Truyền thống ngoại giao của cha ông ta

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi daisy1206, 20 Tháng hai 2022.

  1. daisy1206

    Bài viết:
    52
    Trong ngoại giao tuyền thống của cha ông ta có những đặc điểm sau:

    Thứ nhất, nền ngoại giao Việt Nam về bản chất là nền ngoại giao giữ nước và cứu nước, gìn giữ độc lập, chủ quyền chống xâm lược vì những mục tiêu cơ bản của dân tộc, "Ngoại giao Việt Nam về bản chất là ngoại giao giữ nước và cứu nước, chống xâm lược" [1], được chỉ đạo bằng những tư tưởng chiến lược lớn "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" (Lý Thường Kiệt), hay trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi là tư tưởng "Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" và "Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng".. Trong mỗi hành động trị nước cũng như trong hoạt động ngoại giao đều thể hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ và cứng rắn, đó là nguyên tắc nhất quán của tổ tiên ta.

    "Đối với những vấn đề thuộc về nguyên tắc, thái độ của ta là" cương "và đấu tranh ngoại giao rất kiên trì" [2] . Để làm cơ sở, làm chỗ dựa cho thái độ "cương" -, trong quá trình ngoại giao với địch, ông cha ta luôn cương quyết trong các hành động. Không chỉ đánh trả hành động xâm lược của địch về quân quân sự, mà trong lĩnh vực đấu tranh ngoại giao, ta cũng luôn tận dụng mọi thời cơ để tiến công quân thù. Đó là những hành động thể hiện tính "cương" đã có trong đấu tranh ngoại giao của tổ tiên ta từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, đến Quang Trung..

    Thứ hai, vừa đánh vừa đàm, kết hợp quân sự với ngoại giao, "Ngoại giao và quân sự là hai lĩnh vực đấu tranh theo một phương châm chiến lược" [3] . Ngoại giao góp phần tạo điều kiện cho của quân sự thắng lợi và thắng lợi của quân sự trên chiến trường có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của ngoại giao. "Ngoại giao không những được coi là một trong những" phương châm lừa đánh địch "như Nguyễn Trãi đã nói mà tổ tiên ta còn tiến hành các hoạt động ngoại giao ngay trong quá trình cuộc chiến" [4] .

    Nguyễn Trãi là một nhà ngoại giao nổi tiếng của thời kỳ này. Ông đã kiên trì hòa hiếu để đàm phán với địch. Đây là một hình thức đấu tranh ngoại giao kết hợp với đấu tranh quân sự, mang lại hòa bình cho đất nước, tạo cơ sở cho quan hệ hòa bình hữu nghị giữa hai nước sau khi chiến tranh kết thúc. Với phương thức "vừa đánh vừa đàm", đàm mà không ngừng đánh hoặc chuẩn bị đánh, đánh mà không bỏ đàm, "vừa đánh vừa đàm" cho tới khi địch phải chấp nhận thất bại và rút quân về nước. Đó là một nét đặc sắc trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và trong truyền thống ngoại giao của Việt Nam.

    Thứ ba, chính sách ngoại giao hòa hiếu, thân thiện, hữu nghị với các nước cũng là một trong những đặc điểm ngoại giao truyền thống của dân tộc Việt Nam.

    Hòa bình, hòa hiếu là cốt lõi của ngoại giao Việt Nam, Việt Nam nêu cao ngọn cờ và coi trọng hòa hiếu với tất cả các quốc gia dân tộc, quan tâm đến lợi ích của nhân dân mỗi nước, phân biệt rõ nhân dân với những kẻ thống trị, phản động, hiếu chiến biết đâu là bạn là thù. Trong quan hệ với các nước lớn, trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền sẳn sàng nhân nhượng khi cần thiết, nhằm tìm kiếm an bình cho quần chúng.

