Gốc tích Trạng Lợn Tương truyền ở làng Dừa, tỉnh Hà Nam có nhà họ Dương vốn dòng khoa Bảng. Đến đời ông Lương thì phải xoay sang làm nghề bán thịt lợn. Nhà ông hàng thịt ở làng ấy, từ khi được cụ Tả Ao táng mã cho, buôn bán làm ăn lại ngày càng phát đạt. Vợ chồng đều lấy làm mừng, càng chịu tu nhân tích đức, đỡ kẻ nghèo khó không biết bao nhiêu mà kể. Một hôm, trời nhá nhem tối, bà vợ đi ra giếng gánh nước tắm, bỗng nhiên có một ngôi sao từ trên trời sa vào trong thùng, ánh sáng làm quáng lòa cả đôi mắt. Trong bụng nửa mừng nửa sợ, bà lất làm kinh dị lắm, rồi gánh nước về, dội xong gáo nước tắm, cảm thấy xao xuyến trong lòng, rồi có mang. Nhà vua cũng sinh hạ hoàng tử vào giữa năm này. Các cụ nói chuyện lại: Ở đầu làng ấy có con gò cao to, trên đỉnh có một hòn đá, trông xa tựa con dê đứng. Người trong làng thường có việc gì thì ra đó khấn, cầu được ước thấy cực kỳ linh ứng. Khi chưa sinh Trạng, ông hàng thịt thường đi sớm qua đây, hôm nào cũng thấy một đứa bé gọi lại mà bảo rằng: - Thầy ơi! Thầy đi chợ mua quà cho con với! Ông ngoảnh đi ngoảnh lại không thấy ai, trước còn không tin, đi chợ cũng không nhớ đến. Tối về lại thấy tiếng trách rằng: - Con dặn, mà thấy chẳng mua cho con quà. Ông lấy làm lạ, nói chơi rằng: - Ừ, có phải thế thì mai thầy mua cho! Từ hôm sau trở đi, hôm nào ông cũng mua quà. Cứ về đến đấy, là thấy một đứa bé đứng chực ở đó sẵn. Ông đưa quà cho rồi thử dò hỏi xem đứa bé đi đâu. Bao giờ cũng thấy đứa bé đi đến cái gò ấy rồi biến mất. Ông biết chắc là thần đồng ở gò công hiện hình ra, nhưng vẫn để bụng không nói cho ai biết. Chừng độ hai ba tháng, ông vẫn đều đặn mua quà cho đứa bé mỗi khi đi chợ về qua gò. Nhưng thế kể cũng đã mấy chục lần. Một hôm, ông mới lập cách bảo đứa bé: - Con có muốn ăn quà thì về nhà thầy cho, chứ ở đây thầy chẳng lấy đâu mà cho mãi được. Đứa bé đứng ngẩn ngơ một chốc rồi nói: - Xin khất thầy mươi lăm hôm nữa ạ! Tối hôm sau, ông về không thấy cậu bé ra đón, trong bụng thất kinh, lấy làm áy náy, quá bồn chồn. Cách mươi lăm hôm, về qua đó, bỗng lại thấy tiếng gọi: - Thầy đợi cho con về với! Vừa ngoảnh lại đã thấy cậu bé đằng sau, mừng quá sức, hỏi rằng: - Lâu nay con đi đâu mà sao thầy không thấy? Hay là con giận thầy? Đứa bé đáp: - Con đi hội họp với chúng bạn, đánh cờ, uống rượu, đánh vật ở vùng kia, chứ làm sao mà con lại giận thầy. Ông lại hỏi: - Vậy có muốn về với thầy thì phải làm nên chức tước gì thì thầy mới cho về. Đứa bé thưa: - Xin làm đến chức tổng trấn. Ông lại gặng rằng: - Có làm được Trạng thì thầy mới cho về, chứ tổng trấn là cái thá gì. Đứa bé gật đầu: - Vậy con sẽ làm Trạng. - Thế thì con ở với thầy bao lâu? - Thầy cho con bao nhiêu lần quà, thì con xin ở với thầy bấy nhiêu năm. Ông tính đưa quà cả thảy bảy mươi hai lần, gật đầu cho theo về. Về đến sân, trong nhà bà vợ vừa đẻ, ngoảnh lại thì không thấy đứa bé đâu nữa. Ông thấy mừng thầm, lại càng chắc lời nói của ông thầy địa lý là nghiệm. Từ đấy, con gò đầu làng không thấy được linh ứng như trước. Có người biết ra, bảo rằng chắc là ông thần ở chỗ ấy đã giáng sinh vào nhà nào rồi. Sau thấy nói nhà ông ấy, ngày ấy, tháng ấy sinh con trai, thường xuyên nói chuyện với người ta rằng: - Thôi thế thì ông thần ấy tất là thác sinh vào làm con nhà ấy. Đến lúc cậu bé lớn độ ba tuổi, bố mẹ thấy mặt mũi khôi ngô, ăn nói hoạt bát, lấy làm yêu mến lắm, đặt tên là Chung Nhi. Bao nhiêu chuyện ngẫu nhiên kinh dị sẽ diễn ra trong đời cậu. Chung Nhi chính là tên tục của Trạng Lợn sau này.
