Truyện Ngắn Truyện Ngắn Thạch Lam

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi tieuminh25, 26 Tháng mười 2018.

  1. tieuminh25

    Bài viết:
    61
    1, Duyên số

    Ăn cơm xong, chúng tôi bắc ghế ngồi trong vườn. Anh Vân, chủ nhà, đang loay hoay pha mấy chén cà phê, mùi thơm phảng phất bốc trong không khí yên lặng.

    Đã hai năm nay anh Bình và tôi mới lại gặp Vân.

    Ba chúng tôi là bạn bè rất thân mật. Nhân nói tới việc anh Vân mới cưới vợ, câu chuyện cứ quanh quẩn về việc vợ con và lập gia đình.

    Bình nói:

    - Tôi chỉ ước sao được một người vợ tuyệt đẹp thế là đủ.

    Tôi tiếp:

    - Tôi cũng ước như vậy.

    Vân đáp:

    - Người đẹp thì vẫn hay lắm. Nhưng tôi thì tôi cho việc vợ chồng chẳng qua là duyên số.

    Chúng tôi phì cười:

    - Anh này bây giờ thành ông thầy tướng chắc! Duyên số là cái quái gì mới được chứ?

    - Là một sự bí mật không ai hiểu, mà chính tôi cũng không hiểu. Các anh hãy lặng yên để tôi kể câu chuyện của tôi cho mà nghe.

    Nói xong, Vân điềm nhiên, thong thả châm điếu thuốc hút, rồi thong thả kể như một ông cụ:

    - Chắc các anh cũng rõ, trước kia, tôi cũng lãng mạn như những người trẻ tuổi khác. Nghĩa là bình sinh chỉ ao ước được một người tuyệt thế giai nhân, như Tây Thi chẳng hạn để sánh vai, kề gối thì mới mãn nguyện. Mà việc ấy riêng đối với tôi thì lại có thể dễ dàng lắm, vì nhà tôi giàu, mẹ tôi lại chiều chuộng. Chỉ còn việc đi tìm người đẹp nữa là xong. Tôi bèn đi khắp thành phố Hà Nội, trong lòng tâm tâm niệm niệm sẽ tìm được con người trong lý tưởng.

    Một hôm trong hội chợ tôi vào xem một gian hàng thêu. Lúc quay ra gặp ngay một bà cụ già tóc bạc phơ, với lại, đứng đằng sau.. một cô gái.

    Thoạt mới nhìn đôi mắt cô ta, tôi choáng váng như người nhắp cốc rượu mạnh. Thế rồi tôi yêu cô ta ngay, yêu tha thiết, yêu say đắm, không biết thế nào mà tả được. Tôi không biết rõ mặt mũi cô ta ra sao nữa, vì mỗi lần nhìn thì lại bị đôi mắt đen huyền ảo của cô ta làm choáng váng. Nhưng điều tôi chắc chắn, là cô ta rất đẹp. Ở hội chợ ra, tôi cứ theo riết cô ta và bà cụ về đến tận nhà, và sau khi đi đi lại lại trước nhà cô ta cho mãi đến 9 giờ tối, tôi mới chịu bỏ ra về.

    Từ đấy, không ngày nào là tôi không đến đứng ở đầu phố hay qua nhà cô ta để mong được gặp mặt. Có khi đứng yên lặng hàng nửa giờ dưới mưa gió, tôi vẫn kiên gan không hề phàn nàn, chỉ mong nhìn mặt cô ta một lần cho đỡ nhớ. Bây giờ nghĩ lại độ ấy thật gian nan khó nhoc hơn một người đi lính.

    Tuy vậy mà ba tháng đã trôi qua, tôi vẫn chưa tìm được cách nào để tỏ cho cô ta biết rằng tôi yêu cô ta, mà tôi cũng chưa rõ cô ta có để ý đến tôi không.

    Trong lúc tôi đang mê mải về cô thiếu nữ ấy, một hôm mẹ tôi gọi đến bảo:

    - Anh đã muốn lấy vợ chưa?

    - Con ấy à? Rất sẳn lòng.

    - Thế thì hay lắm. Tôi đã tìm được cho anh một chỗ rất môn đăng hộ đối, mà nhà lại giàu. Bà cụ là bạn cũ của tôi, còn cô ta..

    Tôi không để cho mẹ tôi nói hết:

    - Mẹ cứ để con chọn lấy, không cần gì giàu nghèo hay sang trọng, miễn là người ý hợp tâm đầu với con là được rồi.

    - Nhưng anh có biết mặt cô này đâu. Cô ta ngoan ngoãn, có vốn liếng, mà cũng xinh đẹp.

    Tôi nghĩ đến cái nhan sắc lộng lẫy của người vẫn mơ tưởng, nên không thiết gì bàn luận nữa. Mẹ tôi cũng chiều tôi không ép, nhưng còn tiếc:

    - Không đám nào hơn đám này đâu, anh ạ. Nếu anh bằng lòng thì được ngay.

    Tôi đâm gắt:

    - Thì con đã xin mẹ cứ để mặc con mà lại! Con sẽ chọn lựa lấy được người hợp ý.

    Trong bụng tôi định, hễ làm quen được với thiếu nữ kia, là sẽ nhờ mẹ tôi đem trầu cau sang hỏi. Cái địa vị và sự giàu có của tôi chắc sẽ cho tôi được mãn nguyện.

    Mẹ tôi không nói gì nữa. Nhưng một tuần sau, bà cụ lại giở đến câu chuyện cũ:

    - Thế nào anh nghĩ kỹ chưa? Cứ nghe tôi bằng lòng đám này đi, không còn thì muộn mất. Vì người ta cũng đang có nhiều người hỏi lắm.

    - Hỏi thì hỏi, càng hay. Mẹ cứ để mặc con.

    Mẹ tôi phát dỗi:

    - Ừ đấy thì để mặc anh. Tôi không nhọc xác!

    Từ đấy, mẹ tôi không đả động đến câu chuyện ấy nữa. Tôi mừng rỡ đem hết trí nghĩ để tìm cách thu phục con người đẹp đẽ kia, nhưng vẫn chưa có dịp tốt nào. Chỉ biết thêm được tên cô ta là Bảo.

    Một buổi chiều về nhà, mẹ tôi chỉ mấy cái bánh chưng, bánh dầy bọc lạt đỏ, mà nói:

    - Đây là cái đám hôm nọ tôi nói chuyện người ta biếu. Đấy, bảo anh, anh cứ lần khân không lấy, bây giờ người ta đi lấy chồng rồi. Thật đáng tiếc.

    - Mẹ cứ nói vậy chứ tiếc quái gì. Thiếu gì nơi còn hơn thế nữa.

    - Đành vậy. Nhưng cô Bảo này thật là được cả người lẫn nết.

    Tôi sửng sốt hỏi:

    - Mẹ nói cái gì? Cô Bảo à? Có phải cô Bảo nhà ở ngõ Gia Hưng không?

    - Có còn cô Bảo nào nữa. Anh cũng không biết ư?

