Làng biển Sa Động, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới không chỉ nổi tiếng bởi sự trù phú, giàu có nhờ nghề đi biển, mà Sa Động còn nổi tiếng khắp cả nước với bộ xương cá voi khổng lồ thờ ở đình làng lớn nhất Miền Bắc một thời. Người Sa Động còn chạm khắc hình ảnh Bác Hồ kính yêu lên đốt xương cá voi thờ ở đình làng với sự thành tâm và biết ơn sâu sắc. TRUYỀN KỲ VỀ CÁ ÔNG VOI Đến Sa Động, tìm hiểu về ngôi đình làng, nơi nhiều đời nay thờ cúng Ngài cá Ông (cá voi) và cũng là nơi duy nhất có hình ảnh của Bác Hồ được khắc trang trọng ở đốt xương cá, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện truyền kỳ liên quan đến sự kiện cá voi khổng lồ bị mắc cạn ở cửa sông Nhật Lệ nhuốm màu sắc tâm linh.. Các cụ cao niên ở Sa Động, Bảo Ninh kể lại rằng, vào một ngày tháng 4 âm lịch, thời hoàng đế Gia Long (1802 – 1820), ngư dân đi biển trong vùng phát hiện có một con cá voi khổng lồ không biết từ đâu trôi dạt vào gần cửa sông Nhật Lệ và bị đuối sức. Ngư dân vạn chài sinh sống hai bên bờ huy động hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ để đưa Ngài vào bờ, nhưng vì Ngài quá lớn, lúc này gió nam đang thổi rất mạnh, xung quanh có nhiều đàn cá xà, cá mập hung dữ đang vây quanh nên ngư dân đành bất lực đứng nhìn Ngài bị mắc cạn. "Không thể để Ngài bị mắc cạn được, bằng mọi giá phải đưa được Ngài vào bờ để chôn cất, thờ phụng". Nghĩ đến điều thiêng liêng đó, có một ngư dân người xã Cừ Hà (xã Bảo Ninh ngày nay) tên là Khóa Thép đã thắp một nén hương rồi và khấn lớn: "Ngài linh thiêng thì nổi gió nồm và dâng nước lên cao để con dân đưa Ngài vào bờ chôn cất và thờ phụng Ngài" . Sau khi Khóa Thép vừa dứt lời, lập tức ở đằng đông, trời nổi gió nồm rất lớn, rồi nước biển dâng cao đẩy Ngài vào được bờ, trong khi xung quanh Ngài từng đàn cá dữ vẫn dày đặc chưa chịu buông tha. Sau khi xác Ngài được nước biển đẩy vào bờ, ngư dân vùng Đồng Hải, Đồng Thành (Đồng Mỹ và Hải Thành ngày nay) và ngư dân vùng Cừ Hà, Sa Động đều tranh nhau muốn đưa Ngài về làng mình để mai táng. Tranh cãi một hồi, các bậc cao niên hai bên đã thống nhất cách phân xử bằng cách cùng buộc dây vào Ngài để thi nhau kéo và giao cho ông Khóa Thép làm trọng tài. Khi ông Khóa Thép dứt câu hò, vùng nào thắng sẽ được quyền chôn cất, thờ phụng Ngài. Tuy đã thống nhất phương án thi đấu, nhưng do lúc đó xung quanh xác Ngài, lũ cá dữ vẫn còn bu lấy, không chịu buôn ra, nên ông Khóa Thép lại thắp hương và khấn lớn "Ngài có linh thiêng thì cho các loài cá dữ lui ra.." . Ông Khóa Thép vừa khấn xong, lập tức đàn cá dữ đã đi hết. Các bên đều thống nhất cử ông Câm người ở xứ Tam Tòa lặn xuống nước buộc dây quanh mình Ngài. Thanh niên, trai tráng các làng vạn chài Đồng Hải, Đồng Thành (bên tả ngạn) và ngư dân vạn chài các làng Sa Động, làng Cừ Hà (hữu ngạn) bên nào cũng quyết tâm giành chiến thắng để được đưa Ngài về làng mình chôn cất. Hai bên bờ, bà con ngư dân trong vùng kéo đến đứng chật cả một khúc sông để reo hò, cỗ vũ cuộc thi. Sau khi ông Khóa Théo vừa hô lớn: "Dô hò! Hò