Trạng Nguyên hay Trạng "dở" Bấm để xem Khi Chung Nhi lên ba thì có hai người đỗ đại khoa vinh quy bái tổ về làng. Cả làng đổ ra đón rước. Chung Nhi được bố cho đi đón cùng. Thấy ông tân khoa ngồi trong kiệu đi trước, mũ mão cân đai chễm chệ, Chung Nhi chỉ vào kiệu hỏi bố: - Bố ơi, ông này là ông gì hả bố? - Đấy là quan Trạng - Người bố trả lời. - Còn ông kia? Chung Nhi chỉ vào người ngồi chiếc kiệu đi sau. - À, quan Bảng đầy con ạ. - Ông nào to hơn hả bố? - Quan Trạng. - Thế to hơn quan Trạng là ai? - Quan Trạng là nhất, chẳng ai to hơn. - Vậy thì con sẽ làm quan Trạng bố nhé! Người bố xoa đầu Chung Nhi, cười, nhân đó nói đùa: - Quan Trạng của bố cũng vinh quy như ông kia chứ? Chung Nhi gật đầu: - Nhất định như thế! Giữa lúc đó có ông hàng xóm đứng sau, nghe hết câu chuyện của hai cha con, xen vào hỏi đùa: - Đỗ Trạng Nguyên hay Trạng "dở"? Chung Nhi quay lại, nhận ra bác hàng xóm quen thuộc, bèn nói: - Tưởng người lạ hóa người quen! Ông hàng xóm vừa kinh ngạc thấy thằng bé mới lên ba mà nói năng gẫy gọn thành một vế đối rất chỉnh với lời nói của ông. Ông bảo bố Chung Nhi nên cho con đi học. Từ đó, ai cũng gọi Chung Nhi là "Trạng".
Thiên tích thong manh Bấm để xem Chung Nhi lên sáu, bố mẹ cho đến học ở một thầy đồ ở làng bên. Chung Nhi hỏi mẹ: - Mẹ ơi, thầy đồ giỏi hay Trạng giỏi? - Trạng giỏi nhất. - Mẹ Chung Nhi trả lời. - Vậy thì con không học thầy đồ đâu. Mẹ cậu dỗ dành: - Trạng là giỏi nhất, thầy đồ không giỏi bằng nhưng muốn làm Trạng, trước hết phải học thầy đồ. Nghe mẹ nói vậy, Chung Nhi bằng lòng đi học. Hôm làm lễ nhập môn, thầy bảo Chung Nhi lễ Đức Thánh Khổng Tử. Chung Nhi hỏi: - Thưa thầy, Đức Thánh Khổng Tử to hay Trạng to hơn? - Đức Thánh Khổng Tử to hơn Trạng. - Thầy trả lời. Nghe thầy nói vậy, Chung Nhi vào lễ, nhưng không lễ thầy, vì có ý cho rằng thầy không giỏi bằng Trạng. Bố phải dỗ mãi, cậu mới chịu lễ thầy. Lễ xong, Chung Nhi hỏi thầy: - Thưa thầy, học mấy hôm thì thành Trạng? Thầy phì cười, nói đùa: - Dăm hôm! Nghe nói vậy, Chung Nhi khoái lắm, vì tưởng dăm hôm nữa mình sẽ trở thành Trạng thật. Chung Nhi bắt đầu học. Thầy dạy câu "Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng", nghĩa là "Trời ban cho trí thông minh, thánh giúp cho làm nên sự nghiệp". Vì không tập trung nghe thầy dạy, nên thầy vừa đọc xong cậu đã quên ngay, đọc chệch thành: "Thiên tích thong manh, thánh nằm chỏng gọng". Thầy dạy đi dạy lại, năm lần bảy lượt mà cậu vẫn đọc thành như vậy. Thầy tức quá, lấy roi nọc ra đánh. Nhưng hễ thầy vừa giơ roi lên thì Chung Nhi lại nằm ngửa ra, chổng bốn vó lên trời, miệng rối rít đọc: - Thánh nằm chỏng gọng! Thánh nằm chỏng gọng! Thầy vừa tức, vừa buồn cười, thôi không đánh nữa.