    Tôi choáng váng không nghe thấy gì nữa, trống ngực đổ dồn như người bị cảm. Để mẹ tôi ngạc nhiên đứng đấy, tôi vùng chạy một mạch đến ngõ Gia Hưng, quả nhiên thấy trước nhà người vẫn mơ ước, xác pháo giải đỏ cả thềm. Qua bức mành, tôi thấy trong nhà đèn nến thắp sáng và có tiếng người ăn uống.

    Thì ra cô Bảo của tôi đã đi lấy chồng thật!

    Từ đó, tôi thất vọng, buồn rầu, không thiết gì nữa. Mẹ tôi lo sợ, vội hỏi cưới ngay cho tôi một người ở thôn quê. Lần này, khi mẹ tôi ngỏ ý, tôi nhận lời ngay, cũng không buồn đi xem mặt người con gái nữa. Thế rồi mấy tháng sau thì cưới.

    Anh Vân ngừng lại. Ở trong nhà một người đàn bà mặc áo dài trắng bước ra, tay cầm cái ấm chè. Khi đến gần, sẽ cuối đầu chào chúng tôi rồi pha nước vào chén. Tôi nhìn thật kỹ, thấy người đã đứng tuổi, vẻ mặt xấu xí như những đàn bà nhà quê thường thấy. Anh Vân khẽ giới thiệu:

    - Đấy, nhà tôi đấy.

    Khi người đàn bà đã bước vào nhà, anh ta thở dài nói:

    - Thế mới biết vợ chồng là việc duyên số không biết thế nào mà định trước được. Tuy vậy mà tôi với nhà tôi hợp ý nhau lắm, trong gia đình rất thuận hòa. Biết đâu, nếu tôi lấy cô Bảo kia, rồi sau lại không được như thế?

    Phải, biết đâu? Chúng tôi còn đồng thanh tỏ cho anh Vân biết rằng cũng đồng ý với anh về chỗ ấy, và hết sức an ủi cho anh hiểu rằng chỉ có sự hò thuận trong gia đình là đáng quý giá hơn hết.

    2, Hai lần chết

    Dung là con thứ bốn. Vì vậy khi nàng ra đời, không được cha mẹ hoan nghênh lắm. Thực ra, không phải cha mẹ nàng hất hủi con, vẫn coi người con như một cái phúc trời ban cho, nhưng lúc bấy giờ cha mẹ nàng đã nghèo rồi. Với ba người con trước, hai trai, một gái, cha mẹ dung đã thấy khó nhọc, vất vả làm lụng mới lo đàn con đủ ăn, và hai con trai được đi học. Sau Dung lại còn con bé út nữa, nên cảnh nhà càng thêm túng bấn.

    Khi sinh ra Dung, mẹ nàng vì bận buôn bán, giao phó nàng cho người u già trông nom. Người u già này ở nhà Dung đã lâu lắm, đã nuôi và săn sóc tất cả anh chị Dung từ lúc bé. Nhưng, không biết vì có phải thấy Dung ra đời trong sự lãnh đạm, mà u già đem bụng thương yêu Dung chăng. U săn sóc, bế ẵm nàng, và chăm chút nàng quý như con đẻ vậy, tuy Dung lúc bé ốm yếu khó nuôi và lại ghẻ lở bẩn thỉu nữa.

    Cha Dung chẳng làm gì cả. Từ xưa đến nay vẫn thế. Hình như ông ta sinh ra đời là chỉ để ngồi ở nhà cho lúc nào cũng có người và để những ngày giỗ tết trong họ, khăn áo chỉnh tề đi ăn cỗ mà thôi. Không ai thấy ông ta làm một việc gì, mà cũng không ai nghĩ đến sự ông ta phải làm một việc gì.

    Ông lúc nào cũng ngồi rung đùi bên cạnh cái điếu ống mà ông sửa chữa rất kêu, thỉnh thoảng hút một điếu, rồi lại trầm ngâm như đang nghĩ ngợi một sự gì quan trọng. Những lúc ấy u già biết là ông chẳng nghĩ sự gì quan trọng cả, bèn đem Dung đến cho ông bế. Ông giơ hai tay ẵm Dung vào lòng, hôn hít, rồi xốc Dung lên trên đùi, ngoáy bụng cho nó cười, rồi lại trịnh trọng đưa trả u già. Xong, Ông lại ngồi nghĩ ngợi.

    Có lẽ ông nghĩ tình cảnh nhà ông, hồi còn ông cụ đi làm việc quan, rất giàu có và hách dịch suốt một vùng này. Từ khi cụ cố mất đi, cơ nghiệp ăn tiêu dần, cảnh nhà thành ra sa sút, chỉ còn cái danh không.

    Cha mẹ Dung cũng không nghĩ đến sự bắt nàng đi học như anh chị nàng, có lẽ vì nghĩ rằng lo cho hai người cũng đã đủ.

    Dung càng lớn càng gầy gò đi. Suốt ngày nàng chỉ chạy đánh khăng đánh đáo với lũ trẻ con nhà "hạ lưu" cha nàng gọi thế những người nghèo khổ trú ngụ ở chung quanh xóm chợ. Nhiều khi đi đâu về trông thấy, cha nàng gọi về, đánh cho mấy roi mây và cấm từ đấy không được chơi với lũ trẻ ấy. Những trận đòn xong, Dung lại mon men chơi với lũ trẻ, và thấy hình như cha nàng cũng chỉ cấm lấy lệ chứ không thiết gì đến, nàng lại vững tâm nhập vào bọn hạ lưu đó, suốt ngày dông dài ở ngoài chợ.

    Một đôi khi, mẹ nàng kịp về đến nhà trông thấy nàng quần áo lôi thôi lếch thếch và chân tay lấm, bùn, chỉ chép miệng thở dài nói:

    - Con này rồi sau đến hỏng mất thôi.

    Rồi bà lại quay đi buôn bán như thường, sau khi đã để lại cho chồng một món tiền tiêu pha trong nhà, và sau khi anh chị Dung mỗi người đã nũng nịu đòi được một hào để ăn quà.

    Dung thấy thế cũng chẳng ganh tị, vì nàng xưa nay đối với các anh chị cũng không thân thiết lắm. Những khi nàng đang chơi thấy đói, nàng lại chạy về xin u già bát cơm nguội hay thức ăn gì khác thế nào u già cũng đã để phần rồi chạy nhảy như một con vật non không biết lo nghĩ gì.

    Những sự ấy đã làm cho Dung có một cái tính an phận và nhẫn nại lạ lùng. Ngày trong nhà có tết nhất, các anh chị và em nàng được mặc quần áo mới vui chơi, còn nàng vẫn cứ phải áo cũ làm lụng dưới bếp, Dung cũng không ta thán hay kêu ca gì. Mà nàng biết kêu ca cũng không được. Nhiều lần nàng đã nghe thấy u già nói mẹ nàng may cho cái áo, thì mẹ nàng trả lời:

    - May cho con nặc nô ấy làm gì. Để nó làm rách nát ra à?

    Còn nói với cha thì Dung biết là vô công hiệu, vì cha nàng không dám tự ý làm cái gì bao giờ cả.

    Cuộc đời cứ đi như thế trong cái xó chợ cỏn con ấy. Thấm thoát Dung đã mười bốn tuổi, nhưng ai cũng tưởng là hãy còn trẻ con, mà tính tình nàng như đứa trẻ con thật. U già đã có khi phải gắt lên với nàng:

    - Bây giờ cô phải đứng đắn lên một tí chứ. Nhiều tuổi rồi còn gì nữa.

