Review Truyện Truyện Ngắn Sang Sông - Nguyễn Huy Thiệp

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Toiodayviban, 19 Tháng mười 2024.

  1. Toiodayviban

    Bài viết:
    10
    Bài viết này là một số chiêm nghiệm của tớ về những xung đột mang đậm tính kịch trong tác phẩm "Sang sông" của tác giả Nguyễn Huy Thiệp:

    [​IMG]

    1. Một số thông tin về tác giả, tác phẩm

    1.1. Tác giả Nguyễn Huy Thiệp

    - Con người: Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng trong các thể loại kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết với những góc nhìn mới mẻ, táo bạo.

    - Phong cách sáng tác

    · Thứ nhất, Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng với giọng văn lạnh lùng, vô âm sắc. Tác phẩm của ông chủ yếu sử dụng câu trần thuật ngắn gọn, mang đậm tính chất liệt kê, tái hiện lại sự việc.

    · Thứ hai, Nguyễn Huy Thiệp là người có tài đưa thơ vào trong văn xuôi làm gia tăng tính thẩm mĩ. Đối với các sáng tác truyện ngắn của ông đều phảng phất cảm quan thơ ca, Nhà văn Lê Minh Hà gọi đó là những truyện ngắn "dữ dội và hết sức thơ".

    · Thứ ba, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có kết cấu đặc biệt: Mở đầu và kết thúc. Nhà văn mở đầu theo lối truyền thống và kết thúc mở. Kết thúc thường không có hậu (Chảy đi sông ơi, Những bài học nông thôn) ; Kết thúc bằng những cuộc ra đi của nhân vật (Muối của rừng, Những người thợ xẻ) ; Kết thúc bằng nhiều khả năng, để cho độc giả tự lựa chọn (Tướng về hưu).

    1.2. Truyện ngắn "sang sông"

    - Cho tới nay, tác phẩm "Sang sông" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chưa xác định được thời điểm sáng tác.

    - Truyện ngắn Sang sông được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản sân khấu có tên "Đến bờ bên kia". Năm 2008, đạo diễn Anh Tú đã dựng vở này dưới sự cố vấn của đạo diễn Doãn Hoàng Giang.

    - Bối cảnh câu chuyện: Một chuyến đò tưởng chừng như bình thường, với những con người mang thân phận, địa vị khác nhau; cuộc đối thoại có phần như rời rạc, nhạt nhẽo, giữa họ không có một câu chuyện chung để cùng bàn luận hay gắn kết ngay thời khắc ban đầu. Nhưng mười một con người, mười một gương mặt mờ nhạt mà ngay đến cả cái tên chỉ đích danh cũng không có lại mở ra biết bao nhiêu suy tư chiêm nghiệm về bản chất con người và xã hội. Những con người trên chuyến đò – hay chính là một xã hội thu nhỏ tập hợp đủ các thành phần nam phụ lão ấu, quân tử tiểu nhân, thiện và ác..

    2. Biểu hiện của sự xung đột trong tác phẩm "Sang sông"

    Một truyện ngắn đầy ấn tượng với sự giao tranh, lấn làn giữa các thể loại. "Sang sông" vừa thấm đẫm chất thơ lại vừa mang những yếu tố đặc trưng cho một vở kịch: Không chỉ thông qua kết cấu chia phần, gồm ba cảnh chính tương thức với một vở kịch: Lên đò - Nhân duyên, Trên đò - Bản tính, Xuống đò - Sắc không; hay bố cục không gian, thời gian, nhân vật, hay là cách tác giả liệt kê toàn bộ nhân vật ở phần giới thiệu như cách một vở kịch được bắt đầu.. mà còn được khắc họa qua những xung đột gay gắt, những mặt đối lập, rối ren tưởng vậy mà không phải vậy trùng điệp trong tác phẩm.

    Câu chuyện tưởng nhưng chẳng có gì, song lại được đẩy lên cao đến tột đỉnh khi cậu bé đút tay mình vào chiếc bình cổ và mắc kẹt trong đó. Tình huống ấy giống như một "chiếc gương chiếu yêu" đem cái phần đen tối, sâu kín nhất của mỗi người phơi bày ra trước mắt bạn đọc..

    2.1. Xung đột giữa con người với con người

    Giống như một điều tất yếu của xã hội, trên chuyến đò ấy có đủ thứ hạng người: Một nhà sư, một nhà thơ, một nhà giáo, một tên cướp, hai tên buôn đồ cổ, hai mẹ con, một cặp tình nhân và chị lái đò. Bởi sự khác biệt cho nên khi mười một con người được đặt vào trong một không gian hẹp đã tạo ra nhiều sự va chạm và xung đột giữa những tâm hồn không đồng điệu. Giữa họ tồn tại những quan điểm riêng, cái nhìn mang tính cá nhân bị chi phối bởi hoàn cảnh xã hội, thời đại hay thế hệ khác nhau khiến cho mười một con người dù chỉ gặp gỡ lướt qua nhau nhưng không phút nào hòa hảo, không có một điểm trùng lặp hay gặp gỡ. Những con người vốn mang cái nhìn truyền thống như người thiếu phụ sẽ lấy làm khó chịu trước hành động ân ái dù đang "ban ngày ban mặt" giữa chốn đông người của cặp tình nhân, người tu hành như nhà sư, người mang tư tưởng như chối bỏ thực tại nhìn mọi thứ như "súc vật" của ông giáo, kẻ bặm trợn như tên cướp, và bản tính làm ăn toan tính của bọn buôn đồ cổ.. từng cá tính riêng thuộc về một cá thể, khi va chạm đã tạo nên những xung đột trái dấu, không ai ưa ai.