dô hò! Hai bên cùng kéo mạnh nào. Bên bền thì ở lại. Bên bở thì đi đi. Dô hò, là dô, dô hò!", thì dân vạn chài làng Sa Động và Cừ Hà đã kéo đứt dây làng Đồng Hải, Đồng Thành và giành chiến thắng. Do làng Sa Động có nhiều thuyền làm nghề đi khơi, còn làng Cừ Hà chủ yếu làm nghề đi lộng nên Sa Động đã được ưu tiên chôn cất Ngài ở đất làng mình. Xung quanh lý do giúp ngư dân các làng Sa Động, Cừ Hà giành chiến thắng, có người kể thêm rằng, do Ngài không muốn về bên phía tả ngạn sông vì ở đó đất bùn lầy bẩn, mà lại muốn về phía hữu ngạn có nhiều động cát trắng sạch sẽ, nên khi hai bên thi nhau, Ngài đã bí mật cho thị vệ cắn dứt dây của ngư dân vùng tả ngạn để cho phía hữu ngạn giành chiến thắng.. Sau khi kéo được xác Ngài vào bến sông Sa Động, ngư dân ở đây đã cho đào một kênh lớn ở mép sông, kết hợp với nước thuỷ triều dâng cao và dùng tời tay đưa Ngài vào sâu trong động cát, rồi dung cây đóng cừ chắn ở phía ngoài và chở đất sét ở Mũi Sát về đắp kè ngăn phía mép biển để bảo vệ mộ của Ngài. Từ khi chôn xác Ngài ở đây, trên mặt sông lúc nào lênh láng mỡ, đến 10 năm sau, nước sông mới trở lại xanh trong. Cũng theo các cụ cao niên ở Sa Động kể lại, sau khi người Sa Động đưa xác Ngài về đất mình chôn cất, vua Gia Long đã có sắc phong cho Ngài là "Trung đẳng thần Nam Hải" và ban cho các vùng biển đều có lập đền thờ cúng Ngài. Thực hiện sắc phong do vua ban, vào năm 1822, năm thứ 3 đời Minh Mạng, người Sa Động đã huy động đàn ông, trai tráng ra khơi đánh cá 10 ngày liền lấy tiền và góp công, góp sức xây dựng lăng thờ Ngài. Lăng xây xong, người làng Sa Động đã bốc mộ Ngài đưa hài cốt vào thời ở lăng của làng. ĐỐT XƯƠNG CÁ ĐỘC ĐÁO KHẮC HÌNH CỦA BÁC Lăng thờ Ngài được người Sa Động xây dựng với khuôn viên 1.200m2 trên động cát dựa lưng vào luỹ Truờng Sa, mé trước đất đồn Sa Phụ, mặt hướng ra vùng ngã ba nơi sông Nhật Lệ hợp lưu với sông Luỹ. Để chọn vùng đất hợp nhất, đặt lăng thờ Ngài, người Sa Động cũng đã bàn bạc rất kỹ lưỡng và chọn hướng lăng quay mặt ra vùng ngã ba sông với mong muốn đời đời mạch nguồn của làng luôn được thông suốt, tinh khiết, con cháu ngày càng ăn nên làm ra từ nghề đi biển.. Cấu trúc của lăng thờ Ngài có chiều dài 10m, rộng 6m, phía sau có hậu tẩm dài 3m, rộng 3m, sâu 2m. Lăng có 3 gian, kiến trúc theo lối nhà rường của người Việt Quảng Bình, với 2 vài bằng gỗ lim, có chạm trỗ, trước tiền đường có 3 bộ cửa bàn khoa, cấu trúc so đũa, phía trên có bức hoành phi khắc 3 chữ Hán "Sa Động lăng", phía trước có 4 cột bằng gạch có đắp rồng chầu quấn quanh. Trong lăng, hai bên bàn thờ có 2 câu đối bằng chữ Hán "Trung đẳng thần Nam Hải vi phúc muôn dân/Lập lăng phụng sự Ngài ân đức vạn tuế". Tường lăng được xây bằng gạch nung, trên 4 mái cong có rồng chầu, còn mái lăng được lợp ngói âm dương. Trên nóc lăng có 2 con rồng chầu nguyệt, chính giữa là hình mặt nguyệt âm dương. Xung quanh lăng có thành bao bọc, ở cửa ngọ môn có 2 trụ cao hơn 3m, trên mỗi trụ có chạm khắc sư tử đứng chầu, trước 2 trụ đắp 2 câu dối: "Trường Sa cát trắng gió mát