    Dung ngây thơ hỏi:

    - Đứng đắn là thế nào cơ, u?

    - Đứng đắn là đứng đắn chứ còn thế nào nữa, cô hỏi lẩn thẩn lắm. Cô không có vẻ người lớn một tí nào cả.

    - Ừ, thì tôi không người lớn. Nhưng không người nhớn thì làm sao hở u?

    U già vác quạt đánh, Dung chạy lại ôm lấy, rồi âu yếm ghé tai u già nói khẽ:

    - Tôi có người lớn, cậu mợ cũng không yêu hơn cơ mà.

    Thế là hai u cháu lại lặng yên không nói gì nữa.

    Một hôm mẹ Dung đưa một bà ở trên tỉnh về chơi. Thấy người lạ, nhất là cách ăn mặc thị thành của bà khách. Dung cứ đứng dán mắt lên nhìn. Mà lạ thay, lần này Dung không thấy mẹ quát mắng bảo lui đi như mọi bận có khách khác. Mà bà khách lạ cũng chăm chú nhìn Dung từ đầu đến chân, lại hỏi han Dung nữa.

    Sau hai bà thì thầm với nhau mãi. Mẹ Dung mời bà khách ở lại ăn cơm, rồi thân hành tiễn bà ra ga. Bẵng được ít lâu, một hôm mẹ Dung bổ hàng về, gọi Dung lại gần, lấy ra một gói bọc giấy mà bảo:

    - Đây là áo mới của cô đây. Lấy ra mà thay, chứ ai lại ăn mặc rách rưới thế kia bao giờ.

    Dung se sẽ cầm gói giấy mở ra, thấy hoa cả mắt: Nào áo nhiễu trắng, áo bom bay hồng, áo lụa màu hoa lý. Lại mấy chiếc quần lụa cạp đỏ, mấy cái áo cánh phin, mấy cái cổ yếm máy và mấy chục thước vải. Dung cất tiếng run run hỏi:

    - Của những ai đấy, mẹ?

    - Không, riêng của con đấy thôi.

    Dung sung sướng mân mê các cúc áo. U già cũng lại gần xuýt xoa khen.

    Từ hôm ấy, mẹ Dung chiều chuộng Dung lắm, không ghét bỏ như trước. Bà bắt Dung ăn mặc chỉnh tề, tập đi giầy nhưng vắng mặt mẹ, Dung lại vất giày đi chơi, vì nàng không quen đi bắt vấn tóc, và nhuộm răng.

    Cuối tháng tám năm ấy, bà khách lại xuống chơi ở lại ăn cơm. Mẹ Dung gọi Dung vào buồng, đóng cửa rồi thì thào với con đến hơn một tiếng đồng hồ.

    Sau cửa mở, thấy Dung bước ra mắt đỏ hoe như mới khóc, và bẽn lẽn không dám trông bà khách. Nhưng u già dỗ dành ít lâu, Dung lại vui vẻ và cười đùa như cũ. Hễ trẻ láng giềng có chế nhạo, Dung chỉ mỉm cười.

    Thế là Dung đi lấy chồng.

    Nàng đi lấy chồng cũng bỡ ngỡ và lạ lùng như người nhà quê lên tỉnh. Dung coi đi lấy chồng như một dịp đi chơi xa, một dịp rời bỏ được cái gia đình lạnh lẽo và cái xóm chợ quen mắt quá của nàng. Đi lấy chồng đối với nàng là hưởng một sự mới.

    Vì thế, khi bước chân lên ô tô về nhà chồng, Dung không buồn bã khóc lóc gì cả. Nàng còn chú ý đến những sự lạ mắt lạ tai của nhà giai, không nghe thấy những lời chúc hơi mát mẻ và ganh tị của hai chị và em bé nàng nữa.

    Về đến nhà chồng, Dung mới biết chồng là một anh học trò lớp nhì, vừa lẫn thẩn vừa ngu đần. Nàng đã bé mà chồng nàng lại còn bé choắt hơn. Nhưng bà mẹ chồng với các em chồng nàng thì to lớn ác nghiệt lắm.

    Qua ngày nhị hỉ, Dung đã tháo bỏ đôi vòng trả mẹ chồng, ăn mặc nâu sồng như khi còn ở nhà, rồi theo các em chồng ra đồng làm ruộng. Nhà chồng nàng giàu, nhưng bà mẹ chồng rất keo kiệt, không chịu nuôi người làm mà bắt con dâu làm.

    Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày. Đã thế lại không có người an ủi. Chồng nàng thì cả ngày thả diều, chả biết cái gì mà cũng không dám cãi lại bà cụ. Còn hai em chồng nàng thì ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm.

    Những lúc Dung cực nhọc quá, ngồi khóc thì bà mẹ chồng lại đay nghiến:

    - Làm đi chứ, đừng ngồi đấy mà sụt sịt đi cô. Nhà tôi không có người ăn chơi, không có người cả ngày ôm lấy chồng đâu.

    Rồi bà kể thêm:

    - Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu.

    Dung chỉ khóc, không dám nói gì. Nàng đã viết ba bốn lá thư về kể nỗi khổ sở của nàng, nhưng không thấy cha mẹ ở nhà trả lời.

    Một hôm tình cờ cả nhà đi vắng, Dung vội ăn cắp mấy đồng bạc trinh lẻn ra ga lấy vé tàu về quê. Đến nơi, mẹ nàng ngạc nhiên hỏi:

    - Kìa, con về bao giờ thế? Đi có một mình thôi à?

    Dung sợ hãi không dám nói rằng trốn về, phải tìm cớ nói dối. Nhưng đến chiều tối, nàng lo sợ quá, biết rằng thế nào ngày mai mẹ chồng nàng cũng xuống tìm. Nàng đánh bạo kể hết tình đầu cho cha mẹ nghe, những nỗi hành hạ nàng phải chịu, và xin cho phép nàng ở lại nhà.

    Cha nàng hút một điếu thuốc trong cái ống điếu khảm bạc, rồi trầm ngâm như nghĩ ngợi. Còn mẹ nàng thì đùng đùng nổi giận mắng lấy mắng để:

    - Lấy chồng mà còn đòi ở nhà. Sao cô ngu thế. Cô phải biết cô làm ăn thế đã thấm vào đâu mà phải kể. Ngày trước tôi về nhà này còn khó nhọc bằng mười chứ chả được như cô bây giờ đâu, cô ạ.

    Sớm mai, bà mẹ chồng Dung xuống. Vừa thấy thông gia, bà đã nói mát:

    - Nhà tôi không có phúc nuôi nổi dâu ấy. Thôi thì con bà lại xin trả bà chứ không dám giữ.

    Mẹ Dung cãi lại:

    - Ô hay, sao bà ăn nói lạ. Bây giờ nó đã là dâu con bà, tôi không biết đến. Mặc bà muốn xử thế nào thì xử. Chỉ biết nó không phải là con tôi nữa mà thôi.

    Bà nọ nhường bà kia, rút cục Dung được lệnh của mẹ phải sửa soạn để đi với mẹ chồng.

