[Truyện Ngắn] Cuộc Gặp Gỡ - Octavio Paz

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thủy Tô, 1 Tháng bảy 2025 lúc 12:47 PM.

  1. Thủy Tô

    Bài viết:
    51
    Truyện ngắn: Cuộc gặp gỡ

    Tác giả: Octavio Paz


    *

    Vào lúc về đến nhà mình và chủ yếu trong thời điểm mở cửa mình thấy mình đi ra. Quá ư tò mò, mình quyết định đuổi theo mình. Kẻ lạ mặt- mình viết từ này có suy nghĩ- xuống cầu thang gác tòa nhà, bước qua cửa rồi ra ngoài đường. Mình muốn đuổi kịp y, nhưng y đã rảo bước đi nhanh chóng đúng bằng chính cái nhịp mình đang vội vã đuổi theo, thành thử khoảng cách giữa hai người luôn không thay đổi. Sau một lúc đi bộ, y dừng lại trước một cửa hàng ăn nhỏ rồi bước vào qua cánh cửa sơn đỏ. Mấy phút sau đó, mình đã ngồi trên chiếc ghế bất kì loại nào. Trong lúc chờ rượu tới mình đảo mắt nhìn quanh từ hàng chai rượu xếp trên giá hàng, chiếc gương, tấm thảm sơn rách, những chiếc ghế mục, một đôi nhân tình đang nhỏ to nói chuyện với nhau. Bỗng mình quay lại, chăm chú nhìn y khá lâu. Y đỏ mặt, lúng ta lúng túng. Trong khi nhìn y mình nghĩ (với niềm tin chắc rằng y nghe được những suy nghĩ của mình) rằng: "Không, ông không có quyền. Ông đến hơi chậm một chút đấy. Tôi ở đấy trước ông. Không lấy cớ giống nhau được bởi không nói về sự giống nhau, mà về sự thay thế nhau. Nhưng tôi muốn rằng chính ông giải thích..".

    Y cười một cách yếu ớt. Hình như y không hiểu. Y bắt chuyện với người ngồi bên cạnh. Mình làm chủ được cơn giận rồi, lúc này mới vỗ nhẹ vai y, nói:

    - Chớ có mà làm ngơ như thế. Đừng giả bộ khờ đi.

    - Tôi xin ông thứ lỗi cho. Thưa ông tôi không quen biết ông! - Mình muốn nhân cơ hội y lúng túng lột luôn cái mặt nạ của y:

    - Hãy xứng đáng là trang nam nhi, ông bạn. Hãy có trách nhiệm với hành động của mình. Tôi sẽ dạy cho ông bạn biết không nên nhúng mũi vào nơi không được gọi..

    Với một điệu bộ thô bạo, ông ta ngắt lời mình:

    - Ông nhầm rồi. Tôi không hiểu ông muốn nói gì.

    Một khách hàng góp lời:

    - Có thể là một nhầm lẫn. Hơn nữa, những lời lẽ ấy không phải là cách thức xử sự với nhau. Tôi biết ông đây và ông đủ khả năng để..

    Y cười đắc chí lắm. Y còn dám thân mật vỗ lưng mình:

    - Rõ là kì ngộ, hình như tôi đã thấy ông trước đây rồi. Tuy vậy vẫn không thể nói là ở đâu.

    Y bắt đầu để ý đến mình, hỏi đủ chuyện: Nào tuổi thơ mình ra sao, nào hiện nay mình sống thế nào và một số chi tiết của cuộc đời mình. Nhưng không có gì trong số những điều mình kể khiến y nhớ mình là ai. Mình phải bật cười. Tất cả chúng mình đều thấy thân thiện với nhau. Chúng mình uống một vài chén rượu. Y hào hiệp nhìn mình:

    - Thưa ông, ông là người ngoại quốc, không chối được. Nhưng tôi sẽ bảo vệ ông. Tôi sẽ dạy cho ông biết Mexico là cái gì.

    Sự bình thản của y khiến mình thất vọng. Nước mắt lưng tròng, nắm lấy hai ve áo y mà giật, mình thét:

    - Có thật là ông không quen tôi? Ông không biết tôi là ai sao?

    Y thật lực đẩy mình ra:

    - Đừng có mang những chuyện dở hơi ấy đến cho tôi. Chớ có chọc tức tôi và kiếm chuyện cãi cọ!

    Tất cả đều khó chịu nhìn mình. Mình đứng dậy, bảo họ:

    - Tôi sẽ giải thích cho các ông. Ông này đã lừa dối các ông. Ông này là một tên bịp bợm.

    - Ông là thằng hèn và một kẻ mất thăng bằng.

    Mình xông lên đánh y. Bất hạnh thay, mình trượt chân ngã sõng soài. Trong lúc mình cố gượng đứng dậy dựa lưng vào quầy hàng thì y cứ thế mà đấm vào mặt mình. Y đánh mình với cả nội lực căm giận, không hề nói một lời. Chủ quán can thiệp:

    - Thôi đi, hãy tha cho ông ta. Ông ta say rồi mà.

    Mọi người xúm lại tách chúng mình ra. Người ta ôm hờ lấy mình và lẳng mình xuống suối.

    - Nếu còn trở lại, chúng ông sẽ gọi cảnh sát.

