Tư duy và phân loại tư duy

Thảo luận trong 'Khoa Học' bắt đầu bởi Rùa Nhí, 13 Tháng tư 2024.

  1. Rùa Nhí

    Bài viết:
    2
    Hoạt động nhận thức là hoạt động phản ánh sự vật, hiện tượng trong thếgiới khách quan. Có thể nói, nhờ có hoạt động nhận thức mà con người làm chủ được tự nhiên và làm chủ được bản thân mình. Đây là hoạt động tâm lý đầu tiên xuất hiện trong đời sống tâm lý của con người, nó là cơ sở nền tảng để hình thành các hoạt động tâm lý khác như tình cảm, ý chí, nhân cách. Việc nhận thức của con người về thế giới khách quan diễn ra từ mức độ thấp đến mức độ cao. Mức độ thấp là nhận thức cảm tính (cảm giác, tri giác) còn mức độ cao hơn là nhận thức lí tính (tư duy, tưởng tượng). Trong đó, tư duy có vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động nhận thức của con người.

    NỘI DUNG

    1. Khái niệm tư duy


    Muốn nhận thức và cải tạo thế giới khách quan có hiệu quả, con người không thể dừng lại ở các quá trình cảm giác, tri giác. Giả sử, khi đứng trước một bông hoa, cảm giác và tri giác sẽ giúp ta biết được hình dạng, màu sắc, mùi thơm của nó. Nhưng muốn biết nó thuộc loài nào, là hoa đơn tính hay lưỡng tính, thành phần hóa học của mùi thơm là gì, cách trồng và chăm sóc ra sao thì quá trình nhận thức cảm tính không thể giải quyết được, ta cần có một quá trình nhận thức cao hơn đó là tư duy. Bởi vì chỉ có tư duy mới giúp con người hiểu được các thuộc tính, các quan hệ bên trong, mới nắm được bản chất, quy luật phát triển của sự vật. Từ đó mới có phương hướng, biện pháp đúng đắn cải tạo thế giới khách quan.

    Ta có định nghĩa: Tư duy là một quá trình nhận thức phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết[1] .



    [​IMG]

    Từ định nghĩa trên, ta có một số kết luận sau đây:

    - Quá trình tư duy bao gồm nhiều giai đoạn, từ khi cá nhân gặp những tình huống có vấn đề và nhận thức được vấn đề, đến khi vấn đề đó được giải quyết. Đó là các giai đoạn: Xác định vấn đề và biểu đạt, xuất hiện các liên tưởng, sàng lọc các liên tưởng và hình thành giả thuyết, kiểm tra giả thuyết, giải quyết nhiệm vụ tư duy.

    - Tư duy là một mức độ nhận thức mới về chất so với cảm giác và tri giác. Nếu cảm giác và tri giác mới chỉ phản ánh được những thuộc tính bên ngoài, những mối liên hệ bên ngoài của sự vật hiện tượng thì tư duy phản ánh thuộc tính bên trong, bản chất của sự vật, hiện tượng.

    - Tư duy phản ánh những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính chất quy luật của sự vật hiện tượng trong hiện thực khách quan.


    2. Đặc điểm của tư duy

    Tư duy có các đặc điểm cơ bản: Tính có vấn đề, tính gián tiếp, tính trừu tượng và tính khái quát hóa, tư duy gắn liền với ngôn ngữ, tư duy liên hệ với nhận thức cảm tính.

    2.1. Tính "có vấn đề" của tư duy

    Tư duy chỉ nảy sinh khi chúng ta gặp tình huống "có vấn đề". Tình huống có vấn đề là tình huống chưa có đáp số nhưng đáp số đã tiềm tàng bên trong, tình huống chứa điều kiện giúp ta tìm ra đáp số đó. Nhưng không phải tình huống có vấn đề nào cũng kích thích được hoạt động tư duy. Muốn kích thích ta tư duy thì tình huống có vấn đề phải được cá nhân nhận thức đầy đủ, được chuyển thành nhiệm vụ tư duy của cá nhân. Nghĩa là cá nhân xác định được cái gì đã biết, đã cho và cái gì chưa biết, cần phải tìm và có nhu cầu tìm kiếm nó.

    Ví dụ cho khi cho một bài toán (a x 2) +1 = 5. Nếu cho bài toán này với một học sinh lớp 2 thì tư duy sẽ không xuất hiện bởi học sinh lớp 2 chưa được học về phép nhân (tức là chưa có nhận thức đầy đủ) và bài toán sẽ không trở thành tình huống "có vấn đề". Tuy nhiên, nếu cho bài toán này với một học sinh lớp 4 thì tư duy sẽ xuất hiện.

    2.2. Tính gián tiếp của tư duy

    Tư duy của con người mang tính gián tiếp. Điều đó thể hiện ở chỗ, trong quá trình tư duy con người sử dụng các phương tiện công cụ khác nhau để nhận thức sự vật, hiện tượng mà không thể trực tiếp tri giác. Ví dụ: Muốn biết nhiệt độ của nước, chúng ta có thể dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ, sử dụng mây vệ tinh để dự đoán thời tiết. Sở dĩ có thể nhận thức được gián tiếp vì giữa các sự vật, hiện tượng có mối liên hệ mang tính quy luật. Như vậy, nhờ có tính gián tiếp mà tư duy con người đã mở rộng, không chỉ phản ánh những gì diễn ra trong hiện tại mà còn phản ánh được cả quá khứ và tương lai.