    Bị khổ quá, nàng không khóc được nữa. Nàng không còn hy vọng gì ở nhà cha mẹ nữa. Nghĩ đến những lời đay nghiến, những nỗi hành hạ nàng phải sẽ chịu, Dung thấy lạnh người đi như bị sốt. Nàng hoa mắt lên, đầu óc rối bời, Dung ước ao cái chết như một sự thoát nợ.

    Nàng không nhớ rõ gì. Ra đến sông lúc nào nàng cũng không biết. Như trong một giấc mơ, Dung lờ mờ thấy cái thành cầu, thấy giòng nước chảy. Trí nàng sắc lại khi ước lạnh đập vào mặt, nàng uất ức lịm đi, thấy máu đỏ trào lên, rồi một cái màng đen tối kéo đến che lấp cả.

    Bỗng nàng mơ màng nghe thấy tiếng nhiều người, tiếng gọi tên nàng, một làn nước nóng đi vào cổ. Dung ú ớ cựa mình muốn trả lời.

    - Tỉnh rồi, tỉnh rồi, không lo sợ gì nữa. Bây giờ chỉ đắp chăn cho ấm rồi sắc nước gừng đặc cho uống là khỏi.

    Dung dần dần nhớ lại. Khi nàng mở mắt nhìn, thấy mình nằm trong buồng, người u già cầm cây đèn con đứng đầu giường nhìn nàng mỉm cười một cách buồn rầu:

    - Cô đã tỉnh hẳn chưa?

    Dung gật:

    - Tỉnh rồi.

    Một lát, nàng lại hỏi:

    - Tôi làm sao thế nhỉ.. Bà cả đâu u? Bà ấy về chưa?

    U già để tay lên trán Dung, không trả lời câu hỏi:

    - Cô hãy còn mệt. Ngủ đi.

    Hai hôm sau, Dung mạnh khỏe hẳn. Bà mẹ chồng vẫn chờ nàng, hỏi có vẻ gay gắt thêm:

    - Cô định tự tử để gieo cái tiếng xấu cho tôi à? Nhưng đời nào, trời có mắt chứ đã dễ mà chết được.

    Thế bây giờ cô định thế nào? Định ở hay định về?

    Dung buồn bã trả lời:

    - Con xin về.

    Khi theo bà ra ga, Dung thấy người hai bên đường nhìn nàng bàn tán thì thào. Nàng biết người ta tò mò chú ý đến nàng.

    Trông thấy giòng sông chảy xa xa, Dung ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của mình. Lần này về nhà chồng, nàng mới hẳn là chết đuối, chết không còn mong có ai cứu vớt nàng ra nữa.

    Dung thấy một cảm giác chán nản và lạnh lẽo. Khi bà cả lần ruột tương gọi nàng lại đưa tiền lấy vé, Dung phải vội quay mặt đi để giấu mấy giọt nước mắt.

    3, Một cơn giận

    Một buổi tối mùa đông, chúng tôi ngồi trước lò sưởi, trong một căn buồng ấm áp. Tự nhiên trong câu chuyện, một người nói đến những cơn giận tự nhiên đến tràn ngập cả tâm hồn ta và có khi gây nên nhiều cái kết quả không hay. Rồi mỗi người đều bày tỏ ý kiến riêng của mình.

    Anh Thanh, từ nãy đến giờ vẫn lặng yên có vẻ trầm ngâm, cất tiếng nói:

    - Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ. Tôi biết hơn ai hết, vì chính tôi đã trải qua sự đó. Tôi sẽ kể các anh nghe một câu chuyện mà cái kỷ niệm còn in sâu trong trí nhớ tôi.

    Cũng một buổi chiều mùa đông như hôm nay, tôi ở tòa báo ra về, trong lòng chán nản và buồn bực. Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì. Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cảm giác đó rõ rệt hơn.

    Tôi đi vài bước trên con đường phố vắng người. Một cái xe tay dằng xa đi lại, anh phu xe co ro vì rét, hai tay giấu dưới manh áo tơi tàn. Theo lệ như mọi khi, tôi mặc cả:

    - Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ.

    - Thầy cho sáu xu.

    - Không, bốn xu là đúng giá rồi.

    Tôi vừa nói vừa bước đi. Người phu xe đã có tuổi, cứ kéo cái xe theo sau tôi mà lẩm bẩm: "Bốn đồng xu từ đây về nhà bò". Cái tiếng nhà bò anh ta nhắc đi nhắc lại làm cho tôi khó chịu. Tôi biết đó là một cách của các phu xe cứ đi theo sau khách để làm cho người ta bực tức, tôi lại càng ghét và quay lại gắt:

    - Có đi hay không thì thôi! Đừng có theo sau người ta mà lải nhải.

    Thấy tôi gắt, người phu xe đứng lại, không dám theo nữa. Nhưng để tôi đi một quãng xa, anh ta ới gọi:

    - Lại đây đi mà.

    Rồi anh ta hạ càng xe xuống, cứ đứng yên chỗ ấy đợi chứ không kéo lại phía tôi. Cái cử chỉ ấy làm tôi sinh ghét thêm, đã toan không đi, nhưng lúc ấy không có cái xe nào khác. Tôi giận dữ bước mạnh lên xe, vừa mắng:

    - Anh thật là lắm chuyện, không đi ngay lại còn vẽ.

    Anh xe cãi lại:

    - Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!

    - Thì ai bảo anh đi? Không có tôi đã gọi xe khác.

    Người phu xe khẽ thở dài, yên lặng nhấc xe lên. Lúc bấy giờ tôi mới ngả mình ra phía sau, nhưng thấy cái đệm cứng như gỗ đập vào lưng, tôi cúi xuống bên nhìn cái tay xe.

    Tôi đoán không sai, chính là một cái xe hiệu "con lợn" cái tên hiệu cũng xứng đáng một hạng xe tàng ở ngoại ô mà tôi vẫn phải đi. Anh xe này đã vào đây kéo trộm, vì xe ngoại ô không được phép vào thành phố đón khách, nếu không tuân lệnh thì bị phạt từ ba đến bốn đồng bạc. Sự tồi tàn của cái xe làm tôi càng ghét anh xe nữa.

    - Xe khổ thế này mà anh lại còn đòi cao giá.

    - Xe thế mà thầy chê thì còn thế nào nữa!

    Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn xe, gắt:

    - Thôi, câm họng đi, đừng lải nhải nữa.

    Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá. Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn dám cãi lại tôi mà không sợ.

    Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội xếp tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.

    - Ê! Đứng lại!

    Người kéo xe dừng chân.. Anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:

    - Lạy thầy.. thầy nói giúp con.. thầy làm ơn..

    Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe.

    Người cảnh sát tây đến, nói bằng tiếng ta hơi sõi:

    - Mày chết nhé! Mày sẽ bị phạt!

    Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.

    - Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi?

    Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe. Trong bóng tối của vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không. Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng, mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:

    - Tôi đi từ phố hàng Bún.

    - Vậy phiền ông xuống xe.

    Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh quái:

    - Allez! Đi về bót!

    Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người.

    Tôi rung mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?

    Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu. Qua ô Yên Phụ, nhìn thấy những thợ thuyền tấp nập làm việc dưới ánh đèn trong những căn nhà lá lụp xụp, tôi rảo bước đi mau, hình như trông thấy tôi họ sẽ biết cái hành vi khốn nạn và nhỏ nhen đáng bỉ của tôi ban nãy.

    Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra trước mắt.

    Tôi nhất đinh đem tiền đến cho người xe kia để chuộc tội lỗi của mình. Đến phố hàng Bột hỏi dò những người chung quanh xưởng xe, tôi biết được anh xe bị phạt đêm hôm ấy là tên Dư, và ở trong một dãy nhà quá ngã tư Khâm Thiên.

    Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà. Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn những người gầy gò, rách rưới như những người trong một cơn mê.

    Người phu xe Dư ở trong ấy. Một bà cụ già gầy giơ xương ngồi cắn chấy ở vệ hè chỉ cho tôi một cái cửa thấp bé ở đầu nhà. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà khẽ hỏi:

    - Bẩm thầy muốn gì?

    Khi mắt mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.

    - Bác Dư có nhà không?

    - Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

    Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:

    - Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.

    Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:

    - Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?

    Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói:

    - Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó lột quần áo đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không đuợc nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.

    Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:

    - Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.

    - Thế bây giờ bác ta đâu?

    Bà cụ trả lời:

    - Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ, nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chứ không cũng chẳng việc gì.

    Tôi yên lặng, trong lòng náo nức.

    Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:

    - Tội cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không?

    Tôi đứng lại gần xem. Trên cánh tay người mẹ, chỉ còn là một dúm thịt con đã nhăn nheo: Đứa bé há hốc miệng thở ra, măt xám nhợt. Người mẹ thỉnh thoảng lấy cái lông gà dúng vào chén mật ong để bên cạnh, phết lên lưỡi của đứa bé.

    - Cháu nó sài đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.

    Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc. Bà cụ già lê nhíc lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại những cái tã rách như xơ mướp.

    Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rướm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bươc ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực.

    Qua ngưỡng cửa, tôi va phải một người đàn ông ốm yếu tay cắp một cái áo quan con bằng gỗ mới. Đến bên đường, tôi nghe thấy trong căn nhà lụp xụp đưa ra tiếng khóc của hai người đàn bà.

    Đứa bé con đã chết.

    Anh Thanh lặng yên một lát như nghĩ ngợi, rồi nói tiếp:

    - Cái kỷ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, lại thấy đau đớn trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi.

    4, Một đời người

    Tiếng còi tan việc nổi lên vang động trong không khí. Lập tức các công việc trong xưởng đều ngừng lại. Bọn thợ đàn ông với lấy cái áo mũ trên mắc rồi hấp tấp dồn nhau đi ra phía cửa như một lớp sóng người.

    Liên cùng mấy chị em bạn gái thong thả hơn, vì công việc họ làm xong đã lâu rồi. Nhìn lại một lần nữa cái thùng giặt đầy quần áo sạch sẽ họ làm trong một xưởng xe tay bọn thợ con gái ra đến cửa sau hết mọi người. Họ vui vẻ nói chuyện luôn miệng như những con chim sẻ ngày mùa. Nhưng Liên không thể giữ được cái rùng mình sẽ rung chuyển thân thể nàng mỗi lần đến trước một chú tây đen cao lớn ngồi canh cổng và khám các người làm công. Toàn thân Liên cứng lại dưới hai bàn tay mập mạp đen thủi nắn bóp khắp cả trong ngươi. Nàng nhắm mắt như không muốn trông thấy cái cười khả ố của người gác và hai con mắt sâu hoắm của hắn ta long lanh ham muốn.

    Ra đến ngoài, Liên nhẹ hẳn người. Cảnh tấp nập ở ngoài phố làm nàng vui vẻ. Mấy chị em bạn cùng rảo bước trên vỉa hè, vừa đi vừa nói những câu chuyện trong sở, thỉnh thoảng làm cho một cô bật lên mấy tiếng cười trong trẻo, ròn rã như tiếng cười con trẻ. Liên và mấy cô bạn gái của nàng, tuy đã có đến hàng nghìn lần, mà lần nào ở trong xưởng ra về, cũng thấy vui vẻ trong lòng như một người vừa làm xong công việc của mình. Cái vui vẻ giản dị ấy làm cho nàng quên trong chốc lát những khó nhọc và các ý nghĩ lo buồn.

    Đến chỗ rẽ sắp phải chia tay, tất cả bọn đứng dừng lại dưới gốc cây bàng, Liên sẽ bảo các bạn:

    - Các chị bây giờ về nhà, chắc chồng con vui vẻ lắm. Chỉ có em là khổ thôi.

    Mọi người nhìn Liên không nói gì. Vì họ biết Liên lấy phải người chồng vũ phu ác nghiệt, hay đánh đập nàng. Lại thêm mẹ chồng cũng ác nghiệt chẳng vừa, hơi một tí là đay nghiến nàng thậm tệ, đến nỗi cấm cả không cho các bạn lai vãng đến nhà nàng nữa.

    Khi Liên quay đi, mấy người bạn nhìn theo thương hại:

    - Chị Liên thật là khổ. Đi làm cầm cập suốt ngày để nuôi cả nhà chồng, về nhà lại bị chồng nó hành hạ.

    Cô Sinh, người nhiều tuổi nhất trong bọn, giọng nói đầy vẻ tức giận:

    - Tôi mà như chị ấy thì tôi bỏ quách đi lấy người khác. Mình đi làm kiếm được nuôi thân, có phải nhờ vả gì nhà chồng đâu mà sợ.

    Một người khác chép miệng thở dài:

    - Chẳng qua cũng là tại cái số chị ấy vất vả nên mới gặp người như thế.

    Liên một mình thong thả bước đi. Nàng không còn vui vẻ nữa vì sắp về tới nhà. Nàng buồn rầu nghĩ đến cái cảnh êm thấm trong gia đình của các bạn, khi đi làm về được chồng con săn sóc đến. Về phần nàng, không phải một cái gia đình mà nàng lui tơi nữa, chính là một cái địa ngục. Liên không hiểu vì sao chồng nàng và mẹ chồng đối với nàng lại ác nghiệt, ghét nàng như thế. Có lẽ vì xưa kia cha mẹ nàng đã bắt người ta phải dẫn cưới nhiều chăng? Nàng đoán có lẽ thế vì mỗi lần chửi mắng bà mẹ chồng lại nhắc đến chuyện ấy mà đay nghiến nàng.

    Liên thở dài nhớ lại quãng đời nàng từ lúc đi lấy chồng. Bảy tám năm qua, mà Liên tưởng hình như lâu lắm, hình như đã hết nửa đời người. Nàng về nhà chồng từ năm mười bảy tuổi. Tại sao nàng lại lấy người chồng này mà không lấy Tâm, người nàng quý mến từ thủa nhỏ và bây giờ cùng làm một sở với nàng, Liên cũng không rõ tại sao nữa. Khi cha mẹ nàng ngỏ ý gả cho Tích, lấy cớ rằng hai nhà vẫn quen biết nhau, Liên tuy không bằng lòng nhưng nàng vẫn không từ chối. Mà nàng cũng không dám từ chối cái gì. Nàng tưởng rằng mình sinh ra chỉ để chịu sai khiến mà thôi, không dám phản kháng bao giờ cả.