    Thứ tư, ông cha ta luôn giữ thế chủ động và tiến công trong đấu tranh ngoại giao. Đây là một đặc trưng trong công tác đấu tranh ngoại giao của tổ tiên ta. Trong chiến đấu, có khi ta phải tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng, nhưng tổ tiên ta cũng lại rất chủ động tiến công địch về mặt ngoại giao. "Tiến công ngoại giao để giành ngọn cờ chính nghĩa, bóc trần các chiêu bài, luận điệu lừa bịp, mị dân của địch và che giấu những khó khăn, nhược điểm của ta, tạo ra một tình hình" hư hư thực thực "mà địch không tài nào đoán được" [5] . Tiến công ngoại giao còn làm cho địch chủ quan dẫn đến những sai lầm trong cách bày binh bố trận. Khi thế lực của ta đã vững mạnh, thực hiện tiến công ngoại giao bất ngờ nhằm làm suy sụp tinh thần chiến đấu và đập tan ý chí xâm lược của địch

    Tính chủ động tiến công trong đấu tranh ngoại giao của tổ tiên ta bắt nguồn từ tinh thần bất khuất của dân tộc, từ tính chất chính nghĩa của các cuộc chiến tranh giữ nước và do có sức mạnh của thắng lợi quân sự làm chỗ dựa. Trên tinh thần đó, ông cha ta đã sử dụng ngoại giao như một vũ khí sắc bén để mang về thắng lợi cho dân tộc nhưng lại ích tổn hại cho đất nước.

    Thứ năm, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nắm chắc được tình hình địch là một trong những đặc điểm của ngoại giao truyền thống Việt Nam. Công tác ngoại giao là một mặt trận có tính chất chiến lược trong cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt chống xâm lược của dân tộc ta. Do vậy cần nắm vững tình hình địch, ông cha ta luôn lợi dụng từng khe hở trong đường lối và chủ trương của địch, lợi dụng điểm yếu cơ bản của địch là tính chất phi nghĩa trong chiến tranh. Đồng thời luôn đề cao tính chất chính nghĩa của ta "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chi nhân để thay cường bạo" (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi), nắm vững ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc, kết hợp chặt chẽ tính cứng rắn về nguyên tắc với tính linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, giành thắng lợi từng bước trong đấu tranh ngoại giao là điều cần thiết và thích hợp với một nước đất không rộng người không đông lại phải luôn đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình rất nhiều, nhằm đạt tới mục đích cuối cùng là độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tự do, độc lập cho nhân dân.

    Thứ sáu, nhà ngoại giao giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các đường lối, chính sách ngoại giao của nhà nước; đường lối, chính sách ngoại giao phải thông qua nhà ngoại giao mới trở thành hiện thực. Khi trong bộ máy nhà nước không có cơ quan chuyên trách về ngoại giao. Đấu tranh ngoại giao của tổ tiên ta thường được giao cho các văn quan, võ tướng làm sứ giả hoặc tiếp sứ phương Bắc. Do tính chất ngoại giao rất khó khăn, phức tạp và nguy hiểm, cho nên việc cử sứ giả thường lựa chọn những người có đủ đức tài để đảm đương trọng trách đó, họ là những người có trình độ văn hóa cao và có tài ứng đối siêu phàm. Họ còn là những con người thông minh, nhạy bén về chính trị, dũng cảm trong mọi khó khăn, biết rõ đối phương và tuyệt đối trung thành với đất nước, họ đều là những nhà ngoại giao giỏi, có tài ứng phó nhanh, làm cho kẻ đối thoại phải nể phục như Lê Văn Thịnh (thế kỷ XI), Đỗ Khắc Chung (thế kỷ XIII), Mạc Đĩnh Chi (thế kỷ XIV), Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), thế kỷ XVI có Phùng Khắc Khoan, Giang Văn Minh (thế kỷ XVII)..

    Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, ngoại giao đã có một vai trò và vị trí vô cùng quan trọng. Cùng với đấu tranh quân sự, hoạt động ngoại giao của tổ tiên ta không những làm thất bại các mưu đồ xâm lược của các thế lực ngoại bang mà còn là niềm tự hào của dân tộc ta, là nền ngoại giao của một dân tộc anh hùng, đầy tính chiến đấu, đồng thời là nền ngoại giao của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

    [1] Đinh Xuân Lâm, Vũ Trường Giang, Tìm hiểu một số đặc điểm của ngoại giao Việt Nam thời phong kiến, tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á 4/2004, tr. 3.

    [2] Ngoại giao Việt Nam từ thuở dựng nước đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, Học viện quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2001, tr. 306.

    [3] Đinh Xuân Lâm, Vũ Trường Giang, Tìm hiểu một số đặc điểm của ngoại giao Việt Nam thời phong kiến, tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á 4/2004, tr. 3.

    [4] Ngoại giao Việt Nam từ thuở dựng nước đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, Học viện quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2001, tr. 313.

    [5] Ngoại giao Việt Nam từ thuở dựng nước đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, Học viện quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2001, tr. 315.
     
    Anh Đào Xứ thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...