Truyện đồng thoại là gì?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 1 Tháng tư 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Truyện đồng thoại là gì? Đặc trưng, vai trò của truyện đồng thoại

    Truyện đồng thoại là gì?


    Theo nghĩa Hán Việt, "đồng" nghĩa là trẻ em (trong từ nhi đồng, mục đồng, đồng tử...); "thoại" là câu chuyện (trong từ giai thoại, lời thoại, đối thoại...). Như vậy, truyện đồng thoại là sáng tác truyện cho trẻ em.

    [​IMG]

    Thực chất khái niệm truyện đồng thoại bắt nguồn từ Trung Hoa. Nhưng nếu ở Trung Hoa, truyện đồng thoại gồm cả truyện dân gian và truyện hiện đại viết cho thiếu nhi thì người Việt Nam dùng khái niệm truyện đồng thoại theo hướng chỉ một thể loại tự sự hiện đại dành cho trẻ em. Vậy nên, chúng ta không đồng nhất truyện đồng thoại với truyện cổ tích hay ngụ ngôn... trong văn học dân gian (dù đều viết cho trẻ em và có nhiều đặc điểm chung).

    Bài học đầu tiên trong chương trình ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống có nhắc đến khái niệm này như sau:

    Truyện đồng thoại là truyện viết cho trẻ em, có nhân vật là loài vật hoặc đồ vật được nhân cách hóa. Các nhân vật này vừa mang những đặc tính của loài vật hoặc đồ vật, vừa mang đặc điểm của con người. (Theo khái niệm Truyện đồng thoại Ngữ văn 6).

    Ví dụ về truyện đồng thoại – Kể tên một số truyện đồng thoại

    Các truyện đồng thoại Việt Nam: Truyện đồng thoại Tô Hoài: Dế Mèn phiêu lưu kí ; Truyện đồng thoại Võ Quảng: Bài học tốt, Những chiếc áo ấm, Cái mai ; ngoài ra còn có: Cái Tết của Mèo con (Nguyễn Đình Thi), Cuộc phiêu lưu của những con chữ (Trần Hoài Dương) Chuyện kể của Tun (Võ Văn Trực); Khu vườn hạnh phúc (Nguyễn Thái Hải); bộ ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh...

    [​IMG]

    Các truyện đồng thoại nước ngoài: Truyện cổ Grim, An-đéc-xen, Hoàng Tử bé của Antoine de Saint-Exupéry (Pháp), Gió qua rặng liễu của Kenneth Grahame (Anh), Những cuộc phiêu lưu của cô gà mái Emma của Claudine Aubrun (Pháp)

    Trong chương trình thay SGK mới, truyện đồng thoại được chú trọng đưa vào giảng dạy. Các truyện đồng thoại lớp 6 có: Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài) với đoạn trích "Bài học đường đời đầu tiên"; Hoàng Tử bé (Ăng-toan đơ Xanh-tơ Ê-xu-pe-ri- Pháp) với đoạn trích "Nếu cậu muốn có một người bạn", "Chuyện con mèo dạy hải âu bay" Luis Sepúlveda (Chi Lê).

    Phân loại truyện đồng thoại:

    Dựa vào hệ thống nhân vật chính, truyện đồng thoại có thể chia làm ba loại:

    - Loại 1: nhân vật chính là nhân vật thần kì, thần tiên, ma quỷ;

    - Loại 2: nhân vật chính là loài vật, đồ vật được nhân cách hóa;

    - Loại 3: nhân vật chính là những con người bình thường.

    [​IMG]

    Đặc trưng của truyện đồng thoại:

    Cốt truyện: Cốt truyện là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất của truyện. Cốt truyện bao gồm các sự kiện chính được sắp xếp theo một trật tự nhất định: mở đầu, diễn biến và kết thúc.

    Ví dụ: Trong truyện "Bài học tốt" (Võ Quảng): mở đầu là sự kiện Rùa ra đi tìm đảo Rùa vàng; diễn biến là hành trình của Rùa; kết thúc là chi tiết Rùa bị ngã đau và dấu tích để lại trên mai Rùa.

    Nhân vật: Nhân vật trong truyện đồng thoại có thể là con người, có thể là cac loài vật, con vật được nhân cách hóa như con người.

    Trong truyện đồng thoại, từ các loài vật chim chóc, thỏ, rùa, con ong, cái kiến, hoa lá, cỏ cây đến các đồ vật như bàn, ghế, nồi niêu... đều được nhân cách hóa thành những nhân vật có tư tưởng, có tính cách, hành động và lời nói.

    Người kể chuyện: người kể chuyện trong truyện đồng thoại có thể là người trực tiếp tham dự vào sự phát triển của cốt truyện và kể lại câu chuyện với ngôi thứ nhất (xưng tôi); người kể chuyện cũng có thể giấu mình (ngôi 3) kể lại một cách khách quan câu chuyện đó.

    Ví dụ: Trong "Dế Mèn phiêu lưu kí" (Tô Hoài), người kể chuyện là ngôi thứ nhất, trong "Những chiếc áo ấm", "Bài học tốt" (Võ Quảng) người kể chuyện là ngôi thứ ba.

    Lời người kể chuyện và lời nhân vật:

    Trong truyện đồng thoại, lời người kể chuyện đảm nhận lại việc thuật lại các sự việc trong truyện, thuật lại hoạt động, suy nghĩ, lời nói, miêu tả cảnh vật... Còn lời của nhân vật là lời đối thoại với các nhân vật khác, hoặc độc thoại với chính mình. Lời người kể chuyện và lời nhân vật đan xen lẫn nhau.

    Vai trò của truyện đồng thoại Việt Nam:

    - Trong nền văn học dân tộc, truyện đồng thoại hiện đại có ý nghĩa đóng góp vào việc duy trì và phát triển một thể loại đã có (ngụ ngôn, cổ tích), đồng thời còn mang đến nhiều nét mới mẻ, hiện đại. Ví dụ, thế giới loài vật được đặt trong quan hệ với cuộc sống của con người hiện đại, câu chuyện không còn là cái "ngày xửa ngày xưa" xa vời nữa mà gần gũi với hiện tại. Có những truyện, nhà văn còn gửi gắm vào tác phẩm một vài vấn đề thời sự của chính cuộc sống hôm nay.

    - Truyện đồng thoại còn truyện đồng thoại có khả năng khơi dậy ở trẻ em trí tưởng tượng bay bổng, sức sáng tạo bất ngờ, những tình cảm tốt đẹp, những cảm xúc thú vị...Xét về phương diện này, truyện đồng thoại đảm nhiệm ba chức năng: giải trí, giáo dục và thẩm mĩ.

    Đặc biệt, truyện đồng thoại còn có khả năng giúp cho các em hóa thân vào nhân vật, sống trong thế giới của những tưởng tượng diệu kì, cảm nhận thế giới đồng thoại như cuộc sống của chính mình.

    Có thể nói, truyện đồng thoại hiện đại Việt Nam sau hơn nửa thế kỉ phát triển đã gắn bó với đời sống tinh thần của trẻ em Việt Nam, góp phần tham gia vào quá trình giáo dục trẻ em trong nhà trường; khơi nguồn cảm hứng cho sáng tạo văn học và tạo nên vẻ đẹp của văn học Việt Nam trước văn trường thế giới.
     
    Dana Lê, Tiên Nhi, Lagan27 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng tư 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...