    Quần áo mình rách bươm, cái miệng sưng vêu, lưỡi khô. Mình khạc nhổ thật là vất vả. Thân thể mình đau điếng. Mình bất động thật lâu. Mình cứ tìm một hòn đá, một thứ vũ khí. Mình không thấy gì hết. Phía bên trong vẫn cười và hát inh ỏi. Mình cảm thấy đơn độc, bị trục xuất khỏi thế giới của những người đàn ông. Sự trả thù đã thay thế cho sự cuồng nộ. Không, tốt hơn hết là mình nên về nhà chờ dịp khác. Mình đi chậm lại. Trên đường, mình nghĩ rằng mình mới phát hiện ra: Nếu không phải là y mà lại là mình thì sao?

    *

    Vài điều ngẫm nghĩ:

    Có phải nhân vật "mình" (tôi) đang trải qua một giấc mơ trong giấc mơ lớn hơn là cuộc đời thực? Tôi nhớ đến câu hỏi của Descartes: Làm thế nào ta biết mình đang mơ? Ta đang sống cuộc sống thực hay chỉ là một tâm trí được tạo ra nhờ một cỗ máy nào đó, được lập trình sẵn và tất cả mọi thứ xung quanh ta là ảo ảnh? Nhưng bất kể liệu ta có đang mơ hay không, ta vẫn đang tồn tại, dù ta không biết về hình thái tồn tại thực sự của mình, vì ta có cảm giác, có ý nghĩ: "Tôi tư duy nên tôi tồn tại." Nhân vật "mình" có suy nghĩ, có kí ức, biết đau xót đến rơi nước mắt khi không được thừa nhận và bị coi là một sự lừa dối, một tồn tại không có thật. Vậy thì không thế nói sự tồn tại của nhân vật này chỉ là ảo ảnh.

    Nhưng một "mình" khác mở cửa bước ra từ ngôi nhà "mình", vừa xác nhận là đã gặp nhân vật kể chuyện, vừa không có một kí ức gì về nhân vật này và phủ nhận mình không quen biết, rốt cuộc là ai? Ta chỉ có thể suy đoán ra một phương án khả dĩ từ câu hỏi của nhân vật tôi ở cuối truyện: Đó là sự phân thân, một cái tôi khác trong cái "mình". Sự phân thân, chất vấn lẫn nhau của những cá nhân khác nhau trong cùng một con người không phải là điều hiếm gặp. Chính nhà văn Octavio Paz cũng có lần viết về điều này trong một bài diễn văn: "Kẻ địch sống trong ta, cuộc chiến đấu chống lại nó cũng là chống lại chính ta." Khi ta chống lại chính ta có nghĩa là ta vật lộn với những bản năng, những hoài nghi về bản thân, những suy nghĩ trái chiều của chính mình về thế giới. Đó là một cuộc giằng co thực sự khốc liệt, đặc biệt khi con người ta nhìn thấy quá nhiều hình ảnh đẹp đẽ bên ngoài, đối diện với những lựa chọn mang tính quyết định trong cuộc đời mình, một câu hỏi bỗng nảy sinh: "Rốt cuộc ta là ai?". Những mâu thuẫn bên trong có thể dẫn đến một cuộc xung đột để quyết định đâu là "hình", đâu là "bóng" và có khi một phần nào đó trong ta bị khuất phục, bị đè nén vào vùng tối vô thức.

    Ban đầu nhân vật "mình", cũng là người kể chuyện, rất chắc chắn về sự tồn tại của mình, rằng kẻ kia là giả mạo. Nhưng sau cuộc xung đột, "tôi" lại hoang mang liệu mình có phải là kẻ địch kia, kẻ địch kia hay chính là mình. Đó như một sự lung lay trong nhận thức về bản ngã. Ví dụ rõ nhất cho điều này là câu hỏi: Làm sao tôi chứng minh được "tôi" mới là chính tôi thực sự? Nếu "tôi" không phải là "tôi" thì ai đang sống và ai là "tôi"? Làm sao tôi biết được tôi mới là chủ nhân thực sự của tên mình, của gương mặt và cơ thể mình? Nếu loại bỏ những nhân cách khác trong "tôi" thì "tôi" có còn toàn vẹn? Nếu một lúc nào đó tôi thay đổi thì tôi có còn là tôi? Nếu một lúc nào đó tôi gặp người giống hệt tôi về cái tên và cơ thể thì điều gì giúp tôi phân biệt bản thân mình với họ, ngoại trừ ngày sinh và nơi ở? Việc tốt nhất mà một tác phẩm văn học có thể làm là đặt ra những câu hỏi. Và Octavio Paz là người thực sự rất thành công trong công việc này.

    Dường như cuộc xung đột nội tại và những chất vấn đó là cần thiết trong hành trình tìm kiếm bản thể. Nhưng một điều cũng quan trọng không kém là thừa nhận sự đồng tồn của những điều khác biệt. Nếu "mình" và sự phân thân của "mình" không đánh nhau, tìm cách trả thù nhau thì đã không có việc một bên bị phủ định hoàn toàn, bị đẩy ra rìa xã hội. Điều ta cần làm để chung sống với chính mình và người khác chính là công nhận (chứ không phải phủ nhận) sự tồn tại của nhau, tôn trọng những điều khác biệt của nhau. Mọi sự tồn tại có lẽ đều có lý lẽ riêng của nó. Ta là con người. Và con người vẫn luôn phức tạp như vậy. Một bài toán thách thức sự giải đáp của chính ta.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...