    Ngay từ thời khắc đầu tiên tên cướp "người không ra người, ngợm không ra ngợm" xuất hiện đã nhận lấy cái nhìn đầy định kiến từ những người ngồi trên đò. Rồi đến cách nói: "Có cỗ cưới, người ta mời. Ông lão sáu mươi lấy cô mười bẩy" đầy khoái trá lại càng khiến người nghe thêm khó chịu với sự việc lạ lùng, gàn dở ấy.. Hay sự xuất hiện của đôi tình nhân với hành động: "Chàng trai luồn bốn ngón tay qua lần chun quần cô gái. Cô gái định làm một cử chỉ cưỡng lại nhưng sợ mọi người chú ý nên lại ngồi im." Giữa chốn đông người đôi tình nhân không để tâm đến những ánh mắt của người xung quanh mà làm những hành động "ân ái" với nhau khiến người thiếu phụ khó chịu bởi "tiếng rên khe khẽ" và trong con mắt của một người phụ nữ "hai mươi ba tuổi", cô biết đôi tình nhân đang "giở trò khỉ" . Hành động ấy là lãng mạn hay thiếu thuần phong mỹ tục, là đầy cám dỗ kích thích hay là vi phạm quy chuẩn đạo đức? Tất cả còn nằm trong một cách nhìn, một thái độ đánh giá, không ai giống ai.

    2.2. Xung đột giữa lý trí và dục vọng trong mỗi con người

    Không chỉ tồn tại trong sự mâu thuẫn với mọi người cùng chuyến đò, mà trong chính họ cũng đang giằng co, tranh đấu giữa phần người và phần con, giữ lí trí và dục vọng, giữ phần cao thượng với những toan tính tủn mủn đời thường..

    Nhân vật nhà sư luôn tâm niệm hướng phật, tưởng như đã giũ bỏ hết hồng trần, tham sân si thế nhưng trong khoảnh khắc chiếc bình xuất hiện người ta lại thấy "Nhà sư ngước lên, trong ánh nhìn lóe một tia sáng thậm chí giống hệt dục vọng: - Bình gốm thời Bắc thuộc, đời Lý Bí hay Khúc Thừa Dụ.. Ngần ngừ giây lát, nhà sư đưa bàn tay sờ lên miệng bình: - Chùa Tương có cái bình thế này, bán đi đủ tiền xây lại tam quan."

    Hay mới giây trước, đôi tình nhân còn mặn nồng ân ái, "cái luồn tay nhẹ nhàng của người đàn ông vào quần lót của người tình khiến cô gái rên lên những tiếng kêu khe khẽ" . Nhưng khi người con gái có ý né tránh hành động bất cẩn của người yêu mình đã cho ta thấy rõ con người của gã đàn ông kia "Chàng trai bực mình rút tay khỏi lòng cô gái. Anh len lén chùi tay vào khe ván đò nhưng không làm sao gạt được sợi lông loăn xoăn dính ở ngón tay. Ngay lúc ấy, một ý nghĩ hiện lên khiến anh tự dưng cáu bẳn." Người đàn ông cảm thấy ghê rợn với thứ anh coi là không sạch sẽ của người bạn gái, và trong thời khắc đó cái gọi là lí trí và lòng hổ thẹn bỗng trội dậy đằng sau cái dục vọng đen tối được bọc trong cái hộp bóng bẩy mang tên tình yêu kia khiến anh giận dữ, sự giận dữ mà anh ta cho là "bản lĩnh" của người đàn ông: "Đàn bà.. quỷ sứ.. Tất cả đều chẳng ra gì.. Bẩn thỉu.." . Dưới danh nghĩa của tình yêu cao đẹp, sự ân ái tiếp xúc da thịt nồng nhiệt nhưng có chăng thứ người đàn ông cần là sự thỏa mãn khoái cảm của thân xác chứ không thật lòng yêu người con gái của mình. Không ngại đưa ra những lời xúc phạm đắng cay chà đạp lên người con gái mà mới phút trước hắn vẫn còn ôm ấp, ân ái. Sự suy đồi nhân cách vô thức bộc phát đã xé toạc vẻ đạo mạo giả dối mà anh ta đắp lên người mình.

    Và ngay cả hai tên buôn đồ cổ có vẻ thật kính cẩn cởi mở kia, nhưng ngay tức khắc lại có thể biến thành kẻ sát nhân khi bị đụng chạm đến lợi ích của mình. Chi tiết cậu bé mắc kẹt chiếc tay mình trong chiếc bình cổ chẳng khác nào một câu ma chú mở ra cánh cửa dẫn đến góc khuất của tâm hồn mỗi người. Hai gã buôn đồ cổ sẵn sàng dí dao vào cổ chú bé, tia máu phun cả vào nhà sư. Nguyễn Huy Thiệp đã tái hiện chân dung những con người quay lưng với lại với chính mình, vỏ bọc bên ngoài có thanh nhã đến đâu cũng không thể thay thế được bản chất vốn vô đạo, hèn nhát, ích kỷ bên trong. Khi chú bé gặp nạn, nhà sư, nhà giáo, nhà thơ im lặng! Thiếu phụ khóc lóc rên rỉ. Hành động nghĩa cử cao nhất dừng lại ở chiếc nhẫn của chàng trai đưa cho tên buôn, và cũng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ lay động tâm hồn cô gái: "Cô biết, cô sẽ yêu anh mãi mãi".

    Và rồi điều gì sẽ xảy đến với cậu bé xấu số? Liệu rằng sẽ có một bước ngoặt nào khiến ta phải thay đổi cách nhìn về ai trong số họ? Hành trình sang sông ngắn ngủi nhưng chòng chành ấy liệu có nhân vật nào đến được "cái bờ bên kia" của cuộc đời mình không? Tất cả sẽ được giải đáp trong tác phẩm này!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...