Virginia Woolf (2016), Đến ngọn hải đăng, Nguyễn Vân Hà dịch, NXB Văn học.

    [2] Raman Selden (2012), "Phê bình nữ quyền" (phần ½), Hồ Thị Dương Liễu dịch, tạp chí Sông Hương, số 277/3-20112.

    [3] Dương Thị Phương Hiền (2013), "Nữ quyền trong Tới ngọn hải đăng của Virginia Woolf", trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.

    [4] Phùng Thủy (2019) Tìm hiểu về các làn sóng Nữ Quyền và nội dung sơ lược, LI THUYẾT NỮ QUYỀN

    [5] Nguyễn Hưng Quốc (2010) Lý thuyết văn học: Nữ quyền luận, https: //www. Voatiengviet.com/a/nu-quyen-luan-07-29-2010-99565304/875206. Html
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...