Trời có hai người, đất có một người Bấm để xem Tính Chung Nhi hay mải chơi. Ở nhà học, khi vằng mặt thầy lại rủ bọn trẻ làm cờ tán, chiêng trống, rước xách inh ỏi. Một ngày kia đang rước, thầy ở ngoài về bắt được. Đứa đang thổi sáo miệng, đứa cầm cờ, cầm quạt, đứa thì vác tán ầm ĩ. Thấy thầy về, đứa nào đứa nấy đều tái mặt mày, sợ hết vía, bỏ cả mà chạy. Chỉ còn Chung Nhi vẫn đứng trơ ra đấy. Thầy bắt vào, hỏi: - Sao các trò dám đùa nghịch như vậy hả? Chung Nhi nói ráo hoảnh: - Thưa thầy, chung con đang tập lễ nghi. Thầy thấy nói vậy, bật cười mà tha cho. Lại một hôm thầy đi chơi, giao Trạng giữ nhà. Có một ông khách đến chơi, vào đến sân, hỏi: - Thầy đồ có nhà hay đi vắng đấy? Chung Nhi ở trong nói vọng ra: - Thầy đi vắng. Chỉ có Trạng ở nhà thôi! Mời ông! Ông khách dòm vào, chỉ thấy một đứa bé ngồi đấy, không thấy ai nữa, mới ngạc nhiên hỏi: - Trạng đâu? Chung Nhi ứng khẩu đáp ngay: - Trạng đây chứ Trạng đâu. Nói chưa dứt lời thì thầy đồ về, ông khách đem kể lại chuyện. Từ sau cái vụ "Thánh nằm chỏng gọng", thầy đồ không còn dám khinh thường thằng bé, vội bảo: - Thưa, nó là con nhà hàng thịt đấy ạ! Ai ngờ đất sỏi lại có chạch vàng. Nó ra dáng thông minh, học một chữ bẻ đôi nhận mãi không vào, nhưng được cái tài ứng đối linh hoạt. Ông khách không tin, bắt bẻ: - Con nhà hàng thịt lợn mà dám ví với chạch vàng, ông cứ quá lời. Có giỏi làm lòng với tiết canh thì có. - Không phải. Người ta đều có tài riêng, như hoa nhiều mùi, nhiều vẻ. Trông đứa này mặt mũi khôi ngô, biện bác lanh lợi, sau này lấy tài ấy mà tiến thân thì không kém chúng mình đâu. Ông khách quay lại nói với cậu bé, ra ý thăm dò: - Ồ Trạng đấy ư? Trạng đã học đến đâu rồi? Chung Nhi ung dung trả lời: - Học đến "trời, đất". Khách lại giả vờ ngớ ngẩn hỏi tiếp: - Trời là gì, đất là gì? Trạng vỗ tay cười ầm lên rằng: - Thôi ông này không đi học rồi! Chả biết trời, biết đất là gì! Trời là "thiên", đất là "địa" mà cũng không biết, còn ra cái gì. Ông khách giận lắm, nói lấp liếm chữa ngượng: - Thằng này trẻ con thực! - Còn ông thì người lớn! Đã là người lớn thì tôi đố ông biết: Trên trời có gì? Dưới đất có gì? - Trời có trăng sao, đất có sông núi chứ gì. Vậy mà cũng hỏi. - Ông nói không phải. Trên trời có hai người, dưới đất có một người học trò. - Ai bảo thế? - Thánh bảo chứ ai bảo. Ông chưa học chữ "thiên", chữ "địa" à? "Nhị nhân" là chữ "thiên". "Sĩ dã" là chữ "địa", chẳng phải thế là gì? Nguyên chữ "thiên" tựa như gồm hai chữ "nhị" và "nhân" nghĩa là hai người, chữ "địa" gồm hai chữ "sĩ" và chữ "dã". Mà chữ "sĩ" là học trò. Quệch quạng thế nào, Chung Nhi lại thánh tướng như người đang "chiết tự" ấy. Ông khách nghe vậy, lấy làm phục, lại hỏi: - Trên trời có hai người là những ai? Còn dưới đất có một người học trò là ai? Chung Nhi đáp: - Hai người là ông trời, bà trời. Còn một người học trò ở dưới đất là tôi chứ ai! Ông khách nghe nói vậy, than rằng: - Mình rõ không bằng một đứa trẻ.