lành/Nhật Lệ tứ thời nước trong xanh". Từ khi có lăng thờ Ngài, hàng năm, vào dịp ngày Rằm tháng Tư, người Sa Động lại tụ hội về lăng để tổ chức Lễ hội cầu mùa. Trong Lễ hội, ngoài nghi thức cúng tế Ngài và các thần linh đã phù hộ, độ trì cho ngư dân những mùa ra khơi bội thu và cầu mong một mùa ra khơi mới đầy thắng lợi, người Sa Động còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian, như tổ chức bơi thuyền, múa chèo cạn, múa bông, hát hò khoan, thu hút đông đảo người dân khắp các vùng về xem. Một trong những tiết mục trung tâm của Lễ hội cầu mùa ở Sa Động từng làm say lòng bao nam thanh, nữ tú khắp nơi, đó chính là trình diễn hò khoan đối đáp và hò khoan chèo cạn. Khi tiết mục hò khoan - chèo cạn đến độ cao điểm, thì đội múa bông của các chàng trai xuất hiện. Họ múa lượn, xếp hàng chữ, rồi chồng người lên nhau 2, 3 tầng theo hình các bông hoa. Chủ đề xếp chữ mỗi đêm lễ hội khác nhau, đêm 14, xếp chữ "Thiên hạ thái bình", đêm 15, xếp chữ "Thuỷ bình ngư lợi" và đêm 16, xếp chữ "Cầu ngư đắc lợi".. Không chỉ thờ Ngài ở lăng rồi sau này thờ thêm thành hoàng của làng, trong những năm kháng chiến chống Pháp ác liệt, lăng làng Sa Động còn là nơi trú ẩn an toàn của nhiều cán bộ cách mạng và bộ đội về Bảo Ninh hoạt động, công tác. Năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ ác liệt, Bảo Ninh nói riêng và cả Đồng Hới nói chung liên tiếp bị máy bay và tàu chiến Mỹ bắn phá, lăng thờ Ngài ở làng Sa Động đã bị trúng bom và hư hỏng hoàn toàn, tuy nhiên, với sự thành tâm cao độ, dưới mưa bao, bão đạn, bất chấp đến tính mạng, ngư dân Sa Động vẫn bảo vệ vẹn toàn bộ xương cá voi quý giá của mình. Năm 1968, Trung ương có cử một đoàn công tác vào Quảng Bình mượn bộ xương cá voi đang thờ tại lăng làng Sa Động đưa ra Miền Bắc để trưng bày và nghiên cứu. Chấp hành lệnh của cấp trên, người Sa Động đồng ý cho Trung ương mượn bộ xương cá, chỉ giữ lại 2 đốt xương lớn để thờ, trong đó 1 đốt có chạm khắc hình ảnh Bác Hồ. Năm 1995, sau mấy chục năm lăng bị đánh sập, bao thế hệ người Sa Động đã quyên góp công sức, tiền của xây dựng lại lăng ngay trên nền đất cũ, tuy nhiên do kinh phí còn hạn hẹp, nên quy mô của lăng còn hạn chế so với lăng được xây trước đây. Có được lăng mới, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, người Sa Động đưa 2 đốt xương của Ngài còn giữ lại vào thờ trang trọng ở gian chính, thờ thêm thành hoàng làng và thờ hình ảnh Bác Hồ được chạm khắc trên 1 đốt xương cá, để thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Bác đã đem đến cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho cả đất nước, cả tỉnh, cả Bảo Ninh nói chung và làng biển Sa Động nói riêng.. Hiện nay, người Sa Động đã biết bộ xương cá voi ngày trước của làng mình vẫn còn nguyên vẹn và được trưng bày ở Phân viện Bảo tàng Biển Việt Nam, tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Đó cũng chính là niềm tự hào, niềm tin và động lực to lớn để người Sa Động ngày càng đoàn kết bám biển và phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.