    Trong bảy năm ở nhà chồng, nàng chịu bao nhiêu nỗi khổ sở, hành hạ mà không dám kêu ca. Liên chỉ âm thầm đau đớn. Nàng thương hại cho Tâm đã khổ vì nàng. Khi được tin nàng đi lấy chồng, Tâm bỏ nhà trốn đi. Cách đây một năm sự tình cờ lại khiến cho nàng với người cũ gặp nhau làm cùng một sở. Tâm vẫn yêu nàng, và sau khi biết nàng bị khổ, chàng yêu cầu nàng bỏ chồng cũ để lấy chàng.

    Liên nhiều khi sung sướng tưởng tượng đến cái đời dễ chịu của nàng nếu lấy Tâm. Nhưng Liên vẫn từ chối. Chính nàng cũng không hiểu tại sao mà từ chối. Hình như có những cái lẽ tối tăm làm cho nàng sợ hãi, không dám nhận lời. Liên lờ mờ thấy rằng nàng không đủ can đảm làm một việc như thế, không đủ quả quyết với mình để chống lại những cái cay nghiệt gây nên chung quanh nàng. Không phải vì nàng quyến luyến đứa con lên sáu: Nàng không yêu nó vì nó cũng xấc láo như bố. Nhưng bỏ chồng bỏ con để lấy Tâm, để được sung sướng riêng lấy mình nàng, Liên cho như là một việc không bao giờ có thể làm được.

    Sáng nay, vào đến sở, nàng thấy Tâm khác mọi ngày thường. Chàng gọi nàng ra một chỗ và ứa nước mắt nói:

    - Liên ạ, mai tôi phải đổi đi Sài Gòn, mà đi chưa biết bao giờ mới được về, Liên nghĩ thế nào? Nếu Liên còn yêu tôi, xin Liên đi hẳn với tôi, chúng ta sẽ xa hẳn chỗ này. Tôi xin cam đoan làm cho đời Liên được sung sướng. Liên bằng lòng đi, Liên!

    Nàng chỉ cúi mặt khóc. Khi thấy Tâm thất vọng quay đi, nàng đau đớn, uất ức, như đứt từng khúc ruột. Hình như từ đây có cái gì gẫy nát không phương vớt lại được trong cả đời nàng.

    Bước chân vào nhà, tự nhiên Liên thấy lo sợ. Không khí trong nhà nặng nề như sắp có tai nạn gì xảy ra. Tích và bà mẹ đương ngồi bàn tán, thấy nàng về ngưng lại, mỗi người ngồi một chỗ, nhưng thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nàng. Liên lặng lẽ vào buồng xem con ngủ, rồi ngồi bên mâm cơm nguội để phần. Nàng và vội vàng mấy miếng cơm, cố nuốt cho xong bữa.

    Bỗng nhiên bà mẹ chồng lại gần, giọng dịu dàng làm nàng ghê sợ:

    - Này cô Liên, thế cô định đi theo cậu Tâm vào Sài Gòn thật đấy chứ?

    Liên giật mình, hoảng hốt đáp:

    - Thưa mẹ, ai bảo mẹ thế?

    - Lại còn ai bảo nữa. Mà cần gì phải có ai bảo tôi mới biết. Thôi, cô có đi thì cứ thu xếp mà đi đi, đừng ở đây nữa. Phải, cô thiết gì cái nhà này..

    Liên thưa:

    - Mẹ nói oan cho con, chứ con đâu dám thế.

    Bà mẹ chồng lồng lộn lên, xỉa xói:

    - Đừng già mồm nữa, con kia. Có người rõ ràng trông thấy mày đứng nói chuyện với nó buổi sáng nay, còn chối gì nữa, đồ khốn nạn! Này tao bảo thật: Mày tưởng mày đi thoát được cái nhà này à?

    Bà cụ đay nghiến và riếc móc nàng bằng những lời chua cay. Tích vẫn ngồi trên ghế, yên lặng không nói gì. Liên ứa nước mắt, đặt bát cơm ăn dở xuống chiếu, phàn nàn:

    - Mẹ cứ đặt điều cho con mãi. Thật là ác, không cho người ta nuốt trôi miếng cơm nữa.

    Nàng nghẹn ngào, buông đũa đứng dậy toan bước xuống dưới nhà. Nhưng có tiếng xô ghế, rồi một bàn tay nắm chặt lấy cổ nàng:

    - Mày bảo mẹ tao ác à? Không ác để cho mày tự tiện đi theo trai phải không?

    Bàn tay như sắt bóp chặt xoay nàng lại. Liên thấy giáp mặt mình, cái mặt ghê sợ của Tích, hai mắt đỏ ngầu. Cái giận dữ làm tiếng hắn run lên:

    - Con đĩ!

    Liên thoáng nghĩ nét mặt thanh tao của Tâm ban sáng. Nàng khing bỉ nhìn chồng:

    - Buông tôi ra.

    Rồi nàng gục xuống dưới những cái đấm đá nặng nề. Lòng ghen ghét làm Tích khỏe thêm lên. Hắn nghiến răng lại đánh túi bụi. Hắn thấy ghét nàng đến cực điểm. Không phải vì nàng không yêu mà hắn căm tức. Nhưng nàng lại đi yêu một người khác, như đâm vào lòng tự ái của hắn. Sự ấy không bao giờ hắn tha thứ được.

    Khi Liên thấy tiếng nói, tỉnh lại, thì đã chiều. Mở mắt, nàng thấy đứa con đứng bên sợ hãi nhìn nàng. Liên vùng ngồi dậy, lo sợ, vì sực nhớ đã mất buổi làm. Nhưng khi cử động, nàng thấy khắp người đau đớn như giần, và cái quang cảnh buổi trưa lại hiện ra trong trí.

    Một sự căm hờn nỗi dậy trong lòng nàng, Liên nhớ ra ngày mai Tâm phải đổi vào Sài Gòn. Sao nàng không đi với Tâm được? Ai cấm? Mà tôi gì nàng ở đây để chịu những nỗi khổ sở như thế này? Phải đi, đi để thoát nơi địa ngục, đi để hưởng chút hạnh phúc mà nàng có quyền được hưởng ở đời.

    Nhưng đến ngày mai, những điều dự định của Liên tiêu tán cả. Nàng ẵm con ra tiễn Tâm ngoài ga, rồi để Tâm một mình bước lên xe hỏa mang theo đi cái hy vọng cuối cùng của đời nàng. Khi đoàn xe đã khuất, Liên thấy bao nhiêu nỗi đau khổ trỗi dậy ngập lòng. Nàng gục đầu vào chiếc cột sắt, rồi òa lên khóc.

    Ngày nọ nối tiếp ngày kia, Liên lại vẫn chịu cái đời khổ sở, đau đớn mọi ngày. Cái mộng một cuộc đời sung sướng với Tâm, Liên buồn rầu cho như là những vật tốt đẹp mà nàng thấy bày trong tủ kính các cửa hàng, những vật quý giá mà nàng tưởng không bao giờ có thể thuộc về nàng được.