Mua lợn Bấm để xem Lúc Chung Nhi mười ba tuổi, học hành không đâu vào đâu, nhưng đùa nghịch thì như quỷ sứ. Ông Lương thấy vậy buồn rầu tự nhủ: "Giỏ nào, quai ấy, cung cách này đành cho theo nghề mổ lợn vậy!". Từ đấy, Chung Nhi bỏ học theo bố làm nghề mổ lợn. Chung Nhi thích lắm, thuộc vanh vách từ cách mời chào, những câu nói lái, cho đến những việc pha thịt, bổ thủ. Một hôm, hai bố con sang làng bên vào dinh một viên quan hưu trí mua lợn. Quan ông thì đang ngủ mà quan bà thì đi vắng. Bố con Chung Nhi xin cho ra chuồng xem lợn. Khi ấy quan vừa dậy. Ông Lương vái chào rồi bẩm: - Chúng con ở làng bên, nghe nói quan có con lợn bán nên đến mua. Quan mắt nhắm mắt mở, không trả lời. Ông lững thững bước ra cửa, lấy khăn chùi mặt, vuốt bộ râu rẽ sang hai bên, đoạn búi tóc lại, rồi quay vào. Chung Nhi thấy thế, bèn kéo bố vào chuồng bắt lợn. Ông Lương vội bảo con: - Quan đã truyền giá cả bao nhiêu đâu mà vào bắt? Chung Nhi nói: - Thế thầy không biết ạ? Quan khinh cha con mình là người mổ lợn nên không thèm nói, chỉ giơ tay làm hiệu, giá mười tám quan đấy! Dứt lời, Chung Nhi đem tiền chồng đủ mười tám quan ra giữa sân, rồi vào bắt lợn. Vừa lúc gặp quan bà về hỏi: - Ai bán lợn cho các anh mà tự tiện vào bắt? Chung Nhi nhanh nhảu đáp: - Bẩm, ông lớn đã bằng lòng bán rồi đấy ạ! Quan bà chay vào gắt gỏng với chồng: - Sao lợn to thế mà ông bán có mười tám quan? Quan ông ngạc nhiên, cho gọi bố con Chung Nhi vào, quát: - Ai bán mà mày dám nói là tao bảo mười tám quan? Chung Nhi liền thưa: - Bẩm, khi nãy con thấy quan lấy khăn chùi ngang mắt, lại vuốt từ trán xuống, rồi rẽ râu sang hai bên, rõ ràng là chữ "thập bát". Quan lại giơ tay búi tóc đi vào nhà, có ý ra hiệu rằng: Thuận mười tám quan thì đi vào mà bắt lợn. Chúng con đã chồng tiền đủ ở sân rồi mới dám bắt lợn đấy chứ ạ! Quan ông thấy Chung Nhi biện bác giỏi, phì cười bảo: - Ta không định bán, nhưng khen chú bé thông minh, nên ta cũng bằng lòng bán cho. Thôi hai cha con vào mà khiêng lợn về.
