Tự đánh giá: Thề nguyền - Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, Ngữ văn 11 Cánh diều - Trang 61

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 20 Tháng chín 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Tiết thanh minh, Thúy Kiều gặp Kim Trọng bên mộ Đạm Tiên. Dù mới gặp lần đầu nhưng cả hai đều đem lòng cảm mến nhau: "Người quốc sắc kẻ thiên tài/ Tình trong như đã mặt ngoài còn e". Tương tư người đẹp, Kim Trọng tìm cách thuê nhà trọ gần nhà Thúy Kiều, ngày đêm mong được nhìn thấy nàng. Một ngày, Kim Trọng nhặt được cành hoa của Kiều vô ý đánh rơi. Hai người gặp gỡ và hứa hẹn. Đoạn trích "Thề nguyền" miêu tả cảnh Thúy Kiều - Kim Trọng gặp gỡ và thề hẹn tình yêu.

    Tự đánh giá: Thề nguyền - Trích Truyện Kiều (Nguyễn Du)

    Câu 1: Trường hợp nào dưới đây không phải là điển cố?

    A. Trướng huỳnh

    B. Rèm the

    C. Giấc hòe

    D. Đỉnh Giáp non thần

    Gợi ý: đáp án B. Rèm the - không phải điển cố.

    (Trướng huỳnh là điển cố: Xưa có học trò nhà nghèo, không có đèn đọc sách, phải bắt đom đóm làm đèn (huỳnh - đom đóm). Do đó, trướng huỳnh chỉ phòng học của Nho sinh;

    Giấc hòe là điển cố: Dẫn từ chuyện Thuần Vu Phần ngủ mơ thấy mình được hưởng vinh hoa ở đất Hòe An, tỉnh dậy chỉ thấy tổ kiến. Do đó giấc hòe chỉ giấc mộng, có khi là giấc mộng công danh;

    Đỉnh Giáp non thần là điển cố: Dẫn từ chuyện vua nước Sở nằm mơ thấy người đàn bà đẹp, hỏi ở đâu, người đó nói nữ thần núi Vu Giáp)

    Câu 2: Từ "Hoa" được dùng với biện pháp nghệ thuật nào trong câu thơ "Khoảng vắng đêm trường / Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa"?

    A. So sánh

    B. Hoán dụ

    C. Ước lệ

    D. Ẩn dụ

    Gợi ý: đáp án D. Ẩn dụ (hoa vừa là chiếc thoa Thúy Kiều đánh rơi, vừa hàm ý tình cảm Thúy Kiều dành cho Kim Trọng).

    Câu 3: Phương án nào dưới đây phù hợp để nói về đêm thề nguyền của Thúy Kiều?

    A. Giản dị, thân mật

    B. Cầu kì, phức tạp

    C. Thơ mộng, thiêng liêng

    D. Lễ nghi, khách sáo

    Gợi ý: đáp án C. Thơ mộng, thiêng liêng (có khung cảnh đêm trăng lãng mạn, có lễ thề nguyền trang trọng thiêng liêng).

    Câu 4: Những hành động "vội rủ rèm the", "Xăm xăm băng lối vườn khuya", "Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa" cho thấy trong tình yêu, Thúy Kiều là người như thế nào?

    A. Vội vàng và nông nổi

    B. Táo bạo nhưng sỗ sàng

    C. Mạnh dạn và chủ động

    D. Chân thật nhưng thiếu vẻ đẹp nữ tính.

    Gợi ý: đáp án C. Mạnh dạn và chủ động (Từ vội - thể hiện sự vội vàng, háo hức muốn gặp Kim Trọng; từ xăm xăm thể hiện hành động nhanh chóng, chủ động).

    [​IMG]

    Câu 5: "Bây giờ rõ mặt đôi ta / Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao" cho thấy Thúy Kiều đang sống trong tâm trạng như thế nào? Vì sao?

    Gợi ý: Hai câu thơ trên thể hiện tâm trạng lo lắng, bất an của Thúy Kiều: Biết đâu - dự cảm về tương lai; là chiêm bao: Là giấc mộng tan nhanh, không có thực.

    Thúy Kiều có tâm trạng đó bởi:

    - Tình yêu của hai ngưởi là tự ý, chưa được cha mẹ chấp thuận;

    - Xã hội bất công, nhiều hủ tục khiến Kiều lo lắng, bất an.

    Câu 6: Bình luận nhận định sau đây của Hoài Thanh: Gót chân nàng thoăn thoát đi sang nhà Kim Trọng, cái hình ảnh nàng "Xăm xăm bang nẻo vườn khuya một mình" bây giờ đây vẫn còn có thể làm cho một số người ngơ ngác, phân vân ". (Trích Nguyễn Du, một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn )

    Gợi ý:

    - Hành động Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình thể hiện sự chủ động, mạnh mẽ, táo bạo của Thúy Kiều khi tìm gặp Kim Trọng. Bước chân nàng như băng qua rào cản của lễ giáo phong kiến, đạp đổ hủ tục hôn nhân sắp đặt

    - Hành động đó nói lên khát vọng tình yêu tự do mãnh liệt của Thúy Kiều;

    - Ý kiến của Hoài Thanh bộc lộ sự đồng tình với hành động của Thúy Kiều trong việc thể hiện tình yêu với Kim Trọng.

    Câu 7: Cảm nhận của em về không gian của cuộc thề nguyền.

    Gợi ý:

    - Không gian thơ mộng với vầng trăng" nhặt thưa "," vằng vặc giữa trời ", có hoa lê theo bóng trăng xích lại gần; hình ảnh giai nhân tuyệt sắc và giấc mơ chập chờn của Kim Trọng.

    - Không gian thiêng liêng: Sự tĩnh lặng của đêm, lễ" thề nguyền "trang trọng với hành động cắt tóc thề, ghi lời ước hẹn, thắp nến, đốt hương, cùng nhau nói lời thề dưới ánh trăng..

    Câu 8: Phân tích tác dụng nghệ thuật của hình tượng" trăng"trong đoạn trích.

    Gợi ý:

    - Trăng là hình tượng đẹp của thiên nhiên góp phần tạo nên không gian thề nguyền tình yêu lung linh, thơ mộng, huyền ảo.

    - Trăng là nhân vật chứng giám cho lời thề đôi lứa thuỷ chung, tạo nên tính chất trang trọng, thiêng liêng của cuộc thề nguyền.

    Câu 9: Nêu suy nghĩ của em về tình yêu Thuý Kiều – Kim Trọng qua văn bản Thề nguyền .

    Gợi ý:

    - Tình yêu Kim Kiều trong đoạn trích trên là tình yêu thơ mộng, lãng mạn, trong sáng;

    - Đó cũng là tình yêu tự do, tiến bộ vượt thoát khỏi quan niệm lễ giáo phong kiến hà khắc.

    - Tình yêu tự nguyện, bình đẳng, được tạo dựng trên cơ sở sự đồng điệu, tri âm về tâm hồn, tình cảm, phẩm cách, tài năng.

    Câu 10: Viết đoạn văn (khoảng 10 – 15 dòng) giới thiệu ý nghĩa nội dung và đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích.

    - Ý nghĩa nội dung:

    + Trân trọng khát vọng tình yêu tự do.

    + Đề cao sự thuỷ chung trong tình yêu.

    - Đặc sắc nghệ thuật:

    + Tạo dựng bối cảnh không gian thơ mộng, thiêng liêng cho buổi thề nguyền.

    + Khắc họa nhân vật qua ngôn ngữ, qua hành động, cử chỉ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...