    Mặt khác tư duy được phản ánh bằng ngôn ngữ nên tư duy phản ánh gián tiếp. Đây là một loại phương tiện nhận thức đặc thù của con người. Ví dụ: Hệ thống ký hiệu, phạm trù, khái niệm.

    2.3. Tính trừu tượng và khái quát hóa của tư duy

    Tư duy không chỉ hướng vào cái riêng mà còn hướng vào cái chung, cơ bản, mối liên hệ, quan hệ mang tính quy luật của sự vật hiện tượng. Tư duy phản ánh khái quát có nghĩa là phản ánh bằng khái niệm, bằng quy luật, bằng những nguyên lý, nguyên tắc chung, phạm trù..

    Tính trừu tượng và khái quát hóa gắn liền với các thao tác tư duy: So sánh, phân tích, tổng hợp, suy luận.. Tư duy có khả năng trừu xuất khỏi sự vật, hiện tượng những thuộc tính, những dấu hiệu cụ thể, cá biệt chỉ giữ lại những thuộc tính bản chất nhất, chung cho nhiều sự vật, hiện tượng. Trên cơ sở đó mà khái quát các sự vật, hiện tượng riêng lẻ khác nhau nhưng có chung những thuộc tính bản chất thành một nhóm, một loại, một phạm trù để có những quy tắc, phương pháp giải quyết tương tự. Ví dụ: Để xếp các con vật vào loài cá, ta sẽ dựa vào các đặc điểm chỉ có ở loài cá như thở bằng mang, sống dưới nước. Hoặc trong toán học, công thức tính diện tích hình chữ nhật (S = a x b) được áp dụng chung cho nhiều hình chữ nhật với nhiều kích thước khác nhau tùy thuộc yêu cầu đề bài.

    2.4. Tư duy gắn liền với ngôn ngữ

    Đây là một trong những đặc điểm khác biệt cơ bản giữa tâm lý người và tâm lý động vật. Tâm lý động vật bao giờ cũng dừng lại ở tư duy hành động trực quan, không có khả năng vượt ra khỏi phạm vi đó. Ngôn ngữ không phải là tư duy mà chỉ là phương tiện của tư duy, làm cho tư duy người mang tính gián tiếp, tính trừu tượng và khái quát. Khi có người nói "Món ăn này mặn" thì từ "Mặn" là ngôn ngữ, nó là công cụ để hình thành tư duy cho người khác rằng món ăn đó có nhiều muối và không được ngon.

    Mối liên hệ giữa tư duy và ngôn ngữ là mối liên hệ biện chứng. Tư duy không thể tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào khác ngoài ngôn ngữ. Bất kì ý nghĩa nào, tư tưởng nào cũng đều nảy sinh, phát triển gắn liền với ngôn ngữ. Ngược lại, nếu không có các kết quả tư duy (khái niệm, phán đoán) thì ngôn ngữ chỉ còn là hình thức âm thanh thuần túy, không khác gì tiếng nước chảy hay tiếng gió. Đó là mối liên hệ giữa nội dung và hình thức. Ngôn ngữ tiếng Việt ngày nay mà chúng ta đang sử dụng cũng là kết quả của quá trình phát triển tư duy lâu dài trong lịch sử, bắt đầu từ nhu cầu truyền giáo, từ những chữ cái đầu tiên, tiếng Việt hiện tại đang ngày càng phát triển với hệ thống từ ngữ phong phú (từ ngữ thuần Việt, từ Hán Việt, từ mượn).

    2.5. Tư duy liên hệ với hoạt động nhận thức cảm tính

    Tư duy bao giờ cũng liên hệ mật thiết với hoạt động nhận thức cảm tính tức là với cảm giác, tri giác, biểu tượng. Hoạt động nhận thức cảm tính là "cửa ngõ" là kênh duy nhất, qua đó tư duy liên hệ với thế giới ngoài. Tư duy thường bắt đầu từ nhận thức cảm tính, trên cơ sở nhận thức cảm tính mà nảy sinh tình huống "có vấn đề". Ngược lại, tư duy cũng ảnh hưởng đến nhận thức cảm tính, đó là làm cho khả năng cảm giác của con người tinh vi, nhạy cảm hơn và làm cho tri giác của con người mang tính lựa chọn, tính ý nghĩa. Ví dụ: Một bác sĩ có kinh nghiệm chỉ cần nhìn vẻ ngoài của bệnh nhân là có thể đoán biết được họ bị bệnh gì, hệ thống sinh lí – giải phẫu nào bị tổn thương. Như là người bác sĩ dùng mắt (một cơ quan cảm giác) để nhìn vào một bệnh nhân, quan sát chi tiết được các biểu hiện từ màu da vàng, người gầy nhưng bụng to (kết quả nhận thức cảm tính) và dùng các kiến thức y học để tư duy được rằng bệnh nhân có các dấu hiệu của bệnh gan mà chưa cần dùng đến các biện pháp khám bệnh khác.