Bắt trộm Bấm để xem Mùa đông năm sau, ông Lương mất. Ba năm mãn tang rồi mà Chung Nhi vẫn cứ buồn rầu, đi lang thang hết nơi này chốn khác, chẳng thiết làm ăn. Mẹ thấy thế lại càng thương càng chiều, nhưng Chung Nhi không chịu ở nhà. Ngày càng đâm hư, rượu chè be bét, sà đâu ngủ đấy, tỏ vẻ chán đời. Một hôm, Chung Nhi vừa đi chơi về, người chị dâu nói mát: - A, chú đỗ Trạng, vinh quy về đó à? Trạng rượu hay Trạng thịt đấy? Thấy chị dâu nói mỉa mai như thế, Chung Nhi trong lòng ấm ức, bực bội, quyết bỏ nhà ra đi, bèn vào lạy mẹ mà rằng: - Con xin từ tạ mẹ. Phen này nếu không làm nên danh giá, thì con quyết không trông thấy mẹ nữa. Mong mẹ lo toan sức khỏe, gắng đợi con về, mẹ con sẽ một nhà đề huề sum họp. Nói xong, nước mắt chan hòa, Chung Nhi lạy mẹ rồi đi. Vừa đến cổng thì gặp ngay hai người khăn áo chỉnh tề, trước thầy sau tớ, vác lều chõng đi qua. Chung Nhi liền từ tốn hỏi: - Chẳng hay hai ngài đi đâu mà thầy tớ đề huề bầu rượu túi thơ làm vậy? Hai người kia liền đáp, giọng khoan hòa, lịch sự: - Chúng tôi trẩy kinh đi thi đây. Còn thầy thì đi đâu, có cùng chúng tôi nhập bọn cho có bạn có bè. Chung Nhi thừa dịp may hiếm có, bèn cười nói: - Thế thì may mắn quá! Chúng ta cùng đi cho vui. Tôi cũng trẩy kinh đi thi. Đang lo một mình thui thủi đường xa. Ba người nhập bọn cùng đi. Tính Chung Nhi cởi mở, vui vẻ, hay nói hay cười, hai người kia rất mến. Dọc đường mọi chi phí họ đều đỡ cho cả, vì vậy Chung Nhi thoát được cảnh cơ nhỡ, sẩy nhà ra thất nghiệp. Trời tối rồi mà đường còn xa, ba người tìm một cái quán nghỉ. Suốt ngày đi mệt, cả bọn lăn lóc, ngủ say như chết, chẳng kể gì muỗi, rệp. Đêm đến, có hai tên trộm lẻn vào. Giữa lúc đó, Chung Nhi nằm mơ thấy mình đang bắt lợn, mà con lợn lại xổng mất, liền hét to lên, kinh động cả quán trọ: - Đây rồi, bắt, bắt trói lại.. cắt tiết! Phen này đừng hòng thoát với ông! Hai tên trộm tưởng khách trọ hô hoán bắt mình thì hốt hoảng vứt đồ đạc lại mà chạy bán sống bán chết. Hai người kia cũng chồm dậy, kiểm tra hành lý, thấy không suy suyển gì mừng quá, rối rít cảm ơn Chung Nhi.
Thâm tinh huyền lý Bấm để xem Đi qua một ngôi chùa thâm nghiêm, tĩnh lặng, thấy phong cảnh đẹp, Chung Nhi và hai người bạn rủ nhau vào vãn cảnh. Họ dạo quanh một lúc thì đã tối. Vừa khi trăng lên, nhà sư ra mời vào trai phòng uống trà. Ba người mừng lắm, nhận lời. Trai phòng sạch sẽ, phong quang, gió đưa mùi hương thơm ngát. Nhìn cảnh trăng soi đáy nước, liễu rủ phất phơ, thấp thoáng sen hồ, ba người tưởng như lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh. Nhà su thấy khác vãn cảnh chùa ra dáng học trò đi thi, bèn đem giấy bút ra, xin ba thầy đề thơ làm kỷ niệm. Hai người bạn lĩnh giấy bút đề luôn hai bài thơ tức cảnh. Chung Nhi nghĩ bụng, không nhẽ mình cứ ngồi ì ra, e không