Tư duy bảo thủ và tư duy cầu tiến

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Han Dora, 20 Tháng tư 2021.

  1. Han Dora

    Bài viết:
    44
    [​IMG]

    Có một loại suy nghĩ luôn tồn tại trong chúng ta: "Tôi thật sự không thể làm được" và rồi từ đó chúng ta mãi mãi không bao giờ chịu thử. Nhưng trên thực tế, sẽ có một kiểu suy nghĩ khác giúp chúng ta tích cực hơn: "Nếu chăm chỉ luyện tập, tôi chắc chắn sẽ làm được!" Đó là tư duy bảo thủtư duy cầu tiến.


    Tư duy là phạm trù triết học dùng để chỉ những hoạt động của tinh thần, đem những cảm giác của người ta sửa đổi và cải tạo thế giới thông qua hoạt động vật chất, làm cho người ta có nhận thức đúng đắn về sự vật và ứng xử tích cực với nó. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, tập 4 (Nhà xuất bản Từ điển bách khoa) . Và nếu đã là phạm trù về triết học, thì tư duy của mỗi người đều sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nhân sinh quan, năng lực của mỗi người. Điều đó lý giải cho các trường phái người tư duy tích cực, tư duy tiêu cực hay tư duy khác biệt..

    Đây là 2 kiểu tư duy giải phóng sức sáng tạo của con người. Tư duy cầu tiến đại diện cho nhóm người cho rằng kiến thức, sự thông minh và sáng tạo hoàn toàn có thể có được nhờ vào những nỗ lực của cá nhân. Từ đó họ đam mê những trải nghiệm mới, sẵn sàng làm những điều mình chưa bao giờ biết đến. Dĩ nhiên khó khăn sẽ không nhân nhượng với bất kỳ ai cả, khi vượt qua mọi thử thách, chúng ta lại có về những bài học thú vị, sự sáng tạo vô hạn thậm chí là những thành công vang dội!

    Ngược lại, tư duy bảo thủ đại diện cho nhóm người với lối sống "rùa rụt cổ" – luôn e sợ trước những thay đổi của cuộc sống! Họ cho rằng chỉ số IQ, sức sáng tạo hay những khả năng phi thường có được là nhờ các yếu tố di truyền, được tạo hóa ban tặng, sự hỗ trợ từ gia đình giàu có và những nguyên nhân chủ quan khác đại loại thế! Và rồi họ sẽ nhận được những gì? Là sự ỷ lại, sự an phận thủ thường, sự hèn nhát và sự tiêu cực! Nhóm người đó đã quên rằng nhà bác học đại tài Thomas Edison đã từng bị các giáo viên cho là 'kẻ điên' và ông đã thất bại cả trăm ngàn lần mới có được những phát minh khoa học vĩ đại. Hay Stevie Jobs với tuổi thơ bị bỏ rơi, được nhận nuôi bởi một gia đình bình thường, nhưng ông ấy đã vượt qua mọi định kiến để trở thành 1 vĩ nhân.

    Tư duy chính là cầu nối để chúng ta đến với những sáng tạo tuyệt vời!

    Khi còn thơ bé, trong lớp có bạn vẽ rất đẹp, thường thì bạn sẽ nghĩ đó là năng khiếu và bạn sẽ mãi chẳng thể làm được. Nhưng nếu bạn không thử, bạn sẽ chẳng bao giờ biết tiềm năng của mình là gì. Bản thân mình cũng vậy, lúc đi làm thêm, có rất nhiều công việc mà mình phải ghi nhớ và phải làm tốt. Mình đã rất e sợ và muốn bỏ cuộc, tuy nhiên mình đã thử ở lại, cho bản thân thời gian thích nghi, quan sát và học hỏi liên tục, dần dà, mình đã có được kỹ năng bao quát và có thể làm tốt nhiều công việc một lúc. Khi đó mình thầm cảm ơn bản thân vì đã tư duy cầu tiến để học hỏi được nhiều điều bổ ích, để mình tự hào rằng "Không ngờ mình có thể làm tốt đến vậy!" Cảm giác ấy thần kỳ tựa phép màu đó các bạn!

    Tuy nhiên mọi sự việc đều có ngoại lệ! Tư duy bảo thủ chưa hẳn là xấu hoàn toàn, tư duy cầu tiến cũng không thể hoàn hảo! Những tiêu cực đôi khi giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn hơn, phù hợp với khả năng của tất cả mọi người. Còn tư duy cầu tiến vô tình tạo nên những "bẫy nội tâm" khiến những mục tiêu tập thể trở nên viển vông ngoài tầm với! Đây là một trường phái khác về tư duy, có dịp mình xin được chia sẻ ở bài viết khác nha..

    Tóm gọn lại, chỉ là chúng ta hãy luôn có niềm tin vào chính bản thân mình, cầu tiến và học hỏi để sự sáng tạo sẽ bay xa, bạn nhé!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...