    3. Phân loại tư duy

    Trên thực tế, con người đặt ra rất nhiều loại hình tư duy như tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy trừu tượng, tư duy triết học.. Tuy nhiên, có thể phân loại tư duy theo các cách dưới đây[2]:

    3.1. Xét theo lịch sử hình thành và mức độ phát triển của tư duy thì người ta chia tư duy chia làm ba loại: Tư duy trực quan – hành động, tư duy trực quan – hình ảnh và tư duy trừu tượng.

    Tư duy trực quan – hành động là loại tư duy mà việc giải quyết nhiệm vụ được thực hiện nhờ sự cải tổ thực tế các tình huống, nhờ các hành động vận động có thể quan sát được, loại tư duy này có khả năng ở những động vật bậc cao (con người, các loài linh trưởng). Ví dụ trẻ em thực hiện phép cộng bằng cách đếm ngón tay hoặc bằng các que tính.

    Tư duy trực quan – hình ảnh là loại tư duy mà việc giải quyết nhiệm vụ được thực hiện bằng sự cải tổ tình huống chỉ trên bình diện hình ảnh mà thôi, loại tư duy này chỉ có ở con người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Ở các lớp mầm non, các cô giáo thường đưa ra các trò chơi phát triển tư duy trực quan – hình ảnh cho trẻ như cho 3 khối hình gồm tròn, vuông, tam giác và 3 lỗ trống tương ứng với 3 khối hình, yêu cầu trẻ xếp các hình vào các lỗ cho phù hợp.

    Tư duy trừu tượng là loại tư duy mà việc giải quyết nhiệm vụ được dựa trên sự sử dụng các khái niệm các kết cấu logic, được tồn tại và vận hành trên cơ sở tiếng nói. Ví dụ khi đọc bài thơ "Kiều ở lầu Ngưng Bích", người đọc có thể hình dung ra khung cảnh ở lầu Ngưng Bích và nét đẹp của nàng Kiều hoặc để giải một bài toán thì trước hết học sinh phải biết được yêu cầu đề bài, nhớ lại các công thức, định lí có liên quan để giải bài toán. Ta thấy rõ trong quá trình giải toán đó, học sinh đã dùng ngôn ngữ mà thể hiện là các quy tắc, định lí, ngoài ra còn có cả kinh nghiệm thông qua nhiều lần giải toán trước đó.

    3.2. Căn cứ theo hình thức biểu hiện của nhiệm vụ cụ thể và phương thức giải quyết người ta chia ra ba loại tư duy ở người trưởng thành: Tư duy thực hành, tư duy hình ảnh cụ thể, tư duy lý luận.

    Tư duy thực hành là loại tư duy mà nhiệm vụ được đề ra một cách trực quan, dưới hình thức cụ thể, phương thức giải quyết là hành động thực hành. Ví dụ: Các kĩ sư dùng sa bàn, bản đồ hoặc xuống hẳn thực tế đồng ruộng đo đạc để tìm ra phương án làm mương tưới tiêu nước tốt nhất cho một địa phương nào đó.

    Tư duy hình ảnh cụ thể là loại tư duy mà nhiệm vụ được đề ra dưới hình thức một hình ảnh cụ thể và sự giải quyết nhiệm vụ cũng được dựa trên những hình ảnh trực quan đã có. Ví dụ: Ta suy nghĩ quyết định xem từ trường về nhà đi đường nào ngắn nhất.

    Tư duy lý luận là loại tư duy mà nhiệm vụ được đề ra dưới hình thức lý luận và việc giải quyết nhiệm vụ đó đòi hỏi phải sử dụng những khái niệm trừu tượng, những tri thức lý luận. Ví dụ, sự tư duy của học sinh khi nghe giảng trên lớp, sự tư duy của giáo viên khi soạn bài..

    Thực tế, để giải quyết một nhiệm vụ, người trưởng thành rất ít khi chỉ sử dụng thuần túy một loại tư duy mà thường sử dụng phối hợp nhiều loại tư duy với nhau, trong đó có một loại nào đó giữ vai trò chủ yếu. Như người công nhân sử dụng tư duy thực hành là chính, nhưng ở họ cũng có cả tư duy hình ảnh và tư duy lí luận. Người nghệ sĩ thiên về tư duy hình ảnh, nhưng để xây dựng các hình ảnh mới họ cũng sử dụng tư duy lí luận. Nhà bác học thường tư duy lí luận, nhưng nhiều khi vẫn sử dụng tư duy trực quan hình ảnh. Tựu chung lại, ở con người đều có tất cả các loại tư duy và tính chất của các hoạt động nghề nghiệp đã làm cho họ thiên về một loại tư duy nào đó nhiều hơn là các loại tư duy khác[3] .

    [1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình tâm lý học đại cương, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2019, tr. 112.

    [2] Tham khảo: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình tâm lý học đại cương, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2019, chương V.

    [3] Tham khảo: Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên), Giáo trình tâm lý học đại cương, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2013, tr. 88.
     
    LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...