tiện, liền cầm bút định viết bốn chữ tiếng lóng của lái lợn: "Thâm tinh lập lái", nghĩa là "Ba quan và mười hai quan". Nhưng vì không nhớ mặt chữ, nên chữ "lập" viết ra chữ huyền, chữ "lái" viết ra chữ "lý". Thế là định viết "Thâm tinh lập lái" thì lại thành ra "Thâm tinh huyền lý", nghĩa là "Hiểu sâu lẽ nhiệm mầu". Nhà sư nhìn bốn chữ tuy nét bút không phải rồng bay phượng múa, nhưng ý nghĩa thật sâu sắc, tấm tắc khen mãi: - Văn từ hàm súc mà ý nghĩa lại rất hợp với cảnh chùa. Bần tăng lấy làm ái mộ lắm. Hai người bạn đồng hành cũng hết sức khâm phục và tôn đùa Chung Nhi là Trạng, còn Chung Nhi cũng nghiễm nhiên tự cho mình là Trạng thật. Hôm ấy nhà sư lưu ba thầy trò ở lại thiết đãi cơm chay trọng thể. Ngâm vịnh thơ văn, luận bàn thi phú hết một đêm, Chung Nhi nhập tâm được nhiều lý lẽ cao siêu của nhà sư và hai bạn đồng hành. Sớm mai, ba người cáo từ lên đường, nhà sư đem oản chuối nhét đầy một tay nải, gọi là chút lễ mọn tiễn hành. Chắc cũng là bởi quá xúc động vì cái câu "Thâm tinh lập lái" viết sai mà thành "Hiểu sâu lẽ nhiệm mầu" ấy. Thật là "Thâm tinh huyền lý" vậy!
Dốt chữ thành thần Bấm để xem Hôm sau, ba người đến một làng kia. Trời nhá nhem tối, ba người bàn nhau vào trong làng tìm nhà trọ. Khi qua cổng làng thấy cổng có đề ba chữ: "Thủ chư dự", nghĩa là "Lấy trong quả dự", chữ ở Kinh Dịch. Chung Nhi thấy bạn đọc như thế lại nhầm ra "thủ trư" là "thủ lợn" nên bảo ngay: - Tối nay anh em ta được chén thủ lợn! Thật ra là Trạng dốt, không những chỉ theo âm mà đoán mò, lại không biết cả ngữ pháp tiếng Hán. Thủ lợn thì phải là trư thủ chứ không phải là thủ trư. Hai người kia đang đói ngấu, nghe thoáng qua đâu có biết là Trạng lầm, cuối cùng hò nhau nói đùa: - Đi đường mệt nhọc lại có người khoản đãi thì chẳng tốt số lắm sao? Để rồi xem ứng nghiệm thế nào, phải thế thì đáng mặt Trạng. Họ không ngờ là họ đang ở trọ nhà ông tiên chỉ, gặp ngày tế xuân, làng đem biếu ông cái thủ lợn. Nhân nhà có khách, ông mang thủ lợn ra thiết đãi. Hai người kia phục lăn, nói với Chung Nhi: - Bác biết phép tiên tri hay sao. Thật quả chúng tôi được nhờ bác nhiều lắm. Chiều hôm sau nữa, ba người qua một làng khác, thấy đầu làng khắc biển đá có chữ "Hạ mã", chữ Hán nghĩa là "xuống ngựa". Do nhìn sót mấy nét, Chung Nhi lại đọc "Hạ mã" thành ra "Bất yên", rồi lại hiểu nhầm là "chẳng lành", đành khuyên hai bạn đồng hành: - Làng này sắp có chuyên chẳng lành. Chúng ta nên đi qua làng khác hãy nghỉ lại cho an toàn. Hai người bạn mỉm cười không tin, nhưng nể Chung Nhi nên cũng đi theo. Ai ngờ vừa đi được một quãng thì nghe tiếng kêu la và trống mõ ầm ĩ. Thì ra làng đó có đám cháy lớn. Từ đấy, hai người bạn phục Chung Nhi sát đất, cho rằng việc gì Chung Nhi cũng biết trước cả, giỏi như thần, gieo quẻ nào ứng nghiệm quẻ ấy!