    5, Người bạn trẻ

    Anh Bình! Tôi đang mải ngắm một cửa hàng, vội vàng quay lại, ngơ ngác nhìn xem ai gọi. Trên bờ hè phía bên kia, một người nhỏ bé, bận quần áo ta, miệng cười và giơ tay vẫy. Tôi chưa nhận rõ là ai. Người đó, đợi cho mấy chiếc xe tay đi khỏi, rồi tất tả chạy qua đường đến gần tôi, tay giơ ra vui vẻ.

    - À, anh Bào.

    Chúng tôi mừng rỡ. Bào nắm chặt lấy tay tôi, lay đi lay lại:

    - Anh chưa quên tôi à?

    Tôi đáp:

    - Quên thế nào được một người bạn học cũ. Nhất là anh thì tôi lại càng nhớ lắm.

    Một tia vui thoáng qua trong mắt Bào. Anh thong thả nói:

    - Lâu lắm rồi anh nhỉ. Thấm thoát thế mà đã hơn bảy, tám năm đấy. Anh trông tôi có khác trước lắm không?

    Tôi nhìn Bào từ đầu đến cuối, rồi đáp:

    - Không khác mấy, chỉ có hơi gầy đi một chút. Nhưng cái vẻ "con gái" của anh thì vẫn vậy, không khác tí nào!

    Hai chúng tôi cùng cười. Khi còn học ở trường, anh Bào vẫn có cái huy hiệu là "con gái" do anh em tặng. Vì hồi ấy, anh mới có mười ba tuổi chúng tôi học ở lớp nhất hai má anh hồng hồng và vẻ mặt anh nõn nà trông xinh xinh như một cô con gái thật. Mà tính tình anh cũng ngây thơ nữa.

    Mới đầu còn gọi đùa, sau cái tên ấy thành quen, các bạn học ai cũng gọi anh Bào như thế. Chúng tôi thường trêu anh bằng cách gọi anh lại gần, xoa đầu anh mái tóc anh rất đẹp hôn đùa vào má rồi bảo: "Cô gái bé tôi xinh chửa", hoặc một câu khác tương tự. Anh Bào cố sức giang tay chúng bạn ra, mặt anh thẹn đỏ lên, trông lại càng đáng yêu và càng giống cô con gái lắm.

    Sự nhắc lại những kỷ niệm chung ấy làm chúng tôi trở nên thân mật như xưa. Tôi khoác tay Bào vừa đi vừa nói chuyện.

    - Tôi nghe hình như anh đang học ở ban thành chung Nam Định cơ mà. Sao bây giờ anh lại lên đây?

    Bào buồn rầu đáp:

    - Tôi bị đuổi rồi anh ạ. Từ đầu năm ngoái.

    Anh kể lại cho tôi nghe cái duyên cớ: Anh đang học năm thứ tư sắp thi ra, thì xảy ra việc các học trò để tang một nhà chí sĩ. Cả lớp cùng bị đuổi. Sau ít lâu, mọi người lại lục tục xin vào và được phép trở về học. Chỉ có anh và mấy người nữa, mà không biết kẻ nào đã vu cáo là cầm đầu cuộc bỏ học bị đuổi hẳn. Anh không minh oan được. Cả cha anh ở bên Thái cũng sang, vào nói với ông đốc, nhưng vô hiệu.

    Từ độ ấy, thầy tôi giận tôi lắm. Nhà tôi nghèo, anh cũng biết, mà tôi lại là hy vọng độc nhất của cả gia đình, các em tôi thì còn bé.

    Thầy mẹ tôi khổ sở lắm mới nuôi tôi ăn học đến thế. Vậy mà đột một cái bị đuổi.

    Ngừng một lát, anh Bào tiếp:

    - Tôi về nhà không chịu được. Thầy tôi cứ uống rượu say, rồi chửi mắng tôi là đứa con bất hiếu phụ công cha mẹ, không nghĩ gì đến nhà cửa, chỉ đua đòi anh em đến nỗi bị đuổi. Thầy tôi bắt phải ra Hà Nội tìm việc làm, bảo nếu không được thì đừng về trông thấy mặt nữa.

    Anh Bào khẽ thở dài:

    - Nếu không có công việc thì thật tôi cũng không dám về. Thầy tôi nghiêm lắm anh ạ.

    - Sao anh không xin đi làm?

    - Không được. Tôi bị cấm suốt đời không được làm việc trong các sở của nhà nước.

    Anh Bào trở nên yên lặng. Một lát, tôi hỏi:

    - Còn các nhà buôn? Các sở tư? Ấy, tôi cũng chỉ còn hy vọng ở những chỗ ấy. Nhưng cũng khó lắm, ít người dám mượn một người học trò bị đuổi và bị cấm. Đi đến đâu, họ cũng biết. Với lại tôi cũng không có các giấy chứng chỉ, vì có đi làm bao giờ.

    Chúng tôi thôi nói, lặng đi rảo bước trên hè phố. Đến chợ cửa Nam, Bào giằng tôi ra, bảo:

    - Tàu điện 80 đến rồi, tôi phải về nhà không họ đợi.

    - Anh ở đâu?

    Bào nở một nụ cười buồn trên miệng, trả lời:

    - Tôi ở trọ một hàng cơm nhỏ ở dưới ô Cầu Giấy. Không dám mời anh xuống chơi.

    - Thì anh đến chơi đàng tôi. Anh nhớ số nhà rồi chứ?

    Bào nhảy vội lên xe điện, giơ tay chào. Tôi nói thêm:

    - Thế nào anh cũng đến chơi nhé.

    Xe chạy khuất vào chỗ rẽ phố hàng Đẫy. Tôi thong thả trở bước về nhà, trong óc miên man nghĩ ngợi.

    Sự gặp gỡ này vớt lại bao nhiêu kỷ niệm về quãng đời học sinh của tôi ở tỉnh Thái. Những nét mặt bạn cũ đã quên lại hiện ra trong trí nhớ, với những buổi học vui vẻ, những cuộc nô đùa vô tư lự. Bao nhiêu ngày sung sướng của tổi trẻ!

    Nghĩ đến Bào tôi đem lòng thương hại. Cậu bé con xinh xinh giống con gái ấy, với cái vẻ ngây thơ, hồi ấy làm cho chúng bạn yêu mến. Tôi thường theo anh đến nhà chơi, một căn nhà lá ở đầu tỉnh. Hai người ngồi trên chiếc chõng tre nói chuyện bên cạnh, bà mẹ anh Bào tráng bánh trứng và thổi xôi để đem bán. Thỉnh thoảng tôi mới gặp thầy anh ta; ông có vẻ nghiêm nghị lắm, và hình như lúc nào cũng ung dung không làm gì.

    Không nhớ là mấy tháng sau, anh Bào đến chơi tôi. Trông anh khác hẳn, người gầy đi một chút, và xanh xao như ốm. Anh hình như đã đi bộ nhiều ở ngoài đường, nên quần áo và giầy đầy những bụi.

    Tôi mời anh ngồi, ân cần hỏi:

    - Anh đã tìm được công việc làm chưa?

    Bào lắc đầu:

    - Chưa, anh ạ. Suốt trong mấy tháng nay, tôi đi khắp các nơi ở Hà Nội mà chẳng tìm được việc gì. Đến đâu người ta cũng từ chối.