Làm thơ Bấm để xem Buổi nọ, cả bọn đi qua một trang trại, tùng cúc tốt tươi, trúc mai sầm uất. Giữa cảnh ấy, Chung Nhi trông thấy một tiểu thư nhan sắc tuyệt vời đang cùng hai người thị tì hái hoa trong vườn. Chung Nhi ngắm nghía, càng ngắm càng mê mẩn. Hiềm vì tường cao cổng kín, khó nỗi tìm vào. Đi một quãng, Chung Nhi bèn lập mẹo từ biệt hai người bạn kia, nói dối là phải vào thăm một người bà con ở gần đấy, nhân thể mời hai bạn cùng rẽ vào chơi. Hai người kia đương lo về thi cử, vội vàng từ chối: - Đường còn xa, nhật kỳ gần tới, quá vui lỡ bước, sau nữa làm sao. Thôi bác ở lại, chúng tôi đi trước. Lúc chia tay, Chung Nhi dặn: - Vậy thì xin mời nhị huynh trẩy kinh trước, mai kia đệ sẽ theo sau. Ngày hội ngộ hẳn cũng không xa. Trở lai nơi trang trại, Chung Nhi hỏi thăm mới hai đó là của quan trí sĩ họ Bùi. Bùi tướng công chỉ sinh được một người con gái, đặt tên là Phấn Khanh. Tiểu thư rất đoan trang, lại thông kinh sử và khéo léo trong mọi công việc tề gia, nên Bùi tướng công có ý kén rể hiền. Bữa ấy, tướng công đang ngủ trưa, chợt nằm mơ thấy có người gọi: "Tướng công dậy! Đón Trạng rể mới lại chơi vườn". Tỉnh giấc, Bùi tướng công lấy làm kỳ dị lắm, nghĩ bụng: "Xưa nay ta có người rể nào là Trạng mà mơ lạ thể? Hay ta thử ra xem sao". Đúng lúc Chung Nhi đang nghiêng người ghé mắt dòm vào chỗ tiểu thư và đám thị tì đang hái hoa, chợt tướng công chống gậy ra thăm vườn. Trông thấy người lạ, tướng công liều sai gia nhân ra gọi vào hỏi: - Thầy người đâu lại? Đứng đấy muốn hỏi gì? Chung Nhi luống cuống, toát mồ hôi, ấp úng trả lời: - Bẩm, tôi là học trò. Nhân trẩy kinh qua đây, thấy cảnh đẹp, trộm đứng ngoạn cảnh, có điều gì sơ suất, xin tướng công tha tội cho. Tướng công thấy Chung Nhi ăn nói nhún nhường, lại thấy mặt mũi khôi ngô, liền mời vào "Uyên ương đình", là nơi tướng công dựng lên để kén rể hiền, rồi sai dọn rượu thết đãi. Rượu ngà say, Chung Nhi nhìn "Uyên ương đình", thấy phong cảnh hữu tình, sự nhớ tới mấy câu thơ của hai người bạn đường làm khi vãn cảnh chùa, bèn rung đùi ngâm lên. Bùi tướng công nghe thơ hay, vui lắm, sai gọi tiểu thư lấy giấy hoa tiên chép lại để họa vần. Thật là một cuộc gặp gỡ kì thú, trăm năm mới có một lần. Giữa cảnh trăng thanh gió mát, người đẹp hoa thơm, Chung Nhi cảm thấy hân hoan trong lòng. Thế là tay nâng chén, miệng ngâm thơ, tuy chỉ là thơ nhập tâm của người khác, song cũng bội phần tâm đắc. Còn Phấn Khanh thì nâng bút họa lại, lời thơ cũng uyển chuyển, tỏ ra con nhà dòng dõi thi thư. Họa xong, tướng công ướm hỏi Chung Nhi: - Lão có tiện nữ đây, muốn cùng tuấn sĩ giá nghĩa sắt cầm, liệu có nên chăng, xin cho lão rõ? Chung Nhi khiêm tốn trả lời: - Kẻ hèn này được tướng công thương đến, đâu dám chối từ. Hiềm vì khoa thi sắp tới, xin tướng công cho hẹn đến ngày ra bảng. Nếu kẻ hèn này công thành danh toại, lúc đó sẽ trở về bái kiến tướng công, tưởng cũng không muộn. Tướng công vui vẻ gật đầu, càng phục Chung Nhi là người có chí, không vì nhi nữ thường tình mà quên nghiệp lớn. Phấn Khanh cũng từ tốn thưa rằng: - Dẫu năm chờ tháng đợi, thiếp mong chàng bẻ quế vinh quy, sẽ được nương nhờ dưới gối.