    Anh nghĩ một lát, rồi nói thêm:

    - Người ta thật là bất công và vô lý quá. Tôi đã làm nên tội lỗi gì đâu!

    Lời nói nghẹn ngào trong cổ họng anh. Anh ngồi thừ người ra, không buồn uống chén nước che của tôi mời. Tôi cũng yên lặng, không biết nói gì. Những lời an ủi lúc bấy giờ, tôi thấy hình như vô ích.

    - Anh cứ chịu khó đợi ít lâu nữa xem. Để cái chuyện ấy người ta quên đi đã.

    - Cũng đành phải chờ, chứ biết làm thế nào. Nhưng cũng phải có tiền để trả tiền trọ chứ.

    Anh Bào cố mỉm cười. Cái cười thật đáng thương và ái ngại. Tôi nhìn kỹ anh: Chiếc áo lương anh mặc đã cũ bạc, vá kín đáo một vài chỗ. Trên mặt anh có bao nhiêu nốt lấm chấm đỏ dày đặc cả hai má. Vô tình, tôi hỏi:

    - Anh bị muỗi đốt dày cả mặt kia kìa.

    Anh Bào có vẻ thẹn:

    - Chỗ tôi không có màn và không được thoáng. Có khi muỗi đốt cả đêm không sao ngủ được.

    Thấy người nhà tôi sửa soạn dọn cơm, anh đứng dậy cáo từ. Tôi tiễn anh ra ngoài cửa. Con đường về ô Cầu Giấy thẳng tăm tắp và bụi mù. Anh bắt tay tôi, toan quay lại đi thì tôi hỏi:

    - Anh không đợi xe điện mà về à? Bào lắc đầu, vỗ vào túi:

    - Không hết cả tiền rồi.

    Tôi ái ngại, giữ anh lại: "Anh hãy đợi tôi một chút". Rồi vào nhà lấy mấy hào chỉ còn lại trong túi, ngượng nghịu đưa cho anh: "Anh cầm tạm mà đi xe".

    Bào không nhìn đến tiền, bỏ vào túi rồi nắm chặt lấy tay tôi khẽ nói:

    - Cám ơn anh.

    Anh quay ra. Tôi nhìn theo cho đến khi anh lẫn vào đám người đi làm về.

    Một tuần sau, tôi đang qua chợ cửa Nam, bỗng nghe thấy tiếng gọi. Một chiếc xe tay dừng lại sát hè. Tôi nhận thấy anh Bào, nằm ngay trên xe, bên cạnh có một người đàn bà đã đứng tuổi. Anh cố ngóc đầu dậy bảo tôi:

    - Tôi về Thái đây, anh Bình.

    Tiếng nói phều phào như người hết hơi. Mặt anh đỏ gay, hai mắt sáng lên một cách khác thường. Tôi sợ hãi hỏi:

    - Chết chửa, anh làm sao thế?

    - Tôi ốm, anh ạ. Bà chủ trọ sợ tôi chết ở nhà bà nên nhờ bà này đưa tôi về. Xin chào anh nhé.

    Tôi sửng sốt, yên lặng. Người đàn bà nhìn tôi nói, như định phân trần:

    - Cậu ấy sốt cả bảy tám hôm nay rồi. Bà Hai cũng đã sắc cho cậu ấy mấy chén thuốc nhưng bệnh không đỡ, nên mới nhờ tôi đưa cậu ấy về vậy. Ông cũng biết, nhà người ta làm ăn buôn bán, cần phải kiêng giữ.

    - Nhưng anh đương ốm thế này thì về làm sao?

    Anh Bào nhìn tôi không trả lời, có vẻ mệt nhọc lắm. Tiếng còi xe hỏa bỗng vang động ở phía ga. Người đàn bà giục anh phu xe:

    - Thôi đi nhanh lên kẻo nhỡ.

    Tôi nắm tay anh Bào. Bàn tay anh nóng rực như lửa. Tôi thấy lòng tôi thắt lại khi xe anh quay đi.

    Hơn một năm đã qua. Từ hôm ấy, tôi không nhận được tin tức gì về anh Bào nữa. Hình ảnh anh mờ dần trong trí tôi.

    Rồi một buổi chiều, tôi đang ngồi xem báo dưới bóng đèn thì cửa bỗng mở. Hai cậu bé mặc áo thâm thập thò ở ngoài rồi rụt rè bước vào. Tôi ngạc nhiên. Cậu nhớn úp cái mũ trắng trên ngực, lễ phép hỏi:

    - Thưa ông, có phải đây là nhà ông Bình không ạ?

    - Phải, tôi đây. Hai cậu hỏi gì?

    Cậu bé yên lặng thò tay vào trong người lấy ra một cái gói con bọc giấy để trên bàn trước mặt tôi, rồi nói:

    - Thưa ông, chúng tôi là em anh Bào.

    - À.. Thế anh Bào đâu?

    Cậu bé sẽ trả lời:

    - Anh chúng tôi tự tử rồi ạ.

    Tôi bàng hoàng cả người, nhìn hai cậu bé. Tôi nhận thấy hai cái mũ trắng đều có quấn băng tang. Thế ra thực ư, anh Bào tự tử? Cái chán nản, đau khổ gì đã xui anh chết trong lúc còn trẻ trung chưa đầy hai mươi tuổi.

    Hỏi chuyện, tôi mới biết anh Bào ở trên này về cứ ốm liên miên mãi. Rồi anh ở nhà không đi đâu nữa. Một buổi chiều đầu tháng vừa rồi, bà mẹ đi chợ về đến buồng thì đã thấy anh treo cổ trên xà. Người nhà vội khiêng đến nhà thương cứu chữa. Anh tỉnh lại một chốc, rồi đến mười một giờ đêm thì mất.

    Cậu bé kể xong, tiếp thêm:

    - Trước khi chết, anh tôi có gọi hai chúng tôi lại bảo: "Anh chỉ có một ngươi bạn tốt là ông Bình. Các em nhớ đem cái gói này đưa lên cho ông ấy."

    Tôi giở ra, thấy có hai cái ảnh đã cũ. Một bức chụp chung cả lớp học, hồi còn học ở Thái. Tôi nhận thấy tôi đứng bên cạnh Bào. Còn bức kia là tấm ảnh nửa người của anh. Nhìn thấy cái vẻ xinh trai và ngây thơ của người bạn cũ, lòng tôi thấy nao nao thương tiếc. Nước mắt tràn lên mi, tôi thấy nghẹn ngào như muốn khóc.

    Hai cậu bé cũng lặng lẽ, buồn rầu, đưa mắt nhìn tôi. Hai đứa trông giống anh Bào quá, cũng đôi mắt thông minh và cái vẻ kháu khỉnh ngây thơ như thế. Tôi chợt nghĩ đến sự nghèo nàn của nhà anh, đến hai đưa trẻ kia không có chỗ nương tựa để ăn học, thật là đáng thương.

    Tôi xếp hai cái ảnh cũ lại rồi ngọt ngào bảo hai đứa ngồi xuống ghế. Tôi kêu khẽ:

    - Hai em có thương anh ấy không?

    Hai cậu cùng yên lặng. Cậu bé nhất bỗng ôm mặt khóc, hai vai nấc lên dưới tấm áo vải thâm đã cũ.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...